Thấm thoát mà bốn năm đã trôi qua, kể từ ngày má mất. Năm nay Thủy đã lên bảy tuổi, Hào được mười tuổi còn tôi lên mười ba. Chúng tôi thương yêu nhau trong cái gia đình bé nhỏ, nhưng từ một năm trở lại đây nghĩa là từ khi Thủy bắt đầu đi học, sao giữa chúng tôi hay có sự lục đục. Thật ra, sự lục đục thường chỉ xảy ra giữa Thủy và tôi mà thôi. Hào thì vô tâm thượng hạng, không làm mếch lòng ai bao giờ nên nó như người đứng ngoài cuộc. Chỉ có Thủy và tôi là hay va chạm nhau. Chúng tôi là con gái khiến tôi cứ muốn vội vàng kết luận: con gái hay lắm chuyện. Tôi cũng cố tìm những lẽ để giải thích vì sao Hào nó có thể dễ dàng ăn ở hòa thuận với chúng tôi. Lẽ quan trọng, theo tôi nghĩ chắc là ngoài những giờ học ở lớp là nó ở ngoài đường nhiều hơn là ở nhà. Bạn của nó do đó mà đông lắm. Thằng Ánh láng giềng bên phải, thằng Mộc thằng Tâm láng giềng bên trái, một chuỗi những thằng Đức, thằng Kha, thằng Thạnh láng giềng ở trước mặt. Tùy thời tiết mà những thú chơi của nó thay đổi. Khi mưa, nước đọng ở vũng trước nhà, thì chúng ném đá và tạt nước vào nhau. Khi nắng to thì ngồi dưới bóng dừa kể chuyện phim Ấn Độ. Tháng ba tháng tư thì đứa nào cũng loảng xoảng những lon, những hộp, bắt dế, nuôi dế, đá dế. Tháng chín tháng mười thì rủ nhau ra ao bắt cá, những con cá bằng nửa que diêm - những con cá còn bú mẹ, như lời ba tôi nói đùa - đem về nuôi ở lon sữa và dàn ra từng hàng ở ngoài vườn dưới bóng cây ổi. Khi nghe tiếng xe ba nổ ở đầu phố thì nó lật đật chạy ù một mạch về nhà ngồi trước một quyển sách đã để thường trực ở bàn hoặc chạy tuốt ra sân sau giả vờ mới vừa đi tiểu. Tiếp theo, chị Hai dọn ăn và nó đi rửa tay một cách chăm chỉ, ngồi ăn ngon lành và nghiêm trang như một người rất xứng đáng. Thú chơi của nó không những không động chạm gì đến tôi mà ngược lại, nó còn làm cho tôi ham thích nữa. Tôi cũng bắt chước nó đá dế, bắn cung, bắn bi, gài bẫy dông...
Đối với Thủy thì không thế. Trước đây, khi Thủy còn bé thì tôi yêu Thủy lắm, nhưng sao Thủy như vẫn ít thân mật với tôi. Thủy có vẻ sợ tôi. Điều này tôi không muốn, nhất là ba thì càng không muốn lắm. Mỗi lần ba đi đâu về mà thấy vắng bóng Thủy là ba đã vội kêu "Thủy đâu rồi? Thủy ơi?". Tôi nhớ có một lần nghe ba gọi thế thì chị Hai, chị Ở, vội thưa:
- Thưa thầy, Thủy mắc học với cô Hằng.
Ba bước thẳng lại phòng học, mở cửa nhìn vào. Thủy ngồi cạnh tôi, trrước một quyển vở để mở. Ba nói:
- Thủy nghỉ đi. Chiều rồi.
Nhưng Thủy vẫn im lặng. Tôi nhớ rõ đôi mắt ba chầm chậm nhìn sang tôi. Giọng nhẹ nhàng:
- Thôi, để cho em nó nghỉ.
Rồi ba dìu Thủy đứng dậy. Thủy bấu tay vào bàn không chịu dậy. Ba phải bế giật Thủy ra và nói đùa:
- Thôi mà, sao học chăm thế?
Tôi biết ý ba không vui lắm khi thấy Thủy sợ tôi. Tôi không bao giờ quên lời ba dặn riêng tôi:
- Đừng làm cho em sợ. Nên thương em nhiều hơn.
