Tôi có cả tháng trời để chuẩn bị cho ngày ra đi. Nơi đến là miền đất hứa, là thiên đàng cho biết bao giấc mơ mong với tới. Nước Mỹ tôi chỉ hình dung ra trên phim ảnh,hay ở mấy tấm hình của anh hai tôi gửi về trong thời gian anh đi du học ở California, một tiểu bang rộng lớn của Hoa Kỳ.Tôi vẫn nhớ khi mỗi chiều rơi xuống sau căn nhà lầu cao ở mặt tiền của con đường tôi đang cư ngụ. Cái vách tường làm che hết ánh chiều tà bởi mảnh sân thượng nhỏ bé cũ kỷ của tôi bị nằm khuất ở phía đàng sau lưng. Căn nhà lầu của gia đình tôi, ngày xưa nó đã oanh liệt cất lên trước tiên khi ba tôi ăn nên làm ra. Có vẻ "ta đây " theo thời đại tiến triển trong những công trình xây cất, làm thay đổi hình dạng của căn nhà trệt lợp tôn, vách ván với căn gác lửng ọp ẹp mong manh. Nhà xây lên ba tầng lầu thoải mái.Dĩ nhiên là vượt hẳn mấy căn nhà cùng xóm lúc bây giờ. Nhà trong khu xóm cũng chỉ là mấy căn nhà ba gian với những căn gác lửng lâu đời. Khu xóm vẫn còn mang cái không gian vào thời xa xưa qua cách bày biện trang trí từ đời tổ tiên còn lưu giữ. Những người sống trong những căn nhà đó, họ cũng có những cái tên thiệt lạ và có vẻ truyền kỳ như trong mấy truyện kiếm hiệp. Tôi không dám nhắc tới, e sợ họ không hài lòng. Nhưng có một người tôi biết nếu như anh đọc những dòng chữ này, anh sẽ được gợi nhớ lại một thuở trên quê hương,nơi cái xóm cũ ngày đó. Anh tên là Mã Phong Sương, anh chỉ hơn tôi có 5 tuổi thôi. Nhà anh cách nhà tôi chỉ mấy căn, gia đình của anh là người miền Nam. Anh lạ lùng khi nhìn con bé nói tiếng miền Trung đặc sệt, rồi anh thương đôi mắt tròn to thật buồn và thật thơ ngây. Chẳng bà con họ hàng gì mà anh quến luyến và được thể con bé miền Trung "đì" anh đủ thứ chuyện, thậm chí còn bắt anh cõng khi rủ nhau đi chơi trên những đường quá xa. Anh tự nguyện làm điều đó vì biết chân con bé lúc lên 2 tuổi bị bệnh nặng chút nữa thì bị liệt không đi được.Trước mặt nhà của anh có cây trứng cá to đùng, trái nhiều vô kể. Tôi nhắm mắt lại và vẫn còn nhớ tới hương vị ngọt của mấy trái trứng cá đỏ như màu son môi. Cách nhà anh một căn, bà Sáu có cái hàng tạp hóa nhỏ bán đủ thứ, từ củ hành cho tới hạt tiêu. Tôi mê nhất là cái thau nhôm cở cái tô múc canh, trong đó là món me ngào đường, chao ơi nội nhìn không đã muốn chảy nước miếng, bà còn làm dáng rãi lên trên một đám mè rang vàng. Hồi đó chỉ có 5 cắc là được bà nhích một muống me xuống cái bánh tráng nhỏ bằng bàn tay xòe ra. Nếu hôm trời mưa thì tôi sẽ mua đậu phụng rang, bà đựng trong cái hủ bằng thủy tinh trong suốt, cũng 5 cắc thôi,bà múc bằng cái ly màu đỏ giống như cái ly đựng nước nơi bàn thờ ông địa. Với một miếng giấy báo nhỏ, bà xoay thành cái phểu để đựng đậu phụng, lúc nào bà cũng biết ý cô khách hàng thường xuyên ăn quà vặt, bóc thêm vài hạt gọi là tặng thêm vào bàn tay nhỏ xíu của tôi. Hạnh phúc đơn giản đó con bé bỏ vào miệng ngay,vừa đi vừa nhai dưới cơn mưa lất phất trong cái lối xóm êm đềm vắng vẻ, có thể nghe cả tiếng gà gáy khan khơi khơi giữa ban trưa thật buồn.Rồi thời gian đi qua thật lặng lẽ, con bé trở thành thiếu nữ với mái tóc dài chấm ngang vai. Còn anh Mã Phong Sương thì đi vào quân ngũ với cấp bậc chuẩn úy của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.Thời áo trắng học trò thường hay e thẹn lúc đi ngang qua nhà anh, trước những đôi mắt tinh nghịch của mấy chàng mặc đồ rằn ri cùng đơn vị của anh đang ngồi ca hát vui đùa khi được về phép. Tôi vẫn là cô em gái mà anh luôn để ý chăm sóc như ngày còn thơ. Tôi biết anh cũng giống như mình đang tới tuổi biết yêu thương.Nhưng trong ánh mắt của chúng tôi chưa bao giờ đi xa hơn trong tình cảm anh em,anh nói " phải tìm cho ra một người giống như em ", thì ra cái thói quen cũng gây khó cho anh trong việc tìm kiếm đối tượng để yêu. Rồi chiến cuộc mỗi lúc mỗi khóc liệt, khói lửa lan tràn khắp nơi trên đất nước, những ngày về phép không còn nữa. Tôi và gia đình anh chỉ biết cầu nguyện cho những người trai đi trong khói lửa đâu dám hứa hẹn ngày trở về....Một sáng tan hoang