Tiếng chuông báo thức chợt vang lên phá tan cái tĩnh mịch trong căn phòng vào buổi sáng sớm khiến bà giật mình thức giấc. Tay sờ soạng lên mặt bàn một lúc rồi lại kéo chiếc chăn chùm kín đầu mong ngủ tiếp. Nhưng tiếng chuông vẫn tiếp tục xoáy vào tận ngõ ngách trong cùng của khối óc, không làm gì hơn được, bà phải ngồi dậy ấn tắt chiếc nút báo thức đi. Cả thân hình run rẩy mỏi nhừ. Mới bốn giờ sáng, bà nghĩ thầm, tới năm giờ thì phải ra khỏi nhà để xếp hàng. Với tay bật đèn rồi lại ngả mình trên giường, bà nhắm mắt một chút, không phải ngủ mà chỉ nghỉ một hai phút thôi, nhưng rồi lại thiếp dần cho đến khi cơn ho kéo đến làm bà thức dậy. Mấy bữa nay trời trở lạnh, đứng xếp hàng dưới làn sương lạnh sáng sớm làm bà mắc bệnh. Co mình dưới lớp chăn một lát, bà duỗi thẳng thân hình cho các bắp thịt hoạt động rồi đứng bật dậy. Sau khi tắm rửa, bà mặc một chiếc áo ấm dầy, bên ngoài khoác thêm chiếc áo choàng nữa. Tắt đèn xong, bà định mở rộng cánh cửa sổ trước khi rời khỏi nhà, chiếc màn cửa được kéo lên, những dấu hiệu ban mai đang hiện dần trên đỉnh những mái nhà, bóng nhữmg ống khói sừng sững in trên nền trời trong buổi bình minh mờ nhạt, dưới kia, phố xá vẫn còn chìm đắm trong bóng đêm. Khi cánh cửa sổ bật mở, một mùi hôi ẩm xông lên mũi khiến bà phải hắt hơi. Không khí buổi sáng vào tháng Chín bao giờ cũng mang mùi khen khét kèm trong cái lạnh. Bà hít một hơi dài, rồi ho và sau cùng cũng cố hít một hơi thật dài nữa để chứa đầy không khí vào buồng phổi. Bây giờ thì đã quen với bóng tối, bà nghĩ có thể băng qua căn nhà sơn màu vàng ở dãy phố bên cạnh mà vài ngày trước một người đàn bà đã gieo mình xuống đường từ lầu thứ tư tự tử. Tay phải kéo chiếc áo choàng vào sát người, tay trái ôm chặt chiếc khăn quàng quanh cổ bà tựa sát người vào khung cửa sổ, thở khó khăn. Bà nhắm mắt lại, cố xua đuổi cơn đau nhức ở vai, ở sau gáy, các đốt xương cổ tay. Bỗng vài tiếng súng vọng lại làm khuấy đọng cái tĩnh mịch của buổi sáng trong thành phố, tiếng súng như bị bóp nghẹn, thở hắt ra từ một bức tường. Sợ hãi, bà lui lại mấy bước sau tấm màn cửa, đôi mắt trợn tròn nhìn về hướng phát ra tiếng súng. Rồi cái im lặng lại bao chùm vạn vật, bà ngửi thấy mùi thuốc súng ở đâu đây. Tim đập mạnh, căn phòng như quay cuồng theo nhịp đập của trái tim. Hai tay run rẩy, bà vội đóng cánh cửa sổ lại. Mùi thuốc súng đặc biệt đó vẫn như còn quyện lại trong mũi bà. Bà đứng im lặng ngay trước cửa ra vào, đầu không đội mũ. Hôm qua kẻ nào đó đã ăn cắp chiếc áo mưa màu vàng và chiếc mũ xám bà treo ở dàn dây phơi rồi. Tối qua... lại tối qua nữa... miệng lưỡi bà cứng đơ không cảm giác, khuôn mặt bà trong chiếc gương