Phía bên kia sông Tiền Giang, vầng trăng tròn mới nhô lên khỏi rặng trâm bầu cuối xóm xa. Ánh sáng bên góc trời hắt dài xuống bãi lau sậy, hàng dừa nước và những căn nhà lá nằm thanh bình trong không gian tro xám, ẩn hiện giữa vùng lãng đãng hoàng hôn. Dựa người vào lan can của chiếc phà đang hướng mũi về phía trước, quan sát phong cảnh mập mờ trên sông lòng tôi se thắt và xao xuyến sau những năm dài vắng mặt. Gàn triền sông vài chiếc xuồng, ghe hai mái chèo rẽ nước trên làn sóng nhỏ bạc đầu. Hình ảnh đó gợi nhắc trong tôi bến nước ngày nào tôi và mẹ trên chiếc ghe tam bản đi thăm bà ngoại ở bên kia làng. Hơn hai mươi năm trôi qua, trán tôi đã hằn lên những nếp nhăn và tóc tôi lớm đớm bạc. Đưa tay vuốt vội mái tóc rối bời bởi ngọn gió vô tình xoa nhẹ, lòng gợn lên nỗi lao xao khi hướng mắt về góc trời xa thẳm. Những ngày tháng vu vơ nơi đất khách xa cách mọi thâm tình, một mình đơn độc giữa lớp người bon chen danh lợi. Tháng Tư đen năm đó, tôi phải tháo chạy cùng với bạn bè lìa xa quê nhà trong nỗi ngậm ngùi đau xót.
Tiếng máy phà vẫn rì rầm và xoáy đều trên mặt nước. Bỗng một chút chộn rộn phía sau lái cùng lúc giọng hát khàn đục vọng tới: ‘’ Nhà tôi... sang nhà người em gái... cách nhau con sông dài....’’ Tiếng hát của người mù xin tiền, một bài hát quen thuộc ngày nào trổi dậy trong tôi, và gợi nhắc hình ảnh người con gái năm nào... Khiến lòng tôi bàng hoàng xót xa số phận hẩm hiu con người bạn thân của ba mẹ tôi....Tôi kêu thầm: Hạ Vi ơi..!. Và bây giờ trong đầu óc tôi vẽ lên hình ảnh xác thân của ba tôi và ba mẹ Hạ Vi được mẹ tôi mang về chôn trên phần đất của giòng họ. Ba người tử nạn trong đêm địch công đồn. Nàng không có thân nhân quyến thuộc, mẹ tôi đành nhận nuôi dưỡng và lo cho ăn học. Năm ấy Vi vừa hết tiểu học..tôi nhớ hoài dáng điệu của Vi. Mười năm sống chung một nhà với tôi nhưng Vi luôn luôn e dè, thẹn thùa không dám ngẫng lên dòm thẳng vào tôi, se se vạt áo miệng lí nhí trả lời điều gì tôi cần hỏi. Vi học chưa hết Trung học thì tôi đã lên đại học. Mỗi kỳ nghỉ hè, tôi trở về đây vui chơi với Hạ Vi trên cánh đồng lúa chín. Vùng trời kỷ niệm thuở xa xưa vụt chốc trở lại trong tôi, ngửa cổ nhìn khoảng không gian phía trên tối đen, đỉnh cao xám đặc như làn không khí trước kia đã phủ trùm xuống hai mươi tám năm buồn thiu hơn nửa phần đời của một trang nam tử. Em ơi. Tôi gọi Vi người yêu đầu đời và lúc đó tôi mới nhận ra lòng mình trống không, chùng xuống trong niềm thương xót vô biên. Vi bây giờ ra sao, nàng có còn ở trong cùng một nhà với chị em tôi hay đã bỏ đi biền biệt ở tận phương nào mang theo nỗi buồn đơn lẻ. Một vài cánh thư qua lại những năm đầu nơi đất nước tha nhân dài lâu trong nỗi khó khăn chờ đợi. Thư chỉ hỏi han thông thường với mẹ với chị và cô em gái tuổi bằng Vi, những điều muốn nói không thễ dàn trải lên trang