Với các nhà thơ khác, người hâm mộ thông qua gia đình để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của nhà thơ. Riêng với ba tôi thì ngược lại, tôi có được cách nhìn rõ nét và thấu hiểu sâu sắc cha mình là nhờ vào sự lắng đọng trong lòng người hâm mộ và bạn vong niên của ông; chính họ đã thức tỉnh sự thờ ơ của tôi đối với người cha là thi sĩ. 
 
  Theo lời khuyên của rất nhiều người, trong đó có các chú bạn ba, nhà thơ Giang Nam, Nguyễn Khánh, nhà văn Mai Ngọc Thanh, các nhà thơ trẻ Nguyễn Hòa, Mang Viên Long… và khách thơ  đã khuyên “Cô nên làm cái gì đó cho cụ Yến Lan. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng cô mà là trách nhiệm lớn với nền văn học nước nhà. Yến Lan là một nhà thơ suốt cả đời mình đã sống vì tình yêu nước, yêu quê, yêu con người và nghệ thuật. Ông vừa có tài, có đức và tầm nhìn xa rộng,  mấy ai như ông…”
 
 Trước những lời đề nghị đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cậu em của tôi là nhà thơ Lâm Huy Nhuận, lẽ ra phải làm công việc này má hắn chẳng chịu. Còn tôi, khi còn đi học, chả bao giờ kiếm được con điểm 3 cho môn văn (theo thang điểm của Liên Xô cũ) mà giờ đây phải nhận trọng trách quá tải như vậy.
 
  Tôi đã cố gắng rất nhiều, tập viết bài, đọc, học tập mọi người và tập nhìn sự nghiệp thơ văn của cha bằng cái nhin của người yêu thơ. Và cảm xúc thật sự về người cha làm thi sĩ đến với tôi. Tôi nhạn ra, suốt thời gian dài hơn 80 năm cuộc đời, hơn 60 năm làm nghệ sĩ thì cái khổ, mất mác nhiều hơn là niềm vuicái được. Nhưng bù lại ba tôi đã chiếm  được trái tim của đông đảo độc từ những người bạn đồng niên, vong niên và những người đang sống ở nước ngoài. Những người ấy hiểu được giá trị đích thực vàng thau của người thi sĩ trong ông.
 
Đã không ít người trăn trở về vị trí của ông trong văn đàn:
  “ Vị trí của Yến Lan lớn, nhỏ đến đâu trong thi đàn nước nhà, điều đó còn chờ sự lắng đọng của thưởng thức, phẩm bình và thời gian. Nhưng có điều dễ thấy ở Yến Lan ông là một thi tài thật sự đặc sắc.  (Trần Ninh Hồ)
 
Đối với các nhà văn trẻ:
Nhận xét của Văn Cao hoàn toàn đúng với thơ Yến Lan,  không phải chỉ thời đó mà còn cả các tâp thơ mới xuất bản sau này. Quả Yến Lan luôn thể nghiệm thơ mình. Ông chuyển từ thơ đường luật sang Thơ mới và ngược lại. Ông yêu Francis Jammes nhưng cũng mê Lý Bạch, Đổ Phủ. Ông vững vàng trong bút pháp Đường luật nhưng rất tài hoa trong thơ mới ngay từ những tác phẩm mới trình làng vào những năm 1933->1936
(“Yến Lan và Bến My Lăng”-Đăng Vũ)
 
 Một trong những niềm an ủi đọng lại trong lòng nhà thơ hay cho gia đình tôi khó phai mờ; vào những năm cuối đời, tại quê nhà, hay dịp Lễ Tết, khi nhà thơ lâm bệnh nặng hoặc  ngày sinh nhật; từ khắp nơi trong cả nước, bạn yêu thơ đã nghĩ đến ông. Đó là những người bạn đồng niên, vong niên, người yêu thơ, từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Cái Bè cho đến tận Huyện Thốt Nốt v.v…bằng tình yêu thương, ngưỡng mộ, gửi đến nhà thơ Yến Lan lời chúc thọ và sức khỏe. Có thể nói đó là những tình cảm không thể ngờ từ phía khách yêu thơ dành cho một nhà thơ vi danh như nhà thơ Yến Lan.
 
