1.UYÊCXUYT I. Uyêcxuyt và Ômô gắn bó với nhau bởi một tình bạn thắm thiết. Uyêcxuyt là một con người, Ômô là một con sói. Đôi bên rất tâm đầu ý hợp. Chính con người đã đặt tên cho con sói. Cũng có thể chính ông ta đã tự chọn lấy tên; thấy Uyêcxuyt hợp với mình, nên ông thấy Ômô rất hợp với con vật[3]. Việc kết bạn giữa người này và sói nọ rất có lợi, ở các phiên chợ, ở các hội hè của giáo khu, ở các góc đường có nhiều người qua lại tụ tập, và ở nhu cầu của dân chúng đứng đâu cũng muốn nghe những chuyện lăng nhăng, ngồi đâu cùng muốn mua những thuốc nhảm nhí. Quần chúng rất thích con sói ngoan ngoãn và biết phục tùng một cách rất dễ thương. Còn gì thú vị bằng được xem những trò luyện thú. Thoả mãn nhất là khi chúng ta được nhìn tất cả các kiểu thuần hóa súc vật diễn ra trước mắt. Chính vì vậy mà trên đường đi qua của những đoàn tùy tùng nhà vua, có nhiều người như thế. Uyêcxuyt và Ômô đi hết ngã tư này đến ngã tư khác, hết các quảng trường Aberixuyt đến các quảng trường Yetbua, hết xứ này qua xứ nọ. Hết lãnh địa nọ sang lãnh địa kia, hết phố phường lại đến thị trấn. Chợ này vãn, thầy trò sang chợ khác. Uyêcxuyt ở trong một cái chòi lưu động, được Ômô, khá văn minh, kéo lệch xệch ban ngày và ban đêm thì canh gác hộ. Ở những đoạn đường khó đi, gặp những đoạn dốc, khi có nhiều vết xe quá và có nhiều bùn quá, người lại đóng đai lên cổ và thân mật sát cánh cùng sói kéo xe. Cứ như thế cả hai cùng già đi. Thầy trò gặp đâu cắm lều đó, trên một bãi hoang, ven một trảng trống, giữa giao điểm của đường sá, ở cổng vào thôn xóm, ngay các cửa ô, trong những đình chợ, giữa đường dạo mát, rìa các công viên, trên sân nhà thờ. Khi các xe dừng bánh ở một bãi chợ phiên nào đó, khi các mẹ há mồm đổ xô đến, khi những kẻ tò mò xúm đen xúm đỏ, Uyêcxuyt lại cất tiếng ba hoa, Ômô lại tán thành. Mõm ngậm một cái bát gỗ, Ômô lễ phép đi xin tiền khán giả. Thầy trò cứ thế kiếm sống qua ngày. Sói biết chữ, mà người cũng biết chữ. Sói được người huấn luyện, hoặc tự luyện lấy một mình, làm được nhiều trò sói rất dễ thương, góp thêm phần thu nhập - Cốt nhất chú mình đừng có thoái hóa thành người đấy - ông bạn nói với nó như thế. Sói không bao giờ cắn, nhưng người thì cũng thỉnh thoảng. Ít ra, cắn là ước vọng của Uyêcxuyt. Ông vẫn là một người yếm thế, và để tỏ rõ tính yếm thế của mình, ông đã chọn lấy cái nghề múa rối. Cũng cốt là để kiếm sống vì dạ dày hay áp đặt điều kiện của nó. Hơn nữa ông già yếm thế múa rối này, hoặc để cho mình thêm khó hiểu, hoặc để cho mình được thật hoàn chỉnh. Còn làm thêm nghề thầy thuốc. Bảo là thầy thuốc cũng chưa hết đâu. Uyêcxuyt còn nói được giọng bụng. Người ta thấy ông nói ra nhưng mồm thì lại không mấp máy. Ông bắt chước được giọng nói và cách phát âm của bất cứ ai, người nghe rất dễ lầm; ông giả giọng mà cứ tưởng như có người nói thật. Một mình ông có thể làm được đủ tiếng rì rầm của cả một đám đông, vì vậy ông được tôn là thầy nói bằng bụng. Ông nhận luôn danh hiệu đó. Ông có thể bắt chước đủ mọi tiếng chim, họa mi, cun cút, sơn ca mà người ta còn gọi là bêghinet, sáo yếm trắng, tất cả các loại hay đi lang bạt như ông; thành thử, chốc chốc tùy ý ông, ông lại cho ta nghe một quảng trường đầy tiếng người xôn xao, hoặc một cánh đồng ồn ào tiếng súc vật; lúc thì náo nhiệt như một đám đông, lúc thì nhẹ nhàng, yên tĩnh như giây phút bình minh. Vả lại, những ngón tài nghệ đó, tuy hiếm, xưa nay cũng vẫn có. Thế kỷ trước, có một người tên là Tuzen, bắt chước được những đám đông hỗn độn cả người và súc vật, nhại được tất cả những tiếng thú, giúp việc cho chính Buyphông[4], với danh nghĩa là vườn thú. Uyêcxuyt là con người thâm trầm, khó hiểu, và kỳ quặc, ưa những nổi giải thích đặc biệt, mà chúng ta thường gọi là ngụ ngôn. Ông có vẻ như tin vào điểm đó. Cái tính trơ tráo ấy vẫn là nét ranh mãnh của ông. Gặp ai ông cũng nhìn vào bàn tay của họ, nhắm mắt mở sách ra và kết luận, tiến đó số mệnh, dạy cho biết nếu gặp ngựa ô cái là điều rất nguy hiểm và nguy hiểm hơn nữa là nếu lúc sắp lên đường có người không biết mình đi đâu mà lại gọi mình; và ông tự xưng là "dân buôn thần bán thánh". Ông bảo: "Giữa tổng giám mục Cantobêti với tôi, có một điểm khác biệt, là tôi, tôi dám thú nhận". Đến nỗi ngài tổng giám mục phẫn nộ cũng chính đáng thôi, một hôm cho gọi ông đến; nhưng Uyêcxuyt khôn ngoan, tước ngay vũ khí của ngài bằng cách đọc luôn một bài thuyết pháp của Uyêcxuyt, nghĩa là của chính mình, về ngày lễ Giáng sinh; ngài tổng giám mục, thích quá, vội học thuộc lòng luôn, rồi lên giảng đàn thao thao tuôn ra, và cho phát hành như của chính mình, của ngài tổng