Khoảng cuối thập niên 90, West Covina, với dân số trên dưới 100 ngàn, là một quản hạt hành chánh mới, được tách ra từ thành phố cũ Covina, cách quận Cam, Cali, khoảng 30 dặm về phía Bắc. Vào thời điểm đó West Covina được coi là trung bình vê mọi phương diện, từ phẩm chất trường học đến mức lợi tức, mức độ tội phạm, giá nhà đất, so sánh với tình trạng trung bình của toàn tiểu bang, đều bằng hoặc cao hơn một chút. Nói chung đó là một nơi khá êm ả, thích hợp cho một gia đình Việt Nam trung bình như gia đình Vân, gồm hai vợ chồng và ba đứa con vị thành niên. Một ngày thứ Bảy cuối tháng, hai vợ chồng Vân, trên tay cầm trang báo rao vặt, tìm đến địa chỉ căn nhà cho thuê. Căn cứ vào mục quảng cáo, căn nhà có ba phòng ngủ nhưng khi đến nơi, vợ chồng Vân thất vọng khi bà chủ nhà cho biết nhà chỉ có hai phòng ngủ. Vân chán nản định kéo Thanh, chồng mình, ra về và trách bà chủ nhà: - Chúng tôi chỉ có ngày cuối tuần để đi tìm nhà; nếu biết chỉ có hai phòng ngủ, chúng tôi đâu có mất thì giờ đến đây. Bà chủ nhà, có tên là bà Đào, là một người đàn bà trạc 50, dáng người đẫy đà. Bà ta có giọng hơi the thé lại nghe như tiếng khóc ngay cả khi cười; lối nói đưa đẩy, khoả lấp chút góc cạnh chanh chua không che dấu được trong lúc nói chuyện. Hình thức bề ngoài của bà, cổ tay đeo vòng cẩm thạch, ngón tay và hai tai lấp lánh ánh hột xoàn, cổ đeo giây chuyền vàng biểu lộ người có của và không cần tỏ ra kín đáo về điều đó. Nhìn bà ta Vân có thể đoán bà hơn tuổi mình nhưng trong câu chuyện, bà thường ngọt ngào xưng em với Vân rồi ngay sau đó có thể chuyển sang xưng tôi một cách dễ dàng. Bà ta cất lời vuốt ve trước vẻ bực bội của Vân: - Vâng, em xin lỗi anh chị, em không kịp sửa lại lời rao vặt vì báo đăng rồi em mới thay đổi ý định. Căn mà ban đầu em định cho thuê nằm ở ngay phía trước, bên trái; hồi nãy trước khi vô đây, chắc anh chị cũng thấy. Căn đó hiện đang có cặp vợ chồng người Mỹ thuê, ông ta là bác sĩ, nhưng họ sẽ dọn ra cuối tháng. Anh chị đã đến đây, thôi thì anh chị vui lòng vô đảo mắt một vòng; hãy nghe em bỏ ra vài phút biết đâu anh chị thích. Căn này tuy chỉ có hai phòng ngủ nhưng còn mới tinh, chỉ mới xây xong khoảng nửa năm nay, lại rộng hơn, đẹp hơn căn kia nhiều, lại có nguyên cả sân sau và cái deck rộng, rất yên tĩnh và riêng tư. Thanh nhìn Vân: - Ừ thì mình coi thử xem sao, lỡ đến đây rồi. Vân miễn cưỡng cùng Thanh đi theo bà chủ nhà. Từ cửa chính phía trước bước vào, bên trái là căn phòng khách lớn, bên phải là căn bếp cũng lớn không kém. Các hình nổi trên trần nhà và góc tường được làm tỉ mỉ, cầu kỳ và dĩ nhiên tốn kém, cho thấy chủ nhà rất chú tâm làm đẹp căn nhà. Nhìn cái bếp với các ngăn tủ gỗ vec-ni màu nhạt, bọc kín ba mặt tường, cao đến tận trần nhà và các đồ dùng trong bếp, cái bếp lò, cái tủ lạnh, cái máy rửa chén mới tinh, sáng choang, nền gạch mỹ thuật đắt tiền, mặt quầy bằng đá, các vòi nước, bồn rửa chén cũng sáng choang, Vân bắt đầu cảm thấy lung lay. Khu phòng khách, với cửa sổ lớn phủ mành gỗ to bản, sơn vec-ni màu nâu, sàn phòng cũng bằng gỗ nâu bóng loáng, Vân càng thấy siêu lòng. Trên bức tường phòng khách hướng ra phía patio sau nhà, đập vào mắt Vân là bức hình gia đình bà Đào to bằng hai phần ba cái bàn giấy lớn; trong đó hai vợ chồng bà ngồi trên ghế bành ở giữa và bốn đứa con trai đứng hình vòng cung sau lưng hai người. Mọi người trong hình đều ăn mặc tề chỉnh; ông chồng và bốn con trai đều đồ lớn cà vạt, bà chủ nhà, áo đầm dài đến mắt cá, trang điểm kỹ lưỡng, nữ trang phô diễn. Bà ta giải thích: - Đây là hình cả nhà chụp năm năm trước. Vâng, đó là anh nhà em. Vốn là nhà thầu xây cất nhà cửa, anh ấy đã dồn hết tâm sức vào cái nhà này; chính tay anh ấy vẽ kiểu nhà và đích thân làm nhiều thứ cho căn nhà. Anh chị xem, toàn bộ kitchen cabinets này cũng một tay anh ấy làm đấy. Cơ khổ, làm xong rồi, chưa hưởng được bao lâu thì mất; nghĩ mà thương chị ạ. Bốn thằng con trai là con em; thằng lớn bây giờ có vợ có con rồi. Thanh với tay mở vài cánh cửa tủ; tất cả bên trong còn mới nguyên; nhiều ngăn trên cao, chưa dùng hết. Ở một ngăn tủ trong góc tường trái, có một lỗ hổng vuông sát trần nhà chưa lấp. Bà Đào chỉ vào lỗ hổng giải thích: - Đấy anh chị xem; nhà có chỗ chưa làm xong. Chúng em dọn vào ở rồi mà anh ấy còn tiếp tục làm thêm chỗ này chỗ kia. Em sẽ phải bảo người handyman của em đóng lấp chỗ đó. Rồi bà chủ nhà đưa hai vợ chồng Vân lên tầng trên xem phòng ngủ. Ra khỏi chiếc cầu thang uốn vòng, người ta bước vào một khoảng rộng với cửa sổ to hình cánh cung; hai bên là hai phòng ngủ. Trong khoảng trống đó chỉ có vài món đồ đạc, một cái bàn cà phê và hai cái sofa được bày cho đỡ trống trải. Nếu thêm một bức tường nữa được dựng lên, ngăn riêng khoảng trống với hành lang, nhà lại có thêm một phòng ngủ lớn nữa, nằm giữa hai phòng kia. Trong lúc bà Đào đưa vợ chồng Vân đi xem phòng ngủ của bà, đám người trẻ khoảng năm sáu người cả lớn cả bé tập trung ở phòng bên kia, cũng rộng như phòng ngủ của bà Đào, đang nói chuyện, nô đùa ồn ào. Bà Đào giới thiệu hai người con trai trạc trên dưới ba mươi có mặt lúc đó, rồi nói: - Mai mốt chúng nó sẽ đến ở với em vì vậy em mới cần lấy lại căn nhà ba phòng ngủ để ở. Bà ta