Người đàn ông lực lưỡng nằm chật chiếc giường trong phòng tẩm quất, đang thiu thiu ngủ, chợt vùng dậy: "Đấm bóp thế hả, biết huyệt gì không mà bấm loạn xì ngậu vậy!". Thắm giật thót người, giọng cô ríu lại: "Tôi... em, em xin lỗi...".Người khách nhìn trân vào mặt Thắm, có lẽ nhận ra nét sợ sệt chất phác của cô gái chân quê, bèn nằm xuống, và bất ngờ chuyển giọng dịu dàng: "Mới vào làm chứ gì, quê đâu?". Thắm càng cuống, nói không ra hơi: "Dạ, em ở... ở quê...".Ông khách phì cười, lật người nằm sấp:- Chưa thạo thì đấm, đấm mạnh vào, giở giời mỏi quá là mỏi.Sức vóc lực điền của cô gái thuần quê, cộng thêm một chút tủi thân, một tẹo ngượng ngập, khiến những cú đấm chắc nịch của Thắm cứ phầm phập bổ vào tấm lưng trần của khách. Được một lát, người này nhỏm dậy, thoả mãn:- Đủ rồi, cô đấm khoẻ lắm, đến trâu cũng ngoẻo. Tốt!Khách lại cười, nhìn Thắm ra chiều thông cảm, có ánh một chút thương hại:- Sao không ở nhà làm ruộng? Nghề này không hợp với cô đâu.Ông ta vuốt nhẹ má Thắm rồi đi ra. Thắm ngồi lặng đi. Câu nói của người khách lạ vô tình huyệt trúng tim cô làm dâng lên một cảm giác hờn tủi vô bờ. Sao mà hợp được, sức vóc dư thừa có đấm bóp cật lực vẫn nhàn sức nhưng Thắm không thể nào quen được với những thân hình đàn ông lạ, dù việc cô đang làm cũng chỉ là một thứ lao động thuần tuý. Quán cắt tóc- gội đầu- tẩm quất này, vốn chỉ phục vụ đám khách bình dân, công chức cấp thấp ít tiền và trong sạch đúng tất tật mọi nghĩa. Cô nhân viên ở ngăn riđô bên trong cũng đã trả khách, bước ra vỗ nhẹ vai Thắm:- Nghĩ ngợi làm quái gì. Tao trước cũng ấm ớ như mày thôi. Chưa biết, làm mãi sẽ thạo. Có công việc ở đây là quá tốt. Chỗ khác nhiều tiền, nhưng nó vần vò mình còn quá con vật. Xuống ăn cơm đi, tối muộn rồi!Bữa cơm đạm bạc là suất ăn được chủ quán miễn phí. Gọi đạm bạc nhưng nó chán vạn lần hơn bữa cơm quê của gia đình Thắm. Cơn mưa mùa đang quất ràn rạt, hắt cả nước vào cửa quán. Thắm là người thích mưa. Mỗi khi mưa trút, mái nhà lợp rạ của cô, nước đọt thành dòng theo giọt gianh tuôn xả bao giờ cũng gợi cho Thắm một nỗi niềm lâng lâng khó tả. Từ nhỏ, Thắm đã có thói quen ngồi ngoài hiên xem mưa. Nước từ giọt gianh đọt xuống giăng thành bức mành trắng trong suốt. Sân đất nện, thời gian và chân người bước đã khiến nó phẳng lì, nhẵn bóng...