coi già cỗi, một khuôn mặt không có nét vui tươi nào, đôi mắt như chìm sâu trong một hố sâu thăm thẳm. Sau cùng khi mà thằng Dũng trở về, nó sẽ thấy mẹ nó đã già, đúng vậy, nó sẽ thấy một bà mẹ già chịu nhiều đắng cay. Nếu thằng Dũng trở về... Nếu... nếu... bà cố tìm một sự ghê gớm nào đó trong chữ nếu này. Chờ đợi, chờ đợi. Hàng ngày chỉ cắm đầu vào công việc, đổ mồ hôi ra và chẳng còn biết gì hơn nữa. Có lẽ nó đã chết mất xác ở đâu đó rồi. Ý nghĩ này cũng chẳng ảnh hưởng tới bà bao nhiêu. Đã bao nhiêu lần bà nghĩ tới điều này rồi, bà cố tìm một nỗi niềm đau sót trong đó, cố moi móc trong tận cùng não bộ nhưng tất cả chỉ dấy lên một miềm chua xót mà thôi. Tận đáy tâm hồn là một sư trống rỗng, một sự trống rỗng cay đắng đáng sợ hơn bất cứ điều khiếp sợ nào trên cõi đời này. Chậm chạp, bà đội chiếc mũ xanh đã cũ lên đầu, quấn lại chiếc khăn quàng quanh cổ và mang đôi gang tay vào rồi bước ra phía cửa. Thình lình bà đứng sựng lại. Cuối cùng thì... Đó là những bước chân của thằng Dũng, những bước chân nhẹ nhàng, hờ hững đang bước lên. Bà cởi đôi găng tay ra, ném xuống bàn rồi lại nhặt lên. Giờ thì nó đã lên tới lầu ba rồi. Bà lột chiếc mũ ra rồi ném lên mặt bàn, hơi thở bà như rít lên qua lỗ mũi, các bắp thịt ở miệng như căng ra, những tia máu trong đôi mắt vẩn đục như bốc cháy lên vì giận dữ. Bây giờ thì nó đang tra chiếc chìa khóa vào ổ... Đôi mắt bà soi mói nhìn nó. Bà không trả lời mà chỉ nhìn nó chăm chú, cái nhìn đầy u ám và đắng cay. Nó treo chiếc mũ lên chiếc giá rồi cởi chiếc áo mưa ra. Bà cố ngửi xem có mùi rượu bốc ra từ thằng con không, nhưng lỗ mũi đã như bị nghẹt lại rồi, bà chỉ ngửi thấy mỗi một mùi độc nhất, đó là mùi thuốc súng khét lẹt. Mùi này như đã thấm sâu vào trong cơ thể, vào trong đầu, trong miệng của bà rồi. Nghĩ tới đó làm bà nổi gai ốc. Cuối cùng bà nghiêm nghị lên tiếng: Sao? Nó nhún vai, cố pha trò: Chúng con đi chơi hơi khuya. Khịt mũi nhạo báng, bà thấy ghét thằng con này. Nó đã đi gần tới căn phòng ngủ nhỏ phía sau bếp. Bà gọi giật lại với giọng thấp và cọc cằn: - Dũng! Ngập ngừng theo bà đi vào phòng khách nhưng nó không bước vào hẳn mà chỉ đứng ở cửa: - Mẹ cần gì? - Vừa hỏi nó vừa ngáp. Không thấy người mẹ trả lời, nó khép cửa lại rồi bước vào trong, uể oải ngồi xuống ghế, nét mặt tỏ vẻ bướng bỉnh. Bà đi đi lại lại trong phòng, hai tay nắm chặt nhau. Cái im lặng nặng nề như nghẹt thở. - Con gặp mẹ sau nhé. Trời, mệt quá. - Không … không.… - Bây giờ thì lời nói được phát ra. Nỗi cay đắng chồng chất, giận dữ dồn nén trong nhiều tháng bây giờ mới có cơ hội bùng phát. Nhưng rồi bà chợt nhận ra rằng nên giữ im lặng thì hơn vì lời nói sẽ đẩy đứa con còn lại đi mất. Chỉ có một khoảng cách thật mong manh khiến mọi việc có thể trở nên tệ hại gấp ngàn lần. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, như nước vỡ bờ, bà không ngăn được nữa rồi, giọng nói gay gắt nhưng bị đứt quãng nhiều lần vì xúc động cũng như từng cơn ho kéo đến: - Mệt, mày mệt à. Đúng rồi, con ạ, con mệt là phải. Còn con mẹ già này thì sao. Mày nghĩ là tao không mệt à... Tao chỉ làm việc có mười sáu giờ một ngày... Phải, chỉ có mười sáu giờ mà thôi. Tao phải đứng xếp hàng mua thực phẩm từ sáng tinh sương cho đến khi cả cơ thể như đứng trong đống lửa... Mày nghĩ là đứng như vậy thì chẳng mệt mỏi gì cả phải không? Tao phải cung phụng cho mày đủ thứ. Quần áo mày mặc ai khâu vá cho, ai giặt dũ cho, ai đi chợ, nấu nướng cho mày, ai đi kiếm củi... Ba ta như đứt hơi, cơn ho lại kéo đến, bà cúi gập người xuống. - Trong khi đó ban ngày thì mày miệt mài ngủ để còn có sức đi nhậu nhẹt, đàng điếm suốt đêm. Nhiều lần tao nói mày phải đi ra ngoài kiếm sống, nhưng mày chẳng hề nhúc nhích. Được, tao sẽ không nhắc lại chuyện đó nữa... Mẹ rất thất vọng vì con, mẹ sẽ cong lưng ra làm việc cho tới chết. Thằng Dũng ngồi gập người lại, không nói năng gì. Hai hàm răng cắn chặt, bộ mặt trông bí xị, điếu thuốc cầm trong những ngón tay run rẩy. Bà ta đã ngừng bước và đứng cạnh cánh cửa sổ, đưa tay kéo tấm rèm lên. - Dũng ạ, chiến tranh vẫn tiếp diễn. - Con biết mà, quân khốn nạn. - Nó đứng bật dậy - Mẹ nhớ là phải tắt đèn mỗi khi kéo rèm cửa lên. - Ngọn đèn được tắt với một hành động thật nhanh và có vẻ cuống quít, trong khi người mẹ ho rũ rượi. Hắn lấy tay áo lau mồ hôi trước trán rồi lại ngồi xuống ghế. Một lát sau, người mẹ nói tiếp: - Ừ, con cũng biết đến điều đó à. Mẹ tưởng là con quên khuấy đi rồi chứ. Con còn quá nhiều điều cần nghĩ tới mà. Một phút im lặng, nó kéo hơi thuốc thật dài. - Mẹ nói hết chưa? - Chưa! Mẹ chưa nói xong, con yêu của mẹ. Con không cần nghĩ là con có thể từ bỏ dễ dàng thói hư tật xấu đó. Mẹ chỉ muốn biết là con làm những gì mỗi đêm mà thôi... Nhưng mẹ nghĩ cũng chẳng quan trọng gì cả. Điều khổ târn nhất của mẹ, dày vò mẹ chẳng lúc nào nguôi, làm mẹ khổ sở, xấu hổ, nhiều lần muốn tự tử, đó là... là... con là một tên trong đám đó, một tên ăn bám, một tên vô lại, một vũ công rẻ tiền. Mỗi đêm con đến những chỗ ăn chơi, nhẩy nhót, uống rượu, tán gái. Bây giờ … bây giờ... Bà ta hít một hơi dài và thấy miệng khô đắng, mùi thuốc súng phảng phất đâu đây như thể đó là một lớp sơn mỏng tráng lên bộ óc, lên giác quan, như một giấc mơ không nhớ rõ mà cũng chẳng quên đi được. - Dĩ nhiên là con chẳng làm gì được. Đối với mẹ thì chẳng có gì khác biệt