 Nào ai có thể tưởng tượng được điều này: Hơn năm mươi năm mà có người còn giữ trong lòng mình những câu thơ của vở kịch thơ “Bóng giai nhân”. Hồi ấy, anh chỉ mới lên mười tuổi vào năm 1941 cho đến đầu năm 1994, khi Hội Sân Khấu Việt Nam nhã ý muốn xuất bản vở kịch thơ “Bóng giai nhân” mà nhà thơ Yến Lan không còn bản thảo. “Cậu bé” đó nghe được tin này qua một người quen, vội viết thư đề nghị được chép lại theo trí nhớ của mình để “hoàn lại” bản thảo cho nhà thơ như “Châu về họp phố”.
 
  Đây là bức thư bao hàm nhiều ý nghĩa nên tôi xin chép lại để bạn thấy được tấm lòng của độc giả dành cho nhà thơ Yến Lan.
Anh viết:
 Thanh Hóa ngày 07 tháng 2 năm 1994
Nhà thơ Yến Lan kính mến
 Tôi là Lê Ngọc Thanh, giáo viên Trường Trung Học Lam Sơn Thanh Hóa, cái tên này chẳng thể gợi cho bác biết được điều gì chỉ xin nói lên sự việc
  Số là những năm trước Cách mạng  Tháng Tám, các anh tôi đang dạy học có tổ chức dạ hội và tập các vở kịch thơ trong đó có vở “Bóng giai nhân”. Tôi nhớ vở kịch đó đánh máy hoặc có bản chép tay để phân vai chứ không có bản in typo. Tôi, lúc đó khoảng 10 tuổi, (sinh năm 1933) đang học tiểu học, không phải loại người lớn để dự vào việc ấy. Tôi chỉ được giao cho giữ bản kịch và chép vai giúp các anh. Đọc kịch bản cảm thấy hay, chứ chưa chắc đã hiểu, tôi chép vào sổ tay để ngâm nga rồi thuộc. Hai hồi đầu, tôi nghĩ  là thuộc chính xác còn hồi ba có lẽ chưa đầy đủ. Năm mươi năm qua bác cũng biết là bao nhiêu biến động, không làm gì còn bản ghi nữa. Đôi khi tự đọc các đoạn thơ này lên hoặc cho vài bạn khác nghe, cũng là sinh hoạt tinh thần trong những ngày gian khổ chống Pháp, hoặc chống Mỹ, lấy những vần thơ đẹp để động viên mình và động  viên  nhau.
 
  Một lần anh Vũ Ngọc Khánh có cho tôi biết bác - nhà thơ Yến Lan đã không còn bản thảo. Tôi nghĩ rằng nếu chép lại để gửi trả lại nhà thơ bản thảo này (nếu quả là đã mất) thì cũng có nhiều ý nghĩa, trước hết là để trả ơn người đã sinh ra nó và cũng để cho đời khỏi mất những vần thơ đẹp. Tuy vậy tôi cũng không biết được địa chỉ của bác. Trong khi đó thì tôi sống khó khăn, bao nhiêu ràng buộc. sách báo cũng ít được xem. Gần đây tình cờ tôi xem một tờ tạp chí Văn Nghệ cũ được biết bác mừng thọ 70 tuổi ở Bình Định. Rất tiếc là không kịp gửi bản thảo này vào dịp  đó mong bác thứ lỗi. Còn về nội dung ghi lại chắc không tránh khỏi nhiều thiếu sót trong bộ óc của một trẻ em 10 tuổi và 50 năm qua thì khó thể nói được điều gì chắc chắn. Nhưng nếu đọc lại chắc bác có thể hậu chỉnh lại được. Nếu điều đó có ích gì đối với nhà thơ thì quả là vinh dự cho một người đọc như tôi. Xin gửi bác lời chào trân trọng
Kính mến
Ký tên: Lê Ngọc Thanh 
 
