Nhớ Thầy CAO ĐÌNH ĐÃI

Trong nền văn học cổ của nước ta có hai người tiêu biểu cho phái đẹp đó là Thúy Kiều và Thúy Vân của văn hào Nguyễn Du. Chúng ta thấy vẻ đẹp của Thúy Vân qua câu thơ:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang"
Thầy vừa đọc những câu thơ vừa đi về phía bảng đen và vòng một vòng tròn xoe. Đôi mày đen, thẳng, nhướng lên phía trán lộ vẻ trêu cợt, hóm hỉnh, hơi mỉm cười. Thầy vẻ thêm hai con mắt tượng trưng, rồi nét dọc, nét ngang cho vòng tròn, trên bảng hiện ra một khuôn mặt …Rồi thong thả nói:” Đó là khuôn trăng đầy đặn của Thúy Vân. Các em tưởng tượng ra không? “ Cả lớp cười rần trong tiếng lao xao “mặt bánh bèo…" giống nhỏ Tr, nhỏ H…Thầy lại "sụyt…im lặng các em" lấy lại vẻ nghiêm trang "và đây là nàng Vương Thúy Kiều tài sắc, là nhân vật chính trong truyện Kiều".
"Làn thu thủy nét xuân sơn"
Tả cảnh, tả người, văn hào Nguyễn Du đáng là thầy của những bậc thầy …Lời thầy giảng trong giờ giảng văn còn ghi lại trong tôi khá đậm nét.
Chạy vòng vèo trên những con đường của Sài Gòn vào giờ tan sở buổi chiều, kẹt xe liên tục, khói xe cay đỏ mắt, cứ chạy và dừng ở ngã tư …đèn đỏ…ngã tư …đèn đỏ. Lớp học của những năm cấp I I hiện lên trong tôi từng hình ảnh đứt đoạn, kết nối dài theo con đường dẫn đến Bệnh Viện nơi thầy đang nằm cấp cứu ở đó. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? “Ba mươi lăm năm”. Tôi nhẩm tính từ buổi học Văn đầu tiên với thầy là con bé cắt tóc thẳng băng trước trán, cái đuôi tóc nhỏng nhảnh ở sau, còn mặc áo đầm đi học. Rồi thầy làm giám học ở ngôi trường trung học công lập lớn nhất huyện.
Dâu bể đổi dời, thầy không còn dạy học nữa. Rồi xa cách mãi cho đến lần họp mặt cách đây mấy năm giữa một ít thầy cô giáo và học sinh của trường cũ. Ngậm ngùi vương trong mắt người thầy nay đã già. Thầy vẫn còn trong mắt chúng tôi, dáng vẻ từ tốn và nhỏ nhẹ. Mới đây thầy đã lo cất nhà lũ con của đứa học trò vắn số, vậy mà …đột nhiên tin về thầy là tin xấu quá. Thầy đang cấp cứu tại bệnh viện với căn bệnh quái ác “Ung thư máu” giọng nói nhỏ lại ngập ngừng của người thông báo như trĩu nặng xót xa.
“Thầy Đãi chắc không qua khỏi, chắc phải lo đường về cho thầy”
“Đường về khép bóng trần gian”
(thơ sưu tầm)
Tôi vội vã đến thăm thầy, tâm tư ngổn ngang thương cảm, một tình cảm rất mong manh đã xa xôi tự lâu lắm, chỉ là một sợi tơ mong manh nhưng chẳng đứt rời vẫn đong đưa lấp lánh, nối kết bằng một quá khứ xa, xa lắm của lớp học trò thường xuyên thở ra mùi cây cỏ ruộng vườn. Những đứa học trò thơ ngây lần đầu tiên biết đến Thúy Kiều của Nguyễn Du. Ôi thầy ơi! thầy của một thuở ấu thơ.
Vội vàng những bước chân nôn nóng kiếm tìm. Người ta chỉ đến một khu nằm bệnh, nhỏ, cũ, riêng biệt, gần cổng phụ bệnh viện Chợ Rẫy. Chiều đang xuống, mùa này Sài Gòn đang vào mưa nên màu chiều mau sẫm. Đi vào một lối hẹp, thò đầu nhìn vào những căn phòng hai bên, người bệnh của căn bệnh Ung Thư máu nằm chồng chất, quắt queo, xanh mướt. Tôi chợt rùng mình, lướt qua ý nghĩ ở đây sự sống và cái chết đã trộn lẫn vào nhau, tuyệt vọng hòa tan vào hy vọng, thành nỗi khắc khoải đợi chờ.
