- Đây!  Mầy xem tao viết vậy được  không?
Huyền trao cho Trâm mảnh giấy, Trâm cầm lên đọc một mạch:
“Lê Uy Vũ 26 tuổi, đại học y khoa  năm thứ 3, tính tình hiền hòa, thích  sự trầm lặng và dịu dàng của phụ nữ Á Đông. Mong được kết bạn với những thiếu nữ  gia đình nho giáo tuổi từ 18 đến  22 để tâm sự lúc cô đơn.  Hứa sẽ thủy chung khi đã chọn được tri kỷ. Thư về số 3750 Phan Đình Phùng,  Saigon. “
Trâm cười, trao trả mảnh giấy cho  Huyền rồi bảo:
- Tha hồ tụi mình nhận được thư  làm quen của mấy... “bà nội “ ham làm... Bà Bác Sĩ tương lai.  Nghĩ tới chọc phá họ được tao... khoái  quá!
Huyền nhận tờ giấy, xếp đôi bỏ vào quyển sách rồi nhún vai:
- Tao chỉ sợ chẳng ai thèm viết thư  cho tụi mình thôi. Lúc đó tốn tiền  lãng xẹt!  À, tao còn một trăm năm  chục đồng thiếu năm chục.  Mầy có không?  Nếu đủ, tụi mình gửi liền cho nhà báo hôm nay đi.
Trâm mau mắn mở ví ra:
- Thôi khỏi! Hôm tuần rồi anh Tư tao về phép có cho tao năm trăm đồng, tao tiêu bậy hết một trăm.  Mầy cất  tiền đi, coi như tao “bao “ vụ này cho.
Sau đó, Huyền và Trâm kéo nhau ra quán  sinh tố, mỗi đứa “làm “ một  ly Ovaltine thơm phức, mát lạnh...
Thư “kết bạn bốn phương “ gửi  đi ngày nào tan học, cả hai đứa  cũng chạy bở hơi tai đến quầy  báo để vừa thở vừa “coi  cọp “ chờ tin.  Mãi tới hai tuần  sau mới thấy đăng mục tìm bạn  của hai cô nàng.  Huyền reo lên cười  toe toét chụp ngay tờ báo, trả tiền  cho chủ sạp rồi nó kéo tuốt Trâm về nhà mình.  Thấy Huyền vui, cười  nói huyên thuyên, Trâm cũng vui lây.
Sự chờ đợi không lâu, chỉ một tuần lễ sau là thư bắt đầu  đến lai rai.  Thư của các nàng từ  Cần Thơ, Sóc Trăng, Lái Thiêu... và  có cả những cánh thư gần nhà của Huyền và Trâm nữa.  Cả hai khoái chí tử, bóc ra đọc chung từng  cái rồi cười rúc rích với nhau nhất là những cánh thư vừa...  “cải lương “ vừa... “nhà quê “!
Càng ngày thư càng nhiều, Trâm và Huyền thích thú không ngờ đạt kết quả một cách thần tình như thế.  Nhưng, một hôm có một lá thư từ Huế đã làm cho Trâm bị giao động,  đọc lui đọc tới hai, ba lần:
“Uy Vũ, anh thân mến.
Chưa quen anh nhưng Thúy gọi anh thế này  có làm cho anh coi thường Thúy không?  Nhưng vì anh hơn Thúy những 6 tuổi  cho nên Thúy tự đặt mình vào vai em rồi. Thúy đoán “lời rao “  kết bạn của anh chắc sẽ có tác dụng mạnh với con gái thời nay, nên Thúy không hy vọng gì được anh  trả lời.  Nhưng, ở đời này có ai sống mà không hy vọng, dù chỉ  bám víu vào những bèo bọt mong manh.  Thúy không hề có ý kiến tìm... ý trung nhân với những địa vị cao  sang như bác sĩ, kỹ sư... nhưng xin thú thật cùng anh: anh ruột của Thúy, một bác sĩ quân y vừa bỏ thây nơi chiến  trường. Thúy đau đớn quá, vì anh của Thúy bản tính giống anh, anh thường kể thích những cô gái hiền lành, tính tình dịu dàng... Đọc những lời của anh trên báo, Thúy nghĩ ngợi thật nhiều, do đó mới có thư này xin được làm quen với hy vọng biết đâu sẽ quên đi được quá khứ buồn đau: sự mất mát của người anh thân yêu đã bỏ  mình vì tổ quốc.
