Anh lại đến với Linh, và lần này anh mang tới một tập giấy mỏng, bìa mầu đỏ nhạt.
Linh bối rối trước việc làm này, dù với Linh anh vẫn thường ân cần chu đáo thế. "Phương pháp giảng dạy văn học của các giáo sư Pháp", Linh bật cười: "Anh có nghĩ là anh đưa đến cho em một con dao bầu để mổ gà không?".
- Anh vào mạng, thấy có nội dung này hay hay nên cóp xuống cho em làm tài liệu tham khảo - Anh đáp chân thành.
 - Anh đã mang đến cho em rất nhiều tài liệu kiểu như thế rồi. Mà, em chỉ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh thôi chứ có phải làm luận án tiến sĩ đâu?
- Anh biết. Nhưng anh nghĩ chúng có ích cho em đấy. Anh đã i-meo (Email) cho bạn anh ở Hà Nội rồi, ngày mai nó sẽ gửi xuống cho anh tài liệu Diễn thuyết trước công chúng do chính thư ký của tổng thống Bin Clintơn viết. Em nên tham khảo các tài liệu loại này, không thừa đâu. Vậy là anh không còn nghĩ đến chuyện tối hôm qua nữa. Linh luôn có những hành động thất thường đối với anh để rồi ngay sau đó lại thấy ân hận. Còn anh, hình như anh đã quen chịu đựng tính nết của Linh, hoặc giả anh quá lớn nên "không thèm chấp" những thái độ, cử chỉ đôi khi rất khó chịu của Linh.
Hôm qua là ngày Valentinee, ngày của tình yêu. Anh đến muộn chút nữa khi Linh đã đi rồi thì có lẽ sẽ tốt hơn cho cả hai. Nhận bó hoa rất đẹp từ tay anh xong, Linh bảo: "Bây giờ em cũng mang hoa tới cho một người. Sẽ gặp lại nhau vào ngày mai nhé, được không?".
Được không? Đó là câu hỏi thật lòng, âu yếm, lịch sự hay là một sự khước từ, lẩn tránh, giả dối? Anh có thể nghĩ thế lắm chứ, nhưng anh đã lại thật thà như trước Linh anh không thể khác được: "Em cứ đi đi, chỉ mong em kịp về cắm hoa của anh vào lọ, đừng để nó chết khô nơi góc bàn".
Lúc ấy Linh đã thấy là mình bất nhẫn, nhưng ánh mắt anh lại làm Linh nghĩ đến người khác. Giá anh không mảnh khảnh như thế, không có khuôn mặt khả ái như thế, không có đôi mày tỏa sáng như thế, tóm lại anh đừng có một nét nào giống Nam thì có lẽ Linh đã không phải tự dằn vặt mình quá nhiều, và anh cũng không phải chịu đựng những cơn "mưa nắng thất thường" từ Linh.
Nơi Linh mang hoa đến là nhà Nam. Nam vẫn thế, đôi mắt ngời sáng, cái miệng tươi, đôi mày rậm, một lọn tóc nhỏ thả bâng quơ trên vầng trán rộng lung linh, hư ảo. Thằng Bình có vẻ già dặn hơn, không vô tư hồn nhiên như vài năm trước, hễ thấy Linh là đòi ô mai và kẹo cao su. Mẹ Nam cố giấu đi nỗi buồn ẩn sâu trong khóe mắt, trò chuyện với Linh khá cởi mở. Linh biết nỗi đau kia vẫn lẩn khuất đâu đây trong bóng dáng người mẹ này. Nếu Linh vô tình động vào cái lẫy nhạy cảm của tình mẫu tử thì chưa biết bão dông sẽ thốc lên trong lòng bà và tàn phá những gì nơi sâu thẳm kia nữa. Đã mấy mùa Valentine trôi qua rồi. Chiếc ghế đá dưới gốc đại già nơi cổng trường sư phạm vẫn có sức công phá mãnh liệt vào ký ức Linh. Nơi ấy lần đầu tiên và duy nhất Nam đã ngồi. Hôm ấy trời nắng trong, những gợn mây xếp hình thủy cung ẩn hiện nơi góc trời, gió hào phóng chạy dọc dãy hành lang lớp học, hoa trúc đào lung linh sắc trong tiết hạ mới lập, ngời lên trong mắt hai đứa. Nam tới tìm Linh sau hơn ba tháng xa nhà. Linh ngỡ ngàng, ngạc nhiên, cả một chút thẹn thùng nữa. Linh thấy Nam khác quá. Cả hai soi vào nhau để nhận ra những điều khác lạ. Linh gợi cảm, thanh khiết trong tà áo dài trắng nữ sinh, còn Nam gọn gàng, khỏe khoắn trong bộ quân phục vải dày, xanh thẫm. Phù hiệu đỏ chói trên ve áo, quân hàm trắng bạc có viền đường chỉ đỏ vắt ngang một vệt hồng mỏng manh tôn thêm vóc dáng cho Nam dù nét học trò vẫn còn đây đó trên khuôn mặt căng mịn, rám nắng.
"Linh để tóc dài từ bao giờ thế?"
