Đó là một ngày mưa tầm tã. Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, thông báo bằng giọng đều đều, không cảm xúc: Cô vừa nhận được tin từ gia đình bạn Tường Vi. Bạn ấy đã mất tối qua! Hôm nay lớp ta được nghỉ một hôm để tham dự đám tang. Nối sau câu nói ấy là sự im lặng kinh hoảng. Tiếng mưa ầm ầm ngoài cửa dường như đã nuốt sạch mọi âm thanh. Không có quá nhiều điều để nói về Tường Vi, cũng như không đủ đau buồn để khóc thương cho người ra đi. Nhất là khi chúng tôi mới học cùng nhau chưa được ba tháng. Tường Vi mới chuyển vào lớp tôi hồi đầu năm học. Cô bạn có nước da bánh mật, khuôn mặt tròn trịa, thân hình quá khổ, luôn lầm lì, khép kín và đôi lúc cộc cằn. Có lẽ vì thế mà Tường Vi trở thành đối tượng của rất nhiều trò đùa quái ác. Chỉ trong vòng hai năm đã chuyển trường ba lần. Rất tự nhiên, cô bạn mới được phân đến ngồi cạnh tôi. Chẳng có gì lạ lùng, từ lâu rồi tôi được biết đến như chàng trai tuyệt vời nhất khối 11. Ngoại hình khá, biết cách ăn mặc, thành tích học tập tốt và luôn vui vẻ lịch lãm. Chẳng biết từ lúc nào, tôi coi những ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Tôi luôn chú ý giữ hình tượng của một anh chàng hòa nhã, dù có chuyện khó chịu hay bực bội cũng cố dằn xuống mà mỉm cười. Làm thân với Tường Vi không có gì là khó cả. Giữa những cậu bạn thô lỗ, tinh quái luôn trêu chọc miệt thị, sự ân cần quan tâm của tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô bạn khó gần. Khi những cô nàng khác lên tiếng phàn nàn bởi tôi giành sự quan tâm cho “vịt con xấu xí” thì tôi chỉ cười trừ, tuôn ra vài lời mềm dẻo tốt đẹp, thành công tăng thêm sự ngưỡng mộ cho bản thân. Thêm một thời gian nữa, tình cảm Tường Vi dành cho tôi tự nhiên phát triển. Chuyện này với tôi vốn chẳng hiếm lạ gì nhưng rơi vào Tường vi lại mang đến sự khó chịu kỳ lạ. Không có cô bạn nào lúc nào cũng nhìn tôi chằm chằm một cách lộ liễu như vậy. Cũng không có cô bạn nào lúc nào cũng thả đầy ngăn bàn tôi những trái chanh leo sần sùi xấu xí. Nỗi khó chịu dâng lên đỉnh điểm khi Tường Vi thu hết can đảm lén nắm tay tôi dưới gầm bàn. Bàn tay mập mạp, ram ráp, ẩm mồ hôi, trơn tuột như loài động vật nhuyễn thể. Những tin đồn bắt đầu rầm rì lan đi. Một vài kẻ quăng cho tôi ánh nhìn thương hại ác ý. Tôi không thể giả bộ thân thiện với Tường Vi hơn nữa. Viện vài lý do về bệnh mắt, tôi xin chuyển chỗ ngồi. Ngoài giờ học, tôi lập tức đặt mình vào trung tâm của những người bạn nổi tiếng, những cô nàng xinh đẹp và các cuộc bàn luận náo nhiệt. Bản tính thầm lặng giữ cho Tường Vi không đến gần tôi. Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi, tôi đã thành công đẩy cô bạn phiền phức ra khỏi tâm trí và cuộc sống. