Bà Trần Thị Kim Thanh, nguyên là trưởng phòng tài vụ về nghỉ hưu, sống đơn thân trong ngôi nhà hai tầng ở bên kia đường, dẫy phố mang số chẵn. Nhà tôi ở bên này, số lẻ. Hai nhà nhìn sang nhau gần như đối diện, chỉ hơi chếch một chút. Sáng nào dậy ra sân tập thể dục nhìn sang, tôi cũng thấy bà ấy mặc chiếc áo ngủ kiểu Nhật, thân dài, hai ống tay rộng thùng thình, đang lúi húi quét mảnh sân con trước cửa, hay xách cái thùng sen nhỏ tưới mấy chậu cây cảnh
Tầm bẩy giờ sáng, dọn hàng xong, “bà xã” tôi đi chợ. Tôi ngồi uống nước và trông hàng, lại thấy bà ấy thướt tha trong bộ váy áo hở cổ, mầu hoa cà, gấu buông lất phất ngang ống chân, để lộ ra làn da trắng muốt như da thiếu nữ. Đầu đội chiếc mũ vải mầu đen, rộng vành, xách cái làn đi chợ. Khi bước ngang tầm cửa nhà tôi, hình như cái vành mũ ấy hơi nghiêng sang phía bên này một chút. Chẳng biết có phải bà ấy nhìn sang cửa nhà tôi không?..
Bà Kim Thanh rất thân với bà xã tôi. Ngày rằm, mồng một nào thấp hương xong, bà ấy cũng đem sang quả cau lá trầu, có hôm còn có cả quả cam hay táo nữa: “Chị ơi! Lộc của chị đây!”.
“Thần nào hưởng của nấy”. Bà xã tôi rất thích ăn trầu. Bảo để chống sâu răng. Vẫn mua đấy. Nhưng được cho thì ai mà chả thích. Nét mặt tươi cười, rạng rỡ, bà xã tôi đưa cả hai tay ra nhận quà: “Cho chị xin! Em ngồi xuống đây!”. Rồi cả buổi hai người rì rầm chuyện gẫu. Với cái giọng mềm, trong vắt như nước suối, và mượt như nhung, không bao giờ bà Kim Thanh nói to, kể cả lúc cười.
Cũng có lần sang gặp tôi. Đôi mắt bà ấy sáng lên, vẻ mặt tươi cười, làn môi đỏ thắm như có tô một chút son hồng Hàn Quốc. Hai hàng mi cong chớp chớp: “Chào bác! Chị em đâu mà bác lại phải trông hàng?”. “Ơ.. hay nhỉ! Chồng là “bác”, vợ lại là “chị”! Đang mải nghĩ về cái sự vênh váo ấy, tôi im lặng đến mấy giây. Rồi lại thêm mấy giây nữa để chọn từ. Vì cái tương quan tuổi tác giữa tôi với bà ấy. Thì các đại từ nhân xưng như: Bà, thím, chị, cô, hoặc em tôi dùng cũng đều được cả. Song, tôi đã chọn một cặp đại từ nhấn xưng kép: “Bà em”. “Mời bà em vào trong này! Bà xã tôi đang dở tay ở dưới nhà”. Vừa mời, tôi vừa hí hửng mừng thầm. Chắc mẩm đây là cơ hội trời cho để mình được tiếp xúc riêng với bà ấy đây! Nhưng không ngờ, vừa mời xong, quay vào thì đã thấy bà xã tôi lù lù hiện ra như có phép mầu. Thế là cái cơ hội “nghìn năm” bỗng dưng tuột mất!..
Từ lâu rồi, tôi vẫn biết bà xã tôi vẫn luôn luôn cảnh giác. Vì hiểu cái thói tham lam, chuộng lạ của bọn đàn ông, vừa biết rất rõ hoàn cảnh cô đơn của bạn mình. Cho nên chẳng bao giờ bà ấy để cho “đống rơm” và “ngọn lửa” được ở gần nhau. Mà lúc nào bà ấy cũng là bức tường, là con sông, là trái núi cách ngăn…
Còn bà Kim Thanh? Chẳng biết bà ấy có nghĩ gì đến gã đàn ông hàng xóm là tôi đây không? Nhưng với sự nhậy bén bẩm sinh của nữ giới về tình cảm. Tôi tin chắc bà ấy hiểu nỗi lo âu thường trực của bà xã tôi. Cho nên chưa bao giờ bà ấy có ý, hay có nhưng không để lộ ra là muốn tiếp xúc với riêng tôi.