giấy. Cũng như bây giờ đã mang xác thân về nơi đây vẫn e ngại và gần như sẽ giữ gìn từng lời nói, từng hơi thở. Nhớ một lần có hỏi thăm Hạ Vi nhưng mõi mòn trong sự phúc đáp. Dường như trong tôi đã có một chút vương vấn, một chút nhớ thương người con gái đã lẽo đẽo bên tôi suốt những tháng năm ngày hạ. Tôi với Hạ Vi đã nghìn trùng xa cách và khó có thể gặp lại. Có lẽ chúng ta có duyên nhưng vô phận. Bao nhiêu năm đơn độc nơi xứ người, cố gắng làm việc mong một ngày về với mẹ, với chị, với em nhứt là với Vi. Nhưng cuộc đời đầy dẫy tai biến và bất trắc. Hai năm sau nhận được tin mẹ qua đời, lòng tôi chết lặng bởi hy vọng về với mẹ già đã tan theo mây khói. Từ đó tôi không còn thiết viết thư về quê nhà nữa. Sự quyết tâm chăm chú làm việc không còn là một thôi thúc trong đời sống hằng ngày. Mặc cho năm tháng trôi qua khỏa lấp hết niềm đau ẩn uất trong tâm tư và thời gian có thể kéo qua nỗi buồn côi cút. Muốn quên hết, tôi đắm đuối với một cô gái mà bây giờ là vợ tôi. Rồi tôi làm thầy giáo dạy trường tiểu học ở một thị xã nhỏ trong tiểu bang tôi ở. Chồng vợ chúng tôi phải sống xa nhau và suốt mười mấy năm trời tôi làm việc cật lực để dồn hết tất cả tiền dành dụm được mua một căn nhà ở thủ đô theo ý muốn của vợ. Vợ tôi là người đàn bà không bao giờ thỏa mãn, luôn luôn có nhiều đua đòi. Cô ta chẳng để tôi yên được phút nào, không ngừng rầy rà về tiền bạc. Tôi chịu đựng và đau khổ nhiều năm chỉ yên lặng để vợ tôi hiểu mà trở lại dịu dàng như trước, thật tình tôi cũng muốn bồi đắp hạnh phúc cho bỏ những năm vì sự làm việc mà mỗi người một nơi. Bây giờ hiểu ra chúng tôi sống với nhau không có tình yêu. Hai mươi mấy năm héo hắt trĩu nặng vì sinh kế cho vợ con, tôi hầu như quên lảng mối tình đã ấp ủ nơi quê nhà.
Theo thư mới gửi chị tôi cho biết ngôi nhà của cha mẹ tôi để lại đã phải bán để họ có chút tiền hầu xoay sở cho kinh tế gia đình. Theo di chúc của mẹ, tôi là đứa con trai dù đã ở xa vẫn được hưởng phần thừa kế. Tôi không muốn dự chia, nhưng vợ tôi buộc phải xin phép nghỉ việc đi ngay. Vợ tôi còn nói, anh là con trai duy nhất được hưởng cả gia tài, không phải chia cho ai hết. Vẫn biết trong gia đình tôi chưa hề để cho vợ tôi phải thiếu thốn, tiền bạc đủ đầy vậy mà bản tánh tham lam khiến vợ tôi không còn biết nghĩ đến những người nơi quê nhà trăm bề cực khổ. Chị Hai và em tôi muốn chia bốn phần bằng nhau và bức thư cuối cùng chị tôi gợi ý chia cho Vi một phần. Dầu gì đi nữa lúc mẹ còn sống đã coi Vi như con gái và Vi đã có công săn sóc mẹ tôi suốt những ngày chị và em tôi phải bận bịu ở nhà chồng. Bức thư ấy làm tôi nghĩ ngợi đến vợ, chưa một giờ một ngày kề cận mẹ già vậy mà cô ta đã muốn hưởng hết gia tài cho riêng mình. Tôi chán ngán với tình đời, muốn phủi bỏ tất cả, về sống nơi đây bù đắp lại cho Vi những năm dài thiếu thốn với cuộc sống lẻ loi.