giám mục. Nhờ vậy ngài mới xá tội Uyêcxuyt thầy thuốc, cũng chữa được bệnh, bởi lẽ và mặc dầu ông là thầy thuốc. Ông pha chế các thứ hương liệu. Ông tinh thông về dược thảo. Ông lợi dụng hiệu lực tiềm tàng trong vô vàn những cây cỏ bị khinh thường, như trăn nho, xoan trắng, như hacđô, măngxiên, buôcghêpin, hoa kim ngân, hắc mai. Ông chữa lao phổi bằng hoa hướng dương, ông biết lúc nào thì dùng lá đại kích; loại lá này vặt từ dưới lên là một thứ thuốc tẩy, và vặt từ trên xuống lại là chất gây nôn; ông chữa viêm họng bằng mầm cây gọi là tai do-thái; ông biết thứ cói nào chữa bệnh cho bò, thứ bạc hà nào chữa bệnh cho ngựa; ông am hiểu cái đẹp cái hay của độc sâm thảo, thứ cây mà chẳng ai còn lạ gì, vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Ông có nhiều phương thuốc bí truyền. Ông chữa bỏng bằng lông rắn mối; theo lời Plin thì Nêrông[5] có một chiếc khăn lông rắn mối. Uyêcxuyt có một cái bầu cong và một cái bình pha-lê dài để pha chế, ông bán thuốc vạn ứng. Người ta kể trước đây có thời gian ông đã bị giam ở Bet-lam; ông đã có vinh dự được liệt vào hạng mất trí, nhưng rồi người ta lại thả ông ra khi thấy ông chỉ là một nhà thơ. Câu chuyện đó chắc hẳn không đúng sự thật, tất cả chúng ta đều biết có những chuyện hoang đường như thế mà phải chịu. Sự thật Uyêcxuyt là một bậc học giả, một người sành sỏi, và một nhà thơ la-tinh già. Ông uyên bác về hai phương diện; ông học tập Ipôcrat và say mê Panhđa[6]. Ông có thể thi tài về loại văn cầu kỳ khó hiểu với Rapin và Viđa. Ông có thể sáng tác những vở kịch gia-tô không kém phần thành công hơn Cha Bonua. Nhờ quen với những vần điệu đáng kính của các bậc tiền bối ông tìm những hình tượng riêng biệt của ông, và cả một loại ẩn dụ có tính cổ điển. Ông gọi một người mẹ đi sau hai cô con gái là cây thông ba lá, một người bố đi trước các cậu con trai là anapext, và một em bé đi giữa ông bà là một củ ấu. Bấy nhiêu kiến thức uyên thâm chỉ có thể dẫn đến chỗ đói nghèo khốn khổ. Trường phái Xa-lec dạy người ta "Ăn ít và ăn luôn" Uyêcxuyt vừa ăn ít lại vừa ít ăn, ông vừa tuân theo vế này của câu châm ngôn vừa bác bỏ vế nọ, nhưng đó là lỗi của công chúng, họ không chịu kéo đến luôn luôn và không chịu hỏi mua đều đều. Uyêcxuyt nói: "Bản án khi đã khạc ra được làm cho con người ta nhẹ nhõm. Con sói được khuây khoả là nhờ tiếng rống, con cừu nhờ lớp lông, rừng núi nhờ con chim bông lau, đàn bà nhờ có tình yêu, và nhà triết học nhờ lời cảm thán kết luận". Lúc nào cần, Uyêcxuyt trương ra những vở hài kịch và diễn tạm; nhờ vậy mà bán được thuốc. Bên cạnh các tác phẩm khác, ông sáng tác được một bản mục vịnh anh hùng, tặng hiệp sĩ Hiugơ Minđơntơn; năm 1608, ông này đã đưa lại cho Luân-đôn một con sông. Con sông thanh bình này đang nằm trên lãnh địa Hacfo, cách Luân-đôn sáu mươi dặm, bỗng dưng hiệp sĩ Minđơntơn đến và đón rước nó; ông dẫn đến một lữ đoàn sáu trăm người với đầy đủ cuốc xẻng, và bắt tay vào cuốc xới, đào chỗ này, đắp chỗ kia, có lúc hai chục bộ cao, có lúc ba chục bộ sâu làm cầu gỗ treo, và rải rác tám trăm cầu bằng đá, bằng gạch, bằng gỗ phiến, và một buổi sáng nọ, con sông bỗng tiến vào Luân-đôn đang thiếu nước. Uyêcxuyt chuyển tất cả những chi tiết tầm thường ấy thành một bản mục vịnh tuyệt diệu giữa sông Tanh và lạch Xecpăngtin. Sông mời lạch đến nhà, nhường giường[7] cho lạch và nói với lạch: "Tôi nay đã quá già nua, không thể làm đẹp lòng chị em nữa, nhưng tôi có đủ tiền bạc để tiếp đãi chị em". Một cách tài tình và thanh nhã để nói rằng ngài Hiugơ Minđơntơn đã bỏ tiền riêng ra cho tất cả mọi khoản công trình. Uyêcxuyt rất giỏi về khoa độc thoại. Bản chất ghét đời và hay nói, chỉ thích đứng một mình, nhưng lại cần nói với một người nào đó, ông tự giải quyết khó khăn ấy bằng cách nói một mình. Ai đã từng sống cô độc đều biết độc thoại là hiện tượng tự nhiên như thế nào. Lời nói chưa được phát biểu làm ta ngứa ngáy. Nói lên giữa không trung là một kiểu châm cứu. Nói to, nói một mình, có tác dụng như đối thoại với vị thần ngự trị trong người. Đó là thói quen của Xôcrat[8], điều ấy không ai biết. Ông lải nhải cho bản thân mình nghe. Lute[9] cũng vậy. Uyêcxuyt giống hai bậc vĩ nhân đó. Ông có cái tài hai mặt làm thính giả của chính mình. Ông tự hỏi rồi lại trả lời; ông tự đề cao xong rồi lại tự sỉ vả. Đứng ngoài đường người ta thường nghe ông nói một mình trong chòi. Khách qua đường, vốn có lối đánh giá riêng về những người khôn ngoan thì bảo đó là một thằng ngốc. Như ta vừa nói đôi khi ông tự mắng nhiếc mình nhưng cũng có những giờ phút ông tỏ ra công minh với bản thân. Một hôm nhân một cuộc đối