Thúy chỉ nói nhiều về Thúy và gia thế khi được anh hồi âm thôi.  Hy vọng một niềm an ủi nơi anh... Cầu chúc anh vui, khỏe, đạt được những gì anh cầu mong.  Tôn Nữ Lệ Thúy,  671 Hoàng Diệu, Huế. “
Trâm vừa đọc dứt lá thư thêm một lần thì tiếng Huyền cười  ha hả:
- Trời đất ơi! Viết lách kiểu này mà đòi làm... Bà Bác Sĩ!
Rồi nhìn trật qua, thấy Trâm đang cầm một lá thư khác, mặt mũi buồn hiu, Huyền ngưng bặt nụ cười, hỏi  dồn:
- Cái gì vậy?
Trâm trao lá thư rồi bảo:
- Mầy đọc lá thư này coi!
Thế là đêm ấy cơm nước, bài vở xong, Huyền hấp tấp lấy xe đạp  dông tới nhà Trâm, cả hai bàn bạc về lá thư của Lệ Thúy nào ở  Huế đó.  Nét chữ của Huyền ẻo lả quá nên Trâm phải giả con trai: Lê  Uy Vũ 26 tuổi!  Cả hai lý luận thật ấu trĩ: những người đang đau khổ thế này cần phải được an ủi.  Trâm thảo ngay một lá thư đêm ấy để mai sớm gửi đi:
“Thúy,
Bao nhiêu lá thư đến với Vũ, nhưng riêng lá thư của Thúy đã làm cho Vũ xao xuyến quá. Vũ xin chọn Thúy làm bạn.  Cầu mong lá thư này  đem cho Thúy niềm an ủi để quên đi những khổ đau, mất mát Thúy đang hứng chịu. Hứa sẽ là người bạn tốt và giúp đỡ tinh thần Thúy bằng mọi giá trong hoàn cảnh này.  Mong thư Thúy từng ngày. Thân ái.  Lê Uy Vũ. “
Sau khi sửa chữa, Trâm và Huyền gửi thư đi, hơn tuần sau lại nhận được hồi âm... Thư qua, thư lại tới lá thứ 15 thì Thúy đã tỏ lộ tình cảm một cách chân thành và rõ rệt.  Thúy gửi tặng cả hình cho Vũ.  Nhìn bức ảnh của Lệ Thúy, Huyền phải công nhận là đẹp, rất đẹp là đằng khác. Thúy cũng giữ ý, không xin hình Vũ nên Trâm và Huyền  đỡ lo.
Cùng với những lá thư các nơi gửi về, Huyền và Trâm đã thích thú trò chơi giải trí này đã làm cho Huyền và Trâm càng ngày càng  khắng khít hơn khiến mẹ của Huyền  nhiều lúc la hoảng lên “Bộ tụi bây đồng tính luyến ái hả? Sao ngày nào  cũng phải gặp nhau vậy? “.  Trâm và Huyền cười chứ không dám kể  vì kể ra dám bị “bố “ tơi bời  không phải chơi!
Rồi gần cả năm sau, Thúy báo tin có  người dì bị tai nạn ở Saigon trong lúc làm việc tại phòng thí nghiệm bị hóa chất văng vô mắt có thể bị mù.  Thúy sẽ thay bố mẹ vào thăm, giúp đỡ, luôn tiện Thúy xin được gặp mặt Vũ vì... quen cũng đã lâu  rồi.
Lá thư của Thúy khiến Trâm và Huyền hoảng hốt và cả hai nhớ lại những  lá thư không kém tình tứ khiến cho Thúy đã hiểu lầm.  Huyền thở  dài bảo:
- Giờ làm sao mậy?
Cả hai trầm ngâm một lúc, Trâm đề  nghị:
- Hay mầy nhờ anh Lâm của mầy ra gặp  “bả “ đi.
Huyền giẫy nẩy lên:
- Không được!  Anh Lâm hôm trước té xe trên xa lộ gãy hai răng của chưa trồng lại, anh không chịu đi đâu!  Với lại mầy thấy chị Hồng, chị dâu tương lai của tao không?  Bả ghen... dàng trời, anh Lâm có mọc ba đầu,  sáu tay tao nghĩ anh cũng không dám đâu mầy ơi!  À hay mầy nhờ anh Tư của mầy được không?
Trâm suy nghĩ một lúc rồi bảo:
- Anh Tư ở tuốt Thủ Đức, cuối tuần ảnh mới về tao sợ ảnh không  chịu đâu!
