C hủ nhật tôi đến thăm bà ngoại trên căn gác không cửa sổ chỉ có một lỗ thông hơi bằng viên gạch đục ra phía trên bàn thờ ông ngoại cho ông ngoại được chút khí trời. Những đám mây bên ngoài trôi qua chỗ ấy như trong tivi. Bà ngoại nằm trên hai tấm ván ghép vào nhau kê bằng kinh Phật và rương hòm bé xíu cùng với chai lọ guốc dép bình vôi những quyển sổ những quả cam mốc meo một chiếc bô sứ và một chiếc bô nhựa. Bà nằm đồ sộ trên toàn gia sản nhìn mây trôi. Một nén hương cho ông ngoại mỗi tuần tôi thắp trong chiếc hộp diêm kín mít này cũng đủ để bà cháu nhìn nhau qua khói mù mịt.
Tôi bảo tuần vừa rồi thứ hai có gà kim hoa ngọc thụ, thứ ba phượng hoàng hoài thai, thứ thư long tu, thứ năm bào ngư hoàng sa, thứ sáu cua thiên phù dung, thứ bảy bạch điểu quy sào, hôm nay chủ nhật thì vịt hải sâm vạn thọ. Mỗi chủ nhật tôi thay một thực đơn. Như thế trước khi dùng hai mảnh ván vào việc khác bà ngoại được yên tâm là sự nghiệp nấu bếp nhà quan của bà không uổng. Mẹ tôi làm cấp dưỡng mậu dịch bây giờ mở quán cơm xích lô, mỗi chủ nhật đưa tôi hai tờ năm nghìn bảo: "Hôm nay cho mày nghỉ, về đi du lịch với bà." Bà cháu đi ngược một đời người, đi mãi, bà cứ dẫn tôi đến trước mâm cơm sơn son đậy lồng bàn bằng sa thì dừng lại. Về phần mình tôi cũng tỏ ra xứng đáng bằng những món ăn chẳng biết nội dung ra sao chỉ thấy tên kêu như Viện Hàn Lâm Hán Việt. Rồi tôi rón rén đặt hai tờ năm nghìn lộ phí lên bàn thờ cho ông ngoại có chút bồi dưỡng, tôi nghĩ biếu xén người chết lịch sự hơn biếu người đang sống. Và để bà ở lại ngồi thịt vào những cọng giá đầu thế kỷ.
Cơm xích lô nhà tôi mùa nóng nhiều canh, mùa lạnh nhiều mỡ, món chủ đạo quanh năm là dưa chua và đậu rán, thay đổi thì có khó, thịt kho, tôm kho, trứng tráng, rau xào. Mẹ tôi có bao nhiêu kinh nghiệm của cửa hàng ăn uống mậu dịch đều dùng được, canh nấu một nồi pha thành ba, nước mắm một lít chế thành năm, trứng đánh điêu hoa phồng như gối giường cưới, ba miếng thịt bày rầm rộ như tế thần. Hồi mới mở quán tôi nghĩ nhà mình hai chục năm kinh hãi nghệ thuật của mẹ, bây giờ lại đem trưng ra ngoài đường cho thiên hạ thưởng thức thì dơ. Mẹ tôi dặn: "Nhỡ bà hỏi thì bảo nhà mở đặc sản." Mùng Hai Tết năm ngoái mẹ nấu mọc đông sai tôi mang cho bà dùng. Lúc bà lật bát thật may mọi thứ cũng thành hình khum khum trên đĩa, bình thường những món đông của mẹ nhão như bùn vầy trong đã muốn ngất. Tôi mừng cho mẹ nhưng khấp khởi đợi mãi không thấy bà dùng nên xin phép về. Bà dặn: "Mang về bảo mẹ lấy vải màn lọc nước bì đi đã, tiêu thì rang sớt thôi, hai đảo bắc ra ngay, nấm cắt chân thật sát, mình chính thế này là định đầu độc bà già hay sao." Trên đường về tôi ném đĩa mọc xuống Hồ Hoàn Kiếm. Mẹ hỏi tôi bảo bà khen ngon để bà và mẹ xích lại gần nhau, cơm xích lô bày mâm sơn son là thành tốt một trường phái.
