Chuyện đã hơn chục năm nay, nhưng lão Khổ còn đau mãi tới giờ.
Vụ lúa chiêm năm ấy càng về cuối càng thuận. Đúng vào kỳ lúa đỏ đuôi, vòm trời thật nở nang. Nắng đến sướng. Nhờ ông trời cứ kéo cái nắng cho qua kỳ thu hoạch. Chỉ cần lôi được hạt lúa về nhà, còn sau đó chuyện phơi phóng là chuyện vặt. Từ đồng trên xuống đồng dưới lúa tràn cả lên bờ. Mỗi lần vác cuốc làm phép đi thăm đồng, lão Khổ lại khấp khởi mừng. Thật là trời giúp lão. Đúng vào năm lão nhiều công nhất thì được mùa.
Mà để có cái ngày sướng con mắt chẳng riêng gì lão, có gần ngàn dân làng Cổ đã từng héo gan, héo ruột. Những ngày ấy ruột lão tím bầm. Không biết còn mất mùa đến bao giờ. Nhổ lên cắm xuống có đến vài lượt mà vẫn chỉ thấy đất nổi váng. Mặt ruộng tím tái, se sắt như mặt người chết cóng. Nhiều người khôn ngoan khuyên lão sắm sọt chạy chợ. Lão lý lại:
- Hạt thóc chỉ có từ đất. Ai cũng chạy chợ cả thì rồi có lúc đeo vàng mà chết đói! Lão uý lạo vợ con, không có được chân trong, chân ngoài. Cả đời ông đời cha cho đến nửa phần đời lão chỉ thèm có đất. Vậy mà lúc có đất ở trong tay, lý gì lại không đào xới để thành giầu.
Bây giờ thì mọi vận hạn đã qua. Lão Khổ đứng giữa đồng lúa hít căng lồng ngực hương thơm ngầy ngậy ngòn ngọt, tâm hồn sảng khoái cực độ. Lão vốn không tin vào trời. Chẳng qua còng lưng ra mà đánh vật với dất, đào xới miếng ăn từ đất chứ cứ ngồi đấy chờ đến số, có mà giã họng!
Là một "lão nông tri điền", lão Khổ nhìn ngay ra công việc trước mắt. Lão tong tả vác cuốc về nhà, rửa ráy tươm tất rồi đi về phía nhà Bí thư Đảng uỷ. Từ ngày Toản trúng bí thư, lão đâm ra ngại. Đành rằng chính lão dựng cơ nghiệp, lo vợ, con cho Toản. Nhớ lại cái đận dắt Toản đi hỏi vợ mà cực. Đến chỗ nào người ta cũng chê Toản xấu tướng. Cuối cùng lên búi, lên khóm do tài của ông mối. Rồi sòn sòn vợ Toản lòi ra một lũ con. Khi chưa trúng chân cán bộ nhất xã, đôi lúc Toản cũng ục vợ như thường. Cái thân loắt choắt ấy mỗi lần nhảy lên đấm vợ, lại ngã, thật đến tức cười. Vài lần vợ Toản mặt sưng húp dắt con đến bắt đền lão Khổ. Thỉnh thoảng đi đồng về lão lại tạt vào cho thằng cu nhớn củ khoai, bắp ngô, hay chỉ con muỗm lão vồ được.
Khi Toản lên làm bí thư, lão Khổ cũng cắt luôn cái sự đi lại. Chẳng phải lão sợ miệng thế gian dè bỉu "Thấy người sang bắt quàng làm họ", mà từ lâu trong tâm sự của lão, lão giận Toản. Giận vì anh ta tham danh hám vị. Lão thừa biết rằng cái xã này vào tay Toản sẽ nát như tương. Lão thừa biết rằng ông chủ tịch Đặng mới là tay đáng mặt gian hùng! Ông ta đạo diễn cán bộ huyện dựng Toản lên để làm lá chắn cho ông ta. Sau lưng Toản, ông Đặng khoắng tay vào bị, vơ vô tội vạ. Vụ mất chục triệu đồng xây nhà máy đường biến mất, đã tưởng ông Chủ tịch đi tù. Rồi ông ta chẳng làm sao, lại nuốt nốt cả tám máy bông sen. Dân tình phản đối thì ông chủ tịch tặc lưỡi: đây là chủ trương của cấp uỷ. Mình tôi quyết định thế nào được.