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới lờ mờ nghe tên cô được nhắc đến trong vài vụ xô xát, bắt nạt hay chế giễu. Chẳng có gì liên quan đến mình nữa, tôi tự nhủ như thế. … Cho đến bây giờ… … Cho đến tận bây giờ… …Tường Vi uống thuốc ngủ tự vẫn… …Trước khi ra đi, cô gái 17 tuổi để lại một bức thư tuyệt mệnh, trong đó ngoài sự hoảng loạn vì những kẻ bắt nạt học đường còn có nỗi tuyệt vọng bởi một tình yêu không được đáp lại. Đó là những gì đã đẩy cô gái ấy vào bóng tối. Đó là những gì đã buộc cô phải chọn lựa kết cục nghiệt ngã như thế… …Trong tiếng kèn đám tang thê lương, tôi đứng chôn chân dưới giàn chanh leo trĩu quả nhà Tường Vi, cảm thấy cái lạnh thấm dần vào trái tim, ban đầu chỉ là chấm nhỏ rồi dần dần lan ra, không thể ngừng lại… Bố mẹ làm thủ tục cho tôi chuyển trường. Họ hy vọng tránh xa nơi hỗn loạn ấy, tránh xa cái ký ức ảm đạm về Tường Vi, đứa con trai tươi vui đáng khen của họ sẽ trở lại. Nhưng tôi biết điều đó là không thể. Cái chết của cô bạn mập mạp như một cú đánh tàn nhẫn đập mạnh vào mọi thành trì tôi xây dựng bấy lâu nay, đập mạnh vào sự giả dối, tính tự phụ, kiêu căng. Tôi như đứa con nít bị lột trần, yếu ớt, tay trắng, sợ hãi trước thế gian. Tôi không biết niềm vui là gì nữa. Những đêm mất ngủ triền miên khiến tôi gầy rộc xơ xác. Bố mẹ đưa tôi đến bác sĩ tâm lý. Vô ích! Trước những câu hỏi trị liệu, tôi chỉ đơn giản là cắn chặt môi, ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi sẽ không nói với ai về sự trống rỗng tận nơi sâu thẳm, càng không nói với ai về bàn tay ẩm ướt ám ảnh các giấc mơ. Tôi nghĩ, sẽ thật hạnh phúc biết bao nếu sớm mai tỉnh dậy, thấy mình biến thành con ốc sên bé nhỏ, an toàn cuộn mình trong chiếc vỏ vững chắc… …Tôi lên lớp 12. Khác với trước kia, ở trường mới tôi không có bạn và cũng hầu như không trò chuyện với ai bao giờ. Thành tích học tập tụt dốc khủng khiếp. Đầu năm học giáo viên chủ nhiệm đưa ra yêu cầu từ giờ trở đi lớp phó học tập sẽ chú ý kèm cặp cho tôi các môn chính. Nghe điều đó, lần đầu tiên tôi đứng phắt dậy, gay gắt bày tỏ ý kiến trước cả lớp: Em không đồng ý! Thầy giáo già đẩy gọng kính lên cao, hỏi tôi, giọng chất vấn: Tại sao? Em không muốn! Tôi sẽ không xem xét ý kiến của em chừng nào em chưa đưa ra một lý do chính đáng Em không muốn! –Tôi bướng bỉnh lặp lại, gục đầu xuống, tự hỏi tại sao mọi người không đơn giản là để cho tôi được yên. Nếu em không đồng ý với quyết định của tôi thì có thể kiến nghị lên ban giám hiệu hoặc với bố mẹ em. Nhưng hiện tại thì chẳng có gì thay đổi cả. Dù em không ngại nhưng tôi không cho phép thành tích của em ảnh hưởng đến thi đua của lớp thêm