Những vồng mây lãng du vắt ngang qua bầu trời cuối xuân cao tít, như trêu tức những người nông dân. Ðồng lúa đang độ trổ đòng, thế mà đất nẻ chân chim khát cháy lá, ngắc ngoải chờ những giọt mưa đầu mùa. Nhưng mây vẫn một hành trình lang thang, nhởn nhơ rồi mất hút về phía trời tây. Vườn cây trái của Liễu đang rủ lá héo xàu. Một mình đứa cháu không tưới nổi. Giếng nước sầu bi sắp sửa tắc mạch. Nếu những đám mây kia không dừng lại, không đen lên để gieo nước xuống mảnh vườn cô quạnh này, coi như mùa trái cây năm nay phủi sạch.
Ngẫm đời mình chẳng khác mảnh vườn khô hạn. Có khi còn rách nát, thảm hơn, giống những tàu lá chuối sau cơn giông bão, đánh đập te tua. Nhiều khi, Liễu chẳng muốn tiếp xúc với ai. Mái tóc ấy vẫn óng mượt, tôn thêm vẻ thanh tao của khuôn mặt, nhưng đôi mắt bao giờ cũng tràn ngập hoàng hôn, lắm lúc thẫn thờ, thoáng buồn xa xăm, cứ lặng lẽ u trầm như bóng hình tu sĩ. Dẫu có nhiều người đến tặng quà, hỏi thăm, rồi phỏng vấn, viết bài đăng báo, đọc trên đài phát thanh ca ngợi Liễu, nhưng Liễu thấy lòng se sắt! Nhiều đêm Liễu khóc, nước mắt lọt vào vành tai nóng hổi. Kỷ niệm thời qua cứ chập chờn ẩn hiện.
Một vùng quê tuy xa xôi nhưng với bao sôi nổi, tự hào đáng nhớ của tuổi thơ. Cả vùng Tà Dinh người ta truyền miệng câu "Cha mẹ cú đẻ con tiên" nhằm chỉ cha mẹ Liễu. Mẹ dáng người thô, cha mặt rỗ, chân đi chữ bát, nhưng sinh con xinh đẹp. Quả Liễu đẹp thật, đẹp đến sững sờ thiên hạ! Những năm về thị xã học, có khối chàng theo. Chiếc áo dài ngắn cũn cỡn chấm gối, trở nên nhẹ nhõm, dịu dàng qua làn da mịn mát. Nó trở nên khỏe khoắn và hấp dẫn bởi vóc người thon thả. Không chỉ những bạn học theo đuổi, các "giáo sư" trung học đệ nhị cấp chưa vợ cũng lặng lẽ dè chừng nhau, có cơ hội bên Liễu là gieo những lời cất cánh, chập chờn úp mở đến xao xuyến lòng. ấy thế mà bạn bè, thầy cô lại được tin Liễu bỗng dưng bỏ học, mất tích đột ngột. Mãi về sau mới rõ.
Ðại úy cảnh sát chi khu trưởng phải lòng, theo đuổi, tỏ tình. Chính vì bám sát, theo đuổi để thổ lộ tình cảm ấy, nên y đã phát hiện những gì ẩn nấp bên trong chiếc cặp da... những bí mật lạnh người. Y đã nói rõ điều đó trong lần đón Liễu vào một chiều thứ bảy, khi Liễu đạp xe về nhà. Và sắc đẹp, dẫu không có uy thế về vũ lực, nhưng có sức mạnh chao đảo con tim, chuyển bại thành thắng, nên Liễu đã thoát khỏi bàn tay "công vụ" của đại úy cảnh sát chi khu trưởng, âm thầm bỏ học, đến với núi rừng, trong những năm khói lửa chiến trường dữ dội.
Liễu được giao nhiệm vụ theo dõi khối thanh niên trường học, nhằm vận động tổ chức những cuộc biểu tình. Con người ấy ở đâu cũng có sức hút kỳ lạ. Những chàng trai, từ du kích đến cán bộ, có dịp qua huyện, đều ghé thăm Thúy Liễu, để được mấy phút ngắn ngủi chiêm ngưỡng cái điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho. Biết bao trai trẻ khi chia tay không khỏi xao lòng, vương vấn!... Rồi Liễu được rút về tỉnh. Bốn tháng sau được cử đi học lớp võ thuật, chuẩn bị vào thành hoạt động.
