Vợ ông Hàn tên Thục An. Cô ấy là một trong những người đẹp nổi tiếng của vùng này. Hục hặc với gia đình anh chị sao đó, cô ấy đem chồng con qua Hawaii lập nghiệp. Vài năm sau cô bỏ chồng Việt, lập gia đình với một người Mỹ. Vân quen Thục An ở Hawaii. Bẵng đi vài năm, Vân lại được mời đi dự tiệc cưới của cô ấy với ông Hàn.
Vân kể, hôm đó An từ Hawaii bay về, hối xe chạy dốc tới bệnh viện. Bà cụ nằm im lìm trên giường. Ảnh cụ đã để sẵn trên bàn rồi. Trong ảnh nụ cười của cụ quá đỗi hiền lành, môi thoáng một chút son, gương mặt cụ như rực rỡ hẳn lên.
An hết nhìn ảnh lại nhìn đăm đắm vào vầng trán lạnh trơ của mẹ. Sau đó An đi ra, tránh không nhìn gương mặt nặng chình chịch của chị dâu. Tránh luôn đôi mắt sưng húp của chị Thúy. Không một lời dù nặng, dù nhẹ hé ra từ đội môi mím chặt của cô ấy. Chẳng cần nhiều lời, An biết, bốn ông con trai sẽ bày ra đủ trò lễ nghi cho một đám tang rình rang để trấn an lòng lành, hiếu thảo. Cháu nội, cháu ngoại, khách khứa, bạn bè, thân sơ sẽ kéo tới nghìn nghịt sân chùa.
An tìm một hàng ghế khuất kê dưới lùm cây trong khuôn viên bệnh viện ngồi suốt buổi chiều. Hai mắt An đỏ ké lên, nhưng cô ấy nhất định không khóc.
Lúc mẹ còn khỏe, còn viết được thư than thở với cô, cô đã không có thì giờ để trả lời cho mẹ, dù chỉ một hai hàng chữ nhỏ cũng lờ luôn. Cô bận lắm. Cô túi bụi với việc nhà, việc công ty. Lòng dạ cô ở đâu? Lưu lạc ở phương nào? Buồn hay vui cô còn không có thì giờ nhỏ to với nó. Huống gì nhỏ to với người khác, dù người khác đó là mẹ ruột của cô. Cho nên bây giờ, cô nhất định không cho mình được quyền khóc mẹ. Cô không xứng đáng để khóc mẹ.
Mẹ thọ 83 tuổi, ở góa 49 năm. Cô lẩm bẩm một mình:
- Thọ 83 tuổi. Góa - lạnh - không - chồng - bốn - mươi - chín - năm.
Cô rùng mình. Một cái đau nhói lên, buốt từ trong óc buốt vào quả tim. Cô phải dướn người lên để thở, tay chặn lên ngực, mặt cô tái ngắt.
- Tội nghiệp mẹ! Tội nghiệp mẹ!
Cô tiếp tục làu bàu:
- Đừng khóc! Mày không đủ nhân cách để khóc một người mẹ như thế.
Cô thấy mình buốt từ trong hồn buốt ra. Buốt trong tủy sống, buốt lên đỉnh đầu. Cô mỏi quá, cột xương cô chết xụm. Suốt đêm qua không ngủ, 4 giờ sáng hộc tốc phóng ra phi trường. Vật vã ở phi trường, bồn chồn trên máy bay, rồi hụt hơi chạy đến bệnh viện. Bây giờ cô thấy mình vữa dần từng mảnh như một cái xác không hồn. Cô ngả oặt người ra sau, cố dựa hẳn đầu lên thành ghế. Ngửa mặt nư vậy, cô nhìn thẳng được lên trời. Mây hôm đó không có hình thù. Mây như bị trời nén chặt. Lòng cô cũng bị nén như là dưa khú. Đá tảng xù xì từng khối đè nghiến trong đầu cô. Thấy cổ mình đau, muốn đứt lìa, cô ôm đầu gục xuống.
Thế rồi, người ta thấy cô đứng lên bỏ ra đường. Cứ như thế cô đi hoài. Đường rộng thênh thang. Xe vùn vụt chạy. Những con đường nước Mỹ chạy xa tít tắp, xa tít tắp...
Sáng hôm sau, An gọi Taxi ra phi trường, bay thẳng một lèo về Hawaii. Tang lễ trọng thể của mẹ có đủ mặt con trai, con gái, dâu rể, cháu họ, cháu ruột. Ai cũng khen bà cụ Trương có phúc, dâu hiền rể thảo, con cháu thành đạt. Chồng của An lúc đó cũng đội mũ mấn, dắt hai con đi sau quan tài mẹ vợ. Người ta xầm xì sự vắng mặt của cô út Trương Thục An. Chị dâu của cô cứ phải mỏi miệng phân trần rằng cô út nghe tin mẹ qua đời, ngã lăn ra bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện, bác sĩ cấm không cho đi máy bay nên cô út không thể nào về kịp.