Còn tôi? Mỗi khi nhìn sang bên kia đường, thấy bóng hồng thấp thoáng, thì con tim lại thình thịch đập rộn lên, xao xuyến, ngẩn ngơ… Nhưng mình đã thành ra “giai lão” mất rồi! Và là “cựu binh” đã hưu chiến, đã bị loại ra khỏi tình trường rồi! Tuy cái máu lãng du của kẻ mày râu đôi lúc cũng muốn vùng lên. Nhưng lại nhát gan, sợ con mắt của người đời. Nên cũng chưa bao giờ giám vượt qua mười tám mét mặt đường, sang dẫy phố bên kia thăm chủ nhân của ngôi nhà hai tầng.
Con người này kể cũng lạ, đã trải qua hơn năm mươi mùa xuân, đã nếm dủ cả ngọt bùi và cay đắng, đã có cháu gọi bằng bà rồi. Thế mà má vẫn đầy, da vẫn căng, ngực vẫn cao, hông vẫn nở và eo vẫn thắt. Rồi cả tóc nữa, mái tóc bà ấy vẫn xanh rưng rức như thời con gái. Chỉ những lúc bà ấy cười, nhìn gần mới thấy những vết chân chim mờ mờ hiện lên ở đuôi con mắt.
Nghe đâu ông chồng yêu quý của bà ấy, xuất ngoại đã hơn hai mươi năm nay, nhưng chỉ có mỗi một lần về thăm nhà. Kể cũng là một chuyện lạ. “Duyển liên cư. Điền liên canh” Ruộng mà không gieo trồng thì thành ra bãi hoang. Tình mà chẳng ở, thì thành ra khổ đau, thù hận, và có thể còn thành ra nhiều điều tai hại khác nữa. Đất nước đã thanh bình rồi. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Mà ông ấy cũng chẳng phải là kẻ “chinh phu”. Thế mà: “Hướng dương lòng thiếp như hoa…”. Bà ấy vẫn phải sống những tháng năm mong mỏi, đợi chờ dài dằng dặc như người “chinh phụ”!
Có lẽ vì hoàn cảnh phải chờ chồng, nên người vợ trẻ ấy muốn thời gian  chậm lại, để mình không già đi cho đến lúc chồng về chăng? Nếu đúng như vậy, thì người vợ ấy đã thành công rồi. Vì giờ đây bà ấy vẫn trẻ trung, vẫn hấp dẫn, và vẫn có thể thổi bùng lên ngọn lửa dục tình trong cánh mày râu, kể cả thanh niên, trung niên, và cả loại đã bước sang buổi xế chiều rồi mà vẫn còn…

*

Từ ngày còn là cô nữ sinh cấp ba trường huyện. Kim Thanh đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, lại có giọng hát hay nữa. Đi hội diễn văn nghệ huyện, lần nào cô cũng được giấy khen. Đoàn văn công tỉnh biết tiếng cho người về tuyển. Kim Thanh thích lắm, nhưng gia đình không đồng ý. Ở lại trường, tài sắc của cô vẫn ngày càng rực rỡ, khiến nhiều chàng trai ấp ủ ước mơ, yêu vụng nhớ thầm. Anh nào cũng hy vọng mình sẽ được lọt vào cập “mắt xanh” ấy. Và để đạt được mục đích, anh nào cũng cố gắng vươn lên. Vô hình chung, lớp học có một cuộc thi đua thầm lặng, đẩy hiệu quả học tập lên rất cao. Song cái gì mà chẳng có hai mặt. Có cái tốt, nhưng cũng có cả cái xấu. Những “con sóng ngầm” ở trong lớp Kim Thanh chẳng bao lâu đã đến hồi kịch phát. Họ va vào nhau, cãi cọ, bới xấu, thậm chí cả đánh đấm nhau nữa. Vì ghen tuông, tức tối. Khiến Ban giám hiệu phải bận tâm đứng ra dàn xếp, xử lí…
Trong suốt mười hai năm học phổ thông, thì mười một năm Kim Thanh đạt danh hiệu học sinh giỏi, hoặc tiên tiến. Nhưng đến năm cuối cùng, thì chẳng còn danh hiệu gì. Vì trái tim non trẻ ấy đã thổn thức, cô đã bắt đầu yêu, và đã hưởng thụ cái cảm giác run rẩy, cuống quýt đến ngạt thở khi đón nhận nụ hôn nóng bỏng đầu tiên của đời mình. Do đó mà học hành có phần giảm sút.
Nhưng tất cả những cái đó cũng chỉ là thử nghiệm, là những bước đi chập chững đầu tiên, rồi chẳng bao lâu đã trở thành quá khứ, thành kỉ niệm. Và cho dù cái quá khứ ấy có sai lầm, vụng dại, thì đó cũng vẫn là những tháng năm đẹp đẽ nhất của mỗi đời người.