Điều Nam quan tâm đến đầu tiên ở Linh là mái tóc. Linh không trả lời mà hỏi lại: "Còn Nam? Nam về từ bao giờ, có được nghỉ lâu không?". Rối rít hỏi han rồi lại im lặng bẽn lẽn nhìn nhau. Mỗi đứa ngồi một đầu ghế đá, đặt giữa là chiếc ba lô đầy bụi đường. Nam được nghỉ phép sau thời gian huấn luyện tân binh, xe tới cổng trường thì Nam xin xuống để vào trường tìm Linh. Bữa ấy Linh lấy xe chở Nam về nhưng Nam nhất định không chịu ngồi sau, bắt Linh phải nhường tay lái. Lần về ấy Nam tặng Linh một bộ hoa rừng ép khô trong cuốn sổ nhỏ do chính tay Linh nhét vào ba lô Nam ngày lên đường nhập ngũ. Hôm ấy, và chỉ một ngày hôm ấy thôi, Nam là của Linh. Nam đèo Linh qua con đường có ngôi trường cũ. Nam kể chuyện sôi nổi, Nam nói về những dự định của mình một cách say sưa. Nam bảo: "Bây giờ Nam biết bắn súng rồi, lại có thể đi bộ mười cây số không biết mệt, Nam còn dẫn chương trình cho đêm văn nghệ và làm báo tường cho đơn vị nữa". Thì Nam vẫn là cậu học trò tài hoa trong con mắt của bạn bè, thầy cô đấy thôi! Mấy ngày phép ấy Nam hiện lên trong đám bạn bè cùng lớp như một người lính hào hoa vừa trở về từ những cánh rừng ngập tràn hoa cỏ. Hôm chia tay để trở lại đơn vị, Nam bảo: "Lần này bọn mình sẽ được điều đi mỗi đứa một nơi, có thể hàng năm sau mình mới được về, nhất định mình sẽ viết thư cho các bạn". Linh hy vọng vào điều Nam nói và chờ đợi những cánh thư của Nam. Nhưng mà rất lâu phải đến ba, bốn tháng sau Linh mới nhận được lá thư đầu tiên...

*

Anh đưa Linh đến một quán càphê mới mở và nói với Linh rằng:
- Hôm nọ anh truy cập vào một thư mục đặc biệt, ở đó có cách chữa trị cái gọi là "Những căn bệnh sau sốc".
Linh trợn tròn mắt:
- Anh cho em là mắc bệnh rồi sao? Không! Em vẫn bình thường, sắp tới còn đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh nữa kia.
- Người mắc bệnh sau sốc là người vẫn hoàn toàn bình thường, chỉ có một điểm nào đó không bình thường thôi.
- Điểm đó ở em là gì?
- Có thể là lãnh cảm, là không yêu được ai nữa. Cũng có thể là dấu hiệu của căn bệnh "ám ảnh lòng tốt" tức là cứ tự dằn vặt mình, hành hạ mình, cho rằng mình còn nợ lòng tốt của ai đó chưa trả được. Người bệnh mắc những chứng bệnh tiền khởi này một thời gian thì chuyển sang các dạng khác nặng hơn, gần với tâm thần như hoang tưởng, tự kỷ ám thị, ảo giác triền miên...
- Thôi, anh đừng nói nữa- Linh đưa tay ra làm cử chỉ cắt ngang lời anh - Anh hãy cứ tiếp tục dùng cỗ máy dở hơi của anh để giải mã em đi. Chỉ có điều anh đừng làm em tổn thương thêm bằng mớ xác khô thông tin từ mạng kia nữa được không?
- Được rồi, anh sẽ không nói chuyện ấy nữa - Anh thỏa hiệp khi thấy Linh có vẻ nổi giận - Tuần sau anh đi Singapore hai tuần tham quan cách nuôi cá lồng bậc cao của họ. Em ở nhà cố gắng thi tốt, anh rất mong là em sẽ trở thành một giáo viên giỏi.
- Cám ơn anh, còn bây giờ phiền anh đưa em về chúng ta ngồi đây cũng đã khá lâu rồi.
Anh đứng dậy định bước tới quầy thanh toán tiền nhưng Linh bất chợt giữ tay anh lại. "Hãy nghe nốt bài hát này đã, em thấy nó lạ quá". Từ sau quầy tủ của quán càphê lẫn trong tiếng đàn ghi ta tỉa thánh thót, giọng Khánh Ly cất lên không thể trộn lẫn: Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người con mắt còn lại nhìn đời là không, nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng...
Anh bảo:
- Thần tượng âm nhạc của anh là Trịnh Công Sơn, anh đã cóp được tới gần hai trăm bài từ Internet xuống đĩa của anh. Nếu em thích, anh sẽ cóp ra băng cho em nghe phôn?