   Thư của anh Thanh đến tay tác giả đúng lúc, kịp để cho xuất bản vào tháng 12 năm 1996. Thật là một món quà vô cùng quí giá! ba tôi phải thốt lên “Thật quá bất ngờ”
  Còn đây, chàng thanh niên yêu thơ ở tận Hậu Giang cũng muốn nói với nhà thơ  rằng,
 
Nhà thơ Yến Lan kính mến
Qua đọc báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”  số 13 ra ngày 7/4/91 ở trang 15 Mang Viên Long và Võ Châu Cửu, đăng vài nét về nhà thơ. Cháu cảm nhận quá, nên viết ít hàng gửi đến bác. Cháu chúc bác luôn vui khỏe dồi dào sức khỏe để sáng tác thêm cho đời những áng thơ trác Việt. Trước khi nói lên cảm nhận của mình, cháu xin tự giới thiệu. Cháu là Đoàn Thành Nhớ hiện công tác ở CAND xã Thành Quới, huyện Thốt Nốt Hậu Giang. Đọc đoạn thơ ở tuổi 70 của bác, cháu rất phục” Người ta trối già, tớ chối già…” Tự đáy lòng cháu rất cảm kích..
 
 Mừng sinh nhật năm 1986 tròn 70 tuổi, từ Quảng Ngãi, nhà thơ Phú Sơn gửi vào mấy câu thơ:
 
Mừng Yến Lan bảy mươi tuổi
Mừng anh bảy chục cái xuân xanh
Lòng lão trong veo thơ thắm tình
Bên “Bến My Lăng” nhìn én liệng
Trăng xưa bạn cũ bóng vờn quanh
11/1986 (Phúc Sơn)
 
 
  Sinh nhật lần thứ 73, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, tặng câu đối:
 “Nẫm niên dư Bắc thượng Nam qui tứ hữu thi đàn do lưu văn nghệ sử/ Thất tuần ngoại triêu ngâm mộ vịnh nhứt sinh hoa bút trường thán nguyệt vân thiên”.
  Dịch ra - một đời ra Bắc về Nam có mặt với thi đàn, một đời “hoa bút” để rồi “trường thán nguyệt vân thiên.
  Nhà thơ cười hiền: “Ông phê tôi ngửa mặt mà than dài với trăng mây, xét cho cùng cũng là chỗ bấu víu của văn nghệ sĩ mọi thời”.
Vũ tiên sinh đã nhè nhẹ đúng nỗi đau và sự bất lực của thi sĩ”. L.H.L
 
Ca dao Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Kẻ trồng cây” ở đây có thể suy ra, một là người dân quê tôi biết ơn nhà thơ và ngược lại, gia đình tôi lại cảm ơn UBND huyện An Nhơn và Chi Hội Văn Nghệ huyện cùng Hội Văn học Nghệ thuật Qui Nhơn Bình Định; về việc cho xuất bản 2 tập thơ “Cầm chân hoa” và “Tuyển tập Yến Lan” vào sinh nhật tuổi 75 của ba tôi.
 
  Lúc xuất bản 2 tập thơ này tuy có sự chồng chéo nhưng chung qui đều chứa chan tình cảm sâu nặng của tỉnh nhà đối với nhà thơ. Là vì, cùng trong thời gian, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định đang đánh máy hoàn chỉnh thủ tục xin giấy phép xuất bản “Tuyển tập Yến Lan”. Theo kế hoạch thì tuyển tập gồm cả phần thơ tứ tuyệt mà trong “Cầm chân hoa “ do Chi hội huyện An Nhơn cụ thể là do nhà thơ Đặng Tấn Tới tuyển chọn, đang hoàn chỉnh để kịp mừng sinh nhật nhà thơ. Nhưng, nếu có “Cầm chân hoa” thì không có tuyển tập, và ngược lại, vì kinh phí “Quỉ bảo trợ văn nghệ sĩ lão thành” chỉ chi một lần.
 
 Song điều đó không làm lay chuyển tấm thịnh tình của UBND huyện An Nhơn và Chi hội đối với quyết định xuất bản tập “Cầm chân hoa”. Cảm động hơn là khi sách đã in xong, Chi hội huyện lại sốt sắng tìm cách giải phóng sản phẩm dùm tác giả để có tiền mừng ngày được sinh ra của nhà thơ.
 