Liễu vào thành hơn hai năm thì bị bắt: Lúc đầu, gặp lại người bạn học trước hai lớp, từng một thời theo đuổi Liễu, đang là sĩ quan bên ban thẩm vấn. Liễu cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng sau khi người ấy bị ám sát, tình thế không còn thuận lợi. Liễu bị tra khảo liên tục. Rồi đến cái đêm không bao giờ có thể quên được, mỗi lần nhớ lại: Liễu chợt rùng mình. Nửa đêm Liễu bị dựng dậy, đưa qua bên thẩm vấn. Lại những lời hỏi cung. Nhưng đêm nay cái giọng hỏi cung nghe ngọt ngào, dễ chịu. Lại có những tiếng cười đáng sợ. Cái hàng lông mép vâu ra, giới thiệu hai hàm răng trắng nhởn. Ðôi ve áo rung lên bần bật theo tiếng cười. Và hai bàn tay sàm sỡ ấy như con rắn hổ phù vồ lên người Liễu, áp cô vào tường. Mồ hôi vã ra lạnh ngắt...
- Ông làm cái gì thế?
Vẫn tiếng cười khùng khục rung lên khi hai hàm răng trắng hớn khoe ra:
- Thật sự tôi rất mến cô, tôi không muốn đời cô phải chôn xác nơi nhà tù. Nếu cô thuận lòng, tôi sẽ bảo lãnh cho.
Hắn áp vào và ôm cô, hai bàn tay mò tìm... Liễu phản ứng quyết liệt, vùng ra khỏi vòng tay hắn. Từ ngày học võ thuật, bây giờ đôi chân mới bắt đầu sử dụng, nhằm vào đống thịt kia vung mạnh: "Bộp", "hự". Hắn lảo đảo, rồi đứng trợn mắt nhìn:
- Ð. mẹ mày, sống không muốn, muốn chết.
Hôm sau hắn cho người đưa Liễu lên phòng tra tấn. Ðợt tra tấn lần này thật rùng rợn. Chúng xích hai tay cô và treo lên xà nhà, thoát y cô, rồi dùng những thân gỗ vuông nhằm vào đôi chân mà đánh. Ðôi chân tê buốt, nặng như đeo chì, không sao cử động được nữa. Chúng tháo dây xích, người cô mềm nhũn, ngã sóng xoài xuống sàn nhà. Cảm giác tê dại lan lên vùng bụng, vùng ngực, muốn ngợp thở. Toàn thân bải hoải, đầu choáng váng, rồi mê man.
Thời gian trôi qua thế nào không rõ. Khi tỉnh dậy, Liễu thấy đang nằm trong bệnh viện. Hai chân sưng tấy lên, nhức buốt tận đỉnh đầu. Liễu biết có người của nhà giam đang ngồi giường bên cạnh. Y tá vào chích thuốc, lặng lẽ. Sau này cô mới rõ, bệnh viện được chỉ thị không được chữa trị tận tình, chỉ chích đôi liều thuốc để cầm sức. Nghĩa là mặc cho thương tích phát triển. Ðến ngày thứ bảy, hai chân cô thâm đen, đôi chỗ chảy nước, nhức nhối không chịu được. Một ông bác sĩ cho cô biết:
- Chân cô đã bị hoại tử, nếu không tháo khớp sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Một luồng khí lạnh từ sống lưng chạy xộc lên óc. Liễu nhắm nghiền hai mắt. Mồ hôi vã ra.
Người ta đưa chị đi tháo khớp ngang đầu gối cả hai chân. Sáu ngày sau, họ tiếp tục cưa một đoạn nữa ở chân trái đến giữa bắp vế, vì bị nhiễm trùng.
Từ năm 1978, có ai đó đi ngang qua vùng Tà Dinh xa xôi này, nhìn vào căn nhà mới xây bên quận lộ, thấy một cô gái thường loay hoay vất vả với chiếc xe lăn trong vườn. Qua chiến tranh, cha mẹ, anh chị em chết hết, còn lại một mình, tàn tật, vò võ. Người ta xây cho Liễu ngôi nhà nhỏ, thật dễ chịu. Chị đưa đứa cháu gái gọi bằng cô về ở chung để chăm sóc vườn tược. Các phóng viên đài, báo vẫn lui tới để viết bài về chị. Chị chẳng mong điều đó. Chỉ có một người chị mong ngóng, hơn ba năm nay rồi từ sau giải phóng, vẫn chưa được gặp. Chị biết anh ấy đi học nước ngoài đã về hơn bốn tháng nay, đang giữ chức vụ lớn trên tỉnh. Nhưng rồi chị cảm thấy chán nản, không muốn người ấy đến. Ðến để làm gì? Thật là một sự trông mong khờ khạo, ngu ngốc, chẳng còn gì nữa! Liễu xem mình trong gương, khuôn mặt trở nên hồng hào. Chị biết đó là khuôn mặt đẹp. Ðôi mắt u buồn, một thoáng buồn hoàng hôn mênh mông ráng đỏ. Hai bầu vú trở nên căng tròn, chắc lại. Nhìn xuống đôi chân cụt, chị tê tái, hốt hoảng. Chị gục xuống thành giường và khóc. Khóc vì khiếp sợ khi nghĩ đến tình yêu.
