Mùa cố gắng bước qua những vũng bùn lầy lội đầu xóm để về nhà, đêm qua mưa một trận như thác lũ nay còn để lại những vũng nước lớn. Đang cố gắng kéo chiếc dép bị lún sâu dưới bùn non thì Mùa nghe tiếng cười rúc rích rồi tiếng gọi:
- Chị kia ơi!
Mùa ngửng mặt nhìn vào căn nhà mái ngói đỏ bên lề đường như có ý dò hỏi. Rồi một đứa bé trai khoảng 9, 10 tuổi thò đầu ra khỏi cổng bảo:
- Anh Hai em bảo chị đẹp quá chẳng thua gì... Chung Vô Diệm đâu!
Rồi tiếp theo đó là giọng la hoảng của người thanh niên:
- Thằng khỉ ăn nói bậy bạ!
và cổng khép kín lại với những tràng cười chen lẫn quát tháo. Mùa tức giận cố bước nhanh hơn...
Đã ngoài hai mươi tuổi nhưng Mùa vẫn còn cô đơn. Nàng biết mình xấu, vẫn thường mặc cảm với dung nhan của chính mình nên chưa một lần mơ ước được có đôi bạn như những người cùng trang lứa. Nhưng không ngờ hôm nay lại có người thanh niên chê bai mình trắng trợn như thế... Những bước chân rã rời, một tay xách giỏ, một tay đưa lên quẹt dòng lệ đang rơi xuống má. Đụng phải làn da, lòng Mùa càng tê tái hơn. Theo ngoại kể lại lẽ ra ngày trước định đặt nàng tên "Đẹp" theo ý mong muốn của bố, mẹ khi mẹ vừa mang thai. Nhưng lúc sinh ra Mùa vốn đã không đẹp rồi sau trận đậu mùa những vết tích trận bệnh đã biến đổi tên của Mùa từ đó...
Theo vận nước, Ba Mùa đi lính rồi tử trận, sau đó ngoại bệnh rồi cũng mất chỉ mới một năm nay thôi mà nhà mang hai cái tang nên Mùa phải phụ với mẹ hàng ngày ra chợ Bến Thành bán sinh tố để nuôi đàn em bốn đứa, được cái đứa nào cũng ngoan dễ bảo nên Mùa cảm thấy được an ủi, cứ trưa khoảng 2, 3 giờ là mẹ ra thế phiên cho Mùa đi về... Mấy hôm nay trời mưa, khí hậu dịu xuống nên buôn bán ế ẩm. Nhờ nhất là vào mùa hè, nóng nực thiên hạ đi mua sắm một lúc là đến hàng của Mùa để uống, có lúc phải sắp hàng.
Đến nhà, nghe tiếng khóc nhề nhệ của đứa em út, Mùa bước vào hỏi:
- Sao? Chuyện gì mà em khóc vậy?
Xuân, Hạ, Thu tranh nhau trả lời:
- Ngủ dậy không thấy mẹ nó khóc.
- Nó đói bụng.
- Nó đòi ăn mà không có gì cho nó ăn nên nó khóc.
Mùa đến bên em, kéo Đông đứng dậy, dỗ dành:
- Thôi đừng khóc nữa, để chị xuống nấu cơm cho em ăn.
Đông mếu máo một lúc rồi cũng quàng tay qua cổ Mùa đòi chị bế. Mùa ôm em vào lòng, một tình cảm dạt dào dâng lên nàng nhủ thầm:
- Thôi thì ta cứ sống thế này với đàn em cũng được!
Nhớ lại lời đứa bé lúc nãy, Mùa đưa mắt nhìn đàn em của mình. Đứa nào trông cũng được, hy vọng không xấu xí như mình để sau này chúng có lẽ đỡ khổ tâm hơn. Mùa còn nhớ một lần 12 tuổi, Mùa đi học, ngang cổng trường một cây bút máy của ai đánh rơi nàng và một con bé cùng trang lứa thấy cùng một lúc. Mùa nhanh tay cúi lượm trước, nó bảo của nó, Mùa cãi lại:
- Tui với trò cùng mới tới đây thấy của ai đánh rớt đâu từ đời nào sao trò nói của trò được?
Con bé đuối lý chỉ hầm hừ, khi gần tới trường thì phun ra một câu độc ác mà tới giờ Mùa nghỉ đến còn thấm thía:
- Đồ mặt rỗ. Đồ lọt... thùng đinh!
