Dịch giả: Đức Hiếu

Chim hỉ thước được coi như một biểu tượng cao quý, khi đã từ bỏ "tư cách" vốn có cũng là tự hoà tan vào bầy gia cầm và không còn tự quyết định được mọi sinh tử vinh nhục của nó. Bằng thủ pháp ngụ ngôn như một đặc điểm thưòng thấy ở các nhà văn Trung Quốc, Doãn Toàn Sinh với một giọng kể chuyện đơn giản và thản nhiên, như muốn khẳng định một kết cục tất yếu của những con người tự đánh mất mình.
Mùa xuân, vợ tôi nhặt được ở ngoài cửa một con chim hỉ thước 1 còn non, mỏ màu vàng, bị một vết đạn súng săn bắn.
Chim hỉ thước là biểu tượng may mắn giữa bầu trời xanh mây trắng, là thiên sứ đem niềm vui đến cho mọi nhà!
Tôi đã chữa trị vết thương, bắt những con côn trùng cho nó ăn, khi mùa hè đến thì nó đã trở thành một con chim hỉ thước lớn, vết thương đã lành lặn. Tôi sợ nó sẽ bay đi mất nên liền cắt những chiếc lông trên cánh của nó. Tôi nuôi nó trong vườn nhà. Cả nhà tôi rất vui khi có được con chim hỉ thước này. Mỗi sớm tinh mơ, bị đánh thức bởi tiếng kêu cha cha..., mở mắt ra nhìn thấy nó đứng trên lan can cửa sổ, cả nhà tôi như được tràn ngập trong ánh sáng buổi bình minh rực rỡ chứa đầy những điều tốt đẹp.
Nhiều người yêu thích con chim hỉ thước này, ngay cả những thói xấu của nó. Khi nó ăn, nó thường ăn lấy ăn để vài hạt ban đầu, rồi sau đó vội vàng cắp những thức ăn còn lại đem giấu vào dưới khe tường hay dùng những chiếc lá cây để đậy lên. Tôi không ngạc nhiên vì đã đọc sách nói về loài chim này có đặc tính biết cất giấu thức ăn, để tránh mùa đông không bị chết đói. Nhưng vẫn thấy buồn cười về cách "lo xa" của con chim này, đang được nuôi trong môi trường như thế mà vẫn còn lo bị bỏ đói ư? Ban đêm thì nó cứ nhất định phải ngủ trên cái cây nhỏ trong vườn, gió mưa cũng thế. Nếu đưa nó vào hộp thì nó quậy phá, nhảy nhót lung tung, làm náo loạn cả lên. Có một đêm, tôi nghe thấy tiếng nó kêu gào đập cánh ầm ĩ, vội cầm đèn pin chạy ra vườn thì thấy nó đang sống chết quần nhau với con mèo già nhà hàng xóm. Tôi phát hiện ra nó bị mấy vết thương nhẹ, người hàng xóm nói con mèo nhà họ đã bị mổ mù mất một mắt! Lo sợ sau này con mèo già đó sẽ lại đến báo thù, nên ban đêm tôi đem nó nhốt vào một cái hộp gỗ dưới chái nhà, chiếc hộp gỗ chỉ có một lỗ duy nhất để nó có thể chui vào; đêm đến tôi dùng một thanh gỗ chặn lỗ lại. Những đêm đầu, nó phá phách không chịu nhưng qua vài đêm nó quen dần, sau này tôi không chặn thanh gỗ, nó cũng không bay ra ngoài.
Nó quen dần với người, yêu quý chủ. Mỗi khi tôi chuẩn bị đi làm, nó liền bay bổ nhào đến, mổ vào giày như muốn giữ tôi ở lại; khi tôi gỡ móng chân nó ra, trong đôi mắt đen nhỏ như hạt đỗ xanh ánh lên sự bất lực và buồn tủi. Lúc tôi đi làm về, vừa mở cửa ra, nó liền bay ào đến quắp lấy chân tôi, như làm nũng, kêu lên những tiếng như giận hờn.
Nhưng kỳ thực nó vẫn còn cái tính "hoang dã" vốn có. Lông cánh của nó đã bị cắt đi, vết thương vẫn chưa hoàn toàn lành hẳn, nhưng đã nhiều lần cố ý bay ra ngoài; khi không bay ra được, nó đứng đờ đẫn ngoài sân, lặng im nhìn khoảng trời bao la. Những lúc như thế, cho gì nó cũng không ăn. Tôi đoán nó đang nhớ về vùng hoang dã, nhớ không gian, nhớ đồng loại của nó. Tôi dự định đến cuối thu, đợi khi nó mọc lông cánh mới, vết thương liền lại, tôi sẽ thả nó bay đi.