tiếp tục đưa Vân và Thanh đi coi khoảnh sân vườn sau nhà, tuy không lớn lắm, nhưng mát mẻ và riêng biêt vì sau nhà là vùng đá và cây cối không có nhà cửa hàng xóm gì cả; lại thêm cái deck rộng đứng riêng biệt cạnh khoảnh sân và vườn. - Đó anh chị thấy không; chỗ này chị tha hồ làm barbecue và mời khách mấy chục người cũng được; người lớn thì có chỗ ngồi chơi, uống cà phê hoặc ăn uống, bọn trẻ cũng có chỗ chơi với bạn bè chúng nó. Nhà kia đâu có được như vậy. Bà Đào chỉ mấy cây trong vườn nói là đều do tay chồng bà mang về. Bà đưa vợ chồng Vân vòng ra bên hông nhà chỗ có một driveway rộng, lát bê tông, chạy suốt ra ngoài đường và được ngăn bởi hai lớp cổng sắt. Xe có thể chạy thẳng qua lớp cổng thứ nhất rồi đậu cạnh hông nhà. Nếu muốn vô khoảng sân vườn và deck phía sau, người ta phải đi qua cái cổng sắt thứ hai nhỏ hơn. Từ ngoài đường nhìn vào, bên phải của driveway là khu đất với đá cao, lởm chởm, cây cối lộn xộn vì chưa được làm đẹp, cũng thuộc phạm vi đất của bà. Chỉ tay vào dãy tường đá cao ngang ngực, ôm sát driveway, được xây lên để chặn đất đá khỏi lở lăn xuống từ khu đất bên phải, bà nói: - Bức tường này cũng do chính anh ấy xây; hăng say đến nỗi ngay cả mấy hôm trời mưa cũng không chịu nghỉ. Rồi bà ta lập lại điều đã nói hồi nãy về ông chồng quá cố: - Anh chị thấy đó, công sức của anh ấy bỏ ra cho căn nhà này rất nhiều. Căn nhà lý tưởng mà anh ấy bắt chước người Mỹ gọi là "dream home" của hai vợ chồng mà chị! Ấy thế mà khi nhà hoàn tất, Chúa lại gọi đi sớm quá! Vân chưa hoàn toàn bị thuyết phục khi nghĩ đến ba đứa con nàng hai trai một gái ở tuổi mới lớn; một phòng ngủ cho ba đứa làm sao được? Thấy Vân chưa tỏ vẻ muốn thuê, Thanh kéo nàng sang một bên nói về các lợi điểm của căn nhà: - Phòng ngủ thứ hai dành cho con An; còn hai thằng con trai cho chúng nó chiếm cái chỗ phình ra có "bay windows" kia. Em thấy không, tuy không có tường ngăn riêng nhưng khoảng trống đó cũng riêng biệt, to như một cái bachelor apartment. Kê hai cái giường single hai bên cho tụi nó vẫn còn rộng thênh thang ở giữa, đủ cho hai cái bàn học và tủ áo quần mà vẫn còn dư chỗ cho chúng nó bày bừa! Sân sau nhà lại riêng biệt không có hàng xóm dòm ngó; anh em nhà mình đông thỉnh thoảng kéo đến chơi có chỗ hội họp, ăn uống; vừa mát mẻ, vừa rộng rãi; ở đây lại tiện đường đi làm cho cả em và anh; giá thuê lại thấp trong lúc mình cần để dành tiền mua căn nhà ưng ý; hơn nữa mình đã gửi move-out notice rồi em còn muốn gì nữa mà không chịu? Thôi mình đặt cọc đi! Trước sự thúc giục gần như nài nỉ của chồng, Vân đành đồng ý. Dẫu sao, nàng cũng rất hài lòng với căn bếp rộng, đẹp, sáng sủa, sạch sẽ, ngăn nắp. Đứng chính giữa nhà ở tầng dưới nhìn lên, người ta có thể nhìn lên tận mái nhà và cũng là trần nhà trên cao. Chính giữa mái là một ô sunroof lớn lọc ánh sáng thiên nhiên vào nhà. Tầm mắt người nhìn không bị ngăn cản bởi sàn nhà của tầng hai như các kiểu nhà khác. Đặc điểm này của căn nhà cho Vân cái cảm giác thênh thang dễ chịu. Khu sân và vườn nhỏ sau nhà, nàng sẽ trồng và đặt các chậu hoa mà nàng ưa thích, sẽ chăm sóc mấy cây ăn trái có sẵn, sẽ treo các chậu hoa dọc theo lan can cái deck rộng, đứng biệt lập với khoảng sân và patio. Tóm lại, sẽ không thiếu việc cho nàng làm đẹp căn nhà mà gia đình nàng sẽ ở trong những năm sắp tới, dù nó không phải của nàng. Ngày đầu tháng, gia đình Vân dọn đến. Đó là một ngày dọn nhà rất lủng củng, vô trật tự đối với Vân mà nguyên nhân là sự thiếu sắp đặt của bà chủ nhà. Gia đình Vân chở đồ đạc đến nơi mà căn nhà vẫn chưa trống vì đồ đạc của bà Đào vẫn chưa dọn ra hết, còn bà ta thì đang to tiếng cãi nhau, bằng một thứ tiếng Anh truyền khẩu, chát chúa, với cặp vợ chồng người Mỹ thuê nhà phía trước. Bà ta dọn ra khỏi căn nhà cho Vân thuê và dọn vào căn nhà phía trước, trong lúc cặp vợ chồng này cũng đang dọn ra; nghĩa là cả ba nhà cùng dọn một lúc, kẻ dọn ra, người dọn vô thật hỗn độn, cản trở lẫn nhau. Vân vô cùng bực bội và càng mất cảm tình đối với bà Đào; ban đầu là việc "tráo" căn nhà ba phòng ngủ bằng nhà hai phòng ngủ và bây giờ là sự bất tiện bà ta gây ra cho gia đình nàng ngay trong ngày đầu tiên. Bà ta có lẽ cũng chẳng vui sướng gì khi vừa phải đối phó với sự phàn nàn của Vân vừa cãi vã với cặp vợ chồng Mỹ, có lẽ cũng vì việc dọn nhà trễ nải. Bà Đào dù sao cũng chỉ dọn một quãng ngắn từ nhà này sang nhà kia nên bà ta không mướn ai chỉ nhờ người mà bà gọi là handyman giúp một tay. Anh ta là một người lai Mễ, trạc bốn mươi, có bộ dạng của một handyman điển hình với cái dây lưng da đồ nghề lủng lẳng quanh bụng. Bà Đào giới thiệu anh ta với vợ chồng Vân và cho biết anh ta đã làm cho bà đã mấy năm, từ khi chồng bà còn sống. Bà nói sau này nếu cần sửa chữa gì Vân, Thanh cứ gọi anh ta. Suốt ngày hôm đó anh ta lẽo đẽo, quanh quẩn, dọn dẹp, khiêng đồ, sửa chữa lặt vặt. Qua một ngày mệt và bực bội, cuối cùng gia đình Vân cũng dọn hết đồ đạc vào. Hai vợ chồng thở phào dù còn vô số thùng đồ đạc chưa mở. Mấy đứa nhỏ tỏ ra rất thích ngôi nhà này, lăng xăng mở các thùng của chúng nó; duy có môt điều phòng ngủ của con An quá rộng, rất khó bầy biện trang hoàng và Vân định bụng sẽ tìm cách làm cho căn phòng trở nên bớt