Nhân dịp năm mới nói chuyện về ca dao trữ tình, chúng ta không thể không nhắc tới bài Tát nước đầu đình, vì đây là một trong những bài ca dao nói về tình yêu lứa đôi hay vào bậc nhất của dân tộc. Bài ca dao này đặc biệt rất vui, vừa tươi về ý vừa đẹp về lời.Hôm qua tát nước đầu đìnhBỏ quên cái áo trên cành hoa senEm được thì cho anh xinHay là em để làm tin trong nhà?Áo anh sứt chỉ đường tàVợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.Áo anh sứt chỉ đã lâuMai mượn cô ấy về khâu cho cùngKhâu rồi anh sẽ trả côngÍt nữa lấy chồng anh lại giúp choGiúp em một thúng xôi vòMột con lợn béo một vò rượu tămGiúp em đôi chiếu em nằmĐôi chăn em đắp, đôi trằm em đeoGiúp em quan tám tiền cheoQuan năm tiền cưới lại đèo buồng cau. Qua bốn câu đầu(c.1-4) ta thấy chàng trai ngỏ lời với cô gái về chuyện bỏ quên áo và xin lại áo. Đây có thực là chủ đích của chàng không? Hẳn là không rồi. Chính thế, dù câu chuyện quên áo chàng kể rất tự nhiên với đầy đủ những chi tiết cụ thể, như: Thời gian: hôm qua (chứng tỏ việc mới xảy ra đây thôi). Không gian: đầu đình, nơi có đầm sen, một khung cảnh êm đềm, thân quen, vừa cổ kính vừa thơ mộng nơi thôn dã. Trường hợp: đi tát nước bỏ quên. Nhưng sau đó, chi tiết “bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” đã làm cho câu chuyện đảo lộn tất cả: Chuyện đang thực trở thành hư cấu Lời nói đang bình thường trở thành ba hoa. Nhưng hư cấu mà dễ thương, vì bịa đặt bởi hữu tình, cố ý mượn cớ quên áo để làm quen ; còn ba hoa mà thanh nhã, có duyên. Nếu xét về lý thì không ai lại vắt cái áo trên cành hoa sen, một loại cành rỗng “trong thông, ngoài thẳng” rất giòn, dễ gẫy; áo tất sẽ bị rơi xuống nước. Song xét về tình thì hình ảnh chiếc áo vắt trên cành hoa sen chẳng là cách nói cho đẹp lời, đẹp ý mỹ nhân hay sao? người thiếu nữ nào mà chẳng ưa thích những hình ảnh thanh nhã, lời nói lịch sự bóng bẩy? Và trong thực tế, có chàng trai nào tán gái mà không ba hoa, bay bướm? có chàng còn đòi ngả cành hồng để làm cầu, bắc qua sông đón bạn tình sang chơi, như trong một câu ca dao khác: Đôi ta cách một con sông Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang Thì chuyện “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” có gì là lạ đâu? Huống chi trong những lời trò chuyện tình tứ giữa trai gái, những hình ảnh hư hư thực thực như thế lại dễ làm cho tình cảm các cô man mác, tâm hốn các cô bềnh bồng trong cõi mộng mơ. Bởi thế, ta có thể tin rằng, lời kể chuyện có chút ba hoa nhưng duyên dáng kia đã gây được cảm tình của đối phương. Lại nữa, từ câu 3 sang câu 4, không khí trò chuyện đã thay đổi rõ rệt. Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà? Từ lời lỏi han thân mật, lịch sự vừa phải, chuyển sang lời ướm hỏi, thăm dò một cách ởm ờ, nửa đùa nửa thực. Nửa như có ý trêu ghẹo hóm hỉnh, nửa lại có ý tấn công một cách âu yếm tình tứ, làm cô gái luống cuống không kịp phản ứng, hay chưa biết phản ứng ra sao một khi “tình trong như đã”? Hiểu được tâm lý phụ nữ “Im lặng là bằng lòng?!” chàng trai liền dẫn câu chuyện cái áo bỏ quên đi xa hơn (c.5-6) Áo anh sứt chỉ đường tà Lần nầy chàng lấy cớ cái áo “sứt chỉ đường tà” để giới thiệu gia cảnh của mình một cách khéo léo, tế nhị: Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu Phụ nữ thường hay thắc mắc về người bạn trai đang tán tỉnh mình còn độc thân hay đã có gia đình, biết được tâm lý ấy, chàng trai liền trả lời ngay cho bạn yên lòng. Đã qua được hai điểm khó khăn khởi đầu của cuộc tình là gợi chuyện làm quen và giới