Thời gian dài chịu đựng nhau như chất chồng thêm trên vai khối đá nặng nề thêm sự nhẫn nhục làm tâm hồn tôi héo hắt. Vợ chồng tôi gần như chiến tranh lạnh, thầm lặng kéo dài mấy mươi năm. Bên ngoài có vẻ êm ấm và tốt đẹp nhưng bên trong là thảm kịch, mỗi người cố gắng làm tròn vai trò mình, nhưng không làm được vì người này chính là nguyên nhân nỗi khổ của người kia, mỗi người biết như vậy nhưng không thể giải quyết. Trong sâu xa của đáy tâm hồn không ai chịu biến đổi cá tánh hay tình cảm riêng của mình để hòa hợp với người kia,cuối cùng cả hai ngấm ngầm nhận ra là không ai hưởng được hạnh phúc. Cố gắng bỏ qua không đi đến đổ vỡ là vì đám con còn khờ dại. Tôi chôn vùi mình vào công việc, biến công việc thành cứu cánh hầu vùi đầu theo ngày tháng cho xong.
Phà đã cặp bến, tôi bước lên bờ bỡ ngỡ đứng sững lại, lạ lẫm chưa nhận ra lối nào đi về hướng nhà mình thuở trước, mọi thứ đổi thay rõ rệt trong đôi mắt. Tôi nhìn từ trái sang phải để nhận định, một người đàn bà đến bên tôi dịu dàng hỏi:
- Ông, ông... có phải là anh Nhân?
- Cô là....? Tôi nhận ra ngay, nhưng sững sờ cho đến đổi không thể kêu lên ‘Hạ Vi’’.
Người đàn bà đứng trước tôi có một khuôn mặt hiền hậu, tầm vóc chỉ đến vai tôi, mặc bộ quần áo màu sẫm không được ủi phẳng phiu, tóc bới ở phía sau. Tôi nhận ra Hạ Vi qua ánh mắt long lanh, cái miệng khẽ cười, má rám nắng da hơi nhăn, khó có thể thấy được dáng xưa...
Vi vừa cười vừa nói:
- Tôi đi đón anh. Anh ngạc nhiên hả?
Tôi còn đang ngơ ngác trước sự hiện diện của Vi, chẳng nói được câu nào, lại nhớ đến cảnh Vi gặp tôi lần sau cùng, lần về từ giã mẹ lên đường nhập ngũ, đầu óc lang mang để rồi nói lên một câu thật loãng:
- Ô, Vi đấy à? Mừng quá!
Chỉ nói lên được như vậy. Để khỏa lấp nổi bàng hoàng tôi hỏi Vi:
-Chị Hai và em gái tôi đâu?
- Họ chờ anh ở nhà. Tối rồi, họ làm sao đi được một đoạn đường dài để đón anh, họ có tuổi anh quên rồi sao?
Và một lần nữa tôi lại ngớ ra. Vi nói:
- Bây giờ anh đã là một người luống tuổi. Khi xa chúng tôi anh còn quá trẻ.
- Vi, nhắc chuyện cũ làm gì?
- Nhưng những kỷ niệm đều có ý nghĩa. Đừng sợ tôi làm anh cảm động. Chẳng có gì đâu. Với tôi là niềm vui lớn. Hai mươi mấy năm đã trôi qua, buổi sáng cả nhà tiễn anh ra bến xe, quên sao được....Thôi tôi không nhắc đến nữa, bỡi anh đâu còn muốn nghe. Sao, hiện nay vợ con anh thế nào?
Tánh hồn nhiên của Vi khiến tôi xua đuổi đi nỗi băn khoăn như khói tan trước gió, tôi trả lời:
- Vợ tôi và các cháu khỏe. Còn cô?
- Thì anh thấy đó, tôi rắn rỏi như vầy...
Cuộc nói chuyện trở nên dễ chịu.
- Cô thay đổi nhiều quá, Vi ơi!
- Thật sao?
Và rồi Hạ Vi hối:
- Thôi, về nhà hãy nói chuyện tiếp kẻo chị Hai và cô Út chờ.
