Giấc mộng hèn sang

Đánh Máy: Nguyễn Minh Điền
Trang Tử

Cuối đời nhà Chu, tại ấp Mông, nước Tống, có một người họ Trang tên Chu, tự Tử Hưu, làm quan dưới triều nhà Chu. Trang Tử thờ vị thánh Lão Đam, vị thánh này trước tác bộ “Đạo Đức Kinh” và người đương thời tôn xưng là Lão Tử.
Trang Chu ngủ ngày thường nằm mộng thấy mình hóa bướm, bay nhởn nhơ trong không trung bèn đem việc ấy hỏi thày.
Ông thày đó là một vị chân nhân, thông hiểu cả vũ trụ, nên nghe xong, ông ta giảng giải:
— Nguyên thuở trời đất mới phân, âm dương vừa định, thì có một con bướm trắng hút hết tinh túy của các loài hoa, đoạt khí thiên của nhật nguyệt, tạo thành một nguyên tố trường sanh bất tử.
Con bướm trắng ấy một hôm lại đến cung Dao Trì hút nhụy hoa bàn đào của Tây Vương Mẫu, nên bị con chim thanh loan giữ vườn mỗ chết, hồn dật dờ xuống cõi trần mà đầu thai ra ngươi đó.
Trang Chu nghe nói như tỉnh giấc chiêm bao, đầu óc cởi mở, quan niệm được những nét huyền diệu của vũ trụ, bèn đóng cửa tu hành, về sau trở thành một nhà đạo học cao siêu.
Lão Tử thấy học trò đã giác ngộ, nên đem bộ học thuyết kinh năm ngàn chữ và tất cả sở đắc của đời mình truyền lại cho Trang Tử.
Trang Chu được truyền dạy, gắng tu luyện, nên thể nhập được lẽ biến hóa của thiên nhiên, thông suốt định luật sanh khắc của ngũ hành.
Tuy theo đạo “Thanh tỉnh vô ri” nhưng Trang Chu không bỏ cái thuyết “âm dương thuần nhứt” nghĩa là vũ trụ phải có âm có dương thì loài người phải có vợ có chồng.
Trang Chu lấy ba đời vợ: người thứ nhất bị bịnh chết, người thứ hai vì phạm lỗi bị bỏ, người thứ ba là họ Điền.
Trang Tử sang du lịch nước Tề, Điền Tôn là một người rất trọng học vấn, thấy Trang Tử thông minh đem lòng yêu mến gả con gái mình cho Trang Tử. Điền thị là một nàng tuyệt thế giai nhân, tuy Trang Tử không phải là người háo sắc song cũng yêu thương vợ lắm.
Thời ấy Sở vương nghe tiếng đồn Trang Tử là bậc tài danh, nên cho người đến thỉnh về triều, gia phong tước lộc, ngõ hầu cứu dân độ thế.
Tuy nhiên, là bậc tu hành, Trang Tử đâu có thiết tha gì đến bả vinh hoa phú quà, nên từ chối ngay, và dẫn vợ về trú ngụ nơi Nam Họa Sơn thuộc địa phận Tào Châu, để sống một cuộc sống an nhàn ẩn dật.
Một hôm, thẩn thơ nơi sườn núi, Trang Tử gặp một thiếu phụ mặc tồ đang, đang ngồi cầm cây quạt, quạt một nấm mồ mới đắp, đất chưa ráo.
Trang Tử lấy làm lạ hỏi:
— Tại sao nàng lại ngồi quạt nấm mồ ấy làm gì thế?
Thiếu phụ đáp:
— Chồng thiếp không may chết sớm, nắm xương tàn chôn cất nơi đây. Lúc sinh tiền đang nồng duyên hương lửa, chồng thiếp có dặn rằng nếu rủi ro mà chồng thiếp có mất sớm thì hãy đợi cho nấm mồ lên cỏ đã, rồi hãy tái giá. Nay chồng thiếp rủi mất mà gió mưa tơi tả biết bao giờ nấm đất nầy khô để cho loài cỏ mọc lên được. Mà ba thu đằng đẵng; đêm xuân một khắc ngàn vàng, tiện thiếp chờ sao được! Vì vậy thiếp mới quạt cho đất khô, để cỏ mau mọc, chừng ấy dẫu thiếp có tái giá thì cũng khỏi phụ lòng người chín suối.
