gọc đến định cư tại thành phố này vào những ngày đầu tháng 8 năm 75. Những đứa còn trẻ như Ngọc đều được chính phủ khuyến khích kiếm việc làm ngay, chứ không giúp đỡ học bổng cho trở lại đại học. Trong hồ sơ định cư, Ngọc đã khai biết thông thạo ba sinh ngữ Việt, Anh, Pháp nên sang đến tuần thứ nhì trên đất lạnh này, sở Di Trú đã giới thiệu cho Ngọc một chổ làm ngay. Buổi sáng thứ hai, Ngọc rụt rè trình diện với người chủ một công ty bán vé du lich. Đọc tờ giấy giới thiệu việc làm của sở di trú, ông hỏi Ngọc vài câu tiếng Pháp qua loa cho có lệ rồi nhận Ngọc vào làm. Mấy ngày đầu chắc ông chủ nghĩ con nhỏ nhà quê này chẳng biết gì đâu, nên chỉ sai vặt như pha cà phê, lấy xe buýt xuống toà báo trả tiền đăng quảng cáo mỗi tuần, đi lấy áo quần giặt ủi của ông bà chủ, đôi khi của cả bà xếp nữa...nói là xếp nhưng thật ra bà mới từ chức thư ký được thăng lên xếp lúc hãng mướn cô Claude, người Pháp cũng di dân sang đây chừng nửa năm trước, bây giờ mướn thêm Ngọc, chắc nhờ công việc làm ăn khấm khá. Trong sở làm chỉ có ông chủ và xếp đi ra đi vào, chứ bà chủ ít ghé lắm. Bà chủ không trẻ, nhưng có cái tên Lajeunesse nên mình cứ nghĩ bà trẻ - cái tên cũng quan trọng dữ - lúc nào bà cũng ăn mặc rất trẻ trung và sang trọng lắm... Một hôm, Claude gọi vào sở báo bệnh bất ngờ nên xin nghỉ ở nhà, Ngọc ngồi một mình trong phòng lớn. Ba đường giây điện thoại reo cùng lúc, liên tục, um sùm…Bà xếp làm cái gì ở trong văn phòng của ông chủ mà lâu quá không ra, Ngọc liều bốc phone trả lời. Cả tuần nay để ý học nghề với Claude, Ngọc cũng biết đại khái bắt phone lên thì nói ‘Voyage iTp, bonjour’…mà thật ra Ngọc còn mù tịt cái vụ trả lời làm sao khi khách gọi đến…biết cái gì mà trả lời đây chứ??? Thôi thì cứ trả lời đại và ghi lời nhắn rồi trình lại cho xếp là được chứ gì…Vậy mà sáng hôm đó Ngọc cũng giải quyết được vài việc cho chủ nên coi bộ bà xếp vừa ý, cuối ngày, xếp nói sẽ từ từ dạy nghề cho cô. Claude cũng vui vì thấy Ngọc lanh lảu, sẽ đỡ đần công việc cho cô nàng. Dầu gì Ngọc là lính mới, ai sai làm chi Ngọc làm đó, bởi vậy Claude cũng là xếp thứ hai của Ngọc. Thỉnh thoảng còn phải xuống đầu góc đường mua Pizza cho Claude ăn trưa. Hình như cô ta chỉ một mình nên tiêu xài rộng rải. Lắm khi cô rủ Ngọc đi ăn trưa ở nhà hàng sang trọng trong Khách Sạn kế bên building hãng của Ngọc làm, cô giải thích với Ngọc rằng, chi tiền ra, ăn những chổ sang trọng thì mình có cơ hội gặp giới trưởng giả, kiếm một tấm chồng ngon lành cũng dễ hơn. Nghe cách biện luận của cô, Ngọc chưa thấy kết quả huy hoàng ở đâu cả mà trước mắt mỗi chầu ăn trưa với cô, Ngọc hao mất 8 dollars. Dạo đó Ngọc làm được 125 đô mỗi tuần là đã mừng vô hạn, mong để dành một số tiền để trở lại đại học. Nếu cứ theo đà chi tiêu của cô Claude, thử hỏi Ngọc sẽ cầm cự đến bao lâu??? nhiều ngày Ngọc tiết kiệm, đem thức ăn từ nhà đi, nhưng thoái thác hoài đâu có được, xã giao mà, đành bấm bụng cho mình một tài khoản 40 đô mỗi tháng để đi ăn ngoài . Chơi thân với Claude hơn, cô ta mới kể cho nghe công chuyện của công ty. Ối trời, buổi tối chạy về mách với chị mà run. Thôi thì kiếm việc khác… Hoá ra việc bán vé du lịch là phụ, lợi tức chính của công ty là những chuyến bus sáng đi chiều về qua biên giới…đến những Clinique ở Plattsburg… Ngọc làm ở công ty được đúng một tháng…nửa muốn chạy