Mưa đậm hạt thổi tạt vào mái tôn, căn nhà như đang lên cơn run. Mấy miếng ván thùng gỗ đóng vá đụp bên hiên nhà rỉ giọt, hàng chữ U. S. Army màu đen hằn sâu trên gỗ. Thành vừa phủi nước đọng trên cặp đồ rằn ri vừa huýt gió. Răng hắn vẩu ra, làm tiếng huýt khó khăn chật vật. Hắn quay lại tôi, hỉnh mũi cười.
- Mày thấy không, tao đã bảo, ở cái xứ đất đỏ này mưa dễ ợt mà mày không tin. Tao không bất ngờ tạt qua bến xe thì sức mấy mà gặp được mày. Rồi con ngồi chết dí ở đó mà chờ con ạ.
Hắn vuốt tóc cười xòa, hàm răng lộn xộn từ thuở nhỏ bây giờ vẫn nhơn nhởn như thế. Tôi không nhìn ra dáng thằng bạn ngày xưa nữa. Nước da đen xạm, mắt rợn tia máu với bộ đồ trận tạo cho hắn hình ảnh sẵn sàng sống mái với cuộc đời. Một cô gái da tai tái sà vào lòng hắn, cười đưa chiếc răng vàng.
- Anh Bảy, uống gì đi anh?
Hắn vỗ vào mông cô bé cười tít mắt.
- Thôi mà em, đứng đắn chút coi. Cho anh hai cái whisky-co cho ấm bụng.
Cô bé vuốt lưng Thành cười mơn:
- Làm bộ dữ!. Uống rượu cho nóng máy rồi coi ai đứng đắn cho biết cà.
Cô bé nguýt dài, đi vào quầy. Thành quay sang tôi nói nhỏ.
- Tao là vua các em ở đây đó mậy. Sống nhờ vào da thịt của các em cho qua ngày đoạn tháng mà. Sao độ rày mày làm gì?
- Cũng tà tà cho qua ngày đoạn tháng. Mày vào đây lâu chưa?  Gia đình ra sao?
Thành rút thuốc hút.
- Vào từ thời ông Diệm di dân dinh điền kìa, rồi đi lính và đóng tại đây luôn. Một vợ, hai con. Gia tài có một cái bar do mụ vợ bán, chứa  các em út. Kể thì cũng phong lưu đó mày.
Hắn trả lời tỉnh bơ, coi việc đó chẳng có gì lạ. Tôi im lặng nhấm rượu, hơi coca bốc lên quyện lẫn mùi whisky thơm đậm làm ấm rang. Thành uống thêm hai cái sec nữa, nhìn mông ra ngoài mưa nói nhỏ:
- Tao mới về ngoài mình thăm. Ban ngày tạt vào làng thăm chút, tối ra phố ngủ. Làng mình nát bét rồi. Mày còn nhớ thằng Lưu không hè?
- Phải thằng con mụ Lý ốm nhom đó không?
- Ừ nó đó, hôm tao về thì nó chết được hai ngày rồi. Chết thối bỏ mẹ. Ông già nó bị bên kia bắt vì lầm, bởi lý do lão cứ toang toang cái mồm mong Mỹ ném bom  ngoài bãi cát, để lão lượm vỏ bom về làm soong quánh. Lão là thợ bạc mà mày. Còn thằng Lưu đi dân vệ, tối uống rượu đi cà tàng bị quân ta bắn nhầm quân mình chết. Thiệt là bậy. Còn ông chú nó thì bị đui cặp mắt.
- Lão năm Luông bị đui mắt à?
Hắn hớp một hớp rượu, rít thuốc nhìn chăm bẳm vào cạnh bàn.
- Thối bỏ mẹ. Ngoài mình, độ rày người lớn con nít có tật xe lính Mỹ chạy qua là đứng bên lề đường đưa tay với theo gọi O.K. Bọn nó vãi kẹo, đồ hộp xuống cho,người ta bu nhau mà giành lấy. Số lão Luông vô phúc, cũng ăn quen làm vậy, gặp mấy thằng Mỹ chơi khăm nó đi trên xe liệng xuống một trái lựu đạn cay. Lão tưởng đồ hộp dành chụp lấy ôm vào mình, khói xì làm mù cả cặp mắt. Bọn lính trên xe được một mẻ cười!!