Tôi bước chậm sau Vi, men theo con đường có ánh đèn sáng chói và dường như mới được tráng nhựa bằng phẳng thẳng tắp. Hai bên đều là những ngôi nhà xây theo phong cách và truyền thống cũ. Trên là lầu, tầng trệt là cửa hàng trang trí nhiều màu sắc sang trọng. Những căn nhà như vậy kéo dọc dài hai bên lộ.
Qua một khúc quanh hơi tối, cửa ngõ quen thuộc hiện ra trong tầm mắt, tôi nhận ra ngay căn nhà ngày xưa cũ kỹ nhưng đồ sộ, cổ kính nằm lùi vào phía sau khoảnh sân rộng.
Tôi và Hạ Vi đẩy cửa bước ào vào, người đầu tiên tôi gặp là chị Hai vừa cười vừa chảy nước mắt với nỗi vui mừng quá đỗi, và cô em cũng òa khóc theo. Cả nhà nhôn nháo bởi những người con của chị, của em dồn dập chào hỏi mà tôi như một kẻ từ trên cung Quảng Hàn rơi xuống. Tôi chưa qua cơn bàng hoàng thì Vi đến tháo gỡ hành lý trên tay tôi mang vào phòng. Cô đi xuống bếp lo bữa ăn tối cho cả nhà bỏ mặc chị em tôi rối rít với sự trùng phùng vừa mới có.
Dọn mâm cơm lên bàn ăn xong, Vi cáo từ xin phép về nhà riêng của cô.
Mấy chị em đã thức quá khuya bàn bạc về căn nhà, về bức thư của mẹ để lại dặn dò lúc biết mình không thể sống chờ đợi đứa con trai cưng trở về. Nhờ đọc bức thư tôi được biết mẹ dự định cưới Vi cho tôi lần được nghĩ phép ở đơn vị về. Nhưng đất nước đổi thay, tôi đã trở thành kẻ vong gia thất thổ.
Vi đã sống ở đây với mẹ tôi như bổn phận dâu con trong những tháng ngày dài hầu hạ, lo lắng cho mẹ tôi thay thế hai đứa con gái đi lấy chồng. Chị Hai, và cô em gái ca ngợi Vi rất tròn hiếu thảo. Bây giờ tôi được biết thêm, khi hay tin tôi cưới vợ, Vi đã khóc hết nước mắt và trước khi nhắm mắt lìa đời mẹ tôi đã hứa gả Vi cho một thanh niên cùng xóm. Chôn cất mẹ tôi xong, khoảng hai năm sau Vi lấy chồng. Chồng Vi mất bởi căn bịnh ngặt nghèo sau hơn một năm cưới vợ. Vi sinh con sau khi chồng chết, nuôi con với số lương ít ỏi cô giáo dạy ở nhà giữ trẻ. Vi góa bụa từ đó. Bất chợt tôi cảm thấy lòng mình ray rứt, dù tôi chưa một lần hứa hẹn. Tôi quyết định trong lòng sẽ dành một khoản tiền thừa kế đền đáp lại tình Vi trong muôn một. Nếu không có lữa hồng tháng Tư năm đó, thì bây giờ Vi đã là vợ tôi, có một mái gia đình sống trọn vẹn bên chồng bên con, đủ đầy hạnh phúc.
Ở đây được hơn tuần lễ thì nhận được điện tín của vợ tôi. Trong điện tín nhắc nhở tôi không chia phần cho chị em, đem hết số tiền được hưởng về bên nầy.
Chuyện chia chác đã thỏa thuận vài hôm trước và có phần cho Vi nhưng với giọng hết sức nghiêm chỉnh cô từ chối:
-Tôi là Trần Hạ Vi, không phải họ Lê, không có phần gì trong gia đình này cả. Rất biết ơn chị Hai và anh đã có lòng nghĩ tới, nhưng tôi lấy tiền làm gì, tôi không muốn nhận tiền không thuộc phần mình. Dù lương ít nhưng cuộc sống tôi rất thoải mái với con. Mời anh khi rãnh ghé qua nhà tôi để anh thấy cuộc sống dễ chịu đó.
