N gười ta nói chú Sa y chang như cầu thủ bóng đá Vũ Công Tuyền của tuyển quốc gia. Vũ Công Tuyền sáng chói ở tuổi ba mươi, còn chú Sa bốn mươi bốn tuổi thì tự nhiên nổi tiếng toàn quốc. Chú Sa sống ở hẻm Cựa Gà, ngó ra dốc cầu Quay cũ. Ðầu hẻm có dựng cái bảng "Hẻm văn hóa 115", nhưng người trong thành phố vẫn quen gọi là hẻm Cựa Gà. Nghĩ lại, để chữ "Hẻm văn hóa Cựa Gà" cũng bậy, nghe nó tệ nạn làm sao ấy. Người trong hẻm làm đủ nghề, từ mới vô ngạch công chức cho tới cán bộ về hưu, từ công nhân cho tới bán bắp luộc, mua ve chai lông vịt, thiến heo... Họ gọi đó là nghề tay mặt. Nghề tay trái là đóng phim. Bà con mê đóng phim lắm, không phải vì sống được mà vì vui. Người đầu tiên rủ mọi người vô nghệ thuật diễn mướn là chú Sa. Chú Sa làm bảo vệ kiêm thêm trồng bông xén cỏ ở hãng phim truyền hình, người rất quý bà con trong xóm. Chú thấy không thể để cho ngoài trăm khuôn mặt quanh mình cả đời sống thầm sống lặng, kẹt trong hẻm này hoài. Chú kéo cả xóm đi đóng phim để an ủi mỗi người có lúc thấy mình vô phim khác ngoài đời. Bây giờ là trào lưu làm phim chiến tranh để nhớ về quá khứ, mà hễ làm loại phim đó là phải cần thiệt nhiều diễn viên quần chúng. Thanh niên vô vai lính, lúc bên mình, lúc thay áo qua bên giặc. Ông bà già, con nít đóng vai dân, nhiều nhất là dân chạy loạn. Sồn sồn cỡ chú Sa hóa trang vô vai lãnh đạo tham mưu hoặc làm quan Tây. Tuổi nào có vai nấy, chạy ào qua cái mương, nước văng sáng trắng, có thấy mặt mũi gì đâu nhưng vẫn gọi đây là vai, vẫn vui. Dân hẻm Cựa Gà hồi nào giờ nổi tiếng hịch hạc, dễ chịu. Riêng về chú Sa, một lần diễn vai ông nông dân, thằng sĩ quan ngụy chạy lại lia lia cây súng hỏi: "Thằng Việt cộng chạy hướng nào?". Chú Sa chỉ. Giặc chạy đi. Máy quay cận cảnh chú Sa mằn mằn cái đầu khăn rằn, cười bí hiểm kiểu như "tao xỏ mày đó, thằng ngu"... Tính đi tính lại, đó là vai có da có thịt, mặt mày rõ ràng nhất của chú.Vậy mà bây giờ chú được diễn chính mới lạ chứ. Cơ hội tình cờ thôi. Hôm đó đạo diễn Long Xưởng vừa mới đọc xong kịch bản, qua phòng giám đốc cãi cọ một hồi về vụ thiếu kinh phí mà bắt làm phim cho hay, rồi dắt xe ra cổng. Lúc đó chú Sa đang đuổi mấy thằng nhóc lẻn vô đá banh trong sân. Tụi nhóc ôm trái banh chạy lòng vòng, chú Sa lụi dụi đuổi theo. Miệng la, mắt trợn trắng, râu tóc dựng ngược. Lúc đầu ông đạo diễn còn cười, sau đó đứng thỗn ra, nhìn chăm chăm. Ông Long Xưởng nói:- Tôi cho ông năm triệu!Chú Sa giật mình:- Giỡn hoài, làm gì cho tôi dữ vậy?- Ðóng phim.