Kim Thanh thi vào trường Đại học Kinh tế – Tài chính. Những ngày đầu tiên mới vào học, cô đã làm cho cả cánh rừng Yên Thiết, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nơi nhà trường sơ tán) phải xôn xao bàn tán. Cô nhanh chóng được dư luận xếp vào hàng “hoa khôi” và là “cây văn nghệ” của nhà trường. Thời gian ấy, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang quyết liệt. Rất nhiều học sinh, sinh viên đã hăng hái xếp bút nghiên, từ giã học đường, từ giã quê hương lên đường ra trận. Nhưng đêm đêm vẫn không thiếu những chàng trai tươi trẻ, yêu đời dấn bước đi trong rừng cọ, đến lán các nữ sinh…
Nhưng rút kinh nghiệm ngày còn học phổ thông, Kim Thanh cương quyết khóa kín lòng mình, không yêu ai. Cô muốn dành tất cả tinh thần, nghị lực và thời gian của mình cho việc học hành, để bốn năm sau, cô sẽ được nhận tấm bằng đại học “loại ưu”. Rồi vào một cơ quan, xí nghiệp nào đó để dựng xây, để cống hiến. Cho bõ công đèn sách của bản thân, và bõ công nuôi dậy của cha mẹ và các thầy cô.
Nhưng đúng là chẳng ai có thể biết trước được điều gì. Khi bước sang năm học thứ ba thì đời sống tình cảm của Kim Thánh không còn phẳng lặng như những năm trước nữa. Và nguyên nhân của sự không bình thường đó, là do Trường Cao đẳng Mỹ thuật chuyển địa điểm sơ tán, từ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú mà sinh ra…
Hôm ấy là ngày chủ nhật. Suốt cả mấy tuần liền trời mưa dầm dề, rả rích y như mưa ngâu. Người ta bảo nước mưa là nước mắt của vợ chồng Ngâu. Vì cả năm, ba trăm sáu mươi lăm ngày, chỉ có một lần họ được gặp nhau: “Vào mồng ba, ra mồng bẩy…”. Ôi chao! Nước mắt ở đâu sinh ra mà nhiều thế? Nhà cửa, núi đồi, đồng ruộng, cỏ cây, đường sá đâu đâu cũng ướt sũng nước. Thò chân ra ngoài cửa là nước và lép nhép bùn lầy. Quần áo thay ra không giặt được, hôi mù. Vì không có chỗ phơi. Bỗng nhiên hôm ấy trời quang, mưa tạnh, ánh sáng bừng lên. Ăn sáng xong, Kim Thanh rủ Thúy, cô bạn thân nhất của mình cùng xuống giếng giặt quần áo.
Ở trong rừng, vùng trung du mà cũng phải đến hơn bẩy giờ sáng, mới thấy ánh nắng lọt qua kẽ lá rơi xuống mặt đường lốm đốm như vẩy vàng, vẩy bạc. Đang giặt, bỗng Thúy nhìn lên sườn đồi thốt lên: “Ơ..ở trên kia có tay họa sĩ đang vẽ mày ạ! Không chừng lão vẽ bọn mình đấy!”? Kim Thanh cũng ngước lên. Dưới gốc một cây cọ già, có người đàn ông đội mũ tai bèo, đang cắm cúi bên giá vẽ. Cô bảo bạn: “Phong cành ở đây đẹp thế này, thiếu gì cái vẽ. Có điên thì lão mới vẽ hai con bé đang giặt!”. Thúy buông ngay một cáu: “Biết đâu đấy! Tây Thi cũng chỉ là con bé giặt lụa ở khe Nhược Gia mà thành nhân vật bất tử trong tiểu thuyết đấy. Biết đâu tao với mày lại chẳng thành người đẹp trong tranh của nhà danh họa kia! Hí!..Hí!..”. Không ngờ câu nói vui ấy lại kích thích tính tò mò của Kim Thánh. Cô bảo: “Giặt xong, chúng mình lên xem đi!”.
Hai người leo lên đồi. Vừa đi họ vừa bứt lá me rừng đưa lên miệng nhấm. Biết họ lên chỗ mình, nhưng có vẻ không tự nhiên, họa sĩ Vũ Sơn chủ động mời:
- Chào hai em! Rất cảm ơn nữa. Nhờ có hai em mà anh vẽ được bức tranh này. Mời hai em lên xem. Được lời mời, hai cô càng thêm mạnh dạn:
- Vâng! Chúng em chào anh. Bọn em cũng rất thích hội họa đấy!
Cặp lông mày to, đen, rậm rạp của Vũ Sơn dướn lên, hai mắt mở to sửng sốt nhìn. Anh không ngờ bỗng dưng mình lại được gặp người đẹp đến thế. Và tâm trí anh bốc lên như một kẻ nhập đồng:
- Thế em có thích họa sĩ không?