Dòm Vi đang mĩm cười, mắt long lanh sáng, dịu hiền và thân thiết, tôi liên tưởng đến dáng điệu của vợ tôi quát lên lúc hỏi tiền để làm một việc gì đó.
Xong xuôi công việc, tôi còn ở lại một tuần nữa. Những ngày rỗi rãnh này tôi thường thơ thẩn quanh sân một mình. Hình ảnh Vi không ngừng vơ vẩn trong bữa ăn, giấc ngũ. Dường như tình yêu sâu kín chôn vùi bao nhiêu năm bây giờ vươn mình sống dậy. Tình yêu trổi dậy từ quá khứ tôi tự hỏi liệu có thể đem lại được gì cho Vi? Con thuyền đã chuyển bến và đã đi qua một mảng đời phía trước có còn gì để mộng mơ? Trăm muôn nghìn câu hỏi không một trả lời nào ổn thỏa. Tất cả đều không cho thấy một cơ hội mong manh nào để níu kéo cuộc đời đã sơ sẩy rớt rơi từ một lần yêu không toại.
Tôi đứng bên ngoài lớp học, dòm qua hàng rào bằng lưới kẽm. Phía trong bức tường vây quanh là ngôi nhà màu vàng, có hành lang rộng. Cái sân được chia làm hai phần, bên là sân chơi, bên là bồn cỏ. Tôi đến gần để dòm rõ hơn Vi đang cùng một bầy trẻ nhảy múa trên sân, đọc một bài học thuộc lòng:
Thứ nhứt là phải chào thưa.
Thứ hai lễ phép ra vào nghiêm trang.
Thứ ba quần áo đàng hoàng.
Thứ tư chăm học, con ngoan nhứt nhà.
Đám học sinh hát, Vi vỗ tay theo nhịp, mình lắc lư qua phải, qua trái. Rồi kế tiếp dạy múa những động tác đầu tiên. Ba mươi bảy tuổi, trải qua những khó khăn của cuộc đời, vậy mà Vi vẫn giữ nét hồn nhiên tươi tắn với đám trẻ như cùng tuổi thơ đồng lứa.
Một người đàn bà về chợ đi qua, dừng lại bên cạnh tôi, ghé mắt dòm vào, ý chừng để được thấy đứa con gái của chị đang nhảy múa trong sân. Chị vui vẻ nói khi nhìn về phía tôi: ‘ Cô hiệu trưởng trông thật hay hay!’’
Tôi hỏi chị:
- Sao....cô ấy là hiệu trưởng?
- Anh không biết à, báo chí và đài phát thanh ca ngợi phương pháp dạy trẻ của cô. Cô thật tuyệt vời! Tất cả phụ huynh ở đây đều gởi con em đến đấy. Anh dòm kìa con gái tôi đó. Bây giờ, cho một đứa con ăn học tốn kém lắm, nhưng ai chẳng muốn con mình được học hành tử tế.
Tôi gật đầu đồng ý.
Một người đàn bà góa ở một thị trấn nhỏ với thân hình mảnh mai, yếu đuối đã cố gắng vươn lên hẳn phải nhận nhiều khổ sở. May mắn chồng cô ấy chỉ là một người bình thường, không có một quá khứ mà những người đương quyền gọi là có tội nên giờ này được ca tụng. Nếu ngày xưa cô là người thân của tôi không biết đời sống hiện giờ ra sao? Nghề gỏ đầu trẻ là nghề nhọc nhằn, khổ cực.
Tôi lặng lẽ rời xa ngôi nhà giữ trẻ, đi loanh quanh trong vùng.
Những buổi chiều nằm im trong căn phòng cũ hiu quạnh nghe thời gian trôi giạt xuống bờ hư vô mờ mịt. Những buổi mai thức dậy hoang mang đối diện với một ngày thiếu vắng. Cũng căn phòng này, nhà này bóng dáng Vi luôn luôn thấp thoáng vào ra để cảm thấy được nâng niu, săn sóc thật ưu ái và trân quí lên trong tầng không gian ấm áp tấm đẫm đầy sự nồng nàn của tuổi mới lớn. Ước vọng thầm kín như muốn trỗi dậy, thúc dục tôi đi tìm Vi. Nhưng không thể, khối tình đó đã qua, đã tan chìm mất hút. Hãy xem như một giấc mơ đẹp lúc giựt mình tỉnh dậy âm thầm nuối tiếc. Tôi thường đi lang thang không định hướng, như kiếm tìm bóng dáng hạnh phúc đã xa rời khỏi tầm tay.