trống trải với đồ đạc và màn cửa. Phòng của hai vợ chồng nàng tương đối ấm cúng hơn với các đồ đạc, giường tủ, bàn phấn cỡ lớn và mấy chiếc ghế bành. Hai tuần lễ trôi qua, việc nhà cửa của gia đình Vân đã ổn định. Buổi chiều hôm đó, khi Vân mở cửa patio ra sân vườn sau sửa soạn trồng mấy chậu hoa thì thấy bên kia cổng sắt bà Đào đang chống tay ngang hông, nghiêng đầu nhìn lên phía cửa sổ các buồng ngủ trên lầu rồi lại nhìn xuống vườn, điệu bộ tò mò như dò xét trông đợi một điều gì. Vân đứng khuất trong patio tiếp tục quan sát cử chỉ là lạ của bà Đào một lát rồi mới bước ra. Bà Đào hơi giật mình, cất giọng khoả lấp: - Chị trồng hoa khéo quá; cái vườn trông khác hẳn trước. Em cũng sẽ phải bắt chước chị. Cây "thìu lịu" này chị làm sao mà trông xanh tươi hơn trước. Cũng chính tay anh ấy mang về trồng đấy chị ạ. Bà Đào lập lại những điều về người chồng quá cố với giọng thương tiếc, như một diệp khúc; lần này bà nói thêm: - Nhìn bất cứ chỗ nào cũng làm em nhớ đến anh ấy. Em là người sống vì kỷ niệm chị ạ. Vân vừa loay hoay với mấy chậu hoa vừa nghe bà Đào tâm sự, thỉnh thoảng đưa đẩy vài câu chiếu lệ. Bà Đào tiếp tục cuộc đàm thoại gần như một chiều về người chồng quá cố, về con cái, về gia tài của cải nhà bà. Một lát sau, Vân làm xong mấy chậu hoa thì trời cũng bắt đầu nhá nhem; nàng chia tay với bà Đào rồi đi vô nhà. Nàng cảm thấy con người bà ta có cái gì không thật và nhớ lại cử chỉ nghe ngóng của bà ta trước đó, nàng cảm thấy có một điều gì đó mà nàng chưa hiểu. ° Tiếng động lạ từ tầng dưới đưa lên rõ mồn một trong đêm khuya. Vân mở mắt lắng nghe và nhận ra tiếng búa đóng lạch cạch vọng lên từ phía nhà bếp tầng dưới. Vân tỉnh hẳn ngủ, đưa tay lay vai Thanh: - Anh! Hình như có ai ở dưới kia! Thanh như đã thức sẵn, trả lời ngay, giọng thì thầm: - Phải rồi! Như có ai đang sửa chữa gì. Thanh ngồi dậy định ra ngoài xem chuyện gì xảy ra thì tiếng động ngưng. Chàng ngồi yên ở cạnh giường chờ đợi nhưng mấy phút trôi qua, căn nhà rộng vẫn chìm trong yên lặng. Thanh nằm lại xuống giường; hai vợ chồng trao đổi những thắc mắc về sự việc vừa xảy ra rồi cả hai cố dỗ giấc ngủ và thiếp đi. Buổi sáng hai vợ chồng Vân đi xuống tầng dưới, cùng đứng nhìn về phía nhà bếp nơi mà dường như đêm qua phát ra tiếng động của búa kìm. Hai vợ chồng lại gần góc cabinet mà bên trong có lỗ hổng chưa lấp. Một ý nghĩ rờn rợn đi qua trong đầu Vân, không lẽ đêm qua có "người" nào đó vô đây sửa cái tủ bếp? Thanh và Vân đưa mắt nhìn nhau, rồi Thanh vươn bàn tay đặt lên cánh cửa gỗ, từ từ mở ra. Vân hồi hộp theo dõi động tác của chồng, mắt mở lớn. Nàng suýt bật lên tiếng kêu khi thấy cái lỗ hổng không còn nữa; ngăn tủ liền lặn như có bàn tay nào đêm qua đã lấp kín nó đi; nhưng chỉ một giây sau, Vân chớp mắt nhìn kỹ thì lỗ hổng vẫn còn đó; tuy vậy tim nàng vẫn đập thình thịch. Thanh khép cánh cửa tủ, quay nhìn Vân: - Anh có cảm tưởng ông chủ nhà muốn về làm cho xong cái tủ. - Ghê quá anh à... - Em... sợ không? - Lâu nay em không tin chắc là có ma vì chưa gặp bao giờ. Dù sao, em cũng bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của ông ngoại từ hồi còn nhỏ. Ông ngoại luôn nói rằng sở dĩ linh hồn người chết trở về vì họ còn điều gì đó uất ức chưa nguôi, chứ không phải muốn làm gì hại người sống. Khi người ta đã bày tỏ được nỗi oan khiên rồi thì họ sẽ siêu thoát, không về nữa. Em bắt đầu thấy sợ vì không có cách giải thích nào khác hơn. Thanh chợt trầm giọng: - Thực ra anh đã nghe những tiếng động này ngay đêm đầu tiên và đêm hôm kia rồi nhưng anh chưa kịp làm gì thì nó ngưng. Anh không nói vì không muốn làm em sợ và nhất là không muốn tụi nhỏ biết. Anh cũng sợ em trách anh không nghe lời em dù em đã cản không muốn thuê ngay từ đầu. - Thì ra anh đã nghe những tiếng động đó rồi sao? Vậy có lẽ do ông ta gây ra rồi. Thanh hỏi: - Vậy em có muốn dọn ra không? Anh không muốn em và các con sợ. Vân ngập ngừng: - Mình mới dọn vô, không lẽ lại dọn ra ngay; hãy để nghe ngóng xem sao; em thấy chưa đến nỗi nào. Hay là anh lấp kín chỗ hổng đi để ông ấy khỏi thắc mắc nữa. - Phải rồi, có lẽ anh nên làm vậy. Rồi Thanh nhìn về hướng nhà bếp nói như để có người thứ ba nghe: - Ông chủ nhà ơi, thôi thì tôi sẽ sửa cái tủ giùm ông; tôi sửa thì cũng như ông sửa. Chuyện nhỏ như vậy mà ông bận tâm làm gì. Cuối tuần này tôi sẽ bắt tay vào việc. Thanh chợt nghĩ ra một điều, quay qua hỏi Vân: - Hôm qua em có nói chuyện với bà Đào không? Vân đáp: - Có, em ra vườn sau trồng mấy chậu hoa thì bắt gặp bà ấy đang đứng ngó quanh ngó quẩn, hết ngó lên lầu rồi lại ngó xuống vườn. Gặp em bà ấy xoắn lấy nói chuyện; kể lể khá nhiều về ông chồng và tỏ vẻ thương tiếc lắm, luôn miệng nói "chỉ sống vì kỷ niệm". Chắc phải đặt cho bà ấy cái tên là bà Sống Vì Kỷ Niệm! - Thế thì đúng rồi. - Anh nói đúng cái gì? - Anh nhận thấy hình như cứ mỗi lần bà ấy sang nói chuyện là đêm đó ông ta về! Đêm đầu tiên và đêm hôm kia anh gặp bà ấy lúc đi làm về; nhân tiện, anh nhắc bà ấy bảo người handyman lấp cái lỗ hổng trong kitchen cabinet. Cả hai đêm đó anh đều nghe tiếng búa đóng đinh! Vân nhíu mày: - Không lẽ ông ta không thích mình nói chuyện với vợ ông ta? Nhưng tại sao chứ? Mình có xúi bà ấy làm gì bậy bạ đâu? Mình