nếu con muốn phung phí cuộc đời, chẳng muốn là cái gì và cũng chẳng muốn thành cái gì cả. Nhưng nỗi khổ tâm dằn vặt mẹ là con đã khôn lớn rồi mà cứ la cà lêu lổng, không biết là chiến tranh đang tàn phá mọi nơi. Con... - Thôi đủ rồi, đủ rồi. Dĩ nhiên là con biết chiến tranh đang xẩy ra, nhưng mẹ muốn con làm gì đây? Con không thể bắt nó ngừng lại được... - Ngừng lại? Bắt nó ngừng lại? - Giọng nói của bà ta cao hẳn lên, cổ bà đỏ rừng. - Ồ, không, con không thể nào bắt chiến tranh phải ngừng lại được, thằng con vũ công rẻ tiền kia ơi! Trời ơi, một đứa như con không thể nào làm chiến tranh ngưng lại được. Tất cả những gì suy nghĩ trong đầu óc con bây giờ chỉ là làm thế nào hưởng thụ được thật nhiều... - Nhưng mẹ biết gì về chiến tranh cơ chứ. Mẹ im đi. - Hắn đứng dậy, đôi mắt có những tia máu đỏ trông thật mệt mỏi, hơi thở phun qua kẽ răng. - Mẹ không thể làm chiến tranh chấm dứt bằng cằn nhằn, quở mắng, làm con khó chịu được. Mẹ để con yên. - Đừng, đừng đi, đừng đi nữa con. Con không đi đâu được. - Giọng nói của bà như một tiếng nấc tuyệt vọng. - Con chỉ cần nói cho mẹ biết là con đi những đâu, con gặp hạng gái nào... - Đối với mẹ việc đó có quan trọng gì không? - Trời … trời ơi. - Bà ta bắt đầu khóc, tiếng khóc lúc đầu nhỏ, sau lớn dần. - Xin lỗi mẹ. Mẹ biết là con quá mệt khi bị tra hỏi như vậy. Mẹ và con đều mệt rồi. Mẹ phải thông cảm cho con, đừng quấy rầy con nữa. Quấy rầy? - Phải, quấy rầy. Mẹ quấy rầy con mặc dù mẹ không nói một tiếng. Mẹ nói đến chiến tranh, mẹ biết không, thực là khủng khiếp. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, con kinh khiếp nó hơn là mẹ tưởng, … nhưng mẹ cứ để mặc con. Mẹ có hiểu con nói gì không? Mẹ đừng làm con thất vọng, đừng chôn chặt con trong căn nhà này. Con phải là của chính con và mẹ cứ làm công việc của mẹ đi nhé. - Mẹ có hiểu con nói gì không? Vui một chút, giải thoát một chút. Con phải có một cái gì cho lúc còn trẻ chứ. Bây giờ thì hắn đi đi lại lại trong phòng nhưng tránh nhìn người mẹ. Bóng đêm dán chặt vào cửa sổ giờ đây trở thành màu xám. Ngoài đường xe bắt đầu chạy. Người mẹ chải mớ tóc lòa xòa bên thái dương. - Con yêu, con yêu ơi, sao con không kiếm một công việc thích hợp nào, con phải có một việc chắc chắn giống như mọi người chứ, đó là một cách sống thích hợp cho những người trẻ tuổi. - Ba ngừng nói để ho, rồi lại tiếp tục. - Người trẻ Na Uy ngày nay không nhẩy đầm. Không phải lúc nào họ cũng nhẩy đầm. Người trẻ Na Uy ngày nay họ chiến đấu ở những nơi bị lưu đầy, họ đã và đang đổ máu, chiến đấu để cho đất nước này được sống còn. Vui? Vui hả? Con nghĩ là thằng Hùng, anh của con được hưởng vui thú à? Con nghĩ là thằng Hùng biết nhẩy đầm à? - Đừng lải nhải nữa. - Nó tiến tới gần người mẹ. - Sao mẹ biết là anh Hùng không nhẩy đầm, Nhưng đó là chuyện của anh ấy, mẹ có hiểu không, đó là chuyện của anh ấy. Giờ thì mẹ đừng nói nữa... Con nói là mẹ đừng nói nữa, con phải ngủ một lát, mẹ có muốn con đi ngủ không nào? - Ồ, con thật là vĩ đại, con là một thanh niên Na Uy gương mẫu. Đứng vậy, ngủ... ngủ... con hãy đi ngủ đi. Ngủ cho tới ngày tận thế nếu con muốn. Mẹ rất khinh bỉ con. Mẹ rất thất vọng về con. Con có biết mẹ muốn gì không? Có biết mẹ muốn việc gì xẩy ra không? Mẹ nói cho con hay là mẹ muốn con là một tên Đức Quốc Xã khốn nạn được gửi tới mặt trận miền Đông chiến đấu cho những gì mà con tin, bởi vì những tên chiến đấu cho bọn Quốc Xã ít nhất cũng tin vào một điều gì đó, chúng chiến đấu cho một cái gì đó và mặc dù chúng ta thù ghét chúng vì chúng là kẻ thù của mình, nhưng chúng cũng hy sinh cho một cái gì đó. Chúng có một niềm tự hào, chúng đích thực là con người. Dù cho sai lầm như thế nào đi nữa, chúng cũng còn tốt hơn bọn tối ngày nhẩy đầm … mà không... không... không... trời ơi, Dũng con, mẹ không muốn nói như vậy. Chúa trên cao cũng hiểu là mẹ không muốn nói như vậy. Con ơi, đừng có đi, không... à phải, con đi ngủ đi, mẹ không nói lải nhải nữa. Con đừng nhìn mẹ như vậy, Dũng... - Mẹ không muốn nói như vậy, con biết. - Nó đẩy người mẹ vào sát tường. - Dĩ nhiên là mẹ thương yêu con, nhưng mẹ phải biết kín miệng một chút, mẹ biết không. Mẹ phải kín miệng. Thôi, bây giờ con đi ngủ đây, con không thể chịu đựng hơn được nữa. Hắn đứng im, hai tay nắm chặt, giọng nói nhát gừng. Có một miếng giấy thuốc lá dính trên chiếc môi khô, hàm răng vàng khè, ánh mắt bừng sáng và chiếc trán có màu đỏ sẫm. Thình lình, nó rên rỉ: - Mẹ … mẹ … đừng khóc, xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ đừng lo lắng cho con nhiều quá như vậy. Hắn vụng về đưa tay về phía người mẹ, nhưng khoảng cách như quá xa, lời nói như quá nguy hiểm. - Mẹ … mẹ … Ồ, chúng ta đi quá xa mất rồi, mẹ có nghe con nói gì không? Mẹ có thấy là con đã làm quá sức mình không? Không, chỉ vừa đủ sức thôi, nhưng cả hai đã đi quá xa rồi. Mình nói nhiều quá sẽ bị nguy hiểm, mẹ biết chứ. Mình chỉ im lặng, giữ thật im lặng. Mẹ phải biết cách giữ im lặng thì mọi việc sẽ trở nên êm xuôi. Con không thể nói với mẹ được nữa. - Giọng nói của hắn như một người lái xe trong khu vực tốc độ bị hạn chế tối đa vậy. Người mẹ từ từ đứng dậy, tay xoa mũi, ánh mắt có vẻ dịu lại. Bà ta như bị khuất phục. Đứa con quay lưng về phía mẹ không nói thêm lời nào. Tay cầm cái nắm cửa định trở về phòng nhưng chợt ngừng lại. - Xuỵt! Người mẹ rón