  Vào những ngày đó, nhà thơ thật hạnh phúc. Tập thơ vừa ra đời thì vài hôm sau, tại nhà riêng, hàng chục lá thư từ các nơi gửi đến với lời đề nghị:
 
  “Xin bậc tiền bối gửi tặng cho cháu tập thơ”, kèm thêm 4.000 đồng lộ phí. Mới đầu ba tôi không hiểu mô tê chi; thì ra nhà văn Mang Viên Long làm một cử chỉ tế nhị là lặng lẽ maketting “sản phẩm” làm quà mừng thọ nhà thơ. Việc này, tuy có hơi nhiêu khê và mệt một tí, vì cứ nhận thư của đọc giả thì nhà thơ phải ra Bưu điện thị trấn trả lời từng ấy người hâm mộ, chả là cháu nào cũng muốn có được “chữ ký của tiên sinh Yến Lan”. Nhưng, qua đó cũng thấy được thần sắc  trong ánh mắt của nhà thơ khi được làm nghĩa vụ của một người cầm bút.
 
  Và chỉ vài ngày sau nữa thì “Tuyển tập Yến Lan” xuất hiện trên văn đàn. Nhà thơ Yến Lan xúc động nói “cái bất hạnh rồi cũng bớt đi, không phải lúc nào ta cũng bất hạnh”, ông đánh giá cao về tình cảm của toàn thể anh chị em trong giới Văn Học Bình Định đối với mình.
 
Sinh nhật lần thứ 75,
Từ thuở tóc xanh, nay tóc bạc rồi
75 năm - thước đo đời thi sĩ
Giữa biển dâu biết ai người tri kỷ
Những ngọn đèn-đứng gác giữ hồn tôi..
Nợ dương trần chưa trả hết đấy thôi
Túi thơ hãy đong thêm, còn vơi đấy
Bến My Lăng khách gọi đò chẳng thấy
Đò đến rồi chẳng thấy Bến My Lăng…
Qui Nhơn đêm tháng 4 năm 1991
 
 
  Kính tặng thi sĩ Yến Lan
Cháu mừng bác vào năm 83 Trời cho
 Sáng dậy chim ngừng hót
Mừng thay ta chưa già
My Lăng thuyền trăng đợi
Người xa! Ta không xa
  Hà Nội, Xuân 98
 
Từ Hà Nội, nhà thơ Nguễn Khôi, người cùng học trường Nông Nghiệp với tôi ba năm về trước viết thư cho nhà thơ:
 
Hà Nội ngày 4/7/1995
  Lão thi sĩ Yến Lan kính mến
Tôi đã yêu thơ của thi sĩ từ khi tôi còn là cậu học sinh trường cấp 2. Có lẽ ngoài bến My Lăng ra, vẫn còn bâng khuâng trước
Trưa hào hoa mình lụa
Thương trời ngẫn ngơ xanh.
 Hôm nay lại đọc “Sống bù” của thi sĩ  lòng những bồi hồi buồn vui..
Ôi lão thi sĩ, một  trong “Tứ linh”  của đất Bình Định, đã ngoài “bát tuần” mà còn làm được thơ – thật là hạnh phúc vô cùng của một đời người. Hơn 1 thế kỷ đất Bình Định đã trải qua nào nhà Nguyễn, rồi Pháp đô hộ, Nhật đảo chính, Việt Minh dành chính quyền, rồi lại Pháp xâm  lược, rồi Mỹ Diệm, Mỹ Thiệu rồi giải phóng…80 năm đã trải của thi sĩ đâu có “êm đềm như si” như kẻ hậu sinh này thèm ước..
 
