Có tiếng rụt rè gõ cửa. Bà Ngân bước ra. Thấp thoáng trong ánh đèn hắt, một cô bé rụt rè bước lên thềm. Chắc lại một cô tiếp thị. Vốn thành kiến với những người này, bởi đã nghe nhiều chuyện giả, thật và cả sự ăn vạ của họ, nhưng không bao giờ bà sập cửa, mà chỉ nhẹ nhàng từ chối. Gặp những tiếp thị viên ngượng nghịu, đẫm mồ hôi bà còn ân cần hỏi han, mời uống nước, cho ghi địa chỉ. Bà nghĩ họ cũng chẳng sung sướng gì, chẳng qua vì miếng cơm manh áo mà lúc nào cũng bạc mặt lo bị hắt đuổi. Có lần bà còn gọi điện thoại đến hãng khen tiếp thị viên, hỏi thêm về sản phẩm. Chẳng mua thì cũng giúp họ một lời. - Thưa bác, bác là bác Ngân phải không ạ?... Cháu là Nghị, con mẹ Nghiêm... Bác còn nhớ mẹ Nghiêm cháu không ạ? A... Phan Thị Nghiêm thì làm sao bà quên được? Chính bà đã đọc điếu văn tiễn biệt cô. Có một câu bà và cả một số bạn Nghiêm vẫn nhớ đến bây giờ: “Chúng tôi vô cùng đau xót đã không giúp được cô vượt qua đau xót để dẫn đến cái đau xót tột cùng này!” Đau xót! Ai mà không đau xót trước sự tự ra đi của một đồng nghiệp tràn sức sống, nghề nghiệp đầy hứa hẹn, luôn chân tình với bạn bè, tận tuỵ với công việc. Riêng bà, càng nghĩ lại càng xót xa... Nghiêm là cấp dưới trực tiếp của bà và nằm trong diện cán bộ kế cận của cơ quan. Việc giao cho Nghiêm là yên tâm. Bà đặc biệt đánh giá cao nghị lực của cô. Những năm đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước cuộc sống hết sức khó khăn. Đồng lương cán sự ba mà phải nuôi ba con, mẹ chồng già và cả bản thân nữa là năm, Nghiêm phải bươn chải làm thêm các việc cuốn thuốc lá, kéo sợi, bóc lạc, dán hộp... mong có được bình quân đầu người hai mươi lăm đồng mỗi tháng. Kể ra còn có một nguồn thu nữa -bập bõm ít ỏi thôi- nhưng là nguồn cổ vũ vô cùng lớn lao: những sợi mai-so, cái bàn là, cái ấm điện, xấp vải đen... từ Liên Xô gửi về. Chồng Nghiêm là nghiên cứu sinh ở đại học Lômônốp. Nghiêm rất tự hào về người chồng chí thú học hành “không thể gửi về tủ lạnh, xe máy như bạn hữu”. Và thật ấm lòng, cạnh dúm hàng nhỏ nhoi bao giờ cũng là những dòng chữ mượt mà của một nhà ngôn ngữ học: “Đêm ngày không bao giờ mờ trong anh hình ảnh người vợ hiền thục nơi quê nhà”, “Em, người vợ chịu thương chịu khó của anh”, “cái bằng tiến sỹ của anh có công em quá nửa”... Nghiêm nhận được thư chồng là mọi người biết ngay bởi cái mặt hốc hác hớn hở hẳn lên; cái áo chằm vá, cái quần bạc phếch được là vuốt phẳng phiu. Chị em mừng và tổ chức hẳn hoi một bữa chè đậu xanh đường cát khi được tin chồng cô đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ và sẽ về trước tết. Chao ôi! năm năm trường mong đợi, năm năm trường gánh vác nay đã công thành danh toại. Niệm về được ba ngày thì Nghiêm đưa chồng đến thăm bà. Niệm trẻ hơn hẳn vợ. Cũng phải thôi, vợ chồng bằng tuổi nhau bao giờ vợ chẳng già hơn chồng. Anh chàng cao ráo trắng trẻo, quả là bơ sữa Liên Xô hơn hẳn rau cà Việt Nam. Niệm lịch sự cám ơn bà và cơ quan đã giúp đỡ Nghiêm vượt qua khó khăn, thiếu thốn để nuôi dạy con cái, phụng dưỡng mẹ già. Nghiêm ngỏ lời mời bà và chị em trong phòng mùng bốn tết đến nhà ăn tết và cũng là mừng “nhà em” về. Bà tiễn hai người ra về và thầm nhủ: phải bảo Nghiêm chú ý đầu tóc, quần áo. Ai lại chồng thì hào hoa tráng kiện thế kia, vợ lại lúi xúi èo uột thế này. Ơ! chồng xăm xăm đi trước, vợ lẽo đẽo đi sau thế kia! Chết thật, phải bảo Nghiêm ngay mới được. Nhưng rồi mùng bốn tết đã qua vẫn không thấy Nghiêm có lời mời. Vậy là có chuyện