Tôi có nghĩ rằng ba thương Thủy hơn tôi và Hào. Tôi không ganh tị với Thủy điều này vì mọi người đều cho rằng cha mẹ cưng con nhỏ hơn con lớn. Con nhỏ cần sự âu yếm của cha mẹ hơn. tội nghiệp, má mất hồi Thủy mới có ba tuổi. Tôi muốn nghĩ rằng ba thương Thủy hơn chúng tôi vì nó có nét giống má, còn Hào và tôi thì giống bạ Nhưng dù chủ quan đến đâu, tôi cũng phải công nhận là về hình thức thì ba rất công bằng. Có đồ ăn đồ chơi ba chia đều cho ba đứa. Nếu để tôi đứng chia thì thế nào ba cũng lấy phần của ba sớt thêm cho phần Thủy và phần Hào. Để khỏi làm mếch lòng tôi, ba nói:
- Để chia thêm cho em. Ba lớn, ba không thèm nữa.
Biết tính ấy của ba nên Hào và Thủy thỉnh thoảng cũng lợi dụng, nhất là những khi tôi vắng mặt. Vào bữa ăn, khi có tôi cùng ngồi thì hai đứa ngoan ngoãn lắm. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, một mình tôi về thăm quê mười ngày. Lúc vào, tôi nghe chị Hai bảo:
- Không có chị trong nầy, Hào và Thủy ăn hiếp ba dữ lắm. Hai người nói chuyện liến thoắng trong bữa ăn và những món nào ngon là ăn vã kỳ hết.
Sợ tôi kip tỏ một thái độ bất lợi cho hai đứa, ba gọi cả hai lên phòng ba.
Có lẽ vì biết ba có biệt nhãn đối với mình nên Thủy thỉnh thoảng cứng đầu với tôi. Đọc bài lí nhí mà bảo đọc to thì không chịu nghe nếu tôi nói hơi xẵng giọng. Tôi tức, nhắc lại đôi lần và Thủy tự ái, Thủy cứ ngồi lì, mặt sụ xuống. Tôi cáu, tát cho một cái là Thủy òa ra khóc, khóc kéo dài đợi cho đến lúc ba về. Kể cũng nặng nhọc khi, có lần nhìn đồng hồ còn những một giờ rưỡi nữa ba mới về. Tôi đâm ra thương hại Thủy, ngồi dỗ cho Thủy nín nhưng Thủy vẫn không nín. Lúc ba về, ba đưa mắt nhìn cái quang cảnh mệt mề bất ổn ấy rồi lặng lẽ vào phòng riêng khóa cửa lại. Tôi muốn ba lên tiếng rầy la tôi đi để tôi có dịp trả xong món nợ, để cho Thủy hài lòng mà im tiếng thút thít. Đằng nầy ba im lặng là làm khổ cho cả hai đứa chúng tôi. Tôi lo không biết ba sẽ có một lối phạt nào nặng hơn tiếng ba rầy. Chắc Thủy cũng lo vì ba không tỏ ra tán thành Thủy lắm. Lúc ngồi lại bàn ăn, ba lặng lẽ ăn. Chừng được nửa bữa, trái với sự dự đoán của chúng tôi, ba quay sang Thủy:
- Bữa sau con đừng khóc nhè như vậy nữa. Anh chị có đánh mắng cũng chỉ vì thương em, muốn dạy dỗ em. Chị Hằng thương con bao nhiêu con có biết không? Con đâu có biết được rằng những ngày đầu ở Đà Lạt, khi ba má mới hồi cư, chị Hằng phải bế con khi nhà chưa thuê được người ở. Lúc bấy giờ con còn nhỏ con đâu có biết sự trìu mến nhọc nhằn của chị đối với con. Đáng lẽ con phải thương chị trở lại và cám ơn chị mãi. Đằng này con làm trận với chị là ý con muốn ba đánh mắng rầy la chị. Sao con nỡ như vậy?
Nghe năm chữ sau cùng được nói với một giọng trầm trầm chậm rãi, tôi cảm động và thấy mình có lỗi hơn là em tôi. Ba khéo sắp đặt để cho lời khuyên đứa này còn có thể gián tiếp khuyên đứa kia. Ngừng lại một giây, ba tiếp:
- Chính Thủy hay nhắc đến lời khuyên của má khuyên ba đứa con: "Chị em phải thương yêu nhau". Má biết má sắp mất bỏ lại ba đứa con bơ vơ nên má mới khuyên ba con đùm bọc nhau như vậy.