Trang Tử nghe dứt lời, thở ra một hơi dài não nuột, trách cho lòng người đời sớm bạc tình, và nói:
— Nếu nương nương muốn cho đất khô ngay không có gì cả. Kẻ bất tài này xin quạt giùm cho.
Thiếp phụ nghe nói mừng rở, trao chiếc quạt the cho Trang Tử.
Trang Tử vận dụng hết “bản ngã” hướng vào nấm mồ, dùng phép quạt mấy cái, nấm mồ tự nhiên khô ráo, đồng thời cỏ xanh lấm tấm nảy chồi.
Thiếu phụ mỉm cười, mặt tươi như đóa hoa buổi sáng, quỳ xuống tạ Ơn Trang Tử và nói:
— Tiện thiếp mang ơn tiên sinh rất trọng, nơi đây biết lấy gì đền ơn. Vậy xin tặng tiên sinh chiếc quạt này.
Vừa nói, thiếu phụ hai tay vừa nưng chiếc quạt lên ngang mày, rồi hớn hở ra đi.
Trang Tử cầm cây quạt che ngấm nghía, lòng nao nao một nỗi buồn khó tả. Cho hay sự đời chỉ là một bức màn thưa, ân tình chỉ là một lớp vỏ che đậy những bản năng dục vọng kinh tởm của con người.
Về đến nhà, Trang Tử vẻ mặt lạnh lùng, trước khi bước vào mái hiên, ngâm mấy câu:
Bất thị Oan gia bất tụ đầu
Oan gia tương tụ kỷ thời hưu?
Tảo tri tử hậu vô tình nghĩa
Tựu bả sinh tiền ân ái câu.
Dịch:
Nếu chẳng oan gia đâu gặp nhau
Oan gia ràng buộc được bao lâu?
Nếu hay lúc chết không tình nghĩa
Thì sống thà đừng ân ái nhau
Thấy mặt chồng bước vào nhà rầu rầu, lại vừa ngâm thơ, vừa cầm cây quạt the, Điền thị ngạc nhiên hỏi:
— Tại sao chàng đi chơi về lại buồn bã như thế. Chiếc quạt kia ở đâu vậy?
Trang Tử đem chuyện thiếu phụ quạt mồ kể lại đầu đuôi cho vợ nghe, và nói thêm rằng:
— Đây là cây quạt bạc tình, mà thiếu phụ ấy đã tặng cho ta.
Điền thị nghe chồng kể đầu đuôi nổi giận, mắng rằng:
— Cái thứ đàn bà quỷ sứ ấy, chồng chết nấm mồ chưa xanh cỏ đã toan bề ân ái, thật là khốn kiếp, lẽ ra thứ ấy phải giết đi rồi đem thả trôi sông để khỏi làm nhơ cho giới phụ nữ.
Trang Tử nghe vợ nói, chỉ cười không đáp, buồn bã ngâm tiếp mấy câu thơ:
Sinh tiền cá cá thuyết ái ân,
Tử hậu nhân nhân dục phiến văn
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Dịch:
Khi sống người người khoe ân ái
Lâm chung kẻ kẻ muốn quạt mồ
Vẽ cọp, vẽ da xương khó vẽ,
Biết người, biết mặt, biết lòng mô?
Điền thị nghe mấy câu thơ càng thêm cáu tiết, hơi giận phừng phừng, trách chồng sao lại đem những hạng đàn bà mất nết ấy mà so sánh với mình. Dễ thường tất cả đàn bà trong xã hội ai cũng thuộc vào loại đó sao?
Trang Tử mỉm cười, nói:
— Thôi đừng có làm giận làm hờn mà chi. Tôi giả thử, nếu mai kia mốt nọ, rủi tôi mà có bất hạnh đi rồi, liệu đóa hoa hải đường kia đang độ phơi phới hơi xuân, có thể phong kín nhụy hương mà chờ quá hạng thiều quang chín chục đó không?