Ngay như cái làng Cổ này, thật truyền đời bát cơm đầy có ngọn. Thế rồi núp dưới bóng Toản, một lũ ma cô, cường hào ngóc dậy, vừa phá vừa vơ vét. Đã thế không ai được nói lên sự thật. Một đội thanh niên do ban chỉ huy đội lập ra, chủ yếu dùng vào việc trả thù người đám đấu tranh. Nhẹ thì có "Cây con" gì họ triệt bằng hết. Nặng hơn hoặc "tái phạm" có thể đang tự dưng như nhà động mồ động mả. Bếp, chồng lợn... cứ cháy đùng đùng mà chủ nhân đành chết cay chết đắng vì biết trước không thể tìm ra thủ phạm. Có lúc chính lão Khổ phải uất ức kêu lên: Dân đen còn khổ đến bao giờ?
Đang bước hăng hái lão Khổ đâm ra lưỡng lự khi sắp rẽ vào ngả nhà Toản. Vừa hay lúc lão đang loanh quanh thì Toản gọi to:
- Bác Khổ! Mời bác vào nhà. Gớm, bác khinh con cháu quá đấy.
"Tao tha không nhổ vào mặt mày chứ khinh". Lão Khổ thấy nghẹn ở cổ nhưng cố cười:
- Tại sợ ông bí thư mất việc. Các lão già chúng tôi thường hay lẩm cẩm.
Lão đưa mắt canh chừng hai con chó đang đỏ mắt vì bị xích. Lão khép nép ngồi xuống chiếc ghế tựa Toản tự tay kéo ra. Vừa rót tuần trà đầu Toản vừa hỏi.
- Bác xem lúa má năm nay thế nào?
Lão Khổ thừa biết Toản muốn kể công! Chẳng qua anh ta chưa nói thẳng rằng: "Lão thấy chúng tôi cũng làm ăn được đấy chứ". Cứ nhìn mặt anh ta thì biết. Nó mở bung ra, mãn nguyện đến hợm hĩnh. Lão thì muốn hắt toẹt chén nước xuống nền nhà rồi đứng dậy. Nhưng nhớ đến mục địch của cuộc "viếng thăm" lão gượng cười, đáp:
- Có vẻ được mùa đấy... nhưng - Lão cố ghìm tiếng thở dài.
- Nhwng sao hả bác? Toản vờ ngạc nhiên - chỉ cầu trời khô nỏ cho ba tuần nữa, mà lúa thì bác thấy đấy...
Toản ra vẻ chăm chú chờ lão nói. Lão Khổ lại thừa biết rằng chẳng phải anh ta sẽ động não suy nghĩ trước ý kiến của lão. Anh ta chuẩn bị xổ ra hàng tràng tiếp theo những giảng giải về cơ giới vận đất, về nhân tình thế thái, như một thứ bệnh. Giọng lão Khổ nhỏ xuống.
- Kể cả ba giờ vẫn cứ mất.
Toản cười hết cỡ miệng.
- Các cụ thật khéo cẩn thận. Thôi được, theo bác thì nên thế nào?
- Tôi đến chơi anh cũng chỉ vì phải nói với anh vài nhời. Các cụ đã dạy "xanh nhà hơn già đồng". Trời thì nay nắng mai mưa, chẳng biết thế nào. Tôi xem số chân ruộng sớm đã vàng cả rồi, các anh nên có kế hoạch cho bà con kéo trước về được ít nào chắc ít ấy. Vả lại để ba tuần nữa thì gặt không kịp rụng.