Buổi chiều, mặc dầu bầu trời đã nổi lên một chùm mây đen phía xa, báo một cơn mưa sẽ đến. Mặc kệ tôi băng mình ra ngoài, cố gắng nhớ lời chỉ vẻ hướng đi đến nhà Vi. Trời nổi gió và cơn mưa ào ào trút xuống khi tới cửa nhà Vi. Tôi đẩy cửa bước vào, một đứa trẻ ngồi trước TV đang theo dõi trận bóng bàn hỏi tôi:
- Thưa chú tìm ai?
Đứa trẻ rất giống mẹ, có đôi mắt thật đẹp.
- Chú tìm mẹ Vi của cháu.
Tôi đinh ninh chú nhóc con này sẽ lúng túng không biết trả lời và phản ứng ra sao. Nhưng nó mau mắn:
-Mời chú ngồi. Mẹ cháu chưa về. Mẹ cháu thường về trễ. Chú ngồi đây chờ nhé. Nếu chú có cần đi ngay thì dặn cháu, khi mẹ về cháu thưa lại.
Vừa nói nó vừa đi ra phía sau nhà, không lâu đem ra tách nước trà còn bốc khói, đặt trước mặt tôi:
- Mời chú uống nước.
Đứa trẻ quá lễ phép, hiền lành, nói năng vững chãi. Liên tưởng đến hai đứa con tôi bên kia trời, tôi lắc đầu chán ngán.
Tôi dòm quanh phòng khách, đồ đạt sơ sài. Cái bàn dài sáu ghế bằng cây cũ kỹ. Cái máy may kê sát vách gần cửa sổ, cạnh đó là cái ghế cao kê cái TV nhỏ. Tôi không thể so sánh với cô, Vi ơi. Cuộc sống sung sướng hạnh phúc hay không là tùy mình.
- Chú chẳng có gì quan trọng dặn cháu. Chú là một người bạn cũ, đến thăm mẹ cháu thôi. Chú đến đây cũng để thăm cháu và có chút quà cho cháu.
Tôi lấy cây viết máy và một số viết nguyên tử xanh, đỏ trao cho nó. Đôi mắt hiện vẻ ngạc nhiên, má hừng lên, hai tay tiếp lấy, dòm tôi đăm đăm.
- Cám ơn chú.
-Cháu tên gì?
- Cháu tên Khương.
Chúng tôi trở thành thân thuộc ngay khi tôi cầm tập toán Khương để trên bàn và hỏi nó:
- Cháu hiểu bài không, chú giảng cho?
Tôi giải nghĩa bài cho Khương, nó yên lặng ngồi nghe và sau đó nó làm xong những bài tập mà thầy giáo đã cho về nhà làm.
Khương đem cất tập, trở ra liền hỏi tôi:
- Chú giỏi toán quá. Chú là giáo sư phải không? Chú hãy cho cháu biết ý kiến nếu thi vào trường Sư phạm thì cháu còn phải học tới bao nhiêu năm nữa.
- Tại sao lại vào trường Sư phạm?
- Đó là nguyện ước của mẹ cháu. Cậu cháu tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm. Mẹ cháu nói mẹ cháu rất mãn nguyện nếu cháu đỗ đạt như cậu cháu.
- Cậu cháu là ai?
-Ai? Cháu không biết. Cho tới bây giờ lúc nào mẹ cháu cũng nhắc đến cậu ấy. Khương dòm tôi mĩm cười.
Tôi kéo Khương lại gần, dịu giọng hỏi:
-Có phải mẹ cháu kể nhiều chuyện rất hay về cậu cháu phải không?
- Còn gì nữa! Đó là những việc có ý nghĩa thời thơ ấu của mẹ cháu và cậu cháu.