nữa. Đừng viện lý do với tôi, tôi biết thành tích của em ở trường cũ không hề tồi –Thầy giáo đóng quyển sổ ghi chép lại, ra hiệu buổi sinh hoạt đã kết thúc- Tường Vi, em đã rõ mình phải làm gì chưa? Dạ! –Lớp phó học tập đứng dậy, ngoan ngoãn đáp lời. Tôi nhắm mắt, hai bàn tay nắm chặt đến độ nổi gân xanh, mãi một lúc lâu mới buông ra. Hết giờ học tôi khoác ba lô chuồn vội ra nhà xe. Nhưng lớp phó còn nhanh hơn. Cô bạn quăng túi xách lên vai, luồn lách qua các dãy xe, đứng chắn trước mặt tôi. Hưng rỗi vào hôm nào? Tôi ậm ừ không đáp, chỉ lẳng lặng quay đầu xe, dắt khỏi bãi gửi. Tường Vi vẫn không bỏ cuộc: Tạm thời tuần hai buổi nhé! Chiều thứ năm và sáng chủ nhật, được không? Tôi nắm tay lái, nhảy lên yên xe. Học ở nhà Vi nhé! Hưng biết nhà Vi rồi, đúng không? Lần trước tổ chức hội trại Hưng có cùng các bạn đến khuân đồ mà! Chiếc xe đạp bắt đầu lăn bánh, vòng quay nhanh dần. Tường Vi hét với theo bóng lưng của tôi: Chiều thứ năm và sáng chủ nhật! Đừng quên nhé! Tôi cắm cúi đạp xe, không ngoái lại lấy một lần. Tôi chỉ muốn ở một mình, yên tĩnh, tại sao không ai chịu hiểu điều đó cơ chứ? Tôi ghét lớp phó học tập! Tôi ghét Tường Vi! Từ lần đầu tiên gặp mặt, không lý do, không báo trước, tôi đã ghét cô bạn ấy như thế! Ấn tượng đầu tiên về Tường Vi là mái tóc óng ả đến eo, mắt to, da trắng nõn. Lớp phó học tập hiền, đối với ai cũng tươi cười, dịu dàng, quan tâm. Bạn bè thầy cô đều thích cô ấy. Nhưng mỗi lần nhìn cô ta, tôi chỉ thấy tức ngực, khó chịu không thở nổi. Tôi nghĩ sao ông trời lại bất công đến thế? Nếu Tường Vi ấy được một nửa những gì Tường Vi này được ban tặng thì cô bạn đã không bị đối xử tệ bạc, sẽ không lựa chọn cho mình một kết cục bi thảm. Tôi nghĩ, lớp phó học tập sao mà giống tôi ngày xưa quá, sáng chói và được yêu mến! Có phải cô ta cũng giống như tôi không, từ nụ cười rạng rỡ đến ánh mắt thân thiện, chỉ là giả tạo và hư vinh? Phải không? Phải không? Rồi cô ta sẽ lại như tôi thôi, ngày nào đấy Tường Vi này cũng sẽ làm tổn thương một cậu bạn khép kín mờ nhạt nào đó mà cứ vô tâm cho rằng bản thân chẳng làm gì có lỗi. Đến khi ấy, khi tất cả đã muộn màng thì hối hận cũng có ý nghĩa gì đâu! …Một tuần sau, lớp phó học tập chặn tôi trước cửa nhà xe. Sao cậu không đến? Tôi cúi đầu, dắt xe lách qua người Tường Vi. Không được đi! Cánh tay nhỏ bé vươn ra, nắm chặt lấy khuỷu tay tôi. Tôi rùng mình. Cảm giác lạnh lẽo từ khuỷu tay như mũi dao nhọn hoắt đột ngột khứa mạnh vào trái tim. Bỏ ra! –Tôi gầm lên, vung mạnh. Vì bất ngờ, Tường Vi không kịp phản ứng, loạng choạng lùi lại rồi mất đà ngã đập lưng xuống nền xi măng. Tôi ôm chặt khuỷu tay, hít thở thật sâu, cố bình ổn tâm trạng kích