Tháng ba, tháng tư
Cuối tháng ba, đầu tháng tư. Mưa phùn rả rich đã nhạt dần, khí trời khô ráo hơn và trên các thân gỗ xù xì màu xanh non láng mượt đã dần được thay bằng sắc thẫm cứng cáp. Tháng ba, hoa gạo nở. Cây gạo trên đỉnh đồi cuối làng thắp lên hàng trăm ngọn lủa nho nhỏ đỏ rực. Chim chóc thi nhau kéo về ríu rít bên cột đèn mùa xuân ấy.
Tôi thường ngờ rằng mỗi bông hoa đỏ chói là một đạo bùa mê, nếu không làm thế nào mà thứ ooa tầm thường chẳng mấy người thèm bận tâm đó lại cuốn hút Ái đến thế! Ái là một đứa con gái kỳ quặc, kỳ quặc theo đúng nghĩa đen của từ “kỳ quặc”. Năm Ái 6 tuổi ba Ái theo chân người làng đi tìm vàng. Chẵn 10 năm liền ông không trở về và cũng không có chút tin tức gì đưa lại. Hai mẹ conÂis nương tựa vào nhau mà sống. Mẹ Ái đẹp. Cái đẹp của người đàn bà một con, cái đẹp của người đàn bà xa chồng cũng thắm nồng như bông hoa gạo tháng ba vậy. Đàn ông vây quanh bà rập rờn như bươm bướm. Nhưng cũng như bươm bướm họ chỉ có thể bay vờn quanh cổng nhà chứ không cách nào vào trong được. Chẳng cần ai dạy nhưng từ nhỏ Ái đã biết thay cha giữ mẹ. Lúc còn thôi nôi cho đến khi ba tuổi cô nhóc Ái đã khóc dữ dội cho tới lúc đàn ông lạ phải bỏ chạy. Ái bám dính lấy mẹ như con chuột túi con, không rời nửa bước. Lớn hơn chút nữa, Ái biết bắt sâu bỏ người, quét nhà mù mịt khi bỗng dưng có “khách không mời”. Lớn thêm nữa, Ái biết mua thuốc sổ bỏ vào trong chén trà, đặt con dao lên bệ cửa, xuống dưới gối của hai mẹ con.
Mẹ Ái hiền. Làng trên xóm dưới không có ai lành tính như bà. Còn Ái? Mẹ tôi nói: “Con ranh ấy cứ như cỏ dại, như thú hoang, như miếng sành vỡ; động vào thể nào cũng đứt tay”. Không đứa con nít nào trong làng dám chơi với Ái. Một phần là vì chúng sợ, một phần là do người lớn cấm đoán: “Hay ho gì đứa không cha…” Ngoại trừ tôi!
Tôi thương Ái. Thương bằng thứ tình cảm lớn nhất, trong sáng nhất mà một đứa trẻ có thể có được. Tại sao tôi thương Ái? Tôi không biết rõ lắm. Có lẽ nó bắt đầu từ lần tôi nhìn thấy Ái bị người đàn ông to lớn cho một bạt tai vì tội bỏ sâu róm vào giày ông ta khiến ông ta giãy nảy như đụng phải nước sôi. Cái tát ấy hằn rõ lên khuôn mặt nhỏ nhắn, đỏ rát, đủ cả năm ngón. Ấy thế mà Ái không không khóc, chỉ cười, cười khanh khách, cười lớn đến nỗi người đàn ông kia hoảng sợ mà cúp đuôi chạy. Tôi núp sau gốc mít trước cổng, ngó vào, chỉ thấy cô bé vừa cười giờ ngồi sụp xuống, vùi đầu vào giữa hai đầu gối, đôi vai gày run lên từng chặp… Đứa không cha…
Làm thân với Ái không khó như tôi tưởng tượng. Ái chỉ hất mặt hỏi tôi: “Biết trèo cây không mày?”. Tôi gật. Có đứa con nít nào ở quê lại không biết trèo cây chứ! Thế là thành bạn. Hôm Ái dẫn tôi lên ngọn đồi cuối làng, tay chân thoăn thoắt trèo lên cây gạo, tôi mới hiểu vì sao Ái hỏi tôi có biết trèo cây không? Đang vào mùa hoa, cả cây từ trên xuống dưới đều thắp lên một màu chói lọi, đẹp không bút nào tả xiết. Thực ra người làng hiếm khi lên ngọn đồi này, nghe nói lâu, lâu thật lâu về trước, cũng vào mùa hoa gạo nở rộ, có một người thiếu nữ vì bị người yêu phụ bạc đã đến dưới gốc cây này, vắt lên một dải lụa đào dài… Nghe nói hàng năm cứ mỗi khi hoa gạo nở, vào những đêm mưa gió người làng vẫn nghe thấy ở đây vọng ra tiếng khóc nỉ non.