Nhưng tôi đã lo không lâu. Mẹ tôi tự biết mình chẳng phải là nàng dâu đáng giá nhất của trăm họ nên không làm cao. Phương châm của mẹ là vì nhân dân quên mình, hai trăm cũng bán, suất sang nhất là nghìn rưởi, nên khách đông bàn ghế không đủ phải tràn ra phố đứng ăn rào rào, ở ngoài nhìn vào thấy đũa vung tíu tít chấm chấm mút mút rất vui mắt. Việc ở quán do hai mẹ con và anh Thái là cháu họ đằng bố tôi nhà ở Bưởi đảm nhiệm. Anh Thái làm những việc nặng như phun nước, bê nồi, đổ rác, nhóm lò, rửa bát và giữ trật tự vì khách nhà tôi không thuộc loại ăn uống rón rén như sợ hạt cơm đau, ba chén rượu vài củ lạc và một bìa đậu là đủ cho họ sinh ra những sự không ai lường trước được. Mọi việc anh Thái đều lười, chỉ chăm giữ trật tự, chỗ nào hơi động tĩnh một tí là vác con dao dùng để bổ củi xông ra đứng tấn, mẹ tôi lựa lời can thì dỗi, xuống bếp tè vào nồi nước rau. Mẹ tôi sợ cho anh thôi việc có khi còn nguy hiểm hơn nên gắng nhịn, thỉnh thoảng lại dúi cho vài nghìn bảo anh đi hát karaoke vì nếu để anh xả tâm hồn ở quán thì bắn nước bọt vào mặt khách mất lịch sự. Anh chỉ hát bài "Chiều thu buồn." Tôi bảo bà ngoại là tiệm đặc sản của nhà thuê hẳn một vệ sĩ đã du học ở Nhật. Karaoketoschibaajinomototoyotahondayamahasanyomitschuschubiohaiotokyo. Bà ngoại bảo nghe còn hay hơn mẹc xì lù bố cu. Bà đổ cho thằng Tây tội hủ hoá khẩu vị nước mình. Tôi phải rất cẩn thận để không hở ra những món rôti, phá-xí, cùng là bơ sữa xúc xích dăm bông để lòng yêu nước dậy mùi mắm tôm hành tỏi của bà không bị khuấy đảo. Tội của mẹ còn nặng hơn thằng Tây. Là tội tàn phá. Tôi đoán bà sẽ mang chiếc bô sứ Trung Quốc mỏng tang có hình những cô tiên xuống mồ để giữ gìn nền văn minh phương đông còn chiếc bô nhựa để lại cho lũ chúng tôi con cái cháu chắt của một thời đại lai căng dung tục từ việc ẩm thực đến đại tiểu tiện nói theo chữ của Viện Hàn Lâm Hán Việt.
Những việc còn lại hai mẹ con chia nhau. Đi chợ thì mẹ mặc cả tôi xách làn, nấu nướng mẹ pha chế tôi thực hiện, đúng mười rưỡi hàng ngày mẹ ngự sau quầy còn tôi lo chạy bàn hầu khách và phụ rửa bát cho anh Thái. Khi nào khách đông quá tôi cũng được xới cơm và gắp rau, mẹ độc quyền những món nhiều prôtít vì sợ tôi còn trẻ nhiều sĩ diện gắp quá tay cho khách thì nhà sạt nghiệp. Thực ra những miếng thịt mẹ thái không miếng nào có thể nhỉnh hơn miếng nào, cá và đậu cũng có cỡ chuẩn, tôm nhộng đong sẵn bằng một gạt chén uống trà, mẹ bảo đấy là phần cứng vì ở đó không được mủi lòng, còn phần mềm là cơm, rau, canh, và nước chấm thì thỉnh thoảng cũng có thể linh động để khách hàng được thật sự là thượng đế. Tôi đoán anh Thái đã tiết lộ thông tin nội bộ này cho đám xe thồ ở Bưởi. Mỗi lần vào quán họ gọi toàn cơm rau ăn với cá khô mang sẵn và liên tục xin thêm nước chấm thật nhiều chanh ớt rồi còn chê ít mì chính. Mẹ thấy thế đổ sẵng vào mỗi bát nước chấm một muôi mì chính rồi bảo tôi, nghề nào cũng có một nỗi đau riêng, quên đi mà sống con ạ. Tôi sợ đám xe thồ làng Bưởi bị đầu độc nên lén chan thêm cho họ mấy muỗng nước rau muống đánh dấm, ở nhà mỗi lần tôi nghẹn nấc đau bụng cảm cúm mẹ đều bảo uống nước rau đi là hết.