chỉ yêu cầu bà ấy vài chuyện lặt vặt như việc sửa cái lỗ hổng kia thôi mà. Không lẽ ông ta muốn chính tay ông ta sửa? Thanh chậm rãi suy luận: - Chắc có uẩn khúc chi đây; nhưng hiển nhiên nhà này có ma rồi. Có lẽ vì vậy bà Đào không dám ở nên mới cho thuê. Là người "sống vì kỷ niệm" thì tại sao không sống ngay trong căn nhà "dream home" đầy kỷ niệm mà lại dọn ra? Bà ta chỉ việc tiếp tục cho thuê cái nhà kia có phải tiện không? Dọn ra dọn vô làm gì cho mất công? Hèn gì giá thuê nhà rẻ thế. Bây giờ nghĩ lại thì quả thực mỗi khi nói chuyện với anh, bà ấy kín đáo dò la xem mình ở trong căn nhà có thấy gì lạ không mà anh thì vô tình không nói gì. Bà ta không hỏi thẳng vì chẳng lẽ là chủ nhà mà lại hỏi người thuê "anh chị ở đây có gặp ma không?!" Vân nói: - Em nghĩ bà ta đã dấu chuyện này thì mình cũng không cần nói cho bà ta biết làm gì; cứ để cho bà ta thắc mắc! Thanh nói: - Nghĩ cũng không ai như vợ chồng mình. Sống trong cái nhà có ma mà không nói cho chủ nhà biết, trong lúc chủ nhà lại muốn biết! Đêm hôm đó và những đêm sau, hai vợ chồng Vân không bị đánh thức dậy lúc nửa đêm nữa; dường như linh hồn ông chủ nhà đã lắng nghe đề nghị của vơ chồng nàng, bằng lòng cho Thanh lấp cái lỗ hổng của ngăn tủ bếp. Ngày thứ Bảy, Vân giục chồng đi mua đồ về làm nhưng Thanh tìm thấy tấm gỗ vuông nằm sẵn trên trần nhà, chỉ việc dùng búa và đinh đóng lại. Quả nhiên những ngày sau đó những tiếng búa đóng đinh ban đêm không bao giờ trở lại nữa. Một buổi chiều thứ Bảy, bà Đào lại đến gõ cửa nhà Vân, đem theo một bà bạn. Bà ta xin phép Vân được đưa bà bạn thân vào xem nhà để khoe công trình của ông chồng mà từ khi nhà làm xong bà bạn chưa có dịp đến xem. Bà Đào đưa bà bạn đi xem một vòng, chỉ chỗ này, khoe chỗ kia. Có một lúc, như chợt bị xâm chiếm bởi cơn xúc động khi nhớ đến người chồng quá cố, bà ngồi bệt xuống sàn phòng khách, gục đầu vào thành chiếc ghế sofa sụt sùi. Nửa đêm hôm đó, vợ chồng Vân lại giật mình thức dậy vì những tiếng động lạ vang lên từ tầng dưới. Lần này không phải tiếng búa nữa mà là tiếng di chuyển nặng nề của bộ bàn ăn. Hai vợ chồng nằm yên nghe cảm giác lạnh toát của một dòng điện chạy khắp người. Lần này không còn nghi ngờ gì nữa; mỗi lần bà Đào bước vô căn nhà này là có sự kích động đến từ thế giới vô hình. Và cả hai vợ chồng Vân đều nghĩ ngay linh hồn bị kích động kia là người chồng quá cố của bà Đào. Một lát sau, tiếng động cũng biến mất. Từ hôm đó, hai vợ chồng Vân đồng ý với nhau hết sức tránh nói chuyện với bà Đào hoặc để cho bà ta vào nhà. ° Một buổi tối, gia đình Vân mới ăn cơm xong thì bà Đào gọi điện thoại. Sau vài câu chào hỏi xã giao, bà nói với Vân: - Chẳng là sắp đến lễ trăm ngày cho anh ấy nhà em vào thứ Bảy tuần sau nên em muốn nói với chị để mượn cái deck sau nhà làm nơi hành lễ. Em sẽ mời cả Cha nữa. Có được không chị? Dù có một chút ngần ngại trong lòng, Vân vẫn đáp: - Vâng, chi cứ tự nhiên, thứ Bảy nhà chúng tôi cũng không có khách. Bà Đào cám ơn rồi nói thêm: - Sau lễ em mời anh chị và các cháu dùng bữa trưa luôn. Hôm đó em cũng mời một số khách. Vân cám ơn rồi đáp: - Vâng để tôi xem, nếu hôm đó không bận gì, chúng tôi sẽ dự lễ. Vân lại hỏi tiếp: - Nhưng đạo Công Giáo mình đâu có đòi hỏi phải làm lễ trăm ngày? Bà Đào giải thích: - Vâng, em biết, nhưng em cũng muốn theo tục thông thường một chút. Có mời cả Cha nữa, cũng tốt chị ạ. Sau khi gác điện thọai, Vân chưa hết thắc mắc; nàng không hiểu ý của bà Đào khi nói "mời Cha cũng tốt" là thế nào. Vân hi vọng việc bà Đào đến làm lễ cho chồng sẽ không đem lại những hiện tượng kinh dị như đã xảy ra. Sáng thứ Bảy, gia đình bà Đào sang khu vườn sau nhà Vân sớm để bày bàn và căng bạt che nắng sửa soạn cho buổi lễ. Bà dự định bắt đầu cuộc lễ vào lúc 11 giờ sáng, sau đó sẽ mời khách dùng bữa trưa. Tham dự có khoảng 50 người vừa bạn bè vừa người trong gia đình bà Đào. Vị linh mục chỉ định bà kê một cái bàn trên cái deck để làm lễ. Trên bàn có đặt một cây thánh giá bằng gỗ, có đế vững vàng và hai cây nến trắng trong chân nến màu bạc. Bên cạnh bàn là bức hình chân dung cỡ 11x14 của chồng bà Đào, trong khung kính, đặt trên cái giá ba chân như giá vẽ, cao ngang ngực một người lớn. Khoảng sân gạch giữa cửa patio và cái deck có bốn bàn dài đặt nối nhau, xung quanh bày ghế để khách ngồi ăn sau khi hành lễ. Một tấm bạt lớn được dựng che nắng cho khoảnh sân và những chiếc bàn. Hôm ấy trời nắng đẹp nhưng khá nóng, nhiệt độ khoảng 80 độ F, trời lại không có gió nên nếu không có tấm bạt chắc người ta không thể ngồi ăn uống dưới ánh nắng chang chang được. Giờ hành lễ đã đến, vị linh mục bước lên deck. Bà Đào và các con cháu đứng dưới sân ở hàng đầu. Những người khác đứng vây quanh phía sau. Mọi người không ai bảo ai đều giữ yên lặng; chỉ còn tiếng mấy đứa trẻ nít phía góc sân đàng kia chưa đến tuổi để biết giữ trật tự nhưng cũng được cha mẹ chúng ra dấu bắt phải ngoan. Vị linh mục dang hai tay cất tiếng mở đầu lời cầu nguyện thì bỗng nhiên cái giá mang bức chân dung ông chồng bà Đào chao nghiêng rồi đổ ụp xuống sàn deck gây nên một tiếng động lớn giữa không khí yên tĩnh của buổi lễ. Mọi người giật bắn mình nhìn những mảnh thủy tinh văng tung toé trên sàn deck. Hầu