Điền thị cắn môi, phì cười nói:
— Nếu đã là trung thần thì không bao giờ thờ hai chúa, gái tiết trinh bất sự nhị phu. Nếu bất hạnh mà chàng có rủi ro điều gì thiếp xin cam phận đến già, chứ không bao giờ nghĩ đến những chuyện đê hèn như vậy.
Trang Tử nghe vợ nói, cười xòa tỏ ý khó tin.
Điền thị tức giận chụp cây quạt xé nát rồi nói:
— Để làm gì cái đồ phụ bạc này, nhìn thêm nhơ mắt. Chỉ có lúc chàng chết đi mới rõ bụng người đàn bà này tiết hạnh dường nào!
Trang Tử nói:
— Thôi! nàng đừng giận dữ làm gì! đó là ta thử lòng nàng đó thôi, nếu quả nàng có lòng trinh tiết như vậy thì còn gì quà hóa bằng.
Tuy nói thế, nhưng nét mặt Trang Tử từ đó vẫn không phai màu chán ngán!
Chẳng bao lâu, Trang Tử lâm bịnh, mỗi ngày một trầm trọng thêm. Điền thị cả ngày sùi sụt bên giường.
Một hôm, Trang Tử gọi vợ đến nói:
— Bịnh tôi đã nguy ngập, không thể sống được lâu, rất tiếc là cây quạt mồ không còn để nàng dùng mà quạt cho nấm mồ tôi xanh cỏ, để nàng sớm được tái giá cho khỏi tiếng tăm người đời dị nghị.
Điền thị vừa khóc vừa nói:
— Xin chàng cứ tịnh dưỡng chớ có buồn bã như thế mà tổn hại tinh thần. Thiếp là một người có học, biết chữ “Tùng nhất chi chung”, lẽ đâu lại làm được chuyện đê hèn như thế, nếu chàng không tin, thiếp xin tử tiết trước mặt chàng để chàng trông thấy tấm lòng chung thủy.
Trang Tử hổn hển nói:
— Lòng nàng đã như thế thì dẫu có nhắm mắt, tôi cũng an lòng.
Nói xong, Trang Tử tắt thở. Điền thị lăn lóc than khóc rất não nề, bi ai, thống thiết.
Nàng mặc đồ tang, lo việc khăn liệm, quàng quan tài nơi giữa nhà để phúng điếu.
Qua mấy ngày, Điền thị khóc sướt mướt, bỏ ăn bỏ ngủ. Đến ngày thứ bảy, bỗng có một chàng thư sinh, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, áo tía, quần đen, phong nghi tuấn tú, có giắt theo một người lão bộc đến tự xưng là Vương Tôn nước Sở. Ngày trước có đính ước cùng Trang Chu theo đòi học tập, nay đến nơi mới hay Trang Chu đã chết, nên Vương Tôn cảm nghĩa xin vào phúng điếu.
Điền thị phải ra tiếp kiến.
Khi Vương Tôn khóc lạy linh cữu xong, Điền thị mời Vương Tôn vào nhà khách để dùng trà.
Thấy một gã thư sinh trẻ đẹp như thế, Điền thị thoắt động lòng, tuy bên ngoài giữ lễ, nhưng bên trong cũng muốn kiếm cách làm quen để tiện bề gần gũi.
Vương Tôn nói:
— Trang tiên sinh đã ra người thiên cổ, nhưng lòng ngưỡng một của tôi vẫn còn. Nay tiểu tử muốn xin lưu lại nơi đây một trăm ngày, trước là trọn đạo cư tang, sau mượn sách vở của tiên sinh để học đòi được phần nào hay phần ấy.
Vớ được dịp may, Điền thị tủm tỉm cười, cung kính đáp:
— Tình nghĩa thầy trò, xin Vương Tôn đừng ngại gì cả.
Nói xong, nàng xuống bếp lo sửa soạn cơm nước đãi đằng rất hậu.
Thảo đường gồm có ba gian, gian giữa quàng linh cữu, gian bên phải Vương Tôn ở. Điền thị đêm đêm lấy cớ đến khóc chồng nhìn ngắm Vương Tôn, mắt liếc, lòng mơ, mối tình mỗi ngày một tha thiết.
Tuy nhiên, hình như có một giòng sông ngăn cách, Điền thị không biết làm sao để vượt qua bờ sông ân ái; một hôm nàng đánh liều gọi người lão bộc của Vương Tôn đến hỏi:
— Chủ nhân của ông đã có vợ con chưa?