Linh nhìn anh ngao ngán. Sao anh chỉ nói được những điều đó thôi nhỉ? Thà anh cứ nói về cá lồng với cá chậu, tôm sú với tôm rảo, rong tảo nước lợ và nước ngọt như chính nghề nghiệp của anh có khi lại dễ nghe hơn. Anh là người của Sở Thủy sản, hiện đang làm dự án nuôi trồng thủy sản nước lợ do Hà Lan tài trợ. Anh còn rất trẻ nhưng có một phòng làm việc riêng với một chiếc máy vi tính nối mạng. Anh thường giao thiệp với đám bạn bè tri thức cả tây lẫn ta, tôn sùng thông tin toàn cầu và quen giải mã mọi sự vật hiện tượng bằng bàn phím. Anh thuộc mẫu người hiện đại, quen lối tư duy chính xác, không ưa lối suy diễn rối rắm của những người "tâm hồn nặng hơn trọng lượng của bản thân". Và như anh đã tự thú nhận, thần tượng của anh là Trịnh Công Sơn. Nếu giải mã được nhạc Trịnh thì chắc anh cũng sẽ giải mã được hai chữ "tâm hồn". Vậy mà không hiểu sao anh lại rất kỵ từ ấy. Có lúc Linh nghĩ nếu tất cả những chàng trai trên thế giới này đều biết tiếng Anh và đều ngồi trước máy vi tính thì không biết lấy cái gì để nhận diện ra bản sắc dân tộc mỗi người. Mầu tóc và mầu da ư? Không được, mấy thế kỷ trước các cuộc di dân trên trái đất đã xóa nhòa danh giới của mầu da rồi. Ngôn ngữ ư? Phải. Nhưng ngôn ngữ để vào mạng thường giống nhau, chẳng giúp gì cho sự nhận diện. Hãy nghe họ hát và xem họ nghe âm nhạc gì ư? Phải. Nhưng lớp trẻ bây giờ không thích lắm những câu hò, điệu lý. Gay nhỉ? Vậy thì anh là ai trước sự hội nhập ồ ạt như thế này. Có lần Linh đưa vấn đề ấy ra trước anh, anh bảo: "Anh tắm gội bên dòng sông Hồng, ăn gạo tám xoan, chơi trò chơi pháo đất chung niềm vui sướng khi cánh diều bay, thử hỏi anh có thể lẫn vào ai được nữa nào?". Linh lắc đầu: "Nhưng bây giờ anh quen uống cô ca, ăn bằng dao, dĩa, lấy tiếng Anh chuẩn làm tiêu chí kết bạn, làm sao em còn nhận ra anh nữa". Anh cười: "Đấy là lúc hội nhập, ngoài những lúc ấy ra anh lại ăn cơm đũa, uống nước vối và phát âm chuẩn theo tiếng Hà Nội". Linh cáu: "Vậy thì anh phải làm bạn với hai chữ tâm hồn đi. Người ta luôn tìm thấy lý do cho việc mình làm. Lý do của anh là hội nhập. Hoàn toàn đúng nhưng cẩn thận kẻo đánh mất bản sắc lúc nào không biết". Anh rũ người xuống: "Anh không muốn cuộc nói chuyện nào của chúng ta cũng dẫn đến cãi nhau. Nhưng quả thực anh không hiểu tại sao em có vẻ căm thù nền văn minh vật chất đến thế. Máy tính có thể giết chết thơ ca và những giờ giảng văn hay của em đâu. Có phải cứ đứng trước cánh đồng, dòng sông thì tâm hồn mới tồn tại còn trước bàn phím và con chuột thì tâm hồn chết yểu? Anh hoàn toàn có thể đồng điệu cùng em trước thơ và nhạc cơ mà. Em căm ghét nền văn minh vây bủa quanh ta hay căm ghét anh? Cơn cớ nào làm em hay cáu giận thế? Anh có lỗi gì? Em hãy nói đi anh có lỗi gì?"
- Không, anh không có lỗi gì cả- Linh như con chim trúng bão, hớt hải tìm chỗ tránh mình- Đúng là em vô lý quá anh đừng giận em nhé, bởi vì em hay nghĩ đến người ấy, một người rất tốt nhưng quá thiệt thòi...
- Một người tốt và thiệt thòi thì có liên quan gì đến máy tính?
- Chính anh chứ không phải máy tính làm em liên tưởng đến người ấy. Anh cũng tốt như người ấy nhưng anh được hưởng mọi sự ưu đãi của cuộc đời. Trước anh em luôn mâu thuẫn vì em không giải được một mệnh đề bí ẩn: Tại sao người tốt thường phải chịu thiệt thòi?
Đêm ấy Linh ngồi lại ở quán càphê cùng anh tới khuya, Linh bảo: "Anh hãy nghe nhạc Trịnh đi. Anh đã chọn cho mình một thần tượng xứng đáng. Còn em? Anh có biết thần tượng của em là ai không?". Anh hào hứng: "Là Uýt Man? Là O Hen ri? Là Macket? Hay Puskin, Exênhin, Sêkhốp. Là Nam Cao, Nguyên Hồng hay Xuân Diệu? Là... là...".
- Thôi- Linh bật cười - Sao anh nhìn em giản đơn và khái niệm thế nhỉ? Cứ là cô giáo dạy văn thì phải mê một thần tượng văn học nào đó sao? Và thần tượng cứ phải là những người nổi tiếng sao? Không, em đã thay đổi cách nghĩ ấy từ cách đây mấy năm rồi.