Ðạo diễn nói thiệt gọn.Nhưng dính vô nghệ thuật rồi mọi chuyện đâu có gọn như vậy. Dứt khoát là không giống như chuyện đóng cổng, tưới bông mỗi ngày rồi. Chú Sa cầm xấp kịch bản để coi trước về tới đầu hẻm mà vẫn còn run. Chú tính thôi đi. Chú ghé quầy cô Thư ngồi chơi. Cô Thư nhìn chú chằm chằm: "Bộ bữa nay anh Ba bị rầy hay sao mà bần thần vậy?". Chú lắc đầu. Con bé Mén, con gái cô Thư, đi học về mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nó chúi đầu vô cái quạt máy, tay vỗ vỗ đầu gối: "Má tính làm sao chớ con lội bộ chịu hết nổi rồi - nó ngước qua chú Sa - thiệt đó chú Ba". Cô Thư phân trần với nó mà nhìn chú Sa như là nói với chú:- Con coi, cái sạp mình dột te mà còn chưa có tiền sửa, mưa gió có buôn bán gì được đâu. Chiếc xe đạp coi được cũng năm bảy trăm nghìn chớ đâu ít.Chú Sa nhìn cảnh gà mái nuôi con mà ngậm ngùi. Chờ con Mén đi vô nhà rồi, chú Sa mới thủ thỉ:- Ở hãng người ta định giao cho tui đóng phim vai lớn.- Mèn ơi - cô Thư la lên - Thiệt vậy sao anh Ba? Vai chính hả?- Ừ, cũng gần chính, có điều vai ác.- Thôi, chuyện đó mà nhằm nhò gì. Em ủng hộ anh Ba hết mình.Hẻm Cựa Gà cũng ủng hộ chú Sa hết mình. Tối tối đi làm về, bà con tụ lại nhà chú, đọc thuộc lòng kịch bản, vô vai cho chú diễn thử luôn. Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn. Bên chính diện có diễn viên Hoàng Bửu với Khánh Trang đang nổi lên là hai diễn viên ăn khách, một đôi ăn ý. Bác Tư Cự vui vẻ bảo: "Vậy là chú Sa mày so cựa toàn thứ dữ không rồi, nhưng mà hổng sao, mình làm cho kỹ thua gì tụi nó". Cô Thư lo cho chú nhiều nhất, cô khuấy sữa bột gà nóng đem qua cho chú Sa bồi dưỡng, chú uống cái nụ cười của cô ngọt ngào, béo ngậy tới ba bữa sau còn chưa tan. Cô thì hay cười lắm, lúc cười mấy nếp nhăn chỗ khóe miệng dãn ra, cô trẻ lại chừng năm tuổi. Má con Tí Hoa làm nghề bán bắp nướng biểu "bà Thư lấy chồng cho rồi". Cô Thư cười: "Tui đang chờ người ta". Chú Sa đánh lô tô trong bụng, biết cô Thư nói tới mình. Khi đi theo đoàn làm phim ở Long Khánh hơn mười lăm ngày, chú Sa nhớ nhất là cô Thư. Chú đinh ninh hoài lời cô: "Em thấy anh diễn không thua gì cảnh chuyên nghiệp đâu nghen. Nội em thấy tướng anh vô vai đó là ngon rồi".Chú Sa vẫn nể cô Thư vì cô hiểu biết cuộc đời rất sâu sắc do đọc nhiều báo. Cô nói y như thật. Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không chê vào đâu được Long Xưởng hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết, con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút. Trả lởi phỏng vấn báo Ðiện ảnh, ông Long Xưởng không tiếc lời khen: "Từ hồi tôi làm đạo diễn tới giờ chưa gặp diễn viên nào đóng hay như thế".Sau câu nói đó, chú Sa nổi tiếng khi phim vẫn còn làm hậu kỳ. Báo chí đua nhau nói về chú, một diễn viên không chuyên, như thể chú cứu vãn tình hình điện ảnh nước nhà vậy. Chiều nào đạp xe về cô Thư cũng chào chú Sa bằng nụ cười rạng rỡ: "Bữa nay báo có anh nè, hình bự lắm, đẹp lắm". Chú Sa rẽ xe lại, cùng cười, trong lòng ước cô Thư hiểu được chú ghé lại là chỉ vì cô chứ không phải do cuốn báo có in hình chú. Lật qua lật lại một chút, chú Sa kẹp vô đó hai triệu rưỡi bạc vừa mới được ứng ở hãng. Chú ngại ngần như người ta mới đi hối lộ lần đầu:- Cô mua chiếc xe cho con nó, còn lại mướn thợ sửa cái kiốt, chắc không dư bao nhiêu đâu. Ðể tôi lãnh hết tiền còn lại tôi cho cô mượn luôn làm vốn bán truyện tranh, tụi con nít mê lắm.Cô Thư xúc động tới ngẩn ngơ:- Thôi, đừng anh, thì anh cũng để xài chớ...