Tôi nhìn cây gạo, thầm oán Ái đáng lẽ lúc đầu phải hỏi: “Mày có sợ ma không?” mới phải! Đương lúc phân vân có nên bỏ chạy hay không thì nghe tiếng Ái gọi, tôi ngẩng đầu, bắt gặp ngay ánh mắt sáng rỡ đang rơi xuống. Mắt Ái rất đẹp: to, tròn, đen láy chỉ tiếc lại thiếu vắng mất cái nét thơ ngây của con trẻ. Nhưng giờ phút này đây nó đang lấp lánh một niềm vui không gọi tên được. Chốc lát nỗi sợ ma trong tôi hoàn toàn tan biến, tôi vội vàng trèo lên với Ái. Từ trên cây gạo nhìn xuống là một thế giới hoàn toàn khác: làng xóm, đồng ruộng, mỗi mái nhà như hiện lên qua một lăng kính thu nhỏ, mang vẻ đáng yêu khác lạ.
Từ ấy về sau những cuộc dạo chơi của chúng tôi thường diễn ra ở đỉnh đồi ấy, nơi có cây gạo ấy (một phần vì mẹ vẫn cấm tôi qua lại với Ái, một phần vì Ái rất thích nơi này). Hồi đó tôi không rõ vì sao Ái lại say mê cây gạo ấy đến thế nhưng càng về sau tôi cũng dần dần đoán được lý do. Từ vị trí trên cây có thể nhìn thấy rất rõ chiếc cổng làng bằng đá xanh. Tôi  nghĩ có lẽ Ái đang đợi,… đợi một người trở về, đợi một người nào đó một ngày nào đó sẽ bước qua chiếc cổng bằng đá xanh ấy. Hoặc cũng có lẽ chỉ có ở nơi yên tĩnh không người xâm phạm ấy, Ái mới có thể trở về là một cô bé, không cần phải dữ tợn chua ngoa, không cần phải gồng mình trước bao ánh mắt khinh thường, thương hại.
Năm Ái lên 10, cuối cùng chiếc cổng làng bằng đá xanh cũng đón được người đàn ông đi xa trở về. Năm xưa ba Ái ra đi với hai bàn tay trắng nhưng giờ đây ông trở lại trong vị thế một người giàu có cùng với một người phụ nữ xinh đẹp và một đứa bé trai. Ngôi làng bé nhỏ của tôi như dậy sóng. Ba ngày sau, Ái tìm thấy mẹ trên ngọn đồi cuối làng, những đoá hoa đỏ chói như lửa rơi đầy trên tóc bà, dưới đôi chân đung đưa của bà, đối lập tàn nhẫn với khuôn mặt nhợt nhạt vương hơi thở tử thần. Sau đám tang ba Ái đem theo gia đình mới …và cả Ái vội vã rời đi. Đêm trước khi ra đi, Ái hẹn tôi lên ngọn đồi bất hạnh.
 Nửa đêm, tôi lẻn ra khỏi nhà, chân trần chạy như bay đến chỗ hẹn, tim đập thình thịch tưởng sắp vỡ tung trong lồng ngực. Ái vẫn chờ tôi. Bầu trời tối như nước, đen như mực, không một ánh sao, chỉ có nước mắt của hai đứa trẻ lặng lẽ bò xuống, lấp lánh yếu ớt.
Gạo ơi, tao không muốn làm trẻ con! Nếu tao là người lớn, mẹ tao sẽ không chết, tao cũng không cần đợi người đàn ông ấy trở về, phải không? Gạo ơi, nếu là người lớn tao sẽ ở lại đây với mày. Nhưng tao chỉ là một đứa trẻ và là một đứa trẻ vô tích sự!