Dường như cảm động, ba không nói nữa. Tôi muốn chạy ôm ba tôi để xin lỗi, hôn em tôi để làm lành nhưng tôi vẫn ngồi im. Tôi đọc trong những quyển sách tập đọc, tôi xem trong những phim, thấy vào những trường hợp tương tự, một người con gái Âu Mỹ sẽ làm như vậy.
Việc xảy ra như thế làm êm dịu không khí giữa chị em tôi trong đôi tuần. Sau đó, thế nào chúng tôi cũng có những dịp để không hài lòng nhau. Tính tôi cũng dễ cáu. Có lẽ là do cái không khí cô đơn trong đó chúng tôi sống. Ngoài những lúc đi làm vắng mặt, còn khi về nhà ba hay im lặng. Muốn làm vui chúng tôi, ba chỉ có thể kể chuyện, kể chuyện linh động gần như đóng kịch, vào những giờ ăn. Tôi biết đó là một sự cố gắng lớn vì sau một buổi làm việc, trông ba có vẻ nhọc lắm. Ba biết những câu chuyện mà chúng tôi thích. Thích nhất là chuyện ngày xưa của chúng tôi. Ba kể khi tôi còn nhỏ chị Ở tên là Rau bế lại trường má tôi dạy. Tôi thấy má, mừng quá hét to lên khiến mấy anh chị học sinh ngạc nhiên quay lại. Ba kể khi chị Rau bế tôi làm té, má chạy lại ôm lấy tôi vừa xoa vừa khóc nức nở khiến tôi đang ngơ ngác không biết việc gì mới xảy ra nhưng thấy má khóc cũng vội khóc theo. Những kỷ niệm xưa, tôi nghe kể mà thèn thẹn một cách lý thú êm dềm. Thèn thẹn vì ba kể hết những nỗi khổ của thời giặc giã mà không giấu giếm. Êm đềm vì tôi cảm thấy sự âu yếm mà ba má đã dành cho tôi. Trong những kỷ niệm về tôi ba phải nhắc đến má. Giọng vẫn bình tĩnh nhưng thỉnh thoảng tôi thấy mắt ba nhìn ra xạ Rồi giữa lúc đang nói bỗng ngừng lại không nói nữa khiến chúng tôi ngạc nhiên. Tôi đoán biết lý do nên cúi xuống chén cơm mình. Thằng Hào dại hơn, lên tiếng giục:
- Rồi sao nữa ba, nói tiếp đi.
Thủy thế mà tinh ý. Thủy nói:
- Chắc ba nhớ má...
Khi Hào đòi ba kể chuyện ngày xưa của nó, ba kể lúc má dời nhà lên Trung Lương. Hào đi theo mấy người học sinh của má, nào là chị Thỏa, chị Lang đi chăn bò. Nhưng để thay đổi không khí, đối với Hào ba hay kể chuyện tương lai. Ba kể một ngày kia thằng Hào mặc bộ com-lê, mang giày da đen và hút xì-gà. Nó đi nghênh ngang bước vào nhà miệng huýt sáo. Tức thì con nó nhảy bổ ra và reo lên "Ba về! Ba về".
Nghe đến những đoạn này, Hào như bị người cù vào nách không chịu được phải bật cười, cười lý thú vì những chi tiết ba kể thường nịnh theo cái mộng hiên ngang của nó. Ba ít nói đến những kỷ niệm về Thủy. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra lý dọ Những kỷ niệm về Thủy thường tôi và Hào dều biết. Khi ba gợi đến thì thường ba để cho tôi và Hào giành nhau nói tiếp. Buổi tối, ba chơi với Thủy và Hào một lát rồi vào phòng riêng. Chỉ những ngày nghỉ rỗi rãi là bốn cha con quây quần lâu hơn ở xa lông. Ba coi tôi như đã lớn nên khuyên dạy nhiều hơn chơi đùa với tôi. Đó là một lý do khiến tôi thấy mình cô đơn. Tôi mất đi một phần lớn tuổi thợ Nhưng dù vậy, so với cái cô đơn của ba, tôi thấy tôi còn được sung sướng hơn nhiều. Quả tình ba đã hy sinh cho chúng tôi. Điều này tự tôi không biết, phải có nghe những người khác nói mới biết được.