Nét mặt Toản càng giãn ra như người nắm chắc bí quyết vấn đề. Với tay xé tờ lịch, Toản nói bằng giọng tự hào:
- Huyện định tổ chức tham quan xã ta. Thành phần là tất cả các cán bộ chủ chốt của mấy chục xã trong địa bàn huyện. Rồi các cơ quan huyện... theo kế hoạch thì nửa tháng nữa họ đến - Toản nhìn lão Khổ tủm tỉm - Cháu muốn để các nơi họ thấy nguyên vẹn "kết quả làm ăn" của xã ta. Với lại chính anh Bùi cũng gợi ý như thế.
"Kết quả" vì ông Bùi chịu trách nhiệm về xã này chứ gì? Vì ông ta trót dựng lũ các anh lên, cứ lẹt bẹt mãi sợ lung lay đến ghế ông ta phải không? Lão Khổ muốn quát một thôi cho hả khi Toản nhắc đến cái tên Bùi. Một ông quan huyện chính cống! Chỉ lạ là mỗi bận kỷ luật ông ta lại tót lên cao hơn một bậc.
Tự dưng lão Khổ thấy vô duyên. "Thây kệ chúng mày! Đến lúc dân người ta đào mả chúng mày lên, đừng có trách".
Nhưng lão cấm chỉ vợ và con cái không được tham gia đón rước gì ráo! Có cái thói đâu chưa làm đã lo không thổi được nhau lên, ở đâu cũng "tốt đẹp" mà dân cứ đói nhăn ra thì không thấy ai hỏi.
Còn ba ngày nửa đoàn thăm quan đến xã. Loa đài gọi ơi ới, ỏm tỏi cả lên. Cửa hàng mua bán mang hàng vào tận làng Cổ, là điều xưa nay chưa từng thấy. Các loại cán bộ tự nhiên đâm ra tận tuỵ, hết lòng vì dân. Chẳng ai một lần chịu ngước trông trời. Đến khi cơn gió xoáy giật tung mấy băng khẩu hiệu thì chính lão Khổ thất sắc! Đánh nhoàng một cái bầu trời như toàn bằng đá! Mà đá thật. Đá trút xuống ào ào, khua lên mái ngói như sắp đổ sập tất cả. Đá đổ xuống thành lớp, dồn đống lại. Thôi thì đủ thứ kêu gào. Trẻ con nhảy lên vì được ăn đá, dùng đá xát lên mặt rồi xuýt xoa. Người nhiều công điểm như lão Khổ thì ngất đi được. Qua làn đá quất ràn rạt, hàng trăm cặp mắt thất vọng, căm tức hướng về phía những thửa ruộng đầy ắp, đang nát bét dưới tai vạ trời giáng!
Chỉ chờ dứt mưa, lão Khổ đâm bổ ra đồng. Hỡi ôi, lão úp tay lên mặt khóc rưng rức. Còn đâu là mùa màng nữa. Thay cho màu vàng óng là màu xám xịt của những cọng rơm ngấm nước rối vào nhau, đâm chổng lên trời như bị ai vò. Vạch gốc rạ, đưa tay sờ thấy một lượt thóc rải xuống bùn, tưởng ruột gan bị đâm bị rạch bằng gai.
Trong làn nước mắt cay đắng, lão Khổ thấy nếp nhà năm gian lão dự định xây bằng thóc thu hoạch vỡ tan như bong bóng.
Hôm sau lão Khổ đổ sập xuống. Có lúc mê sảng lão quát váng nhà:
- Miếng ăn kề mồm còn để mất. Ngu! Ngu!
Nhưng lão Khổ không được phép ốm lâu. Những lúc lăn lộn trên giường lão vẫn vắt óc tìm kế cứu vãn tình thế. Vốn là người phải vật lộ, giành giật miếng sống từ lúc bé, không dễ gì lão đầu hàng hoàn cảnh. Tới ngày thứ ba, cảm thấy đã đi lại được, lão bảo thằng Bình:
- Chuẩn bị mai đi với tao.
- Đi đâu hả thầy?
- Cứ biết đi, không phải hỏi.
Lão gọi bà Khổ cũng đang rầu rĩ hỏi xem lưng vốn còn được bao nhiêu. Lão nhẩm tính rồi quyết định bán đi chiếc nhẫn vàng hai đồng cân. Không ai dám gàn lão, từ tờ mờ đất bố con lão đã lọc cọc đạp xe về phía Thá. Không ai biết lão ốm gần chết.
ở Thá lão Khổ thấy không ăn nhằm gì, lại ngược Thường Tín. Rồi thấy bố con lão trở về, tay năm tay mười ra đồng thu hoạch lúa với mọi người. Đang giữa mùa mà làng Cổ như có dịch. Mặt ai nấy rầu rĩ ai oán. Các nơi khác họ cũng mất nhưng chỉ mất gọi là. Đa phần diện tích lúa sớm được họ lôi về nhà trước khi có mưa đá, chỉ riêng làng Cổ đau nhất bởi chỉ độc chân ruộng lúa.
Còn vài buổi nữa mới xong vụ mà lão Khổ đã có trong tay ngót ngàn con vịt thóc. Bố con lão quây vịt chật cả ao sau nhà. Bây giờ mọi người mới ngẩn ra phục tài lão. Rồi họ cũng bắt chước lão nhưng đành phải ăn giá đắt. Chưa đầy tuần sau, hàng vạn con vịt đã có mặt tại làng Cổ. Nhưng lão Khổ tính rồi. Hàng vạn con cũng chẳng thấm gì! Lão sẽ đuổi riết độ một tháng là có vịt thịt bán. Tính thật khiêm tốn mỗi con lão cũng vớt được dăm đồng. Có bốn ngàn tiền lãi trong một tháng, lão sẽ giật lại từ thiên tai hai tấn thóc. Đứa nào không tính được thế là ngu.
Ngay hôm sau lão Khổ hăm hở đến nhà đội trưởng. Lão sẽ tự giác đếm mức thuế đồng cho từng con vịt. Như mọi năm Ban quản trị vẫn định mức thu mỗi con vịt năm hào. Năm nay lão Khổ định một đồng. Thế là đằng nào cũng có lợi mà lão có được miếng ăn, cũng nhẹ cái lòng với những người không tính được như lão.
ấy là lão mới định ra thế trong đầu. Lão đưa tay lần lần ngàn bạc trước khi qua cổng nhà đội trưởng. Đội trưởng đội sản xuất mới ngoài ba mươi đã có dáng cụ non. Mặt anh ta dài thuồn thuỗn, lồi lõm như mặt ngựa. Cái lưng cong xuống ở đoạn vai cộng với cặp mắt đỏ ngầu, cặp môi trễ xuống nom anh ta có tướng mạo thật gớm ghiếc. Lão Khổ chưa kịp mở miệng đã bị cái giọng xấc lấc của đội trưởng ghìm chân ở cửa.
- Ông ở ngoài ấy chờ tôi xong việc đã.
Lão Khổ nhẫn nhục, ngồi xổm trên bậc tam cấp, mắt mệt mỏi nhìn cơ ngơi của anh đội trưởng. Mang của công về đắp cho cá nhân quả là nhiều cái tiện. Cái tiện thứ nhất là cứ làm phứa đi, hỏng chỗ nào, đập ngay ra làm lại cho kỳ cho vừa ý.
Hầu như anh nào lên làm cán bộ làng Cổ cũng thế. Chỉ vài năm là đập nhà xây lại. Nhà trước cao hơn nhà mình thì xây hai tầng để được đứng trên đầu thiên hạ! Ông bí thư chi bộ đua với ông Trưởng ban tài chính. Cuối cùng cơ ngơi của anh đội trưởng mặt ngựa này vẫn bề thế hơn cả.