Nếu mọi sự cứ diễn ra bình thường như vậy tôi không có gì phải phàn nàn. Tôi không mơ mặc váy chẽn để đánh mông kiều diễm tiến đến những bàn phủ khăn dâng món khai vị là bảng thực đơn bằng ba thứ tiếng. Mấy cô tre trẻ như tôi làm ở những chỗ ấy thì lộ vẻ hãnh diện, môi ướt như được hôn cả ngày. Tôi cũng muốn biết thế nào là được hôn. Ở quán cơm xích lô ngoài phận đàn bà của hai mẹ con còn lại toàn đàn ông dữ dằn, tôi được phát vào mông cũng nhiều nhưng những cái hôn dường như bướm, đậu cả vào những hoa khác mất rồi. Anh Thái cũng là đàn ông, một đàn ông tục tĩu hung hăng và hay hờn, lúc quá trớn sục vào bếp luồn trướng sống vào cổ áo tôi để xem tôi cuống quýt cởi áo cứu trứng. Thế thôi. Ở quán cơm này đặc biệt vui sống thì khó, nhưng cũng không buồn, nhiều lúc tôi còn cảm thấy mình có tình ruột thịt với những người đang ăn rào rào kia như thể họ đã chung mâm với tôi từ tấm bé, ngon thì không nhưng no hoàn toàn. Vả lại họ đều là những người bôn ba gánh vác việc của thiên hạ, không ai nhàn ngay cả trong bữa cơm, tôi được lây cảm giác sống gấp rút mê man như lên đồng. Nhiều người trong họ thực ra trong rất mất cảm tình, ngồi chồm hổm trên ghế như đi cầu tiêu và xỉa răng như quét chợ, những câu chửi đời phun ra giữa hai lần và soàn soạt nghe thối không chịu được, nhưng mẹ bảo, khách đã là thượng đế thì thế chứ bĩnh ra đây mình cũng phải nuốt, quên đi mà vui sống con ơi. Tôi phải nhận là nhân sinh quan nguyên mậu dịch viên chỏng lỏn phũ phàng của mẹ bây giờ đã đầy hài hước và tình người.
Ngày ở đây trôi điên khùng hơn mây trong tivi ở nhà bà ngoại, từ mười rưỡi trở đi không có phút nào để nghĩ linh tinh, chỉ buổi sáng ngồi nấu bếp tôi mới vẩn vơ lẩm nhẩm những thực đơn chủ nhật để nhìn vào xoong chải không bị rùng mình. Tôi biết rõ nồi canh hôm nay là nồi canh hôm qua ngụy trang bằng hành tươi và nồi canh hôm qua là nồi canh hôm kia, còn trong xoong thịt đang vui vè sình sịch màu cánh rán kia là hai cân mốt ế chợ chiều, ruồi và cứt ruồi bám như đậu đen vừng đen. Nhưng khách nhà tôi sống gấp vào ngày quá, thức ăn không ở lâu trong miệng cuống cuồng chạy thẳng xuống dưới, chẳng ai có thời gian nhằn ra canh hôm qua canh hôm nay. Phần tôi lẩm nhẩm một lúc giò hoa ám nguyệt, chả cá ngọc lan đình, canh bạch tuyết, gà tần hải sâm... cũng qua cơn rùng mình. Tôi chẳng biết hải sâm là gì, nhưng nghe rất bổ. Hễ bổ là ngon, bà và mẹ đều nhất trí như vậy. Thế thôi. Tôi không khó khăn như bà không xuề xoà như mẹ. Bếp đầu thế kỷ bếp cuối thế kỷ của mẹ và bà ngoài ra đều nhất trí ở mục đánh lừa người ăn. Cái ruột cá của bà thì nống thành râu rồng. Miếng chả của mẹ thì toàn bột và bột. Bà cho người ta no bằng tai và mắt. Mẹ cho người ta no bằng độn cứng dạ dày. Cả hai đều hết lòng kính trọng prôtít. Đến lượt mình ở thế kỷ hai mốt không khéo tôi kết hợp cả hai nghệ thuật lừa mị, cho bà mẹ thành bất tử trong một trường phái có thể đặt tên là "Việt Nam bếp núc tân cổ giao duyên," tôi sẽ tẩm quất cả tai mắt lẫn dạ dày và cộng thêm lòng sĩ diện của khách, rút cục thì cái đáng ngại là sĩ diện của khách chứ không phải sĩ diện của tôi. Và sẽ viết một cuốn sách dạy dỗ nhiều điều bổ ích hơn tất cả những sách nấu ăn tôi đã học mỗi chủ nhật ở thư viện Hà Nội trước khi đến báo cáo thực đơn trong tuần với bà ngoại.