hết mọi người có mặt đều không kịp trông thấy khi tấm hình rơi xuống và không ai biết tại sao chiếc giá vững vàng kia lại đổ xuống mặc dù cả ba chân đều còn nguyên vẹn không có vết gẫy. Trời thì không hề có một ngọn gió nào để có thể làm đổ bức hình. Bà Đào, mặt hiện rõ nét hoang mang, cùng mấy đứa con nhặt lên chiếc khung hình với tấm kính bể nham nhở đóng khung lấy khuôn mặt của người quá cố, cặp mắt đăm đăm nhìn người đối diện với nét ma quái dị thường. Bà Đào sai con quét những mảnh vỡ và mang tấm hình về nhà. Buổi lễ bị gián đoạn một lúc và vị linh mục lại tiếp tục hành lễ không có sự hiện diện của bức hình. Kể từ phút đó, người ta thấy bà Đào không còn vẻ lăng xăng, chào người này, mời người kia như trước đó nữa. Nét vui gượng gạo không che lấp được nét đăm chiêu trên khuôn mặt bà. Hai vợ chồng Vân có lẽ là hai người duy nhất trong buổi lễ - không, có lẽ là hai trong ba người duy nhất trong buổi lễ - hiểu được ý nghĩa của sự kiện bức hình đổ ụp xuống; cái người thứ ba kia có lẽ không ai khác hơn là bà Đào. Vân và Thanh trao đổi với nhau cái nhìn hiểu biết. Qua sự việc vừa xảy ra, sự bực tức của người quá cố dường như đã trở thành cơn thịnh nộ vọng về từ thế giới bên kia, ngay trong buổi lễ mà đáng lẽ phải mang về sự an bình cho linh hồn ông. Sau hôm đó sự yên ổn thường lệ trở về với gia đình Vân. Ngày rồi tháng trôi qua, dường như ông ta đã hài lòng vì đã bày tỏ những gì cần bày tỏ và hơn thế nữa, có thể nói, ông ta đã chia xẻ được với vợ chồng Vân những gì cần chia xẻ và ông ta không muốn làm phiền gia đình Vân nữa làm gì. Ông đã làm cho vợ chồng Vân hiểu một cách rõ ràng ông không bằng lòng việc hai người tiếp xúc với bà Đào vợ ông dù việc đó không do hai người chủ động. Nhưng vì lý do gì thì hai vợ chồng Vân vẫn chưa biết và có lẽ không cần biết. Có đến nửa năm vợ chồng Vân không còn chứng kiến những hiện tượng lạ và gần như không còn nghĩ đến những gì xảy ra trước đây khi mới dọn vô căn nhà. Một chiều cuối tuần êm ả, Vân đang tưới các khóm hoa sau nhà thì bà Đào đến bên cánh cổng sắt vui vẻ chào hỏi. Đã từ lâu Vân vẫn dùng cổng sau làm lối ra vào thường xuyên; nàng rất ít khi mở cửa chính mặt tiền của căn nhà. Mỗi khi đi đâu về, nàng đậu xe trong driveway rồi mở cánh cổng sắt bên hông nhà và vô nhà bằng cửa patio. Gia đình nàng, bố mẹ anh em và các khách quen đều dùng cửa này vì vậy Vân không ngạc nhiên khi bà Đào cũng đến bằng lối này. Đã lâu lắm Vân không có dịp nói chuyện với bà Đào; những giao dịch hiếm hoi chỉ cần nói qua điện thoại; việc trả tiền thuê nhà Vân chỉ cần bỏ phong bì vào thùng thơ nhà bà. Đôi khi bà ta cũng có ghé sang nhưng Vân đều tìm lý do để khỏi phải nói chuyện lâu và không bao giờ tỏ ý mời ba ta vô nhà. Vào thời gian đó nàng cũng đã biết rằng các con của bà Đào không dọn vô ở chung với bà, như bà đã nói. Việc con bà dọn vào ở chung là cái lý do mà bà đã đưa ra lúc ban đầu để không cho Vân thuê căn nhà ba phòng ngủ phía trước. Những tháng sau đó Vân càng thấy những nhận xét của mình về con người bà Đào càng đúng. Có một lần đi chợ Việt Nam, tình cờ đi ngang cửa tiệm chụp hình do bà và con bà làm chủ, Vân mục kích thái độ hống hách, coi rẻ người thua kém mình của bà và con trai bà trong cách đối xử với một người đàn bà đồng hương giúp việc cho họ. Vân nhận thấy rằng bà ta là hạng nhà giàu mới, đến từ một gia đình thiếu căn bản giáo dục. Vì vậy, Vân càng có thêm lý do để không ưa và lạnh nhạt với bà ta dù bà ta chưa làm gì bất nhã đối với Vân ngoài việc lật lọng lúc ban đầu. Bẵng đi nhiều tháng bây giờ là lần đầu tiên nàng và bà ta mới đích thân nói chuyện. Nàng đáp lại câu chào của bà bằng một câu xã giao. Không để Vân đợi lâu, bà Đào nói lý do sang nhà Vân: - Em đang trồng hoa trong khoảnh vườn phía trước và muốn sang hỏi chị về một số loại hoa chị đã trồng mà em thấy rất đẹp. Nếu bà Đào đến hỏi nàng vào sáu tháng trước có lẽ nàng sẽ tìm cách thoái thác để khỏi phải tiếp bà nhưng thời gian qua đi, sự thiếu cảm tình với bà Đào cũng nhạt đi và những lúc sau này các hiện tượng lạ kia không xảy ra nữa; nàng cảm thấy yên tâm hơn và cho rằng buổi lễ trăm ngày nửa năm trước có lẽ đã đem lại sự yên ổn lâu nay. Vân mở cửa hàng rào: - Chị vào chơi; tôi đưa chị lại xem bồn hoa rồi nói chuyện luôn thể. Nói chuyện về trồng hoa xong, Vân mời bà Đào ngồi xuống nơi chiếc bàn patio vừa uống café vừa nói chuyện. Khung cảnh mát mẻ dễ chịu của buổi chiều và thái độ bớt lạnh nhạt của Vân càng như khuyến khích bà cởi mở tâm sự cùng Vân nhiều hơn nữa so với những lần trao đổi miễn cưỡng trước đây. Vân hơi mỉm cười nhớ đến cái mỹ danh "Sống Vì Kỷ Niệm" nàng đặt cho bà Đào khi bà ta mở đầu: - Em là người sống vì kỷ niệm chị ạ. Anh ấy rất thương vợ thương con, chỉ lo làm ăn gây dựng sự nghiệp cho gia đình, không quan tâm nhiều đến việc giải trí, tuy rằng trong những năm anh ấy còn khoẻ, gia đình không phải là không đi chơi đây đó. Em quí những kỷ niệm đó lắm. Đến khi anh ấy bị bệnh, việc đi du lịch gần như không có. Căn bệnh của anh ấy là bệnh kinh niên về thận, phải dùng máy lọc thường xuyên nhưng cả trong thời gian đó, anh ấy cũng không lo nhiều cho bản thân mà chỉ chú tâm lo cho gia đình. Lúc anh ấy còn