Kỳ nghỉ hè trước ba cho chị em chúng tôi về quê ở Phú Yên chơi. Khi trở lại Nha Trang, ba hỏi:
- Các con có vui được nhiều không?
- Vui lắm. Vui lắm.
Chúng tôi đứa nào cũng lật đật trả lời và tranh nhau kể những thú vui. Những thú vui gần giống nhau: được thấy con sông, cái cầu ván, bầy bò và thằng chăn bò, vườn chuối, bờ tre, cây đa... mà chúng tôi thường đọc trên những trang sách nhưng không tưởng tượng ra được.
Tôi nói:
- Nhưng phiền một nỗi là con đi đâu họ cũng hỏi ba đã...
-... lấy vợ chưa. Phải không?
Ba tôi ngắt lời và mỉm cười nhìn chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười gật đầu. Ba tiếp:
- Ba biết trước những câu người ta đã hỏi các con. Đại khái như thế này: Sao ba không về thăm?... Ba đã lấy vợ chưa? Sao không bảo ba lấy vợ?... Lương ba mỗi tháng bao nhiêu? Ba đã giàu chưa? Con có nhớ má không?...
Thật đúng y những điều người ta vẫn hỏi tôi. Có một điều nữa tôi chắc chắn là ba biết nhưng ba không nói. Đó là, thế nào rồi cuối cùng người ta cũng chép miệng:
- Tội nghiệp má con hồi xưa...
Người nào cũng thương yêu quí mến má. Có nhiều bà lấy khăn chặm nước mắt. Tôi sung sướng muốn nói lời cảm ơn bà. Ba tôi tiếp:
- Sang năm, các con về nghỉ hè, người ta cũng sẽ hỏi lại những câu đó. Vậy ba sẽ thuê in sẵn những câu trả lời để khi gặp ai bắt đầu hỏi: "Sao ba con... " thì con hãy giơ tay ngăn lại vừa móc túi lấy tờ giấy in trao lại cho họ vừa thưa: "Con đã biết rồi. Xin ông (hay bà) đọc những lời phúc đáp dưới đây".
Biết ba nói chơi nhưng tôi vẫn hỏi:
- Ba phúc đáp những gì?
- Dễ lắm. Sẽ in như thế này:
1) Ba con bận quá không về quê được.
2) Ba con chưa lấy vợ.
3) Vừa đủ tiêu thôi.
4) Còn túng lắm.
5) Nhớ lắm ạ, nhất là những khi nhìn lũ con người ta có má săn sóc vuốt ve hay dẫn đi phố, đi xi-nê.
Mùa hè thong thả êm đềm, chúng tôi quây quần bên cạnh nhau. Tôi không bị những bài học khó làm quấy rầy. Thủy cũng vậy, nên chúng tôi không có gì để hục hặc nhau. Đã thế ba lại có nhiều thì giờ để săn sóc chúng tôi hơn nên chúng tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ dễ chịu. Nhưng mùa hè nhẹ nhàng trôi qua và chúng tôi bận rộn trở lại. Mùa học bắt đầu. Thủy và tôi bắt đầu va chạm nhau. Những nguyên nhân thật hết sức vẩn vợ Hoặc tôi giật mạnh quyển sách, hoặc tôi cau mày (lỗi này tôi thường mắc nhất) khi bảo Thủy làm gì. Thế là Thủy hờn dỗi. Có khi ba về kịp lúc Thủy đang hờn dỗi, có khi ba về chậm hơn mãi đến khi tôi đã lỡ đánh rồi. Thật là phiền khi ngững sự việc đáng tiếc này xảy ra rồi tôi mới thấy là đáng tiếc. Vô ích hết sức là những cơn giận dỗi như vậy. Và tôi khó chịu khi thấy rằng cơn giận nào cũng giống nhau, giống đến mức nó làm cho tôi ghê tởm vì sự nhàm của nó. Lần này Thủy mới bắt đầu khóc thì ba về. Tôi biết thế nguy vì mới khóc Thủy còn dư năng lực để khóc tọ Tôi lo xa, ngồi thủ thế ở góc giường, tay cầm quyển sách. Ba thay áo xong bình tĩnh lại đứng bên Thủy dỗ. Phải mất năm phút sau Thủy mới nín. Ba đưa Thủy lại thau rửa mặy rồi dắt Thủy lên phòng. Bữa cơm trôi qua im lặng, ai lo phần nấy. Sau bữa cơm, ba lên giường. Một lát sau, tôi nghe tiếng cửa tủ mở và ba lục lọi gì trong ấy lâu lắm. Buổi xế khi ba đi làm rồi, tôi lẻn vào phòng ba để tìm xem động tĩnh nhưng chẳng có gì lạ, có gì thayđổi. Vẫn cái khung cảnh quen thuộc của giường, của bàn, của tủ sách, của tủ áo. Chỉ có sự lộn xộn của những chồng sách đặt trên bàn là không khi nào giống nhau. Chiều đó, ba bước xuống phòng tôi tay cầm một ảnh khổ 6x9. Ba để dựng lên bàn học của tôi vừa êm đềm nói:
- Con giữ ảnh này, để luôn luôn trên bàn này.