- Tất nhiên là có. Nếu đẹp trai và..và…Kim Thanh không nói nữa. Mặt đỏ bừng lên.
- Và phải có tài nữa. Có đúng không? Vũ Sơn nói. Rồi cả ba người cùng cười rộ lên.
Hai cô gái đứng trước giá vẽ xem tranh. Trong tranh, cận cảnh là hai cây cọ già, mọc gần sát nhau, thân cây mốc meo, nứt nẻ. Một cây đứng sừng sững như cây cột đèn. Còn cây kia, chắc bị gió bão xô đổ, thân nằm nghiêng, ngọn ngóc lên, rủ bóng xuống một cái giếng kè đá ong khá lớn. Trên sân giêng, ngồi bên chậu giặt là một cô gái mặc áo hoa, có mái tóc, tuy chỉ vài nét phác thảo, nhưng đã rõ là mái tóc uốn, sấy kiểu người thành thị. Tay áo xắn cao, đang vò quần áo. Dưới giếng. Nhân vật thứ hai là một cô thôn nữ, áo nâu, quần đen, đang gánh nước. Quần xắn đến đầu gối. Cặp chân thon trắng muốt, đang nhún chân bước từ bậc tam cấp dưới lên bậc trển.Xô nước đầy sóng sánh, tràn xuống bậc đá loáng ướt.
Viễn cảnh là núi đồi và đồng ruộng đan xen nhau trùng điệp, mênh mông xanh mướt trên bờ một con sông, chạy mãi về cuối trời xa tít mù tắp.
- Cảnh đẹp quá! Nhưng sao mặt người lại không có mắt mũi gì hả anh? Kim Thanh hỏi.
- Đây là kí họa. Chi tiết anh sẽ vẽ sau em ạ.
Tuy nói vậy, nhưng thêm một lần nữa, vừa nhìn vào cặp mắt lấp lánh ánh hào quang của Kim Thanh, anh họa sĩ trẻ đã hiểu ngay rằng mình phải chớp lấy thời cơ này, phải ghi lấy những đường nét thanh tú trên gương mặt khả ái kia. Vũ Sơn ghim giấy lên giá vẽ, cầm bút định pha mầu, nhưng lại bỏ xuống. Anh vội vàng bẻ những cành lá sim, lá mái rải xuống gốc cây: “Hai em ngồi xuống đây. Và vui lòng cho anh được hân hạnh vẽ chân dung hai em nhé?”.
Rồi từ đấy, tối thứ bẩy chủ nhật nào Vũ Sơn cũng có mặt ở kí túc xá nữ sinh trường Đại học Kinh tế – Tài chính thăm Kim Thanh. Và họ đã có với nhau ngững đêm trăng thanh gió mát, hai đứa nắm tay nhau sóng bước, trên những con đường sỏi đỏ, quanh co uốn lượn dưới chân đồi cọ. Họ đã nói với nhau đủ thứ chuyện, từ kinh tế đến nghệ thuật. Rồi chuyện gia đình, quê hương gốc rễ. Chuyện quá khứ, hiện tại, và cả những mơ ước về tương lai…Rồi tình yêu như men rượu say. Họ xiết chặt lấy nhau và trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy đầu tiên của cuộc tình.
Năm ấy là năm thứ năm, Trường Mỹ thuật mãn khóa. Các sinh viên tản đi khắp nơi tìm đề tài vẽ tranh tốt nghiệp. Vũ Sơn không đi. Anh bàn với người yêu, và Kim Thanh rất vui lòng làm người mẫu cho anh vẽ, vào những buổi cô nghỉ học.
Họa sĩ Vũ Sơn tốt nghiệp vào loại xuất sắc. Ra trường, anh được phân bổ về Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh công tác. Ngoài vẽ tranh, áp phích tuyên truyền, cổ động cho cơ quan, anh còn vẽ sáng tác, và thường xuyên có tranh gửi đi tham gia triển lãm.
Năm sau, Kim Thanh thi tốt nghiệp. Quả nhiên cô đỗ “loại ưu”, rồi về Nhà máy điện làm nhân viên phòng kế toán, Và hai người làm đám cưới.
Khoảng ba năm sau, do luôn có tranh được Ban tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực Sông Hồng, và triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tuyển chọn trưng bày. Nên Vũ Sơn được giới mỹ thuật đánh giá là một họa sĩ trẻ có nhiều triển vọng. Kim Thanh thấy chồng mình được chú ý, và có chút tiếng tăm cũng rất sung sướng, hãnh diện. Nhất là trong sự thành công ấy lại có sự đóng góp của cô, trong vai một người mẫu xuất sắc.