Đêm chia tay ấy quá dài. Hai đứa nhóc chúng tôi gần như cả đêm không ngủ. Nó chỉ kết thúc khi mặt trời nhô lên khỏi màn sương giá, soi rõ từng bông hoa gạo tơi tả như những vệt màu dập nát trên mặt đất. Suốt đêm hôm qua chúng tôi đã đập rụng toàn bộ số hoa trên cây, không để lại dù chỉ cái nụ nhỏ. Những cành lá trơ trụi in bóng trên bầu trời đã ám ảnh những giấc mơ của tôi suốt mấy năm liền. Kể từ ngày Ái ra đi, tôi không bao giờ còn trở lên ngọn đồi hoang vu đó nữa. Một năm…hai năm…tám năm rồi mười năm trôi qua…Kí ức của những ngày xưa ấy giờ đây dường như cũng đã nhạt nhoà.
 
Năm thứ hai đại học, tôi xin được một chân nhân viên trong khách sạn sang trọng nhất nhì thành phố chuyên dùng để đón tiếp khách nước ngoài. Tiền lương kiếm được vừa đủ  để tôi trang trải tiền học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy là khách sạn năm sao nhưng nơi đây cũng có những sự khó chịu nhất định. Các vị khách ngoại quốc thường quá giàu có, quá kênh kiệu và đôi khi…quá dâm dật khiến những nhân viên nhỏ bé nghèo hèn như chúng tôi chịu khổ nhục không ít. Vào một ngày mưa tháng ba tầm tã, khách sạn đón một vị khách như thế. Ông ta có cái đầu hói bóng lưỡng, bàn tay ngắn ngủn ú na ú nần lúc nào cũng vung vẩy những tờ dollar xanh biếc. Để tránh rắc rối, quản lý đã phân các nhân viên nam lãnh trách nhiệm phục vụ vị khách “đặc biệt”. Thế nhưng dù cẩn thận đến mấy thì vào đêm cuối cùng sự cố vẫn cứ xảy ra. Lão già bỉ ổi ấy đã mượn rượu để giở trò với một cô gái xinh đẹp bên quầy bar. Và cô gái ấy đã bật dậy, phang nguyên cả chai rượu ngoại đắt tiền vào cái đầu bóng loáng. Khách sạn được một phen hỗn loạn. Trong khi đa số nhân viên cố gắng trấn an các vị khách đang hoảng hốt thì số ít nhanh chóng đưa lão già ngoại quốc đang kêu thét với cái đầu đầm đìa máu tới bệnh viện. Chỉ có cô gái xinh đẹp kia là ở ngoài mọi sự xô bồ ấy. Điềm nhiên ngồi xuống chỗ cũ, điềm nhiên rút thuốc và điềm nhiên thả một hơi dài, cô ta lặng lẽ quan sát khung cảnh xung quanh mình  bằng cặp mắt yên tĩnh không chút gợn sóng.
Đó là một cô gái Việt còn khá trẻ với mái tóc uốn quăn đầy kiểu cách, mí mắt, môi và từng đầu móng tay đều được bao phủ trong màu xám nâu. Rõ ràng cô ta là một đứa trẻ giàu có, được nuôi dạy đến mức bất cần đời. Ba mươi phút sau bà giám đốc khách sạn xuất hiện. Không nói một lời, bà ta đi thẳng tới chỗ cô gái kia, vung tay lên. “Chát!”. Cả quầy bar như cứng lại trong âm thanh khô khốc ấy. Nhưng cô gái chỉ khẽ nhếch mép, bình thản rút chiếc khăn giấy lau phần má đỏ ửng. Bà giám đốc tái mặt.
Tao sẽ báo chuyện này cho bố mày!
Mời! –Cô gái cười, giọng trong vắt- Nhưng bà biết không, tôi nghĩ chẳng ích gì đâu.
Cô túm lấy chiếc xắc đỏ chót trên bàn, quay người rời đi.
Ái!
Người đàn bà quý phái gào lên, dường như mất bình tĩnh. Cô gái ngoảnh mặt vế phía tiếng thét, mắt nheo lại giễu cợt.
Cần thận! Để lộ bản mặt thật trước mặt nhân viên của mình không hay ho gì đâu! Bà biết rồi mà, bố tôi không thích chuyện đó!
Khuôn mặt bà giám đốc tức khắc tái nhợt. Và câm lặng! Cô gái lại cười. Những bước chân xa dần. Khi bóng dáng mảnh dẻ đó khuất sau cánh cửa, trong một phút không hiểu nổi của chính mình, tôi cuống cuồng lao ra theo. Đường phố rực rỡ ánh đèn khiến mọi dáng hình gần như đều hoá mờ mờ ảo ảo. Tôi gọi: 
Ái!