Lão Khổ hẩy mép chua chát. Lão sờ tay vào bọc tiền, có ý sốt ruột. Trong khi đó đội trưởng đang ê a cộng nhẩm, nước dãi xều cả xuống áo. "Ba ba là chín... tổng số năm trăm bảy mươi xuất a a... vị chi là..." Anh đội trưởng toát mồ hôi tính vẫn sai. Lão Khổ ngứa tay vạch xuống đất nhân thử, lão lấy cớ xán lại:
- Vị chi là năm ngàn một trăm ba mươi...
- Cái ông này... khiến gì ông! Mà ông đến có việc gì thế? Lão Khổ chớp thời cơ nói một mạch ý định của lão về chuyện thuế đồng. Để chứng minh thiện ý của mình, lão rút phắt cuộn tiền.
- Anh nhận luôn cho ta chứ?
Đội trưởng nhăn mặt yêu cầu lão nói lại, chầm chậm thôi. Nghe xong lần thứ hai, anh đội trưởng ngẩn mặt ra, miệng lẩm nhẩm như phù chú ma quỷ rồi bỗng quắc mắt đứng dậy.
- Tôi nói cho ông biết thuế đồng năm nay sẽ là mười đồng một con... Nhưng tất nhiên làm việc gì cũng phải có sự bàn bạc. Đầu óc nông dân các ông chỉ biết tính lợi cho mình. Thóc của chúng tôi có đến hàng trăm tấn rải ngoài ruộng, ông bảo nộp một đồng mỗi con vịt, có hoạ chúng tôi ngu hết cả, chỉ mình ông khôn. Tối nay sẽ cho thông báo trước đội: Nhà ai có vịt, ngỗng... phải nhốt ở nhà trước khi có nghị quyết Đảng uỷ và chi bộ. Chứ người ta nghĩ như ông á, thà giải tán hợp tác xã cho xong. Thế thôi, ông về đi để tôi làm việc.
Cổ anh đội trưởng vươn ra, chĩa cái khuôn mặt lồi lõm về phía lão Khổ "Cái thằng bố mày, ngu như bò ấy"! lão Khổ rủa thầm. Lão bước nhanh qua chiếc cổng đắp nổi mấy con rồng. Tự dưng nước mắt lão ứa ra, chảy thành vệt xuống cổ áo.
Gần nửa tháng sau, qua ngót chục cuộc họp, lấy biểu quyết, vạch kế hoạch thực hiện, có cả quy kết nhau ác liệt về quan điểm, mức thuế đồng mới chính thức được ấn định: vịt thóc bẩy đồng trên con, vịt đẻ bằng ngỗng thóc, tám đồng một con ; ngỗng đẻ: chín đồng một con. Những gia đình có gà có người chăn dắt phải nộp ba đồng một con. Hợp tác xã miễn thuế cho số gà ăn tự do của gia đình ven đồng. Các bậc tham mưu lọc lõi tính thế này: Lấy số thóc bình quân thu được của vụ chiêm (năm ngoái) trừ đi số thóc thu được của vụ này ra số thóc bị mưa đã quất rụng xuống ruộng. Đem số thóc đó qui thành tiền theo giá chợ đen. Lấy tổng số tiền mỗi con vịt con ngỗng phải chịu. Như vậy mặc dù bị mưa đá, song do sự sáng suốt của lãnh đạo nên hậu quả của thiên tai được khắc phục nguyên vẹn.
Sau khi giải thích cho xã viên như vậy, đội trưởng hùng hồn tuyên bố: đội đã đề nghị chiếu cố những gia đình chăn nuôi, rút đi mười lăm phần trăm mức thuế, chứ đằng thẳng ra mỗi con vịt phải mười đồng. Các chủ hộ có vịt, ngỗng ngay ngày mai nộp tiền cho đội. Ai cố tình chúng tôi không thiếu biện pháp.