Mấy năm rồi? Những ngày ấy quả thật là chưa xa đối với Linh. Buổi hội thảo "Thần tượng của bạn là ai?" thời trung học như mới diễn ra tối hôm qua, hôm kia thôi. Thằng Tuấn "ngoác" bảo thần tượng của nó là Rônanđô, người ngoài hành tinh với những đường bóng lắt léo, những cú sút siêu việt. Cái Tâm béo thì nhận thần tượng của mình là chàng Lêônarđô Dicaprio, người làm sống lại mối tình tuyệt đẹp trên con tàu Titanic huyền thoại. Bính "cận" nhận về mình thần tượng Bill Gate, ông vua phần mềm máy tính. Cái Huyền "còm" nhận thần tượng là danh thủ Maradona, "vua phá lưới" một thời. Nó còn đọc một bài thơ trong đó có câu "Tượng thần dù đổ vẫn thiêng" để chứng tỏ thần tượng dù thế nào đi nữa vẫn bất diệt trong trái tim nó. Thần tượng của lũ bạn ở lớp Linh toàn "vua" thôi. Không vua máy tính thì vua bóng đá, không vua nhạc pốp thì vua nhạc rốc, không vua dầu hỏa thì vua kim cương. Chưa hết, chuyển sang các chính khách có đứa nhận thần tượng là tổng thống nước này, lại có đứa nhận thần tượng là thủ tướng nước kia. Linh cũng đã tham gia diễn đàn và nhận về mình thần tượng là nữ minh tinh màn bạc người Mỹ Demi Mua với cái đầu cắt trọc. Giữa lúc cuộc hội thảo đang tràn ngập thần tượng đến từ năm châu thì tới lượt Nam phát biểu. Nam nói: "Thần tượng của tôi là cha tôi. Cha tôi là ai? Ông chỉ là một người bình thường như bao người khác, khi đất nước cần thì cầm súng ra mặt trận. Ông đã cùng đồng đội chiến đấu ngày đêm nơi biên cương trập trùng xa ngái. Nơi ấy vào những ngày kinh khủng nhất sặc sụa khói bom, rền vang tiếng súng, xám ngắt những xác xe pháo. Và ông đã hy sinh trong tư thế trút đạn lên đầu thù. Cái chết của ông không vô ích. Cả một dải đất biên cương rộng lớn đã được bảo vệ, đưa hòa bình trở về trọn vẹn trên mảnh đất hình Rồng rất đỗi thiêng liêng này. Đất nước bình yên bởi có những người lính như cha tôi. Có sự bình yên ấy thì hôm nay chúng ta mới có thể rung đùi ngồi thưởng thức những đường bóng tài nghệ của danh thủ Rônanđô, đồng cảm với những câu chuyện tình xúc động trên màn bạc. Có sự bình yên ấy hôm nay chúng ta mới có thời gian để bình giá về nữ hoàng này, tổng thống nọ. Tất cả những con người ấy, những con người mà không ít bạn ngồi đây nhận là thần tượng đều được cuộc đời ưu ái quá nhiều. Thần tượng của tôi lại quá bình thường và dường như không được số phận ưu ái gì cả. Nhưng tôi yêu cái bình thường mà vĩ đại ấy bởi rất có thể chính những người tưởng như phi thường kia lại không làm cái công việc bình thường nhất, ấy là cầm súng bảo vệ Tố quốc mình".
Cả hội trường lặng đi rồi bừng lên những tràng vỗ tay tán thưởng. Thầy hiệu phó kiêm bí thư đoàn đã lên tặng hoa và nói những lời cảm kích về sự đánh giá thần tượng của Nam. Một số đứa ở dưới có vẻ khó chịu xì xào bảo Nam sách vở, sáo rỗng. Linh cũng cảm thấy những điều Nam nói có gì xúc phạm đến mình. Nhưng thời gian đã chứng tỏ khách quan hơn cả. Linh đã vứt bỏ đi cả đống thần tượng của mình để rồi lơ mơ thấy rằng có những điều rất đỗi thiêng liêng lại là những điều rất bình thường, giản dị quanh mình. Kể từ đó Linh để tóc dài. Cũng từ đó Nam lên đường để làm một người lính.

*

Ngày nào Mai cũng đưa đến cho Linh một tờ giấy, bảo rằng thư của anh gửi cho Linh qua email. Những câu hỏi thăm, những lời chúc tụng, một bài thơ dài, cả bưu thiếp và những câu tiếng Anh cầu kỳ, kiểu cách. Trường Linh cũng có một phòng máy vi tính, riêng máy của thư viện được nối mạng để phục vụ việc khai thác thông tin cho trường. Mai là con gái thầy hiệu trưởng, học trung cấp văn thư lưu trữ, về trường nhận công tác cùng một đợt với Linh. Mai xinh đẹp và có nét gì đó hiện đại hơn Linh. Trong mắt Mai anh là chàng trai "tuyệt vời trên cả tuyệt vời" Đã có lần Mai bảo: "Đáng tiếc là Mai gặp anh chàng đó hơi muộn, đáng tiếc nữa là Mai rất quý Linh nên không nỡ để Linh đau khổ. Nếu không, anh chàng đó phải thuộc về Mai". Linh cười chua chát: "Giữa bọn mình chưa có gì đâu. Mai cứ tự nhiên đi". Mai cười: "Nhớ nhá. Khi ấy đừng trách Mai tàn nhẫn". Và Linh biết Mai đưa giúp những lá thư này cho Linh là vì anh chứ không phải vì Linh. Linh biết rằng mình không được phép đùa với tình yêu. Nhưng bắt Linh phải trả lời rằng Linh đã yêu anh chưa thì quả thực Linh không thể trả lời được. Linh luôn nhớ đến anh nhưng là nhớ những nét của Nam hiện hữu trên anh. Linh luôn vui cho sự thành đạt của anh nhưng sâu thẳm đâu đó lại trào lên mạch ngầm đố kỵ khi nghĩ đến Nam. Tình cảm của Linh đối với anh cả yêu, ghét, giận, hờn hình như đều có cơn cớ từ Nam. Ngay cả những bức thư này cũng thế. Sao nó đẹp đẽ lịch sự, sang trọng đến thế. Nó được gửi về từ đất nước Singapore xa xôi, bằng một phương tiện hiện đại, nó làm cả người gửi lẫn người nhận đều kiêu hãnh. Nhưng cũng chính nó làm cái mạch ngầm rất khó gọi tên kia trào sôi lên trong Linh. Những lá thư của Nam giản dị biết bao. Những con tem lem luốc dấu bưu điện, những phong bì tự tạo dù khéo tay nhưng thô thiển, giản đơn làm sao. Chỉ có những con chữ trong đó là sâu nặng thôi. Nó cào vào tâm hồn Linh, nó len lỏi đánh thức những xúc cảm mơ hồ trong Linh, nó đặt Linh đứng trước những vấn đề lớn lao của cuộc sống, nó đem đến cho Linh niềm ấm áp, nỗi ám ảnh, tình thương và nỗi nhớ. Những lá thư ấy Linh vẫn giữ nguyên vẹn. Nhiều lá Linh đã thuộc lòng.