động ngu ngốc. May mắn là đã hết giờ được lúc lâu nên nhà xe vắng vẻ, chẳng có ai chứng kiến một màn vừa rồi. Mất một lúc, tôi mới nhận ra Tường Vi vẫn nằm yên trên mặt đất, không hề đứng dậy. Khuôn mặt nhỏ nhắn trắng bệch, trán rỉ mồ hôi, hơi thở nông và rời rạc, có vẻ rất đau đớn. Lớp phó? Trong lòng bỗng dâng lên nỗi sợ hãi, tôi sụp xuống, cuống quýt nâng Tường Vi lên. Cô bạn nghiêng mặt nhìn tôi rồi nhắm mắt lại, dường như không thể cất nổi lời. Tường Vi? Nỗi sợ hãi phình to thêm một nấc. Tôi đưa tay gạt mồ hôi trên trán lớp phó. Vầng trán trắng muốt lạnh toát tựa phiến băng mỏng. Tường Vi? Vi…Vi…Vi… Vi bạn có sao không? Tường Vi vẫn không đáp. Nhưng từ khóe mắt những giọt lệ trong suốt bắt đầu trào ra, tuôn rơi mãnh liệt như mưa rào mùa hạ. Lớp phó cứ khóc mãi, khóc mãi, âm thanh nức nở đầy tội nghiệp. Tôi luống cuống tay chân, càng cố nghĩ cách thì đầu óc càng rối tinh rối mù, cuối cùng đành thấp giọng năn nỉ: Thật …xin lỗi! Xin lỗi Tường Vi! Tường Vi bị đau không thể ngồi xe về nhà. Tôi đành gửi xe của hai đứa lại trường, cõng lóp phó rảo bộ. Cô bạn nằm sau lưng tôi, yên lặng một cách kỳ lạ, mái đầu thanh tú khẽ gối lên vai tôi tin tưởng, hình như mệt mỏi đến độ thiếp đi. Tường Vi rất nhẹ, nhẹ đến nỗi tôi cảm tưởng sau lưng không phải là một cô gái 18 tuổi mà là một bông hoa yếu ớt đang run rẩy. Qua mấy ngã rẽ đã đến nhà Tường Vi. Nhà lớp phó gần trường. Căn nhà nhỏ thôi nhưng lại toát ra vẻ đáng yêu khó cưỡng. Cánh cổng và hàng rào đều bằng gỗ sơn trắng, trên đó những nhánh tường vi phấn hồng nặng trĩu hoa dịu dàng leo lên, tỏa hương thơm nhè nhẹ. Trước khi chia tay, Tường Vi níu tay áo tôi, hỏi nhỏ: Đến nhà mình học phụ đạo, Hưng nhé! Tôi lại cúi đầu, không đáp. Tường vi buông tay xuống nói bằng giọng buồn buồn: Đi đi mà! Mình biết Hưng không thích mình nhưng lại càng ghét phiền phức. Bạn mà không đi nếu thầy chủ nhiệm biết được sẽ càng lôi thôi hơn… Tôi không nhúc nhích. Tường Vi vẫn kiên trì: Chuyện này đâu kéo dài mãi đâu! Chỉ cần thành tích Hưng tiến bộ thì tức khắc sẽ không cần mình nữa! Cô bạn nghiêng nhẹ mái đầu, cố gắng nhìn vào mắt tôi. Khuôn mặt nhỏ nhắn vẫn dấp dính mồ hôi, chưa hết vẻ đau đớn. Tôi liếc nhanh qua hàng mi dài rung rung, gật đầu: Hưng biết rồi! Vi vào nhà đi! Tường Vi vẫy theo bóng lưng tôi, gọi với: Chiều thứ năm và sáng chủ nhật! Đừng quên Hưng nhé! Tôi nghiêm chỉnh ôn tập theo đúng nguyện vọng của mọi người. Thành tích dần tiến bộ. Mỗi tuần hai buổi Tường Vi đều đặn giúp tôi lấp lỗ hổng kiến thức từ năm lớp 11. Lớp phó là một gia sư tỉ mỉ nhiệt tình. Nhưng ngoài chuyện bài vở chúng tôi hầu như chưa bao giờ trò chuyện. Vì tôi luôn im lặng, thậm