Ngay lập tức một danh sách đội bảo vệ được lập và xướng tên trước đội: mười lăm thanh niên to khoẻ, giỏi võ có nhiệm vụ không để một con vịt nào trốn thuế được phép xuống đồng. Tan họp về, lão Khổ không sao chợp mắt được. Ngoài ao, đàn vịt háo thóc kêu loạn cả lên. Buổi chiều lão đã đứt ruột đổ xuống năm cân thóc nhưng chẳng thấm tháp gì. Lão quyết định phải gặp lại Toản, hỏi cho ra ngành ra ngọn. Sao lại có chuyện đánh vào người sản xuất một cách phi lý thế này? Với mức thuế bảy đồng, lão có chăn thật giỏi, chịu đem bán chợ xa cũng còn lỗ trầy lỗ trật. Hoá ra đang dưng lão lại chuốc hoạ vào thân.
Rắp tâm cả đêm, sáng ra lão Khổ đến nhà Toản lúc ông bí thư vừa dậy. Nghe lão trình bày. Toản cười nhạt lắc đầu.
- Cháu cũng chẳng có quyền đi ngược ý kiến của tập thể. Bác có thể tin thế này: Tập thể luôn luôn làm những điều sáng suốt, có lợi cho mọi người. Bác xem tiền thuế có vào túi riêng ai đâu, lại của các bác cả đấy chứ đi đằng nào.
- Này, tôi muốn biết cái "tập thể" ấy là những ai? Lão Khổ uất quá nổi xung.
- Có những vấn đề bác chỉ biết là mình cần phải chấp hành, thế là đủ và cháu mong bác làm gương cho người khác. Chả gì...
Lão Khổ nhếch mép khinh bỉ khiến Toản không dám nói tiếp "chả gì cháu với bác cũng là chỗ người nhà". Lão Khổ định quay ra nhưng lão nghĩ thêm được câu hỏi nữa:
- Tôi hỏi anh, một con vịt cũng chỉ hơn chục bạc mà các anh bắt chúng tôi nộp bảy đồng, thì cái lý nó ở chỗ nào?
Toản cười đắc thắng:
- Thế ra tại cụ loanh quanh chưa thông qui luật sản xuất. Không ai bán hơn chục bạc con vịt khi chi phía đã ngần ấy cho mỗi con. Vậy thì tức khắc giá vịt thị trường phải tự điều chỉnh, để còn có người dám chăn vịt chứ? Đấy là qui luật "điều chỉnh tự nhiên" đấy bố ạ.
Đến lượt lão Khổ cười sằng sặc. Lão cười bằng cái tâm sự cay đắng đến tột cùng của lão. Lão cười là nghe như gầm, mỗi tiếng cười sẵn sàng cưa đứt ruột người khác.
- Các anh giỏi quá, giỏi quá! - Lão vẫn cười sằng sặc. - Thật là hết chỗ nói.
Lão chắp tay lên ngực vái ông bí thư một cái rồi lẹo xẹo bước trở ra. Lão chợ thấy thương chủ nhiệm Hiếu. Đấy mới là con người đáng để lão vái bằng lòng kính trọng. Chính Hiếu chủ trương ưu tiên đặc biệt những gia đình chăn từ 300 con vịt trở lên, bằng cách từ con 301 không đánh thuế. Vậy mà Hiếu đành cô lập, chịu để bị dè bỉu khi anh ta đề nghị giữ nguyên thuế đồng như mọi năm.
Lại những đêm lão Khổ thức trắng. Lão đã từng chăn vịt chia với nhà Chánh Tổng những năm trước cách mạng. Một mình một thuyền, lão làm chủ cả mấy cách soi trên soi dưới. Chánh Tổng bỏ tiền mua vịt còn lão bỏ sức và tài nghệ sông nước. Đã chăn chia phải chăn hàng ngàn con mới bõ. Vịt của lão thả tự do như vịt trời. Đến khi thịt được, Chánh Tổng cứ đè ra cắt đôi. Số vịt ban đâu, không cần biết chủ đàn vịt còn được bao nhiêu, ấy thế lại còn được cái sòng phẳng! Tuy thế suốt đời trẻ, lão thuộc diện cùng đinh nhất. Sau cái đận vỡ cống Vọng, vịt của lão trôi tất, lão mới chịu bỏ nghề.