chứ Nghiêm đâu phải là người đểnh đoảng quên lời. Nghiêm vẫn đi làm đều nhưng không được vui như trước. Có ai hỏi thì cô bảo: “Không có chuyện gì”. Chẳng ai tin lời cô: “Chỉ người hơi mệt”. Hình ảnh chồng mỡ màng xăm xăm đi trước, vợ èo uột lẽo đẽo theo sau lại hiện rõ trong bà. Bà quyết định phải đến tận nhà xem sự thể thế nào. Nghiêm không có nhà. Các con Nghiêm đứa dán hộp, đứa hứng nước. Còn Niệm thì lúi húi khêu bấc bếp dầu hoả dưới sự hướng dẫn của đứa con gái út. Mẹ Niệm tiếp chuyện bà, không ngớt lời khen Nghiêm chịu khó gánh vác việc gia đình: “ấy em nó vừa đi nhận lạc để bóc. Sắp đến kỳ nộp tiền học cho các cháu rồi”. Thật là một gia đình đầm ấm! Hay là Nghiêm buồn vì không thể đẻ thêm để có con trai như số tử vi của Niệm bảo có? Vớ vẩn! Niệm là một tiến sỹ tây học sao lại có thể hủ lậu như vậy? Hay là có sự khập khiễng giữa phong cách cởi mở mạnh thoáng của phương tây với cái nếp e dè cứng nhắc của phương đông-nhất là cái phương đông nhà quê như Nghiêm: chỉ cặm cụi với bổn phận chẳng dám nghĩ đến hưong hoa cuộc đời. Chuyện tế nhị này phải để chị em cùng lứa nói với nhau. Bà Ngân gọi mấy cô bạn thân của Nghiêm lại căn dặn. Bấy giờ bà mới được các cô cho biết hình như Niệm có bồ cùng học ở Nga. Bà nhíu trán... ừ, cũng có thể...Nhưng trường hợp này chỉ là bèo bọt. Bà vốn tin vào những giá trị truyền thống. Niệm, Nghiêm cùng quê và đều thuộc gia đình cốt cán của an toàn khu, cùng đều là lớp người được địa phương tiến cử đi đại học. Niệm được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh chẳng phải chỉ vì đã có luận văn tốt nghiệp đại học xuất sắc mà vì đã có một quá trình công tác tốt được xếp vào hàng cán bộ kế cận, rất có triển vọng của ngành khoa học nhân văn. Cái nhân tố căn bản ấy, lại được hưởng nền giáo dục ưu tú bậc nhất không thể trở thành kẻ tráo trở. Không, nếu có thì chẳng qua cũng chỉ là bèo bọt nhất thời. Cánh bèo sẽ tan khi va vào cái cầu bến đầm ấm kia. Phải bảo Nghiêm điều chỉnh cách sinh hoạt, phải thoáng lên nhất là chuyện sống áo, đầu tóc. Đàn ông vốn có nhược điểm: phải lòng bằng mắt mà... Nghiêm cũng có thay đổi. Mái tóc đen lúc buông dài sau lưng, lúc lúc lỉu một búi sau gáy không ít người trầm trồ đuợc thay bằng mớ tóc quăn loà xoà càng làm cho bộ mặt rầu rĩ thêm bơ phờ. Nghiêm cũng có những bộ cánh mới nhưng vẫn chỉ là quần đen áo trắng. Bà phát cáu gọi mấy cô sang chỉnh: -Chúng mày phải xúm vào giúp nó chứ! Để nó như con mẹ bổi thế à? -Chả ăn thua đâu chị ơi! Cô kia đã về nước, mà còn trẻ lắm. Họ đi lại với nhau hàng ngày. Một cô trả lời. Nghiêm đẩy cửa bước vào, oà khóc: -Chị ơi! Anh ấy đã nói thẳng với em là phải chia tay thôi vì thật lòng chưa bao giờ anh ấy yêu em. Bằng ấy năm chung sống chỉ là nghĩa vụ của sự ngộ nhận ban đâu. Vâng, anh ấy đã bảo chỉ là sự ngộ nhận ban đầu. Bây giờ anh ấy mới tìm được người yêu đích thực và nhất quyết sẽ lấy làm vợ. Anh ấy còn bảo: chúng mình đều là những người có học, là tầng lớp văn minh cần xử lý có văn hoá... Còn mẹ anh ấy thì bảo: rất thương em, vẫn quý trọng em nhưng cái số anh ấy phải có con trai mà em thì đã ba con rồi, không thể vượt kế hoạch cho anh ấy. Em khổ quá chị ơi! -Sao hàng xóm bảo hàng ngày vợ chồng vẫn ngọt ngào với nhau? -Chỉ là khi có khách thôi chị ạ! -Niệm đối với các con thế nào? -Dạ, vẫn bảo ban học hành, vui đùa với các cháu... Mà anh ấy còn bảo: về con cái thì tuỳ, chia chúng ra hay để anh ấy cáng đáng cả cũng được... Chị ơi! làm sao có thể chia