Nếu như có người hỏi tôi: ai là người mà bạn ngưỡng mộ nhất?. Tôi sẽ chẳng ngần ngại để trả lời đó là ba với mạ của tôi. Câu trả lời giống như một cô bé đang còn học lớp mẫu giáo có phải không?. Đúng như thế mỗi khi tôi nhắc về hai đấng thân sinh,thì tôi cứ muốn mình được bé bỏng trở lại trong những cảm xúc dạt dào của cả một thời tôi khôn lớn trên quê hương thương yêu, dưới mái nhà rộn rã tiếng cười thật đầm ấm bên ba mạ và các anh chị em của tôi.
...
Khi tôi bắt đầu có trí khôn, thì với ánh mắt thơ ngây, tôi nhìn thấy ba tôi là một người đàn ông rất vĩ đại. Thuở đó người mù chữ rất nhiều mà ba tôi đã lấy được mảnh bằng trung học của tiếng Pháp. Dáng người dong dỏng, đẹp trai không thua gì tài tử màn ảnh. Con nhà khá giả và nhất là rất có hiếu với mẹ là bà nội của tôi. Lúc đó nhà ba đang mở cửa tiệm bán cơm. Bà nội tôi nghe biết ở xóm trên cầu ga xe lửa, có đứa con gái con nhà dòng dõi,nết na giỏi dang bếp núc, lại còn có nhan sắc rất xứng đôi với ba và nếu được cưới về thì sẽ về đây phụ dùm bà nội một tay trong việc quán xuyến cửa hàng.
Thế là ba vâng lời để đi cưới mạ về, nhìn bên ngoài thì rất hoàn mỹ gọi là xứng đôi vừa lứa. Nhưng khổ nổi về kiến thức hết sức chênh lệch vì mạ tôi chỉ mới học có lớp ba trường làng, thì ông ngoại mất. Bà ngoại tôi còn có cậu và dì nữa, nên mạ tôi bỏ học để lo phụ giúp cho bà ngoại trong việc trồng trọt hoa màu rồi mang ra chợ bán. Ông ngoại của tôi là một vị quan hiển hách trong triều đình của ông vua Khải Định, nghe đâu thuở nhỏ ông tôi thường đem mạ tôi vô cung trong Thành Nội để chơi với Hoàng Tử Bảo Đại. Một vị tiểu thư dòng tộc Tôn Thất nếu như ông ngoại còn sống, thì thứ con thường dân như ba tôi, chỉ là như con đỉa mà đeo chân hạc vàng thôi.
Của hồi môn mạ tôi mang về nhà chồng chỉ đúng có một cây kiềng vàng chạm khắc hình long phụng. Ông ngoại làm quan thanh liêm nhà cửa đơn sơ, nên khi ông mất của cải chẳng có gì để lại cho vợ con cả. Cũng may bà ngoại ngày xưa là thôn nữ nên quay trở lại với việc ruộng nương, cày cấy, trồng trọt để nuôi con cũng dễ quen tay và không mấy khó khăn.Ngày mạ tôi chuẩn bị về nhà chồng thì mới hay có anh cùng xóm để lòng mến thương mà không nói ra, mạ nói trước đó một ngày người đàn ông chờ mạ dưới bến sông khi mạ đi gánh nước, ông trao vội lá thư rồi hấp tấp bỏ đi với nét mặt rất đau khổ. Lá thư nói là sẽ đi tu và lời cay đắng chúc mạ tôi được hạnh phúc. Mạ sắp làm cô dâu nên rất sợ tai tiếng thị phi, vừa về tới nhà thì đốt ngay lá thư để quên đi cái cảm xúc thương tâm vừa chợt dấy lên trước tình yêu của một người.
Hôm sau mạ được ba đi cưới về rất đẹp lòng bà nội của tôi, nhưng mấy bà o thì ôi thôi vô cùng cay nghiệt, mạ tôi phải chịu đựng cái cảnh quần quật tối ngày vậy mà tiếng bấc tiếng chì cũng không tha. Mạ nói nghe riết cũng đâm ra lì luôn. Còn ba sau khi thành hôn cũng lo đi buôn bán hàng chuyến, thường mỗi lần đi cả tháng mới về. Vậy mà mạ tôi cứ năm một mà sanh như cây sai trái. Con cái ra đời được cái là đứa nào mặt mày cũng sáng sủa đẹp đẻ nên bà nội cưng lắm. Bà nội tôi ngày trước là cô đào hát bội, bà đẹp và hát hay nên được làm cô đào chính của gánh hát. Sống dưới ánh đèn màu với phong màn cảnh trí thơ mộng, nên bà cũng rất lãng mạn và rất yêu những vẽ đẹp trong thế gian. Đám cháu của bà càng lớn càng làm bà hãnh diện. Trong đó tôi giống bà nhất, dĩ nhiên là tôi được thương cưng phải biết.