"Linh thân mến!
Bây giờ Nam mới viết thư cho Linh được. Hòm thư cứ thay đổi liên tục nên Nam chưa dám viết thư cho bạn sợ thư hồi âm thất lạc. Hiện giờ thì Nam đã tương đối ổn định ở đơn vị công tác mới. Nhiệm vụ của Nam là cùng đồng đội thay phiên nhau canh gác khoảng 20 kilômét đường biên. Để có thể giữ được biên giới tốt nhất, ngoài việc thường xuyên cảnh giác, bọn Nam còn phải nhờ vào dân. Muốn nhờ vào dân thì công tác dân vận phải tốt. Tức là phải làm sao để dân hiểu, dân thương, dân sẵn sàng giúp đỡ bộ đội. Nam phải thường xuyên đi bộ tới các bản làng, thôn xóm quanh khu đơn vị đóng quân. Ăn ở cùng với dân, giúp dân làm ruộng, dạy dân học chữ chữa bệnh cho dân, vận động dân bỏ những tập tục lạc hậu, đưa văn minh đến cho dân. Ở đây dân không biết đến Rônanđô, Demi Mua hay Lêonarđô Dicapiro. Dân chỉ biết đến có bộ đội thôi. Văn công bộ đội là món ăn tinh thần vô giá đối với họ. Nhưng văn công chuyên nghiệp không đến với dân ở đây thường xuyên được. Thế là bọn Nam phải tự biên tự diễn, tự tạo ra các đêm văn nghệ, tự biến chính mình thành văn công. Tay đàn của Nam quả là cũng có ích ít nhiều. Với người lính chúng mình làm được điều gì cho dân vui thì đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một niềm hạnh phúc. Linh có thấy ngạc nhiên về điều này không?..."
"Linh!
Hôm nọ mình được đi hội thao ở dưới tỉnh. Chiếc xe tải chở mình qua những con phố dài đông vui tấp nập. Mình thấy nhớ nhà quá. Khi thành phố lên đèn phố phường ở đâu cũng giống nhau. Giống từ ánh điện thừa mứa đến những biển hiệu nhà hàng xanh đỏ, giống từ nền đường rải nhựa đến những cây đèn rũ mình phát sáng, giống cả những đôi lứa tay dắt tay nhau đi dạo dưới lòng đường. Nhiều ánh mắt nhìn lên bọn mình. Có ánh mắt thờ ơ vô cảm. Có ánh mắt ráo hoảnh, lướt vội. Có ánh mắt thích thú, ngưỡng mộ. Có ánh mắt thương cảm, an ủi. Mình thấy thích thú hơn cả là những ánh mắt của trẻ con. Chúng nhìn bọn mình mới ngộ nghĩnh làm sao. Chúng đang cố liên tưởng giữa bọn mình với những điều mà chúng học được trong sách vở. Có đứa chào rõ to: "Cháu chào chú bộ đội". Nghe tiếng chào ấy bọn mình cùng phá lên cười rồi cùng lặng đi vì xúc động. Với những người lính chúng mình có lẽ chỉ cần một lời chào ấy thôi là đủ ấm lòng để có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ ở phía trước. Sau này Linh hãy dạy đàn em nhỏ làm cái điều mà người lính rất trân trọng ấy nhé. Linh đã nghĩ tới điều ấy bao giờ chưa?..."
"... Đợt xuống phố vừa rồi Nam có được một ít thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, Nam đi bộ ra vườn hoa nhìn những chùm bóng bay bỗng nhớ tới thằng Bình. Năm nay nó vào lớp bảy rồi. Ngày bố Nam hy sinh nó vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Hồi còn nhỏ, đi chơi với Nam nó rất thích bóng bay. Có lần nó đòi mua nhưng Nam không có tiền, nó cứ khóc nhè mãi, cáu quá Nam đã phát vào mông nó mấy cái. Bây giờ với mấy đồng phụ cấp này Nam có thể mua cho nó cả chục quả bóng bay. Nhưng không thể gửi ra ngoài đó những quả bóng bay xanh đỏ, dễ vỡ kia được. Nam lang thang dạo quanh mấy thảm cỏ mật lại nhớ bãi bóng sau sân trường cấp ba của bọn mình. Ở đó chẳng có một ngọn cỏ nào. Biết bao bàn chân đã chạy lên đó. Biết bao con người đã lớn lên từ đó. Cỏ không có chỗ để mọc nhưng những trận bóng lại vô cùng sôi động. Vết sẹo nơi bắp chân bên phải của Nam là do ngã ở sân bóng đó. Nếu có những thảm cỏ mật này trải lên, những trận đấu chắc chắn sẽ còn thú vị hơn nhiều. Nhưng mà đến bao giờ mới được trở lại với thời cắp sách hồn nhiên vô tư ấy?.