  Một cơn gió lạnh xộc tới. Nồng khói bụi xăng xe. Tôi úp mặt vào hai bàn tay, cố tránh sự khó chịu ụp xuống lồng ngực. Khi tôi ngẩng lên, bầu không khí dường như đã đổi khác. Mùi khói bụi, xăng xe không còn nữa. Trong màn đêm chỉ còn lại mùi thơm của bạc hà, mùi rượu mạnh và hương thơm của thuốc lá đắt tiền vấn vít không tan.
Cô là ai?
Giọng nói trong vắt lạnh lùng vang lên. Bàn tay nắm chặt bên hông đã ướt đẫm. Tôi nhìn vào cặp mắt đen thăm thẳm trước mặt, vừa cầu nguyện cho vận may của mình vừa nói một cách dũng cảm.
Tớ là Gạo!
 
Tên khai sinh của tôi là Thiên Tình, nghĩa là “bầu trời trong sáng”. Đương nhiên cái tên đó không phải do ông bố bà mẹ ít học của tôi nghĩ ra mà do cụ ngoại tôi- vốn là một cụ đồ của thế kỷ trước đặt cho. Bố mẹ tôi không thích cái tên ấy. (Hẳn rồi! Không kể đến sự dài dòng khó hiểu của nó thì từ trước đến nay người làng cũng chỉ thích những cái tên đơn giản, tầm thường như: Tí, Tèo, Gái, Dân… Họ cho rằng cái tên càng xấu thì đứa trẻ ấy càng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc). Bố mẹ chỉ đơn giản gọi tôi là Gạo. Người làng cũng theo thế mà gọi tôi là Gạo. Nhưng từ lúc lên thành phố, học đại học, tôi giấu bặt cái tên ấy đi. Nó quê mùa! Nó khiến tôi xấu hổ! Giữa một rừng Mai, Lan, Ngọc, Bích… chẳng ai muốn bị réo là Gạo bao giờ! Nếu có đứa bạn nào cùng làng tình cờ gặp tôi thì dưới cái nhìn cảnh cáo rực lửa của người đối diện nó cùng biết điều mà gọi tôi là Tình!
Nhưng tôi không tài nào bắt Ái ngừng gọi tôi là Gạo được. Khi tôi thử rụt rè yêu cầu cô bạn gọi tôi bằng cái tên: Thiên Tình, Ái đã trợn mắt và quăng lại một câu gọn lỏn: “Tớ không quen ai tên Thiên Tình cả! Còn nữa cái tên ấy thật kinh tởm!” Và tôi im lặng, chấp nhận. Như ngày xưa tôi đã luôn chấp nhận và không từ chối Ái bất cứ điều gì.  Dù đã hơn mười năm không gặp lại, nhưng giữa cái thành phố xa lạ, lạnh lẽo, bận rộn đến mức nghiệt ngã vô tình này, Ái trở thành hơi ấm quen thuộc nhất mà tôi có được.
Hai tháng sau, tôi dọn đồ khỏi ký túc xá đến ở tại căn biệt thự xa hoa của Ái trong khu đô thị mới của thành phố. Ái sống một mình.  Vừa giúp tôi xếp quần áo vào tủ cô bạn vừa thông báo một cách mỉa mai:
Quà sinh nhật mười tám của tớ đấy! Thật là một ông bố hào phóng, đúng không? Thật ra ông ấy chỉ muốn đuổi tớ đi cho khuất mắt sớm chừng nào hay chừng ấy! Tớ còn ở đó ngày nào  thì ngày đó ông ấy còn chưa quên được rằng chính sự bạc bẻo của ông ấy đã giết chết mẹ tớ!
Ái! – Tôi thốt lên, giọng vỡ ra.
Kìa! Kìa! Làm gì mà bi thương thế? Cứ như người chết là mẹ cậu chứ không phải mẹ tớ! –Ái cười, đuôi mắt cong lên như vành trăng khuyết- Đi thôi! Để mừng tân gia cho cậu, hôm nay tớ sẽ đãi một bữa hải sản thật thịnh soạn.