chí không có ý nhìn vào mắt cô bạn xinh xắn dù chỉ một lần. Tường Vi là người nhạy cảm, có lẽ ít nhiều cảm nhận được sự ghét bỏ của tôi nên chưa từng có ý làm thân. Chúng tôi duy trì tình trạng ấy liền mấy tháng. Rồi cũng tới lúc thầy giáo yêu cầu Tường Vi dừng việc phụ đạo để tập trung cho các kì thi quan trọng sắp tới. Điều mong mỏi bấy lâu cuối cùng đã thành hiện thực nhưng tôi không có cảm giác nhẹ nhõm như đã hằng vọng tưởng, mà chỉ thấy lồng ngực trống rỗng, không vui không buồn. Tường Vi hẹn tôi tới nhà cô lấy chỗ sách vở bỏ quên. Chọn một sáng chủ nhật tương đối mát mẻ tôi đạp xe đến nhà lớp phó. Hè đương vào độ chín, dọc hai bên đường những cây hoa vàng tôi không biết tên đều đang trổ hoa rực rỡ. Tôi bất giác nhớ tới những dây tường vi đã hết mùa hoa mọc lan trên hàng rào gỗ sơn trắng, chỉ còn sót lại vài đóa nhạt màu rụt rè nép sau tán lá xanh tươi. Căn nhà không khóa nhưng lại khép cửa im ỉm. Tôi đứng ngoài cổng, ngó vào ô cửa sổ phòng Tường Vi, phân vân không biết có nên gọi cô bạn hay không. Loanh quanh hồi lâu, lâu đến nỗi hai bàn tay đổ mồ hôi, cuối cùng tôi quyết định ra về, tìm hôm khác đến lấy lại đồ đạc. Nắng đã gay gắt. Quãng đường trước mặt được mạ ánh sáng chói lòa, tỏa ra hơi nóng hầm hập đầy đe dọa. Nỗi mệt mỏi chán nản vô cớ lại dâng lên, đột nhiên tôi không muốn về nhà nữa. Tôi dắt xe, tìm một góc rào khuất mát mẻ, ngồi xuống. Tôi chẳng muốn nghĩ ngợi gì, chỉ im lặng ngồi thế, ngơ ngơ nhìn ngắm bầu trời trên đầu. Bầu trời cao xanh thẳm, không một gợn mây. Năm trước, năm trước nữa vẫn là màu xanh như thế. Rõ ràng vẫn là bầu trời ấy mà phía dưới nó biết bao sự đã đổi thay, niềm vui hóa nỗi buồn, xanh tươi hóa khô cằn, hi vọng hóa tuyệt vọng. Một bông tường vi yếu ớt theo gió rụng xuống chân tôi. Mùa hoa đã thật sự tàn rồi! Tôi nhặt đóa hoa hiếm hoi lên, chầm chậm giấu vào lòng bàn tay. Cánh hoa rời ra, nhàu nát. - Tường Vi, xin lỗi! Hôm đó, trong góc khuất của hàng rào gỗ sơn trắng, bên dưới những cành tường vi đung đưa, có một đứa con trai cao lớn ngồi ôm mặt khóc nức nở… …Chẳng mấy chốc đã sắp hết lớp 12. Cách kỳ thi tốt nghiệp gần một tháng, đột nhiên một hôm tôi nhận được điện thoại của Tường Vi. Tôi rất ngạc nhiên, bởi từ sau khi thời kỳ học phụ đạo kết thúc, tôi và cô bạn gần như không có bất kỳ mối liên hệ nào. Lớp phó hẹn tôi gặp mặt. Ậm ừ hồi lâu rốt cục tôi vẫn đồng ý. Chúng tôi hẹn nhau ở tầng trên cùng quán cà phê bờ hồ. Lầu ba lộng gió, yên tĩnh. Tường vi đã đến trước, đang lơ đãng quấy cà phê. Tôi đứng ngoài cửa nhìn cô bạn, chợt mơ hồ cảm thấy có gì kỳ lạ. Như có linh cảm, Tường Vi đang ngơ ngẩn bỗng ngoảnh mặt về phía tôi, giơ tay vẫy vẫy. Cô