Một sự bình thản đã ngự trị tâm hồn Mẫu Đơn, một sự bình thản của niềm hân hoan lặng lẽ. Mối tình bí mật đã giúp nàng không cần một điều gì khác, và đã thay đổi màu sắc cuộc đời quanh nàng. Nàng đã toại nguyện. Nàng cám ơn cha mẹ đã để nàng đi. Nàng cho mọi người biết nàng và em gái sẽ đi Bắc Kinh với Lương Hàn Lâm, và vô cùng tội nghiệp cho những kẻ ngồi lê đôi mách, quá bận rộn với những bổn phận cũ lâu đời của một ngày, đến nỗi không biết dừng lại và tự hỏi họ đang làm gì. Chuyến đi Bắc Kinh là một cánh cửa mở vào một đời sống mới, cuộc phiêu lưu tinh thần, giải thoát cho nàng, và tìm kiếm một cái gì mới lạ chưa biết.Mọi chuyện tiến hành tốt đẹp. Trong một buổi tiệc của gia tộc, mọi người đều biết hai chị em, Tam muội và Tứ muội, sẽ đi Bắc Kinh. Đây là một tin quan trọng. Hai chị em được giới thiệu với Nghi thân vương, quan Tuần Vũ, và được ngồi tại bàn dành cho khách danh dự và Nghi thân vương.Trong bữa ăn, một lần Nghi thân vương nói với cha mẹ Mẫu Đơn, "Bất cứ khi nào ông bà cần giúp đỡ gì, xin cứ lại gặp thẳng tôi." Đó là một cử chỉ tử tế, dùng để kết chặt tình thân hữu giữa ông ta và nhà học giả danh tiếng, nhưng cũng rất có lợi cho nhà họ Lương, trong trường hợp bị rắc rối. Người dân nằm dưới quyền sinh sát của giới thư lại chậm chạp và thiển cận, trừ một số người có thể gặp thẳng quan Tuần Vũ.Thực là một cơ hội vinh dự cho gia tộc khi ông Tô xác nhận quan Tuần Vũ sẽ đến dự tiệc của gia tộc. Vào những ngày ấy, khi quan Tuần Vũ từ dinh đi ra, trống phải đánh báo hiệu từ hoa viên bên trong. Kèn trống náo nhiệt và ba bánh pháo lớn nổ ròn tan lúc ông ta khởi hành, bước lên chiếc kiệu bọc nỉ xanh có bốn phu kiệu khiêng, quân lính và kỵ mã dẫn trước. Cái quang cảnh hào nhoáng và sự kính trọng của dân chúng rất cần thiết cho chính quyền. Người dân phải tránh đường và đứng bên lề, sững sờ kính cẩn khi quan Tuần Vũ đi qua. Cả thành phố biết rằng Nghi thân vương là bạn của nhà họ Lương.Nhà họ Lương đã mượn một biệt thự bên bờ hồ, có một ban công dài sơn đỏ bao quanh bờ một ao sen, tại đó khách có thể ngồi thưởng hoa xem cá.Có vài bài diễn văn trước bữa tiệc. Bài diễn văn của Nghi thân vương ngắn ngủi, đầy những lời của quan trường và hết lời ca ngợi quan Hàn Lâm. Khi Mạnh Giao nói, một sự im lặng bao trùm khán giả. Các bà mẹ giữ con cái im lặng và nói, "Quan Hàn Lâm đang nói." Lời nói ấy có ma thuật khiến trẻ con cảm thấy sợ hãi.Những con mắt thán phục hướng vào nhà học giả, người duy nhất trong gia tộc được phong chức này trong cả một thế kỷ, và là sự thèm thuồng của các gia tộc khác. Bắp thịt trên má Mạnh Giao rung động, lông mày nhíu lại và dãn ra mau lẹ. Chàng cảm động. Bữa tiệc gia tộc này có ý nghĩa đối với chàng hơn là những bữa tiệc tại Bắc Kinh. Chàng bắt đầu lên tiếng, "Không đâu quý bằng chốn quê hương." Hàng lông mày rậm của chàng nhăn lại và giọng của chàng khẽ rung lên. Bà dì của chàng ngồi bên cạnh, hãnh diện và sung sướng. Mỗi lúc chàng càng nói hùng hồn hơn. Ñt người hiểu chàng khi chàng nói về tư tưởng của quan Đại học sĩ Trương Chi Đông "Sức Mạnh Qua Sự Học." Chàng nói rằng một quốc gia vĩ đại bao giờ cũng có thể thay đổi và điều chỉnh để đương đầu với một hoàn cảnh mới, rằng Trung Hoa hiện nay đang gặp phải một cảnh như thế, rằng Trung Hoa đã yên ổn về phía biển cả và đã xây Vạn Lý Trường Thành để phòng vệ hiểm họa từ phương bắc, nhưng bây giờ sự đe dọa đến từ biển cả và Trung Hoa phải mau lẹ thích ứng học hỏi, và phải học hỏi thật nhanh, nếu không những sự nhục nhã khác sẽ xảy ra, như trận Chiến Tranh Nha Phiến, vụ Cướp Phá Cung Điện Mùa Hạ, và mất Đông Dương vào tay người Pháp.Chàng nhấn mạnh, "Vạn Lý Trường Thành không còn hữu dụng nữa. Người ngoại quốc trước kia Trung Hoa chưa hề biết, đã tới biển Trung Hoa. Pháo thuyền, pháo thuyền, và pháo thuyền đã khinh thị sóng biển.Trung Hoa đang gặp một hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử." Bài diễn văn của Mạnh Giao biểu tượng cho tinh thần cải cách do một số nhà tư tưởng nêu ra và hiện nay do Trương Chi Đông chủ xúy. Họ Trương đang đưa ra bài luận thuyết nổi tiếng, "Sức Mạnh Qua Sự Học." Nghi thân vương không ở lâu tới cuối bữa tiệc. Khi ông đứng lên xin cáo từ, tất cả khách đứng dậy tỏ lòng tôn kính, và bữa tiệc phải ngừng lại. Khi Nghi thân vương vừa ra về rồi, sự Ồn ào hỗn loạn lại tiếp tục.Hải Đường hỏi Mạnh Giao vào lúc tiệc tàn, "Làm sao anh biết tiếng Mãn Châu? Em nghe thấy anh nói tiếng Mãn Châu với Nghi thân vương." - Anh học một thổ ngữ Mông Cổ, khác với tiếng Mãn Châu. Nhưng tiếng ấy cũng có cùng mẫu tự như tiếng Mãn Châu. Nếu anh có mẫu tự rồi anh có thể học. Nhưng người Mãn Châu thích nói tiếng Trung Hoa.- Tại sao?- Bởi vì tiếng Trung Hoa là ngôn ngữ của văn hoá, triết học và thi văn. Người Mãn Châu nói tiếng Trung Hoa hay hơn chúng ta. Nhã Lan, một thân vương Mãn Châu là một nhà thơ và viết tiếng Trung Hoa. Ôi, những vần thơ và cảm xúc thật rung động! Anh sẽ dạy em thơ của Nhã Lan. Em không thể hiểu hết được thơ của Nhã Lan, trừ phi em hiểu được cuộc đời tình ái của ông ta.Một tia sáng lóng lánh trong đôi mắt tròn và rực rỡ của Hải Đường. Mọi thứ Mạnh Giao chỉ dạy cho chị em nàng đều mới lạ và khích động. Nàng thật là may mắn được theo chị đi Bắc Kinh và được nghe chàng nói hàng ngày.Mặc dù nỗi buồn của sự chia ly và một vài sự nghi ngại về Mẫu Đơn, cha mẹ nàng rất sung sướng cho hai cô con gái. Họ nghĩ rằng đây là một cơ hội rất hiếm hoi cho các con, và hy vọng tin tưởng Mạnh Giao sẽ kiếm chồng cho Mẫu Đơn và Hải Đường. Về mặt khác, các vấn đề của đứa con gái goá bụa cũng thoát khỏi tay họ. Ông bố nói với Mạnh Giao:- Chú thấy hai con gái của chú thực là may mắn có được một sư phụ như cháu, và chú hy vọng hai đứa sẽ học hỏi được nhiều trong thời gian ở Bắc Kinh dưới sự chỉ dạy của cháu.Bà mẹ nói, "Thím tin tưởng giao hai đứa con gái cho cháu." Trái tim bà ta tan nát khi trông thấy hai người con gái trưởng thành rời nhà ra đi lần này. Mạnh Giao trả lời:- Cháu sẽ săn sóc Mẫu Đơn cẩn thận. Cháu tin rằng Hải Đường có thể tự lo liệu cho mình được.Mẫu Đơn vội hỏi, "Anh nói thế nghĩa là gì?" - Anh muốn nói anh sẽ săn sóc em và trông cậy em gái của em săn sóc anh.Hải Đường có vẻ hăng hái, "Ý anh muốn nói giặt giũ và nấu nướng, phải không? Và anh không lo cho em?" Bà mẹ khẽ rầy, "Không được hỗn với Đại ca." - Không, cháu thích như thế. Cháu không mong đợi hai em sẽ phải giữ hình thức lễ nghi nếu hai em phải sống trong cùng một nhà với cháu.