Có nhiều người đến mời chào Nam chụp ảnh. Từ ngày vào lính đến giờ Nam chưa chụp một kiểu ảnh nào. Nam gọi một người thợ ảnh đến, bảo chụp cho Nam một kiểu với nguyên vẹn cầu vai, quân hàm. Đến khi chụp xong Nam mới ngớ ra là hôm sau mới có ảnh. Hôm sau thì Nam đã không còn ở đây nữa rồi. Người thợ ảnh bảo để địa chỉ lại sẽ gửi ảnh đến sau. Tự nhiên Nam lại rút bút ra ghi địa chỉ của Linh. Nếu Linh nhận được ảnh, thấy đẹp, rửa gửi vào cho Nam nhé. Ở nơi Nam đóng quân bán kính 20 cây số không có lấy một hiệu ảnh. Nếu có máy ảnh ở đây sẽ chụp được rất nhiều cảnh đẹp. Mà biết đến bao giờ những người như Linh mới đặt chân tới được nơi này nhỉ?... ".
Linh còn thuộc nhiều những đoạn thư như thế nữa. Lá thư cuối cùng Linh nhận được cũng là lúc tấm ảnh của Nam được gửi tới. Đó là một bức ảnh đẹp, bắt được thần thái của Nam, chỉ có điều Linh chưa kịp rửa để gửi vào cho Nam thì cơn đại đồng thủy ập đến với miền Trung...

*

Anh ở Singapore về với lỉnh kỉnh những nước hoa, cavát, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, áo sơ mi, nơ kẹp tóc, bút bi, bấm móng tay, dây đeo chìa khóa. Sau đó tíu tít đi đến chỗ này, chỗ nọ để tặng quà. Có học có hơn, nhiều người đã nói với anh thế. Ở anh giá trị của học vấn đã được trả về với đúng nghĩa của nó. Anh bỗng đẹp lên gấp nhiều lần trong con mắt của mọi người. Không ít cô gái chạy theo anh đắm đuối, si mê. Ở cái tỉnh lẻ nửa quê nửa phố này anh là mẫu người lý tưởng. Linh cũng tự hào về anh, luôn nhắc mình cần phải trân trọng anh, anh như chiếc bình pha lê, các cô gái mới lớn cứ xô đẩy nhau để được cầm, nắm, ngắm, nhìn như thể không cẩn thận có ngày sẽ vỡ mất. Và quả thật Linh không biết nên vui hay nên buồn khi thấy Mai ngày một đờ đẫn trước anh. Chiếc nơ anh mua tặng Mai được cặp lên sau gáy làm tóc Mai vốn đã đẹp lại càng trở nên óng ánh hơn. Mai dùng nước hoa của anh với một niềm tự hào thầm kín nhưng mãnh liệt. Mai lại còn khoe với Linh là được anh mời đi uống càphê và nghe nhạc Trịnh Công Sơn nữa. Tất nhiên Mai không quên hỏi Linh được anh tặng những gì? Linh hỏi lại: "Theo Mai thì cần anh tặng thứ gì?" Mai cười tinh nghịch: "Nói thật nhá! Một bó hoa tươi và... một trăm đô". Linh lắc đầu: "Anh ấy tặng tớ một bức tượng bằng đá tạc anh bộ đội Giải phóng quân miền Nam đi dép cao su và quấn khăn rằn. Tượng đó do chính tay một nhà điêu khắc tài ba của Singapore làm. Ngoài ra anh ấy tặng tớ một cuốn sách dày năm trăm trang in bằng hai thứ tiếng với tiêu đề "Những đội quân nổi tiếng thế giới". Trong cuốn sách đó có nói cả đến những đội quân của Xêda, Thành Cát Tư Hãn, Napôlêông, Cutudốp, Stalin, Hitle... Chỉ thế thôi. Không có hoa tươi, cũng chẳng có đồng đô la xanh xám".
- Tớ biết rồi. - Mai lắng nghe như nuốt lấy từng lời của Linh rồi bắt đầu bình luận - Anh chàng tìm hiểu Linh qua tớ, biết Linh mê hình ảnh người lính nên chàng mang về cho Linh những thứ ấy. Như thế kể cũng hay, chơi toàn của độc. Linh mà thích những chú bướm vàng có lẽ anh chàng sẽ mang cả viện bảo tàng côn trùng ở bên ấy về cho Linh cũng nên.
Linh lặng im không nói gì, chỉ kịp nhận thấy là hình như anh rất hợp với Mai. Mẫu người anh là để cho người như Mai, ngược lại Mai xứng đáng là một mã số thú vị để dành cho anh giải. Những người lính trong năm trăm trang sách mà anh mang về cho Linh kia không có gương mặt nào của bố Nam. Cả cái tượng anh Giải phóng quân cầu kỳ và đắt tiền kia nữa. Đó là hình ảnh người lính Việt Nam dưới cái nhìn ngoại quốc. Cho dù đó là sự cảm phục, cho dù nó làm ra không phải với mục đích thương mại thì đâu cũng cần phải sang đến tận nước họ mới mang về được hình ảnh ấy để châm ngòi cho xúc động phát nổ nơi hồn mình. Đâu cần phải nhờ đến một trái tim nghệ sĩ, một đôi bàn tay tài hoa của người nước ngoài để tái hiện một hình ảnh mà chỉ có người trong nước mới có thể cảm nhận hết được nỗi bi tráng trong đó? Với lối tư duy ấy, với thói quen làm việc kiểu computơ ấy anh đáng được biếm họa bằng hình ảnh cái đầu thì phình to ra còn trái tim thì bé tí lại. Linh chợt bật lên một tràng cười khi gán cho anh hình ảnh hài hước đó. Ngồi bên cạnh, Mai giật mình nhìn sang Linh rồi với một ánh mắt nghi ngại Mai hỏi:
-Linh đã nghe người ta nói về một căn bệnh sau sốc bao giờ chưa?