Sau đó chẳng bao lâu, một tin vui nữa quá lớn và quá bất ngờ lại đến với vợ chồng Sơn – Thanh: Hội Mỹ thuật chọn anh và vài họa sĩ nữa đi Liên Xô giao lưu đối ngoại và tu nghiệp một thời gian. Việc đi nước ngoài thời gian ấy còn là sự kiện đặc biệt quan trọng. Người được đi, ngoài khả năng có thể thực hiện được mục đích của chuyến đi, còn phải có lý lịch trong sạch. Mà quan niệm trong sạch lúc bấy giờ có nghĩa là đương sự phải thuộc thành phần cơ bản: (Công nhân, bần, cố, trung nông, và tiểu tư sản nghèo), không có liên quan đến bọn Phong kiến – Đế quốc áp bức bóc lột. Cho nên ai được đi ra nước ngoài, mặc nhiên còn được thêm cái vinh dự là người được Đảng và Nhà nước tin cậy, quý mến nữa.
Vũ Sơn hiểu mình được cái vinh dự lớn lao đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn nhờ cả tấm bằng “Tổ quộc ghi công” của gia đình mình nữa (ông thân sinh anh là đại đội trưởng, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp). Nên anh rất biết ơn gia đình, và rất tự hào về người cha đã khuất ấy.
Thời gian ấy Kim Thanh mới sinh con đầu lòng. Đứa bé chưa đầy một tuổi. Tuy đã phải đi nhà trẻ, nhưng nó còn non nớt quá. Sơn rất lo cho con, và thương vợ phải nuôi con một mình sẽ vô cùng vất vả. Kim Thanh cũng hiểu như vậy, nhưng vì sự nghiệp của chồng, cô sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan vất vả.
Đến Máscova Vũ Sơn gửi thư về: “Sức khỏe của anh rất tốt. Hội ban thông báo, bọn anh sẽ được đi thăm một số nước trong Liên bang Xô Viết. Chương trình làm việc rất sít sao và không ở đâu lâu, nên không có địa chỉ cố định. (Lúc bấy giờ ta chưa có dịch vụ vô tuyến viễn thông). Em cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe để làm việc và nuôi con, không phải lo lắng gì cho anh cả. Hết ba tháng anh sẽ bay về với mẹ con em ngay. Anh rất nhớ mẹ con em. Hôn em và con thật nhiều”.
Thế rồi ba tháng mong mỏi, đợi chò, vừa nhanh vừa chậm cũng qua đi mà chẳng thấy chồng về, Kim Thanh lo lắng, hốt hoảng đi hỏi cơ quan Văn hóa – Thông tin, hỏi Hội Mỹ thuật, rồi đến nhà  mấy họa sĩ cùng đi với chồng mình hỏi tin tức. Họ bảo: “Vũ Sơn không về. Nó trốn lại rồi!”. Trời đất ơi! Vì sao lại thế? Chẳng lẽ anh ấy bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả quê hương đất nước mình ư? Vì cái gì? Vì nhà mình nghèo. Vì nước mình nghèo ư? Anh Sơn ơi! Sao anh lại bỏ mẹ con em? Kim Thanh đổ vật xuống bàn, nức nở khóc!…
Khi về, sợ xấu hổ, Kim Thanh không dám hé răng cho ai biết, chỉ một mình cắn răng chịu đựng, và âm thầm khóc đứng khóc ngồi. Thế mà chẳng hiểu sao lãnh đạo Nhà máy và mấy chị ở phong kế toán cũng biết. Họ đến an ủi, động viên Kim Thanh cố gắng vượt qua khó khăn để công tác và nuôi con. “Chắc thế nào rồi anh ấy cũng về”. Vâng. Kim Thanh cũng nghĩ và tin như vậy. Chắc anh ấy thấy đất nước người ta giầu có, dễ làm ăn. Nhà mình thì quá nghẻo, bản thân anh ấy đã phải ăn khoai, ăn sắn để đi học. Nên anh ấy ở lại làm ăn một thời gian rồi sẽ về.
Thế là ở cái nơi có hàng vạn người vợ trẻ đã phải căng mình ra để chờ chồng vì chiến tranh, thì giờ đây lại thêm một người nữa phải chờ chồng vì nghèo khổ!..
Rồi thời gian thấm thoắt trôi đi. Một năm. Hai năm. Ba năm. Rồi bốn năm. Một nghìn bốn trăm sáu mươi lăm ngày. Đêm mong, ngày ngóng. Nhưng càng mong càng bặt tăm, biệt tích. Và thời gian trôi đi càng nhiều bao nhiêu, thì niềm tin vào ngày chồng về càng ít đi bấy nhiêu. Rồi đến lúc buộc lòng Kim Thanh cũng phải tin rằng, chồng mình đã bị: “Một con mắt xanh, tóc vàng” nào đó bắt mất hồn vía rồi!