Quan hệ của chúng tôi nối lại một cách tự nhiên và dễ dàng. Cứ như chưa từng có những năm xa cách. Cứ như tôi vẫn là tôi năm tám tuổi, Ái vẫn là Ái năm lên tám.  Cứ như tôi chưa từng hoang mang trước một Ái-hiện-tại: sang trọng, hút thuốc, uống rượu, đi bar như cơm bữa và nhìn đời bằng cặp mắt chua chát. Có lễ trong thâm tâm tôi tin tưởng rằng dẫu có nhiều thay đổi nhưng ở một nơi nào đó trong Ái-hịên-tại vẫn luôn cất giấu một Ái-ngày xưa: cô bé Ái cùng tôi trèo cây hoa gạo và ngóng đợi người cha đi xa với một trái tim trẻ thơ tha thiết.
Tôi phát hiện ra từ ngày hai đứa sống cùng một nhà, Ái có điều chỉnh một số thói quen của mình. Giảm hút thuốc, giảm uống rượu, giảm đi bar thậm chí đôi khi còn quấn tạp dề giúp tôi vào bếp làm cơm. Không hẳn những lời khuyên nhủ của tôi phát huy tác dụng mà chỉ đơn giản là Ái tự cảm thấy: “Thấy cậu hàng ngày tất bật đi làm, đi học sao thấy bản thân y hệt bóng ma vật vờ quá! Sống không ra sống, chết không ra chết! Thử sống theo cái kiểu mà cậu gọi là tử tế một thời gian xem sao, xem có khá khẩm hơn tí nào không?”
Ái bắt đầu đi học vẽ vào ba tối cuối tuần, với một chàng hoạ sĩ nghèo rớt mồng tơi, có căn nhà đến trộm cũng không thèm lai vãng.  
Tác phẩm đầu tiên Ái vẽ tôi. Tôi không dám bình luận gì nhiều về bức tranh ấy, chỉ có thể khen ngợi rằng hoạ sĩ kia quả là học trò xuất sắc của trường phái trừu tượng. Thế nhưng ngoài bức tranh ây, những bức hoạ tiếp theo của Ái tôi không có cơ hội thưởng lãm nữa. Cô bạn thường vẽ trong phòng kín hoặc những khi tôi không có nhà. Ái vẽ một cách điên cuồng. Các ngón tay lem màu và những bộ quần áo lúc nào cũng phảng phất mùi dầu nước tố cáo điều kỳ lạ ấy. Những buổi học vẽ vô tình tăng lên, phủ kín tất cả các tối trong tuần. Tôi kín đáo nhận ra, trong ánh mắt phẳng lặng như mặt nước đêm đen của Ái bắt đầu xuất hiện những vệt sáng le lói.
Sinh nhật Ái là vào một ngày đầu tháng tư. Hôm ấy trời mưa dầm dề, ảm đạm và ẩm ướt. Tôi xách làn ra chợ rồi trở về với núi đồ lỉnh kỉnh. Những ngày mưa Ái thường dậy muộn hơn bình thường. Khi cô bạn từ trên cầu thang bước xuống, bữa trưa thịnh soạn hầu như đã sẵn sàng.
Gì đây? –Ái chỉ vào bữa tiệc trên bàn, hỏi một cách ngạc nhiên.
Tôi cười thầm, biết ngay là cô nàng quên mà! Cẩn thận lôi chiếc bánh kem đã cắm sẵn nến trong hộp ra, tôi tỉnh bơ tuyên bố:
Sinh nhật!
Của ai?  -Ái vụt thốt và gần như bừng tỉnh ngay sau đó. Cả hai chúng tôi nhìn nhau chằm chằm rồi cứ thế phá lên cười.
Cậu không thể trách tớ được –Ái vừa kéo ghế vừ nói bằng giọng trầm khàn- Tớ gần như đã quên béng mất  là mình cũng có ngày sinh nhật. Kể từ ngày rời khỏi làng…
Cô bạn dừng lại, dường như suy tư trong khoảnh khắc rồi lắc đầu cười. Tôi giúp Ái thắp nến, cố tảng lờ ký ức u buồn vừa phảng phất lướt qua trong câu nói bất chợt…
Chúng tôi thanh toán tất cả đồ ăn với một vẻ hăng say nhiệt tình hiếm thấy. Ái xung phong nhận nhiệm vụ dọn dẹp nhưng tôi vẫn giúp cô bạn bỏ chén bát vào máy rửa. Lúc lau khô tay, Ái bất chợt quay sang, nói đột ngột:
Tớ định để thêm một thời gian nữa, nhưng nói cho cùng chẳng có hôm nào thích hợp hơn hôm nay!
