Chưa bao giờ ông Bân lại thấm thía câu:”Lá rụng về cội “như những ngày cuối đời nhất là khi năm hết Tết đến ông lại càng thấy nhớ quê da diết. Ông thèm một lần sống trong cái không khí ấm cúng gia đình có cháu con kéo về quây quần quanh mâm cơm chiều tất niên.Một ước muốn quá đỗi bình dị vậy mà chẳng thể nào có được,mãi cũng chỉ là giấc mơ… Gần bốn mươi năm trời ông chưa một lần về thăm quê, mẹ ông có còn chờ được đứa con bất hiếu này trở về để gặp trước khi nhắm mắt hay không ông Bân cũng chẳng biết nữa…Trong thâm tâm ông ao ước được đón cái Tết cuối cùng với mẹ và cầu xin bà tha thứ cho sự phản bội của ông bao nhiêu năm trốn bỏ quê hương, nơi có người mẹ già từng ngày mòn mỏi chờ tin đứa con duy nhất từ trời Tây xa lắc…Ông khao khát mong được trở về tạ tội với vong linh của bố và hai người anh trai đã khuất rồi thanh thản nhắm mắt ở nơi đã sinh ra. Với ông thế là toại nguyện lắm rồi...Nhưng về bằng cách nào khi trong tay không có nổi mấy trăm grivna?° Anh em bạn bè, những người có thể nhờ vả đều đã từng giúp ông không chỉ một lần, giờ lại nhờ vả nữa thì ngại lắm…Mà chắc gì họ còn muốn giúp một con người suốt ngày rượu chè bê tha như ông cơ chứ? Nghĩ đến đó ông Bân lại ngửa cổ nốc cạn chén rượu. Bây giờ chỉ còn rượu làm bạn và chỉ có rượu mới mong quên đi tất cả…Nhưng càng uống ông lại càng thấy tỉnh táo lạ thường và hình ảnh quá khứ cứ lần lượt hiện về trong tâm trí ông như mới hôm qua… Ông Bân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung lam lũ nghèo khó. Cha ông mất sớm để lại cho mẹ ông ba đứa con thơ.Mẹ đã ở vậy, cố lần hồi khoai sắn, rau rợ nuôi ba anh em ông khôn lớn. Rồi cả hai anh của ông lên đường nhập ngũ và lần lượt hy sinh trong chiến trường Cam Lộ - Quảng trị vào thời điểm cam go ác liệt, đúng dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Ngày đó thanh niên hăng hái xung phong đi bộ đội, ông Bân cũng lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện gấp rút, đơn vị ông được cử vào tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Trên đường hành quân, ông bị sốt rét rồi dính pháo kích của địch. Chưa kịp đánh đấm trận nào ông đã bị thương được đưa về tuyến sau điều trị. Khi vết thương đã lành cũng là lúc ông nhận được quyết định cử ông sang Liên Xô theo học ngành kỹ thuật quân sự. Ngày đi mẹ không dặn ông nhiều chỉ nhắc ông phải chú ý giữ gìn sức khỏe và học tập thật tốt xứng đáng với hai người anh đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc để ông được ưu tiên xuất ngoại du học. Bà đã thất học nhưng lúc nào cũng mong ước con mình được học hành tử tế dù vất vả thế nào bà cũng cam chịu … Mẹ vốn hiền lành ít nói nhưng mẹ lo cho ông lắm bởi trên đời này mẹ chỉ còn mỗi mình ông là niềm tin và chỗ dựa duy nhất giờ lại sắp đi xa biền biệt sáu, bảy năm trời…Vậy mà bà cố giấu không để lộ sự lo lắng cho ông an tâm trước