đất nước, một sáng vỡ nát cả trái tim. Con người như biến thành tượng đá, cứng đơ bởi những cảm giác đớn đau chịu đựng đã đi quá sự giới hạn. Khu xóm cũng thay đổi,có người buồn bã bán nhà ra đi, có người bước tới lạ hoắc hênh hoang an tọa. Lòng dạ của con người cũng biến đổi như những bàn tay lật sấp lật ngữa.Thằng đổ rác hôm nào vội vất đi bồ đồ lam lũ,để khoác lên đồ bảnh bao sạch sẻ đi theo con Thì. Con nhỏ giả ngây giả dại đi lấy cơm heo mỗi ngày, hôm nay bím tóc gọn gàng,lộ rõ gương mặt đanh đá,trên vai quàng cái khăn rằn ra đứng giữa phường khóm dõng dạc lớn tiếng thị oai. Vở kịch hạ màn, diễn viên đã trở về với những con người thật sự của nó. Tất cả những người cùng xóm bỗng dưng nghi ngại nhìn nhau, cửa nhà đóng kín như không còn muốn giao thiệp cùng ai nữa.Những lời ăn tiếng nói mộc mạc của chế Hai, của bà Sáu hay của ông Tám đã mất tăm theo những giọt nước mắt khi họ đành phải bán lại căn nhà hương hỏa của cha ông đã đến nơi đây lập nghiệp. Họ chân chất quê mùa,thấy không đủ bản lảnh trước những con người lạ hoắc ăn nói sắt thép lạnh lùng. Đã hết rồi những thân tình chòm xóm, họ hết dám lê la tâm sự nắng mưa cùng ai. Họ lên đường tìm về quê nhà để nương náu cho xong một kiếp người.Khu xóm với những bộ mặt mới lạ dọn tới càng lúc càng đông, nhà cửa được xây lên đồ sộ, cao ngất ngưỡng. Đã che hết tầm nhìn bốn phía phương hướng mỗi khi tôi lên trên sân thượng để phơi áo quần. Căn nhà đẹp đẽ ngày nào của gia đình tôi, bây giờ là một hình ảnh đối nghịch hoàn toàn, trông nó xuống cấp thảm hại,màu vôi vàng úa, dọc bờ tường rêu xanh nứt nẻ. Sân thượng lót gạch đã ngã màu tê tái loang lỗ, mấy hạt giống chim bay tha tới vậy mà cũng nẩy mầm giữa đám bụi bặm gió sương.Mỗi chiều tôi thường hay lên sân thượng nằm ngữa mặt lên nhìn bầu trời, nhìn máy bay của quốc tế đáp xuống về hướng phi trường,rồi xây cho mình một giấc mơ theo mây bay gió thoảng. Giấc mơ đã trở thành sự thật sau 10 năm chờ đợi. Tôi bắt đầu vẽ vời những bữa ăn tối với muổng nĩa theo phong cách của người Tây phương, vẽ vời chiếc gường với những chăn nệm cầu kỳ quí phái như trong phim ảnh. Và khi tới nước Mỹ tôi đi cày như một con trâu, công việc đàng hoàng, hợp pháp là tôi sẳn sàng đi làm bất kể ngày hay đêm dầu đồng tiền được trả thật nhỏ nhoi. Tôi đã chạy theo những tiện nghi đến hụt hơi, đỏm dáng suốt gần 20 năm trời cho cái nhìn của bàn quan thiên hạ, cái gọi là " mặt mũi ". Rồi bắt đầu từ những làm ăn thất bại của đứa con gái lớn.Tôi buồn theo với con trước những mộng tưởng không thành.Cho đến khi tôi cùng cô em gái suýt chết trong một tại nạn xe cộ trong đường tơ kẻ tóc. Tôi đã hoàn toàn giác ngộ ở lẽ vô thường của trời đất.Tôi đã hoàn toàn thay đổi đến bạn bè và ngay cả con cái cũng hết sức bất ngờ.Căn phòng bây giờ thật hết sức đơn giản, chiếc gường thu nhỏ lại cho gọn gàng, chỉ một cái bàn để còm -pu -tơ với chiếc ghế ngồi, chỉ một bức tranh với hai hàng cây trong sương mù. Tôi thu mình lại trong chiếc vỏ ốc, ít nói hay như không muốn nói và hình như tôi đã để quên tiếng cười trong suốt như pha lê của mình ở đâu mất rồi?....Những hạt đậu phụng rang dòn từ bàn tay bà Sáu âu yếm tặng thêm,là một sự thấu hiểu giữa tình cảm con người, hành động này cứ mãi in đậm trong trí nhớ của tôi. Và sự chia sẻ của một cây cà rem, giữa anh Mã Phong Sương và tôi chia nhau cắn,để tôi nũng nịu phân bì anh cắn nhiều hơn em của tuổi thơ ngây, mỗi khi nghỉ tới thì nụ cười nở hoài không khép. Trong cuộc sống tôi đã đi qua,đã trãi qua. Tôi, đôi khi đã biến thành một người khác hẳn,phải tỏ ra cứng cõi, lì lợm để đối chọi với những hoàn cảnh xảy ra chung quanh đời mình.Cái cuối cùng sau khi tôi đã quá mỏi mệt trên một đoạn đường dài với nhiều sóng gió nổi trôi.Tôi nhìn ra ở nơi mình muốn gì thì thật là quá ư tội nghiệp.Chỉ cần có một chút cảm thông trong tâm hồn của tôi. Bao nhiêu năm qua tất cả là một con số không, tôi vẫn luôn một mình, để rồi càng lúc cái hố cô đơn được đào sâu hơn trên bước đường đi tới trăm năm...Mầu Hoa KhếApr 2011