cắt chị em chúng nó? Làm sao em có thể lìa cắt đứa nào? Đến vậy kia ư? Không, vẫn còn những đứa con, vẫn còn hơn mười năm má ấp vai kề có đến ba mặt con với nhau... Mà cô kia cũng là người có học, khi nhỡn tiền chắc có thể nghĩ lại... Mà dù có cố tình thì còn cha mẹ anh em - hẳn cũng là những người có học- không thể muối mặt để vậy. Phải tích cực và kiên trì. Đúng, phải tích cực và kiên trì. Không hẳn tán đồng - bởi các cô hiểu tuổi trẻ hơn bà- nhưng các cô chẳng nói gì vì trong lòng cũng mong được như bà nghĩ. Và dù sao bà cũng là người từng trải, có thâm niên trong công tác tư tưởng, công tác xã hội. Khối gia đình đã êm trở lại sau sự giúp đỡ và cả “đe nẹt” của bà. Sự việc ngày càng xấu. Nghiêm ngày càng ủ dột, nhiều lúc ngơ ngác, công việc phải nhắc nhủ. Bà chua chát nhận ra ngày nay người ta không còn suy nghĩ như trước. Nhưng gì thì gì, cái căn cốt gia đình, cái đạo lý vợ chồng mà thay đổi là phi đạo lý. Quên thì nhắc, bỏ đi thì lôi lại, không thể buông vì như thế là a tòng. Bà nhắc chị em phải đánh tiếng cho Niệm và cô gái kia và kiên trì động viên động viên Nghiêm. Chị em cũng đã kiên trì, kiên trì đến mức chẳng còn biết kiên trì cái gì vì mọi lời đều đã trở thành nhàm chán. Còn Niệm và nàng kia thì dại gì động tới, có khi họ còn mắng cho là “vô duyên” ấy chứ. Thế rồi cú điện thoại điếng người từ ngoại thành gọi về. Cả cơ quan sửng sốt. Sửng sốt nhất phải nói là bà Ngân. Hoá ra còn nhiều điều bây giờ bà mới biết. Thời gian qua bà đã không khe khắt với việc đi làm của Nghiêm, nghĩ là để cô đi đó đây cho khuây khoả. Hoá ra cô đi một vòng tới tất cả họ hàng chú bác cô dì, đến các đền chùa xin quẻ. Một lần cô nói với bà: “Chị ơi! chắc số em đã an bài”. Bà mắng át đi: “Chớ có đầu hàng!”. Thực ra có lúc bà đã nghĩ sự việc không còn cứu vãn được nhưng bà lại không thoát được lối giải quyết tư tưởng gói ghém vê tròn. ừ, vê làm sao được khi bột đã nhão nhoét, chỉ thêm nhoè nhoẹt bẩn tay. Đúng là phải tãi ra mâm, phanh ra nắng chắt lại tinh bột, rồi đổ nước mới mà vê. Người công an đưa cho bà mảnh giấy Nghiêm ghi rõ họ tên mình và địa chỉ, số điện thoại cơ quan. Đọc cái biên bản tịnh không tài sản, tiền nong; nhìn cái áo có miếng táp vai, cái quần bạc phếch, chiếc dép mòn vẹt bà hiểu Nghiêm không chịu hỏng phí cái gì. Lại còn lời người lái xe: “Khổ quá, cô ấy chui vào gầm xe khi xe bắt đầu chuyển bánh thì làm sao mà biết được!” Như vậy là đến phút cuối cùng Nghiêm vẫn sợ luỵ đến người lái, vẫn hướng về cuộc sống. Trời! Biết đâu chuyển hướng bảo Nghiêm đừng lệ thuộc vào cái không thể cứu vãn, mạnh dạn rẽ tìm cuộc sống mới lại chẳng giúp được cô thoát khỏi cái bế tắc đau xót này? Người anh Nghiêm xin cái điếu văn và không ngớt lời cám ơn bà đã hết lòng, đã có những lời tốt đẹp với Nghiêm. Cầm tay người anh đau khổ, nhìn vành khăn trắng trên đầu lũ trẻ lịm đi vì khóc, bà không sao cầm được nước mắt, lòng càng thêm xót xa vì biết đâu: nếu nắm vững tình hình, có công tác tư tưởng thích hợp, không vướng cái lối tư duy máy móc vê tròn thì tình hình chẳng khác đi? ° -Các bác cháu bảo thế nào cũng phải đến thăm bác. Bác cả cháu bảo bác tốt với mẹ cháu và chúng cháu lắm. Cô bé nói. Bà ứa nước mắt: -Trông thấy cháu bác lại nhớ mẹ cháu!... ừ, thế mà đã mười lăm năm rồi... ừ, ngày mới tốt nghiệp về cơ quan mẹ cháu cũng y hệt cháu thế này... ừ, giá mà, giá mà... Cô bé ngơ ngác, chưa biết bà “giá mà” cái gì nhưng giọng bà thật xót xa. Cô bé cũng nước mắt rưng rưng...