sống, chúng tôi cũng có mấy căn áp-pạc cho thuê, đâu đến nỗi phải vất vả lo toan việc làm ăn nhưng hiếm khi nào anh ấy chịu nghe lời tôi nghỉ ngơi dưỡng sức hoặc điều trị bệnh của mình một cách nghiêm chỉnh. Vẫn lối xưng hô khi "em" khi "tôi" thường thấy nơi một người dễ trở mặt, bà Đào tiếp: - Như người ta thường nói, làm giàu thật nhiều mà không biết hưởng, khi chết có mang theo được đâu; của cải để lại cho con cháu sau này đã để riêng ra rồi, bây giờ la lúc phải lo cho thân mình; ky cóp thêm ít tiền lẻ để lại cho chúng nó chưa chắc chúng nó đã cần; đời cua cua máy, đời cáy cáy đào mà chị. Cuối cùng thì như thế đó; anh ấy nằm xuống, tuy vợ con được hưởng hết của cải nhưng nếu anh ấy không tận lực xả thân làm việc vào những năm cuối đời, vợ con cũng có nghèo đi tí nào đâu? Vân hỏi: - Vậy chứ ông xã chị bị bệnh ra sao? Bà Đào đáp: - Hôm đó hai vợ chồng em đến thăm gia đình ông bà thân sinh ra em. Anh ấy kêu chóng mặt và muốn ngồi nghỉ trong lúc em chạy ra ngoài mua vài thứ lặt vặt. Trong lúc em vắng mặt thì ở nhà anh ấy đột nhiên ngã xỉu, phải chở vô nhà thương ngay. Khi hay tin khẩn cấp, em tất tả vô bệnh viện thì anh ấy đã hôn mê và sau đó qua đời. Rồi bà ta nói tiếp: - Em cũng sắp bán mấy dãy áp-pạc đi vì cho thuê cũng mệt lắm. Không tháng nào mà em không phải ra toà, tranh cãi kiện tụng với mấy người thuê nhà. Kiện tụng thì em chẳng ngại nhưng mãi rồi cũng chán chị à. Vân lắng nghe câu chuyện của người đàn bà và cũng là lời bộc bạch về cá tính của chính đương sự. Bà ta chuyển sang giọng tâm sự: - Em sống vì kỷ niệm nên bây giờ chẳng muốn đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà, dù mấy đứa con em vẫn rủ. Đi đến đâu cũng làm em nhớ đến anh ấy. Buổi chiều hôm đó là lần đầu tiên Vân và bà Đào có một cuộc nói chuyện dài và tương đối thân thiện như hai người hàng xóm. Trời ngả dần sang hoàng hôn, đến giờ Vân phải sửa soạn bữa cơm tối; nàng chia tay với bà Đào đứng lên đi vào nhà. Trong nhà bếp Vân mang nồi chảo ra sửa soạn nấu ăn. Nàng mở tủ lạnh lấy các thứ cần thiết để làm món phở áp chảo mà cả nhà ưa thích, mang ra quầỵ Nàng vừa hát nho nhỏ vừa làm món ăn. Đứng cắt thịt sau quầy bếp, hướng ra phía patio, từ khoé mắt trái, Vân thấy bóng Thanh từ trên lầu đi xuống. Nàng ngưng hát cất tiếng hỏi: - Anh đó hả? Chiều nay ăn phở xào nhé? Yên lặng. Hoàn toàn yên lặng. Nghĩ rằng Thanh chưa nghe mình hỏi, Vân vẫn không quay đầu, cất tiếng lần nữa: - Anh? Vẫn yên lặng. Rồi Vân chợt nhận ra, hồi nãy khi Thanh đi xuống lầu, nàng không hề nghe tiếng chân bước của Thanh như mọi khi. Sống lưng lạnh toát, Vân quay đầu lại. Phía phòng khách mà Vân thấy bóng Thanh đi xuống vẫn trống trơn và bắt đầu ngả sang bóng tối. Lần đầu tiên kể từ khi biết căn nhà có những sự việc không bình thường, Vân thực sự sợ đến lạnh toát châu thân. Cái cảm giác kinh dị, tê tái như điện chạy qua gáy và sống lưng, không thể so sánh được với bất cứ cảm giác nào. Vừa lúc đó, nàng nghe tiếng động trên lầu, ngước nhìn lên thì thấy Thanh vừa từ phía phòng ngủ bước đến, nét mặt ngơ ngác. Sự hiện diện của chồng khiến Vân bớt bủn rủn phần nào. Thanh vịn lan can hành lang trên lầu, nhìn xuống hỏi: - Nhà mới cúp điện hả em? - Không, điện nhà bếp vẫn sáng đây. Hồi nãy anh đâu có xuống đây phải không? Vân hỏi nhưng biết câu hỏi của mình thừa vì không thể nào Thanh đi xuống rồi lại đi lên nhanh như vậy được. Thanh đáp: - Không, anh ở trong phòng nãy giờ. Đang ngồi trước computer thi đèn điện tắt phụt rồi sáng trở lại; cả cái computer cũng mất đìện, bây giờ đang reboot. Vân rùng mình. Vậy là đúng vào lúc nàng thấy bóng "Thanh" đi xuống là lúc đèn trong phòng ngủ tắt và điện bị cúp. Và chỉ tắt trong phòng ngủ mà thôi. Vân ra dấu gọi Thanh xuống và kể cho chồng nghe điều vừa xảy ra và nói thêm: - Em nói chuyện với bà Đào khá lâu hồi nãy. Bà ấy đi khỏi, em vào bếp làm cơm thì thấy có người đi xuống, em tưởng là anh. Lâu nay tưởng đã êm nhưng không phải vậy anh à. Chưa bao giờ em sợ như vậy. Vân tự nhủ lần này thì tởn tới già; bằng mọi giá, Vân sẽ tránh không để bà Đào bước vô nhà; nếu cần nàng sẽ nói thẳng với bà lý do tại sao. Sau cái lần thực sự kinh hoàng đó, có đôi lúc ý nghĩ dọn nhà cũng đến với Vân, nhưng rồi nàng bình tĩnh trở lại và cảm thấy việc dọn nhà không cần thiết khi mà dường như có một thông cảm kỳ lạ giữa nàng và người đã khuất, khiến nàng tin rằng mình có thể ngăn được những hiện tượng kia khỏi xảy ra, miễn là đừng làm trái ý "ông ta". Những ngày yên ổn thực sự đã trở lại trong căn nhà gia đình Vân đang ở. Mấy đứa con nàng, thằng Bình lớn nhất, đang học lớp 10, em gái nó, con An, học lớp 8, thằng út Hoà, lớp 6; cả ba đều khoẻ mạnh, luôn tươi vui, đùa nghịch như các trẻ khác cùng lứa tuổi. Chúng nó học bài, coi truyền hình, chơi với bạn bè đến nhà, khi trong nhà, lúc ở patio và deck, vô tư, hồn nhiên không hề biết những sự việc kinh dị kia trong nhà chúng. Một hôm Vân đi làm về khoảng 7 giờ, trời cuối Thu nhá nhem tối; khi gần về đến nhà, tình cờ nàng quẹo vào một con đường khác với con đường thường ngày nàng vẫn đi. Nàng chợt thấy chiếc xe pickup màu trắng của ngườì handyman đậu bên đường; từ chỗ đó về nhà nàng chỉ một quãng không xa nhưng nếu