 Cái mà thi sĩ để lai cho đời là “Bến My Lăng” là “giếng loạn” bất tử.  Tôi đã say ánh trăng mờ ở xứ dừa quê thi sĩ, hồi học lớp 9 (1956), đã nghiền “Lại về tỉnh nhỏ”,  tôi nhớ mãi..”người đưa thư, áo vải tây vàng 2 vai đã  vá” Thi sĩ không bằng Lý-Đổ nhưng kém chi Từ Không Thự, Trường Kế ngày xưa..
  Ôi vinh quang thuộc về nhà thơ không phải là đao to, búa lớn, chỉ 4 từ “gió lén mơn râu” có thể sánh với “bạch vân thiên tải không du du” rồi
  Biết lão thi sĩ đang ốm nặng ở đất quê nhà, từ đất Thăng Long thành - người học trò nhỏ  đã yêu thơ của thi sĩ xin có lời thành tâm gửi vào xứ dừa Bình Định thăm hỏi thi sĩ, mong rằng lão thi sĩ vượt qua cơn hiểm nghèo, tâm hồn luôn là “màu xanh không nói nghĩa biệt ly
 
Kính thư
Nguyễn Khôi
Công tác tại Hội đồng của Quốc Hội
 
 Tôi cảm nhận được tình cảm từ người yêu thơ đến với ba tôi, khi xem những bức thư này, hay bất cứ nơi nào gặp tôi ngoài đường. Nghe đọc những câu thơ từ lòng họ tràn ra tôi cảm giác như họ đang trải lòng với chính tác giả.
  Sự lắng đọng ở mỗi người có khác nhau, như khách thơ Nguyễn thị Khánh Minh,
Kính gửi tiền bối  “Đêm đọc thơ Yến Lan”
(Mạo muội ghi lại vài cảm xúc khi đọc “Cầm chân hoa” của tiền bối)
Khế của đời là trái
Khế của người là mơ
Lau của đời là sậy
Lau người bạc ánh thơ
 
Hồng đời chỉ là hoa
Hồng người chan chứa ý
Cầm chân bản tình ca
Thương ai cầm mộng mị
 
Giàn trầu bình thường ai
Mùa thơm bàn tay trái
Giàn trầu thơ về mãi
Ngan ngát giọng-hò-trăng
Người đời cùng nhau chuốc
Rượu óng ánh tiếng cười
Bên chùa ai ngồi uống
Sóng-sánh-tiếng-chuông khơi
 
Còn các nhà thơ trẻ đồng hương Bình Định:
Mỗi lần ghé thăm và tạm biệt nhà thơ Yến Lan, tôi không thể nào không mang theo những cảm giác đẹp và buồn. Đẹp và buồn như khung trời Bình Định với bâng khuâng mây nước cổ thành, với những bóng đại thụ uy nghi dường như đã có những tầng rễ cắm vào huyền thoại. Đẹp và buồn như vầng trăng hoang lương trên Bến My Lăng với người lái đò say trăng đầu gối sách…Trong cảm giác chung ấy, cái vóc dáng mảnh mai của ông trước cửa tiễn đưa chợt trở thành nỗi trở trăn, lay động trong nắng sớm đầu xuân…
 ( An Nhơn Mồng 9 tháng giêng Quí Dậu –NTM)
 
 Tôi nói điều này chắc bạn cho tôi thậm xưng. Nhưng đây là sự thật; anh Hồng Tâm, học trò cũ ba tôi từ trước Cách mạng; sau giải phóng gặp lại nhà thơ, năm nào cũng gửi thư từ Sài Gòn ra Bình Định tỏ lòng kính trọng và biết ơn thầy. Khi nhà thơ qua đời, ngày giỗ nào anh cũng đến nhà tôi, ở Thanh Đa thắp nén tâm hương lên bàn thờ, rồi lầm bầm nhắc lại lời dạy trong quá khứ của thầy. Anh ca ngợi và công nhận gương sáng về đạo đức ở người thầy giáo là thi sĩ Yến Lan đã rọi cho anh bước vào đường đời.
 
  Nghe anh lầm bầm như thế,  tôi có cảm giác Yến Lan- ba tôi là thần tượng của anh! “lẽ  đương nhiên thần tượng này không phải là thứ thần tượng dành cho các ca sĩ mà báo chí hay gọi) 
Lâm Bích Thủy
 

Xem Tiếp: ----