Cơm xích lô nhà tôi đang hưng thịnh, nghệ thuật của mẹ đang ở đỉnh cao và tôi đọc vừa hết sách nấu ăn của thư viện Hà Nội thì công an đi chiến dịch "Sạch đẹp thành phố" ào qua khuân hết lên đồn, tôi từ trong bếp chạy ra thấy mẹ lăn lộn trên những mảnh bát vỡ trong vũng canh cua xanh xanh xám xám, gạch cua bết vào tóc mẹ như cườm. Lúc ấy còn sớm chưa có khách ăn. Anh Thái cầm vòi cao su lần lượt nhằm vào từng món ngổn ngang trên mặt đất xả như rửa xe máy, mỗi xả một "Ông thì sạch này!", mỗi xả một "Ông thì đẹp này!". Cả quãng phố thành nồi canh thập cẩm lênh láng, mẹ tôi thấy thế thì nhỏm dậy cười rũ rượi, cườm gạch cua dính trong tóc rung rinh rung rinh.
Hôm ấy không có việc nên tôi về thăm bà. Bà ngoại lấy tôi làm lịch, than rằng bà mới chợp mắt một lúc mà đã hết tuần. Thực ra đây là một ngày thứ tư. Tôi không đính chính để bà được thọ hơn nên lại mang thực đơn chủ nhật ra báo cáo. Tuần vừa rồi có bạch hạc hầu cờ, gà chi lan, vịt viên tuyết hoa... Bình thường sau mỗi món ăn bà chỉ "ừ", tôi đoán bà cũng chẳng biết đấy là món gì, sách tôi đọc trong thư viện Hà Nội toàn loại mới soạn sau này, tác giả phần lớn là người trong nam, họ ăn uống hiện đại nghĩa là cho nấm, dăm bông và ngò vào mọi món. Trong quyển "Việt Nam phong tục" tôi thấy ông Phan Kế Bính cũng là người đầu thế kỷ viết rằng việc ăn uống của ta sơn hào hải vị chẳng thiếu thức gì, chỉ hiềm cách nấu nướng thì còn vụng lắm, thợ nấu ăn chẳng qua là mấy tay người nhà đầy tớ theo tục mà làm thế nào cho ăn được thì thôi chứ không ai học nấu ăn cao siêu gì. Mẹ cũng bảo: "Ôi dào tao chém to kho mặn, còn bà thì í à cũng đến ba món xào dăm món nấu, vây cá vịt hầm là hết." Cho nên mỗi chủ nhật nghe bà "ừ" tôi được mừng, nửa phần là xoá bớt tội cho mẹ, nửa phần là thực đơn tôi soạn thế là không chỉ ngon cho riêng mình. Trong cái hộp diêm kín mít khói và mây tranh nhau trôi qua lỗ thông hơi này một miếng ngon tôi nhặt ở đâu mang đến cũng đủ để bà cháu mềm môi cả tuần. Có thể những cố gắng Hán Việt của tôi bây giờ làm cho đầu thế kỷ của bà oanh liệt hơn thực tế. Có thể đầu thế kỷ của bà làm thiên niên kỷ sắp tới của tôi nhố nhăng hơn tự nó. Tôi không lục vấn, không buồn, chỉ thỉnh thoảng hơi lúng túng vì mỗi người gắn với mỗi thời tự nhiên như tranh gắn vào khung, phần tôi chưa biết gắn vào đâu, cứ vất vả đi vào khung này đi ra khung kia mãi không được ổn định. Thế thôi. Tôi không khó khăn như bà không xuề xoà như mẹ.