Khi tôi còn đang mải “tiêu hoá” lời nói khó hiểu kia thì đã bị kéo tuột lên tầng trên. Ái mở cửa phòng mình, rón rén bước vào với vẻ mặt bí hiểm như thể bên trong cất giấu…một con cọp. Nhưng đấy là tôi nghĩ thế thôi! Lúc Ái tháo tấm vải bố khỏi giá vẽ đặt giữa phòng cũng là lúc tôi biết chính xác điều bí ẩn cô bạn cất giữ bấy lâu là gì! Một bức hoạ rất lớn đặt ngay ngắn trên giá với những gam màu rực rỡ. Tôi nhắm chặt mắt, ký ức tuổi thơ như ùa về. Hai đứa trẻ tám tuổi, tóc ngắn cũn cỡn, mắt trong veo, bàn chân lấm bùn đang cùng nhau leo lên cây hoa gạo khổng lồ. Đương vào mùa hoa, những ngọn lửa đỏ rực thi nhau bùng cháy trên từng thớ gỗ xù xì. Phía xa xa là cánh đồng bát ngát, là chiếc cổng làng bằng đá xanh ẩn ẩn hiện hiện.
Bức tranh đẹp quá Ái ơi!
Ái không đáp, cuối cùng quay sang dịu dàng nói nhỏ:
Giúp tớ treo bức tranh này ở phòng khách nhé!
Nửa giờ sau bức vẽ đã chễm chệ ở vị trí đẹp nhất của căn phòng. Tôi vừa ngắm nghía bức tranh vừa xoa tay gật gù:
Quả là đẹp thật! So sánh bức này với bức đầu tiên cậu tặng tớ đúng là …người đẹp và quái vật!
Ái lườm tôi.
Nguyên mẫu thế nào thì mô phỏng thế ấy!
Tôi thét lên một tiếng, lao vào Ái, ra sức chọc lét. Hai chúng tôi lăn qua lăn lại trên thảm, cười đùa ầm ĩ. Nhìn nụ cười rạng rỡ của Ái, tảng đá đè nặng trong lòng tôi bấy lâu dường như được cất xuống. Có lẽ một ngày nào đó Ái sẽ thật sự quên tất cả những chuyện đau buồn và sống thật hạnh phúc, đúng không?
Vài ngày sau bữa tiệc sinh nhật Ái bắt tay vào vẽ tác phẩm mới. Cô bạn lại dành phần lớn thời gian trong phòng riêng. Tôi cố không làm phiền Ái nhưng không hiểu sao lòng dạ cứ bồn chồn không yên. Biểu hiện của Ái khiến tôi lo lắng. Cứ mỗi ngày trôi qua, gương mặt cô bạn dường như càng thêm tối, ánh mắt thất thần giống kẻ vừa đánh mất vật trân quý. Trong gạt tàn những đầu mẩu thuốc vô tình tăng lên, rượu trong tủ cũng vơi đi nhanh chóng. Cho đến một ngày, khi tôi đang lúi húi làm bữa tối trong bếp bỗng nghe thấy một tiếng động lớn. Tôi hoảng hốt chạy ra, gần như kinh hoàng. Ái đứng giữa cầu thang, tóc tai rối bù, mắt đỏ vằn, chiếc điện thoại tung toé thành nhiều mảnh nhỏ dưới chân.
Ái! –Tôi gọi, giọng run run.
Ái ngẩng lên nhìn tôi, khuôn mặt có vẻ đáng sợ, tăm tối tuyệt vọng không thể diễn tả bằng lời. Cô bạn lao xuống, gạt mạnh tôi sang bên, chạy thẳng ra cửa. Lúc tôi cố nén cơn đau, đứng dậy gắng gượng đuổi theo thì Ái đã mất hút. Bầu trời tối như nước, không trăng không sao, ánh đèn cao áp toả ra hai bên đường không chút ấm áp mà mang vẻ lạnh lùng thê lương. Tôi rùng mình, rút điện thoại bấm lia lịa. Thế nhưng chỉ trong khoảnh khắc những ngón tay đã cứng lại. Tôi nhắm mắt. Hình ảnh chiếc điện thoại vỡ tan tành trên những bậc cầu thang hiện lên rõ mồn một.