Ngoài ao đàn vịt đó ăn đóng đến sốt ruột, lão biết cái giống vịt thóc này đói ăn vài bữa coi như hỏng. Dù sau đó có tắm bằng thức ăn cũng không thể "to cái" được, người mua chỉ cần dùng tay bóp nhẹ đoạn ngang nách con vịt liền bỏ sang hàng khác dù có chèo kéo mấy.
Chợt lão Khổ thấy loé lên một ý nghĩ bất ngờ. Lão rón rén trở dậy. Cái bản lĩnh được tôi luyện trên đường vật lộn kiếm sống từ bé, trỗi dậy trong lão. Lão lay gọi thằng Bình, bấu thật đau cho nó tỉnh hẳn, thì thào vào tai nó mấy câu. Thằng Bình bật dậy dụi mắt mấy cái thành tỉnh như sáo. Không hề có tiếng động, bố con lão Khổ lần về phía đàn vịt.
Trời sáng trăng suông, và đủ để nhìn thấy đường. Cách nhau một đoạn không trông rõ mặt, loái cái, bố con lão Khổ đã lùa đàn vịt gần ngàn con êm nhẹ ra đường cái. Bản năng kiếm ăn của loài vịt thật tuyệt vời. Hình như chúng biết có cái gì đóng vụng trộm nên cắm đầu chạy thẳng về phía đồng. Sương buông xuống mênh mông. Chỉ có tiếng chân rạ cọ vào nhau lào thào với tiếng âm ỉ dâng lên từ đất của lũ côn trùng.
Đàn vịt ùa xuống ruộng và từ đó vọng lên tiếng mò thóc xè xè, tiếng reo thích thú đầy vẻ khoái chá của lũ vịt đói gặp mồi.
Lão Khổ kéo con ngồi xuống, đưa tay rà lên mặt ruộng. Thóc vẫn một lượt, đa phần đang nảy mầm. Chỉ cần mỗi đêm bố con lão chịu vất vả một tiếng là ổn. Lão bảo con canh một đầu, còn lão canh một đầu. Lão như mơ màng trong tiếng nổ lép bép, dâng lên sự hy vọng. Lão lại nghĩ đến hai tấn thóc bị trời cướp mất. Lão sẽ giật lại bằng mồ hôi sức lực của lão. "Bà mày ạ, tôi không xây dựng cho bà mày năm gian nhà to nhất làng, tôi nhắm mắt chưa yên".
Lão Khổ bỗng giật mình. Quanh đâu cũng có tiếng vịt ăn. Lão dỏng tai lên nghe thì cũng vừa có tiếng hỏi lào thào:
- Ông Khổ đấy phải không?
- Ai... đấy?
- Con đây... Trung đây.
Trung đã bò đến gần lão, dỏng tai lên nghe động tĩnh rồi thì thào:
- Nhiều thóc quá. Đàn cứ tròn lại như cái nong.
- Mấy đêm rồi? Lão Khổ cũng thì thào hỏi lại.
- Một tuần!
- Có ai biết không?
- Những người có vịt, chỉ ông là không biết thôi.
- Tao chịu phục tụi mày. Thảo nào!
- Biết làm sao được. Thóc thì bỏ thối mà ngày nào cũng phải xúc ở cót đổ xuống ao, xót lắm. Thôi ông ngồi đây, cháu ra chỗ bờ kia kẻo có con nào lãnh đàn, kêu toáng lên thì khốn.