Để kể về ba tôi, hồi nhỏ ông chứng kiến cảnh cắt cổ gà, con gà cái cổ còn lủng lẳng trên mình bỏ chạy với máu me tùm lum, ba tôi ổng chết xỉu cả tiếng đồng hồ. Rồi khi trưởng thành có lần trong một chuyến đi chơi, xe lửa ngừng lại bến ga giữa một đêm khuya để cho hành khách xuống nghỉ xả hơi đi tìm thức ăn, thức uống. Ba tôi với một người bạn tìm ra chỗ vắng để tiểu tiện, sau khi giải quyết xong, nhẹ nhỏm quay về thì bỗng thấy gần nơi đó có dáng của một cô con gái tóc xõa dài ngồi quay lưng như đang chờ ai. Tuổi thanh niên ham vui, ba tôi cùng người bạn rũ nhau đi tới làm quen. Dưới ánh trăng khuya vào tháng rằm nên rất sáng, ba tôi hỏi:
_ chờ ai mà sao không vô trong cả gió?
Người ngồi quay lưng vẫn yên lặng, ba tôi và người bạn làm gan đi ra trước mặt để nhìn vì theo sự suy nghỉ của hai người, mái tóc này, vóc dáng này thì chắc chắn đây là một người đẹp. Nhưng khi đứng đối diện, người đàn bà đang trong tư thế cúi gầm mặt bỗng ngước lên...thì hai người con trai vừa la làng vừa té chạy chút nữa thì đái dầm trong quần. Ba kể là cái gương mặt ngước lên đó không có chi hết, chỉ là một mặt phẳng trơn tru không có mắt, mũi miệng. Sau lần đó tinh thần ba bị xao động mạnh và mắc bệnh sợ hải hết một thời gian nhưng về sự thông minh thì không hề bị ảnh hưởng chi cả.
Tuy đã lập gia đình, bận việc buôn bán nhưng ba vẫn thích học. Ông học thêm tiếng Anh và khi mang vợ con vô Sài Gòn lập nghiệp. Ông gặp lại người anh kết nghĩa hiện giờ là một vị tướng trong quân đội. Biết ba tôi có nghề nhiếp ảnh nên đã giới thiệu đến làm việc trong bộ Nha tâm Lý với cấp bậc Hạ Sĩ Nhất. Ở nơi đây trong một khóa thi sinh ngữ để qua Mỹ học về cách huấn luyện mấy con chó dùng để thám thính trong quân đội đang cần. Ba tôi đứng hạng nhất, nhưng ông rất thương vợ con và không muốn xa nhà đi lâu như vậy. Ông xin được ở lại để thay thế cho người đứng thứ nhì là một vị sĩ quan ra đi thi hành nhiệm vụ.
Căn nhà ở Sài Gòn được bà nội bỏ tiền ra mua, là một căn nhà có gác gổ, cách trước mặt nhà về phía bên phải là một cái phong ten nước. Thuở đó nước chưa trực tiếp câu vô nhà, thế là từng thùng, từng chậu xếp hàng dài ra tới cuối xóm để tranh nhau hứng nước về xài. Kế bên nhà tôi có bà gánh nước mướn tên là Của, bà kể là sinh ra  quê  ở Cà Mau theo chồng vô Sài Gòn làm ăn, bà đứng thứ ba trong tên các người con là Tài, Lộc,Của, Quí, Hóa,Ngọc.Nghe đâu như chuyện cổ tích, từ khi bà ra khỏi nhà thì cửa nhà làm ăn không còn trù phú nữa, bị "của " đã đi đó mà.