- Khốn nạn, sao không kiện?
- Có chớ, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Thời chiến tranh mà mày còn đặt niềm tin quá nhiều ở luật pháp. Tao thì hết rồi. Mỗi người đều có lý do riêng, và lý do đó càng mạnh hơn nếu có súng.
Tôi nhìn Thành xa lạ. Hắn kêu thêm một ly rượu nữa. Mắt hắn đỏ lừ. Cô gái đem rượu ra, cười tình:
- Anh Bảy uống nhiều rồi nghen. Hai anh đi không em kêu?
- Có món nào thơm không mà mời hoài vậy? Hắn ôm cô gái vào lòng hỏi lè nhè.
- Chỉ bổn cũ soạn lại thôi. Trời mưa không có khách ngồi bói bài rồi ca cải lương hoài cũng buồn. À, nè anh Bảy, con Hồng nó mới đau dậy ngó kháu lắm đó.
- Ôi, thôi lạy cô, tha cho em cái món teo Đại Hàn đó. Bổn cũ soạn lại thì chán ngắt. Thịt dẫu ngon mà nướng đi nướng lại nhiều lần cũng dở phải không mậy? Thành quay sang tôi. Tôi im lặng gật đầu tán đồng. Môi hắn đã hơi mềm, hắn kêu mang cả chai rượu ra tì tì uống.
- Lâu ngày gặp nhau, uống đi mày. Hơn mười năm rồi còn gì. Bỏ mẹ cái phần coca ngọt ngọt đó đi, uống với tao hết nửa chai này. Cha nó, mai kia mốt nọ tao hoặc mày đứa nào còn đứa nào đi. Uống đi mày.
- Mày chỉ nói bậy.
- Ở đây tao thấy chết thường quá mà. Chết lổn ngổn, dễ dàng đến bất cứ lúc nào. Có gì lạ đâu. Uống đi mày.
Rượu bốc nóng rang hai gò má. Mưa nặng hạt thêm, nước màu đỏ quánh chảy tràn bên hiên. Thành chống tay lên bàn, nhìn dòng nước chảy, tiếng nói rời rạc.
- Hồi còn nhỏ vui quá. Cả bọn chỉ có quả  banh lá chuối mà chơi không biết chán. Bây giờ thì bọn bạn bè chúng nó chết hết nhiều rồi. Tao không biết đánh mãi rồi còn ai đâu mà đánh. Ngày xưa tao mơ được nối nghiệp cha tao làm thợ may nhưng bây giờ thì bỏ làng đi lính và chứa điếm. Thật không ngờ phải không mày?
- Chúng mình mới trên hai mươi đã thấy già quá rồi. Người ta còn trẻ khi còn tin vào tương lai, với bọn mình tương lai thực là mù mịt. Chẳng còn tin được gì cả.
Hắn dốc chai rượu lệch bên vành ly, nốc cạn, đầu càng trĩu chúi về phía trước.
- Kệ cha nó ngày mai, nói làm chó gì! Tao có hai đứa con, một đứa sứt môi,một đứa mắt đục như bãi đờm. Người ta bảo tao hoặc vợ bị giang mai. Kệ cha nó, đếch cần. Tao ném nó cho xã hội, cho tương lai của những ngày hậu chiến đó. Tao thì không mong muốn gì cả, đánh thì đánh, giết thì giết. Tất cả như một giấc ngủ. Hắn ôm sát chai rượu vào người, đầu cúi sát xuống. Bên kia đồi nắng quét sáng một vùng, bên này quán lẻ, trời vẫn mưa. Mấy người khách vừa vào quán đi luôn ra sau tấm màn vải. Tiếng đấm nhau thồm thộp. Tiếng cười rúc rích. Đi với em đi anh, trời mưa “gầu” thúi “guột”. Hai trăm thôi.
- Thằng Huân giờ ở đâu rồi Thành? Cái thằng nhỏ có đôi mắt lúc nào cũng như chực khóc.