Vào một buổi trưa, Liễu tựa lưng vào gốc sầu đông. Có nơi gọi cây sầu đâu, nơi thì gọi sầu đông. Vì mùa đông cành trơ trụi lá, u sầu. Nhưng nay giữa mùa xuân, hoa nở tím thế kia, rỡ ràng, sao vẫn còn mang tiếng sầu đông? Có lẽ nên gọi cây xoan thì hay hơn... Liễu ngước nhìn bầu trời, những võng mây lãng du dừng chân mơ màng... Những tháng ngày trong rừng, vào mùa có những võng mây như thế, em đã gặp anh. Lúc ấy, anh là sinh viên văn khoa, từ thành phố lên rừng hơn một năm, vừa lúc em từ huyện chuyển về tỉnh. Tất cả bắt đầu từ đó, từ cái mùa xuân có những võng mây vắt ngang nền trời. Em gọi mây nhã bừa. Còn anh, gọi đó là mây lãng du.
Liễu sắp sửa vào thành, Thuật chỉ biết Liễu có lệnh đi xa, không rõ đi đâu, cũng không dám hỏi. Ðêm chia tay, hai người ngồi trên mỏm đá bên bờ La Ngà chảy xiết. ánh trăng mười tám mơ màng đắp lên rừng cây sương phủ. Trăng lên cao. Dòng La Ngà lấp lánh ánh bạc. Một thân củi to chao đảo lềnh bềnh trôi lên mặt nước. Ðêm xuống lạnh. Thuật áp má vào tóc chị thì thầm:
- Biết khi nào gặp lại?
- Em trả lời sao được? Chiến tranh mà!
Rồi họ dịu dàng ôm nhau. Nước sông vẫn chảy. Vách đá lặng thầm. Rừng cây vẫn thế, hoang dã muôn đời. Thỉnh thoảng có tiếng nai lạc đâu đó dưới chân triền núi. Xa xa có tiếng bom rền. Lần đầu tiên trong đời, Liễu mới biết thế nào là nụ hôn, dịu ngọt, nồng nàn, dữ dội. Anh nói: "Biết ngày mai thế nào?". "Chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, em sẽ chờ. Thế còn anh?". "Vâng, anh chờ... Chỉ khi nào về với đất. Mà không, dẫu về với đất, anh vẫn chờ".
Hai giọt nước mắt lăn tròn trên má. Liễu nhìn những cánh hoa sầu đông rung rinh khi có những con ong đắp vào. Ðôi cánh hoa rơi nhẹ lên thảm cỏ, có cánh hoa rơi tõm vào bụi gai bên cạnh. Liễu nhìn chiếc xe con mầu trắng từ xa chạy đến, rồi chậm lại và dừng hẳn trước cổng vườn. Ðôi tay Liễu bỗng run lên. Họ đã ra khỏi xe. Người tài xế mở "cốp" vác ra chiếc xe lăn sườn i-nốc. Cái gì đến, nó sẽ đến. Bây giờ chị khóc thật sự. Anh ấy đến. Người tài xế đặt chiếc xe lăn tựa vào tường, rồi lảng ra vườn, vẫn nghe tiếng Thuật dỗ dành, động viên. Họ chuyện trò, nhưng không nhắc đến chuyện quá khứ, cũng không hứa hẹn gì đến tương lai. Thuật đến và đi, điềm đạm và nghĩa vụ.