- Thì tao với mầy viết thư hẹn bà Thúy sáng chủ nhật vì chiều chủ  nhật anh Tư mới vào trại lận mờ!
Trâm thở dài:
- Ừ, thì thôi ráng vậy chứ biết  sao giờ!
Cả hai đứa loay hoay thảo một bức  thư hẹn với Thúy ngày chủ nhật  trong tuần lễ Thúy vào Saigon thăm bà  dì.
Nhận lá thư, Thúy vui mừng chấp thuận  nơi hẹn hò là Lăng Ông Bà Chiểu  trong thư có một câu khiến Trâm và  Huyền xúc động “Cám ơn anh đã  chọn nơi ấy, một nơi linh thiêng có  thể chứng giám cho lòng thành của  Thúy đối với anh... “.
Anh Tư của Trâm là Huấn Luyện Viên Địa Hình của Trường Bộ Binh Thủ Đức, vì gần nhà nên mỗi đều được về thăm nhà chỉ trừ những lúc  “... một trăm em ơi!  Chiều  nay một trăm phần trăm... “.
Trâm và Huyền chỉ định đùa giỡn tìm giải trí thôi, không ngờ cái bà Thúy này “đeo “ quá.  Trâm định lỡ đùa quá trớn đành phải cho... qua truông lần này rồi sau đó...  phe lờ luôn.  Huyền bảo:
- Biết đâu anh Tư mầy và bà Lệ Thúy này có duyên nợ?
Trâm lắc đầu:
- Tầm bậy! Anh Tư tao đâu có học về y khoa.  Tao chỉ ngán ảnh không chịu  giúp tụi mình phen này thôi nè!
- Thôi, trước đó một đêm tao tới mầy chơi rồi cả hai kể hết,  năn nỉ anh giúp một lần thôi; không dám nghịch phá thiên hạ nữa!
Rồi ngày hẹn cũng gần kề, nhưng mới chiều thứ sáu, Trâm đang vét nồi cơm còn lại định chan chút nước cá cho con Tô Tô ăn thì nghe tiếng xe dừng trước cửa.  Trâm ngẩng đầu lên nghe ngóng:
- Sao giống tiếng xe anh Tư vậy?  Có lý nào bữa nay ảnh về sớm một ngày?
Trâm quăng vội cái muỗng vô nồi, lật đật chạy ra cổng thì... quả thật  anh Tư nàng chở theo một người  bạn trên xe Vespa. Trâm sửng sốt:
- Ủa! Sao anh về bữa nay?
Anh nàng không kịp trả lời vì đang vận sức để đẩy chiếc xe đã tắt máy qua khỏi bục gỗ để vào  sân.
Dựng xe lên, anh giới thiệu:
- Đây con Trâm, em út tao!  Đây anh Luyện, bạn anh. Tụi anh về đây ngủ lại một đêm, mai sáng đi công tác ở  Nha Trang hai tuần mới về.
Trâm hoảng hốt:
- Cái gì? Anh đi tới hai tuần?  Thôi  chết rồi!
Anh Tư không hiểu Trâm đang nghĩ đến  cái hẹn với Lệ Thúy, chỉ nhìn em nhún vai, lắc đầu phân bua với  ông bạn:
- Đi công tác mà nó làm như trời  sập!
Trâm tức muốn hét toáng lên nhưng kẹt ông bạn anh mình đang nhăn răng đứng cười.
Cả ba vào nhà, anh Tư nhìn Trâm hỏi:
 - Nhà còn cơm hay cái gì ăn không?
Trâm mau mắn:
- Còn có chút xíu hà, em định cho chó ăn, anh có muốn...
Nàng ngưng bặt khi thấy ông anh lừ mắt và cái ông Luyện quỷ quái dễ ghét làm sao lại phá lên cười hăng hắc.
Trâm ngượng ngùng khi thấy mình hớ lời.  Anh Tư quay nhìn bạn bảo:
- Thôi, tao với mầy tắm rửa rồi  đi tìm mì, hủ tiếu gì ăn!
Sau đó anh Tư và ông bạn tắm rửa, thay quần áo dân sự rồi đèo  nhau đi tuốt.
Trâm rửa vội mấy cái chén sau khi cho con Tô Tô ăn, xin phép ba tới nhà Huyền để... xổ bầu tâm sự.  Cả hai tiu nghỉu khi bị bể kế hoạch.
