Cách Tết âm lịch đúng một tháng, mẹ tôi qua đời. Tôi không quá bất ngờ bởi điều đã đoán định truớc, căn bệnh ung thư phổi của mẹ vốn không dành cho tôi bất kỳ cơ hội nào cả. Dù vậy, cái cảm giác trống rỗng đờ đẫn hệt như ai đó đã đặt một cục đá lạnh vào trong lòng từng ngày từng ngày trôi qua vẫn không hề nhạt đi chút nào. Từ chối yêu cầu đến ăn tết cùng gia đình riêng của ba, nơi vốn không có chỗ cho mình, tôi xách va ly lên máy bay, bắt đầu chuyến hành trình rất dài xuyên qua bầu trời đến một ngôi làng nhỏ ở miền Tây nước Áo theo lời mời của cô bạn Molly quen thân trong trại hè quốc tế cách đây hai năm. Mùa xuân năm 19 tuổi –mùa xuân đầu tiên tôi không có Tết, và cũng là mùa xuân đầu tiên tôi có cảm giác mình không còn nhà để về.
Xuống sân bay ở Vienna, tôi bắt xe lửa đến Innsbruck, rồi từ đây sẽ đi tiếp sang Feldkirch –ngôi làng nơi gia đình Molly sinh sống.
Khi tôi bước ra khỏi ga xe lửa thì trời đã chập choạng tối, cảnh tượng trước tiên đập vào mắt là tuyết. Tuyết ngập tràn, tuyết trắng xoá, phủ kín rặng núiẤlps phía xa, phủ kín thành phố vùng Tirol xinh đẹp, phủ kín cả những rặng dẻ trụi lá vươn cành khẳng khiu in lên nền trời xám xịt. Cái lạnh dữ dội xuyên qua mấy lớp áo dày, thấm vào da thịt, cắt ngang từng đầu ngón tay khiến tôi run lên bần bật. Hơi ấm toả ra từ ngọn lửa đun nồi bánh chưng chiều 30 Tết, từ bàn tay mềm mại của mẹ dường như đã quá xa vời. Tôi không nghĩ mình đã khóc nhưng lúc đón tôi ở bậc cửa, Molly –cô bạn lúc nào cũng tươi cười lại lặng lẽ rút khăn mùi soa giúp tôi lau khô khuôn mặt ướt đẫm và lạnh giá.
Thời tiết ở Feldkirch rất đẹp. Bầu trời xanh biếc. Không khí an tĩnh. Các cánh đồng ngập trắng tuyết bao lấy những căn nhà gỗ xinh xắn đẹp hệt tranh vẽ. Sống ở đây lòng tôi cũng dần bình yên lại. Hàng ngày tôi cùng gia đình Molly đi thăm thú vài nơi, cũng có khi ở lỳ trong bếp học làm món bánh khúc cây sôcôla, có khi lại nghịch ngợm ra sân đắp người tuyết. Tôi muốn đem tất cả những ký ức không vui, tất cả những tưởng niệm về mấy ngày Tết ở Việt Nam tạm thời nén thật sâu trong lòng.
Ngày thứ mười ở Feldkirch, dù không bị ai đánh thức, tôi vẫn tỉnh giấc rất sớm, phát hiện các ô cửa sổ bám dày tuyết vẫn còn tối om. Tôi nằm im một lúc lâu, hai mắt mở to không chớp. Lớp băng mỏng kết ngang lòng bỗng nứt ra, rơi xuống từng chút một. Tôi biết, ở Việt Nam, hôm nay đã là 30 Tết rồi. Lúc này những con đường đều đã chật người qua lại. Lúc này hoa đào hoa mai đều đương nở rộ. Lúc này từ căn bếp của mỗi nhà đều toả ra mùi thơm của bánh chưng, của thịt gà luộc, của giò xào, của nem rán, của nhang nến… và của những bộ y phục rực rỡ mới tinh. Lúc này người thân trở về với người thân, gia đình đoàn tụ hạnh phúc biết bao nhiêu… Tôi thay quần áo, mở cửa ra ngoài. Dưới chân tôi, trước mắt tôi, bên trên tôi, xung quanh tôi chỉ là tuyết trắng, trắng đến không dấu vết, trắng đến không hơi ấm, trắng đến xa lạ. Tôi có chút mơ hồ, cứ thế mà bước đi, không rõ nên đi đâu phải đi đâu. Thế giới rộng lớn là vậy nhưng dường như lại không có nơi nào thật sự thuộc về tôi cả!