thoại, người ta nghe ông nói to: Tôi đã nghiên cứu tất cả các mặt bí mật của thực vật, trong thân cây, trong mầm non, trong đài hoa, trong tràng hoa, trong nhị hoa, trong tâm bì, trong bầu hoa, trong xác bao, trong bào tử nang và trong tử nang khí. Tôi đã đi sâu vào khoa sắc tố, khoa thẩm thấu và khoa nhũ trấp, nghĩa là vào cấu tạo của màu sắc và mùi vị. Chắc chắn, trong giấy chứng nhận mà Uyêcxuyt cấp cho Uyêcxuyt đó, có đôi chút huênh hoang, nhưng những ai chưa hề nghiên cứu sâu vấn đề sắc tố, thẩm thấu và nhũ trấp, thì xin cứ tha hồ công kích ông. Có điều may mắn là Uyêcxuyt chẳng bao giờ đi sang đất nước Hà-lan. Nếu không, chắc chắn người ta đã bắt ông lên cân để xem ông có thuộc loại trọng lượng bình thường hay không vì nặng hơn hay nhẹ hơn trọng lượng đó thì đúng là phù thuỷ. Ở Hà-lan trọng lượng này đã được luật pháp ấn định một cách khôn ngoan. Thật chẳng có gì giản dị và tài tình hơn. Đó là một lối kiểm tra. Người ta đặt anh lên một đĩa cân, nếu anh làm mất thăng băng thì thật rõ ràng; nặng quá, anh bị treo cổ; nhẹ quá, anh bị thiêu sống. Ngày nay người ta còn có thể thấy, ở Aođioatơ, cái cân để cân phù thuỷ, nhưng bây giờ lại dùng để cân phó-mát, vì tôn giáo đã biến chất quá lắm rồi! Uyêcxuyt chắc chắn đã phải có chuyện lôi thôi với cái cân đó. Trên đường ngao du ông tránh xa nước Hà-lan vậy là phải. Vả lại, chúng tôi tin rằng ông không hề ra khỏi nước Anh. Dù thế nào đi nữa, vốn rất nghèo và rất sôi nổi nhiệt tình và khi làm quen được với Ômô trong một cánh rừng, máu giang hồ cũng đã nổi lên trong người ông. Ông đã cho con sói chung vốn với mình, mà không phải chịu trách nhiệm, và cùng với sói đi khắp các nẻo đường, sống đời may rủi giữa trời đất bao la. Ông rất khéo léo lại có nhiều ý riêng và đại tài về mọi mặt để chữa, để mổ, để cứu người ốm, và làm những việc đặc biệt khiến ai cũng phải ngạc nhiên; ông được công nhận như tay hề hay là thầy thuốc giỏi; ông cũng được xem, điều đó dễ hiểu, là nhà ảo thuật, phần nào thôi, không cao siêu lắm; vì thời bấy giờ mang tiếng bạn với quỷ sứ là điều không lành mạnh. Thật tình mà nói, Uyêcxuyt, vì say mê khoa dược và yêu mến cỏ cây, thường mạo hiểm, vì ông hay đi hái lá trong các bụi rậm, nơi có nhiều rau diếp của Ma-vương, nơi có thể gặp, như viên cố vấn của Đơ Lăngcrơ đã nhận thấy, vào lúc chạng vạng, một người từ dưới đất nhô lên, "chột mắt phải, không mặc áo khoác, kiếm đeo bên hông, đi chân đất". Vả lại, Uyêcxuyt tuy điệu bộ, tính tình có kỳ quặc, lại là người lịch sự có thừa, không đời nào lại gọi đuổi mưa đá, lại triệu quỷ hô ma, lại giết người vì họ nhảy múa nhiều quá, lại gây lên những giấc chiêm bao hãi hùng hoặc buồn thảm, và lại làm nở ra những con gà bốn cánh; ông không có những thói ác độc ấy. Ông không thể có một số hành vi bỉ ổi, chẳng hạn như nói tiếng Đức, tiếng Do- thái hay tiếng Hy-lạp khi chưa học những tiếng ấy, đó là biểu hiện của một tính chất đốn mạt đáng phỉ nhổ. Hay là một thứ bệnh tự nhiên do máu trầm uất gây nên, Uyêcxuyt nói tiếng La-tinh, tức là ông biết tiếng La- tinh. Ông không cho phép mình nói tiếng Cổ Xy-ri vì ông không biết tiếng Cổ Xy-ri. Hơn nữa ông biết đích xác tiếng Cổ Xy-ri là thứ ngôn ngữ dùng trong những đêm hội phù thuỷ. Về y học ông thích Galiêng hơn Cacđăng cũng đúng, vì Cacđăng, tuy là nhà thông thái, chỉ như một con giun, nói vô phép Galiêng. Tóm lại, Uyêcxuyt không phải là nhân vật bị cảnh sát quấy rầy. Chòi của ông khá dài, khá rộng, ông có thể nằm trên một cái hòm đựng áo quần chẳng lấy gì làm sang trọng. Ông là chủ nhân của một chiếc đèn kính, của nhiều bộ tóc giả, và một ít đồ dùng móc ở đinh, trong số đó có mấy cây đàn. Ngoài ra ông còn một tấm da gấp để khoác những hôm trình diễn quan trọng; ông gọi như thế là ăn mặc lễ phục. Ông thường nói: Tôi có hai bộ da, đây mới là bộ thật. Và rồi ông chìa tấm da gấu ra. Cái chòi có bánh xe là của riêng ông và con sói. Ngoài cái chòi, cái bình cong và con sói ra. Ông còn một cây sáo và một cây đàn thất huyền, ông chơi rất hay. Ông tự tay ngâm chế rượu thuốc. Đôi khi ông cũng trở tài xoay lấy bữa ăn. Trần chòi có một lỗ thủng. Làm chỗ thoát khói cho cái lò gang đặt sát chiếc hòm gỗ của ông, khá gần nên làm xạm đen cả gỗ. Lò có hai ngăn; Uyêcxuyt luyện đàn ở một ngăn, còn ngăn kia hầm khoai. Ban đêm con sói ngủ dưới chòi, bị xích một cách thân ái. Ômô có bộ lông đen, Uyêcxuyt có bộ lông xám; Uyêcxuyt năm mươi tuổi, nếu không phải đã sáu mươi. Ông cam nhận số phận con người đến mức - như ta vừa thấy - ăn toàn khoai, một thứ lương thực bỏ đi, thời ấy dùng để nuôi lợn và tù khổ sai. Ông ăn cái món ấy một cách