Mùa sững sờ giây lát và từ đó Mùa càng im lặng và đời sống càng khép kín hơn... Mùa về nhà buồn tủi bỏ ăn, mất ngủ, nhiều lần ba mẹ gạn hỏi nhưng Mùa cứ chối quanh. Ôm mãi nỗi buồn cho đến ngày nay... Rồi chiều hôm nay... càng buồn tê tái, Mùa cố xua đuổi những phiền muộn để lo cho các em.
Sáng hôm nay Mùa sửa soạn ra chợ trông hàng sớm hơn vì thấy trời nắng ráo, nhìn trời trong xanh, gió mơn man thổi Mùa quên đi phiền muộn và hy vọng hôm nay đắt hàng để kéo lại mấy ngày qua. Nhưng lúc đi ngang qua căn nhà ngói đỏ Mùa cảm thấy một sự tức giận thầm nhủ:
- Tại sao không có một ngõ nào khác để mỗi sáng, mỗi chiều nàng tránh căn nhà này? Chắc rồi cũng nhắm mắt làm ngơ để... qua truông!
Bỗng vừa ngang cổng, một thanh niên đẩy chiếc Honda lùi ra, Mùa đứng lại nép qua một bên tránh đường. Chàng thanh niên có vẻ hơi khựng lại khi gặp Mùa nhưng cũng gật chào, Mùa cảm thấy buồn buồn quay nhìn hướng khác, câu chọc ghẹo của đứa bé hôm qua nghe như còn rõ mồn một và Mùa đoán người thanh niên này có lẽ là anh cậu bé kia. Chiếc xe vút đi rồi Mùa nhìn theo cho đến khi bóng dáng cậu ta khuất hẳn. Nhớ lại lúc cậu ta gật đầu chào, Mùa tiếc nuối sao mình không nói một câu gì đó cho... hả giận?
Đúng như dự đoán, nắng trưa gay gắt, khí trời hầm hập thật khó chịu. Tiếng chiếc máy xay sinh tố, những ly nước đủ màu sắc nào mít, nào xoài, rau má... tạo nên một sự quyến rũ khách qua đường. Mùa làm luôn tay, dù bận rộn, mệt mỏi nhưng Mùa thích thú vì nàng nghĩ đến cuộc sống trong gia đình sẽ được những bữa ăn đầy đủ hơn...
Khách cứ nườm nượp hết lớp này qua lớp khác, nhìn chiếc đồng hồ lớn ngay giữa chợ Bến Thành thấy chỉ mới 12 giờ 30, Mùa mong mẹ đến sớm để phụ nàng vì vừa bán vừa thâu tiền thật mệt. Phía trước xe sinh tố có hai chiếc bàn nhỏ được che dù để khách có thể ngồi nghỉ chân và uống nước, nàng nghĩ thầm chờ khách vắng bớt sẽ ngồi xuống nghỉ chân một lúc...
Mùa mừng rỡ khi thấy bà Tám - mẹ nàng - hai tay xách hai giỏ đầy, nàng tươi cười:
- Trời ơi, đắt quá chừng má ra con thiệt đỡ!
Bà Tám soạn những thứ lặt vặt trong giỏ ra bảo:
- Má tới hồi nãy, thấy khách đông đen sợ thiếu trái cây để xay nên vô thẳng lòng chợ mua đó chớ! Thôi bỏ mấy thứ này vô xe đi.
Mùa phụ mẹ cất những trái cây tươi vào hộc xe rồi đứng dậy than:
- Mệt quá má à, con ngồi nghỉ một chút!
Bà Tám hỏi con:
- Có đói không? Má có đem cơm tôm kho rim với cải chua đó soạn ra ăn. À, hay thôi bữa nay chắc đắc hàng đi ăn bún ăn mì gì cho dễ nuốt đi!
- Dạ, con cũng thấy đói. Chắc chút con vô chợ ăn tô bún ốc, để con ngồi nghỉ một chút đã!
Mùa chưa kịp đến ngồi xuống ghế thì nàng bỗng giật mình khi thấy... chàng thanh niên đã gọi mình là Chung Vô Diệm đầu xóm đi cùng với một cô gái trẻ đẹp ngồi xuống cái bàn bên cạnh. Mùa bước vội lẩn khuất vào xe sinh tố, bà Tám thấy khách ngồi nơi ghế đon đả chạy ra chào mời nghe tiếng chàng thanh niên hỏi:
- Em uống gì?
Giọng người con gái nhẹ nhàng:
- Anh uống gì em uống đó!