khi lên máy bay sang Liên Xô. Bà động viên ông đừng phải suy nghĩ gì, ở nhà lúc trái gió trở trời đã có bà con lối xóm qua lại thăm nom, chăm sóc…Ông nghẹn ngào ôm mẹ khóc như một đứa trẻ rồi hứa sẽ học thật tốt để đem kiến thức về phục vụ Tổ quốc và sớm trở về chăm lo cho mẹ. Những ngày đầu mới xa quê ông không lúc nào nguôi nghĩ tới mẹ. Nhìn những bữa ăn đầy đủ ở bên Tây ông lại nhớ những bữa ăn đạm bạc cơm hấp sắn khô với ngọn rau khoai lang luộc chấm nước mắm cáy mẹ ở quên vẫn ăn hàng ngày tự nhiên ông trào nước mắt. Tối ngủ trong chăn ấm nệm êm, thơm tho sạch sẽ ông nhớ đến chiếc giường tre cũ kỹ trải chiếu đã sờn với tấm chăn bông cả đời không giặt. Mùa nóng đem ra rũ, phơi rồi đập qua cho bớt bụi bớt hôi của mẹ ở quê nhà…Mỗi lần nghĩ đến mẹ là mỗi lần ông lại khóc. Ngày đông giá rét choàng mảnh ni-lông cho bớt lạnh mẹ vẫn xắn quần ngâm chân lạnh dưới bùn để cấy lúa. Ngày gần Tết gió Bấc lạnh buốt cũng chẳng bao giờ có đôi tất ấm để đi, không có mũ áo ấm để mặc. Rét quá thì mẹ lôi những chiếc áo cũ mặc vào trong dăm chiếc rồi trùm chiếc áo rộng nhất ra ngoài, đầu đội vuông khăn bằng vải gụ rẻ tiền…Ông không dám so sánh nữa mà chỉ biết hạ quyết tâm học cho giỏi để rồi trở về chăm sóc phụng dưỡng báo hiếu mẹ. Nhưng chỉ một năm sau, bơ sữa thịt cá đã làm ông thay da đổi thịt và con người ông cũng thay đổi theo. Ông không còn thường xuyên cùng các bạn lên thư việc đọc sách hay đến phòng thí nghiệm trong những giờ tự thực hành hay sau những giờ lên giảng đường nữa mà dành thời gian cùng mấy đứa bạn rủ nhau đi tán tỉnh đám gái Tây đua đòi hư hỏng. Bạn bè nhắc nhở, họp hành kiểm điểm thì ông xin chuyển phòng khác để tự do chơi bời phóng túng và thóat khỏi sự kiểm sóat kìm kẹp của anh em cùng đoàn Việt nam. Đang sống trong điều kiện đất nước có chiến tranh, cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn chưa một lần biết cầm tay người khác giới, giờ đây được ôm với những cô gái tóc vàng chân dài thân hình gợi cảm như tiên nữ ông làm sao mà dứt bỏ được những cuộc vui như thế này? Tiền học bổng ông được nhận thay vì dành dụm mua đồ đóng hàng gửi về thì ông dành cho những cuộc vui thâu đêm … Nhiều lúc ông cũng giật mình …nhưng sau đó ông lại chép miệng tự nhủ rằng chỉ có mấy năm du học nên tranh thủ mà hưởng thụ kẻo sau này về nước thì cố nằm mơ cũng chẳng có…Ông như con thiêu thân lao vào ánh đèn mà chẳng để ý thời gian trôi qua thật nhanh sáu năm học sắp kết thúc. Bạn bè ông chúi mũi vào chuẩn bị các đề án để bảo vệ trong lễ tốt nghiệp. Riêng ông lại lo sợ ngày ấy đến gần… Vốn quen với lối sống tự do, buông thả. Nơi ăn chốn ở được nhà trường lo, tiền sinh hoạt được nhà nước chu cấp dưới dạng học bổng nên ông mặc sức ăn chơi chẳng lo lắng học hành gì. Đến gần ngày thi tốt nghiệp ông vẫn chưa chuẩn bị xong đề tài bảo vệ thì làm sao nhận được bằng mà về nước