"Thảo nào..." Lão Khổ ngồi bó gối nghĩ. Chúng nó ranh hơn mình. Lão chịu mất ngót tạ thóc oan vì không nghĩ được sớm như tụi nó. Lão định lần theo đàn vịt thì một hồi tù và rúc lên ghê rợn. Đúng ba hồi như thế đều nhau rồi đổ hồi dồn dập theo hiệu lệnh báo động có cướp thời xưa. Cùng lúc ấy có tiếng chân người cắt qua ruộng lọp bọp, gậy gộc, tua tủa chĩa lên trời. Tiếng đội trưởng đanh thép:
- Quây chặt! Không cho một con nào thoát.
ánh đèn pin quét loang loáng. Một luồng ánh sáng dọi thẳng vào mặt lão Khổ. Đội trưởng cười đắc thắng.
- Ông khôn làm sao bằng chúng tôi.
Lão Khổ uất sặc máu, lão gầm lên:
- Bởi vì tao không ăn cướp được nhiều như mày...
- Chưa biết ai ăn cướp - Đội trưởng quay sang mấy anh bảo vệ - Lùa gộp vào. Anh nào chống lại, trói!
Hơn bốn ngàn con vịt bị trộn lẫn kêu váng cả đồng. Một chiếc ràng khổng lồ đã quay sẵn ở sân kho để bảo vệ lùa lũ vịt "phạm pháp" vào đó. Các chủ vịt chạy theo van như tế sao. Riêng lão Khổ không thèm xin nửa câu. Lão được chiếu cố có tuổi tác, tha cho về còn lại cánh chủ vịt bị nhốt làm mồi cho muỗi.
Sáng hôm sau một nửa làng đến nhận vịt mỗi con vịt chịu phạt hai đồng và mỗi chú vịt phải nộp phạt 20 cân thóc. Thằng lùa vịt về ao, đếm đi đếm lại thiếu mất 17 con. Chúng tơi tả bẩn thỉu như vừa dính trận mưa đá cực lớn. Lão Khổ nén lòng đợi đến phiên chợ, nhờ người đem bán một chuyến. May cho lão vùng đồng ngoài không bị cấm nên lão bán được giá. Tính chi ly lão lỗ nửa tạ thóc và số tiền phạt.
Không còn ai chăn vịt, đội bảo vệ được phép giải tán. Chỉ còn lại mấy anh chuyên trách có nhiệm vụ cắm thêm biển "cấm đồng" và đề phòng vịt làng khác thả trộm. Thi thoảng có tiếng tù và vác rúc vào tầm giữa trưa. Đấy là sáng kiến của anh bảo vệ nào đó nhằm phân biệt vịt nhà với vịt trời. Nếu vịt trời, nghe tù và cả đàn sẽ nháo nhác bay lên. Mặc dù sau đó những con vịt không ai cấm, béo núng nính lại sà ngay xuống, nhưng anh bảo vệ chỉ cần biết đấy không phải là vịt nhà.
Sau mấy tháng chờ đợi, một hôm lão Khổ đọc trên báo thấy vấn đề lão thắc mắc. Lão nhìn cánh đồng trắng nước thở dài. Chẳng ai còn thấy những tấm biển cấm đồng đâu cả. Tuy thế lão cũng đọc gần thuộc lầu bài báo, nhất là câu cuối: "Chính việc làm của Bí thư Đảng uỷ và đội trưởng đội sản xuất số 9 mới là trận mưa đá huỷ hoại sản xuất nông nghiệp".
"Muộn quá!" Lão tiếc rẻ. Tuy vậy lão cũng thấy hả dạ được phần nào. Tiện qua chợ lão ghé mua đôi vịt. Lão nghiến răng khi đếm tiền trả. Nghe lão kèo nhèo, mấy anh buôn vịt chuyên nghiệp trả lời bằng giọng tỉnh bơ:
- Tôi có bảo vịt năm nay rẻ đâu. Nhưng thưa bố, sắp tới cũng không có mà bán. Thiếu một đồng một hào, xin bố để vịt lại. Muốn rẻ thì chỉ có vịt trời, lên đấy mà mua. Năm nay ở vùng này chỉ được mùa vịt trời...

Xem Tiếp: ----