rén tiến ra phía cửa sổ. Giữa đám âm thanh hỗn loạn của các loại xe, tiếng rao hàng thì có một tiếng còi hụ, tiếng gầm gừ hấp tấp phát ra từ chiếc xe màu xám đậu ở góc phố. - Dũng, mẹ đoán là xe của tụi mật vụ Đức. Lại đây coi, nó đậu trước cửa hàng bán sách kìa. Dũng đứng bất động trước cánh cửa đã được mở ra nửa chừng. - Kìa, tụi nó bước ra khỏi xe kìa. Một thằng đội mũ nồi, đeo kính trắng, còn đứa kia đội mũ sắt, đeo súng trường … không, ba đứa cả thẩy. Trông thật dễ sợ. Tụi nó đang đi kiếm nhà, chắc là lại đi bắt bớ ai đây. Ồ, không, lại đây mà coi, chúng nó đang đi về hướng này đó. Bà ta không nghe đứa con lên tiếng nhưng cảm thấy nó đang đứng phía sau. Nó nhoài người ra nhìn, bà không thấy nó thở mà chỉ thấy toàn thân nó run lên. - Dũng à … trời … hình như chúng đi tới đây. Chúng tìm người nào trong khu này vậy, con có thể tưởng tượng được ra như vậy không? Trời … sợ quá đi. Con có biết không, mẹ đang ngửi thấy mùi thuốc súng quanh quẩn đâu đây. Có lẽ do trí tưởng tượng của mẹ, mẹ nghĩ là ngửi thấy suốt ngày hôm qua. Con có biết là chúng đang nói với nhau gì không? Mẹ lo là có ai trong khu chung cư này sẽ bị rắc rối. Ô kìa … nhìn coi, chúng có chìa khóa. Thật là ghê gớm. Có lẽ là ông Hai Cẩn ở tầng thứ hai rồi chắc. Thật tội nghiệp cho bà ấy chứ. Dũng à, chúng có tra tấn người ta dã man không? Con nghĩ chuyện đó có thực không? Bây giờ thì hắn đã lui lại khuất trong bóng tối. Câu trả lời thật khẽ như tiếng thì thầm, khàn khàn, căng thẳng: - Đúng như vậy... chúng tra tấn... Cả hai nín thở khi cánh cửa sổ đóng lại. Những bước giầy có đế bằng sắt từ cầu thang tầng dưới vang vọng lên. Người mẹ nghe được tim mạch của mình đập thình thịch. Những bước chân ngưng lại ở tầng thứ nhì. - Trời ơi - Bà ta kêu lên, hai tay ôm lấy mặt. Nhưng việc gì xẩy ra sau đó? Tiếng đế giầy sắt lại tiếp tục vọng lên. Chúng tiếp tục đi lên, gần hơn. Tới tầng thứ ba rồi. Chị em nhà Sáu Tơ? Nhưng tiếng chân vẫn tiếp tục vang lên mỗi lúc một gần và rõ dần. Ba ta quay nhìn thằng con, bây giờ nó không còn đứng trong vùng bóng tối nữa. Ánh sáng mờ mờ buổi sáng sớm xuyên qua cửa sổ chiếu vào mặt nó trông giống như mặt của loài quỷ. Miệng nó há hốc tựa như một chiếc hố trong khuôn mặt màu tro xạm. Và bây giờ họ đã ở ngay trước cửa, họ đứng ngay ở đây. Tiếng chân lê rồi giậm vài lần. Bà ta muốn quàng tay ra ôm chặt lấy thằng con, nhưng nó đã bước ra khỏi tầm tay của bà và như muốn tìm đường tẩu thoát. Nó cúi người xuống như bị tê liệt, hai tay nắm chặt chiếc lưng ghế, mồ hôi đổ ra, hai hàm răng run lập cập. Hai mẹ con hoàn toàn im lặng, không dám thở mạnh, hai tia mắt chạm nhau như hai luồng điện xẹt