- Ảnh gì đó bả Tôi lật đật hỏi.
- Con xem sẽ biết.
Nói xong, ba đi ra. Hào và Thủy nghe nói có ảnh nhảy bổ vào xem.
- Chị cho em xem thử.
- Cho em xem với, chị Hằng.
Ba chị em châu đầu vào bức ảnh. Đó là bức ảnh chụp mộ má. Ba ngày sau khi chôn cất má xong, ba đặt cho thợ xây mộ. Khi mộ hoàn thành ba đưa chị em ra thăm. Hôm đi, có cả ông vừa ở Phú Yên vào. Một bức ảnh được chụp để ba gởi đến các bà con phía má. Trong ảnh, ba đứng một bên mộ, ông đứng một bên. Hào đứng cạnh ông, tôi đứng cạnh bạ Thủy nhỏ quá, ba phải bế đứng lên thành mộ, gần bên bạ Ba chị em đều mặc áo tang. Màu trắng của áo quần tang nổi lên nền đen của ngọn núi đàng sau. Mặc áo tang vào, trông đứa nào cũng lụng thụng, thật đáng thương hại. Nhất là khi quen mắt với quần áo mặc hàng ngày là kỹ, thẳng nếp. Đã thế, mặt đứa nào cũng đờ ra. Hào đứng thẫn thờ buông xuôi hai tay như người chán đời. Thủy cúi nghiêng mặt để tránh mặt trời chói. Còn tôi thì tóc bay phờ phạc trước trán như một đứa trẻ ốm dậy. Thấm thoát mà thời gian qua mau làm sao. Tưởng chừng má mới mất khoảng mấy tháng nay thôi, sự đau xót còn thấm thía như một vết thương chưa lành kịp. Ấy thế mà bốn năm đã trôi quạ Nhìn lại bức ảnh mới thấy ba chị em bé bỏng đến tội nghiệp, đến buồn cười. Giá mà nhìn thấy ảnh này, chắc má ôm chầm lấy ba chị em mà òa ra khóc.
Có tiếng giày của ba xéo trước hiên, rồi ba bước vào phòng. Hào nhanh nhẩu hỏi:
- Cái ảnh này ba cất ở đâu bấy lâu nay, hở ba?
- Ba cất trong tủ.
Rồi vội vàng như sợ một đứa nào trong chúng tôi đưa ra những câu hỏi vẩn vơ, ba nói:
- Có nhìn vào bức ảnh, ba đứa con mới nhớ rằng mình cùng chung một nỗi đau khổ lớn, nỗi đau khổ mất mẹ. Người nào cũng khổ, khổ như nhau, thế mà mình còn tìm cách để làm khổ thêm anh chị em mình, nghĩ thật là vô lý. Thương yêu nhau bao nhiêu, đùm bọc nhau bao nhiêu cũng đã bù lại được chưa, tình yêu của người mẹ mà các con thiếu?
Ba ngừng nói, đi đi lại lại trong phòng.
- Trí nhớ của chúng ta vốn rất bạc bẽo. Các con lớn lên, nên vai nên vế, mỗi người có bạn bè riêng tư, có mối lo lắng và vui vẻ riêng tư... nên các con dần dần quên nghĩ đến nhau. Mối đau khổ chung của ngày mất mẹ xóa nhóa dần đi, lòng ích kỷ lớn lên...