- Nó bị bên kia bắt khi nó về thăm vợ ở Quảng Ngãi. Nó là lính biệt kích. Nó liều quá, vừa có giấy phép là đi xe đò về thăm vợ và đứa con mới đầy tháng của nó.
- Được thả chưa?
- Nó chết rồi, năm ngoái, chặt đầu với một bản án ghim trên ngực áo. Để lại một vợ, một con. Bây giờ thì vợ nó làm cái công việc thường thức của những đàn bà là nạn nhân chiến tranh “thân thể đàn bà chia làm bốn phần”. Phần nào cũng cần cho cuộc chiến này cả. Khốn nạn!
Tôi rít một hơi thuốc dài, buồn muốn khóc. Những thằng bạn trong làng ngày xưa bây giờ như thế đó sao.Thời gian quá nhanh, mới ngày nào.
- Bây giờ thì có phải chúng ta đã chọn lựa, ở về phía nào và làm gì trong cuộc chiến này? - Thành nói.
Thành chồm tới nắm lấy tay tôi lắc mạnh,tóc hắn xòe trên trán nhềm nhệp ướt, môi trề ra.
- Tao không biết nữa, tao nghĩ rằng chúng ta đã một lần vượt qua lằn mức. Đã một lần chọn lựa. Mày biết, mày nhớ đến tấm bia đó không?
- Làm sao tao quên được những ngày thơ ấu đó. Chúng ta đã có một tuổi thơ đẹp, nghèo đói mà đẹp; sợ hãi, khốn cùng mà vui … rồi bất chợt, chúng ta lớn lên, như bầy cừu be be chạy theo cái đuôi con cừu đi trước. Lịch sử nó là trò chơi quái ác của một số người có chủ ý.Tưởng rằng đã quên hết rồi sao?
Thành buông tay tôi ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài trời. Những điều ray rứt bấy lâu trong tâm hồn tôi bây giờ lại có dịp trồi lên, cày xới. Chuyện tấm bia, một kỷ niệm ấu thơ khép nép nằm sâu kín trong âm thanh cuồng nộ của chiến tranh. Tôi muốn nghĩ đến một cái gì sau những ý nghĩa bình thường đó, để tôi tìm thấy được sự bình an trong cuộc phân tranh này.
°
°
Tháng mười năm 1954, lính  quốc gia và Pháp vào tiếp thu vùng tôi ở. Suốt chín năm kháng chiến chúng tôi sống  ngoài vùng bị chiếm,vùng kháng chiến liên-khu V.. Trước khi bộ đội và một số cán bộ đi tập kết, đồng bào được họp lại, từ giã và hứa hẹn ngày về. Tôi và Thành ở trong tiểu đội thiếu nhi liên lạc, tiểu đội có 12 thằng nhỏ từ 10 đến 14 tuổi. Tiểu đội chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ tấm bia vôi ở chợ. Tấm bia viết một mặt “ HCM muôn năm”, một mặt “ chuẩn bị tổng phản công ”. Tôi nhớ anh đội trưởng thiếu nhi tối hôm trước họp lại dặn dò:
- Chúng ta đã bao năm tháng chiến đấu nhọc nhằn vì độc lập, vì nhân dân… nay  các em hãy  giữ tấm bia này…
Đã bao năm tuổi thơ, tôi lớn lên và bú mớm cái hình ảnh anh hùng đó. Mấy năm đói kém vồ vập gọt mòn những thân thể gầy nhom, những đôi mắt thao láo. Bốn năm rồi ăn những chạc khoai, nhui nhủi trong hầm như loài bò sát, chúng tôi thèm những bát cơm không ghế sắn khoai, thèm một giấc ngủ yên ắng không rền tiếng pháo kích, tiếng máy bay gầm rú từ phi-trường Đà Nẵng lao vào bắn phá. Chúng tôi gìn giữ tấm bia vôi như giữ niềm tin sót lại của chín năm dật dờ trong bom đạn. Nghe tin nơi nào đó, chiến thắng Điện Biên vang dội, nghe tin quân thù đã thua trận đầu hàng …