Ái mất tích gần một ngày, tới tận trưa hôm sau mới lảo đảo mò về, người nồng nặc mùi rượu. Vừa được đỡ lên giường cô bạn đã vùi mình vào gối ngủ mê mệt. Nhìn hai hàng lông mày chau lại trên khuôn mặt hốc hác, tôi vừa thương vừa giận, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Căn phòng nồng mùi màu vẽ, giấy bày đầy trên sàn nhà. Tôi chùi mắt, đứng dậy mở hé cửa sổ cho thoáng khí. Vệt nắng yếu ớt được thể len vào, rọi xuống nền nhà. Thở dài, tôi cúi xuống dọn dẹp đống giấy tờ bừa bộn phía dưới. Có tờ trắng tinh, có tờ bị vò nát hoặc xé rách, lại có tờ lem nhem đủ loại màu, nhưng nhiều nhất là các bức vẽ bằng bút chì. Những bức tranh dang dở. Vẽ những người phụ nữ có mái tóc rất dài, rất mềm mại. Hoặc có thể chỉ là một. Bởi tất cả những người phụ nữ trong tranh đều có chung đặc điểm: khuyết mất khuôn mặt. Như thể người phụ nữ ấy là một bóng ma lẩn quất trong sương mù. Như thể…người vẽ không tài nào nhớ nổi khuôn mặt của người mình muốn vẽ. Tôi nhìn Ái, rồi lại nhìn các bức hoạ. Từng nét chì mảnh mai thoạt nhìn tưởng là vô tri mà lại cất giấu trong đó biết bao nỗi khắc khoải, biết bao dằn vặt xót xa…
Trái với dự đoán của tôi Ái ngủ rất ít. Cuối buổi chiều là cô bạn đã dậy, hoàn toàn tỉnh táo và bình tĩnh. Trước khi tôi kịp thắc mắc bất cứ điều gì, cô bạn đã rút quần áo bước vào phòng tắm. Ái tắm rất nhanh, chỉ một loáng là xong. Khi cô trở ra, bộ quần áo nhàu nhĩ đã được thay bằng bộ vest đen lịch sự; mái tóc rối bù cũng gội sạch, sấy khô, túm gọn sau gáy. Ái chỉ tay về phía tôi:
Cậu cũng đi thay quần áo đi! Chọn bộ nào tối màu thôi!
Đi đâu? –Tôi ngơ ngác hỏi lại, linh cảm có điều tệ hại nào đó đang diễn ra.
Đi dự đám tang –Ái đáp, giọng lạnh lùng hờ hững- Bố tớ chết rồi!
Đám tang của bố Ái là đám tang lớn nhất, hỗn loạn nhất mà tôi từng tham dự. Bà mẹ kế đang thút thít khóc bên linh cữu chồng vừa thoáng trông thấy Ái liền tức khắc hoá thành con hổ cái lao vào gào thét cắn xé. Hoá ra bố Ái mắc bênh hiểm nghèo đã lâu nhưng lại cố tình giấu diếm. Hoá ra trước khi qua đời ông ấy đã lập di chúc để lại ¾ tài sản cho con gái lớn, vợ và con trai chỉ được hưởng phần còn lại. Hoá ra… Ái bặm môi, bước qua người đàn bà điên cuồng kia, tới nhìn chằm chằm vào di ảnh bằng cặp mắt giận dữ khắc nghiệt. Lát sau cô bạn quay sang tôi, khẽ nhếch môi rồi dứt khoát kéo tôi rời khỏi nơi khủng khiếp đó.
 
Tôi nói:
Muốn khóc thì cứ khóc đi!
Ái lắc đầu, đáp:
Ông ấy không xứng! Mẹ tớ là do ai hại chết?
Nhưng…-Tôi ấp úng.
Ái đứng dậy, cắt ngang:
Tớ muốn về quê! Cậu đi cùng tớ, được không?
Ngồi xe suốt mười mấy tiếng đồng hồ nhưng Ái không tỏ ra chút mệt mỏi. Cô bạn giữ thắng lưng, mắt đăm đăm dõi ra ngoài cửa kính. Ngược lại là tôi lại kiệt sức, đầu ngoẹo sang bên, liên tục vật lộn giữa lơ mơ và tỉnh táo. Mẹ tôi và cả làng đón hai đứa bằng cái nhìn dò hỏi. Tôi kéo Ái vào buồng, nói: “Tụi con mệt quá!”. Mà mệt thật! Tôi vùi mặt vào chiếc gối cũ kỹ, ngủ mê mệt. Nửa đêm tỉnh giấc bởi tiếng cuốc kêu, quờ tay sang bên chỉ đụng vào một khoảng không lạnh ngắt. Tôi bật điện thoai, mặc quần áo, lần mò ra gian ngoài. Cửa chính chỉ khép hờ. Tôi lách ra, đóng cửa lại cẩn thận. Tôi không hốt hoảng. Tôi biết chính xác Ái đi đâu, ở đâu. Bầu trời vẫn tối tăm như thế, tôi chỉ lần mò đi theo trí nhớ. Đường làng êm dịu, mát rượi. Tôi tuột dép ném vào vệ đường, đôi chân trần cứ thế bước thấp bước cao lao vun vút về miền xưa cũ.