Lúc kể đến món hải sâm hấp chim không thấy bà "ừ", tôi nhìn mặt bà thấy nụ cười là lạ nên chột dạ, sợ bà hỏi hải sâm là cái gì thì có lẽ cả bà lẫn cháu đều khó nói năng. Nhưng bà không hỏi, chỉ cười mãi, rồi nói rất dịu dàng: "Con hải sâm, con đột đột ấy khi ăn lấy nước cua đồng mà ngâm..."
Tôi nhẹ người, trong mâm cơm sơn son đây lồng bàn sa đen của bà thế là cũng có ít nhất con hải sâm. Nhưng bây giờ tôi vẫn không biết con đột đột là con gì. Đợt mãi không thấy bà dạy thêm, tôi cúi nhìn mặt bà một lúc rồi co cẳng chạy ra ngoài. Đến Hồ Hoàn Kiếm tôi sực nhớ là quên cài cửa nên quay lại. Bà ngoại vẫn nằm đồ sộ trên toàn gia sản nhìn mây trôi. Tôi lưỡng lự rồi xin phép bà vào vuốt mắt. Bây giờ bà có thể chợp mắt một lúc là hết thế kỷ nhưng điều đó chẳng quan trọng, hôm nay là chủ nhật, ngày mai là chủ nhật, ngày kia cũng là chủ nhật, đấy mới là điều quan trọng. Tôi lấy hết sức khẽ nhấc một đầu ván rút ra được quyển kinh Phật để vào tay bà. Bà nằm hơi cập kênh nhưng không sao, kinh Phật bây giờ chuyển sang chống phần hồn. Hồn bà cũng đồ sộ. Tôi đốt một lúc không biết bao nhiêu nén hương cho bà được thơm rồi cài cửa ra về. Ở quán, anh Thái ngồi một mình hát bài "Chiều thu buồn". Mẹ tôi chắc đã lên đồn mời thuốc ba số. Hai đứa không biết làm gì, tự nhiên đi cả vào bếp. Anh Thái luồn nhiều trứng vào cổ áo tôi. Tôi để anh giúp tôi hứng trứng suốt một chiều buồn. Sau này nhất định tôi sẽ lấy chồng. Những lúc tan hoang như thế này có chút đàn ông bên cạnh nếu được hôn nữa thì ngày cũng trôi qua.
Nhiều ngày trôi qua. Ngày nào tôi cũng đến thăm bà ngoại buổi sáng, buổi chiều về chơi trứng với anh Thái. Sách nấu ăn cạn rồi, bây giờ tôi lấy dần những tờ năm nghìn lịch sự trên bàn thờ ông ngoại đi mua đặc sản về trình bà. Đặc sản thật. Mỗi hôm một món. Tôi vào những tiệm có mấy cô trẻ trẻ như tôi mặc váy chẽn. Tiệm nào cũng na ná nhau, gồm hai ba chục món cố định đặt tên bằng ba thứ tiếng chứ không phong phú và Hán Việt như thực đơn chủ nhật của tôi. Tôi khắc phục bằng cách thêm nấm, dăm bông, và ngò vào mỗi món. Thưa bà hôm nay có kim kê hoàn lạc thủy. Hôm nay có xuân hoa ngũ sắc. Hôm nay có cơm bát bửu lá sen. Bà luôn vừa lòng, người già im lặng thế kia là vừa lòng, nên xong phần chính thống tôi cũng đánh bạo bình luận ngoài lề. Theo tôi thì người ta nhúng tay can thiệp thật lộ liễu vào đồ ăn, nhìn sự chăm sóc cho màu hồng của cà rốt nổi bật cạnh màu dưa chuột xanh và những miếng phồng tôm tênh hênh cưỡng xoè một vành hoa trắng ngậy tôi thấy lõa lồ quá. Theo tôi rút rỗng một con vịt để ngồi vào đó một con gà, trong con gà lại là con bồ câu, và tất cả chín nhừ trong một quả dưa khổng lồ là một cái gì điên đảo đã sáo mòn. Theo tôi âu yếm với đồ ăn không phải là mơn man khắc khắc tỉa tỉa trên những quả cà chua rất vô tích sự, không phải là nhồi thịt vào những cọng giá, còn những kinh nghiệm mậu dịch của mẹ tôi thì khỏi cần trích dẫn, đấy là hành hung. Là tàn phá. Âu yếm với đồ ăn khác xa thần phục prôtít. Khác xa những cái tên kêu quá thể. Tình yêu trong miếng ăn đòi rất nhiều sự nguyên vẹn dịu dàng của cả đôi bên.