Người lão bộc đáp:
— Thưa phu nhân, chủ tôi lâu nay lo trau dồi kinh sử chưa có thì giờ để nghĩ đến việc đó.
Điền thị mỉm cười hỏi tiếp:
— Ông liệu xem những người đàn bà như thế nào mới hợp ý Vương Tôn?
Người lão bộc nói:
— Mấy hôm nay chủ nhân tôi ước mong sao được có người nhan sắc như phu nhân mới vừa ý.
Điền thị không dè dặt nữa, nói thẳng:
— Ông có thể tác thành cho hai bên chúng tôi được không?
Người lão bộc làm ra vẻ e ngại, nói:
— Điều đó chủ tôi còn gì mong ước hơn, song sợ e tiếng thầy trò, thiên hạ dị nghị chăng?
Điền thị dẫn giải:
— Vương Tôn tuy trước kia có lời nguyện ước, song chưa từng học với chồng tôi một ngày nào thì sao gọi là nghĩa thầy trò? Vậy ông là một người lão bộc trung thành, tôi nhờ ông giúp đỡ, nếu việc được thành công tôi sẽ trọng thưởng.
Người lão bộc tỏ ý thuận tình bước đi. Điền thị còn căn dặn theo:
— Nếu ngày nào xong việc, ông nhớ tin cho tôi biết liền đi nhé!
Một ngày trôi qua, thời khắc đối với Điền thị như dài dằn dặc, trong lòng mơ ước không yên.
Sáng hôm sau, Điền thị nóng ruột quá mới gọi lão bộc đến phòng hương hỏi chuyện.
Vừa mới gặp mặt Điền thị, người lão bộc đã nói:
— Nương Tử ôi! Công việc bất thành rồi.
Điền thị nghe nói, trong mình lạnh toát, mồ hôi rướm ướt áo, hỏi vội:
— Sao? Sao thế?
Lão bộc chậm rãi đáp:
— Chủ tôi nói cũng có là. Theo người thì sắc đẹp của Nương Tử tuyệt lắm rồi, tình sư đệ cũng không đáng kể, duy chỉ có ba việc này thực là khó khăn lắm.
Điền thị nóng lòng, hỏi:
— Việc gì? Ông cứ nói mau đi!
— Điều thứ nhứt: Chiếc quan tài còn quàn nơi giữa nhà, thây người chết chưa lạnh, nếu bàn tính đến cuộc hôn nhân e bất nghĩa lắm. Điều thứ hai: Trang tiên sinh cùng Nương Tử thuở nay ân ái đậm đà, tình chăn gối không gì thương tổn. Vả lại, Trang tiên sinh lại là một bậc tài hoa lỗi lạc, còn chủ nhân tôi, học mọn tài sơ, e không xứng đáng với Nương Tử chăng. Điều thứ ba: chủ tôi đến đây không có mang theo tiền bạc bao nhiêu, lấy gì mà lo sính lễ. Vì các lẽ đó mà công việc không thành.
Điền thị nghe xong cười nói:
— Cả ba điều ấy rất dễ giải quyết:
Sau nhà còn một cái phòng trống, tôi sẽ thuê người khiêng cái quan tài kia đem ra để tạm sau đó.
Vong phu có gì đáng gọi là đạo đức và tài năng đâu. Trước kia đã có hai đời vợ nhưng vì dạy không được nên phải bỏ đi, thiên hạ đều cho là bạc bẽo. Sau đó Sở vương hâm mộ hư danh nên mời về làm tướng, y tự biết mình bất tài nên lánh mặt nơi thôn dã, sống ẩn dật nơi chốn núi non. Hôm trước đây hơn một buổi dạo chơi, y có gặp một thiếu phụ quạt mồ, liền giở trò trêu hoa ghẹo nguyệt, đoạt cây quạt của thiếu phụ đem về đây. Tôi nổi giận xé chiếc quạt ấy ra từng mảnh. Ông coi đó! như vậy mà còn tình nghĩa yêu đương gì nữa chứ!