Rồi ngày chủ nhật vẫn tới... Lỡ phóng lao, Huyền và Trâm phải theo lao. Đến  giờ hẹn, Huyền  “bán cái “ hết cho  Trâm.  Nó lý luận tự tay Trâm viết thư cho Thúy, tự tay Trâm bỏ tiền ra đăng báo tìm bạn v.v... Theo kế hoạch, cả hai là chị em ruột, em của anh Uy Vũ.  Cả hai thừa lệnh ông anh ra chỗ hẹn gặp giùm cô bồ báo tin là anh bị đi thực tập bất ngờ tại bệnh viện Đà Lạt, không đến nơi hẹn  được nên đành xin lỗi Lệ Thúy kèm theo lá thư dài hai trang với bao lời ân hận, tiếc nuối đã lỡ dịp... và để cho Thúy tin tưởng, cả hai lén lút đánh cắp tấm ảnh lúc còn thư sinh của anh Tư gửi kèm  theo nữa...
Tim Trâm muốn vọt ra ngoài khi thấp thoáng  ở gốc cây tà áo tím.  Trâm chớp  mắt nhìn Huyền giọng ăn năn:
- Tụi mình đùa quá trớn rồi Huyền  ơi!
Huyền gắt:
- Thì biết rồi.  Nhưng “lỡ thì phải  gỡ “ chứ sao bây giờ. Thôi,  tới gặp bả đại cho rồi!
Cả hai chậm bước lại, Trâm còn cố “lèng èng “:
- Tội nghiệp bả quá! Bả cứ dáo dác tìm người mặc áo xanh nhạt, quần nâu đậm theo thư dặn.  Huyền thúc cùi chõ vào hông Trâm:
- Thôi, mầy cứ lải nhải hoài! Im giùm tí coi được không?
Cả hai bước đến trước người con gái mặc áo dài tím. Huyền thúc vào Trâm như... ra lệnh mở máy.  Trâm ấp úng:
- Chị... Dạ thưa chị, có phải chị là chị Tôn Nữ Lệ Thúy không?
Mặt người con gái ửng hồng lên  một cách tội nghiệp:
- Dạ... Dạ, em là Thúy, hai chị là...
Trâm ngắt lời:
- Tụi em là em ruột của anh Lê Uy Vũ.
Lệ Thúy bối rối, ấp úng:
- Anh Vũ... bữa nay...
Huyền không chờ cho Lệ Thúy dứt câu đã nhanh nhẩu móc trong túi ra lá  thư dán kín trao cho Lệ Thúy rồi bảo:
- Tụi em thay mặt anh Vũ tới đây  gặp chị, trước báo tin cho chị biết anh Vũ đi Đà Lạt công tác gấp, sau xin lỗi chị và ảnh dặn tụi em chờ  chị xem thư rồi nhắn gì lại cho ảnh  thì nhắn.
Gương mặt Lệ Thúy thay đổi liên tục, hồng, xanh, trắng, đỏ... Trâm nghe  lòng mình nao nao ân hận...
Lệ Thúy lúng búng như nói lắp:
- Cám ơn hai em... Thôi để về nhà chị đọc rồi trả lời ảnh sau...
 - À ảnh đi chừng nào về?
Câu hỏi bất ngờ khiến Trâm và Huyền đực mặt ra. Cuối cùng Huyền lên tiếng:
- Ảnh nói chừng nào xong việc là về!
Sau khi hỏi thăm vài câu chiếu lệ rồi  tất cả chia tay.
Trâm và Huyền thoát nạn, cả hai ghé chợ Bà Chiểu ních hai đứa hai tô cháo lòng, uống tới... ba ly nước  mía mừng thoát nạn và nhất quyết chấm dứt trò chơi nguy hiểm ấy.
Nhưng về nhà chỉ ba hôm là nhận được thư Thúy với những lời lẽ  nhẹ nhàng, êm dịu.  Bức thư có vẻ tiếc nuối đã không gặp được Vũ và cũng khen Huyền và Trâm dễ  thương. Lá thư nồng nàn quá khiến  Huyền cũng vờ vịt an ủi Lệ Thúy và cũng hứa... ẩu lại sẽ có một ngày có dịp đặt chân tới  cố đô Huế đi thăm lăng tẩm, sẽ theo Thúy ra bãi biển Thuận An để... tay trong tay nhìn trăng lên, trời xuống...  Tội nghiệp, Lệ Thúy đặt tin tưởng vào những lá thư ấy khiến sau đó hầu như thư nào Thúy cũng viết kèm  một câu “Nơi đây, em vẫn đợi “.