- Tôi chỉ cần năm bảy trăm để đóng cái giường đôi thôi cô Thư à, cô đừng ngại. Tôi một thân một mình, có nuôi ai đâu...Phải cô Thư hỏi chú đóng giường đôi làm gì thì thế nào chú cũng nói luôn bụng dạ mình. Già cả rồi chớ còn son trẻ gì nữa mà ngần ngừ. Nhà cô Thư ngó ngang qua nhà chú Sa. Hai cái cửa hai nhà liếc xéo qua nhau tình tứ. Chỉ cần đứng chỗ cửa sổ là có thể nhìn thông thống qua nhà bên kia. Cô Thư sống với con Mén, chồng cô chết vì tai nạn công trường xây dựng. Chú Sa thì đơn chiếc từ buổi còn con trai. Chú Sa thương cô Thư không biết từ hồi nào (mấy thứ tình cảm thật lòng khó mà có cái mốc nhất định lắm, nó như những giọt nước nhỏ hoài nhỏ hoài xuống ly, tới một ngày cái ly bỗng tràn đầy), nhưng rõ ràng nhất là hồi cô leo lên mái nhà đóng tấm thiếc tróc nóc lại, bị búa đập giập tay. Chú nghe đau buốt trong lòng như chính chú bị giập tim vậy. Kể từ đó, cách này hay cách khác chú luôn giúp cô Thư, mót nửa tháng lương để ngày nào cũng mua giùm cô cuốn báo, lúc thì tạt qua Trường Cây Bưởi đón bé Mén về. Rồi sửa bộ vạt giường, chở cát về đắp sân, trồng bông trang đỏ, chú làm hết. Mệt mà vui phừng phừng. Bà con trong hẻm cười thì thà thì thụt, hỏi chú Sa sao không che cái mái ngang hẻm nối hai nhà làm một cho rồi. Chú Sa bảo: "Còn chờ ý người ta". Cô Thư cười cười hoài, biết tình ý ra làm sao. Nhưng gần đây nhất, sau vụ đóng phim, cô Thư có nói: "Không biết người ta nổi tiếng rồi có còn ghé chỗ em nữa không hen?". Chú Sa nói liền: "Ghé, ghé chớ, hổng ghé chỗ này thì biết đi đâu".Chú Sa không ngờ.Hôm đài truyền hình chiếu bộ phim Chiến tranh, cả hẻm nôn nao. Năm giờ chiếu phim thì bốn rưỡi nhà nào nhà nấy nấu cơm tươm tất rồi. Chú Sa mở ti-vi, bà con kéo lại, chú hồi hộp tới mức không biết ngồi đâu ngay trong nhà mình. Sau đó là tới phim. Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Ðảng mình đang mang thai. Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta. Phim bạo liệt, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như người ta, nó chết trong dằn vặt. Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Ðiên dại tới lúc bị bắn chết. Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm. Ðúng lúc một chiếc xe kem đi ngang qua, tiếng chuông lảnh lót, con Tí Hoa giật mình khóc thét, chú Sa lấy đường phèn cho, nó còn khóc dữ, nó vùng khỏi chú với cặp mắt kinh hoàng và giấu mặt vô lòng má nó cho tới lúc màn ảnh xuất hiện chữ "sản xuất năm 2000". Chú Sa thở phào, mời mọi người uống trà và chuẩn bị ăn cháo gà nhưng hết thảy đã lẳng lặng ra về. Cô Thư tính ở lại, con Mén cũng lôi về luôn sau khi bỏ lại cho chú cái nhìn căm ghét. Chú Sa chới với. Sau tiếng khóc của con Tí Hoa, rõ ràng chú đã đánh mất một cái gì đó, lớn lắm, quả tình là không có gì bù đắp được.Bộ phim thật sự gây tiếng vang. Ðám diễn viên chuyên nghiệp dắt xe qua cổng đã gật đầu chào chú Sa chớ không nghếch mặt lên đủng đa đủng đỉnh đi qua như trước. Nhưng họ chỉ xẹt qua xẹt lại cái cổng chưa đầy mười giây còn chú Sa thì cô đơn suốt buổi. Chú chỉ mong qua bộ phim này chú được sống yên ả, bình dị như cũ. Chú ngán nổi tiếng thiệt rồi. Bây giờ chú thèm được ghé chợ mua mớ cải xanh buộc ghi-đông đạp xe thong dong về hẻm Cựa Gà, ghé qua Trường Cây Bưởi đón con Mén (chú quên chuyện nó đã mua xe mới), tạt lại cô Thư để ngó cô cười. Sau đó chạy qua lối hẻm, qua tụi con nít đang chơi, tụi nó chạy theo xe, chú dừng lại chỗ cây me ông Tư Cự. Vô nhà uống miếng trà, tới chừng nghe mùi chiên xào mới sực nhớ mình cũng đói. Chú thèm đứng trong sân nhà cô Thư cầm cây kéo cắt tỉa đám bông trang đã đâm tua tủa ngọn. Ừ, chú chỉ mơ vậy, thèm vậy thôi.Buổi chiều, chú ghé quầy báo cô Thư hỏi tờ An ninh thế giới dù biết chắc bữa nay tờ đó chưa ra. Trời ụp mưa, chú ngồi lại, buồn tình, than:- Sao mà ra nông nỗi này hả cô? Chuyện đó chỉ là trong phim thôi mà.Cô Thư thông cảm, an ủi:- Bà con mình cạn nghĩ, cứ tưởng phim như ngoài đời: Tánh anh em biết, hiền từ chớ đâu có hung ác gì với ai. Mà cũng tại anh, đóng chi mà sắc dữ vậy không biết.Chú Sa hờn trong bụng, "vậy mà nói hiểu mình". Tánh chú, đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, làm cà lơ phất phơ mà nhận năm triệu bạc của người ta thì lương tâm cắn rứt lắm. Hơn nữa đây là phim chiến tranh, thời chiến tranh biết bao nhiêu thằng ác ôn như vậy, nhiều thằng còn ác hơn, tàn bạo hơn. Chú ngồi giãi bày với cô Thư thì hết mưa con Mén về, nó nhìn chú lom lom như muốn bứng chú đi. Chú Sa thấy ngột ngạt quá nên từ giã về. Con Mén vùng vằng:- Mai mốt đừng cho ổng ghé đây nữa nghe má.- Trời đất, sao vậy con?- Con thấy mặt ổng là con ghét.Cô Thư biết là tại bộ phim. Cô kể về chiếc xe đạp, về cái sạp báo khang trang như bây giờ là nhờ chú Sa. Con Mén nguầy nguậy không nghe:- Thì tui nói vậy đó.Khi nó cộc cằn chuyển hệ sang "tui" thì cô Thư biết chuyện nghiêm trọng thiệt rồi. Thấy chưa, tiền bạc đâu phải lúc nào cũng xây đắp được tình yêu đâu... Tội nghiệp chú Sa dễ sợ.Chú Sa vẫn tiếp tục đi về trên con hẻm hẹp te mà nghe trống vắng thênh thang. Tụi con nít nghe tiếng xe đạp chú tè tè lọc cọc thì chắc mẩm đứa nào đứa nấy mặt xanh mặt tím chạy vô nhà trốn. Tụi nó hỏi nhau: "Ổng đi chưa?", cũng tại má tụi nó nhát hoài, lì lợm, không ăn cơm là bị chú Sa ăn thịt. Rõ ràng là ấn tượng về thằng thiếu úy Cón mạnh mẽ quá sức tưởng tượng, rõ ràng là người ta bị