đứng ở nhà nàng hoặc nhà bà Đào, sẽ không thể thấy được vì chiếc xe đậu khuất sau góc đường. Vân tự hỏi tại sao xe của người handyman đậu ở đây vào giờ này? Theo lời bà Đào, nhà anh ta đâu có ở trong khu này? Nếu đến nhà bà Đào, sao anh ta không đậu ngay trước nhà bà như anh ta thường làm? Vân lái xe vào driveway nhà mình và thấy nhà bà Đào đã chìm trong bóng tối; có vẻ như đã đi ngủ. Hôm sau Vân đi làm sớm, vẫn thấy chiếc xe pickup đậu ở đó. Vân bắt đầu có ý nghĩ là lạ về bà Đào. Phải chăng bà ta có một liên hệ nào đó ngoài liên hệ chủ và người làm công đối với người đàn ông lai Mễ kia? Từ hôm đó, Vân bắt đầu để ý thấy chiếc xe kia, nếu ban ngày thì đậu trước nhà bà Đào còn nếu ban tối thì đậu khuất ở góc đường kia. Vân nói với chồng điều này và Thanh gật gù có vẻ hiểu biết. Một cuối tuần sau đó không lâu, nhân dịp sinh nhật, thằng Bình xin phép mẹ mời bạn bè về nhà. Một đứa bạn của Bình là thằng Trực được bà mẹ chở đến. Vân gặp bà Đoan, mẹ Trực, ở cửa, hai người tự giới thiệu rồi Vân mời bà vô nhà. Bà Đoan cho biết bà và bà Đào cũng là chỗ quen biết rồi bà chép miệng nói như thể bà nghĩ Vân là họ hàng của bà Đào: - Nghĩ cũng tội cho ông ấy chị nhỉ? Tuổi mới ngoài 50, không ngờ qua đời sớm quá. Vân đáp: - Vâng, tôi cũng có nghe bà Đào nói từ khi mới thuê nhà. Bà Đoan hỏi: - Chị không phải bà con của bà Đào hay sao? - Không, tôi chỉ là người thuê nhà. - À ra thế. Tôi thì biết khá rõ về gia đình bà ấy. Rồi bà hạ giọng nói như sợ người khác nghe: - Hồi còn sống, nghe đâu ông ấy cũng khổ sở vì bà ấy lắm. Vân hỏi: - Bà ấy làm điều gì hả chị? Bà Đoan tiếp tục với giọng thì thầm: - Nghe đâu trong lúc ông ấy bệnh tật, bà ấy thậm thụt với cái người làm công cho ông bà ấy. Chẳng là ông bà ấy có mấy dẫy nhà cho thuê nên mướn một người handyman để làm việc sửa chữa lặt vặt. Dĩ nhiên người ngoài có ai bắt được quả tang bao giờ; người ta chỉ thấy hai người chở nhau đi mua đồ ở Home Depot. Ông ấy biết, nhưng bệnh tật có làm gì được đâu. Thật tội nghiệp. Rồi một thời gian sau, Vân cũng không còn thấy chiếc xe pickup màu trắng đậu ở góc đường ban đêm và trước nhà bà Đào ban ngày nữa. Người đẹp Sống Vì Kỷ Niệm chia tay với người tình Handyman. Có lẽ không hẳn vì bà đã bán những dãy nhà cho thuê nên sự phục vụ của anh ta không cần thiết nữa mà vì bà đã có những quan hệ mới. Thay chỗ cho chiếc xe pickup của người tình Handyman là những chiếc xe của những người đàn ông sồn sồn, lần lượt đến đậu trước cửa nhà bà, mỗi ông một vài tháng. Họ đàng hoàng đậu ngay trước cửa chứ không cần đậu nơi khuất như người tình Handyman nữa. Đầu tiên là một ông Nam kỳ răng vàng mà có lần Vân chạm mặt khi ra khỏi nhà một buổi sáng. Ông đang đứng cầm ống nước tưới cây trong khoảnh vườn trước nhà bà Đào, nhe răng vàng cười chào nàng. Nàng chào đáp lại rồi đi làm. Chiếc xe màu xanh đen của ông này lui tới đậu ngoài đường trước cửa nhà bà Đào ngày đêm một thời gian khoảng hai tháng thì Vân không thấy nữa. Kế đến là sự xuất hiện của chiếc xe màu đỏ mà chủ nhân là một ông Bắc kỳ răng hô. Một ngày thứ Bảy Vân đi shopping về thấy các chậu hoa nàng vẫn treo dưới mái patio bây giờ nằm lỏng chỏng, cái này ngả đè lên cái kia một cách cẩu thả. Vân rất ngạc nhiên và bực bội vì những chậu hoa này nàng chăm sóc cẩn thận, vẫn treo trên cao, hoa lá xum xuê buông xuống, giao tiếp với các chậu hoa khác bầy dưới đất, tạo nên một bức mành xanh mát quanh patio. Lời giải đáp cho sự ngạc nhiên của Vân hiện nguyên hình dưới dạng ông Bắc kỳ răng hô. Ông này đang đứng trên cái thang nhôm, với tay sơn cái đà ngang, nhe răng cười chào Vân rồi giải thích bà Đào nhờ ông sơn cái patio. Vân rất bực mình về việc làm tự tiện này và nói cho ông ta biết nàng không hài lòng khi ông ta không cẩn thận đối với các chậu hoa của nàng. Một lát sau, khi đã làm xong công việc sơn phết, ông ta sửa soạn nhắc các chậu hoa lên để treo lên chỗ cũ. Không muốn ông ta treo sai ý mình Vân nói: - Ông hãy để đó cho tôi; tôi tự tay treo lên được rồi. Người đàn ông vẫn sốt sắng nhất định không muốn để Vân làm một mình. Ông ta nói: - Cô cứ để tôi làm! Tôi lấy xuống thì tôi phải treo lên chứ ai lại để cô làm. Miệng nói, tay ông ta cầm lên một chậu hoa dù Vân phản đối. Rốt cuộc ông ta treo được bốn chậu lên xà ngang của patio rồi mang đồ nghề và cái thang ra về. Một sự kiện lạ lùng xảy ra những ngày sau đó là bốn chậu cây mà ông Bắc kỳ răng hô đích thân mó tay treo lên, tự nhiên héo dần đi rồi chết. Vân không tài nào cứu vãn được bốn chậu hoa đó trong lúc các chậu khác, dù treo trên cao hay để dưới đất, đều xanh tươi như trước. Vân rất bực bội vì nghĩ rằng nếu ông răng hô không đụng đến chúng thì chúng đâu có chết. ° Rồi các con Vân lớn lên, lần lượt đi học xa; đầu tiên là thằng Bình, rồi đến con An, thằng Hoà. Bà Đào vài lần dạm bán căn nhà hoặc khu đất trống phía bên phải cho vợ chồng Vân, nhưng vợ chồng nàng không muốn. Ngay cả sau khi các con đã sống xa nhà, vợ chồng Vân cũng chưa nghĩ đến việc dọn nhà cũng như không nghĩ đến việc mua nhà nữa. Bà Đào không hề tăng tiền nhà trong suốt tám năm trời và đối với tình trạng tài chánh của gia đình Vân lúc đó, nếu mua nhà, tiền lời trả cho ngân hàng còn cao hơn tiền thuê