Dịch giả: Hải Minh

Bà từ nông thôn ra nhà tôi làm đã được 3 năm rồi. Hồi mới đến tư trang của bà vẻn vẹn có một cái túi vải và một cái ghế tre.
Bà làm việc cần cù lắm, suốt ngày thấy bà cặm cụi trong bếp. Ðặc biệt bà rất thích ngồi trên cái ghế tre để làm việc. Cái ghế tre của bà không biết có từ bao giờ mà trơn và nhẵn bóng như đánh dầu, thân tre đã ngả sang màu hạt trái vải ngồi lên cứ gọi là mát lịm người. Có một buổi tối trước khi đi ngủ bà đóng cửa phòng lại, một lúc sau trong phòng vang lên tiếng gõ ghế lạch cạch, còn có cả tiếng nói thì thầm, hình như là bà nói chuyện với cái ghế.
Mẹ tôi chê cái ghế của bà trông quê mùa, mua cho bà một cái ghế nhựa rất đẹp, nhưng bà không chịu ngồi, bà bảo bà quen ngồi ghế tre rồi.
Tôi cũng rất thích ngồi ghế của bà, lừa lúc bà không để ý tôi lén lấy ghế đem vào phòng ngồi. Bà phát hiện ra chạy vội vào. Bà giận, vẻ mặt trông thật khó coi. Bình thường bà rất hiền, vẻ mặt lúc nào cũng như đang cười giống hệt bồ tát ở trong chùa. Bà đoạt lấy cái ghế, thật là cụt hứng. Xem ra bà cũng kẹo ra phết.
Nhà trường hay tổ chức cho chúng tôi đi chơi. Bạn tôi đứa nào cũng có tiền mang theo, đứa mua Côca, đứa mua mía. Tôi xin mẹ tiền, mẹ không cho. Mẹ bảo trẻ con không nên có thói quen tiêu tiền. Tôi đành phải mang một bình nước lọc theo. Lúc đó bà lặng lẽ dúi cho tôi ít tiền. Bà dặn đừng để bố mẹ biết.
Mẹ chỉ khi nào Tết đến mới cho tôi ít tiền gọi là tiền mừng tuổi. Khi đó bà cũng cho tôi một phong bao màu đỏ, còn nhiều hơn cả tiền mẹ cho. Thực ra bà rất hào phóng đấy chứ, trước đây tôi trách lầm bà rồi.
Bà và tôi trở thành đôi bạn rất thân, tôi cứ làm xong bài tập là đi tìm bà. Trong nhà thường chỉ có hai chúng tôi. Tôi và bà nói rất nhiều chuyện. Bà bảo con trai bà đối xử với bà không tốt, bà chỉ biết dựa vào bản thân, bà phải kiếm chút tiền để dành tuổi già sắp đến. Trước nhà tôi hay có người buôn đồng nát đi qua, một hôm mẹ bảo bà đem những sách báo cũ ra bán cho gọn.
Bố tôi có một bức tranh Thư pháp lâu không nhìn thấy liền xáo tung đồ lên tìm. Bố hỏi bà có nhìn thấy không, còn dùng tay để vẽ vẽ. Bà bảo có thể nó bị bán cùng với đống báo cũ rồi. Bố vụt nổi giận đùng đùng. Mẹ bảo chính mẹ bảo bà đem bán, bà không biết chữ không thể trách bà được. Bà cẩn thận hỏi có phải cái chữ đó rất đắt tiền? Ðó là tài sản vô giá do một người bạn viết tặng tôi. Bố nói. Bà không tin cái chữ đó lại đắt đến như vậy, bà bảo bà sẽ mua một bức tự biếu bố tôi.
Từ đó bà không dám bán những đồ cũ hỏng trong nhà nữa. Bà thường đến những đống rác nhặt nhạnh những thứ có thể bán được đem về, bà phơi khô giấy ướt rửa sạch, chai lọ góp vào đem bán cho đồng nát. Tiền bán được bà góp lại.
Một lần đi chợ bà trông thấy một người bán chữ đang bày hàng. Ông ta viết rất nhiều bức tự, có câu đối, có cả bộ chữ, cũng có cả chữ to Phúc Lộc Thọ... Bà vội vàng chạy tới hỏi mua một bức treo trong phòng khách. "Vậy tôi viết cho bà một bài thơ nhé" người bán chữ đề nghị. Bà gật đầu. Phút chốc người người vây tròn xung quanh sạp hàng giống như đang xem một gánh xiếc rong. Bà vừa ý lắm, chốc chốc lại quay ra cười với tôi dường như muốn nói: bà đã bảo là sẽ tặng bố cháu một bức tự, thấy chưa, bà có nói dối đâu. Người bán chữ viết rất tháu, chữ của ông ta tôi không đọc nổi một từ, bà cũng không biết chữ. Ông ta viết xong ngắm nghía một hồi, sau đó đọc to bài thơ một cách diễn cảm rồi đòi 30 tệ.
Ðược. Bà tôi chỉ nói một tiếng. Những người đứng bên bàn tán rồi tản ra bảo chữ như thế này mà những 30 tệ, đúng là cướp một cách trắng trợn. Bà tôi nhìn đám người, không nói gì lặng lẽ lôi từ trong túi áo ra một cái túi nhỏ, cẩn thận mở từng lớp, cẩn thận đếm đủ 30 tệ đưa cho ông bán chữ. Cầm lấy bức họa bà sung sướng đi về nhà, tôi cứ phải chạy theo mới kịp.