Tôi sửa soạn cất tiếng cãi; "Không phải! Mối đau khổ không xóa nhòa được đâu, lòng ích kỷ... " nhưng ba đã vội giơ tay ngăn lại:
- Con cứ yên tâm đừng vội cãi. Cứ nghe rồi suy nghĩ đã. Ba đặt bức ảnh nơi đây để nhắc nhở mấy con, nhất là con, mỗi khi có điều gì đáng giận nhau thì hãy nhìn vào trước khi giận. Các con sẽ thấy lại một em Thủy bé bỏng, một em Hào ngơ ngác và một chị Hằng thẫn thờ, cả ba đều chịu chung cảnh mồ côi má từ thuở thơ ngây đó cho đến suốt đời. Cả ba đều khổ. Hãy thương yêu nhau.
Ba nhẹ nhàng bước ra. Còn lại ba chị em, chúng tôi im lặng, không nói gì với nhau được một lời. Bức ảnh để trên bàn tôi hơn một tuần. Quả tình mỗi lần nhìn nó, lòng xót thương của tôi đối với má, đối với hai em, đối với ba và cả đối với tôi nữa, nhức nhối như một vết thương vật chất. Sau một tuần, vì thấy bàn học tôi lộn xộn sách vở, sợ để mực dây bẩn vào ảnh nên tôi lẻn đem bức ảnh đặt lên bàn bạ Ba không phản đối.
Không khí hòa bình kéo dài có lẽ chừng một tháng, Thủy và tôi lại xung đột nhau. Tính Thủy hay hờn dỗi mà một khi đã hờn dỗi rồi thì nói thế nào cũng không chuyển. Cứ đứng lì như một bức tường. Tức quá thì "bốp" cho một cái thì òa ra khóc. Hào cũng bắt đầu tỏ ý khó chịu về tính lì của Thủy nhưng Hào chỉ đứng nhíu mày nhìn rồi khinh khỉnh bỏ đi. Chỉ có một mình tôi là thỉnh thoảng hay "bốp" mà thôi. Những vụ xung đột nhỏ, ba phải giải quyết vào bữa ăn. Khi tự bào chữa, tôi hay đem Hào ra làm chứng:
- Ba hỏi thằng Hào coi. Tại Thủy nó lì quá, con bảo không được.
Ba quay sang Hào:
- Sao? Thủy nó lì hả?
Hào gật đầu.
- Gật đầu là cái gì? Hoặc là có, hoặc là không, phải nói cho ba biết với chớ.
Bị chạm tự ái bất ngờ, Hào tịt luôn không nói. Thành ra đáng lẽ rầy chứng lì của Thủy ba lại quay sang rầy chứng lì của Hào.
Một buổi sáng, ba dậy trễ vì đêm trước có khách nói chuyện khuya. Ba phải vội vã rửa mặt và vừa ăn sáng vừa thay áo. Khi ba hỏi đến Thủy thì thấy Thủy đứng im ở hiên, không cho chị Hai chải tóc và không chịu ăn sáng để đi học. Nguyên nhân chỉ vì khi cắt bánh mì chia phần, tôi không đặt tử tế trước mặt Thủy mà chỉ ném sang. Mẩu bánh mì rơi xuống ghế, Hào phải nhặt lên. Thế là Thủy không ăn nữa. Đến giờ đi làm, ba bước qua phòng ăn vừa dặn với vào:
- Hằng dỗ em một chút cho em ăn rồi nhớ đưa em đi học. Coi chừng chớ trễ giờ rồi đấy.
Trưa về, ba vội vàng hỏi:
- Thế nào? Sáng nay Thủy có bị trễ giờ không?
Không ai dám trả lời. Hào và tôi mỗi đứa cầm một quyển sách ngồi trước bàn. Thủy đứng gần ở cửa sổ. Mãi sau cùng chị Hai lên tiếng:
- Thưa thầy sáng nay Thủy không đi học. Chải tóc Thủy không cho, đưa bánh Thủy không ăn.