Tuyết bắt đầu rơi, ban đầu còn lất phất rồi dần nặng hạt. Những bông tuyết li ti xiên xiên giữa không trung, nhìn nghiêng tựa những giọt nước mắt của mùa đông. Tôi dừng chân, cảm giác thấm mệt lan từ hai bàn chân ra khắp toàn thân như làn nước buốt giá. “Mình chỉ có một mình!” tôi âm thầm nghĩ thế, hai đầu gối cũng bất giác cong lại hạ xuống “mình chỉ có một mình với những bông tuyết”. Tôi duỗi thẳng người, nằm ngửa mình trên tuyết, lặng lẽ ngắm nhìn những giọt tuyết trắng muốt đang bay loạn trên cao, mỏng mảnh tựa những hạt lệ đang tan ra tan ra…
Get up! (Tỉnh dậy!)
Trong cơn mê trắng xoá của tuyết phảng phất như có ai đó đang gọi tôi. Âm thanh xa lạ nhưng trầm ấm…
Get up! Get up!
Tôi không thể nhìn rõ khuôn mặt người đang gọi mình. Đôi mắt như bị một làn sương mù bao phủ, càng cố gắng xua tan lại càng dày đặc.
Get up!
Âm thanh kia dường như nhỏ lại, có vẻ mất kiên nhẫn. “Đừng đi!” tôi cuống lên, muốn gọi thành tiếng nhưng miệng như cứng lại. Rồi hốt nhiên, có ai đó đặt vào má tôi một dải khăn ướt, rất ấm rất mềm mại, nhẹ nhàng lau qua lau lại…
Tôi mở mắt, rồi nhắm mắt, rồi lại mở mắt. Ảo ảnh không tan đi mà hiển hiện quá rõ rệt. Thay thế hình ảnh bầu trời trắng xoá đầy tuyết bay phía trên là một khuôn mặt con trai trắng trẻo với đường nét đậm chất châu Á. Mắt đen, và có lẽ cả mái tóc cũng tuyền một màu đen được giấu kín dưới chiếc nón len đỏ thẫm. Tôi chớp mắt liền mấy cái.
Are you OK? (Bạn không sao chứ?)
Fine (Ổn)
Tôi đáp thành tiếng, chống tay ngồi dậy lại thuận đà đẩy cái lưỡi bất nhã của chú chó khổng lồ đang không ngừng liếm qua liếm lại một bên má ra xa.
Sam!
Chàng trai quát. Chú chó có bộ lông trắng tức thì cụp tai lại, len lén luồn ra sau lưng tôi, giương cặp mắt tội nghiệp về phía cậu chủ. Tôi bật cười:
Đồ nịnh bợ!
Bạn là người Việt?
Chàng trai nói với giọng gần như reo lên. Cậu nhanh chóng ngồi xuống, cặp mắt sáng nhìn tôi đầy vui mừng và khoé miệng cong lên để lộ chiếc răng khểnh và má lúm đồng tiền rất duyên. Tôi buột miệng:
Cậu dễ thương thật đây!
Không khí xung quanh tức thì hoá thành một mảng yên lặng. Hai má tôi cũng tự giác nóng bừng lên. Nhưng khi tôi còn chật vật với lời xin lỗi thì chàng trai đã lên tiếng trước:
Không sao! Không cần phải xin lỗi! Mình quen rồi! -Cậu lại cười- Với lại mình dễ thương thật đúng không?
À…
Đứng dậy đi. Lần sau đừng ngủ trong tuyết như vậy, rất dễ bị tê cóng.
Tôi gật đầu, lật đật đứng dậy. Hai chân vẫn hoạt động dễ dàng, vậy là tôi thiếp đi chưa lâu lắm.
Cảm ơn đã đánh thức tôi!
Tôi vừa phủi sạch tuyết dính trên quần áo vừa nói. Gương mặt hình như có chút khô khô, đau rát.
Không có gì!
Chàng trai nói nhẹ. Ngừng lại một lát rồi cậu thêm:
Đừng chùi như vậy. Không sao đâu. Chỉ là nước mắt kết lại nên có hơi xót.
“Phản công hay đấy!” -tôi ngừng động tác của ngón tay, nghiến răng lại- “trước mặt một người xa lạ chẳng ra sao cả”. Trầm mặc vài giây rồi chỉ tay vào chú chó Sam, tôi thong thả nói:
Tôi đang chùi …của nó.