An về Hawaii, gia đình chồng một rề ỏ vây quanh nhà. Thấy cô về một mình, đầu không quấn khăn tang, hai con mắt lạnh tanh thấy sợ. Họ sững sờ nhìn cô. Có một cái gì cực kỳ băng giá đã bọc chặt cô mất rồi. Đến nổi cả nhà không ai dám lên tiếng hỏi cô một lời.
- Thọ 83 tuổi, không chồng 49 năm.
Cô nghe mình lảm nhảm suốt đêm câu nói cụt đầu cụt đuôi này mãi không biết chán.
Cô biết rõ mẹ cô đa cảm và yếu ớt hơn cô nhiều. An nhớ lúc nhỏ đi học về, cô hay chạy vào bếp lục chạn thức ăn tìm bánh ngọt hay chè mẹ thường nấu sẵn để ăn vụng. Rất nhiều lần An thấy mẹ dấm dúi chùi nước mắt. Lần nào mẹ cũng vội vàng cười gượng với cô. Nụ cười của mẹ không bút mực nào tả xiết:
- Mẹ ham rẻ mua nhằm than sống, khói làm mắt mẹ xót quá.
Cô vô tâm, hay tại cô giống cha? Thừa hưởng ở cha cái bộ ruột nguội ngơ của bên nội. Cha quá đổi vô tình, lòng cha phải lạnh lẽo lắm, nên mới dụt đại cho mẹ một bầy con, bốn trai hai gái rồi lăn quay ra như thế.
Dì Tư vẫn nói cha An mê mẩn ba cái trò chính trị nên làm khổ mẹ. Cả đời cha cứ hục hặc với chuyện vá trời lấp biển của người khác, cứ xớn xác như Don Quixote vác kiếm cùn đánh nhau với cái cối xay gió. Lâu lâu buồn đời lại về tặng cho mẹ An cái bầu rồi hiên ngang vác bị gậy đi nữa. Cho tới ngày mẹ nhận hung tin cha chết ở một xó rừng, mẹ khóc hết nước mắt lặn lội đi tìm mộ cha. Ba lần đi tìm như vậy, hai năm sau mẹ mới mang về được một hũ tro. Người ta bảo đó là xác của cha. Mẹ cũng gắng tin đó là tro cốt của cha.
An cứ thế lớn lên theo các anh, các chị. Mẹ xoay đủ nghề, buôn ngược bán xuôi. Mua vùng quốc gia bán cho vùng xôi đậu. Những năm tháng lẽ ra là thanh xuân tươi đẹp nhất của một người đàn bà bình thường và khỏe mạnh, mẹ ôm sáu đứa con chạy hết loạn này đến giặc kia. Phải chi mẹ xấu xí vô duyên cho đành. Đàng này, da mẹ mịn hồng, môi tươi ngọt như cánh hoa, mắt lung linh sâu thẳm, chân tay đài các hơn người. Vậy mà mẹ đành lòng xoa bụng, răng nghiến vào răng, đêm đêm chong đèn, nghe da thịt, lông tóc mình than thở với nhau.
Bốn mươi chín năm ròng, không một bàn tay đàn ông đụng vào xương thịt. Không một lời thầm thì an ủi. Làm sao mẹ lại có thể sống được một đời đòi đoạn đến như vậy. Rồi ngày chồng lên tháng, tháng chồng lên năm. Bầy con sáu đứa nghiến hết tuổi thanh xuân của mẹ lúc nào cũng không hay.
Đã nói An thừa hưởng máu vô tâm của bố. Lúc nhỏ xíu thấy mẹ khóc hoài, An cũng nhắm mắt tin bừa khói làm cay mắt mẹ. Lớn lên chạy được ra nước ngoài sớm. Lúc thấy tóc mẹ bạc rồi, đời đã hành cho bầm dập trăm bề, khóc như vậy chắc hẳn mẹ phải cay cực lắm. Chắc trong lòng mẹ phải đau lắm, nước mắt già mới ứa ra như vậy. Nhưng khổ quá, An làm gì cho mẹ được bây giờ. An bận chồng, bận con, bận làm tiền, bận trả nợ, bận mua sắm, bận nghỉ hè, bận tiệc tùng...
Đêm hôm sau chồng An gọi điện thoại về trách:
- Em có giận gì cũng vừa vừa phải phải cho anh vuốt mặt ngó người ta chứ. Ai lại bỏ về ngang như vậy bao giờ. Anh không biết ăn nói làm sao với anh chị Hai. Nghĩa tử là nghĩa tận, em phải biết mình là phận em...