lửa. Tiếng chuông cửa bỗng vang lên như tiếng thét của tử thần, cả hai chết lặng, cả hai đều nín thở và không nhúc nhích. Tiếng chuông lại vang lên như kiên gan bền bỉ, như thúc dục, như những nhát búa thật mạnh bổ xuống đầu hai mẹ con. Nếu là một cơn ác mộng, mọi việc xẩy ra trong giây phút này chỉ như một cái rùng mình. Nhưng không, đây không phải là cơn mộng mà là sự thực. Bà ta cảm thấy đôi tay của thằng Dũng, nó ôm lấy bà, hôn lên má bà vội vàng rồi biến mất sau cánh cửa buồng. Bây giờ bà hoàn toàn cô độc. Bà đứng như trời trồng, da nổi gai ốc, mặt không còn một chút máu. Tiếng chuông vẫn thúc dục. Hai bàn tay lạnh giá ôm lấy mặt, chiếc miệng méo xệch, bà rên khẽ. Thình lình có tiếng súng được hãm thanh. Rồi tất cả trở lại im lặng, một cái im lặng khủng khiếp trong khi tiếng chuông vẫn như giận dữ, như thúc dục. Bà vẫn đứng đó nhưng như đã chết. Rồi bà thấy mùi vị tanh của máu nơi cuống họng. Bức tường bên dãy phố đối diện nhuốm màu đỏ của ánh nắng buổi sáng sớm. Bây giờ họ bắt đầu dọng cửa. Bà đứng thẳng dậy, bước đi như không chạm mặt đất. Có lẽ vài giây ngắn ngủi đã qua đi, nhưng thời gian như không còn một ý niệm nào nữa, bà cảm thấy thật cô độc trong cái vô cùng. Cánh cửa mở khi họ đang định phá để vào. - Trần Dũng? - Trần Dũng.. Trần Dũng? Người đội chiếc mũ nồi xin lỗi và nói những gì bà không hiểu và cũng chẳng nghe thấy gì cả. Bà đi trước dẫn đường. Chiếc cổ trắng bệch và già cỗi được phủ bằng mớ tóc rối tung. Trần Dũng, phải, thằng con của bà. Bước chân bà nhẹ tênh như không có một sức nặng nào đè lên cả. Tới trước cửa phòng của nó, bà dừng lại, tay đặt lên chiếc nắm cửa. Bên trong im lặng quá. Trời đất! Sao im lặng quá vậy? Người đội chiếc mũ nồi nói với giọng thật thấp, hắn nói bằng tiếng Na Uy: - Có lẽ nó ngủ. Ba ta mỉm cười, một nụ cười méo xệch, nụ cười thoáng hiện trên nét mặt bà như một con chim trong cơn giông bão. - Vâng, nó đang ngủ say. Chậm chậm, bà mở rộng cửa ra. cả ba tên im lặng đứng nhìn. Bà mở miệng, đôi môi có màu xám tro nhưng bây giờ đã khôi phục được giọng nói, một giọng nói có âm hưởng như tiếng đàn. Nét trắng trong đôi mắt giờ bừng cháy sáng rực, lan đến tận làn da cổ. Giọng nói như vang lên với niềm kiêu hãnh lẫn vẻ chiến thắng: - Thưa quí ông, đây là phòng con tôi. Trong phòng, một làn khói mỏng màu xanh đang bay lượn và vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng trộn lẫn với mùi tanh của máu. °Trần Hồng Văn Tác giả: Torborg Nedreaas rất quen thuộc với độc giả Na Uy. Bà chuyên viết những truyện ngắn về phụ nữ và thiếu niên. Với cuốn truyện "Trylleglasset" bà đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc Na Uy.