hằn học và nhẫn nhục. Ông không cao to, ông dài lênh khênh. Dáng người khòm khòm sầu muộn. Tư thế gãy gập của người già vốn là hình ảnh chồng chất của cuộc đời. Thiên nhiên sinh ra ông để rầu rĩ. Đối với ông thật khó nở nụ cười và suốt đời không làm sao khóc nổi. Ông thiếu hẳn thứ an ủi, là nước mắt, và khoản đón đỡ tạm thời, là niềm vui. Người già như một mớ điêu tàn biết suy nghĩ. Uyêcxuyt chính là mớ điêu tàn đó. Một cái mồm liến thoắng của kẻ bán thuốc rong, một cái xác ve của nhà tiên tri, một bộ mặt cáu gắt nặng như chì, đó là Uyêcxuyt. Thời trai trẻ, ông đã từng là triết gia tại nhà một huân tước. Sự việc này xảy ra cách đây một trăm tám mươi năm vào cái thời con người có lang sói hơn ngày nay một tí. Không hiểu nhiều lắm đâu II. Ômô không phải loại sói thông thường. Nhìn nó ăn sơn tra và táo ngon lành, người ta bảo nó là sói đồng; nhìn bộ lông màu xám của nó, người ta bảo nó là giống sài lang; và qua tiếng rống có giảm dịu thành tiếng sủa của nó người ta bảo nó là sói Nam Mỹ; nhưng người ta chưa được quan sát nhiều về con ngươi của sói Nam Mỹ để khẳng định nó không phải là cáo, và Ômô là sói chính cống. Mình nó dài đến năm bộ[10], một chiều dài đẹp của sói, ngay cả ở Lituyani. Nó rất khoẻ; mắt nhìn nghiêng nghiêng, nhưng đó không phải lỗi của nó; lưỡi nó âu yếm và đôi khi lại liếm Uyêcxuyt; nó có một vệt lông nhỏ, ngắn như bàn chải, trên sống lưng và cái dáng thon thon của rừng rú. Trước khi làm bạn với Uyêcxuyt và có một cái xe để kéo, nó chạy một đêm bốn mươi dặm như không. Gặp nó trong một bụi rậm, cạnh một dòng suối trong. Uyêcxuyt đã có cảm tình với nó ngay khi thấy nó bắt tôm một cách khôn khoan dè dặt, và đã mừng đón nó như đón một con sói Cupara hiền lành, chính cống, gọi là loại chó ăn cua. Uyêcxuyt thích Ômô hơn một con lừa về phương tiện vật kéo xe. Bắt một con lừa kéo lều của mình là điều ông rất ghê tởm; làm như thế là quá đề cao giống lừa. Ngoài ra, ông lại nhận thấy lừa, một giống mơ mộng vẩn vơ bốn chân ít được con người hiểu, đôi lúc cũng biết vểnh tai lo lắng khi các triết gia nói điều ngu dại. Trong đời sống, giữa chúng ta và tư tưởng của ta, con lừa là người thứ ba; kể thì cũng khó chịu. Về phương diện bạn bè, Uyêcxuyt thích Ômô hơn một con chó, vì ông cho rằng sói đến với tình bạn từ chỗ xa hơn. Bởi thế, có được Ômô là Uyêcxuyt thấy đầy đủ lắm rồi. Uyêcxuyt xem Ômô còn hơn một người bạn đường nữa, nó là vật tương đồng. Giống hệt ông. Uyêcxuyt vừa vỗ vỗ vào cái hông lép kẹp của nó vừa bảo: Mình đã tìm ra tập hai của mình đây rồi. Ông còn nói: Bao giờ mình chết, ai muốn tìm hiểu về mình, thì chỉ cần nghiên cứu Ômô. Mình để nó lại, sau khi chết, như một tờ sao y bản chính. Luật pháp nước Anh, vốn ít mềm mỏng đối với thú rừng, có thể đã kiếm chuyện với con sói này và đưa nó ra toà vì tính ngang nhiên quen đi lại trong thành phố. Nhưng Ômô lợi dụng một điều luật miễn tố gia súc của Êđua đệ Tứ ban hành: Mọi gia súc đi theo chủ đều có thể tự do đi lại. Ngoài ra, có đôi chút lỏng lẻo đối với sói là nhờ cái mốt của mấy phu nhân trong triều: dưới thời các vua Xtiua cuối cùng. Thay cho chó, các bà có những con sói-chồn nho nhỏ, gọi là ađivơ: chỉ to bằng con mèo, đưa từ châu Á sang, tốn kém rất nhiều. Uyêcxuyt đã truyền cho Ômô một phần tài năng của ông, như đứng hai chân: như hòa tan cơn giận thành thái độ bực tức, đáng lẽ sủa rống lên thì chỉ gầm gừ, vân vân; về phía mình, sói đã dạy cho người những gì mà nó biết, như không cần mái nhà, không cần bàn ăn, không cần phải lửa, thà nhịn đói trong rừng còn hơn làm nô lệ giữa chốn triều ca. Cái chòi, một thứ xe-lều lộ trình phức tạp nào cũng theo được. Tuy vậy không ra khỏi nước Anh và xứ Ecôx; có bốn bánh, thêm hai cái càng cho sói, và một thanh ngang cho người. Thanh ngang này phòng lúc đường xấu. Chòi chắc chắn, mặc dù chỉ làm bằng ván nhẹ như chuồng bồ câu. Phía trước, có một cửa kính với chút ban công nhỏ để diễn thuyết, một thứ bục thu hẹp của giảng đàn, và phía sau, một cái cửa ván liền có đục thủng một lỗ để thông gió. Chỗ lên xuống có ba bực, xoay bằng bản lề, và nằm sau cái cửa có lỗ thông gió, dùng để bước vào lều. Ban đêm, lều được khóa chết cẩn thận. Biết bao mưa tuyết đã đổ xuống mái lều. Trước kia nó cũng từng được biết mùi sơn, nhưng nay không còn rõ ra mầu gì nữa, vì sự thay mùa đổi tiết đối với xe cộ cũng như những đổi thay triều đại đối với quần thần. Phía trước, bên ngoài, trên cái gọi là mặt tiền bằng ván mỏng, trước đây người ta còn đọc được dòng ghi tích, chữ đen trên nền trắng, dần dần đã nhòa lẫn: "Chia khối lượng vàng ra một nghìn bốn trăm phần, thì hàng