Mùa Đông năm Thìn, một cơn bão lạ thổi qua, quần quật suốt mấy ngày đêm. Khi ngớt gió, lá cây xơ xác xám vàng như mùa thu tang tóc tuốt sạch lớp lớp lá xanh. Tiêu điều bao phủ thôn xóm, gió từ ngoài biển thổi thốc vào, theo dòng sông Thu chạy dài lên hòn đá Dựng. Một mùa xuân tê tái lịm buồn trong lớp lớp người như ngầy ngật để  sống, uể oải trong cuộc chiến không cân sức. Từ sáng đến tối, từng đoàn máy bay đảo vòng; tiếng kẻng báo động liên tục, tới tấp, rồi chui xuống hầm, rồi nằm bẹp dí nghe rền vang bom đạn.Hình ảnh lù lù như thần chết của chiếc máy bay 5 động cơ màu đen xám  bay rà trên quốc lộ xả liên thanh bất cứ một cử động nào của người hay thú vật… Chỉ trên mười tuổi, tôi đã thấy xác chết banh ra vì máy bay Pháp bắn xả xuống làng, tôi đã thấy mấy người làng chết đói khạc ra máu vì nuốt bông cỏ và trái mắm  trong mùa hè năm 53… Những con bò xiêu vẹo đổ gục ở cổng làng vì bệnh và đói, đám người cầm rổ rá thao láo ngồi vây quanh con bò da bọc xương đang thoi thóp, chờ xả thịt chia phần … Tôi đã thấy cha tôi, da bọc xương trong bộ đồ vải màu chàm, ngồi sau gốc cây mít khóc run bần bật sau khi đi hốt xác ông nôi và các cô tan tác vì một trái bom na-pan máy bay giặc thả trên nóc hầm … Tôi đã thấy mẹ tôi quầy quả gánh lá chè khô đi chân trần trên đường cát cháy bỏng, vừa đi vừa chạy lúp xúp tìm đám cỏ khô nhảy lên tránh cát  nóng rát,tay cầm miếng mo cau khô chưa kịp thả xuống tránh cát nóng.
Khốn khổ và căm thù cày xới tuổi thơ chúng tôi biết bao nhiêu khi đón chờ những đoàn quân tiếp thu ồ ạt kéo vào làng. Lần đầu tiên trên đời chúng tôi thấy chiếc xe hơi, thấy lon sữa, thấy ổ bánh mì, thấy hạt gạo trắng xay máy. Chúng tôi 12 đứa, thằng Lưu làm tiểu đội trưởng - 14 tuổi - thằng Thành là phó. Tất cả đều bận quần ngắn, áo cụt vải ta đen (một thứ vải nội hóa), rách bươm ra. Áo bỏ trong quần, một dây chuối cột ngang đeo một cái mỏ tre, tay cầm gậy ngắn.
Cả tiểu đội ngồi xoay tròn quanh tấm bia vôi, bảo vệ “đến hơi thở cuối cùng”. Tay cầm chắc cây gậy, chúng tôi trố mắt nhìn những người lính Pháp, Việt. Tôi thấy lạnh người, hình ảnh những thằng Pháp hiếp dâm, mổ bụng được nghe anh thông tin xã nói mỗi tối đã mấy năm rồi, hình ảnh những khối sắt gầm rú trên bầu trời lao xuống trong biển lửa bom na-pan, với những tiếng nổ chát chúa! Trước mắt mấy thằng bé chúng tôi là những ông Tây bằng xương thịt, tay chân tôi run lẩy bẩy, hai răng cứ cầm cập, độp vào nhau.