Gương mặt trắng trẻo tức thì đỏ ửng lên. Tôi cười nhẹ một cái, quay người đi
Làm phiền rồi! Tạm biệt!
Nhưng có vẻ như chàng trai không chấp nhận lời chào của tôi bởi cậu ta đã nhanh nhẹn bước theo sau, đôi chân dài chỉ sải hai bước đã đuổi kịp.
Mình là Gia, 19 tuổi, du học sinh bên Thuỵ Sĩ, đang đến chơi ở nhà một cậu bạn cùng lớp. Còn bạn?
Minh, 19 tuổi. Du khách!
Tôi đáp ngắn gọn, hơi ngạc nhiên trước sự háo hức của Gia. Có lẽ mỗi du học sinh, khi gặp được đồng hương nơi đất khách quê người đều có tâm trạng thế này chăng?
Vậy là tụi mình cùng tuổi! Bạn đi du lịch cùng với gia đình à?
Không! –Tôi nói một cách thờ ơ- Tôi đi một mình, cũng như cậu thôi nhận được lời mời của một cô bạn quen cách đây hai năm tại trại hè giao lưư quốc tế.
Bạn đi một mình? –Gia dừng lại, đôi mắt to nhìn tôi đầy kinh ngạc- Nhưng thời điểm này…
Phải –Tôi lặng lẽ trả lời, hiểu rõ lí do tại sao cậu ta lại phản ứng như thế. Lòng cũng tự nhiên nhói lên, tôi cố giữ nét mặt bình thản, nhàn nhạt tiếp lời- Xin lỗi, tôi phải về đây.
Xoa đầu chú chó Sam thay lời chào, tôi hướng về phía nhà Molly rảo bước, không nhìn Gia thêm lần nào nữa. Đến tận khi đã cách một quãng rất xa, lúc ngoảnh lại, chỉ nhận được một chấm đỏ nhỏ xíu bất động giữa nền tuyết trắng bao la.
 
Cuộc gặp gỡ lúc sáng chỉ như bụi tuyết lướt qua, tới bữa chiều tôi đã hầu như quên sạch sành sanh. Ăn xong, tôi kéo ghế đến cạnh lò sưởi, nhàm chán nghe tiếng nổ lép bép của những trái thông khô giữa ngọn lửa đỏ rực toả hơi ấm khắp gian phòng, chẳng mấy chốc mà gà gật thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn dường như mơ hồ nghe thấy âm thanh cháy của thanh củi gộc dùng đun nồi bánh chưng chiều 30 Tết.
Chào Minh!
Đi theo tiếng chào vui vẻ là cái lưỡi ướt át bắt đầu lướt qua chóp mũi tôi một cách mạnh bạo. Tôi nhảy dựng lên, suýt chút nữa ngã nhào xuống sàn nhà. Gia nhìn tôi cười cười, khoe chiếc lúm đồng tiền đáng yêu, chú chóoSam ngoáy tít đuôi bên cạnh.
Xin lỗi, “lại” phải đánh thức Minh rồi!
Cậu …-Tôi có chút ú ớ-…sao lại ở đây?
Mình đi cùng Stepphan –Gia hất hàm về phía bếp, nơi có hai mái đầu vàng óng đang chụm vào nhau- Thật là trùng hợp!
Tôi thầm than một tiếng. Đúng là trùng hợp! Ai mà ngờ được cậu bạn cùng lớp mà Gia nhắc tới ban sang lại là bạn trai của Molly cơ chứ!
Nửa tiếng sau, bốn mái đầu gồm hai đen hai vàng vây xung quanh một chiếc bàn vừa uống cà phê vừa nhấm nháp những chiếc bánh quết bơ nóng hổi. Stepphan và Molly háo hức ngồi nghe Gia kể về cái Tết cổ truyền của Việt Nam.  Cậu bạn cố gắng miêu tả tỉ mỉ cho họ phong tục mừng tuổi, cách làm bánh chưng, mứt Tết…
Mứt châu Á hả? –Stepphan nói- Ở Naschmarkt-khu chợ lớn nhất Vienna hình như có bán đấy.
Thật hả? -Mắt Gia tức khắc sáng lên. Cậu ta quay sang tôi, mỉm nụ cười ranh mãnh- Hôm nay ở Việt Nam vừa đúng 30 tết. Nhân tiện có tận hai công dân Việt ở đây sao chúng ta không cùng chuẩn bị một cái Tết nhỉ?
