Ngày mùng một Tết là một ngày đặc biệt. Nếu bạn phản bác lại rằng chẳng có ngày nào giống ngày nào và mỗi ngày đều là một ngày đặc biệt thì tôi cũng không biết nói thế nào nhưng ý tôi là ngày mùng một Tết đem lại cho ta những cảm xúc rất lạ. Hà Nội trở nên vắng lặng, thưa thớt người xe và bạn bỗng nghĩ rằng mình đã lạc vào quá khứ mười lăm hai mươi năm về trước. Mặc dù hai bên đường vẫn là những tòa nhà cao tầng thường ngày nhưng cái mùi vị của quá khứ vẫn thoang thoảng trong tâm trí của bạn. Và nếu bạn giống như tôi, rảo bước trong cái ngõ nhỏ khu tập thể nhà mình, đến khoảng sân rộng nơi có cây nhãn từng chứng kiến những năm tháng ấu thơ của mình, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn cái hương vị của quá khứ ấy.
 Sau một đợt rét dài bất tận không khí lạnh liên tục tràn về, thì đúng ngày mùng một Tết này, trời lại bắt đầu hửng nắng. Tôi nhìn những tia nắng còn non tơ qua kẽ lá và cảm thấy lòng ấm áp. Tôi nhớ ngày xưa khi những tia nắng ấy rạng ngời và nghịch ngợm, mình cũng đứng đây nheo mắt ngước nhìn lên. Ở trên cây là một cô bé đang ngồi vắt vẻo thưởng thức những trái nhãn vừa hái được.
Cho mình ăn với- tôi thèm thuồng.
Cậu lên đây đi.
Cậu thừa biết là mẹ không cho mình trèo cây mà. Với lại cái cây này cao quá.
 Thực ra cái lí do sau mới là lí do chính. Mỗi khi không thích làm gì tôi lại đổ thừa cho mẹ. Ví dụ như bạn rủ đi chơi mà không thích đi thì tôi sẽ bảo “Mẹ không cho đi”, hay nếu mình nói sai mà đứa khác cãi lại thì tôi sẽ bảo “Mẹ tao dạy thế”. Khi lớn lên rồi, con người ta có cái thiệt thòi là không thể đổ trách nhiệm cho cha mẹ nữa.
 Con bé đó đành phải vứt một chùm nhãn xuống cho tôi. Tôi ngồi phịch xuống gốc cây bóc nhãn ăn.
Nhãn mẹ mình mua ngon hơn. Mình không hiểu tại sao các cậu cứ phải khổ sở đi trèo cây hái quả trong khi có thể dễ dàng đi mua.
Không phải đứa nào cũng có được một bà mẹ như mẹ cậu. Và nhãn cậu tự hái bao giờ cũng ngon hơn nhãn người khác hái cho. Mà nhất là hái trộm thì lại càng ngon.
 Tôi không thực sự hiểu những lời nó nói nhưng nghe cũng có vẻ hợp lí. Con bé ấy lớn hơn tôi một tuổi và biết rất nhiều thứ mà tôi không biết. Tên ở nhà của nó là Bống. Nghe thật dễ thương phải không? Nhưng thực ra nó nghịch không kém gì con trai mà tóc cũng chẳng dài như con gái.
 Có một dạo tôi và nó suốt ngày chơi bóng bàn cùng nhau ở cái bàn bóng bàn bằng đá dưới bóng cây nhãn. Tôi cũng không chắc cái bàn đá ấy có phải dùng để đánh bóng bàn không nhưng chúng tôi đã chơi bóng bàn ở đó. Lưới được thay bằng những cục gạch xếp ngang còn vợt và bóng thì như bình thường. Bóng đập trên mặt đá cũng không giống như đập trên mặt bàn bình thường, thỉnh thoảng còn có thể đổi hướng bất ngờ ở những chỗ đá nứt. Người chiến thắng trong những trận bóng bàn thường là tôi. Và đến khi trình độ hai đứa chênh lệch đến nỗi Bống đánh cả ngày mà không thắng được tôi thì chúng tôi không chơi nữa. Bởi đến lúc đó, tôi thường phải chịu đựng những cơn giận dỗi của nó:
Cậu là con trai mà không biết nhường con gái gì cả.
Tại sao phải nhường?
Đồ ngốc. Điều đơn giản thế mà cậu cũng không biết à.
Tớ chỉ biết là khi đã chơi thì phải cố hết sức để thắng.