được? Ông bắt đầu hối tiếc và lo sợ…Sau mấy đêm mất ngủ ông quyết định bỏ trốn, đáp tầu hỏa từ Kiev xuống Baku để sống cùng với cô bạn gái bị nhà trường kỷ luật. Cuộc sống của kẻ đào ngũ lại ăn nhờ ở đợ bạn gái khi tiền bạc đã cạn khiến ông nhiều lúc cảm thấy nhục nhã ê chề nhưng đành phải cắn răng chịu vì không còn con đường nào khác…Chính ông đã đưa ông vào con đường ấy và còn làm khổ cả mẹ sẽ bị liên lụy khi đòan đi du học sáu năm trước trở về còn con bà thì đào ngũ trống biệt tăm mất dạng… Ông biết mình là đứa con bất hiếu. Ông hối tiếc, ân hận nhưng mọi việc đã quá muộn…Kể từ đó ông thành kẻ lưu vong… Để có miếng ăn bỏ vào miệng và tồn tại được nơi đất khách quê người ông phải làm đủ mọi việc từ chăn bò, vắt sữa, trồng khoai tây, thu hoạch bắp cải…cho các nông trại đến bốc vác cửu vạn…Miễn sao có tiền để sinh sống. Rồi cũng chẳng biết từ khi nào ông sinh ra cái tật uống rượu triền miên. Mới đầu ông uống rượu để chống chọi với cái lạnh của mùa đông âm mấy mươi độ. Dần dà ông đâm ra nghiện nặng và thường mang rượu ra để giải sầu. Chán nản, vợ ông ôm con theo một người đàn ông bản xứ và ông cũng chẳng còn cớ gì để mà nán lại trong gia đình vợ nữa. Không còn vợ con, mất cả nơi để tá túc, trú ngụ ông trở thành kẻ vô gia cư lang thang trôi dạt khắp nơi ai thuê việc gì thì làm việc đó để có miếng bỏ vào miệng mà tồn tại. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào ông lại dạt đến thành phố Đônhetxk, nhờ anh chị em lao động ở đó giúp đỡ, chỉ bảo cách làm ăn mà mà cuối cùng thì ông cũng dành dụm được số tiền kha khá. Nhiêù người khuyên ông nên trở về dù có phải chịu kỷ luật những cũng còn cơ hội được gặp mẹ kẻo sau này lỡ mẹ mất rồi có lại ân hận cũng chẳng thể tìm được mẹ … Ông cứ ậm ừ cho qua chuyện nhưng thực tâm không dám về. Ông sợ bị bắt và kỷ luật...Khi trong tay đã có chút đỉnh vốn liếng dành dụm được ông muốn quay lại Kiev để tìm kiếm cơ hội mới. Giữa lúc ấy 15 nước Cộng hòa Liên bang Xô viết tan rã, Ucraina là một trong 15 thành viên đó tách ra thành quốc ra độc lập và tất nhiên cũng có riêng tiền tệ ngôn ngữ…và đồng kupon được lưu hành thay dần cho đồng rúp của Nga. Trong bối cảnh chính trị, kinh tế còn rối ren giá cả tiền tệ cũng chênh lệch ông Bân đã nắm bắt được cơ hội nên dồn số tiền của mình mua rúp đem lên Matxcova đổi ăn chênh lệch. Được dăm chuyến thì ông bị công an kinh tế phát hiện, họ tịch thu toàn vốn liếng mà bấy lâu ông dành dụm được và thế là ông lại quay về với cảnh trắng tay. Chán nản, ông lao vào rượu để giải sầu. Một vài người buôn bán ở chợ thương cảnh ông, nhận ông vào làm nhưng cứ có đồng nào ông lại rượu chè, chơi bời cho hết rồi mới đi làm tiếp. ra đến chợ cũng chỉ biết tụ tập mọi người nhậu nhẹt đến say sỉn. Thói quen tự do vô kỷ luật từ thời sinh viên vẫn không hề thay đổi, dù bây giờ mái tóc ông đã điểm sương, khiến bà con