Tôi không nhớ sau đó Stepphan, Molly và Gia còn nói những gì. Chỉ biết quyết định cuối cùng là sáng sớm ngày mai, bốn đứa chúng tôi sẽ ngồi xe lửa đến Vienna mua sắm đồ cho cái Tết Việt Nam ở trên đất Áo.
Mất gần bảy tiếng ngồi xe lửa, chúng tôi mới dến được Vienna. Không có thời gian ngắm nhìn những công trình kiến trúc kiểu Baroque đẹp như mơ phủ tuyết trắng, bốn chúng tôi bắt ô tô đến Naschmarkt. Gia hưng phấn dẫn đầu cả đoàn đi từ đầu chợ đến cuối chợ. Chúng tôi ghé vào gian hàng châu Á mua mứt quất, mứt gừng, giấy đỏ có dán câu đối, hoa quả… Tôi khều Gia:
Định bày mâm ngũ quả à?
Vậy sao không chuẩn bị nguyên liệu nấu miến, luộc gà, giã giò, làm nem luôn đi? –Tôi giễu.
Cậu biết làm không? –Gia quay lại nhìn tôi bằng cặp mắt đầy vẻ mong chờ.
Tôi vã mồ hôi. Cậu ta không nghĩ tôi nói thật đi.
Không. Mình không biết làm –Tôi vội vàng trả lời, nhanh tay chụp lấy một quả táo xem xét.
Gia gật đầu, có vẻ hơi thất vọng. Nhưng chỉ ít phút sau, nụ cười răng khểnh lại nhanh chóng nở ra:
Không sao! Tết ta làm trên đất Tây phong vị cũng nên khác đi!
Rồi bỏ lại tôi ngơ ngẩn với câu nói nửa chừng, cậu ta vừa ôm một đống đồ trên tay vừa hùng dũng qua gian hang khác càn quét tiếp. Rốt cục khi rời khỏi Naschmarkt tay của cả bốn đứa đã nặng trĩu túi to túi nhỏ. Ra đến sân ga, Gia bỗng ngoắc ngón tay ra hiệu dừng lại, rồi rút từ trong túi áo một phong bao đỏ thẫm đưa cho tôi:
Mùng một Tết rồi, cậu chọn một đứa bé nào trên sân ga mừng tuổi lấy may đi!
Tôi há miệng ra rồi ngậm lại, nuốt lời phản đối xuống. Bởi Stepphan và Molly đang nhìn tôi với ánh mắt háo hức mong chờ. Tôi liếc qua sân ga vài lượt, cuối cùng chọn một bé gái chừng hai tuổi có cặp má tròn dễ thương đỏ au như hai trái táo chin. Lúc đưa phong bao cho bé (tất nhiên là sau khi đã xin phép phụ huynh của bé), bé nhìn tôi mỉm cười; nụ cười ngây thơ ấy cứ tựa như dòng nước ấm chảy thẳng vào trái tim. Tôi bất giác cười đáp lại, nụ cười thật tâm nhất kể từ ngày đặt chân đến Áo.
 
Đó là cái Tết kỳ lạ nhất mà tôi từng được đón. Cả cha mẹ của Stepphan và Molly đều rất thích ý tưởng đón Tết việt Nam của Gia. Họ hì hục dán câu đối đỏ  lên bức tường gỗ, hì hục bày mâm ngũ quả, hì hục…lôi cây thông Noel ra bày giữa phòng khách. Molly và Stepphan chuẩn bị gà tây quay, súp cá, bánh Buche de Noel và rượu vang. Còn tôi và Gia…cùng nhau làm nem –nem Việt Nam trên đất Áo làm bằng thịt lợn xay, nấm hương và…spaghetti. Tôi đã cười suốt buổi tối hôm ấy; cười thật vui vẻ ấm áp. Đó là khi Gia và Stepphan khoác vai nhau hát inh ỏi, một người hát “Jinger bell”, một người hát “Ngày Tết quê em”. Đó là khi Molly rón rén nếm thử miếng mứt gừng rồi nhăn mặt uống vội cốc rượu vang. Đó là khi hai bác trai mặt đỏ hồng tập phát âm câu “Chúc mừng năm mới!” Tôi đã vừa cười vừa len lén lau những giọt nước mắt dính trên mi. Dẫu có chút khác thường nhưng mùa xuân năm 19 tuổi, Tết vẫn đến với tôi.