Bà thường hát cải lương mỗi đêm khuya khi nơi cái phong ten đã không còn người chờ hứng nước nữa. Cửa nhà bà sát ngay đó, thế là coi như giang sơn một cõi, bà nhận lời gánh nước mướn cho nhà tôi với giá cả phải chăng. Con người hiền lành nhưng lại có tánh hay cầm nhầm đồ người khác. Mỗi đêm nhà tôi cứ để cửa mở cho bà gánh nước đổ vô mấy cái lu chứa. Nhà nhỏ, nên ba tôi phải ngủ trên cái bàn ăn được kéo sát vô với cái bàn học của con cái mới đủ cho chiều dài để ba tôi duỗi chân thoải mái. Đêm nào ba tôi cũng thấy qua ánh đèn lờ mờ, bà Của hay lấy chén, đọi, muổng đũa rồi bỏ nhẹ vô cái thùng vừa đổ nước xong.
Thấy thế ba tôi giã vờ ngáy to ra đều ngủ say để cho bà thấy yên tâm là không bị phát hiện. Ba nói của đi không đáng gì,để người ta xấu hổ tội lắm. Thời gian sau khi quân đội đồng minh đến giúp cho Việt Nam, thì vốn liếng sinh ngữ của ba đã đưa ba tới những nơi thích hợp hơn rồi ba đã được giãi ngủ sau đó. Gia đình tôi bắt đầu khá giả, ba vẫn không quên những người bạn lúc cơ hàn, ngày tết tôi và người anh đầu thường mang quà đi biếu và luôn kèm theo phong thư tiền dày cộm để cho họ chuẩn bị mua sắm.
Tánh ba rộng rãi nên nhà cửa lúc nào cũng có khách khứa lui tới. Lúc làm ở Nha Tâm Lý trong giới văn thơ, nghệ sĩ hầu như ai cũng biết ba cả. Ba tôi trong tay có gì nếu như  ai cần thì sẳn sàng chia sẻ không hề ngần ngại hay nghỉ ngợi người ta có lừa bịp mình không?. Thương vợ con, sống hết lòng với tha nhân, nên cuộc đời của ba tôi thường hay gặp nhiều sự may mắn bất ngờ. Đến như người trong gia đình, chú tôi mắc bệnh mất trí nhớ không nhìn ra ai cả, nhưng chỉ duy nhất là nhìn biết ba tôi và mở miệng rất khó khăn để nói " đây là ruột thịt của tôi ". Đã làm cho cả dòng họ chúng tôi ai nghe cũng không sao cầm được nước mắt.
Phải nói về mạ tôi nữa chứ, những câu chuyện tôi kể chỉ là những mảnh thời gian được chắp vá lung tung trên cuộc đời của hai người mà tôi ngưỡng mộ. Có thể người đọc sẽ cảm thấy không vừa ý lắm. Nhưng tôi xin phép được kể, bởi không ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Cho nên tôi phải ghi lại những câu chuyện về họ.Bấy giờ mạ tôi đã con cái đầy nhà, có một hôm đi ra chợ, tôi với mạ vừa lên tới lề đường, thì nghe tiếng xe ríp thắng gấp. Trên xe một vị mang cấp bậc Đại Tá vội nhảy xuống xe và kêu tên gọi ở nhà của mạ. Tôi thấy mạ bối rối, mặt đỏ ửng, còn vị Đại Tá thì ánh mắt rất trìu mến dịu dàng. Ông hỏi thăm mạ có khỏe không?, có hạnh phúc không? và những câu cuối cùng tôi nghe ông nói rất nhiều:
_ Chiến cuộc đang dầu sôi lửa bỏng, lần này không biết anh có còn gặp lại nhau không, lâu nay anh vẫn theo dõi cuộc sống của em và anh không hề lâp. gia đình.
Mạ tôi trả lời:
_ hồi nớ nghe anh đã cạo đầu đi tu?
Ông cười nói:
_ đất nước đang cần nên anh chọn con đường binh nghiệp.