- Con hâm, nhớ con chứ gì? Ăn đi, kẻo có khách đến lại đói.Thắm lắc đầu, trệu trạo nhai. Con sao lại không nhớ, lúc ngủ, lúc ăn, lúc thòm thọp đấm cho khách, lúc nào Thắm cũng thấy hiện lên khuôn mặt thơ dại của con. Làm vợ từ năm mười bẩy tuổi theo lệ làng, hai mặt con, đứa đầu lên mười, đứa sau lên tám, nếp tẻ đủ cả, lẽ ra Thắm đã có thể yên ổn sống, nhưng...Chợt chị bạn giữ tay Thắm:- Ai như thằng Bân.Thắm rùng mình, nhận ra dáng Bân nhoè nhoẹt trong màn mưa mịt mùng dày đặc. Từ ngày tìm ra chỗ vợ làm, Bân thường đến ngồi ở hàng nước chè chén đối diện nhìn sang cho đến tận khi quán đóng cửa. Chiếu cố hoàn cảnh, chủ quán cho Thắm được ngủ lại, làm Bân càng tức điên. Vài lần, Bân đã xông vào hoạnh hoẹ gây sự với Thắm, nhưng ở đây loại tinh tướng ở xó làng như Bân thì làm gì nổi! Lần sau cùng, vì làm ầm ĩ, Bân bị người của quán tống cổ ra đường. Chị bạn dóng dả:- Mưa to thế, vẫn mò đến, thằng điên! Cho chết, cơm không ăn, ăn kít. Đận này, mày về làng thu xếp dứt điểm đi. Không thể thương được bọn đàn ông thối tha.Thắm im lặng bê mâm bát rếch vào bếp. Đang cọ rửa, thấy tiếng ồn ào cô vội bỏ đấy đi ra ngoài. Đúng như linh tính mách bảo, Bân đang đứng chống nạnh ở cửa. Tiếng chủ quán xa xả:- Đang mưa ế chỏng ra đây, ông biến đi cho chúng tôi nhờ, đừng cháo ám nữa…Hình như Bân vừa uống rượu, giọng khê khê:- Khinh thằng này không có tiền à? Đây! - Bân móc ra một nắm tiền nhàu nát - Đủ cho hai chầu, gọi đúng con Thắm cho tôi! Tất cả ắng đi vì bất ngờ, bối rối nhìn Thắm. Bân đã thấy vợ, mắt ngầu lên, đỏ đục như trâu chọi. Tủi quá, Thắm nhảy hai bậc cầu thang một, nghẹn ngào:- Anh lên đây!Bân nằm lóng ngóng trên chiếc giường chật. Gọi là giường nhưng nó chỉ rộng quãng bảy chục phân, vừa đủ cho một người nằm. Qua cơn hùng hổ ban đầu ở dưới, giờ Bân đâm lúng túng, ấp a ấp úng:- Cô làm cho thiên hạ thế nào, làm đúng cho tôi như thế! Thằng này đầy tiền.Thắm lẳng lặng làm phận sự. Cô xoa mặt Bân trước. Da mặt thô tháp quen thuộc của người từng có chục năm chăn gối, giờ trở nên cứng ráp dưới tay Thắm. Bân lảm nhảm:- Tưởng gì, rời thằng này ra chắc gì đã sung sướng. Cả làng đang réo vào mặt tôi để cô đi làm điếm kia kìa - Bân ợ liền mấy cái - Tôi nói cho cô biết, từ mai tôi quyết không để con tôi phải sống bằng những đồng tiền này.Bân lải nhải đủ chuyện nhưng Thắm bỏ ngoài tai. Thắm không ngờ mình lại bình tĩnh được như thế. Cái con người đang nằm đây, sặc sụa mùi rượu, huyên thuyên trăm thứ vừa hằn học tàn nhẫn, vừa đau đớn bất lực, chính là người đã đẩy cô vào cuộc sống nơi thành thị đầy xa lạ và sợ sệt này... Lấy chồng khi còn là một đứa trẻ, sinh con để thành người lớn, Thắm tưởng cuộc đời chỉ giản đơn là thế. Bân và Thắm cùng tuổi, cùng xóm, chuyện chồng vợ cũng na ná như tát ao, làm đồng, chăn trâu, cắt cỏ... Mà đúng thế, hệ trọng gì đâu, ruộng mấy sào, vườn một thửa, lợn vài con, giêng hai rồi đến tết chạp, cứ thế làm nên đời sống chồng vợ. Đến một ngày, Bân chợt thấy cái giọt gianh mà