lên sở Di Trú thưa chuyện và xin giới thiệu cho một công việc khác, nửa lo sợ vỉ chân ướt chân ráo đến xứ người, biết gì mà thưa với báo, không chừng vạ bay còn nặng…thôi thì ta êm lặng xin thôi việc… Cũng may, chị Ba của Ngọc lúc đó đang đi may ở xưởng sản xuất áo quần cho Sears, chị xin cho Ngọc một chân thợ may. Thế là có chị có em, mỗi ngày, Ngọc chờ chị Ba ở trạm metro gần nhà chị, cách chổ Ngọc ở không xa, hai chị em bước thấp bước cao đi cày lúc trời chưa hừng sáng. Anh chị đã có hai con, tuổi còn đi nhà trẻ, nên chị đi làm ban ngày, anh ở nhà trông con. Chiều chị làm về thì đến phiên anh đi làm y công trong bệnh viện tâm thần ở cuối thành phố.. Nhớ lại hôm đầu tiên, chị Ba dẫn Ngọc vào xin việc, nhìn căn phòng rộng lớn như một nhà kho, đèn đuốc sáng trưng, những dãy bàn máy may được đặt ngay ngắn, tiếng máy chạy sầm sập ồn ào, người đông ơi là đông, mấy bà đầm bự gần gấp ba Ngọc, đang gò lưng cắm cúi may trên bà máy, Ngọc hơi lo… Í da, mỗi ngày phải ngồi ở đây làm việc sao? Mới từ văn phòng có máy lạnh, ghế bàn sang trọng đẹp đẽ, sang đến đây…tủi thân.. Nhưng, ơ kìa, nhìn lại chị mình, chị đi làm từ mấy tháng nay, đã chết đâu… Làm thì làm…lúc này, miễn có công ăn việc làm là mừng hết lớn rồi, ở đó mà khen với chê…Thế mà lúc gặp ông chủ, mặt trẻ măng, hỏi Ngọc có kinh nghiệm gì trong nghề may không, Ngọc định …ba gai lắc đầu…may thời chị Ba đỡ lời, xin cho Ngọc làm thử… Hãng này, thuộc hạng lớn trong thành phố. Chị Ba nói ông chủ có đến mấy chi nhánh. Ở đây, do cậu con trai út cai quản, công việc rất chạy, và chổ làm cũng được tân trang sạch sẽ so với mấy hãng khác ở những tầng lầu dưới trong building. Hồi còn trung học, Ngọc có thích may vá thêu thùa nên cũng không lóng cóng gì mấy trong việc mới. Việc vàn chẳng có gì rắc rối vì ai lo khâu nào, cứ nhắm mắt làm miệt mài hai ba chục năm ở khâu đó cho tới lúc về hưu. Chắc vì vậy mà mấy bà đầm già, sống gần hết cuộc đời trong nhà máy...người nào người nấy đều tròn trịa, vì ngồi suốt ngày. Ông chủ thấy Ngọc lanh lẹ nên sau vài tuần, cho Ngọc đảm nhiệm vai thợ ‘thế’, nghĩa là khâu nào thiếu thợ thì Ngọc trám vào...chỉ có thợ ủi là Ngọc được miễn thôi (khâu này phải là mấy ông mới đảm đương nổi). Nhờ vậy mà Ngọc học được cách xử dụng các máy đóng nút áo, vắt sỗ, lên lai, ráp túi, ráp cổ v.v... Nói đến cái sướng và cái khổ, chị Ba còn nhiều thứ đáng ta thán hơn mình, mà chị có mở miệng than vản gì đâu. Mỗi sáng chị đón Ngọc với một nụ cười tươi rói ở Metro,mỗi chiều chị lẹ làng dọn dẹp sạch chổ làm việc, và hối Ngọc nhanh nhanh lên, ra bắt cho kịp chuyến bus để về với con,cho anh rể kịp đi làm. Ở quê nhà, anh chị đã thành danh trong xã hội, phút chốc trắng tay vì bọn quỉ đỏ. Đây là công việc tạm thời trước khi Ngọc vào lại đại học. Ngọc cố gắng làm việc, và chịu nhận thêm giờ ngày cuối tuần, ráng dành dụm tiền để tiêu pha trong niên học.. Mỗi mùa hè Ngọc phè không muốn đi kiếm việc mới, trở lại hãng cũ xin làm tiếp. Ông chủ đã tin tưởng nên cho Ngọc làm theo ticket như những thợ giỏi, có nghĩa là tính lương theo số lượng hàng may, làm nhanh thì tiền cao. Chẳng ai biết Ngọc học gì, cho đến ngày cuối, khi chào từ giã bà bạn già ngồi kế bên bấy lâu nay, cao hứng, Ngọc khoe với bà sang năm cô ra trường NS, bà nhìn con nhỏ, nghi nghi ngờ ngờ, chắc nghĩ bụng con bé