Rốt cuộc những trò chơi chỉ là để cho vui thôi. Cậu chỉ biết vui cho mình và để người khác buồn mà được à?
Nhưng…
 Tôi không thể nào cãi lại được nó. Lúc nào nó cũng là người nói đúng. Sau lần cuối cùng chơi bóng bàn, Bống dỗi và không chơi với tôi một thời gian. Tôi cũng chẳng cần. Ở khu tập thể tôi thiếu gì bạn. Nhưng càng tỏ ra bất cần, tôi càng phải đấu tranh với nỗi nhớ con bé ấy. Giữa tôi và Bống dường như có một sợi dây liên hệ vô hình luôn giữ cho chúng tôi ở trong tâm trí của nhau theo một cách nào đó. Hồi 5 tuổi, khi đang trèo lên ghế với lấy một món đồ chơi, tôi bị trượt chân ngã đập đầu xuống đất. Tôi choáng váng và tê cứng trong nỗi sợ hãi khi thấy những vệt máu đỏ thẫm trên sàn nhà. Mẹ nhìn thấy hoảng hốt lấy bông băng cầm máu rồi bế tôi sang nhà ông bác sĩ ở trong khu tập thể. Trong lúc ông khâu vết thương cho tôi thì có một con bé cứ tròn xoe mắt nhìn thằng bé tội nghiệp. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Bống, con gái ông bác sĩ…
 Một buổi tối, khi tôi đang hì hụi chép bài giải từ quyển “Để học ‘dốt’ Tiếng Việt” thì điện bỗng phụt tắt. Tôi định đốt nến làm bài tiếp nhưng mẹ không cho vì sợ tôi hỏng mắt. Sau khi nghịch nến chán chê mà điện vẫn chưa về làng, tôi bèn chạy ra ngoài chơi. Ở đoạn gần bờ sông Tô Lịch lúc này, bọn trẻ con đang tụ tập chơi trốn tìm trong khi người lớn đứng hóng mát và chuyện trò cùng nhau. Tôi nhìn thấy Bống đang đứng ngước mắt chăm chú trước một bụi cây.
Này cậu làm gì vậy?- tôi tò mò hỏi, quên cả việc hai đứa đang chiến tranh lạnh.
Suỵt, mình đang bắt một con đom đóm.
 Tôi nhìn theo ánh mắt của Bống và trông thấy đốm sáng màu vàng xanh lập lòe. Chúng tôi cùng rình con đom đóm đến sát bờ sông. Lúc này nó sà xuống gần bên vai tôi. Bằng một động tác nhẹ nhàng và khéo léo, tôi đã nhốt được con vật ấy giữa hai lòng bàn tay của mình.
Bắt được mày rồi nhé- tôi reo lên.
Cho mình xem nào.
Bình tĩnh, cẩn thận nó bay mất.
 Tôi từ từ mở lòng bàn tay ra để Bống ghé mắt nhìn.
Ôi đẹp quá- con bé thích thú.
 Lúc ấy tôi không biết thứ gì đẹp hơn, ánh sáng lập lòe của con đom đóm hay là đôi mắt rạng ngời của Bống. Tôi ít khi nhìn kĩ khuôn mặt nó như lúc này. Nếu Bống để tóc dài thì có lẽ nó sẽ ăn đứt bất kì đứa con gái nào ở lớp tôi, kể cả Liên, con bé xinh nhất lớp mà tôi thích. Khuôn mặt Bống trắng trẻo, đôi mắt tròn và hàng lông mi rất đẹp.
Cho mình cầm nó đi- con bé nói.
 Tôi bèn chuyền con đom đóm sang tay Bống. Sau đó chúng tôi trèo lên một cái ống bê tông ngồi nhìn dòng sông Tô. Vào ban đêm trông con sông cũng có chút thơ mộng. Dẫu sao thì mấy trăm năm về trước, các vua chúa cũng từng đứng trên thuyền thưởng ngoạn khung cảnh con sông này. Và trong kí ức của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh chiếc vó đánh cá khổng lồ sừng sững đứng ở bờ bên kia khiến cho dòng sông trở nên thơ mộng biết bao. Ấy vậy mà từ khi nước thải từ đâu xả ra sông, nó mới trở thành một con sông kinh khủng. Tôi sợ chết khiếp mỗi khi đá bóng rơi xuống sông. Thà mất toi quả bóng đắt tiền chứ chẳng dám xuống nhặt. Và cái chết đáng sợ nhất là chết đuối dưới sông Tô Lịch. Tôi đã từng nghe bọn trẻ chăn trâu kể về những tử thi trương phình bốc mùi hôi thối được phát hiện trên con sông này. Và trí tưởng tượng phong phú của một đứa trẻ khiến tôi nghĩ đến những hình ảnh vô cùng khủng khiếp. Tôi tự nhủ rằng nếu có muốn chết thì cũng đừng chọn dòng sông này mà quyên sinh. Nhưng lúc ấy ngồi bên cạnh Bống, tôi không cảm thấy có chút đáng sợ nào dưới dòng sông ấy. Con bé chợt bảo với tôi:
Cậu có thấy người lớn rất rắc rối không?