Kết thúc bữa tiệc, Gia khẽ tới gần, ra hiệu cho tôi dọn dẹp xong đừng vội đi ngủ mà ra bao lơn, cậu ấy sẽ chờ ở đó. Tôi gật đầu, không thắc mắc gì cả. Gia đón tôi với hai cây pháo bông thơm mùi nhựa thông. Chúng tôi đốt pháo. Ngọn lửa bung xoè như đoá hoa trắng sáng rực rỡ soi tỏ những bông tuyết phiêu du trong đêm. Gia cười:
Dù không có pháo hoa nhưng thế này cũng không tệ, đúng không?
Tôi không đáp, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn quầng sáng đang đung đưa dưới những ngón tay. Đợi đến lúc cây pháo đã cháy hết, tôi mới quay sang nói với Gia:
Cậu có gì muốn nói thì nói đi!
Gia lại cười khoe cái răng khểnh cùng lúm đồng tiền dễ thương:
-  Minh nói trước đi!
Tôi chống tay lên cằm, im lặng một lát rồi mở đầu:
Mẹ Minh mất cách đây một tháng! Ba Minh từ lâu đã có gia đình khác. Thế nên Minh sang đây!
Lần này đến lượt Gia im lặng. Hồi lâu, cậu mới thong thả kể:
Gia khá hơn một chút! Ba năm trước bố mẹ Gia ly thân. Gia vẫn nhớ năm ấy Gia phải ăn Tết với ông bà ngoại. Đó là cái Tết cô đơn nhất Gia từng nếm trải!
Rồi sao nữa?
Ông ngoại nhìn bộ dạng buồn bã của Gia giận lắm! Ông gọi bố mẹ Gia đến nhà, mắng cho một trận xối xả. Ông bảo: “Ngày Tết là ngày cả gia đình quây quần! Vậy mà anh chị nhìn đi, mỗi người một nơi. Anh chị không buồn thì thằng Gia nó cũng tủi!” Hôm đó mẹ ôm Gia khóc nguyên một ngày. Cũng may, sau cơn mưa trời lại sáng, qua ngày hôm ấy, bố mẹ Gia làm lành với nhau.
Vậy là khá hơn Minh nhiều chút chứ không chỉ một chút đâu! –Tôi cười khan mấy tiếng.
Minh vẫn còn ba mà! –Gia nhìn thẳng vào mắt tôi, nói một cách mạnh mẽ.
Thì sao? Ông ấy đã có gia đình của ông ấy.
Họ không thích Minh?
Tôi lắc đầu
Minh không biết! Minh hầu như chưa từng nói chuyện với họ.
Vậy thì thử đi. Đừng co rúm lại như con rùa rụt cổ thế! Người thân vẫn mãi mãi là người thân. Ở đâu có người thân thì ở đó sẽ có nhà! Mà Tết, là để về nhà!
Tết là để về nhà! Câu nói của Gia cứ như ánh lửa thắp lên trong tôi hi vọng le lói. Tôi vẫn còn có nhà, vẫn còn có thể có gia đình, phải không? Tôi nhìn Gia. Gia cũng nhìn tôi. Trong bóng đêm, mắt cậu ấy còn lấp lánh hơn tuyết, sáng rỡ và thuần khiết.
Năm mới, lì xì cho Minh! Mở ra coi đi!
Tôi đón lấy phong bao đỏ thẫm, mở ra xem. Bên trong trống rỗng. Gia tinh nghịch nói:
Đừng lộ ra vẻ thất vọng vậy chứ! Minh không nhận ra sao, Gia đã bỏ vào đó rất nhiều can đảm, rất nhiều niềm tin và may mắn! Cho nên Minh không cần phải lo lắng đâu!
Minh sẽ rất nhớ Gia! –Tôi thầm thì.
Tết năm sau mình sẽ đến thăm Minh –Gia nhoẻn miệng cười, để lộ chiếc răng khểnh và lúm đồng tiền dễ thương không thể tả.
 
Một năm sau
Chiều 30 tết, khi tôi cùng dì đang chuẩn bị cỗ cúng dưới bếp thì nghe tiếng ba gọi.
Minh ơi, có bạn đến tìm con này!
Tôi rửa tay rồi vội vã chạy lên. Đến cửa phòng khách tôi bỗng ngừng lại, ngẩn ngơ đến không tin được. Cậu bạn ngồi trên ghế quay lại. Nụ cười rạng rỡ. Chiếc răng khểnh. Má lúm đồng tiền.
-  Chào Minh! Năm nay đến phiên Minh lì xì cho Gia nhé!

Xem Tiếp: ----