thiệu gia cảnh, càng trai tiến thêm bước thứ ba (c.7- hết) Áo anh sứt chỉ đã lâu Chàng nói ra cái điều chàng thiếu người săn sóc để gợi lòng thương cảm của cô bạn, đồng thời chàng lại có cớ để đưa câu chuyện đi xa hơn nữa: “áo anh sứt chỉ đã lâu” mà chưa ai khâu cho, thôi thì: Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng Và anh không quên đề nghị: Khâu rồi anh sẽ trả công Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho. Anh giúp những gì nào? Giúp em một thúng xôi vò Một con lợn béo, một vò rượu tăm Giúp em đôi chiếu em nằm Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo Còn hơn thế nữa kia: Giúp em quan tám tiền cheo Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau. Những gì chàng hứa trả công, hứa giúp toàn là đố sính lễ rước dâu, như vậy ý chàng đã rõ, chàng muốn cưới nàng làm vợ. Đây chính là lời cầu hôn vậy. Chàng trai ở đây sử dụng đại danh từ ”cô ấy” một cách bóng gió trong lời đề nghị mượn khâu là rất khéo, vì: Nếu cô gái tỏ ý không bằng lòng, chàng còn có lối thoát: “tôi mượn cô ấy chứ có mượn em đâu?”. Và cũng là cách nói gián tiếp tế nhị cho đối phương khỏi thẹn. Tóm lại, câu chuyện “bỏ quên áo” trong bài ca dao Tát nước đầu đình trên là hoàn toàn hư cấu: cái áo bỏ quên kia có thật không mà hỏi xin lại?Ai đã bắt được áo và đã trả lại chưa mà đòi mượn khâu?Tà áo có sứt chỉ thật không? Mà dẫu có thì cũng không ai trả công và giúp đỡ người khâu hộ bằng cả từng ấy lễ vật, rõ là cái áo tưởng tượng! Nhưng cũng chính nhờ dựa vào những chi tiết tưởng tượng, hư cấu bày đặt ấy mà chàng trai ở đây đã bộc lộ được một sự thật, rất thật, đó là tình yêu trong sáng, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất trân trọng, đằm thắm của chàng đối với cô gái mà chàng muốn cưới làm vợ. Chúng ta cũng biết, cái áo đã từng là đề tài quen thuộc trong nhiều bài ca dao trữ tình khác như: Yêu nhau cởi áo cho nhau Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Chàng về để áo lại đây Phòng khi em đắp, gió tây lạnh lùng. Yêu ai tha thiết, thiết tha Áo em hai vạt trải ra chàng ngồi. v.v.... Nhưng câu chuyện về cái áo bỏ quên trên cành hoa sen ở đây phải kể là một sáng kiến độc đáo. Nó đã được khai triển từ chuyện gợi ý làm quen đến chuyện tỏ tình, rồi cầu hôn một cách dí dỏm, lý thú; làm chúng ta cũng bị lôi cuốn vào câu chuyện tình duyên đẹp đẽ, thơ mộng của đôi lứa thiếu niên này. Chúng ta có thể nói chắc rằng, bài ca dao Tát nước đầu đình quả là một bài ca dao tỏ tình tuyệt vời. Nó đẹp từ hình thức đến nội dung. Nó sẽ mãi mãi còn gây được niềm xúc động xôn xao và thú vị trong lòng độc giả, nhất là đối với lứa tuổi thanh xuân đang bước vào ngưỡng cửa của tình yêu. Nhân đây chúng tôi cũng xin giới thiệu một bài ca dao khác, cùng một đề tài tỏ tình, và cũng mượn chuyện áo quần làm cái cớ để cầu thân, rồi tính dần đến chuyện hôn nhân, để chúng ta có dịp so sánh: -Tình cờ bắt gặp nàng đây Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần Để mà kết nghĩa tương thân Sau này chỉ Tấn tơ Tần se duyên. Đọc bài ca dao sau, ta thấy sao nó trơ trụi quá, nó chỉ có xác mà không có hồn. Ngay xác nó cũng khô cứng, thiếu hẳn những gì gọi là duyên dáng, óng ả của ngôn từ, của cách diễn đạt. Về nội dung, nó chỉ là một chuỗi ý xếp cạnh nhau, thiếu hẳn cái hồn, cái cảm xúc của tác giả. Điều này cho thấy, có ý chưa đủ mà còn cần phải có hứng cảm. Nhờ hứng cảm, ý thoát ra được thành những lời thơ mềm mại, tự nhiên, có sức hấp dẫn và phản chiếu được tâm hồn cùng tình cảm của tác giả. PHẠM THỊ NHUNG