Đêm hôm trước ngày khởi hành, khi chỉ có riêng hai chị em, Mẫu Đơn nói, "Em, chúng ta đi cùng với nhau.Chị vui mừng em có thể đi cùng với chị. Chị chắc rằng em hào hứng lắm." - Dĩ nhiên. Đi Bắc Kinh mà!- Đừng nói với mẹ, nhưng chị sẽ nói cho em biết vì là chị em. Chị yêu anh ấy và anh ấy yêu chị. Nghe rõ chưa?Hải Đường trả lời bằng giọng bình thường, "Em nghĩ em đã cảm thấy như thế. Mẹ cũng vậy." Mẫu Đơn đặt một ngón tay lên môi. "Im lặng, hãy để mẹ nghĩ cái mà mẹ thích, nhưng đừng nói ra. Chị chỉ nói với em thôi. Chị yêu anh ấy điên cuồng - chị muốn nói, chị sẽ sống cuộc đời riêng của chị và em sống cuộc đời riêng của em." - Ý chị muốn nói là em sẽ không nên xen vào, phải không?- Đúng vậy.- Nếu đấy là sự lo lắng của chị thì em bảo chị nên quên đi. Em sẽ tự lo cho thân em.- Đại ca nói em có thể làm như vậy.Giữa hai chị em đã có một sự thông cảm. Họ nằm trên giường, mỗi người suy nghĩ riêng tư. Một lát sau, Hải Đường nói, "Chị sẽ không làm anh ấy đau khổ, phải không? Chị phải nghĩ đến anh ấy, phải bảo vệ danh tiếng của anh ấy... " - Hừ, em làm chị muốn bịnh.- Thôi, ngủ ngon.- Ngủ ngon.Thực là một sự hy sinh cho bà mẹ phải để hai cô con gái đi xa. Hải Đường là con cưng của ông bố. Nàng là hiện thân của Tây Hồ, và người chị là dòng sông Tiền Đường nổi sóng; những đợt sóng thủy triều nổi tiếng của sông Tiền Đường chưa bao giờ làm nước Tây Hồ phải cau mặt. Trẻ hơn chị ba tuổi, Hải Đường đã hoàn toàn là một người trưởng thành, có khả năng trực giác phải làm gì và không nên làm gì, phải nói gì và không nên nói gì. Nhưng mẹ nàng có tâm hồn giầu tưởng tượng hơn; bà sống một cuộc đời tuyệt vọng lặng lẽ, không buồn không vui, nên có lòng thiên vị Mẫu Đơn hơn, như thể là trong những phiêu lưu của Mẫu Đơn, bà sống lại cái quãng đời trẻ trung của bà. Điều này chứng tỏ trong mọi việc làm của bà, trong cái vườn hoa nhỏ một cách tội nghiệp mà bà muốn biến thành một khoảng trống tự do sau nhà, trong những khúc nhạc ngắn mà bà hát với con gái trong lúc ông chồng vắng nhà.Ba người dùng tầu thủy của người Anh tới Thượng Hải, và sau đó là Thiên Tân. Hai chị em hằng ao ước được đi tầu của người ngoại quốc nên Mạnh Giao phải bỏ thành kiến ghét biển cả. Dẫu sao, dùng đường thủy họ sẽ tới Bắc Kinh nhanh hơn - vào cuối tháng Chín, trước khi mùa đông thực sự tới.Mạnh Giao không có ý định trở thành một chuyên gia về hàng hải. Một ông quan văn thì học được những bí mật gì của hải quân tân thời? Nhưng chàng được giao một công vụ, và ngoài ra còn cái ý tưởng của Trương Chi Đông rằng sự đe dọa Trung Hoa bây giờ đến từ biển cả, chứ không đến từ các sa mạc Mông Cổ như trước kia. Với một tâm trí sáng suốt và học hỏi, chàng cố tìm hiểu những gì mới lạ. Trong cuộc