năm, do bào mòn, nó mất đứt một phần; chỗ ấy gọi là lượng tiêu hao; do đó, trên mười bốn triệu đồng tiền vàng lưu hành trên toàn quả đất, năm nào cũng mất đi một triệu. Triệu đồng tiền vàng này biến thành cát bụi, bay đi, lơ lửng là nguyên tử, trở nên hít thở được, chồng chất cho đầy, điều hợp cho đúng, dằn thêm cho nặng, làm cho lương tâm nặng trĩu, và kết quyện với linh hồn kẻ giàu, làm cho kẻ giàu thành ngạo mạn, kết quyện với linh hồn dân nghèo, biến họ thành tàn bạo". Ghi tích này, bị mưa gió và từ tâm của thượng đế gạch xóa may sao lại không đọc ra, vì rất có thể là, vừa bí hiểm vừa trong sáng, cái triết lý vàng bị hít thở này không hợp với khẩu vị các ngài quận trưởng, thị trưởng, tỉnh trưởng, và các ngài đội tóc giả của luật pháp. Pháp chế nước Anh thời bấy giờ không ưa đùa bỡn. Người ta dễ dàng phản bội lắm. Các pháp quan tỏ ra hung dữ vì tryền thống, và tàn bạo lại là thói quen. Lớp quan toà của pháp đình tôn giáo đầy dẫy. Jepfrê[11] đã sinh con đẻ cái. III. Trong chòi còn hai ghi tích khác. Phía trên cái hòm gỗ, trên mặt ván quét vôi, người ta đọc được những dòng dưới đây, viết tay và bằng mực: Những điều duy nhất cần biết "Nam tước nguyên lão Anh quốc đội mũ xoắn"[12] có sáu viên ngọc ». "Tử tước trở lên mới được đội miện. "Miện của tử tước, số ngọc không hạn chế, miện của bá tước, ngọc nạm trên những đầu trâm xen lẫn với lá dâu thấp hơn; miện của hầu tước, ngọc và lá cao bằng nhau; miện của công tước toàn hoa không ngọc; vương công tước đội một vành thánh giá và hoa huệ; miện hoàng tử xử Galơ giống miện nhà vua, nhưng không khép kín. "Công tước là tối thượng và tối quyền uy hoàng thân; hầu tước và bá tước là tối cao quí và quyền uy lãnh chúa; tử tước thì cao quí và quyền uy lãnh chúa; còn nam tước thì chân chính lãnh chúa. "Công tước là đức; các vị nguyên lão khác là ngài. "Các huân tước đều bất khả xâm phạm. "Các nguyên lão vừa là nghị viện vừa là pháp viện, con ciliumet curia, cơ quan lập pháp và toà án. "Tối tôn kính" hơn hẳn "rất tôn kính". "Các huân tước nguyên lão được gọi là "huân tước đương nhiên"; các huân tước không phải nguyên lão là "huân tước xã giao"; chỉ những nguyên lão mới là huân tước. "Huân tước không bao giờ tuyên thệ, cả trước mặt vua, cả trước công lý, lời nói của huân tước là đủ. Huân tước nói: trên danh dự của ta. "Các công xã, là nhân dân, khi bị đòi ra toà án huân tước, phải khúm núm trình diện, đầu trần, trước mặt các vị nguyên lão vẫn đội mũ miện. "Các công xã đệ trình dự án lên các huân tước do hơn mươi uỷ viên tiến dâng, sau khi cúi chào sát đất ba lần. "Các huân tước gửi dự án đến các công xã qua một viên thư ký bình thường. "Trường hợp tranh chấp, hai viện đàm luận trong phòng tranh, các nguyên lão đều ngồi, đầu đội mũ miện, các công xã phải đứng đầu trần. "Theo một đạo luật của Êđua thứ sáu, các huân tước có đặc quyền sát nhân giản đơn. Một huân tước giết người giản đơn không bị truy tố. "Nam tước ngang hàng với giám mục. "Để được làm nam tước nguyên lão, phải được nhà vua ban per baroniam integram, nam tước lãnh địa toàn bộ. Toàn bộ lãnh địa nam tước gồm có mười ba thái ấp quý tộc và một phần tư, mỗi thái ấp quý tộc là hai mươi livơ xteclinh, tổng cộng lên đến bốn trăm mác. "Đứng đầu lãnh địa nam tước, caput baronioe, là một toà lâu đài do cha truyền con nối quản lý, như chính nước Anh; nghĩa là chỉ di chuyển đi cho con gái khi nào không có con trai, và trong trường hợp đó thì dành cho người con gái đầu lòng, coeterisfiliabus ali- unde satisfactis[13]. "Các nam tước có tư cách là lord (nam tước), do tiếng xăcxơ laford, do tiếng La-tinh thời hưng thịnh dominus, và do tiếng La-tinh thời suy tàn lordus. "Các con trai đầu và con trai thứ của tử tước và nam tước là những dũng sĩ tuỳ tùng đệ nhất của vương quốc. "Các con trai đầu của các nguyên lão được đi trước các hiệp sĩ giống Giarơchie[14]. Các con trai thứ không được. Con trai đầu của một tử tước đi sau tất cả nam tước và đi trước tất cả các tòng nam tước. "Con gái của huân tước là lady. Các tầng lớp con gái khác của nước Anh là miss. "Tất cả các quan toà đều thấp kém hơn nguyên lão. "Đầu lại đội mũ bồ đài bằng da cừu; quan toà đội mũ bồ dài bằng da các loại thú nhỏ, de minuto vario, lông trắng, trừ chồn trắng. Chồn trắng dành riêng cho các nguyên lão và nhà vua. "Không thể ấn định supplicavit đối với một huân tước. Một huân tước không thể bị câu giam. Trừ trường hợp Tháp Luân Đôn[15]. "Một huân tước được nhà vua vời vào cung có quyền bắn chết một hoặc hai con hoãng trong vườn ngự uyển. "Huân tước có triều đình riêng trong lâu đài của mình. "Huân tước ra