giật mình bởi tội ác. Bà con ngại ngần ác cảm giạt xa chú đã đành, chí cốt như bác Tư Cự còn lánh chú. Chú qua nhà, bác Tư làm bộ day mặt vô tưới bụi hẹ kiểng, tưới hoài, nước chảy ròng ròng tràn ra hàng ba, ngước lên thấy chú Sa đang chỏi chân nhìn:- Lâu quá ông anh không vô em uống trà?Bác Tư cười gượng:- Tui kẹt quá chú ơi - Rồi sợ chú Sa không tin, bác nói thêm - Tui đau bao tử.Chú Sa gật đầu rồi đạp xe đi, buồn là buồn bác Tư không tin chú chớ không giận. Ai chớ chú Sa thì rành chuyện bác Tư. Quê bác ở Bình Hưng, coi phim chiến tranh quên sao được cảnh con gái đầu của bác bị thằng Nguyễn Lạc Hóa ở biệt khu Hải Yến moi gan, ăn thịt ngay trước mặt bác. Cũng như trong phim, cầm bằng tan nát hết lòng cha. Mà thằng Hóa ác ôn đó sao mà y chang thằng Cón ác ôn trong phim, thằng Cón mà chú Sa đóng.Chú Sa thấy đây đúng là một tai nạn, có điều nó hành hạ chú lâu quá, không biết tới chừng nào mới thôi. Chú tỉ tê than với ông đạo diễn, ổng cười: "Mình hy sinh cho nghệ thuật mà". Chú quạu: "Nghệ thuật con mẹ gì, vì năm triệu đó chớ". Làm ra đồng tiền chân chính đúng là đổ mồ hôi, sôi con mắt, mất mát tình thâm. Chuyện đâu có gì nhưng mấy hôm sau cô Thư chặn xe biểu chú Sa ghé lại, chìa tờ báo trước mặt chú, nét mặt giận hờn. Lật ra, mục "Chuyện vui điện ảnh" đúng là nói chuyện của chú than với Long Xưởng. Báo còn sáng tác thêm chuyện chú bị chọi đá u đầu. Chú Sa nghĩ tới nước đó thì chết còn sướng hơn. Cô Thư dằn dỗi: "Anh nói thiệt đi, vui lắm sao, vui lắm à?". Chú Sa định phân trần thì chực thấy cô Thư rơi nước mắt. Cô đã từng kêu chú ráng chờ cho bộ phim đó nguôi đi, phai đi, chắc bà con cũng quên mất đất chớ nhớ làm gì. Nhưng lòng cô lung lay, biết con Mén có quên được không, biết nó lớn nó có hiểu tấm lòng của má nó? Hay là tới chừng nó quên được rồi thì cô với chú Sa hai người đã chống hai cây gậy, móm mém hết, nói làm chi chuyện chung đôi. Những buổi tối, con Mén đi học Anh văn, cô Thư bắc cái ghế ngồi cửa trước, chú Sa bắc cái ghế ngồi cửa trước, giả bộ nhìn trời nhìn đất. Cô Thư thương con, sợ nó buồn. Và chú Sa thương cô, sợ cô buồn. Ðúng là "cách nhau một tấc, dài thêm khúc lòng". Chung quy cặn nguồn cũng tại chiến tranh hết, dù chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm rồi.Cũng may mà còn giọt nước mắt buồn tủi của cô Thư vì bị bộ phim mắc dịch đó ngăn trở, còn cái bóng cô ngồi cửa trước để nhớ nhau. Còn cặp mắt bần thần của ông Tư Cụ khi chú Sa một mình qua ngõ, còn những ký ức ngọt ngào về tình cảm giữa chú với bà con... Chú Sa đã bắt đầu thấy niềm vui cháy le lói trở lại.Hằng đêm, chú Sa đốt nhang van vái hương hồn ba má chú, van vái đất trời cho gián nhấm, chuột cắn bộ phim đó hoặc giá nó sẽ mốc meo trong kho lưu trữ đi cho rồi để mỗi dịp lễ lạt khỏi bị lấy ra chiếu đi chiếu lại, phiền lòng giữa buổi vàng thau...