Một cảm giác tê tái lan khắp người Linh. Thì ra các người giống nhau đến thế. Hãy thử rơi vào hoàn cảnh như mẹ Nam rồi hãy định nghĩa thế nào là sốc. Không phải nàng vọng phu nào cũng hóa đá được. Họ phải sống vì sự sống có ý nghĩa hơn cái chết. Và hãy lý giải sức sống của họ bằng một lý lẽ khác, lý lẽ của con tim chứ không phải bằng "những căn bệnh sau sốc" dớ dẩn được lấy ra từ cỗ máy vi tính vô cảm kia. Anh có hiểu được điều ấy không? Cả Mai nữa. Đừng mãi vô tâm với cuộc đời thế. Hãy cùng Linh đến nhà Nam để nghe mẹ Nam kể về một người lính đã hy sinh như thế nào. Mà không phải chỉ một người. Cái chết của bố Nam là có thật. Thần tượng của Nam là có thật. Nam đã đúng trong buổi hội thảo về thần tượng năm nào nhưng đúng giữa lúc chân lý đang bị hài hước hóa, thậm chí, tầm thường hóa. Và điều ấy làm Linh không chịu nổi. Điều ấy phi lý và bất công. Nhưng chính Linh cũng đã từng bất công và phi lý như thế. Làm sao Linh có thể trách anh và Mai được khi chính Linh cũng đã từng phải tự trách mình?

*

Chuyện trong ngày Valentine:
Nơi bố Nam đóng quân là một đỉnh núi nằm ở độ cao một nghìn bốn trăm bảy mươi tư mét. Đứng từ đỉnh núi này phóng tầm nhìn bao quát xung quanh sẽ thấy hàng trăm ngọn núi khác nối nhau như hình con rồng khổng lồ đang thỏa mình uốn lượn giữa trời mây. Vị trí mà tiểu đội của bố Nam chốt giữ chính là mắt con rồng đó. Những người lính trấn ải lưu đồn như bố Nam phải trải qua vô vàn nỗi khổ nhưng có một cái khổ không thể không nói đến, đó là sự thiếu nước triền miên. Một lần bố Nam về phép thăm nhà. Nửa đêm ông sực tỉnh bởi tiếng tí tách phát ra từ chiếc vòi nước. Ông trở dậy, lẳng lặng ra đằng sau vặn chặt vòi nước rồi mới lại lên giường nằm ngủ. Nhưng vòi nước quá cũ, ren đã chờn nên nước vẫn tí tách chảy ra. Ông không sao ngủ được vì những giọt nước ấy đã làm ông nghĩ tới những cơn khát lả người mà ông từng phải chịu đựng. Bể nước do chính tay ông và đồng đội đục khắc vào núi luôn là nỗi ám ảnh triền miên đối với những người lính canh chốt. Mỗi khi hết nước tiểu đội lại phân công nhau xuống chân núi gánh nước lên dưới làn đạn bắn tỉa của địch. Gọi là gánh nhưng thực ra là cõng nước. Nước được đưa vào những bao cao su hình ống, to và dài như một con trăn đất. Người lính quấn con trăn ấy lên cổ, vắt qua mình nhiều vòng rồi cứ thế lầm lũi cõng nước lên đỉnh núi. Ngày nào cũng phân công một tổ ba người đi lấy nước. Cung đường lên và xuống dài một nghìn hai trăm mét. Mỗi ngày tiểu đội phải dành ra ba đôi chân đi trên đoạn đường ba ngàn sáu trăm mét chỉ để làm mỗi việc là hứng lấy "lệ rồng" mang về đơn vị. Nghĩ đến điều đó bố Nam thấy xót ruột trước những giọt nước trong vắt đang rỉ ra từ chiếc vòi sắt nơi góc nhà. Ông không thể nào ngủ được. Ông vùng dậy bật điện, lấy đồ nghề ra, tháo chiếc vòi sắt xuống cặm cụi ngồi sửa lại. Mẹ Nam không hiểu được việc làm ấy. Mẹ Nam đã càu nhàu vì mất ngủ, vì sự "trở chứng" của ông. Sau này mẹ Nam mới hiểu được rằng nếu chưa trải qua nỗi đau mất chồng thì không thể lý giải được những sợi tóc bạc trên đầu người chinh phụ. Cũng như vậy nếu chưa từng trải cái khát lả người thì không thể nào hiểu được việc làm đêm ấy của bố Nam.
Và cái định mệnh ấy đã đồng lõa với kẻ thù!