- Thế mẹ cháu có vui khi kể chuyện không?
- Đâu có...Đôi lúc mẹ cháu khóc....
Lòng tôi trĩu nặng và tự nghĩ thầm sao em chẳng quên đi, quên hết đi cho yên ngày tháng mới. Biểu vậy, nhưng lòng tôi nào làm được như lời mình. Vẫn loáng thoáng không bao giờ dứt những ảo ảnh dật dờ của cánh hoa pensée ép vào trang sách cũ và gợi nhớ tà áo trắng qua cầu một sáng nắng reo, hai con mắt long lanh dưới vành nón nghiêng buổi chiều sương trắng. Nhớ lại, nghĩ đến để rồi thao thức, bâng khuâng, đau xót, tôi đã đành chìm lỉm giữa đời sống, như xác tàu đắm dưới biển sâu. Vòm trời mặt nước trên kia đã vô cùng ngăn cách.
Bé Khương nhíu đôi lông mày nói tiếp:
- Đời mẹ cháu vất vã lắm. Khi được nghỉ hoặc khi đau yếu mẹ cháu thường khóc, cháu biết mẹ cháu tủi thân không có ai bên cạnh.
Tôi ôm Khương vào lòng, an ủi:
- Mai cậu cháu sẽ đến. Chắc là vui lắm.
Mặt Khương tươi hẳn lên, nói:
- Cháu có món quà tặng cho ông cậu.
- Quà tặng gì vậy?
- Sợi dây chuyền với chiếc nanh heo cẩn vàng.
Thì ra cô ấy còn giữ. Hơn hai mươi năm, cái ngày cả nhà đưa ra bến phà, Vi giúp tôi mang hành lý vào phía trong phà, tôi nhờ Vi đưa lại dùm cho mẹ tôi.
Cho đến nay tôi vẫn tưởng chị hoặc em tôi đang giữ. Hóa ra mẹ tôi trao cho Vi. Tôi hiểu trước khi mất mẹ tôi đã có nói về việc của hai đứa.
Tôi cảm thấy một chút lo ngại nếu gặp Vi. Chắc chắn tôi tự cho phép mình được quyền đeo sợi dây chuyền nầy vào cổ Vi. Sao lại không? Tim tôi đập mạnh. Tôi dụi mắt, vuốt mặt làm một động tác để xóa đi ý nghĩ điên rồ. Tóc đã bạc, đã luống tuổi, làm sao tôi có thể nỡ làm đảo lộn, lật tung lên đời một người đàn bà, mà chính mình ngày trước đã bỏ rơi.
Tôi đi như trốn chạy giữa đôi mắt ngạc nhiên của thằng bé.
Sáng hôm sau, tôi ra bến phà một mình. Đứng sau đám người chờ bước lên phà, tôi không ngừng quay đầu dòm lại phía sau. Lòng tự hỏi không biết Vi có đến tiễn không. Tôi lên sau cùng. Phà nổ máy.Tim tôi se thắt lẫm bẫm lời từ biệt quê hương. Bóng Vi xuất hiện trên bến phà, đưa tay lên cao cho thấy sợi dây chuyền toòng teng trong nắm tay. Tiếng nàng dội mạnh trên mặt sông đầy nước:
- Anh Nhân, em không buồn đâu. Em vui lắm. Thượng lộ bình an nha.
Phà đã rời bến, Vi quay trở về, mãi mãi làm cái bóng chìm dưới đáy sông sâu. Tôi rướn người lên dòm theo khuôn lưng gầy gò xa dần. Đầu cúi thấp, bước đi xiêu vẹo nhạt nhòa trong sương mù buổi sáng của lối rẽ trở lại nhà, lâu lâu cánh tay đưa lên quẹt ngang tầm mắt.
Phà đã ra giữa sông, phía xa, sau rặng bần dày đặt vầng thái dương đầu ngày ló dạng, chiếu những tia sáng vàng chói chan phủ trùm sóng nước. Tôi thấy mình như có nước mắt lưng tròng, xoá tan cảnh vật thân mến của quê hương.
 

Xem Tiếp: ----