Từ làng này tới làng kia cách nhau khoảng mười dặm đường. Khi vừa đến nơi, chiếc cáng hạ xuống. Màn mưa xuân gió thổi lùa vào tấm màn phủ chiếc cáng đã làm thấm ướt chiếc áo mặc ngoài của người đàn bà đau khổ. Khi chị vừa bước ra khỏi cáng, một người đàn bà trạc trung niên, khoảng chừng 50 tuổi, gương mặt nặng chịch với đôi mắt quỷ quyệt, đã bước đến đón chị. - Đây chắc là phu nhân, là bà vợ cả đây!" Chị thầm nhủ như thế với mình và làm thinh, rụt rè, lo lắng.Trong khi một người đàn bà khác đang dẫn chị lên thềm nhà thì ông chủ nhà từ trong cũng vừa bước ra. Dáng người ông cao ráo, da mặt sát tận xương. Ông ta ngắm người đàn bà mới tới với vẻ dò dẫm tìm hiểu, rồi mỉm nụ cười và nói:- "Dì đã đến rất sớm. Quần áo ướt hết cả rồi!"Trong khi đó người vợ cả làm ra vẻ lờ đi, coi như người chồng không có đó, và hỏi:- "Dì có đem theo quần áo, còn để trong cáng không?"- "Không, chẳng có gì cả!"Mấy người đàn bà hàng xóm cũng xúm nhau đến dòm ngó tò mò, và thì thầm bàn tán nhỏ to.Vừa bước vào nhà chị vừa thầm nhớ đến mái nhà xưa nghèo khổ và nhớ đến thằng Chó Con. Chị không hiểu tại sao chị không thể nào quên được cái mái ấm nghèo khổ mà chị đã chui ra rúc vào mỗi ngày xưa kia cùng với đứa con mới lên ba tuổi của chị. Nơi đây hiển nhiên là nhà cao cửa rộng. Cuộc đời của chị kể từ nay sẽ ấm no, đầy đủ, không phải lo đói rét nữa ít nhất cũng được ba năm. Nhà cửa và ngay cả người đàn ông đã thuê chị về làm tì thiếp cũng đều hơn hẳn những gì chị vừa bỏ đi. Ông Xã rõ ra là một người đàn ông đàng hoàng, nói năng từ tốn, khoan thai. Còn bà vợ cả thì cũng tỏ ra là một người đàn bà không đến nỗi nham hiểm, độc ác lắm. Ngay buổi đầu tiên bà ta đã đem kể hết chuyện gia đình của bà cho chị nghe. Bà kể chuyện từ ngày hai vợ chồng mới lấy nhau,từ cái đám cưới linh đình, trọng thể cho đến nay đã ba mươi năm qua cho chị nghe. Khoảng mười lăm, hay mười sáu năm về trước, bà ta đã hạ sanh cho ông một đứa con trai rất kháu khỉnh dễ thương, nhưng chẳng may khi đứa trẻ mới được mười tháng thì nó bị bịnh đậu mùa mà qua đời, để lại cho hai vợ chồng ông bà bao nỗi tiếc thương. Kể từ ngày đó bà không còn sinh nở gì nữa. Bà sinh ra lo ngại. Bà sợ Ông sẽ cưới vợ khác để có con nối dõi tông đường. Mãi đến thời gian gần đây ông vẫn không tỏ ý muốn lấy vợ khác. Có thể ông còn yêu bà hay là thế nào thì bà cũng không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là ông rất nóng lòng sớm được có con. Bởi thế bà phải lo tìm người sanh con đẻ cái, nối dõi tông đường cho ông và làm cho ông vui lòng không nghĩ đến chuyện lấy vợ khác. Chị nghe bà vợ cả kể chuyện thì cũng cảm thấy vui vui trong lòng, vì dù sao mình cũng đang đóng một vai trò cần thiết trong một giai đoạn ngắn ngủi, có giới hạn của cái gia đình này. Cuối cùng bà vợ cả nói toạc ngay ước vọng của bà với chị, khiến chị không khỏi đỏ mặt ngượng ngùng:- "Dù sao dì cũng đã sanh nở vài lần rồi, chắc chắn là dì kinh nghiệm về đường sinh nở hơn tôi."Nói xong câu ấy bà ta bỏ đi chỗ khác. Đêm hôm đó ông chủ nhà cũng kể nhiều chuyện về gia đình cho chị nghe, một phần có tính cách phô trương, một phần gây tin tưởng cho chị. Chị ngồi bên cái rương gỗ sơn đỏ dành cho chị đựng riêng đồ đạc, một vật mà trong đời chị từ nhỏ đến lớn chưa từng dám một lần mơ ước đến. Chị đã mở to đôi mắt để nhìn cho rõ, để ngắm nghía cho thỏa lòng ưa thích cái vật qúi báu ấy. Ông chủ nhà đến ngồi bên chị và hỏi:- "Dì tên gì? "Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, lắp bắp trả lời không rõ ràng, và đứng lên đi về phía chiếc giường. Ông ta cũng bước theo và vừa cười vừa hỏi:- "Dì xấu hổ à? Hay là dì nghĩ đến chồng?" Giọng nói của ông dịu dàng, và ông ta kéo chị vào lòng:" Dì cũng đừng buồn. Có thể dì nghĩ đến con ở nhà không chừng. Nhưng... "ông ta đã không nói thêm, bỏ lửng câu nói, tủm tỉm cười và bắt đầu cởi quần áo.Ngay lúc ấy chị nghe bên ngoài có tiếng bà chủ nhà đang lớn tiếng chửi mắng một người nào đó. Có thể bà đang bực bội chửi ruả bâng quơ không chừng. Nhưng chị có linh tính dường như chính chị đã là nguyên nhân của những lời chửi rủa hằn học đó.- "Lại đây dì, mình đi ngủ!" Nằm sẵn trên giường ông chủ gọi chị đến.