Lính đến vây quanh tấm bia, dân làng kéo nhau đứng quanh nhìn. Tôi thoáng thấy bóng anh đội trưởng thiếu nhi đang bồng con đứng lẫn trong dân chúng, vài anh du kích bồng con đứng nhìn, im lặng. Tôi lắm lét nhìn qua thằng Lưu, thằng Thành, thằng Huân. Thành nắm lấy tay tôi nói nhỏ: đừng sợ mày. Thằng Huân, con ông thợ Thiết, nhỏ nhất, mới chín tuổi, run anh ách bên tôi, nước mắt chảy dài trên má. Thằng Lưu lấy tinh thần hô lớn câu khẩu hiệu “HCM muôn năm”! Mười hai thằng bé lại hô to, rồi im thin thít ngồi chờ. Mấy người lính chỉ trỏ cười và chửi tục. Một anh lính trẻ đến gần chúng tôi:
- Các em đứng dậy cho các anh quét tấm bia này, viết câu khẩu hiệu khác. Cái này không hợp nữa, bây giờ chính phủ quốc gia đến với đồng bào…
Thằng Lưu hô lớn khẩu hiệu. Chúng tôi hô theo. Mười hai đứa nhất định không đứng dậy. Đồng bào đứng quanh bàn ra tán vào. Ông Sáu Chột nói vô:
- Các ông định giết lũ trẻ sao! Chúng nó có tinh thần mà.
- Tinh thần gì – một ông Trung úy hét lớn – Bọn người lớn trốn nhủi đi đâu, chúng nó trẻ dại biết gì mà xúi. Vào tuổi  này ở phố chúng nó đánh bi, đi ciné, đi học. Các người đánh thí chúng nó à? Chúng nó biết gì. Khốn nạn! Tất cả đồng bào hãy dang ra, ai về nhà nấy. Đừng cố ý gây những cuộc đổ máu như ở Thăng Bình, Duy Xuyên vì những tấm bia đá vôi này. Về hết đi!
Dân  lục tục kéo nhau về, chỉ còn mấy thằng nhỏ gầy nhom ngồi chặn quanh tấm bia, đám lính áo quần rằn ri súng lăm lăm vây quanh. Thằng Lưu lại hô lớn khẩu hiệu. Chúng tôi lại hô theo. Thằng Huân sợ quá mếu máo khóc. Ông Trung úy cho lính dang ra nói nhỏ nhẹ:
- Các em nghe tôi, nếu các em không ra tôi cho lính vào kéo ra.
- Các ông vào chúng tôi cắn lưỡi chết ngay, bọn tôi dùng gậy đánh. Bọn tôi không sợ đâu! – thằng Lưu nói. Ông ái ngại nhìn chúng tôi, những người lính đứng nới rộng vòng quanh, họ ngồi xuống trí súng vào bia vôi. Thằng Huân khóc rưng rức nắm áo tôi kéo: Tao sợ quá, họ bắn rồi. Tim tôi đập mạnh, liếc nhìn thằng Lưu. Nó hô lớn khẩu hiệu. Chúng tôi đưa tay lên cao hô lớn để trấn an tinh thần. Một ông Thượng sĩ đứng bên Trung úy:
- Bắn vài loạt lên bia là chúng hoảng ngay, để khẩu hiệu đó chướng mắt lắm.
- Từ từ đừng bạo động! Chúng còn bé có biết gì.
Họ im lặng ngồi vây quanh chúng tôi. Nắng trưa chói chang trên những chiếc mũ sắt. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng hô khẩu hiệu và im lặng chờ đợi. Gió nồm sông Thu mát rượi thổi lùa vào. Ông Trung úy nhỏ nhẹ:
- Các em dại lắm, các em chỉ biết tấm bia này, hàng chữ này, còn không được biết những thay đổi nào khác. Tôi không muốn các em chết một cách dại dột như vậy. Hãy nghe lời anh đứng dậy đi. Trưa rồi các em cũng đói bụng rồi.
Tôi nhìn mấy thằng bạn ngồi im, thằng Lưu vẫn ương ngạnh hô khẩu hiệu. Ông Trung úy cho lính đem hộp thịt và bánh mì ra ăn trước mắt chúng tôi. Đã mấy năm rồi chúng tôi làm gì thấy bóng dáng miếng thịt hộp, ngửi thấy mùi thịt thơm. Họ im lặng mở hộp thịt pa-tê màu xám ra, lấy bánh mì quét vào và chầm chậm nhai nhìn chúng tôi. Tôi nuốt ực nước bọt, thằng Huân nhướng mắt lên nhìn, nuốt ừng ực và nói nhỏ: ngon quá mày ơi. Gió sông hắt lên, mùi thịt thơm phưng phức lùa vào, chúng tôi mười hai cánh mũi hích lên phập phồng thở. Thằng Lưu trố mắt nhìn, nuốt nước miếng đánh ực, rồi như thức tỉnh hô lớn mấy câu khẩu hiệu. Chúng tôi hô theo, mắt vẫn nhìn, nước miếng đầy mồm nuốt tuột. Ông Trung úy cười hiền nói nhỏ:
- Bây giờ thì cho các em chọn lựa, bỏ gậy xuống rời khỏi bia vôi ra đây anh sẽ cho một hộp thịt, một ổ bánh mì và một gói kẹo. Tùy đó.