Vẫn chuyện trong ngày Valentine:
Bọn địch thì đông, chúng đã tràn qua ngọn Mắt Rồng vào sâu trong nội địa hàng cây số rồi. Tiếng súng trên ngọn Mắt Rồng vẫn nổ. Điều ấy thắp lên niềm tin cho người ở phía sau, cản bước tiến của địch, khẳng định phên dậu của nước nhà vẫn chưa bị bẻ gẫy. Và sức chịu đựng của người lính ở đấy mới dẻo dai làm sao. Không biết bao nhiêu bom đạn trút xuống. Không biết bao nhiêu lượt quân địch liều mạng xông lên. Núi Mắt Rồng vẫn sừng sững. Những người lính giữ chốt vẫn đều đặn nhả đạn. Sức mạnh hỏa lực không xô ngã được ngọn núi, lợi thế quân đông không áp chế được tay súng như bố Nam. Từng ngày từng giờ khắc khoải trôi qua. Những giọt lệ rồng, phải, chính những giọt lệ rồng không đến kịp đã rút kiệt sinh lực họ. Khi đại quân ta phản công lấy lại ngọn Mắt Rồng, lên tới chốt thì cả tiểu đội vẫn nguyên vẹn trong tư thế chiến đấu. Ngoài bố Nam ra những người lính kia còn rất trẻ. Nửa nằm, nửa ngồi hai tay họ ôm chặt lấy cây súng, khi chạm vào người họ thì họ đã chết từ bao giờ, chết không phải vì đạn thù mà chết vì khát! Cái khát khủng khiếp đã thiêu đốt thân thể họ, làm cạn kiệt nguồn máu trong họ, tạc họ vào hình núi khiến kẻ thù không dám xông lên điểm cao nơi họ chốt giữ. Khi hay tin, mẹ Nam tưởng phát điên lên. Bà mở tung vòi nước cho nước chảy lênh láng cả ra nhà. Nước có đáng là bao, nước thừa thãi quanh ta, nước có thể phung phí như khí trời kia mà. Vậy mà những người lính như bố Nam đã chết vì khát. Như vậy một người lính có thể phải chết nhiều lần trong một lần chết. Và người sống phải chịu nỗi đau do người chết để lại. Quá nhiều nỗi đau mà không hóa đá được thì lại phải sống. Sống cho ra sống để người chết được an ủi. Mẹ Nam là một người như thế.

*

Anh lại đưa Linh đến quán càphê mới mở ấy và nói với Linh rằng:
- Em đừng cực đoan như thế. Xét cho cùng đó là sự phân công lao động xã hội. Những người lính làm nhiệm vụ của họ ở phía trực diện với kẻ thù. Còn những chàng trí thức trẻ lại đang phải làm những công việc khác. Công việc nào cũng hữu ích và giọt mồ hôi nào thì cũng đáng trân trọng như nhau.
Linh bảo:
- Em không bao giờ đối lập anh với Nam. Cả hai đều tuyệt vời và cả hai đều đáng được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống đem lại. Nhưng một người thì đi mãi trong những cánh rừng tràn ngập hoa cỏ, không bao giờ trở về nữa, còn một người thênh thang đi lại trong xa lộ thông tin, nhẩn nha hưởng thụ. Cứ nghĩ đến điều ấy em lại thấy ngộp thở. Có lẽ em là một cô gái nhạy cảm quá mức. Em không muốn thế nhưng cũng lại không thể nào khác thế.
Anh hạ giọng:
- Có thể em đã yêu Nam quá sâu sắc và thời gian chưa đủ để em lấy lại được thăng bằng.
Linh lắc đầu:
- Chưa thể nói đấy là tình yêu. Trong cuộc đời mỗi người đều có những ám ảnh rất lạ. Có những điều ám ảnh làm con người ta sống tốt lên nhưng cũng có những điều ám ảnh làm con người ta sống xấu đi. Nam là một chiều kích ám ảnh đẩy em tới cực tốt của cuộc sống. Chỉ thế thôi, đừng phức tạp hóa mọi điều, cũng đừng lẫn lộn giữa cảm kích và lòng thương hại.
Anh đứng dậy kéo ghế ngồi sát lại bên Linh. Bờ vai Linh như xọm xuống. Anh nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Linh, giữ rất lâu trong bàn tay anh rồi nói một cách âu yếm:
- Anh yêu em, yêu cái sự ám ảnh đang giằng xé trong em. Anh cần em với tất cả những chiều kích trái ngược mà em gọi là ám ảnh ấy. Em hiểu không?
Hiểu không ư? Sao Linh lại không hiểu. Linh bỗng bật khóc. Khóc như tức tưởi, hờn dỗi. Khóc như tủi thân, oan ức. Khóc đến đâu thấy trong lòng nhẹ đi đến đấy.
Đã hơn một năm trôi qua rồi. Với những người dân miền Trung thì cơn lũ thế kỷ mãi là nỗi ám ảnh hãi hùng dai dẳng. Linh cũng đã khóc vào cái buổi chiều đầu đông se lạnh ấy. Các chú, các anh ở đơn vị của Nam từ miền Trung ra cũng với những đôi mắt ầng ậc nước. Nghe các chú nói khi lập bàn thờ cho Nam lục khắp ba lô không có lấy một bức ảnh, Linh đã oà lên nức nở. Ngay hôm sau Linh đi rửa hai tấm ảnh Nam thật to. Một tấm gửi vào cho các chú ở đơn vị Nam, còn một tấm để lại cho mẹ Nam. Bây giờ Nam vẫn đang ngồi đó, đôi mắt ngời sáng, cái miệng thật tươi, lọn tóc buông xuống vầng trán rộng mênh mông sương khói. Trong cơn cuồng điên của nước Nam đã sải cánh tay, quẫy mình giành giật lại sự sống cho gần hai chục con người để rồi chính Nam lại bị dòng nước cuốn đi, nhấn chìm. Bố Nam chết giữa bốn bề đá núi còn Nam chết giữa mênh mông sóng nước. Số lượng những người lính chết trên đất nước này đã làm điều đáng nói như sự ám ảnh do từng cái chết mang lại có sức công phá dai dẳng tới mức không thể nói được bằng lời. Linh chỉ mong anh hiểu được điều đó thôi. Vậy mà đến mãi bây giờ anh mới chịu hiểu ra. Linh khóc cho trôi hết đi những tủi hờn chất chứa. Linh khóc để giãi bày lòng mình trước anh. Như đồng cảm với Linh, sau quầy tủ tiếng hát Khánh Ly vọng ra da diết: Tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này...
Tự bao giờ, anh cũng lẩm nhẩm hát theo.

Xem Tiếp: ----