này...xạo.!!! Ông Trời thương tình nên Ngọc học hành và tốt nghiệp song suốt, cuộc đời cứ thế mà tiếp tục lên hương. Những lúc nghĩ lại thời làm thợ, Ngọc thấy vui vui và công nhận đó là khoảng thời gian mình học được nhiều kinh nghiệm đời rất quí gía. Khi lập gia đình, Ngọc gần gủi với bạn bè của chồng. Các phu nhân của mấy anh trong nhóm đều trẻ tuổi hơn Ngọc nên nhiều khi mặc nhiên ‘bị làm’ chị Hai cho cả nhóm, nay khuyên nhủ, mai rầy rà mấy nàng hoài hoài, đến nổi được mọi người thăng Ngọc lên chức “thợ Mắng” À, mà Ngọc hảnh diện với cái chức này lắm đấy… Nói nào ngay, bạn bè của anh xã cùng trang lứa, nhưng có lẽ bận lo sự nghiệp trước nên lập gia đình trể hơn vợ chồng Ngọc nhiều. Anh Hùng cưới một cô vợ trẻ hơn 20 tuổi, chìu vợ hơn Thượng Đế,anh Thân lớn hơn vợ có 5 tuổi, nhưng chị cứ luôn miệng chê chồng già, anh Tài có vợ cũng như không, chị làm việc lương rất cao mà phải xa nhà hoài,Cộng thêm những bạn không thân không sơ, nhà Ngọc cuối tuần nào cũng ồn ào nhộn nhịp. Lâu nay quên bẳng chuyện thợ thầy, chợt được trở lại chức thợ, khoái tỉ!!! Đông người thì đẻ lắm chuyện, như phố thị vậy thôi, rùm mà…. Đại khái trong cái thế giới các bà...chơi với nhau thì chơi, giận hờn trách móc nhau cũng như cơm bữa. Cái thời mới nhận chức, Ngọc hăng hái lắm...Trước tiên, bản thân phải rất nghiêm túc (điều này Ngọc luôn luôn cố gắng) để làm gương cho bạn bè. Ngọc tưởng tượng như mình đang làm cảnh sát bảo vệ an ninh cho bà con. Ngọc làm với tất cả tấm lòng và thời gian, những lúc khích động vì công chuyện chưa phân giải được, Ngọc kéo cả anh xã vào phụ… Nhưng dần dần Ngọc nhìn ra cái bản thể của chức này, nó đơn giản mà không đơn giản, nó cao cả mà không ích lợi, nó lý tưởng mà chẳng ai ưa... chưa kể nhiều lần Ngọc bị mắng sau lưng ngứa cả lỗ tai… Cho đến một lần nọ Ngọc sắp sửa ’mắng’ bạn về câu chuyện tâm tình của bạn... May mà Ngọc biết dừng đúng lúc vì tự nghiệm ra rằng cái chuyện tâm tình nó rắc rối, nó thiên hình vạn trạng, Ngọc chỉ là một tay thợ mắng nhỏ nhoi thôi, làm sao cứu vãn được một cuộc đời, không, nhiều cuộc đời thì đúng hơn...thế là Ngọc lùi vào bóng… mát..... Ngày nào trên đường đi làm, Ngọc cũng lái xe ngang một cửa tiệm cho mướn và sửa chữa các máy móc lớn nhỏ dùng trong tư gia. Gian hàng không có gì đặc biệt, nằm san sát với những cửa hàng khác trong căn phố, nếu không có hàng chữ đỏ tô đậm trên bảng hiệu thì Ngọc cũng chả bao giờ để ý đến … “chúng tôi sửa chửa tất cả mọi thứ, ngoại trừ con tim vỡ…” Chẳng biết tay nghề của ông chủ tiệm này có giỏi hay không, vì cho đến bây giờ Ngọc vẫn chưa có cơ hội đem máy móc nào ở nhà đi sửa. Lý do rằng thì là anh xã của Ngọc thường chịu khó táy máy sửa này nọ trong nhà, có cái được, có chuyện…hư hỏng thêm, nhưng nói theo kiểu biết điều…có làm còn hơn không…. Hôm nay trên đường đến nhà hàng hẹn với cậu em út, cậu vừa bị vợ ly dị nên cần được an ủi. Đang nghĩ đến chuyện đổ vỡ của cậu, lái xe ngang cửa hàng, Ngọc chợt nhìn lên bảng hiệu, đập khẻ vào tay chồng, đúng rồi anh ơi! em có nghề mới! - gì nữa đây? - kìa! chúng tôi sửa chửa tất cả mọi thứ, ngoại trừ con tim vỡ - rồi sao? - thì em sẽ tuyên bố làm thợ xoa, thợ xúi, thợ… - cái gì…xoa? - thì xoa dịu tâm tình đó - trời đất! cho tui xin! - nói thiệt mà, văn phòng giới thiệu hôn nhân nha - thôi, thôi, làm ơn!!!! áo vàng