Tôi đợi chờ cơn giận của ba vì việc Thủy nghỉ học không xin phép sẽ gây cho ba nhiều sự quấy rầy, nhà trường sẽ viết thư hỏi lý do, ba sẽ phải trả lời trực tiếp hoặc bằng thự Nếu lấy cớ bệnh thì phải có giấy chứng nhận của bác sĩ, chứng nhận bệnh khi nghỉ và chứng nhận mạnh nếu muốn đi học lại. Phiền nhiễu thế mà một mình ba thì đâu có đủ thì giờ để lo cho khắp.
Tôi lắng nghe tiếng chân ba giận dữ bước xuống phòng chúng tôi:
- Cũng tại con Hằng hết. Biết tính em nó vậy, sao còn hay chọc em làm gì?
- Con đâu có chọc? Con lỡ tay làm rớt mẩu bánh mì. Ba cưng nó thành ra động một tí là nó làm trận với con.
- Ba không cưng đứa nào hết.
- Ba cưng rõ ràng. Thằng Hào nó cũng biết.
- Hào, mày nói nghe. Ba có cưng con Thủy không?
Hào ngồi im không nói. Tôi lại phải lên tiếng:
- Thằng Hào bây giờ cũng ghét con Thủy rồi. Thứ gì mà động một chút là đã làm bộ. Thằng Hào nó đã tẩy chay không thèm chơi với con Thủy nữa.
Ba quay lại hỏi Hào:
- Phải vậy không?
Hào vẫn im lặng không nói. Tôi tiếp:
- Trước kia ba cũng biết, thằng Hào nó thương con Thủy nhất nhà. Đi đâu nhặt được cái gì nó cũng đem về cho Thủy. Ăn món gì cũng nhớ để phần cho Thủy. Bây giờ nó ghét rồi, nó ghét rồi.
- Như thế này thì quá thật.
Giọng ba run lên:
- Thủy.
Tiếng ba gọi to làm ai nấy giật mình, và ba đi lại chỗ Thủy đứng, nắm lấy tay Thủy. Tôi vẫn giận dữ nói tiếp:
- Ba không bao giờ đánh nó nên nó dễ ngươi. Ba chỉ đánh con và đánh thằng Hào. Thằng Hào nó trông cho ba đánh con Thủy một lần cho nó coi thử.
- À!
Tiếng ba gằn xuống. Ba lại gọi to:
- Thủy.
- Dạ.
Giọng Thủy vẫn lanh lảnh như thường ngày, không tỏ một chút cảm động nào khác.
- Con ăn ở xấu xa nên chị Hằng và anh Hào đều ghét. Ai cũng muốn cho ba đánh con. Vậy ba phải đánh. Chị Hai đâu, bẻ cho tôi con roi. Chị Hai "dạ" nhưng nấp mãi ở đâu không thấy đem roi lên. Ba đi thẳng ra bờ giếng bẻ phăng một cành chùm ruột rồi vội vã đi vào.
- Ăn ở xấu đến nỗi chị cũng muốn đánh, anh cũng muốn đánh như thế là đã quá lắm rồi. Thủy!
- Dạ.
- Nằm xuống giường.
Thủy ngước nhìn ba với đôi mắt tròn, không biết ba nói thật hay nói đùa.
- Nằm xuống.
Ba nhắc lại. Thủy leo lên giường, nằm ngửa ra, nhìn bạ Môi nhếch lên, phác một dáng cười gượng. Ba giơ cành chùm ruột quất một roi mạnh. Mặt Thủy lộ vẻ ngạc nhiên. Ba giáng thêm liên tiếp hai roi nữa. Đau quá, Thủy bật khóc ồ lên, khóc to, khóc ngon lành. Ba vừa quất vừa nói:
- Phải đánh thật đau cho con chừa. Cho anh chị con bằng lòng.
Mỗi lần giáng xuống, roi gãy cụt một đoạn vì cành chùm ruột trông sù sì dễ sợ nhưng giòn lắm. Cuối cùng, ba vất mẩu roi còn lại ra sân rồi bước lên xa-lông. Thủy vẫn nằm ngửa khóc to, nước mắt chảy ràn rụa. Chị Hai đứng ở khe cửa ái ngại nhìn vào, hai giọt nước mắt lăn trên gò má. Thủy được chị yêu nhất trong ba chúng tôi. Thường ngày chị săn sóc Thủy chu đáo trìu mến như con của chị. Lặng lẽ, chị vào bế Thủy dậy và đưa ra thau rửa mặt.