đường và mặc áo choàng, với hai kẻ hầu theo sau là không đúng tư cách. Huân tước chỉ có thể xuất hiện với một đoàn gia nhân quý tộc long trọng. "Các nguyên lão đến nghị viện bằng xe song mã chạy hàng dọc, các công xã, nhất thiết không. Một số nguyên lão đến điện Oetminxtơ bằng kiệu nằm có bốn cánh. Hình dáng loại kiệu và xe song mã có huy hiệu và hình miện này chỉ dành cho các huân tước và đi đôi với tước vị của họ. "Chỉ huân tước mới có quyền phạt tiền một huân tước, và không bao giờ phạt quá năm senlinh, trừ công tước có thể bị phạt đến mười. "Một huân tước được phép có trong nhà sáu người lạ mặt. Mọi người Anh khác chỉ được bốn. "Một huân tước có thể có tám thùng tô-nô rượu vang không phải thuế. "Chỉ có huân tước mới được miễn trình diện trước quận trưởng. "Huân tước không thể bị dân quân bắt thuế. "Khi nào thích, một huân tước tuyển bắt một trung đoàn và nộp cho nhà vua; đức quận công Atôn, đức quận công Hamintơn và đức quận công Northơmbơlân đều làm như thế. "Huân tước chỉ tuỳ thuộc các huân tước. "Trong các cuộc tố tụng dân sự, huân tước có thể đề nghị hoãn vụ án của mình, nếu trong số thẩm phán không có ít nhất một hiệp sĩ. "Huân tước cứ lấy mục sư của mình. Nam tước cử ba mục sư; tử tước, bốn; bá tước và hầu tước, năm; công tước, sáu "Huân tước không thể bị tra tấn, dù có phạm tội đại nghịch. "Huân tước không thể bị in dấu sắt bằng tay. "Huân tước, dù không biết chữ, cũng là người thông thái. Huân tước đều đương nhiên biết chữ. “Chỗ nào không có nhà vua, thì mỗi công tước đều có một kiệu hộ tống; mỗi tử tước có một kiệu trong dinh mình; mỗi nam tước có một cái nắp và bắt người hầu phải cầm nó hứng dưới cốc lúc mình uống; mỗi nam tước phu nhân có quyền bắt một người đàn ông nâng đuôi áo cho mình trước mặt một tử tước phu nhân. "Tám mươi sáu huân tước, hoặc trưởng nam của huân tước, điều khiển tám mươi sáu bàn ăn, mỗi bàn năm trăm suất ăn, để vua ngự hàng ngày trong cung, phí tổn do xứ sở tại có cung nhà vua đài thọ. "Dân thường nào đánh một huân tước thì bị chặt nắm tay. "Huân tước gần nhà vua. "Vua gần như Chúa. "Quả đất là một thái ấp. "Người Anh gọi Chúa là mylord (lãnh chúa của tôi). Bên cạnh ghi tích này, người ta lại đọc được một ghi tích thứ hai dưới đây, cũng viết theo lối ấy: Những điều đủ để thoả mãn những người tay không. "Hăngri Ôveckec, bá tước Grantam, trong nghị viện nguyên lão ngồi giữa bá tước Jecxây và bá tước Grinuysơ, có mười vạn livrơ xtecling niên kim. Ngài là chủ nhân toà lâu đài Grantam-Terax, làm toàn bằng đá hoa cương, nổi tiếng về cái gọi là mê-hồn-lang. Một kỳ quan trong đó có hành-lang hồng bằng hoa cương Xărăngcôlin, có hành lang nâu bằng cẩm thạch Axtơracan, có hành-lang trắng bằng hoa cương Lani, có hành-lang đen bằng hoa cương Xtarema: có hành-lang xám bằng hoa cương Xtarema, có hành-lang vàng bằng hoa cương xứ Hex, có hành-lang xanh lục bằng ngọc thạch Tiron, có hành-lang đỏ vừa bằng vân thạch Bôhêm vừa bằng cẩm thạch Corđu, có hành-lang thiên thanh bằng lam thạch xứ Giên, có hành-lang tím bằng đá granít Catalôn, có hành-lang tóc, vân đen trắng, bằng đá Sixtơ Muyaviêđrô, có hành-lang hoa hồng bằng hồng thạch núi Anpơ, có hành-lang ngọc bằng cẩm thạch Nonet, và hành-lang ngũ sắc là hành lang triều- thần bằng đá dăm ngũ sắc. "Raisa Lothơ, tử tước Loongđên, có toà lâu đài Lothơ tại Oexmorơlen, với công trình phụ cận lộng lẫy, và cái tam cấp lúc nào cũng như mời chào các bậc vương giả quá bộ vào chơi. "Raisa, bá tước Xcaborop, tử tước và nam tước Lâmli, tử tước Oatơfo xứ lêclăng, lãnh chúa-trung uý và phó thuỷ sứ đô đốc lãnh địa Northơmboclan và Đuyêcham, vừa là thành phố vừa là lãnh địa, có tòa cung điện đôi Xtantet, bao gồm một tòa cổ xưa và một tòa hiện đại, nơi mà mọi người đều phải trầm trồ ca ngợi dãy rào bán nguyệt bao quanh một cái bể cạn với vòi phun nước có một không hai. Ngoài ra, ngài còn có thêm toà lâu dài Lâmli. "Rôbơc Đacxi, bá tước Honđơnex có cơ ngơi Hondơnex với các vọng lâu nam tước và những khu vườn vô tận kiểu Pháp, trong đó ngài thường dạo chơi bằng xe lục mã với hai kỵ mã dẫn đầu, đúng như nghi thức một nguyên lão Anh quốc. "Saclơx Bôclec, công tước Sên-anban, bá tước Bơcfo, nam tước Hetđintơn, quan ưng ty[16] Anh quốc, có một toà nhà ở Uynxo, rất nguy nga, bên cạnh cung vua. "Saclơ Bôtvin, huân tước Rôbac, nam tước Tơrurô, tử tước Bôtmin, có dinh cơ Uympơn tại Kembrit, gồm ba toà lâu dài với ba mi nhà, một cái hình cung, hai cái hình tam giác. Lối vào có bốn hàng cây to. "Ngài tối cao quý và quyền uy huân tước Philip Eche, tử tước Caeceđip, hầu tước Môngômeri, hầu tước Pembrôc, lãnh