chẳng ai cưu mang ông được lâu. Chỉ một thời gian ngắn họ đã trả công cho ông, rồi khéo léo giới thiệu ông đi kiếm việc ở nơi khác. Đã nhiều lần ông đã tìm đến các công ty của người Việt xin việc, nhưng vì tuổi tác đã cao lại không có trình độ chuyên môn nên chẳng nơi nào nhận ông cả. Ông quay về chợ đi bán nước chè nhưng cũng chẳng được lâu vì thiếu kiên trì, lại cẩu thả nên lại mất dần khách hàng. Nhiều đêm ông phải đi ngủ với cái dạ dày trống rỗng. May thay vào dịp cuối năm đói rét thì lại có mấy người Việt Nam làm giò chả gọi ông xuống vùng Vaxinkov ở ngọai ô Kiev để giúp họ cạo lông lợn làm bóng bì và làm lòng lợn mang ra chợ bán. Ông ở luôn đó vừa có việc làm lại đỡ mất thêm tiền thuê nhà. Đêm nay, tết cổ truyền Việt Nam, mọi người về hết chỉ còn lại mình ông. Ông đem ít lòng lợn ra luộc và cái khấu đuôi để nhắm rượu đón giao thừa. Không ngờ năm nay ông lại có một cái tết xôm ra phết, chí ít thì cũng có rượu và đồ nhắm hẳn hoi! Ông mỉm cười và tự rót thêm rượu cho mình cốc nữa Bao nhiêu năm phiêu bạt tha phương, ông Bân cứ ao ước được trở lại nhà quê, thế rồi ngày ấy cũng đã đến. Xuống sân bay ông chỉnh lại bộ com-lê rồi kéo va ly hành lý ra bắt tắc xi về quê. Gần bốn chục năm xa quê ông không thển nào tưởng tượng nổi đầt nước lại thay đổi đến thế. Ông ngỡ ngàng nhìn những tòa nhà cao tầng, những cửa hàng sang trọng mọc lên khắp nơi. Chà, chẳng kém gì tây, vậy mà ông cứ nghĩ đầt nước còn nghèo nàn lạc hậu chưa thoát khỏi đồng đổ nát của chiến tranh cơ …. Mải nghĩ xe đã về đến quê ông. Ông không tin vào mắt mình nữa: Cái làng quê nghèo khó của ông bây giờ đã trở thành trung tâm du lịch với các dịch vụ dành cho du khách mọc lên như nậm Anh chàng lái xe láu lỉnh nhìn điệu bộ ngơ ngác và bộ đồ sang trọng đắt tiền ông mặc trên người, chiếc dây chuyền to tướng ông đeo trên cổ, chắc đóan là Việt kiều xộp nên nhiệt tình hỏi thăm quê quán làng xẽ giúp ông. Thật vất vả ông đã tìm được nhà mình vì tên làng xóm thay đổi hết cả. Ngôi nhà lợp lá gồi của gia đình ông đã được thay bằng một ngôi nhà tình nghĩa khang trang. Chủ nhà là hai vợ chồng người thương binh nặng đã kể cho ông nghe về mẹ ông, lúc lâm bệnh nặng vẫn hy vọng ông sẽ trở về, nên khi trút hơi thở cuối cùng bà vẫn không nhắm được mắt …. Ông Bân ngước nhìn lên bàn thờ, với bốn tấm ảnh của cha, mẹ và hai người anh. Ông bỗng bật khóc nức nở khi nhìn vào đôi mắt đượm buồn nhưng độ lượng và bao dung của mẹ. Hãy tha lỗi cho con mẹ ơi, con là kẻ bất hiếu!!! Có tiếng nổ vang lên khiến ông Bân giật mình tỉnh giấc, thì ra bọn trẻ hàng xóm đốt pháo. Ông dụi mắt để xem mình đang ở đâu. Xung quanh cảnh vật vẫn quen thuộc như thế: mấy cái nồi đun nước làm lòng lợn bên cạnh là con dao nằm trên thớt vứt ngổn ngang, dưới chân ông là chai rượu chỉ còn vỏ nằm lăn lóc với đĩa lòng lợn đổ tung tóe... Thế là một năm mới nữa lại đến...