Theo tôi... Tôi không có gì mà theo. Tất cả lí thuyết hăng hái của tôi dựa trên suất cơm xích lô đùm vào trang sách nấu ăn của thư viện Hà Nội đặt trong chiếc mâm sơn son. Thế thôi. Thậm chí tôi không biết con đột đột là con gì.
Nhưng bà ngoại không thể nhìn tôi ngượng. Khói mù mịt quá và ruồi bu như mưa đen. Mỗi lần mở cửa tôi nép sang bên cho một trận mưa đen thốc ra, cuốn theo một chút của bà và chút lễ mọn của tôi. Tôi thắp thật nhiều hương, đặt thêm một đĩa xuống sàn đã la liệt sơn hào hải vị rồi ngồi xuống báo cáo thực đơn. Tôi không thấy rõ bà, hôm nay dường như bà thêm đồ sộ trương phình, xé quần áo chật mà bung ra, ngày mai dường như sắp tiêu tán, ruồi và kiến sắp khiêng bà đi vào cuộc du lịch xuôi ngược một kiếp người. Dường như bà ngả sang màu Phật, áo phin nõn trắng bây giờ thành nâu. Dường như nụ cười của bà nở phồng một đóa hoa tím.
Tôi tiêu đến tờ năm nghìn cuối cùng trên bàn thờ thì sàn nhà cũng không còn chỗ để dọn thêm một đặc sản. Bà ngoại nằm nghiêng trên sàn. Mặt hướng ra cửa chờ tôi, miệng kề bát vây cá, một dòng rùng rợn từ bát nấu dâng lên hay từ miệng bà xuôi xuống bát nấu. Tôi cố trấn tĩnh, xin bà lại về chỗ cũ ngoảnh mặt xem mây trôi qua ông ngoại thì hơn, tiệc nằm thế này lộn xộn quá. Nhưng hai tấm ván cập kênh đã ụp xuống toàn gia sản của bà. Những cô tiên nhẹ như bông trên chiếc bô sứ Trung Quốc nằm quằn quại ngổn ngang. Tôi nhắm mắt lại. Lúc mở mắt ra tôi thấy triệu triệu con ròi bận rộn.
Tôi co cẳng chạy ra ngoài. Chạy thẳng vào bếp tìm anh Thái không thấy anh Thái. Chỉ có trứng vỡ chưa ai dọn, chiều hôm qua chúng tôi chơi hăng quá trứng rơi nhớp khắp ngường. Mẹ tôi đã được dịp cho hẳn anh Thái về làng Bưởi, có lẽ sắp tới anh đi xe thồ. Tôi bảo mẹ bà thèm món mọc đông. Tôi sẽ nấu để mẹ mang cho bà dùng. Để bà và mẹ xích lại gần nhau. Cỗ ma tôi dọn xong rồi, còn một món chót xin mẹ tự tay dâng bà với sự chứng kiến của ông ngoại. Vả lại mẹ biết phải làm gì với hai tấm ván. Tôi lấy vải màn lọc nước bì, nấm cắt chân thật sát, tiêu thì rang sớt...
Mẹ đi thăm bà, tôi không biết làm gì, ngồi hát bài hát nghe lỏm của anh Thái. Tôi hát nhảy cóc từ câu này sang câu kia linh tinh. Những lúc vắng vẻ như thế này hát đi hát lại một bài chỉ thuộc lõm bõm thì ngày cũng trôi qua.
Tuần sau chiến dịch sạch đẹp thủ đô lắng đi, cơm xích lô nhà tôi lại mở.

Xem Tiếp: ----