Việc tiền bạc Vương Tôn nói đó cũng không khó khăn gì. Tôi là chủ rồi, còn ai mà đòi sính lễ nữa. Đến như tiệc tùng thì tôi còn của cải hơn mười lượng vàng lại không đủ chi dùng sao! Nếu Vương Tôn mà có cố tình kết tóc trăm năm với tôi thì chúng ta làm một cái lễ mọn để động phòng hoa chúc cũng đủ lắm rồi.
Nói xong Điền thị lấy vàng giao cho lão bộc đem về đưa cho Vương Tôn và hẹn đêm hôm ấy làm lễ hợp cẩn.
Tối hôm đó, Điền thị được tin Vương Tôn khứng chịu một bề, rất mừng rỡ, mượn người khiêng chiếc quan tài của Trang Tử để ra phía nhà sau, rồi thay đổi đồ tang, mặc áo gấm, quần hồng, thắt hoa, kết lá trước thảo đường muôn màu sặc sở.
Sửa soạn xong, Điền thị ngồi chờ Vương Tôn đến.
Mãi đến quá 9 giờ đêm, Vương Tôn mới qua thảo đường. Điền thị nóng lòng như đốt, đôi mắt long lanh, hai má ửng hồng, nhìn Vương Tôn khôi ngô tuấn tú, trong chiếc áo cẩm bào màu lục.
Hai người làm lễ xong, men rượu hiệp cẫn nuốt chưa trôi qua nửa cổ, Điền thị phút động hương tình, dục Vương Tôn vào phòng nghỉ sớm...
Bỗng Vương Tôn mặt mày nhăn nhó, chàng lăn dưới đất la ôi ối. Không rõ việc gì, Điền thị hoảng kinh đến ôm Vương Tôn vào lòng.
Người lão bộc nghe tiếng chạy đến, thấy vậy nói với Điền thị:
— Chủ tôi trở lại bệnh đau bụng trước kia rồi đó. Bịnh này thì không có thuốc nào chữa nổi, chỉ trừ có được một vật ấy mà thôi.
Điền thị lo lắng hỏi:
— Vật gì thế?
Người lão bộc giải thích:
— Trước kia, bình nhật cứ mỗi lần bịnh ấy phát lên thì vua nước Sở phải giết một tù nhân, lấy bộ Óc ngâm rượu cho Vương Tôn uống thì khỏi ngay. Nay bịnh ấy tái phát mà ở nơi chốn sơn lâm cùng cốc này tìm đâu ra được thứ đó, chắc là chủ tôi phải chết mà thôi.
Điền thị sốt ruột hỏi:
— Thế thì óc của người chết có dùng được hay không?
Người lão bộc nói:
— Người chết chưa quá một trăm ngày thì bộ Óc vẫn dùng làm thuốc ấy được. Trước kia tôi có nghe quan Thái y nói như vậy.
Điền thị hớn hở nói:
— Vong phu chết chưa quá hai mươi ngày, vậy thì ta nạy quan tài mà lấy vật ấy.
Người lão bộc làm ra vẻ ngần ngại nói:
— Chỉ sợ Nương Tử không nỡ làm như thế.
Điền thị bỉu môi nói:
— Ta cùng Vương Tôn kết nghĩa đá vàng, cho đến răng long bạc đầu, thân của ta còn không tiếc, huống chi một nắm xương tàn kia mà ăn nhằm vào đâu.
Nói xong, Điền thị gởi gắm cho người lão bộc ở lại săn sóc Vương Tôn, còn mình thì chạy thẳng xuống nhà dưới tay cầm một cây búa, tay nắm một con dao mò sang bên phòng có để linh cữu của chồng.
Vừa đến nơi, Điền thị không cần nghĩ ngợi gì nữa cả, hai tay hươi búa bổ vào quan tài mấy cái, nắp quan tài bật tung ra. Bên trong nghe có tiếng rên rồi bỗng thấy Trang Tử lồm cồm ngồi dậy.
Điền thị hoảng kinh, đứng cứng ngắt như trời trồng, hai tay rụng rời, rơi lưỡi búa và con dao xuống đất.
Trang Tử nói:
— May phước nhà ta, trời không nỡ để tuyệt mạng, tôi chết đã hơn mười ngày mà còn sống lại được, vậy thì chúng ta cùng về phòng nói chuyện cho vui.