Nói tới đó ông đưa tay vuốt đầu tôi rồi chào từ giả. Tôi và mạ nhìn theo bóng xe hòa lẫn trong dòng xe cộ.Nhưng trong ánh mắt của bà, con đường trước mặt bỗng biến thành con sông Thạch Hãn, hình bóng người đàn ông trước ngày bà xuất giá với cái đầu được cạo trọc lóc, tay chân luống cuống trao cho bà lá thư tỏ tình đầu tiên trong đời và đó cũng lá thư cuối cùng. Ánh mắt đau khổ tuyệt vọng ngày nào, hôm nay bà đã nhìn thấy trong đó ngoài tình yêu suốt cả một đời dâng hiến cho bà, còn có một thứ tình yêu cao cả hơn nữa dành cho non nước đang trong thời binh lửa. Tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm nhưng cảm thấy thật thú vị khi nhìn ra trên đời lại có những thứ tình yêu một cách tuyệt đối như thế. Cách yêu của vị Đại Tá đó thật là cao thượng và hiếm có. Dòng đời lại như con nước lênh đênh mà con người chẳng khác nào là những cánh rong trôi theo từng con sóng. Có khi nước lên, khi nước xuống. Những cơn bão táp không hẹn lại ào ạt lướt tới. Những ngày nắng nung trời hạn hán khô khan. Những cơn mưa dầm dề da diết không ngưng. Thiên tai như đang báo ứng trước sự suy tàn, khép lại của một thời thanh bình yên ấm.Khói lửa đạn bom bắt đầu dày xéo trên quê hương, vết dầu loang dần trên mảnh địa đồ tan nát. Cả đất nước,cả con người bàng hoàng sau một đêm và đã có biết bao  người điên loạn không tìm lại được chính mình nữa. Cuốn theo chiều gió,để tìm sự sống còn những gương mặt thân quen ngày nào bỗng quay mặt trở nên lạ xa đến không ngờ.
Tôi còn nhớ khi đất nước rơi vào tay của chính quyền mới. Gia đình tôi nằm trong danh sách đưa về kinh tế mới. Lúc này thì phải làm người ngu si đần độn để  nhắm mắt cái gọi là qua phà cho xong. Bị dụ dỗ ngon ngọt, bị hăm dọa, bị phùng mang trợn mắt. Cuối cùng thì cái cây cổ thụ ngàn năm là ba tôi, ổng cứ nằm ì một chỗ không di chuyển. Họ đi hoài mỏi chân, nói hoài mỏi cổ. Thế là gia đình tôi khỏi phải đi kinh tế mới theo hoạch trình của chính sách ngu dân.
Mạ tôi bương ra chợ ngồi chồm hổm suốt  cả ngày bên lề đường, hết bán đồ nhà, thì  đi mua đồ người  ta để bán lại kiếm chút tiền lời mua rau cháo sống qua ngày. Vậy mà hôm nào vô mánh lớn thì có vẻ bí mật,đi mua gạo và một ít cá khô về kho mặn. Rồi trong đêm khuya sau khi chia phần cơm ra từng gói nhỏ kèm thêm gói cá khô được kho quẹo. Mạ tôi đi tới bên những người hành khất nằm ngủ trước mấy mái hiên nhà, lặng lẽ bỏ từng gói xuống rồi đánh thức khe khẻ kêu họ dậy ăn cơm cả đói. Trước tấm lòng biết thuơng người đói khổ của mạ, ba và chúng tôi đành phải im lặng không dám nói, bởi gia đình lúc bấy giờ cũng đâu có gì mà dư giả dể giúp đỡ cho ai.
...
Rồi trời cao cũng ngó xuống, hai người thân sinh của tôi họ vẫn bên nhau cho tới khi mái đầu bạc trắng. Đã trên tuổi tám mươi, ba tôi còn ngồi làm thơ tình tặng cho vợ. Mạ tôi còn muốn tự tay nấu cho chồng những món ăn ông thích. Hàng ngày đưa nhau ra công viên thả bộ. Tối đến xem phim thần thoại cổ xưa. Những mảnh thời gian được minh chứng cùng những mảnh đời của hai đấng sinh thành. Thật sự những câu chuyện của họ quá nhiều làm cho tôi không sao nhớ hết. Nhưng có một điều duy nhất tôi  nhớ rất rõ là trong suốt cả cuộc đời từ lúc trí khôn tôi ghi nhận. Kinh qua bao gian nan trước những phong ba bão táp, trước thế thái nhân tình bạc bẽo như vôi. Tôi chưa bao giờ tìm thấy trên gương mặt của họ nhuốm lên một sự tức giận bùng nổ nào cả, chứ đừng nói chi là âm mưu để làm hại ai bao giờ. Tất cả nơi họ chỉ toát ra những ánh mắt hiền hòa, độ lượng bao dung mà thôi. Trong một câu kinh Đức Phật nói " chúng sanh sau này đều thành Phật cả " và tôi đã cảm thấy vô cùng may mắn là được sanh ra, làm con trong vòng tay yêu thương của ba với mạ. Tôi nghỉ họ là là hai vị Phật đang được viên thành.
Mầu Hoa Khế
Feb.2011

Xem Tiếp: ----