Nhưng thật không ngờ, giữa lúc Kim Thanh tuyệt vọng nhất thì Vũ Sơn về. Năm ấy, đứa con gái đầu lòng của họ vừa tròn năm tuổi. Bốn năm hôm đầu, con bé không chịu gọi Vú Sơn là bố, mà chi gọi là “chú Sơn” thôi.
Sơn về bằng đường bộ. Đi tầu hỏa liên vận qua Trung Quốc, nên đem được khá nhiều “quà” cho mẹ con Kim Thanh. Từ con búp bê váy đỏ, tóc vàng, mắt xanh, mi cong chớp chớp. Đến con lật đật đỏ au, tròn xoe, mũm mĩm. Chỉ khẽ chạm tay vào, nó cũng lắc lư, nghiêng ngả, và phát ra những tiếng “binh boong”, nghe xa lắc xa lơ, y như tiếng chuông nhà thờ ở Điện Cremli vây. Rồi từ bánh xà phòng giặt, đến chiếc bàn là điện, siêu điện, nồi áp suất, quạt tai voi, đồng hồ bàn, đồng hồ đeo tay nam nữ. Áo váy, áo khoác, mũ trùm đầu, khăn tay, khăn mặt. Cả những thứ đắt tiền, ở trong nước rất khan hiếm như đài bán dẫn, tủ lạnh Sơn cũng đem về. Và những hàng hóa đó, mỗi thứ không chỉ có đơn chiếc, mà có vài ba đôi. Ngoài hàng ra, còn một số tiền mặt nữa. Tuy không nhiều, nhưng tất cả những thứ đó, nếu ở trong nước, dù có nằm mơ cũng không thể thấy được.
Đêm hôm ấy, đêm đầu tiên sau bốn năm xa cách, họ vội vàng cuống quýt quấn lấy nhau, như kẻ sắp chết khát ở sa mạc, bỗng dưng vớ được dòng nước mát. Kim Thanh chờ đến lúc nhịp thở của chồng đã bình thường trở lại, mới thì thầm cật vấn: “Người ta bảo triết gia đi tìm chân lý, người tu hành đi tìm cái thiện, nghệ sĩ đi tìm cái đẹp. Anh đã ăn ở với con nào ở bên ấy rồi phải không?”. Bằng cái giọng trầm ấm quen thuộc, Vũ Sơn nói chắc như đinh đóng cột: “Không! Anh chỉ yêu và lấy một mình em thôi. Chứ chẳng có em mắt xanh, mũi tẹt nào cả. Còn cái chuyện ba lăng nhăng ở đất nước người ta thì là chuyện bình thường. Và cái đó, anh xin thú thực là có”.
Vũ Sơn ở nhà vừa đúng một tháng rồi anh lại đi. Kim Thanh giữ không muốn cho chồng đi. Nhưng anh bảo ở lại, không những anh đã mất chỗ làm rồi, mà rất có thể còn bị lôi thôi nữa. Vả chăng cái tiếng là kẻ “đảo ngũ”, trốn bỏ Tổ quốc mình đã phải chịu rồi, thì tội gì mà chẳng đi tiếp. Sang bên ấy thu hồi nợ nần và kiếm thêm chút ít nữa rồi anh sẽ về với mẹ con em ngay. Vừa tin chồng, vừa sợ chồng sẽ bị người ta làm khó dễ. Mặt khác, cũng còn vì những gì Vũ Sơn đem về cũng không phải là nhỏ, nên cuối cùng Kim Thanh lại bằng lòng để chồng đi.
Rồi từ đấy lại bặt tăm. Trong lúc ở nhà Kim Thanh lại có bầu. Kết quả của những ngày Vũ Sơn về thăm nhà. Rồi đứa con thứ hai ra đời. Và một lần nữa, Kim Thanh lại phải nuôi con một mình, với biết bao gian nan vất vả. Nào khi con ốm, lúc mẹ đau. Khi tiền không, gạo hết, nợ đòi… Những thứ chồng đem về, Kim Thanh đã phải bán dần bán mòn đi hết. Ấy là còn có sự giúp đỡ của gia đình, của cơ quan và bè bạn, nếu không thì chắc cô không thể đứng vững được.
Nhưng, như người ta bảo: “Sông có khúc, người có lúc”. Sông có khúc thẳng khúc quanh. Người cũng có lúc khổ lúc sướng. Những khó khăn vất vả của Kim Thanh rồi dần dần cũng qua đi cùng năm tháng. “Nợ mòn con lớn”. Các cháu lớn khôn và được học hành đến nơi đến chốn. Và bà Kim Thanh còn xây được nhà cửa khang trang, chẳng kém gì những gia đình khác.