bạn cười rất ngọt ngào, má lúm đồng tiền lún sâu dịu dàng như vầng trăng non. Tôi cúi đầu, không dám nhìn nụ cười ấy thêm một giây nào nữa, lẳng lặng bước đến kéo ghế ngồi xuống. Tường Vi hỏi: Hưng uống gì? Gì cũng được! Lớp phó gọi hai cốc chanh leo đá. Tôi chưa bao giờ uống chanh leo. Tôi luôn nghĩ chanh leo rất đắng, rất he nhưng không, ngoài vị chua dìu dịu, đọng lại ở đầu lưỡi chỉ có vị ngọt lạnh mà thôi. Phía đối diện Tường Vi vẫn đang khuấy cốc nhè nhẹ, chiếc thìa bạc va vào thành thủy tinh phát ra âm thanh trong suốt. Cậu tìm tôi có chuyện gì? Tường Vi ngẩng lên. Lần đầu tiên, tôi nhìn thẳng vào mắt lớp phó. Mắt cô bạn đen láy, long lanh, không chút tạp chất. Đôi mắt ấy khẽ chớp chớp, dường như đang bối rối: Hưng định thi trường đại học nào? Có lẽ không hi vọng nhận được câu trả lời từ tôi nên Tường Vi lại cúi xuống, cười gượng: Mình chỉ hỏi vậy thôi, Hưng không trả lời cũng được. Nếu không có chuyện gì…-Tôi dợm đứng dậy Mình sắp đi du học –Lớp phó tiếp tục khuấy cốc, giọng nói thoáng qua như hơi thở. Trong nháy mắt khung cảnh xung quanh bỗng đông cứng, vón chặt thành cục nước đá. Rồi cũng nhanh như thế, nó lại tan ra, mềm mại và bình thản. Tôi nâng cốc chanh leo lên uống một ngụm, nhàn nhạt chia vui: Chúc mừng! Cám ơn! Tường Vi mở túi xách, đặt lên bàn cuốn sổ nhỏ. Hưng có dùng Yahoo Messenger không? Hả? Lớp phó đẩy cuốn sổ về phía tôi -Trong này có địa chỉ chat của mình. Tụi mình…-Cô bạn hít thật sâu, mãi mới nói tiếp- …giữ liên lạc nhé! Bàn tay đang giữ cốc của tôi bỗng run lên. Tường Vi vẫn đặt tay trên cuốn sổ nhỏ, giọng nói cũng run run như thế: Vi muốn biết, Vi…có…có thể… làm… bạn đặc biệt của Hưng được không? Có một khoảnh khắc, nghe xong câu nói của Tường Vi, hình như có một chồi non nho nhỏ vươn lên từ trái tim khô cằn của tôi. Nhưng cũng chỉ trong khoảnh khắc, khi nhìn bàn tay thon mềm đặt trên bàn, hình ảnh một bàn tay khác chợt lướt qua đầu tôi…Và mầm non bé nhỏ kia…cứ thế chết đi…chết đi vì trái tim khô cằn…Tôi nhắm mắt lại, cố không trào nước mắt. Mình về đây… Tường Vi ngẩng đầu nhìn tôi, đôi con ngươi đen bóng như phủ sương mờ, bàn tay còn lại cũng để lên trên, 10 ngón tay vặn xoắn. Xin lỗi…-Bờ môi cô bạn run rẩy- Vi…xin lỗi…làm Hưng khó xử…Đáng lẽ…Vi …phải biết…rằng Hưng ghét Vi…ghét Vi mà… Những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống. Tường Vi cắn môi dùng tay ra sức lau đi, nhưng càng lau thì khuôn mặt càng ướt thẫm. Tim tôi như bốc cháy. Tôi bấu lấy khăn trải bàn, cố nói chuyện: Tường Vi đừng khóc! Không phải lỗi của Tường Vi đâu…không phải đâu…Vi là cô gái tốt nhất…rất tốt…Hưng không xứng với Vi đâu…không xứng với Vi đâu… Hưng đã không còn