Ăn cơm tối xong, bố ngồi ở phòng khách vừa uống trà vừa xem TV. Bà tôi trịnh trọng đem bức tự đặt vào tay bố, hai mắt nhìn chăm chú khi bố tôi mở tranh ra. Bố xem bức họa cứ lắc đầu hoài. Bố bảo chữ thế này làm sao có thể treo trong phòng khách rồi hỏi bà kiếm ở đâu ra? Bà tôi tủi thân đáp: trả 30 tệ mới mua được, lần trước làm mất bức tự của anh, tôi... Bố nói: những người bán chữ ở bên đường làm sao so được với các nhà thư pháp, chữ của bạn tôi một chữ 30 tệ không mua nổi. Với lại có ai trách bà đâu, bà không phải làm như vậy. Mẹ cũng an ủi bức tự đó mất rồi đó không phải là lỗi của bà, bà không phải bận tâm gì cả.
Bà lặng lẽ nhận lại bức tự, cẩn thận cuộn vào. Suốt mấy ngày bà không nói năng gì. Nhân lúc bố mẹ tôi không ở nhà, bà hỏi tôi: Chỗ nào có bán cái chữ đắt tiền như bố nói? Thì ra bà tôi vẫn cứ nghĩ về chuyện bức tự đó. Tôi nghĩ một lúc rồi bảo bà: Hôm bố cháu dẫn đi xem triển lãm, cháu nhìn thấy rất nhiều chữ và tranh. Bà bảo tôi dẫn bà đi xem, còn bảo tôi phải giữ kín chuyện này.
Sáng chủ nhật, đợi mọi người ăn sáng xong bà dọn dẹp rồi xin phép bố mẹ đưa tôi đi chơi. Chúng tôi đến khu triển lãm. Trong khu nhà có cơ man nào là tranh chữ, nào là đồ gốm, tác phẩm điêu khắc hội họa, lại có cả đồ cổ... Bà tôi chẳng xem gì, chỉ đi đi lại trước những bức tự. Bà tôi không biết chữ, cả giá tiền treo trên tranh cũng không biết nốt. Bà luôn miệng hỏi tôi bức này bao nhiêu, bức kia mấy tiền. Chữ ở đây đắt sợ luôn, rẻ nhất cũng 300 tệ, còn đắt nhất là 600 tệ. Bà bảo tôi không ngờ có loại chữ đắt đến vậy, một bức trị giá bằng mấy tấn thóc, thảo nào bố cháu cứ tiếc là phải. Bà tôi cứ quanh quẩn trước mấy bức tranh, dường như còn lưỡng lự. Sau cùng bà chỉ bức trị giá 600 tệ hỏi cô bán hàng liệu có bán rẻ đi một chút được không? Cô bán hàng bảo nếu bà muốn mua thật có thể bớt đi 100 tệ. Bà còn có vẻ chưa yên tâm lại hỏi bức tự này có phải là do nhà thư pháp vẽ? Cô bán hàng cười đáp: Tất nhiên là do nhà thư pháp vẽ, ông rất nổi tiếng, chữ của ông ta ở nước ngoài rất đắt. Bà tôi lại suy nghĩ một hồi rồi quả quyết: Bức tự này tôi mua, bây giờ tôi về lấy tiền, cô đừng bán cho ai nhé!
Bà tôi vui lắm, giống như nhặt được của quý, bà nắm tay tôi vừa bảo: Nhất định bố cháu sẽ thích bức tự đó.
Bà tôi về đến nhà liền đi tìm cái ghế tre. Lúc đi bà đã đem cái ghế cất kỹ vào trong phòng, bình thường chẳng có ai đụng đến đồ đạc của bà cả nhưng bây giờ cái ghế tre không thấy đâu. Bà lo đến toát mồ hôi chạy ngược chạy xuôi. Thì ra nhân lúc tôi và bà đi chơi, bố mẹ tôi ở nhà "tổng vệ sinh" đã đem cái ghế của bà dọn cùng với rác rồi. Bà tôi nghe thấy cái ghế của bà đã bị vứt đi thì mặt mũi trắng bệch, bà lao xuống gác.
Bà tôi chạy đến đống rác, lục tung đống rác như một người điên, không quan tâm đến bẩn và hôi. Tôi cũng chạy đến giúp bà. Nhưng cái ghế nhỏ không tài nào tìm thấy, nhất định ai đó tiện tay đem đi rồi. "Ôi mồ hôi nước mắt của cả đời tôi " bà thều thào ngồi bệt bên cạnh đống rác, khuôn mặt trong khoảnh khắc như bị biến dạng dường như là người khác. Bà khóc, khóc thật, chỉ khóc không thành tiếng thôi. Tôi không biết làm sao an ủi bà được, tôi ép sát người vào bà, dùng đôi tay bẩn lau nước mắt cho bà. Bà tôi ngồi bất động rồi bỗng nhiên bà ôm chặt tôi vào lòng.
Ðống rác bốc mùi hôi nồng nặc, chúng tôi ngồi ở đó rất lâu. Bà tôi thở dài, từ từ đứng dậy, thất thểu đi về nhà.
Trông thấy dáng của bà, mẹ tôi cũng sợ, luôn miệng khuyên: cái ghế tre mất thì thôi. Nếu bà thích cái ghế tre như vậy thì sẽ cho bà tiền để bà mua một cái y như vậy...
Từ hôm đó không thấy bà nhắc đến chuyện mua bức tự cho bố tôi nữa, cũng không thấy bà cho tôi tiền nữa. Cả ngày bà như người mất hồn, làm việc thường quên trước quên sau. Mẹ tôi không nén được trách móc bà đôi câu, bà dường như không nghe thấy, cũng chẳng phản ứng gì.
Không bao lâu bà xin về quê. Bà về rồi không thấy trở lại nữa. Tôi nhớ bà vô cùng. Tôi tự nhủ: khi nào lớn, kiếm được tiền tôi sẽ mua cho bà tôi một cái ghế tre.

Hết 


Xem Tiếp: ----