Mùa nghe tiếng cười của hai người, rồi giọng người thanh niên:
- Bà cho tụi tui hai ly mãng cầu xay!
Bà Tám trở lại xe, Mùa lui cui xay hai ly mãng cầu rồi đẩy qua cho mẹ. Bà Tám vẫn vô tình không thấy con gái tự dưng im lặng không đòi đi ăn bún ốc nữa! Bà đem nước ra cho khách rồi quay lại hỏi Mùa:
- Sao chưa đi cho rồi!
Mùa nghe giọng mình như lạc đi:
- Chưa, con chưa đói!
Bà Tám dùng khăn lau dọn, sắp sửa mặt bàn ngổn ngang, ướt át... Riêng Mùa đứng nép một bên xe nhìn lén ra bàn có hai người khách đang ngồi. Thấy họ ngồi đối diện, hai ly nước chưa đụng đến, người thanh niên đang áp tay mình vào hai bàn tay nhỏ của người con gái. Người con gái rút tay lại chống hai tay lên bàn rồi tựa mặt mình vào đó... Mùa ngẩn ngơ nhìn hai bàn tay thon dài của cô gái rồi xòe bàn tay phải của mình ra ngắm nghía, vừa ngắn vừa đen đủi. Mùa cũng từng mơ ước những ngón tay búp măng nhưng suốt ngày ngâm nước, rửa ly và không hiểu sao Mùa lại mang thêm cái tật mỗi lần có điều gì lo âu, suy nghĩ là cứ đưa tay lên ngậm nhấm những móng tay... vốn đã sát rạt đến tận phao?
- Xấu ơi là xấu!
Mùa thốt ra khi nhận xét về bàn tay mình.
Bà Tám ngơ ngác:
- Cái gì xấu?
Mùa ấp úng:
- Không. Không có gì!
Nhìn theo tia mắt con thấy hai người khách đang âu yếm nhau bà chợt đoán được ý nghĩa câu nói của con. Bà thương xót:
- Thôi, con đi ăn gì đi!
Mùa thở dài, mở hộc tủ lấy tiền rồi quày quả bước đi...
Sau khi ăn uống xong Mùa trở lại thì không còn một người khách nào, nàng từ giã mẹ về để lo cho đàn em...
Lần bước vô xóm, ngang căn nhà ngói đỏ đầu hẻm tự nhiên Mùa thấy buồn bã hơn bao giờ hết. Mùa làu bàu:
- Mình cũng khùng. Bộ ghen hay sao vậy trời?
Rồi nàng cố xua đuổi những ý nghĩ vẩn vơ đi...
Mỗi ngày hai lần Mùa đều phải ngang qua căn nhà ngói đỏ. Mùa bực mình không hiểu sao cứ nghĩ ngợi đến cái gật chào của người thanh niên. Rồi thắc mắc không hiểu "họ" là gì của nhau mà sao thân mật thế? Hỏi rồi tự trả lời để thấy lòng phiền muộn hơn.
Đến một ngày, sau khi giao cửa hàng lại cho mẹ, Mùa đi chợ mua sắm cho việc mua bán nên trở về lúc tối trời... đến đầu ngõ, nàng bỗng giật mình khi thấy một chiếc Honda lăn kềnh dưới đất, cạnh đó một người đàn ông. Nàng cúi nhìn kỹ hơn:
- Thôi chết rồi đúng là ảnh!
Mùa la lên, vứt luôn hai cái giỏ trên tay chạy bay vào căn nhà ngói đỏ đập cửa. Đúng thằng bé đã gọi nàng là Chung Vô Diệm ra mở cửa, nàng quên cả giận hờn:
- Này em, có phải anh Hai em té đầu ngõ không? Ra coi thử coi!
Thằng bé ngơ ngác, Mùa lập lại:
- Tôi thấy ai té xe ngoài kia giống anh Hai em, ra coi đúng không?
Đứa bé hiểu ra theo Mùa chạy ra đầu ngõ, mới nhìn thoáng nó đã la lên:
- Đúng ảnh rồi!
May đường vắng nên hai giỏ xách của Mùa còn đầy đủ. Nàng giật mình tự trách sao vô ý, rủi ro...
- Chị phụ em một tay đem ảnh vô nhà đi.
Đứa bé nói, cắt đứt tư tưởng của Mùa...
Loay hoay một lúc Mùa và đứa bé mới đem được cậu thanh niên vào nhà, Mùa đích thân dựng chiếc Honda lên và dẫn vào sân giùm.