vợ thích thú kia thật không thể chấp nhận được khi sánh với quả cầu đặt trên tum tầng ba của nhà thằng Bạt ngọng con lão Bất chủ tịch xã. Càng không thể chấp nhận được cái thú tối tối, vợ chồng con cái rúc rích trên giường chơi trò gia đình đầm ấm. Sống là phải karaoke dàn như nhà con Na "ngựa" ông ổng thâu đêm suốt sáng. Bét nhất cũng được như lão Phần già mở quán bia cỏ, uống bia được xem kèm phim chưởng Hồng Kông, nghe đồn khách ruột uống nhiều còn được lão đãi món phim tươi mát, mũi lõ, tóc vàng, không quần, không áo. Bân cuồng lên vì những sự lạ ở làng, càng cuồng, càng thấy mình hèn kém, thua thiệt với đời. Bân dốc sạch mọi thứ có được trong nhà vào cuộc đua đổi đời bằng một cú đi buôn. Bị lừa nhẵn túi. Chán đời, hắn lao vào rượu, vào bài bạc và cú cuối cùng là mồi lửa quẫn trí chưa thiêu nổi căn nhà nhưng cũng liếm nham nhở mất cái giọt gianh. Xem ra mươi năm chồng vợ cũng chưa phải cái gì ghê gớm lắm, Thắm mang con về nhà mẹ đẻ...Miên man với dòng suy tưởng, Thắm chợt giật mình khi thấy cô đã ngừng phận sự từ bao giờ, đầu dụi vào ngực Bân, thói quen của Thắm khi ân ái cùng chồng. Bân, đầu ngoẹo sang một bên, miệng há, ngáy như kéo bễ, quên bẵng mất vụ tiêu tiền không hề nhỏ này. Thắm nhìn kỹ Bân. Gã hốc hác đi nhiều. Sau khi Thắm theo chị bạn đi làm, Bân cũng bỏ làng theo một cai đầu dài xây dựng, làm phụ nề kiếm ăn độ nhật. Bất chợt Bân cựa mình ú ớ nói mê gì đó. Hình như Bân gọi tên con, đúng thế, gọi tên của cả hai đứa... Thắm thấy mình nao nao, chút thương xót còn lại bất ngờ dâng lên. Không kìm được, Thắm lay Bân dậy, mặc cho Bân mắt nhắm, mắt mở chưa kịp định thần, cô nói một cách cương quyết nhưng nhẹ nhàng hết mực:- Anh về đi, đừng đến đây nữa, tôi chẳng làm gì không phải đâu. Đã khổ, đừng chuốc thêm khổ.Bân ngỡ ngàng dụi mắt, nhìn quanh quất:- Tôi... tôi...Giá như Bân tiếp tục chửi bới, rủa sả, có lẽ Thắm đã không phải bận lòng. Nhưng sự ngượng ngập bối rối, có một chút như ăn năn, xấu hổ của Bân làm lòng cô như mềm lại. Con người gầy gò, lam lũ nhếch nhác này, dù với lòng cô đã như người dưng nước lã, nhưng gã vẫn là cha của hai đứa con cô. Thắm nói với Bân khẽ khàng nhưng rành rọt:- Anh nên thương lấy mình. Uống ít rượu thôi. Cũng đừng bôi xấu tôi với con. Chúng nó còn nhỏ, chưa hiểu gì cả, tội nghiệp lắm. Nhắc đến con, Thắm quay đi để giấu giọt nước mắt nóng hổi đang rưng rưng tứa ra. Bân đờ dại không một phản ứng, cun cút theo Thắm đi xuống. Ngoài trời mưa vẫn ào ào trút nước.Thắm về thăm con, lo ít tiền để bọn trẻ chuẩn bị vào năm học mới. Thấy chúng xúng xính quần áo mới, ríu rít kể chuyện nhà, đòi đi thăm mẹ, Thắm rất ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên khi biết Bân đã sắm sửa cho bọn trẻ, nhưng quan trọng là Bân đã vẽ ra một hình ảnh Thắm khác với những gì Bân đe nẹt, rêu rao trước đây. Thắm không còn tâm trí đâu để xúc động nhưng quả thật, từ đáy lòng cô nhen lên một chút gì đó tựa như khoan dung, trong một khoảnh khắc, sự căm ghét, lòng thù hận con người đã tước đi cuộc sống gia đình của cô vợi đi rất nhiều.Bân lại mò đến, nhưng lần này gã không uống rượu. Bân vào thẳng chuyện muốn Thắm đồng ý cho gã lợp lại cái mái nhà. Ngôi nhà của ai đi chăng nữa thì cũng là của con Thắm sau này. Vả lại khi Bân đã biết hối, Thắm cũng chả nên căng thẳng với gã làm gì. Sau đó, vài lần qua lại, gặp gỡ, trong trái tim Thắm bắt đầu nhen lên những cảm giác cô chưa từng có. Với Bân, lòng thù hận, sự căm ghét vẫn còn, nhưng nó nhỏ hơn rất nhiều với cảm giác đang xuất hiện trong cô: sự tha thứ, lòng thương, và nhất là nỗi nhớ... Tiếp tục những lần hò hẹn, khi là một góc công viên, lúc là nơi nhà trọ rẻ tiền. Những cuộc gặp nhiều lên thì căm ghét và thù hận mỏng lại, và điều này mới quan trọng, không thể cắt nghĩa được, nhưng Thắm biết, cô và cả Bân nữa, đã lột xác thành những con người khác, khác cả những say đắm, mơ ước. Chị bạn cùng làng khi biết chuyện đã ngớ ra, và thật bất ngờ, người đàn bà chịu nhiều đổ vỡ, luôn chất chồng trong lòng thù hận, đã buột miệng:- Có lẽ đúng, ngày xưa bọn mình chơi trò chồng vợ sớm quá, nên chả biết yêu đương là cái quái gì... Tao chỉ thấy lạ, sau ngần ấy chuyện mà chúng mày còn đến được với nhau!Thắm bật cười, cô không hiểu còn có cặp vợ chồng nào khác yêu nhau như thế không. Những lần trả tiền trọ, họ sòng phẳng đến mức luân phiên nhau trả.Tôi được nghe kể câu chuyện này từ chính quán tẩm quất nơi Thắm làm. Hồi kết của nó, xảy ra ở một xóm bờ sông nghèo, nơi có những buồng trọ tồi tàn, rẻ tiền. Bân đón Thắm đến căn buồng gã mới thuê, để kết thúc giai đoạn sòng phẳng trả tiền luân phiên, và chính là để mở đầu một giai đoạn chung sống mới. Căn nhà nhỏ, tường gạch, mái lợp gianh. Chưa kịp trò chuyện gì thì trời lại đổ mưa sầm sập. Khi nước mưa theo giọt gianh đọt xuống, Thắm đã bàng hoàng ngồi lặng đi nhìn vô vàn bong bóng nước nhảy múa trên sân đất. Không bao giờ Thắm thoát khỏi mái rạ nghèo. Cần gì phải thoát, Thắm đã sinh ra, lớn lên dưới vòm mái rạ ấy, cô đã được sống những quãng đời hạnh phúc cùng giọt gianh, mái rạ và những bong bóng nước phập phồng, tất nhiên cả những buồn khổ nữa. Thắm đột ngột quyết định. Tại sao họ lại không trở về với ngôi nhà của mình? Ngôi nhà có những kỷ niệm cũ và một tình yêu mới. Hôm sau, Thắm và Bân rời thành phố!