chúa nguyên lão và độc áp Canđa, Macmion, Xen Quentin, và Sơclan, giám thư trong các lãnh địa Cornuay và Đivon, thanh tra thế tập trường trung học Giê-xu, có ngôi vườn Uyntơn kỳ diệu trong đó có hai bể cạn với vòi phun nước đẹp hơn cả cung diện Vecxai của đức vua nước Pháp Luy thứ mười bốn. "Saclơx Ximua, công tước Xômơxet, có gia trang Xômơxet trên sông Tami, có thể sánh ngang với biệt thự Păngphơli ở La-mã. Người ta nhận thấy trên lò sưởi to có hai cái lọ sứ Giang Tây trị giá nửa triệu frăng. "Tại Yoocsai, Actơ, huân tước Ingơram, tử tước Iêcvin, có ngôi đền Niusam, muốn vào đấy phải đi qua một khải hoàn môn có những mái bằng giống như những sân thượng bên Moritani. "Rôbơc, huân tước Phetơ Sacli, Buôcsiơ và Lôven, có tại Lixextơsai dinh cơ Xtaotơn - Haron mà khu vườn nhìn từ trên xuống giống như hình một ngôi đền có mi; ở phía trước hồ nước, ngôi nhà thờ có cái tháp chuông vuông cũng là của ngài. "Trong lãnh địa Hortamtơn, Saclơx Xpenxơ, bá tước Xânđơlan ủy viên hội đồng cơ mật của nhà vua, có dinh cơ Antơrốp; muốn vào đó phải qua một hàng rào bốn trụ có những tượng đài bằng đá hoa cương. "Tại Xơri, Laorenx Haiđơ, bá tước Rôsextơ, có khu vườn Niu Pac, cực kỳ mỹ lệ nhờ các đỉnh nóc chạm trổ, nhờ bãi cỏ tròn có cây to bao bọc, và nhờ những khu rừng chạy dài đến một dãy núi nhỏ, tròn, rất đẹp, trên chỏm có một cây sồi to từ xa đã trông thấy. "Philip Xtanhop, bá tước Sextơphin, có dinh cơ Bretbi ở Đơcbisai với một tháp đồng hồ tuyệt đẹp, với những tay nuôi chim ưng, với những bãi nuôi thỏ và những hồ nước rất đẹp, hình dài, hình vuông, hình bầu dục, trong số đó có một cái hình gương soi, với hai vòi nước phun rất cao. "Huân tước Corvalit, nam tước Ai, có dinh cơ Brôm- Hôn, một lâu đài của thế kỷ mười bốn. "Ngài tối cao quý Ongiơnon Capơn, tử tước Manđen, bá tước Etxet, có dinh cơ Casbiuri ở Hecfosai, một lâu đài hình chữ H hoa, trong đó có những khu săn bắn rất nhiều thú rừng. "Saclơx, huân tước Otxunxton, có dinh cơ Đoly ở Mitdơnxêc muốn đi tới đó phải qua những khu vườn kiểu Ý. "Giêm Xêxin, bá tước Xalixbiuri, cách Luân đôn bảy dặm, có dinh cơ Hacphin - Haozơ, với bốn mái đình lãnh chúa, lầu chuông ở giữa cái sân chính, lát gạch men trắng đen như sân XanhGiecmanh. Cung điện này, mặt tiền dài hai trăm bảy mươi hai bộ, do ngài tổng quản lý ngân khố nước Anh, vốn là tằng tổ của bá tước đương vị, xây dựng dưới thời Giắc đệ Nhất. Tại đấy người ta thấy có cái giường của một nữ bá tước Xalixbiuri, vô giá, đóng toàn bằng gỗ Braxin, thứ gỗ vẫn dùng làm thuốc vạn năng chữa rắn cắn, và được gọi là milombrơ, nghĩa là nghìn người. Trên chiếc giường đó có dòng chữ bằng vàng: Honni soit qui mal y pense[17]. "Eetđua Rits, bá tước Varuyc và Hà-lan, có lâu đài Varuye Catxơn, ở đấy người ta đốt sồi cả cây trong lò sưởi "Trong giáo phận Xevơn-Ôkơ, Saclơx-Xăcxin, nam tước Bâckhươc, tử tước Cơranphin, nam tước Đorxet và Mitđơnxêc, có dinh cơ Knaolơ, rộng lớn như một thành phố, gồm ba cung điện đứng song song cái trước cái sau như những hàng ngũ pháo binh, với mười đầu trụ cầu thang ở tiền diện chính, và một cái cửa dưới vọng lâu bốn tháp canh. "Tômax Tin, tử tước Uêmao, nam tước Vaminxtơ, có dinh cơ Loong Lit mà số lượng lò sưởi, đèn lồng, đình tạ, lầu canh, tháp gác, gần bằng lâu đài Sămbo ở nước Pháp của nhà vua. "Cách Luânđôn mười hai dặm, Henri Haova, bá tước Xơphon, có cung điện Odơlin ở Mitdơnxêc, về quy mô và vẻ nguy nga tráng lệ chỉ hơn kém cung điện Exquyrian của vua Tây Ban Nha. "Tại Betfosai, biệt thự và trang viên Vrext, y như một đất nước bao quanh bằng hào sâu và tường thành, với rừng cây, sông, ngòi, đồi núi thuộc về Hăngri, hầu tước Kent. "Hamtơn-Cort, ở Hirơfo, với cái vọng lâu vĩ đại có lỗ châu mai, và khu vườn có hồ nước chắn ngang, ngăn cách nó với rừng cây, thuộc về Tômax, huân tước Coninhbai. "Lâu đài Grimtorp, ở Linconsai, với mặt tiền dài dằng dặc lô nhô những tháp canh cao, có vườn hoa, đầm nước, chuồng chim trĩ, có khu nuôi cừu, bãi cỏ xanh, có cây cảnh trồng theo hình ngũ điểm, có đường dạo mát, có rặng cây to, có những luống hoa như thêu như vẽ, trồng thành hình ô vuông, quả trám, giống như những tấm thảm to, lại có cả những đồng cỏ đua ngựa, và đường vòng tôn nghiêm cho xe song mã chạy quanh, trước khi tiến vào lâu đài; tất cả những thứ đều thuộc về Rôbơc, bá tước Linxê, huân tước thế tập của cánh rừng Vanham. "Ấp Phê, tại Xơtxêc, toà lâu đài vuông với cánh đình đối xứng có lầu chuông ở hai bên sân chính, thuộc về ngài Fo rất vẻ vang, huân tước Grây, tử tước Glenđên và bá tước Tăngcacvin. "Niunham Pađô, ở Vacvicsai, có hai hồ cá vuông, và