- Chị coi nhà hộ em chạy tới nhà dì em kêu ba má em về... gần đây thôi.
- Ừ! Lẹ lên nha.
- Cám ơn chị! Chắc kêu ba má rồi em đi kêu ông y tá gần đây luôn.
Đứa bé sắp bước ra còn cố quây lại bảo:
- Ảnh bị yếu tim cứ xỉu hoài hà.
Khi đứa bé đi rồi, Mùa lặng yên ngắm nhìn người thanh niên... tự nhiên, một tình cảm lạ lùng xâm chiếm. Nàng thẫn thờ nhìn quanh, bắt gặp chiếc khăn tay nhỏ lúc nãy thằng bé móc trên túi áo anh nó ra, Mùa cầm lên. Nàng nhét vội vào giỏ xách của mình...
Bỗng tiếng xô cửa, nàng trấn tĩnh lại. Bố mẹ và cậu bé lao vào. Bà mẹ chạy đến sụt sùi:
- Trời ơi, sao lạ vậy nè trời, cứ xỉu hoài vậy?
Người chồng đến đưa tay lên ngực con trai rồi bảo thằng bé:
- Gọi gấp y tá đi...
Đứa bé phóng chạy như bay ra cửa. Hai ông bà chào hỏi Mùa và không quên cám ơn rối rít, cửa lại mở, cô gái đẹp Mùa gặp hôm nào cùng đi với chàng thanh niên bước vào, mếu máo:
- Rồi, ảnh lại xỉu nữa rồi phải không bác?
và bà mẹ cùng cô gái òa khóc, ông bố gắt lên:
- Bình tĩnh lại coi, cứ khóc khóc làm người ta rối cả ruột.
Mùa nhìn kỹ cô gái thầm nghĩ:
- Cổ đẹp vậy hèn nào ảnh yêu cũng phải!
Rồi cô gái bắt chuyện, Mùa thủng thẳng kể lại. Cơ hội để Mùa hỏi thăm về họ. Đúng họ là nhân tình của nhau nhưng vì cậu thanh niên bị bịnh tim nên họ còn ở thời gian chờ đợi chữa trị nếu hết bịnh mới đi đến hôn nhân được. Nghe chuyện, Mùa nhìn cô gái với ánh mắt trìu mến, cảm phục hơn.
Lúc y tá đến, vừa nghe nhịp tim đã hối thân nhân đưa gấp chàng vào phòng cấp cứu.
Nhìn mọi người lục tục kêu réo nhau lên xe để vào bệnh viện Mùa cũng muốn đi theo nhưng thấy ngượng ngùng nên lặng lẽ xách hai giỏ xách ra về...
Sáng hôm sau Mùa ngang qua căn nhà ngói đỏ muốn ghé vào hỏi thăm nhưng cổng, cửa còn khóa kín nên thôi.
Buổi chiều, xe vừa đỗ ở bến Mùa vội vã vào căn nhà ngói đỏ hỏi thăm tin tức chàng thì được tin chàng đã tắt thở đêm qua. Theo lời thằng bé kể lại thì Tuấn - tên của chàng - bị bệnh tim phát tác hai năm nay, cứ thỉnh thoảng bị ngất xỉu nhưng đều được cấp cứu kịp thời. Lần nầy té xỉu giữa đường quá lâu không được cấp cứu nên đã từ trần. Mùa nghe như cả khung trời sụp đổ không còn đầu óc để trả lời những câu xin lỗi của cậu bé đã cùng anh gọi đùa nàng là Chung Vô Diệm nữa. Nàng khóc âm thầm trên đường về nhà và đưa chiếc khăn ngày nào của chàng lên thấm nước mắt với tất cả yêu thương.
°
Chiều tiễn chàng ra nghĩa trang Mùa tự biết mình không có tư cách nào để dự, nhưng chính nàng, nàng cũng không muốn ai hay biết mình đã ôm ấp một tình yêu đơn phương.
Đứng nép mình sau gốc cây, nhìn hôn thê của chàng liệng từng nắm đất xuống huyệt, lòng Mùa dâng lên nỗi buồn tê tái:
- Với dung nhan này có lẽ mình chỉ suốt đời chạy theo những mối tình ảo mộng. Ôi! Biết ai là người tri âm tri kỷ của ta đây?
Mùa than thầm với cõi lòng thê lương, tan nát...
Ái Khanh

Xem Tiếp: ----