Thời gian lạnh lùng. Liễu không muốn tiếp xúc với những người đến phỏng vấn, sợ người ta nói đến mình. Nhưng Liễu không còn ngồi yên mà khóc, mà tự dày vò. Chị vui với khu vườn. Một vườn rau quả sum suê, mát mắt. Ngày nào đứa cháu cũng chở hàng xuống chợ để bán. ý chí là vậy. Còn tâm trạng, những lúc soi gương, tưởng chừng như tiếng thủy tinh vỡ vụn, đang nghiền nát, cứ xoáy vào ngực, cứ váng vào đầu. Ngày qua ngày, chị thui thủi cầm hai chiếc ghế con, chống tay lết ra vườn nhổ cỏ. Nhìn chị như nàng cóc khổng lồ ẩn hiện dưới những tàn lá. Mấy hôm nay trời mưa, chị không ra vườn. Nghe đài báo, do ảnh hưởng bão, nên đêm nay có gió cấp sáu, cấp bảy. Bên ngoài, mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt. Chị khép cửa, chống tay lên hai chiếc đòn, lê mình xuống bếp nấu cơm. Ban sáng, đứa cháu về bên nhà, ngày mai mới đến. Càng về chiều, sức gió càng mạnh. Chị đang lo, lẽ ra không nên để đứa cháu về bên ấy trong lúc mưa bão thế này. Lết xuống bếp, bắt gặp chiếc xe lăn Thuật tặng xếp dựng bên tường, chị lại nhớ tới con người ấy. Gần hai năm rồi anh không đến. Nhưng có một lần cho người đem quà đến tặng, chị không nhận. Còn chị, vừa cảm thấy khổ đau, như oán hờn điều gì đó, vừa tủi thân, nước mắt không chảy, nhưng tưởng như có những vòng thép gai han rỉ lăn tròn lên số phận. Bỗng có tiếng gõ cửa, rồi tiếng gọi:
- Có cô Liễu ở nhà không?
Từ dưới bếp, chị nói vọng lên:
- Có. Em đây.
Cửa vừa hé, một người đàn ông mang áo mưa lách vào. Anh tháo mũ... Gió tạt vào. Anh với tay khép cửa. Chị ngờ ngợ... hay là... Thôi đúng rồi! Chị ngồi bất động trên chiếc ghế con.
Trọng! Người hoạt động cùng tuyến nội thành với Liễu. Họ thường gặp nhau ở điểm hẹn, để trao tin và tài liệu. Lúc ấy, Liễu thường lẫn vào đám nữ sinh với chiếc áo dài trắng. Liễu dịu dàng và lộng lẫy. Anh đã yêu. Những lúc ngồi bên nhau, anh đã biểu lộ gần xa tình cảm của mình. Liễu biết điều đó. Ðến khi Trọng thật sự ngỏ lời. Liễu mới nói rõ mình đã có người yêu, đã hứa hẹn rồi. Biết vậy anh vẫn yêu. Yêu rạo rực, chân thành. Bỗng Liễu bị bắt. Anh được chỉ thị đổi tuyến hoạt động và rời thành phố. Bặt tin nhau từ đó. Sau năm bảy lăm, anh xin về làm cho một tờ báo ở Trung ương. Thế mà sáu năm rồi, bây giờ gặp lại...
- Sao anh biết em mà tìm đến?
- Ghé tỉnh này lấy tin, tình cờ đọc được mấy tờ báo cũ. Ai hay quê em ở đây.
Trọng sục vào bếp, làm gà, nấu nướng với Liễu. Anh sôi nổi, rộn ràng. Anh lấy dao, lấy thớt, tìm mắm, giã ớt... vừa làm vừa nói, vừa hỏi, vừa cười, rôm rả. Khi ngồi vào bàn ăn, họ vui như cặp học trò sau ba tháng hè gặp lại. Họ nhắc chuyện xưa, rồi bao kỷ niệm. Có lẽ đây là lần đầu tiên sau ngày giải phóng. Liễu được cười, được vui như thế?