Lần đầu tiên Thủy bị đòn! Tôi nghĩ thương hại hết sức khi ba bảo Thủy nằm xuống, Thủy ngây thơ tưởng là nằm ngửa như khi nằm ngủ. Thủy đã biết đâu là khi nhận đòn người ta phải nằm sấp xuống. Tội nghiệp nữa là Thủy tưởng là ba nói đùa, đến chừng roi giáng xuống đau quá mới bật khóc và mới biết rằng thật. Có tiếng xì mũi bên cạnh. Tôi quay sang thì thấy Hào nước mắt lưng tròng. Tôi hỏi nhỏ: "Sao mày khóc?" nhưng nó lắc đầu không nói. Một lát sau, tiếng xì mũi mạnh hơn và khi quay lại, tôi thấy mặt nó đã có hai dòng nước mắt chảy dài. Nó lẳng lặng bước ra hiên, lưng rung rung vì những tiếng nức nở nó cố giữ cho khỏi buông ra. Đôi chân nó kéo lệch xệch trên đất. Nó đi men theo mép tường, sát quá và bước chậm quá nên khiến tôi có cảm tưởng là nó bò lên mặt tường. Khi nó đã ra ngồi trước hiên rồi thì tôi nghe rõ tiếng khóc ri rỉ. Tiếng khóc đã làm ba lưu ý. Tôi nghe ba lăn trở trên giưòng và cuối cùng tiếng giép của ba kéo lê đi từ giường lại chiếc cửa sổ tròn trỗ ra hiên. Đứng ở đó một lát ba đi vòng qua xa lông mở cửa trước. Ba đứng trước mặt nó hỏi:
- Sao? Ba đánh Thủy như vậy con có bằng lòng chưa?
Hào không nói.
- Hay là con chưa bằng lòng?
Hào òa ra khóc lớn, tiếng khóc ấm ức. Ba lặng nhìn một giây rồi đi trở vào, lại nằm xuống giường.
Trong khi đó, chị Hai đã bế Thủy lại ngồi ở ghế trước mặt tôi. Mặt Thủy qua cơn kinh ngạc đau đớn đã trở lại bình tĩnh. Tuy vậy, còn có một vẻ gì phảng phất bâng khuâng. Tiếng khóc tỉ tê của Hào ở mái hiên vọng lại khiến Thủy quay đầu lắng nghe. Tôi để ý nhìn vành tai và mái tóc nơi ót của Thủy quay về phía tôi. Chợt tôi bàng hoàng như mình vừa trông lầm: quả là vành tai và mái tóc của má tôi ngày xưa. Vành tai đầy đặn trắng và cái ót trắng, phất phơ bay những sợi tóc mịn màu nâu. Tôi nhó tôi đã ngồi nhìn mãi không biết chán cái tai ấy, cái ót ấy khiến có lần má quay lại hỏi:
- Con nhìn gì chăm chăm thế?
Tôi ngượng nghịu trả lời:
- Con yêu cái tai và cái ót của má quá.
Má tôi cười, ôm tôi hôn và nói:
- Chỉ yêu có thế thôi à? Chắc là mặt má, mũi má con ghét...
- Không, không. Con yêu hết, con yêu...
Câu nói của tôi tắt nghẽn vì má của má áp ngay vào môi tôi.
Lạ thật, mãi hôm nay tôi mới để ý đến vành tai và cái ót của Thủy. Tôi đưa mắt nhìn sang đôi má trắng hồng bầu bĩnh của Thủy, nhìn vào đôi môi đôi mắt. Quả Thủy có những nét giống má, quả Thủy là hình ảnh của má gợi lại cho chúng tôi. Thế mà tôi lại đi hành hạ cái hình ảnh thân yêu ấy. Thật vô lý. Vô lý.
Tôi lắc đầu như cố phủ nhận những hành động sai lầm của tôi trước đây. Tôi hối hận. Tôi muốn kêu lên:
- Má ơi!
Và hai giọt nước mắt không biết từ lúc nào trao ra khỏi mi tôi, chầm chậm lăn trên má tôi, tôi không buồn lấy tay lau đi nữa.

Xem Tiếp: ----