hành trình, chàng nói chuyện với thuyền trưởng qua một thông dịch viên. Viên thuyền trưởng là một ngưòi Thụy Điển cao lớn đội mũ trắng, và có nhiều kinh nghiệm về hàng hải. Chàng rất chú ý đến cái phong vũ biểu, viễn vọng kính và thước đo cung 90 độ. Chàng biết không thể coi thường người Tây phương về bất cứ phương diện gì, nhất là khi những họng súng của họ có thể bắn ra hoa? lực sấm sét. Chàng thận trọng thu thập sự kiện làm báo cáo cho Trương Chi Đông. Trên tất cả, là một học giả về địa lý lịch sử, chàng rất thán phục hệ thống hải đăng, phao nổi và bản đồ chính xác của tây phương. Trong thời gian ở Thượng Hải, chàng mua một cái phong vũ biểu làm quà tặng Trương Chi Đông. Sau đó khi tới Thiên Tân, chàng thăm viếng chiến lũy Đường Cô, và thận trọng lần mò con đường mà binh sĩ Anh Pháp tiến từ Đại Cô và Đường Cô vào Bắc Kinh năm 1860, một cuộc tiến quân chấm dứt bằng sự cướp bóc và đốt cháy Cung Điện Mùa Hạ. Trong triều đình giữa giới quan lại vốn suy nhược mệt mỏi, hành động chậm chạp, và thiển cận, nhưng không ngừng tranh dành quyền lực, Mạnh Giao là một trong số ít ỏi những người cảm thấy sự cấp bách phải cải cách.Khi chiếc tầu thủy từ từ lướt vào sông Hoàng Phố để đến Thượng Hải, một ngọn gió tây bắc thổi khói đen từ ống khói tuôn ra một màu trắng như bọt. Mẫu Đơn và Mạnh Giao đứng tựa lan can tầu, ngắm nhìn khói ùa ra trên sóng nước. Mắt Mẫu Đơn nheo lại và khẽ kêu lên, "Ôi thần tiên quá!" Hai bên bờ là từng dẫy nhà kho, xưởng thợ, và chòi làm bằng thiếc uốn cong. Trên sông đầy thuyền tam bản, thuyền buồm và thuyền đánh cá. Con tầu chậm chạp lướt qua, hú còi để báo động cho biết đang vào bến. Không sợ hãi, các thuyền nhỏ sấn vào để lượm những vỏ hộp, chai lọ, rau cỏ và bánh thừa vất xuống, trước khi những con chim biển nhào tới. Hai pháo thuyền Anh và Pháp buông neo gần bờ, tuy nhỏ bé nhưng có một vẻ đẹp đầy sát khí, cái lý lẽ bất bại của một nền ngoại giao bằng sức mạnh.Bến cảng dài gần một dặm, đằng sau lừng lững những toà nhà cao, gồm cả khách sạn Palace và ngân hàng Hương Cảng Và Thượng Hải, xây bằng đá với những cửa sổ bằng kiếng. Cuối bến cảng là cầu Hồng Kiều. Rồi họ có thể nghe thấy những âm thanh của thành phố và trông thấy xe kéo xe ngựa chạy qua chạy lại. Từng đoàn khách bộ hành đông đảo, đàn ông mặc áo trường bào tóc để bím dài đầu đội nón chóp đen, đàn bà chập chững trên những bàn chân bó nhỏ, tay cầm tẩu thuốc dài. Các thiếu nữ ăn mặc màu sắc tươi hơn; màu hồng, lam ngọc, và xanh tía là những màu ưa chuộng nhất thời ấy.Vào thời đó, Thượng Hải là một trung tâm thương mại của cả đông phương và tây phương, nơi khởi đầu của một cuộc mạo hiểm lớn về ngành dệt và thuốc lá, và tìm kiếm đậu nành và trà, một làn sóng đổ ập tới của một nền văn minh hiếu động, tràn lên bờ của đại lục cổ. Mạnh Giao hơi hoảng sợ.Họ mướn hai phòng tại Phúc Châu Lộ. Phúc Châu Lộ là một sự kéo dài liên tục của những cửa tiệm nhỏ, tại đó người ta có thể mua được bất cứ cái gì, từ dù tới xạ hương của Tiểu Á, từ những bức thêu tuyệt xảo của Nam Kinh và nhung lụa Tô Châu, tới