thì đó không phải là lựa chọn thuận lợi nhất, ít nhất là trong lúc này. Sang năm thứ chín, vì sự thay đổi trong công việc, căn nhà trở nên bất tiện cho cả hai vợ chồng đi làm và lúc ấy hai người mới quyết định dọn nhà. Vân có ý định sẽ giới thiệu người thuê mới nhưng bà Đào nói: - Em sẽ để cho vợ chồng thằng con em đến ở chị ạ. Chúng nó ở kế bên, mẹ con chạy qua chạy lại cho vui. Lúc hai vợ chồng Vân trả lại nhà cho bà Đào, bà ta than thở về chỗ rách và vài vết dơ của thảm do con bé An gây ra trong phòng nó. Vân không muốn đôi co nên không nói cho bà ta biết rằng trong suốt tám năm trời bà không hề sửa chữa, sơn phết hoặc ngay cả thay thảm mới. Những chủ nhà khác thường coi đó là bổn phận đối với người thuê dài hạn như gia đình Vân huống chi việc thảm dơ hoặc rách đáng lẽ phải coi là những hao mòn bình thường. Vân cũng không muốn nhắc cho bà ta biết trong suốt thời gian tám năm đó, mỗi khi có việc cần sửa chữa lặt vặt trong nhà, Thanh thường tự mình làm lấy vì bà ta luôn luôn trì hoãn không làm, ngay cả lúc bà ta còn người handyman. Khi bà ta không còn người handyman thì câu nói quen thuộc của bà là: - Em chỉ có một mình; em sẽ phải tìm người đến sửa. Đợi bà tìm ra người thì thà làm lấy cho xong vì vậy Thanh thường tự mình làm những sửa chữa đó, lâu dần thành tiền lệ. Bây giờ khi trả lại nhà, thay vì dằng co mấy trăm bạc tiền deposit, Vân nói: - Chị cứ kêu người lau chùi, dọn dẹp; chị còn giữ tiền đặt cọc của chúng tôi mà phải không? Bà Đào tươi ngay nét mặt nói: - Vâng thế thì em sẽ gọi người lau chùi don dẹp, còn bao nhiêu em sẽ hoàn lại chị. Vân thầm nghĩ một con người tính toán lặt vặt và không biết điều như bà Đào mà không tăng tiền nhà trong suốt thời gian tám năm trời không phải không có lý do chính đáng. Và cái lý do đó chỉ hai vợ chồng nàng và bà Đào biết và cũng có thể người tình Handyman của bà cũng biết. Như những mảnh nhỏ của một bức puzzle lần lượt được đặt đúng vị trí, toàn thể bức tranh hiện ra trọn vẹn trước mắt Vân. Bây giờ nàng thấy mọi việc thật rõ. Những thắc mắc của nàng trước đây đều đã có câu trả lời. Trước nhất, sở dĩ bà Đào không ở căn nhà "dream home" mà lại dọn ra căn nhà mặt tiền có lẽ vì chồng bà đã về cảnh cáo bà. Nếu bà còn ở căn nhà này chắc ông chồng sẽ không để bà yên nếu bà mang các người tình của bà về. Bà đưa ra lý do bà cần nhà nhiều phòng để con bà về ở chung, nên giữ lại căn nhà nhiều phòng ngủ, không cho Vân thuê. Nhưng thật ra, trong suôt thời gian gia đình Vân thuê nhà, các con bà ở cách đó không xa không hề dọn vào ở chung với bà, trừ những lần đến thăm bà rồi lại đi. Bà dọn ra căn nhà mặt tiền để "tránh" ông chồng và để được tự do mà lại cho con bà ở chung nhà thì cũng như không! Điều thắc mắc về việc tại sao ông lục đục trong nhà bếp cũng được giải đáp. Khi bà vợ ông mấy lần hứa với Thanh và Vân sẽ cho người handyman đến sửa cái tủ, ông về gây tiếng động trong bếp để "phản đối" vì ông không muốn kẻ "thậm thụt" với vợ ông đụng chạm đến cái tủ nhà bếp ông làm chưa xong. Khi đã được Thanh hứa đích thân sửa cái tủ, và làm như đã hứa, ông tỏ vẻ hài lòng không bao giờ lục đục trong nhà bếp nữa. Rồi mỗi khi bà vợ ông hiện diện trong nhà nói những câu đầy ân tình "sống vì kỷ niệm", ngay cả khi bà ta bày tỏ nỗi xúc động hoặc ân hận thực sự, gục xuống sụt sùi, ông cũng gạt đi bày tỏ sự mỉa mai của ông trước sự giả dối của bà bằng cách động bàn động ghế. Rồi đến buổi lễ trăm ngày; đó không phải nghi lễ của người Công Giáo, mà bà Đào vẫn mời linh mục về hành lễ; đó là lúc ông nổi cơn thịnh nộ. Làm một cái lễ không cần thiết với mục đích gì nếu không phải để trừ ma mà con ma chính là ông? Ông hất đổ bức hình của chính ông vừa như muốn nói "tôi không thèm chứng kiến cái trò trình diễn, bịt mắt thiên hạ, giả dối này" vừa như muốn nói "đừng hòng mang Cha về doạ tôi". Rồi lần sau cùng khi Vân mời bà Đào ngồi nói chuyện ở patio và bà đem hết chuyện nhà ra tâm sự cùng Vân, ông hiện ra ở cầu thang như để nhắc cho vợ chồng Vân biết ông không chấp nhận điều đó, không muốn Vân nghe những lời ân tình giả dối kia của bà vợ ông. Và cuối cùng, ngay sau khi bốn chậu hoa bị làm chết đi bởi một bàn tay vô hình, Vân chưa gán cho điều đó một ý nghĩa nào nhưng sau này khi nhìn toàn diện vấn đề Vân thấy rằng nó rất phù hợp với các sự kiện khác; đó là những gì một trong những người tình của vợ ông định làm hay đã làm cho căn nhà mà ông trân quí thì những điều đó đều bị cản trở hoặc phá bỏ. Hơn hai tháng sau khi dọn ra, Vân quay lại căn nhà để lấy thư từ còn sót lại được gửi đến địa chỉ cũ, căn nhà vẫn bỏ trống, nàng không thấy vợ chồng người con bà Đào ở đó như bà đã nói. Bà giải thích con dâu bà có bầu sắp đến ngày sinh nên dọn về ở với mẹ ruột để được săn sóc thay vì ở gần bà. Vân tự hỏi không biết đó có phải là sự thật, hay vợ chồng con trai bà đã dọn vô, rồi lại dọn ra vì đã chứng kiến những hiện tượng bí ẩn? Không biết bà có cho người khác thuê nhưng người ta không chịu được phải dọn ra hay không? Dù sao sẽ không bao giờ bà biết được rằng cái gia đình đã sống ở đó tám năm và chứng kiến những hiện tượng kinh dị lúc ban đầu, sau cùng đã sống chung một cách yên ổn với một người của thế giới bên kia. Hà Đan