Như vậy thì trong thời gian chờ đợi này cần phải làm gì để cho nó bớt cô độc đây? Tôi liền mua mấy con gà con nuôi trong vườn để làm bạn với nó. Ban đầu nó ghét lũ gà con; nếu lũ gà mà tiến lại gần, nó liền giận giữ xông vào đánh tới tấp. Nhưng nó quen dần với lũ gà và còn trở nên thân thiết nữa, khi lũ gà con ăn, nó cũng đi theo nhặt thóc, lũ gà phơi nắng nó cũng bay theo, thậm chí nó còn cắp cả những đồ ăn để dành trước đó đem đến trước lũ gà con, giống như nịnh bợ...
Nó không chỉ biến đổi có vậy, rất nhiều thói quen và bản tính nó cũng dần dần biến đổi. Nó không còn rình rình bay ra ngoài nữa, cũng không còn đứng lặng nhìn trời xanh, sáng sớm nó cũng không bay lên lan can cửa sổ để hót nữa. Buổi sớm nếu tôi không xua thì nó cứ ngủ lì trong hộp. Khi tôi đi làm, nó cũng chẳng còn lưu luyến như lúc ban đầu nữa. Nó như đã hoà lẫn vào với đám gà con, dường như rất bằng lòng, rất mãn nguyện. Và cũng có lúc, nó còn đánh nhau loạn xạ với lũ gà con để tranh vài hạt thóc.
Cứ như thế, tôi dần cảm thấy nó không còn làm cho người ta thích thú, yêu mến nó nữa và càng không dám tham vọng nó sẽ mang lại cho tôi sự may mắn nào nữa.
Trời đã vào cuối đông, vết thương của nó đã hoàn toàn lành lặn, đôi cánh cũng mọc đủ lớp lông mới, có thể bay ra khỏi khu vườn nhưng nó lại không bay; hoặc nếu có bay thì cũng chỉ bay vòng quanh chiếc sân nhỏ, như là để khoe khoang với lũ gà. Ôi, cái con vật nhỏ bé này lại lưu luyến với nhà tôi ư?
Nhưng tôi lại cho rằng nó nên bay đi. Một hôm, tôi đem nó ra ngoài vườn, tung cao nó lên khoảng không; nó hoảng hốt kêu lên, bay chấp chới hai vòng, rồi cuối cùng lại đậu xuống sân!
Nếu thực lòng không muốn bay đi thì cũng được, tôi vẫn cứ nuôi nó. Vào một sớm mùa đông, sau khi thức dậy như thường lệ, tôi lại đến hộp gỗ để lùa nó ra, nhưng chiếc hộp trống không! Nó bay đi rồi ư? Cuối cùng thì ra nó cũng là loài chim hoang dã không quen nuôi (!).
Nhưng... không phải, nó vẫn nằm trong ổ của lũ gà! Có lẽ vì đêm đến nó bay vào để trú rét chăng? Nhưng mà tổ của chim hỉ thước vẫn thường làm trên cành cây cao nơi gió mưa vần vũ cơ mà!
Người ta vẫn nói sông núi có thể dời, bản tính khó cải, nhưng nó mới ở nhà tôi chưa đến một năm...
Sắp hết năm cũ. Vợ tôi nói: Khi thịt gà, sẽ giết luôn cả con chim hỉ thước, làm một món luôn thể.
Tôi giật mình, nhưng lại không ngăn dự định của vợ. Suy từ góc độ của con chim hỉ thước mà nói, trong thời gian chúng tôi chăm sóc, nuôi dưỡng nó, tự nó đã nguyện tâm nguyện ý từ bỏ "tư cách cao quý" vốn có của loài chim hỉ thước, đồng thời cũng trao gửi vào tay chúng tôi quyền nắm giữ sinh tử vinh nhục của nó. Từ góc độ "thiên lý nhân tình" mà nói, nó đã bị cải hoá làm mất đi cái giá trị và vai trò cao quý nhất của bản thân, nó hoà tan vào bầy gia cầm, mà gia cầm thì bị làm thịt đã là lẽ thường tình rồi. Còn vợ tôi cho rằng, chúng tôi đã có nghĩa vụ nuôi dưỡng nó thì có quyền tuỳ ý xử lý nó, từ trước đến nay đó là chuyện đương nhiên rồi.
Nếu thế, tôi còn có lý gì mà can ngăn đây?
1_chim hỉ thước còn có tên là chim khách, được coi như loài chim mang lại may mắn, niềm vui cho con người. Tương truyền rằng đêm 7 tháng 7 (thất tịch) có bầy chim hỉ thước bắc cầu cho Chức Nữ qua sông gặp Ngưu Lang

Hết 


Xem Tiếp: ----