sừng nai Hắc Long Giang và sâm Cao Ly. Hai chị em trông thấy Mạnh Giao mua sâm tới ba bốn trăm quan làm quà cho thân hữu. Họ tới một tiệm Quảng Đông chuyên khắc ngà voi, những đồ vật bằng mai rùa, hổ phách Ba Tư, và hương trầm Cao Miên. Xa hơn nữa, về phía trường đua, là khu bình khang nổi tiếng với các ca kỹ người Tô Châu. Những gái thanh lâu này giúp cho các quán rượu phồn thịnh. Các kỹ nữ này được mời tới giúp vui các bữa tiệc, ngồi trên lòng các á mẫu trên những xe kéo riêng, những bộ mặt mỉm cười thoa hồng của họ chói lòa trong ánh sáng của những đèn đường đốt bằng dầu. Họ đã tạo ra sinh hoạt náo nhiệt cho Phúc Châu Lộ về ban đêm.Ba người ăn tối tại tiệm Hồng Phát Lầu, trong phòng riêng. Một cô gái nhỏ rách rưới khoảng mười hai mười ba tuổi, mặt xanh xao đói khát vén màn lên và xin được hát giúp vui. Mạnh Giao hỏi hai chị em muốn chọn bài hát nào, nhưng cả hai đều từ chối. Cô bé năn nỉ mãi, nên Mạnh Giao tội nghiệp, bảo cô bé hát một bài tình ca Giang Nam. Thực là đau lòng nghe thấy một cô bé đói rách chưa tới mười ba tuổi hát một bài phong tình. Một người đàn ông gầy guộc rách rưới đứng bên cạnh, hiển nhiên là thân phụ cô gái.Khi hát xong, cô gái xin uống nước. Người ta không tin cô gái hiểu được ý nghĩa của bài hát. Cô bé chỉ biết đây là bài hát của một người con gái bán thân, và mỗi lần hát cô được thưởng sáu đồng xu. Tội ác và sự sa đọa của thành phố đã vẽ trên mặt cô gái.Mẫu Đơn nói, "Tội nghiệp con bé. Hãy cho nó thêm tiền." Mạnh Giao cho con bé thêm sáu xu nữa. Bộ mặt xanh xao mệt mỏi nở ra một nụ cười và biến mất sau tấm màn.Những tiếng còi hú liên tục và tiếng kêu của bánh xe bên bức tường thành báo cho hai chị em biết rằng họ sắp tới Bắc Kinh. Phía bên phải, cách một cái hào rộng hơn mười thước là bức tường thành lâu đời hàng thế kỷ, bên trên phân chia thành từng khúc, có những chòi canh để đặt súng phòng thủ.Lần này đến lượt Hải Đường hào hứng, trong khi người chị chỉ mỉm cười trong một trạng thái hài lòng.Mạnh Giao nói:- Chúng ta sẽ tới nơi trong năm phút nữa.Mẫu Đơn phê bình, "Sao mà rộng mênh mông!" - Dĩ nhiên là kinh đô rộng lớn rồi.Toà thành cổ đứng đó, một khối gạch xám khổng lồ đứng cao từ mười lăm tới hai mươi thước và trải dài ra hàng dặm. Là kinh đô cổ, cái tên Bắc Kinh vang lên như ma thuật trong tai hai chị em. Đối với hai chị em thì đây là một giấc mơ đã thành sự thực. Người ta không thể bàn cãi về Bắc Kinh, người ta phải tìm nó và chấp nhận; người ta ôm choàng lấy nó, và có người say mê nó.Xe lửa chạy qua một khoảng trống giữa bức tường và dừng lại tại ga Chính Môn. Ngay phía trước nhà ga, tháp Chính Môn cao tới ba chục thước. Xe ngựa xe kéo nhộn nhịp tranh chỗ. Lưu An, người quản gia của Mạnh Giao, bước lại và báo cho chủ biết xe ngựa đang chờ.Hôm ấy là một ngày thu huy hoàng. Trong lúc Lưu An lo lấy hành lý, hai chị em ngẩng nhìn cái tháp, cũ kỹ và cao vót nổi lên bầu trời rất xanh. Mẫu Đơn cảm thấy lạc lõng và sung sướng trong dòng xe cộ lúc nhúc chung quanh. Nàng đề nghị:- Tại sao chúng ta không đi xe kéo?- Để làm gì?