…Ái ngồi vắt vẻo trên cành cao nhất của cây gạo. Tôi trèo lên, mấy lần suýt trượt ngã. Đã bao lâu rồi tôi không trèo lên một cái cây, thật sự là lâu đến không nhớ nổi! Ái im lặng, khẽ nhích ra cho tôi ngồi cạnh. Không biết đã qua bao nhiêu thời gian cho đến khi giọng Ái vang lên, buôn buốt như sương giá mùa xuân:
Ông ấy để lại cho tớ một lá thư. Nói ông ấy xin lỗi. Nói ông ấy ân hận. Nói ông ấy mong tớ có thể tha thứ. Thật dễ dàng làm sao! Người đã chết thì mọi chuyện đều quá dễ dàng! Chỉ có người bị bỏ lại…
Dường như Ái đang cười. Tôi ngoảnh sang nhưng đêm tối đã che mất biểu cảm trên khuôn mặt Ái, cẩn thận như đang gìn giữ một bí mật không thể tiết lộ.
Tớ muốn vẽ mẹ. Nhưng dù cố gắng thế nào cũng không nhớ nổi khuôn mặt bà. Thật đáng sợ! Cứ như từ lâu lắm rồi bà không còn tồn tại trong tâm trí tớ nữa. Tớ cố nhớ ngày xưa mình yêu bà nhiều thế nào mà vẫn vô ích. Rồi tớ lại nhớ đến nỗi oán hận của mình, nhớ đến vì sao mẹ chết, hy vọng nhờ thế có thể kéo hình bóng bà ra khỏi lớp sương mù dày đặc.  Và cứ thế…, tớ phát hiện ra trong nỗi oán hận của bản thân không chỉ có người đàn ông bạc bẽo ấy, mà còn có cả…mẹ. Tớ oán mẹ vì đã yêu người chồng của bà hơn tớ, vì đã coi trọng nỗi đau của mình hơn tớ, vì đã phũ phàng bỏ tớ ở lại. Gạo ơi, tớ biết làm thế nào? Không có tình yêu của mẹ, không có nỗi oán hận dành cho người đàn ông ấy tớ biết dựa vào cái gì mà sống đây?
Tôi khép mắt lại. Hai giọt nước mắt từ từ tuôn rơi. Rồi tay tôi tìm tay Ái, lặng lẽ siết chặt bàn tay cô đơn lạnh giá đó. Tôi nghe giọng của chính mình, xa xôi như tiếng gió trời vọng lại:
Vậy thì hãy sống vì bản thân, vì chính cậu! Từ từ mà học, hôm nay chưa thể nhưng biết đâu một ngày nào đó sẽ có thể!
Tôi ngừng một lát rồi nói thêm:
Ít nhất trên đời này còn có tớ…còn có tớ thương yêu cậu mà!
Bàn tay trong tay tôi khẽ run lên. Ái gục đầu vào vai tôi, im lặng. Tôi tưởng cô bạn đã ngủ thiếp nhưng lát sau lại cảm nhận được vai áo mình dần dần ướt thẫm. Đã qua hết một đêm. Mặt trời hiện ra ở đằng xa, hắt những hạt nắng đầu tiên lên chỗ chúng tôi ngồi. Cây gạo mơn mởn lá xanh, đâu đó trên những thân gỗ xù xì còn sót lại những vệt lửa rực rỡ.
 
Ba tháng sau, Ái bay. Mảnh đất này đã mang lại cho Ái quá nhiều thương đau, cô muốn rời xa nó để tìm lại cân bằng cho mình. Tôi tiễn Ái ra tận sân bay. Ngày Ái đi mưa rơi, dài hun hút. Nhưng tôi biết trời rồi sẽ hết mưa, rồi sẽ nắng. Cũng như tôi biết chắc chắn Ái sẽ quay trở về!


Xem Tiếp: ----