An điên lên:
- Dẹp cái nghĩa tử nghĩa tận của anh đi. Mẹ tôi chắc chắn không cần cái nghĩa tử của anh đâu. Hồi mẹ tôi bị vợ anh Hai đuổi khéo, tôi bàn với anh sửa sân sau thành cái granny flat đón mẹ sang ở. Tôi còn hứa với anh, sẽ nói mẹ tôi ở riêng nhà sau. Không héo lánh lên nhà trên, không ăn chung mâm, không xài chung toilet.Không mó máy đụng vào túi tiền của mình. Mỗi tối đi làm về tôi sẽ xuống thăm mẹ tôi một lần... Chính anh đã cản tôi. Trời ơi! Tôi nể chồng, sợ con nên bây giờ không dám khóc mẹ.
- Em à! Hãy nhớ lại đi, anh không hề từ chối nhé...
- Đúng rồi. Cái mặt nghĩa tử nghĩa tận của anh dại gì từ chối. Anh chỉ nhỏ nhẹ thốt ra thành lời, rằng anh sợ mẹ vợ, mẹ chồng ở chung rồi ra thế nào cũng có chuyện. Thằng nào nói câu đó? Anh giỏi chối đi.
- An à, em có điên không? Anh gọi cho em để nói anh Hai giận em lắm. Tại sao em lại quàng xiên nhắc chuyện mẹ chồng mẹ vợ vào đây làm gì.
- Dẹp anh Hai đi. Tôi không muốn ngó cái mặt họ nữa. Thư từ của mẹ tôi còn cả hộp đây. Tôi sẽ ném cả xấp vào mặt, cho họ hết dài cái giọng nghĩa tử nghĩa tận ra với tôi.
Chồng An năn nỉ:
- Đừng có nóng, từ từ đâu còn có đó.Mẹ già thì mẹ chết. Bộ em muốn mẹ lột da sống mãi chịu chi nổi. Già quá sống chỉ thêm khổ cho mẹ.
- Anh khỏi cần dạy tôi. Còn mẹ anh thì sao? Mẹ anh bộ trẻ hơn mẹ tôi chắc?
- Này, đừng có vác mẹ anh, mẹ tôi ra mà kiếm chuyện nữa. Anh chỉ muốn em làm hòa với các anh chị của em. Mẹ vừa mới mất, em không thắp cho mẹ được cây hương, làm như vậy không sợ mẹ buồn sao?
- Đời mẹ có vui bao giờ đâu mà anh sợ mẹ buồn. Anh nghĩ coi, mẹ làm vú em, làm con ở cho họ mấy chục năm. Xoay vần nuôi hết cháu nội đến cháu ngoại. Đến lúc mẹ bị ngã gãy xương, không nuôi được cháu nội cháu ngoại, không nấu cơm, lau chùi được nữa. Anh Hai, chị Thúy, anh Tư tìm cách đùn mẹ đi. Cuối cùng cả bọn hè nhau tống mẹ vào viện dưỡng lão. Anh coi, họ gan thật, còn dám tổ chức lễ tang. Dám mời thầy tụng kinh. Dám đội khăn tang xì xụp lạy quan tài của mẹ. Tôi không thể làm như vậy được. Anh biết quá mà, tôi lo bốc cả gia đình nhà anh từ Việt Nam sang đây. Tôi là con đàn bà ngu nhất trên đời này. Tôi nói với mẹ tôi, mẹ ơi con sợ mất chồng. Hạnh phúc của con là chồng, là bầy con của con. Hạnh phúc của con không phải là mẹ. Con khốn nạn này nó nói với mẹ nó như vậy đó. Cho nên tôi phải bỏ về ngay lập tức. Cho nên tôi tự thấy mình không xứng đáng đi sau quan tài của mẹ. Anh nghe thủng ra chưa?
Cô cứ thế nổi điên trong điện thoại. Cuối cùng cô cũng không nhớ chồng cô, hay chính cô hét lên một tiếng rồi cúp máy.
Sau tang lễ, chồng cô đem hai con về lại Hawaii cho vợ. Anh chạm mặt một người đàn bà hoàn toàn xa lạ ngay trong ngôi nhà bề thế của anh. Bà mẹ lọm khọm gọi con trai ra một góc vườn thì thào:
- Mày lấy phải một con điên rồi. Từ hôm đó tới chừ nó câm như mụ hến. Đêm tới cứ ngồi một đống như bị thịt, lảm nhảm một mình. Hỏi không thưa, gọi không đáp.
Anh xua tay chào mẹ rồi bước thẳng vào nhà. Anh tiếp tục đưa con tới trường, đón con về nhà ngày hai bận. Năm ngày sau, chẳng hiểu nghĩ sao, cô đùng đùng mua vé máy bay, gọi tài xế của công ty đưa thẳng ra phi trường.