- Bởi vì chúng ta có thể nhìn rõ hơn là trong chiếc xe ngựa đóng kín.- Ý kiến hay đấy. Chúng ta thuê một xe ngựa không mui.- Không, em nói xe kéo.Nàng biết ước muốn của nàng là điều luật Manh Giao phải tuân theo. Chàng sai Lưu An chở hành lý về nhà trước trong khi ba người đi xe kéo.Ý kiến đi xe kéo tỏ ra rất đúng. Người ta có thể trông thấy nhiều hơn. Ngay bên ngoài Chính Môn là những đường phố đông đúc bán nón và đèn lồng, rồi tới khu vực chật chội của các tiệm ăn và khách sạn. Qua khỏi Chính Môn, xe đi vào thành phố, rồi rẽ sang phía đông, và khi đi vào khu vực Ngoại giao đoàn, tiếng lọc cọc của bánh xe im hẳn trên đường trải nhựa. Các phái bộ ngoại giao của Anh, Pháp, Nga và Đức đều tập trung tại đây. Rẽ sang hướng bắc, quang cảnh mở rộng và người ta có thể cảm nhận được cái mênh mông của Bắc Kinh. Ngay sau đó người ta trông thấy những mái vàng của Hoàng Cung ở bên trái, nhấp nhô mái này sau mái kia, chói lọi trong ánh nắng tháng Mười. Đây là trung tâm của Tử Cấm Thành.Gần Đông Đàn Bạch Lầu, một vài lần rẽ về phía đông nữa là tới nhà Mạnh Giao. Giống như những nhà cửa Trung Hoa khác, nhà của Mạnh Giao có một cái cổng khiêm tốn sơn đen với một vòng tròn sơn đỏ. Lưu An và người đánh xe ngựa đang đứng đó để chào đón, kể cả tên đầu bếp. Một lão già mắt đã mờ có một bộ râu thưa giữ nhiệm vụ canh cửa. Mạnh Giao đã nuôi lão từ nhiều năm rồi, vì chàng không cần phải giữ bề ngoài sang trọng. Còn có một con chó ghẻ lở, cũng ho luôn miệng như lão già gác cổng. Con chó bắt đầu nhảy lên, hít hơi và vẫy đuôi mừng chủ trở về, rồi tìm cách đánh hơi những người khách mới, khiến Hải Đường rất kinh tởm.Phòng riêng của Mạnh Giao ở phía hậu viên. Những nhà có hậu viên rất là yên tĩnh, bình dân và ẩn dật.Phòng khách tại giữa nhà treo đầy trướng và đồ đạc bằng gỗ. Ảnh cha mẹ quan Hàn Lâm treo trên tường, bên trên một chiếc bàn gỗ trắc. Phòng ngủ của Mạnh Giao ở phía tây và thư phòng ở phía đông. Nói chung, đây không phải là một tư thất quá tệ cho một quan hàn lâm độc thân, và cũng không khoa trương. Thư phòng là căn phòng dùng nhiều nhất, vì là nơi làm việc của quan Hàn Lâm. Một chiếc bàn lớn phủ đầy sách vở và giấy tờ, kê gần cửa sổ trông ra vườn. Trong phòng là từng hàng kệ sách, ngăn nắp chứa đầy sách.Một cái ghế trường kỷ kê bên dưới một cửa sổ hẹp nhưng cao, và bên cạnh là hai chiếc ghế tựa đứng cạnh một bàn trà nhỏ. Một lò sưởi đã đốt lên để giữ cho phòng ấm áp.Hai chị em được dẫn vào phòng của họ Ở một hoa viên riêng về phía đông của thư phòng. Khi Mạnh Giao sống một mình, chàng không dùng tới khu vực này. Hiển nhiên đây là những phòng riêng của gia đình người chủ trước, có những hoa viên xinh xinh bao quanh bằng những tảng đá xanh đẹp đẽ, và một mảnh vườn nhỏ bây giờ không ai trông coi và cỏ dại tự do mọc. Những nhà cửa tại Bắc Kinh đều một tầng, để không ai có thể ngẩng mặt cao hơn cung điện hoàng gia.Phòng của hai chị em đã dọn sẵn sàng, mặc dầu cần phải có thêm đồ đạc mới. Lưu An nói muốn chờ hai chị em tới ở, và chọn lựa lấy đồ đạc. Mạnh Giao hỏi:- Các em thấy