Bên ngoài gió mạnh hơn, rít vù vù, sợ vườn cây bị dập nát mất. Tiếng mưa lúc nặng lúc nhẹ như vãi cát lên mái nhà. Dẫu vậy, đối với Liễu, hơn ba năm rồi, căn nhà này mới có được phút giây trở nên bình yên, ấm áp như bây giờ. Thật dễ chịu, Trọng dành phần rửa chén, pha trà, Liễu chỉ biết ngồi nhìn, cảm động và thẫn thờ. "Sau đêm nay, biết đến khi nào mới tìm được không khí trong nhà thế nữa?". Họ ngồi nói chuyện rất khuya. Ðến lúc Trọng bế Liễu vào giường để nghỉ, chị còn bảo anh ngồi lại để tâm tình. "Anh đến, khiến em vui mừng quá!". Anh nhìn vào mắt Liễu: "Thế tại sao em lại khóc?". Chị không trả lời, nằm nghiêng lại, gác tay lên đùi anh. Giọt nước mắt rơi xuống gối. "Mỗi lần nhớ lại chiếc áo dài trắng, em tưởng như ngực mình đang vỡ ra từng mảnh. Ðời đã đặt lên số phận em một dấu chấm hết". "Em đừng nghĩ quẩn". "Một kẻ què quặt còn gì!". "Thà chấp nhận què quặt thể xác chứ không chấp nhận què quặt tâm hồn". "Anh động viên em đấy à?". "Anh nói chân tình". "Em khổ lắm! Chỉ còn một ước mơ duy nhất cũng sợ người khinh!". "Người nào lại dám khinh ước mơ của em?". "Biết đâu... cả người ngồi ngay bên cạnh". "Lạy chúa! Em nghĩ về anh như vậy?". "Không dám, nhưng em sợ...". "Thế anh có thể giúp gì cho em? Tiếp theo những tiếng ngập ngừng, rào đón, e thẹn, như phân thân giữa mộng và đời, bay lên giữa những ước mơ thánh thiện thiết tha rồi loãng vào trần tục xấu hổ, giữa tế nhị thiêng liêng và trơ trẽn phũ phàng, táo bạo. Quá khứ và hiện tại, nhân đạo và dã man, khổ đau và hạnh phúc... Tất cả chỉ có khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến - hiện thực cuộc đời. Chị nắm tay anh: "Em muốn được làm mẹ. Em muốn có một đứa con".
Trọng kinh ngạc, trợn tròn hai mắt: "Lẽ nào em lại... làm khổ mình như vậy? Một đứa con... chín tháng mang thai, rồi sinh nở, rồi nuôi dưỡng, bao điều cực nhọc. Em lại mang tiếng, lại tiếp tục khổ đau, bất hạnh". "Thôi! Anh đừng nói nữa. Em lường tất cả rồi. Ðó là hạnh phúc cho em. Có hạnh phúc nào không qua gian khó, khổ đau". Bên ngoài mưa vẫn vãi hạt trên mái nhà. Gió lồng qua khe cửa sổ. Ngọn đèn chao qua chao lại muốn tắt. Phải chăng từ mẹ Âu Cơ cho đến bao đời vẫn thế! Tiếng mưa hay những giọt đắng nhỏ vào bể trần ai? Ôi thân con gái, phút giây hạnh ngộ với đời... bồng bềnh và rùng rợn...
Ðến tháng thứ tư, xóm làng bắt đầu dị nghị. Rồi ban phụ nữ đến nhà tìm hiểu, chất vấn để biết tác giả của cái bầu ấy là ai, buộc chị phải khai báo. Họ lên án chị gay gắt. Nào chị là đảng viên, là người đang có uy tín, niềm tự hào của làng xã, được trọng vọng, kính nể, thế mà bỗng dưng "sa đọa", "hủ hóa"... Không ai bênh vực chị. Chị ngồi lặng yên, băng giá. Rồi gục mặt xuống bàn, chị khóc. Sau đó, người ta ít thấy các cơ quan đài, báo đến tìm chị để viết bài như trước.
Mãi bốn năm sau mới thấy một anh nhà báo Trung ương về ghé thăm. Bé Hồng Nhi rất thích những món quà anh mang đến. Anh ẵm và đùa với nó suốt từ sáng đến chiều. Rồi anh lại ra đi. Bé chạy theo tiễn anh đến đầu ngõ. Liễu ngồi trên chiếc xe lăn cuối sân, ngửa mặt nhìn trời. Bầu trời mênh mông trong vắt, chỉ đôi võng mây lãng du vắt ngang qua cuối chân trời, xa tít. Lại vào đầu hạ, Hồng Nhi lững thững quay vào. Liễu mơ màng tưởng như đôi chân mình đang được mọc thêm ra, mọc thêm ra... Ngoài kia, bóng anh ấy khuất dần sau đồng lúa. Ðồng lúa sắp trở vàng, chao sóng theo chiều gió. Ðất trời êm nhẹ. Một chiều quê. Chiều quê êm vắng, thanh bình.
Phan Thiết 1992
V.N

Xem Tiếp: ----