Hộp thịt mở sẵn vàng ươm ra, miếng bánh mì sem sém để bên cạnh. Chúng tôi run lên bần bật. Gió càng thổi vào, sự thèm muốn của đói khát càng chồm lên cao. Trời trưa nắng gay, bụng đói cồn cào, miếng ăn trước mắt làm mắt tôi hoa lên tay chân run lập cập. Tôi quay lại nhìn mấy thằng bạn, mười hai cặp mắt trơ tráo nhìn, im lặng không nói trong phấn đấu mãnh liệt. Thằng Lưu lớn tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hô rớt vào mỏi mệt, mười hai cánh tay đưa lên yếu ớt. Ông Trung úy lắc đầu cười:
- Em nào đứng dậy ra đây nói “em theo quốc gia” thì lãnh thịt bánh ăn. Các em dại quá, tuổi các em là tuổi ăn chơi, có biết gì đâu nào. Thôi bò ra đây đi, anh đưa bánh đưa thịt cho các em ăn.
Mười hai thằng vẫn ngồi im. Mười hai bộ xương sườn trồi ra hỏm vào theo nhịp thở và sự thèm khát. Tôi không còn nuốt nước bọt được nữa, cổ như khan đi và nhún lên xuống đều đặn đợi chờ. Thằng Huân kéo tay tôi, đôi mắt tròn xoe rơm rớm nước mắt. Tội nghiệp thằng bé nó nhỏ quá. Miệng nó mếu xệch, nó bỏ cây gậy xuống và lồm cồm bò ra, vừa khóc vừa nói:
- Em theo mấy anh, em xin theo quốc gia, em đói quá!
- Giỏi nào, có thế chứ!
Nó chụp hộp thịt, tay run bần bật không kịp xé bánh mì quét thịt. Hắn vốc cả tay vào hộp và ngồm ngoàm cho vào miệng. Cách ăn của nó càng khêu gợi chúng tôi hơn, cả bọn lại thi nhau nuốt ừng ực. Thằng Lưu gằn giọng “đồ phản động” và hắn hô lớn khẩu hiệu. Tiếng hô cả bọn lúng búng trong cổ họng, nước bọt thi nhau tuôn trào. Ăn một hơi no xong, thằng Huân lấm lét nhìn chúng tôi, nó khóc hu hu ôm ổ bánh mì chạy. Mấy phút sau thêm năm thằng nữa bỏ cuộc.
Thằng Lưu quay sang tôi và Thành:
- Thôi mày, bọn mình theo quốc gia đi!!
Chỉ chờ có thế, cả bọn bỏ gậy lồm cồm bò ra, run giọng: “em theo quốc gia” và vốc từng cục thịt hộp ngốn ngáo trong miệng. Miếng ăn hưởng được của mười năm chui rúc đói khổ, miếng ăn của ô nhục, của đầu hàng số phận. Ăn xong cả bọn xấu hổ không dám nhìn nhau, đứa nào chạy về nhà đứa nấy.
Tôi ngủ mãi đến chiều ra đứng góc chợ đã thấy tấm bia quét vôi trắng, kẻ chữ mới với hai câu khẩu hiệu khác “Quốc Trưởng Bảo Đại muôn năm” và “Đả đảo Cộng Sản”.
Những ngày tháng trôi qua,cùng với tuổi tác,  tôi sống lăn lộn khắp nơi, nhưng kỷ niệm ngày mười tuổi không bao giờ phai mờ được. Câu “em theo quốc gia” ám ảnh tôi mãi. Đến hôm nay, nghe cái chết của thằng bé Huân, thằng Lưu và mấy đứa khác, tôi tê điếng cả người. Trước khi gục ngã có bao giờ chúng nghĩ đến tấm bia ngày nào không?