°
 Thế rồi, thế giới đang bình yên phẳng lặng, bỗng dưng khối Liên bang Xô Viết và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Những người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống ở các nước đó tấp nập về nước. Bà Kim Thanh hi vọng Vũ Sơn chắc cũng trở về. Nhưng thật đáng buồn là không! Họa sĩ Vũ Sơn không về. Anh đã lấy một cô họa sĩ người Nga giầu có, con một vị thứ Bộ trưởng gì đó. Họ đã có một đứa con gái và một đứa con gái riêng của vợ. Và Vũ Sơn đã nhập quốc tịch Nga rồi!.
Ai cũng biết: Chuyện từ trong nhà ra ngoài ngõ đã khác. Mà đây là chuyện cách xa hàng vạn dặm, thì độ tin cậy còn được bao nhiêu? Nhưng chỉ căn cứ vào thời gian gần hai mươi năm bặt tin, không thư giấy ngó ngàng gì đến vợ con, thì cũng thừa bằng chứng để khẳng định rằng, con người nhẫn tâm và bội bạc ấy đã từ bỏ vợ con và quê hương đất nước rồi.
Song, cho dù thế nào thì giờ đây bà Kim Thanh cũng chẳng bận tâm làm gì nữa. Hơn hai mươi năm đi lấy chồng, thời gian được ở với chồng, cả hai lần cộng lại, cũng chỉ có ba năm, hai tháng, sáu ngày. Còn lại những tháng năm dài dằng dặc kia, chỉ toàn là những ngóng trông, những chờ đợi, những khổ đau và nước mắt. Hai lần sinh, nhưng nuôi con cũng chỉ một mình. Mình ngồi không có ai đứng. Mình đứng chẳng có ai ngồi. Thì giờ đây, khi đời bà đã bước sang bên kia dốc rồi, bà còn cần gì ở con người ấy nữa. Mà trái lại, thời gian trôi đi càng xa bao nhiêu, thì lòng thù hận của bà với con người phụ bạc ấy càng tăng lên bấy nhiêu!
°
Một hôm bà Kim Thanh sang đưa cho bà xã tôi chùm chìa khóa, bảo:
- Nếu chiều tối em không về, nhờ chị sang cho con chó ăn hộ em với.
- Thế em đi đâu mà tối không về?
- Con Tuyết nhà em vừa gọi điện, bảo lên bệnh viện đẻ – Lặng im vài giây, rồi bà ấy nói tiếp – Này chị ơi! Cái thằng chồng đểu của em vừa dẫn xác về đấy. Giữa lúc em đang chuẩn bị lên viện với cháu. Thấy tiêng cạch cạch gõ cổng, đang ở trên gác, em ra sân thượng nhìn xuống, thấy một ông già hom hem, mặt mũi hốc hác, râu ria xồm xoàm, tóc xõa ngang vai. Em hỏi: “Bác có việc gì đấy ạ?”. “Ơ…tôi đây! Sơn đây mà, mình không nhận ra tôi ư?”. À thì ra…Ruột gan em như sôi lên. Em nhìn kĩ bộ râu quai nón, mái tóc quăn tự nhiên và giọng nói em mới nhân ra lão. Thế là chẳng biết vì đâu? Thực tình lúc ấy em không chủ định, mà cũng chẳng kịp nghĩ ngợi gì, tự nhiên lời tiếng của mình cứ bật ra: “Không, ông nhầm lẫn thế nào ấy chứ, tôi có quen biết ai tên là Sơn đâu?”. Lão bảo: “Không! Tôi không nhầm và cả bà nữa, bà cũng không nhầm. Nhưng tôi…tôi…hiểu!..”. Em quay vào trong nhà, đóng xầm cửa lại, ruột gan, đầu óc cứ rối tung lên, đang làm việc nọ lại xọ ra việc kia. Một lúc sau em nhìn ra cửa sổ không thấy lão đâu nữa. Lão đi rồi em mới định thần trở lại, chuẩn bị mấy thứ đem đi cho cháu. Thôi chị ở nhà. Em đi đây!
- Ừ em đi. Chúc em được mọi sự tốt lành!
Bốn hôm sau bà Kim Thanh mới về lấy chìa khóa. Bà xã tôi hỏi thăm:
- Trai hay gái? Mẹ con nó có khỏe không?