Trang Tử đi trước, Điền thị nối gót theo sau, mồ hôi toát ra như tắm, da mặt cắt không còn chút máu, chỉ sợ về đến phòng gặp người lão bộc và Vương Tôn ở đó nàng sẽ không biết nói làm sao với chồng.
Chưa tìm được lời lẽ nào để nói dối, thì hai người đã đến nơi. May thay, người lão Bộc và Vương Tôn lại biến đi đâu mất.
Điền thị vững lòng, lấy hết can đảm nói:
— Từ hôm phu quân mất đến nay, suốt ngày đêm tôi khóc mãi, không ăn, không ngủ gì được cả. Bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên, tôi sực nhớ đến cổ nhân có chuyện hoàn hồn nên vội vã bửa nắp quan tài để xem chàng có sống lại chăng!!!
Trang Tử mỉm cười nói:
— Phu nhân có lòng như vậy, ta rất cảm ơn, song ta chết chưa quá hai mươi ngày, lẽ ra phải cư tang thủ tiết, chứ sao lại mặc áo tía quần hồng làm gì vậy?
Điền thị không biết nói sao, đành làm lơ, dở trò vuốt ve hàng ngày để làm cho phai sự bẽn lẽn của mình. Thôi thì mắt liếc, miệng cười, đủ trò nghệ thuật.
Trang Tử chỉ cười, và cũng chỉ biết cười thôi, chứ không còn nói được lời nào nữa. Sai lấy rượu uống, uống đến say mèm, rồi trèo lên giường ngủ, rồi lại chợt dậy lấy bút viết:
Tòng tư liễu khước oan gia trái,
Nhĩ ái chi thời... ngã bất ái.
Nhược kim nhĩ tố phu thê,
Phạ nhĩ phủ phách thiên linh cái!...
Dịch:
Từ đây nguyệt đứt dây oan trái,
Người yêu ta lắm... ta tê tái
Nay dầu giữ mãi nghĩa phu thê,
Búa kia sẽ bửa đầu ta bễ!...
Điền thị nghe xong bốn câu thơ thẹn đỏ mặt lòng như chết điến, chưa kịp biện bạch lời nào thì Trang Tử đã ngâm bồi thêm bốn câu thơ nữa:
Phu thê bách nhật hữu hà ân?
Kiến liễu tân nhân vong cựu nhân!
Phủ đắc cái quan tao phủ phách,
Như hà đẳng đãi phiến can phần?
Dịch:
Trăm ngày tình nghĩa có gì ơn?
Được mối duyên tình cựu nghĩa nhơn!
Nhát búa nạy quan còn thấy đó,
So người quạt mộ, gái nào hơn?
Ngâm dứt bốn câu thơ, Trang Tử nói với Điền thị:
— Để ta gọi thầy trò Vương Tôn đến đây cho phu nhân xem nhé!
Liền lúc đó, ngoài cửa quả có Vương Tôn và người lão bộc thấp thoáng trước rèm, bên trong Trang Tử lại biến đi đâu mất. Điền thị biết chồng mình hóa phép để thử lòng mình, nên quá hổ thẹn, thắt cổ mà chết.
Trang Tử đem thây vợ xuống, đặt vào chiếc quan tài bị phá vỡ rồi lấy chiếc chậu vàng vừa gõ vừa ca:
Ngã tai, nhĩ nhoa khẩu:
Ngã tử nhĩ bất giá
Thê bị tha nhân hữu
Ngã bị tha nhân khóa
Ngã nhược chân cá tử,
Nhất trường đại tiếu thoại
Dịch:
Ta sống nàng khoe khoan
Có chết nguyện thủ tiết
Nhưng rồi lại thay chồng
Ngựa hồng người khác cỡi
Nếu mà ta chết thực
Trò cười thật mỉa mai!
Ca xong đập vỡ cái chậu, rồi nổi lửa đốt ngôi nhà. Tất cả đều cháy rụi. Từ đó Trang Tử ngao du trong thiên hạ, sớm chiều bạn với trăng sao, cây cỏ, chán cái mời tục lụy nên chân hồ hải với hai bộ kinh “Đạo Đức” và “Nam Hoa” truyền cho những người hiếu học sau này.