Có. Nhiều lúc mình chẳng hiểu được họ. Lúc thì thế này lúc thì thế kia. Chẳng biết đường nào mà lần. Ví dụ như hồi xưa mẹ mình dạy tắm xong phải mặc áo trước. Bây giờ lại bảo tắm xong phải mặc quần trước. Thật chẳng hiểu ra làm sao.
Mình rất ghét cái kiểu của mẹ mình. Mỗi lần giận bố, mẹ lại mắng mình. Làm trẻ con thật là khổ, người lớn lúc vui vẻ thì ngọt ngào với mình, khi buồn bực thì trút giận lên mình ngay được. Mình chỉ muốn được làm người lớn để không ai có quyền bắt mình phải thế này thế kia.
Mình cũng thế.
Này, bố mẹ cậu có hay cãi nhau không?- Bống hỏi tôi.
Thỉnh thoảng.
Bố mẹ mình thì suốt ngày cãi nhau. Mình không hiểu sao họ không li hôn quách cho rồi.
Li hôn là sao?- tôi ngạc nhiên hỏi.
Nghĩa là không ở cùng nhau nữa. Mỗi người sống một nơi.
À ra vậy.
Này, lớn lên cậu phải yêu thương vợ mình đấy nhé, không được đối xử tệ với cô ấy đâu.
Tất nhiên rồi. Mình sẽ lấy Liên và sẽ yêu thương cô ấy. Mình sẽ không bao giờ mắng cô ấy như bố mắng mẹ.
Liên là ai?
Học cùng lớp 4A với mình.
Xinh không?
Có chứ, mình chưa gặp ai xinh như cô ấy.
Liên có thích cậu không?
Chưa, nhưng mình sẽ làm cho cô ấy thích mình.
Nếu cô ấy không chịu lấy cậu thì bọn mình sẽ lấy nhau nhé.
Ừ, thế cũng được.
 Chúng tôi cứ ngồi nói với nhau những câu chuyện trẻ con như thế. Chú đom đóm vẫn lập lòe trong lòng bàn tay tôi. Bống bảo tôi:
Thôi cậu thả nó ra đi. Cho nó bay lên trời. Nãy giờ cứ phải ở mãi một chỗ, tội nghiệp lắm.
 Tôi thả cho chú đom đóm bay đi. Một đốm sáng lập lòe lại trở về với bầu trời mênh mông…
 Thời gian thấm thoát trôi đi. Tôi và Bống vẫn chơi với nhau cho đến ngày bố mẹ cô li dị. Bống phải theo mẹ chuyển đi nơi khác. Chúng tôi không còn liên lạc với nhau từ đó. Những bạn bè mới và những trò chơi điện tử hấp dẫn nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà cô bé để lại. Nhưng giờ đây, khi đứng trước cây nhãn, tôi lại nhớ đến cô ấy. Không biết giờ này cô ấy đang ở phương trời nào.
 Thời gian đã khiến cho rất nhiều thứ thay đổi. Bàn bóng bàn bằng đá không còn nữa. Trong khoảng sân mà tôi đang đứng bây giờ có ba chiếc Matiz và một chiếc Camry. Khu vực này giờ cũng gần như là trung tâm mới của thành phố. Mọi thứ đã thay đổi. Chỉ có cây nhãn là vẫn đứng đó. Những tán lá xôn xao trong cơn gió nhẹ. Tôi giật mình quay lại. Không chỉ có mình tôi đang đứng ngắm cây nhãn. Tự bao giờ, có một cô gái cũng đang đứng đó. Cô có mái tóc dài đi giày cao gót nhìn rất nữ tính, đứng bên cạnh chiếc LX màu trắng. Và khi cô tháo chiếc kính đen, tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc của mười lăm năm trước. Đó là cô bé ngày xưa ngồi vắt vẻo trên cây nhãn này… 
Hết
 

Xem Tiếp: ----