Thầy kia rồi! trên chiếc giường rất hẹp có gắn bánh xe, ép vào bức tường dọc hành lang (vì không còn chỗ trống nào trong phòng cho thầy). Thanh sắc gắn một bên đầu giường đang treo một bình Sérum và hai bịch máu nhỏ đong đưa, đang chảy theo dây nhựa dài, ghim vào cánh tay đã tím bầm một mãng lớn. Một vóc người nhỏ đang thở khò khè, buông xuôi hai tay, dựa vào một người tóc bạc rất nhỏ bé và còm cõi khác, như tìm một sự nâng đỡ trong lúc cùng đường. Hai thân cây đang dựa vào nhau để dấu đi nỗi sợ hãi trong lúc chờ cơn bão đến.
Tôi nhìn ra sân, hít vào phổi một hơi dài và muốn thở ra cho nhẹ nhỏm, mỗi khi có điều gì đó làm cho bối rối, nhưng không, lúc này hơi thở tôi hít vào như bị nút lại bởi một vật cản vô hình, có thể là tròn hoặc vuông gì đó, không thở được nhẹ nhàng như ý muốn. Người vợ nhỏ bé và đờ đẫn với hình hài của người chồng thân yêu nằm đó, vụng về cho người bệnh uống từng muỗng nước nhỏ, không đủ thấm đôi môi khô ráp, nứt nẻ từng vệt đỏ. Thầy đang trong cơn sốt cao, run lên từng chập, đôi mắt dại đi, nhìn lên trần nhà, đọc từng tràng kinh Phật bằng tiếng Phạn nghe thật bí ẩn, hoang đường.
Bên cạnh thầy chiều nay là một đồng nghiệp cũ và hai học trò, tất cả bất lực nhìn thầy quằn quại trong cơn đau vò xé, trên lồng ngực gầy ốm đã vở ra những đốm xung huyết tròn tròn. Nhìn thầy nằm đó, trong khoảng khắc tâm trí tôi vụt lên hình đôi cánh mang bóng tối của thần chết đang vỗ lên đầy uy lực bay lượn trên tầng cây cao trong sân bệnh viện. Con người có khả năng vô tận đã làm được nhiều điều cho thế giới này, nhưng cũng đành bất lực trước cái chết, chấp nhận vô điều kiện qui luật của muôn đời SINH - DIỆT.
Gia đình và bạn hữu đã chuẩn bị "đường về" cho thầy. Ngày mai thầy sẽ được về nhà bằng chiếc xe có giường nằm và y tá đi theo của bệnh viện. Một học trò cũ tình nguyện theo chân - Học trò của nhiều năm về trước. Thôi đừng lẫm cẩm đong đếm thời gian, thời gian của thầy đang đi bằng bước ngựa phi.
Sáng sớm, chia tay những học trò và đồng nghiệp đến tiễn thầy về Nha Trang, thầy còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để gọi tên từng người và nói lời vĩnh biệt – Trái tim mọi người run lên vì xúc động khi thầy nói với một người bạn “Anh đã đến giờ lâm tử”. Biết rằng cõi trần gian là vô thường như thầy vẫn nói, nhưng sao nghe quặn thắt tâm tư khi biết một người sắp về cõi hư vô biền biệt – Trong tôi đó là một người thầy chẳng có nhiều kỷ niệm nhưng đáng kính trọng và hiền hòa.
Được về lại căn nhà ấu thơ, lòng thầy chắc hẳn nhẹ nhàng hơn với những tàn cây lộng gió. Thôi hết xô bồ của cõi người đa đoan vướng víu mà một cuộc sống thanh bần đạm bạc của gia đình thầy vốn cũng đã xa lánh từ lâu.
Trong không gian bao la, tiếng chim hót rộn ban mai sẽ làm thầy nguôi quên những tiếc nuối đời thường, những đớn đau thân xác. Nha Trang đã có thầy, đã có trò. Nha Trang mãi còn sóng vỗ bờ, Nhưng con sóng nào là con sóng cũ.
  Huỳnh Trịnh Tuyết Hoa
10.9.2006

Xem Tiếp: ----