thế nào?Cả hai chị em đều nói họ rất thích hoa viên; Bắc Kinh và những hoa viên này là tất cả những khích động và sung sướng trước sự mới lạ. Đời sống ở đây dễ dàng thoải mái và cao hơn đời sống của hai chị em ở Hàng Châu, nào là có đầy tớ, đầu bếp, và một chiếc xe ngựa riêng.Trong những ngày kế tiếp có thêm nhiều nhu cầu mới, và Chu má, một người đàn bà bốn mươi tuổi được mướn tới hàng ngày để lo việc lau chùi giặt giũ. Ngoài người nhũ mẫu cũ là Đinh má, Mạnh Giao không bao giờ quan tâm tới đầy tớ đàn bà; chàng cảm thấy họ thường chỉ nói tào lao, và ngồi lê đôi mách mà không quan tâm tới sự thực.Vì có hai cô em họ Ở chung, cuộc sống của Mạnh Giao có nhiều thay đổi. Đêm ân ái tại Đông Lục đem lại cho chàng một cảm giác mới về đời sống, như một hương rượu mùa xuân. Chàng cảm thấy tinh thần chàng đang vượt qua một biên giới mới. Chàng nói chuyện với một sự dễ dàng mới tìm thấy được tại bàn ăn tối, mà trước kia chàng chưa bao giờ có thể làm được, khi Đinh má còn sống tại đây. Chàng thấy chàng sẵn sàng nói chuyện vì hai chị em cũng đang sẵn sàng nghe, Mẫu Đơn thường im lặng trong khi Hải Đường hay chặn lại bằng những câu hỏi nôn nóng. Tại bàn ăn buổi tối, chàng nói lan man, không kiềm chế, và cảm thấy chàng được hiểu, kính trọng và yêu mến. Chàng có cảm tưởng có "gia đình", hoặc đã tìm thấy ý nghĩa của gia đình. Chàng hay ngưng lại bất ngờ bởi một cảm giác âm mưu tội lỗi. Sự sống chung như thế có thể bất công cho Mẫu Đơn. Nhưng nàng muốn thế. Dù phải trả giá nào, chàng biết rằng con người chàng đòi hỏi phải có Mẫu Đơn, tinh thần, giọng nói và sự bầu bạn của nàng. Đó là một sự cần thiết và nhu cầu của linh hồn chàng. Đây là Mẫu Đơn, sẵn sàng coi thường những ước lệ của xã hội để sống với chàng một đời sống bất chính nhưng bằng tình yêu tuyệt vời. Chàng biết chàng không thế tìm chồng cho nàng và không thể sống không có nàng. Đây là một khuyết điểm trong mối tình đẹp như ngọc. Thực là một bi kịch khi một trở ngại nhỏ đã khiến cho hôn nhân không thể thực hiện được; nếu nàng là một cô em họ mang một họ khác, thì đã có một cuộc hôn nhân của hạnh phúc và sự hoà hợp tinh thần, đẹp đến nằm mơ cũng không thấy được. Nhưng về mặt khác, sự bí mật vụng trộm của mối tình đã tăng thêm gia vị cho sự quấn quýt đam mê lẫn nhau.Hai người cũng cố giữ bề ngoài trước mặt đầy tớ. Không làm quá đáng một cử chỉ gì. Dù ở trong thư phòng, hoặc trong phòng ăn, một cái bóp tay của nàng, một cái liếc nhìn hiểu biết ngọt ngào và lặng lẽ từ đôi mắt đẹp của nàng, hoặc một sự cố tình đụng chạm thân xác hoặc bàn tay trong lúc cùng xem một cuốn sách hoặc đọc một lá thư, đã làm chàng rung cảm như một ngọn lửa bỗng bùng lên trong gió. Chàng cảm thấy hãnh diện trong sự dan díu, phiêu lưu bí mật và khích động này.Hải Đường trông thấy và hiểu rõ tất cả hành động của hai người, nhưng nàng không hề nói gì; nàng nghĩ không chính đáng khi can thiệp vào việc của chị. Nàng đã chứng kiến cái giai đoạn chị nàng dan díu với Tần Châu và ý định tự tử của Mẫu Đơn khi Tần Châu kết hôn với một người đàn bà khác.