Phải chăng chúng ta ở bên này hay bên kia là từ ngày ấy!? Hộp thịt, ổ bánh, hình ảnh phè phỡn kia chắc chắn không phải là lý do để đẩy một đám người về một góc lịch sử trớ trêu. Phải còn là một cái gì khác! Phải có một cái gì khác!! Cái ấy là gì đây, nó là gì để mà cả thế hệ tuổi trẻ vùi đầu cắn xé nhau trong bể tang thương này. Những thèm khác đói khổ ngày ấy chỉ là gánh nặng quá sức với tuổi thơ, điều kiện thúc đẩy chứ không phải là một chọn lựa có ý thức. Cả một thế hệ tất tả trong cơn lốc xoáy của lịch sử, bên tả, bên hữu, bên có, bên không … bầy trẻ nhỏ dại ngày nào mang cả một cuộc đời hiu hắt, thèm sống bình an, thèm đi học, thèm ước mơ được sống như một người chính trực trên mảnh đất quê mình. Còn mơ ước nào lớn hơn đứng ngoài cơn lốc xoáy đó! Mỗi đứa, không có cơ hội và cũng không bao giờ được chọn lựa một phía nào, bỗng chợt thành kẻ phản quốc, kẻ bán nước, hay chợt thành anh hùng, thành người yêu nước. Bèo dạt cả thôi sao?
Tôi tợp một hớp rượu cháy bỏng cổ, nhìn ra trũng nước màu đỏ quánh bên vệ đường.
- Tao không thể nào quên được giọng nói run run của thằng Huân “em theo các anh”. Tao không quên đôi mắt nó nhem nhép nước, vốc cả bàn tay vào lon thịt, ngoàm ngoàm nuốt chửng, thịt pa-tê vươn vãi trên khuôn mặt trẻ thơ hốc hác, ốm đói. Và thằng Huân tội nghiệp đó hôm nay bị chặt đầu vì là kẻ thù, kẻ phản quốc, kẻ dám về làng thăm lại đứa con đỏ hỏn ngày đầy tháng!! Nó mơ ước gì hả mày? Mày nói tao nghe đi! – Nó được chọn lựa gì? – Nó thèm sống, thèm bình yên,bồng con thơ đứng bên bờ ruộng lúa, nghe gió sông Thu vời vợi chảy trên cánh đồng lúa con gái …
Mặt Thành cau lại, năm ngón tay xóc vào mái tóc ghì mạnh:
máy bay, đạn pháo cày xới, khi chứng kiến những người thân yêu gục ngã. Chúng ta học hành nhếch nhác, không căn bản vì thất thểu chạy tản cư, vì đói, vì gia đình ly tán … Chỉ được dạy căm thù giặc xâm lược, căm thù Ông Lý, Ông Bá trong làng, và dạy có một giấc mơ xa vời trong tương lai! Và rồi tất cả các người dẫn dắt đó ra đi, bỗng dưng hẫng không, bỗng dưng bị bỏ lại … Rồi một bài học căm thù khác, một cách dạy dỗ khác với một giấc mơ khác!!! Không còn thất thểu vì đói khổ áo cơm thì nay ngơ ngác vì đói thiếu một tình quê hương rơm rạ ủ nồng,thiếu đi một lí tưởng chiến đấu, rồi những người dẫn dắt tuổi thơ ngày xưa trở lại thành kẻ thù của chúng ta, kẻ lên án chúng ta bán nước! Rồi mất hết, sạch trơn, lịch sử lùa bầy sinh linh đó qua nơi này, nơi khác, không có quyền chọn lựa, không theo ngoài phố thì phải theo trong rừng. Cái cây roi định mệnh lùa bầy cừu vào đâu thì đành be be gánh chịu số phận mình tới  đó. Có tài giỏi gì, có kiêu hãnh gì đâu! Vinh danh hay khổ nhục chỉ là trò đùa của lịch sử. Chúng ta đã sống thế nào? Rồi chúng ta sẽ sống ra sao? Ai thắng, ai bại … Cái bầy cừu này lại be be gánh chịu một số phận mới! Tất cả quá khứ của một cuộc đời