- Cảm ơn chị. Cháu trai. Mẹ con cháu khỏe – Ngừng lời giây lát rôi bà Kim Thanh nói tiếp – Chị ơi! Em lại có chuyện đây! Chẳng biết hư thực thế nào mà em cứ lo lo. Ở bệnh viên người ta đang xôn xao là có một ông già vào nhà hàng uống rượu, say đến nỗi đổ gục xuống bàn chết ngất. Nhà hàng họ gọi xe đưa đi cấp cứu, nhưng không cứu được. Ông ấy chết ngay đêm hôm ấy. Ở bệnh viện, bệnh nhân chết là chuyện bình thường. Vì có phải bệnh nào cũng đều chữa được cả đâu. Nên thấy chuyện như vậy em không để ý. Nhưng sáng nay đi thanh toán viện phí cho cháu, ngồi chờ, lại thấy người ta nói về ông già chết hôm nọ. Ông ấy có bệnh huyết áp, nhưng không giữ gìn, uống quá nhiều rượu, nên bị đứt mạch máu não chết. Người ta bảo ông ấy chẳng có giấy tờ gì. Và cũng không có thân nhân đến nhận. Bệnh viên để ba hôm rồi cho đem đi mai táng. Em cứ lo lo. Người có bệnh huyết áp thì phải kiêng rượu. Đằng này lại uống quá nhiều. Như vậy có phải là người chán đời, phẫn chí không? Hay…cái ông già ấy lại chính là lão chồng khốn khổ của em? Nếu đúng như vậy, thì em là cái số giời đày rồi chị ạ! Bây giờ em về qua nhà một tí, rồi lên công an hỏi xem thực hư ra sao đây!
- Ừ, em về đi! Nếu đúng là có số mệnh, thì mình là người hiền, chắc sẽ gặp sự lành. Em đừng lo.
Tuy an ủi bạn như vậy. Nhưng bà xã tôi có vẻ không vui. Có thể trong tâm trí bà ấy cũng tin ông già kìa là chồng bạn mình đến sáu bẩy phần rồi.
Quả nhiên, ông già xấu số ấy đúng là họa sĩ Vũ Sơn, chồng bà Trần Thị Kim Thanh, nguyên trưởng phòng tài vụ. Tên đầy đủ của ông ấy là Vũ Đình Sơn, một họa sĩ có tài, đã được giới mĩ thuật đánh giá là có nhiều triển vọng. Nhưng không ngờ cuộc đời và sự nghiệp lại kết thúc đáng buồn như vậy!
Mấy hôm sau, bà Kim Thanh đem tấm ảnh cũ, đã ố vàng, chụp ông bà và bé Tuyết, năm ông về thăm nhà đi phóng một tấm riêng ông ấy để làm ảnh thờ. Hôm bà Kim Thanh làm lễ đặt bát nhang, gia đình chúng tôi và bà con xóm láng, ai biết tin cũng đến chia buồn và làm lễ viếng. Bà Kim Thanh rất xúc động, cảm ơn bà con: “Em đã định chẳng bày vẽ ra làm gì. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy không đành lòng. Vì một ngày là nghĩa. Vả lại, dù sao ông ấy cũng là cha của hai đứa con em. Em cúng ông ấy để các con em thấy chúng cũng có bố, dù không có lúc sống thì cũng có lúc chết”.
°
  Buổi lễ thắp hương chia buồn với bà hàng xóm kết thúc. Bước xuống mảnh sân con (nơi mỗi buổi sáng nữ chủ nhân vẫn ra quét dọn và tưới cây), Tôi dừng lại xem mấy chậu cây cảnh và nói với chủ nhân:
- Chậu sứ này phải chuyển ra ngoài kia, bà em ạ! Giống sứ nếu thiếu nắng không có hoa đâu. Chậu xanh kia, nếu không còn chỗ chuyển, thì xoay chậu, để mãi một hướng, phía áp tường thiếu nắng, cành bị lép. Nhiều cây đáng lẽ phải cắt tỉa từ lâu rồi. Nghệ thuật bon sai chủ yếu là cắt. Để phát triển tự nhiên sẽ hỏng dáng thế.
- Trông thấy hay hay thì em mua, chứ em có biết cắt tỉa gì đâu. Em chỉ biết tưới thôi. Trước cảnh đơn côi của bạn, chắc bà xã tôi mủi lòng, nên bảo tôi: “Hay…hôm nào ông sang giúp bà ấy một tay?”
Ôi chao! Có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ được nghe câu nói nào hay đến thế! Được lời như cởi tấm lòng. Tôi liếc nhanh vào mắt “mỹ nhân” như thầm gửi cho nàng  thông điệp rằng: “Anh rất sẵn sàng!”. Tôi mừng như mở cờ trong bụng, như “chú khách” bỗng dưng lại vớ được vàng. Vì cái cơ hội “nghìn năm” tưởng đã mất mà lại còn!..
Quảng Ninh, tháng 8 – 2008
Tháng 9 - 2010

Xem Tiếp: ----