xứng yêu thương và nhận yêu thương từ bất kì ai nữa! Gió thổi qua lầu ba vẫn lồng lộng. Gió thổi tan từng lớp bụi một, làm lộ ra ngăn kéo kín nhất trong tim tôi. Tôi ngồi im trên ghế, nói mãi nói mãi, nói hết, nói tất cả, về con người giả dối ích kỷ trước kia, về cô bạn đáng thương đã rời đi, về sự trống rỗng không thể lấp đầy, về nỗi tuyệt vọng mỗi ngày lại dày thêm…Tôi cứ nói không ngừng, dường như có thể dành hết cả cuộc đời để nói về điều ấy. Tường Vi không hề ngắt lời tôi, chỉ lắng nghe bằng ánh mắt kinh hoàng. Tôi chờ đợi cặp mắt ấy sẽ ánh lên một tia coi thường khinh rẻ, nhưng không, cho đến phút cuối cùng nó vẫn không gợn một tia tạp chất… Tôi đã không dám ngồi lại đó thêm phút giây nào. Tôi tin rằng nghe xong câu chuyện đó mọi ảo tưởng về tôi của Tường Vi sẽ chấm dứt. Từ nay về sau chúng tôi sẽ như hai đường thẳng song song không có điểm chung, không bao giờ có điểm chung… Lớp phó đã im lặng trong một thời gian dài, rất dài. Lâu đến nỗi tôi đã nghĩ, cho đến cuối cùng, tới ngày cô ấy ra đi, điều an ủi cuối cùng cô dành cho tôi chính là sự im lặng bình thản kia. Nhưng không, sau kỳ thi đại học, tôi gặp Tường Vi đang đứng đợi tôi cuối con đường trở về nhà. Trong ánh hoàng hôn đỏ ối, lớp phó đứng đó, nhìn tôi bằng cặp mắt thật dịu dàng. Vi đã suy nghĩ rất nhiều về những điều Hưng nói ngày hôm ấy, rằng Hưng không xứng yêu thương và được nhận yêu thương. Vi biết, dù Vi có nói cái chết của cô bạn kia không phải lỗi của Hưng thì Hưng cũng sẽ không tin. Cho nên Vi đến chỉ để nói điều này thôi, Hưng à, bất kể Hưng có chấp nhận hay không, có cảm thấy xứng đáng hay không thì Vi cũng đã thương Hưng mất rồi, thương Hưng nhiều lắm. Hưng là ai cũng được, Vi đều thương Hưng… Tôi ôm mặt, ngồi thụp xuống, lần này chẳng cần gắng gượng nữa, để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Thì ra bấy lâu nay tôi đã thèm được nghe những lời này biết bao nhiêu. Tường Vi bước lại gần, không đợi tôi phản ứng, chìa đôi tay nhỏ bé ôm tôi vào lòng: …Sau này dù chúng ta cách xa thế nào, thay đổi thế nào thì chỉ cần Hưng nhớ rằng trên đời đã từng có một cô gái thương Hưng thật nhiều và bất kỳ lúc nào cũng mong Hưng sống hạnh phúc… Vì vậy cứ coi như là giúp Vi, Hưng hãy tự tha thứ cho bản thân mình đi, được không? Người đã mất thì làm gì còn cách nào khác, nhưng người ở lại nếu đã tiếp tục sống thì phải sống cho thật tốt! Tại sao lại là mình? –Tôi thì thào qua hàng nước mắt. Tường Vi lắc đầu, có lẽ cũng đang khóc: - Vi không biết. Vi chỉ biết, ngày hôm ấy khi nhìn Hưng ngồi khóc dưới những cành tường vi đong đưa, Vi đã nghĩ rằng giá mà…giá mà Vi có thể ở bên Hưng, nắm chặt tay Hưng thì tốt biết mấy!