sẽ lại xóa sạch, không thương tiếc …Quê hương mình bao năm qua triền miên trong chiến tranh: đánh Tàu, đánh Tây, đánh Nhật, đánh Mỹ và liên tục đánh nhau giữa phe này phe khác… Người dân như bầy cừu ngơ ngơ ngác ngác, bị thời cuộc lùa chạy ào ào qua từng cảnh ngộ. Mấy ai làm chủ được bản thân mình, mấy ai có quyền chọn lựa mình muốn sống ra sao. Mày thấy đó, thời nào cũng là thời của con người với những nỗ lực, sống cũng có văn hóa, lịch sử, giáo dục, học thuật…đâu phải chỉ có thời của người thắng là có, những gì trước đó là số không. Rồi chợt một sáng mai thức dậy, khi cuộc tương tàn chấm dứt, thì cả một đám đông trở thành một con số không to tướng, sống vật vờ. Mày xem, cái đám đông đó là gì nào? Nó có lịch sử, có văn hóa, có một nền giáo dục không? Nó có thể còn có gì tốt đẹp để từ đó lấy làm khởi điểm để đi lên hay không, hay là ta phủ nhận hết vì những gì không phải là của ta, khác ta là của kẻ địch, là xấu… Khinh chê hết, tất cả là nền vải trắng và mặc sức vẽ gì trên ấy thì vẽ. Đã bao năm rồi, và với cách xử sự này, sự việc còn tiếp diễn dài dài: cả nguồn năng lượng của dân tộc chỉ dồn cả cho việc thắng thua, được mất của từng phe phái: thế thì còn năng lượng đâu mà phát triển để chen chân với bốn bể năm châu? Vậy nên, để tồn tại được, mày hãy quên hết mày là gì, mày đã được học hỏi gì, mày có khả năng gì, nếu mày không có được cơ may có chút liên hệ gì để tỏ ra mày thuộc về những người đang nắm vận mệnh lịch sử!! Biết bao nhiêu điều, tao tưởng rằng đã quên …
Nói một thôi dài, Thành bĩu môi im lặng. Tôi muốn ôm hắn vào vòng tay cho đỡ khổ. Tại sao lũ chúng tôi khốn khổ như thế này? Tại sao chúng tôi lạc lõng, không có một chỗ đứng, có phải cứ mãi “ be be ”  chạy nối đuôi trong một trò sắp đặt? Chúng tôi đã có một thời ấu thơ đói kém, nghèo nàn mà sao hạnh phúc biết bao, dù chỉ là một chút hào hùng con trẻ nhưng đầy tự tin và kiêu hãnh. Nay thì, chúng tôi không còn quê hương, không có một ý nghĩa gì cả sao? Tương lai thì hứa hẹn một bộ xương khô nơi xó rừng già, không biết mình chiến đấu để được gì, để bảo vệ gì, chỉ biết chắc mình chiến đấu để tránh né một cái gì. Thành dốc cạn rượu vào ly, nốc cạn. Gió chiều trên miền cao nguyên đất đỏ buồn nằng nặng, mây xám từ từ xuống sát chân đồi.
- Mày tính sao đây? - Tôi hỏi nhỏ.
Mắt hắn long lên tay nắm chặt. Rồi năm ngón tay buông ra, hắn nhìn ra cửa nói thầm nhẹ như gió luồn qua cửa:
- Tao chẳng có hy vọng gì nhiều, tao luôn ước được buông súng nghỉ ngơi. Nếu bình yên, nếu tao không chết ở một xó rừng nào, tao dẫn vợ và hai đứa con tật nguyền về quê cày ruộng. Tao thì chỉ có thế. Tao mong được bình yên về làng… Chán lắm rồi…
Hắn gục xuống bàn, hai vai run lên, mũi hít khìn khịt. Tôi kêu thêm một ly rượu, ngồi yên nhìn dòng nước đỏ quánh như máu chảy tràn ra, miệng lầm bầm.
-Tưởng rằng đã quên …
( 1967 )

Xem Tiếp: ----