Trâm và Huyền một mặt bận thi cử  sắp tới, một mặt thấy Lệ Thúy thư càng ngày càng nhiều nên cả  hai bắt đầu lo lắng. Cho đến một lá thư khiến Trâm và Huyền bừng  tỉnh cơn mê:
“Uy Vũ anh thương yêu! Mẹ buộc em  lấy chồng, vì lớn tuổi rồi. Anh cũng hiểu xứ Huế của em con gái lớn  mà không có nơi giạm ngõ bị điều này, tiếng nọ ghê lắm anh ơi. Lâu nay thư anh thưa thớt, em buồn lắm nhưng  em tin tưởng ở những lá thư  anh, nhất là lại là người có  học... Em tuy chưa gặp anh nhưng đã trao trọn tình em.  Bên nhà trai lại thúc giục.  Nếu thật lòng yêu thương em như những  cánh thư anh đã gửi cho em, xin anh cho  Ba, Má anh cậy người đến gặp Ba, Me em để em mạnh dạn chối từ  và xin anh hiểu giùm em sẽ không sao sống  nổi nếu em chỉ là trò đùa của anh... Em vô cùng yếu đuối, đợi tin vui của anh từng ngày... Uy Vũ anh ơi!  Đừng quên điều: Nơi đây em  vẫn đợi chờ. Yêu anh. Tôn Nữ  Lệ Thúy “.
Sau đó Huyền viết thay cho Trâm một lá thư để gởi cho Thúy:
“Chị Thúy quý mến,
Xin chị đừng liên lạc với anh Vũ của em nữa.  Chị yên lòng để  sang ngang.  Chúng em, vì một lý do riêng, không thể cho chị biết được; nhưng  em tin chắc một điều anh Uy Vũ của chúng  em thực lòng thương chị, và xin chị hãy tha thứ cho anh Vũ em... Biết chị sẽ đau đớn, tuyệt vọng nhưng xin chị trong cuộc sống của đời người ai cũng có những lầm lỡ, xin chị  đừng tìm hiểu và hãy rộng lòng xem như tất cả chỉ là một giấc mộng... Hai người em của anh Uy Vũ đã gặp  chị hôm nào.
Trâm và Huyền. “
Sau đó, Huyền và Trâm không còn  nhận thêm một lá thư nào của Thúy  nữa.  Cả hai mất hẳn bản tính hồn  nhiên, và có lẽ Trời phạt cho sự  đùa dai của hai cô bé hay sao mà cả hai đều thi trượt năm ấy dù sức học của cả hai đều rất khá.
Và rồi, miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.  Huyền theo gia đình vượt biển trong một đêm tối trời tại Cát Lái.  Cuộc vượt biên bị đổ bể.  Việt Cộng bắn chìm thuyền và sát hại hết số thuyền nhân để phi tang hành động sát nhân.  Vài kẻ sống sót đã trốn chui trốn nhủi về kể lại sự kinh hoàng...
Trâm lặng người khi nghe tin... Còn đâu nữa Huyền thân thương ngày cũ với những phá phách nghịch ngợm  của tuổi học trò!
Chiều nay, một mình Trâm bơ vơ trên biển vắng, nàng lặng người nhớ  về dĩ vãng xa xăm và hai hàng lệ nóng rơi xuống, Trâm chợt nghĩ đến Tôn Nữ Lệ Thúy ngày nào cũng  từng ngồi trên biển để thì thầm  “Uy Vũ ơi! Nơi đây em vẫn đợi  chờ! “ và Trâm nói thầm với lòng: “Chị Lệ Thúy ơi!  Xin chị tha thứ cho em, một cô bé khờ khạo  thủa trước đã lao vào trò chơi  người lớn và em không biết hậu  quả về đâu?  Có làm dở dang đời  chị?  Bao nhiêu năm nay lòng em vô cùng ăn năn hối hận kể từ lúc chấm  dứt trò chơi vô ý thức ấy.  Chiều nay em gửi theo mây gió những  lời nguyện thì thầm này và cầu xin cho chị đọc được những  lời này để tha thứ cho em... Chị Thúy ơi! Nơi đây em vẫn đợi  chờ... Đợi chờ sự tha thứ của chị “.
Ái Khanh

Xem Tiếp: ----