Từ phi trường Los Angeles cô kêu xe chạy một mạch vào bệnh viện. Cô biết hôm nay người ta sẽ thông báo rành mạch mọi chi tiết bệnh lý về cái chết của mẹ cô. Đúng là một đại gia bề thế, hai con gái, bốn mụ dâu, bốn con trai, một ông rể, chồng cô rể út vắng mặt, lý do chánh đáng phải ở nhà lo việc công ty.
Đến trể nhất, cô ngồi phịch xuống ghế không buồn chào hỏi ai hết. Mọi con mắt sầu nặng đều nhìn chăm bẳm vào cô. An rùng mình. Đúng là những con mắt đóng hộp mất mẹ, trao tráo, tanh lạnh, rập khuôn nhau. Thế là tay cô mở bóp tách một cái, lôi ra xấp thư cũ của mẹ, cô đứng dựng lên phóng hai đồng tử chiếu thẳng vào mặt anh Hai, anh Tư, rồi anh Minh, anh Kỷ.
- Có phải chúng ta là bầy con lớn lên không có cha, đúng không?
Không ai trả lời.
- Có đúng mẹ ở góa nuôi hết sáu đứa con no đủ hơn người khác không?
- Chị Hai, một mẹ già bằng ba con ở. Chị cho tôi biết ai nuôi bầy con của chị lúc còn đỏ hỏn để vợ chồng chị đi học. Chồng bác sĩ mổ, vợ nhổ răng, ai nuôi con hầu hạ cơm nước lúc chị đi học?
Máy lạnh chạy ù ù. Giọng cô cũng ù ù khàn khàn như bị cái máy lạnh làm cho cảm:
- Anh Tư! Tại sao anh để vợ anh thò tay lấy tiền nhà của mẹ? Bộ anh cho mẹ già share phòng hả? Bộ anh nghèo tới mức phải ăn xén vài trăm tiền già của mẹ? Ai đem vòng vàng cưới vợ cho anh? Ai nuôi anh từ nhỏ tới lớn? Ai bị mìn lúc buôn hàng chuyến nuôi anh? Ai nhường thịt nhường cá cho anh ăn chóng lớn, đi học, còn mẹ chan nước rau luộc hả? Trả lời cho tôi? Trả lời cho tôi đi?
Cô vẫn nói một mình, phòng bệnh viện không khí bị ép nặng hơn bên ngoài. Cô phải vươn cổ lên để lấy hơi:
- Chị Thúy, hồi mới qua, chị mượn tiền mẹ deposit mua nhà. Bây giờ chị giàu quá mà. Tại sao chị cứ lơ đi không trả tiền cho mẹ?
Thúy đứng phắt lên, xỉa tay về phía em:
- Cô khôn hồn thì im ngay đi. Tiền của mẹ còn nguyên đây, không mất đi đâu hết. Tôi không đưa cho mẹ, vì hở ra đồng nào, mẹ cúng chùa đồng đó. Ở đây chùa đông lắm. Cô bỏ mẹ dông tuốt qua Hawaii cun cút cơm bưng nước rót hầu bố mẹ chồng. Cô nấu cho mẹ được bửa cơm nào chưa? Cô là con út, mẹ nhớ cô khóc hoài. Cô có đoái hoài gì tới mẹ không? Con nào nói với mẹ hạnh phúc của nó là chồng là con nó? Hạnh phúc của nó không phải là mẹ. Con nào nói với mẹ câu đó? Nãy giờ ai cũng biết cô điên diên tàng tàng nên mặc cho cô nói xỏ nói xiên. Tôi nói cho mà biết, cô vác thân cô đi Hawaii như thế, có lý gì đến mẹ già. Lẽ ra cô nên câm đi thì hơn
An tím tái măt, cô ngồi phịch xuống ghế. Xấp thư của mẹ cô rơi xuống sàn nhà, cô nhặt lên, thở không ra hơi. Ơn trời, đúng lúc đó hai nhân viên hành chánh của bệnh viện đi vào ngồi sau bàn lớn. Mọi người đều im phăng phắc. Bà Mỹ, tóc ngắn ép sát đầu, mở hồ sơ kêu sột soạt. Cô y tá ngồi bên cạnh cũng mở ra một xấp phim khổ lớn.
- Đây là tất cả hồ sơ bệnh lý của bà Trương. Còn đây là chứng nhận của pháp y sau khi xét nghệm người chết. Bà Trương không chết vì gảy xương hông. Bà chết vì uống quá nhiều thuốc ngủ và thuốc chống đau đã để dành từ mấy tháng trong viện dưỡng lão. She killed herself.

HẾT

Xem Tiếp: ----