một hồi nhà bốn mặt lồng kính, thuộc về bá tước Đenbai, tức bá tước Ren fenđơn bên Đức. "Và thêm, trong lãnh của Beck, với khu vườn kiểu Pháp có bốn vòm cây cắt tỉa, và cái tháp to có lỗ châu mai liền với hai chiếc tàu chiến cao, thuộc về lãnh chúa ở Môntêgơ, bá tước Abinđơ. Là nam tước Ricôt, ngài có thêm dinh cơ Ricốt, mà trên cổng chính người ta thấy có câu châm ngôn: Virtus ariete fortior"[18]. "Uyliam Cavenđis. công tước Đivonsai, có sáu toà lâu dài, trong đó toà Satxuôc hai tầng kiểu Hy-lạp là đẹp nhất, ngoài ra còn có chiêu đãi quán Luânđôn với con sư tử quay lưng lại hoàng cung. "Tử tước Kinonmiki, bá tước Cooc ở Lêclăng, có dinh cơ Bơclintơn-Haozơ ở Picđili, với các vườn cây rộng mênh mông đến tận những cánh đồng ngoại thành Luândôn; ngài còn có Sixuyc với chín khu nhà lộng lẫy, ngài còn có Lândexbơc, một dinh thự mới bên cạnh một cung điện cũ. "Công tước Bôfo có dinh cơ Senxi, trong đó có hai lâu đài xây theo kiểu gôtic và một lâu đài theo kiểu Florăngxơ; ngài có cả Batmintơn ở Gôlôxetxtơ, một dinh thự từ đó toả ra nhiều đại lộ như một ngôi sao. Hoàng thân tối cao quý và quyền uy Hăngri, công tước Bôfo, đồng thời là hầu tước và bá tước Vorxextơ, nam tước Raglăng, nam tước Paoơ, và nam tước Ecbe đơ Sepxtô. "Gion Honlơx, công tước Niucaxơn và hầu tước Clêrơ, có dinh cơ Bonsơvơ với cái vọng lâu vuông uy nghiêm, cộng thêm dinh cơ Hopton ở Notinhgam, với cái bể cạn giữa có một kim tự tháp tròn bắt chước tháp Baben. "Tại Vacvicsai: Uylia, huân tước Craven, nam tước Craven Hamxtit, có một dinh thự là Cơm-Apbê với vòi phun nước đẹp nhất nước Anh; tại Becsai, ngài còn có hai lãnh địa nam tước là Hamxtit-Macsan mặt tiền khoe năm ngọn đèn lồng kiểu Gôtic bắt chéo, và Axđao- Pac, một lâu đài đứng ở điểm giữa của mấy con đường gặp nhau trong một khu rừng. "Huân tước Linơx Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon của Xixin, có lâu đài Clăngsacli do Êđua Lão-vương xây dựng năm 914 để chống quân Đan-mạch, thêm cung điện Hâncơvin- Haozơ ở Luândôn, thêm ở Uynxo, Corlêon-Lotgiơ cũng là một cung điện, và tám lãnh địa thành chủ, một cái ở Bruxton, trên Tơrăngtơ, với quyền sở hữu về các mỏ bạch ngọc, rồi Gâmđơret, Hơmbơn, Monricam, Trăngvađrêt, Hen-Kectơ, nơi có một cái giếng tuyệt diệu, Pinlinmo với các đầm than bùn của nó, Ricunvơ gần thành phố Vaniaxê cũ, Vainơcaoton trên núi Moi- Enli, cộng thêm mười chín thị trấn và làng xã cùng với các pháp quan, và tất cả xứ Pennet-Sêzơ, như vậy là toàn bộ thu về cho ngài bốn vạn livrơ xtecling lợi tức. "Một trăm bảy mươi hai vị nguyên lão dưới triều Giắc đệ Nhị mỗi năm nộp lại có một khoản lợi tức là một triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn livrơ xtecling, bằng một phần mười một thu nhập của nước Anh". Bên lề tên người cuối cùng, huân tước Linơx Clăngsacli, thấy có cây chú thích sau đây tự tay Uyêcxuyt viết: Phản nghịch, bị đày, tài sản lâu đài, đất đai bị tịch thu. Đáng đời. VI. Uyêcxuyt lúc nào cũng ca tụng Ômô. Con hát mẹ khen hay. Đó là qui luật. Tâm trạng Uyêcxuyt bao giờ cũng ngấm ngầm tức bực, và thái độ bên ngoài của ông thì gắt gỏng. Uyêcxuyt là con người bất bình của tạo hoá. Trong thiên nhiên ông là người chống đối. Ông bất mãn với vũ trụ. Ai ông cũng không vừa lòng, cái gì ông cũng không ưng ý. Việc con ong làm nên mật ngọt không xá được cho nó cái tội chích đốt con người; một bông hồng tung nở không thể xá tội cho mặt trời đã đem lại bệnh sốt rét vàng da và bệnh vomito negro. Chắc hẳn trong thâm tâm Uyêcxuyt cũng đã nhiều lần phê bình chúa. Ông thường nói: - Tất nhiên, quỷ thì phải có lò-xo, nhưng sai trái của Chúa là bấm nút bật. Ông chỉ tán thành lớp vương hầu, nhưng ông có cách hoan nghênh riêng của ông. Một hôm Giắc đệ Nhị cúng cho Đức Bà Đồng-trinh ở một nhà nguyện Thiên Chúa Giáo Lếclăng một cái đèn bằng vàng khối. Nhân đi qua đấy cùng với Ômô, thờ ơ hơn, Uyêcxuyt cứ xuýt xoa thán phục trước toàn thể nhân dân và nói to: - Chắc chắn Đức Bà Đồng-trinh cần một cái đèn vàng hơn lũ trẻ chân đất cần giầy dép. Chắc chắn, những bằng chứng như thế, và tính "thẳng thắn" và lòng kính trọng hiển nhiên của ông đối với những bậc quyền thế được xác định, cũng góp phần không nhỏ vào việc các pháp quan tha thứ cho lối sống lang thang của ông và sự kết giao không cân xứng của ông với một con sói. Nể nang vì tình bạn, đôi lúc buổi tối ông để cho Ômô duỗi chân duỗi cẳng một tý và tự do tha thẩn quanh lều; con sói không bao giờ lạm dụng lòng tin, và xử sự "rất lịch sự", nghĩa là giữa chỗ đông người, nó thận trọng như một con chó xù; tuy nhiên, nếu gặp phải những quan toà khó tính, việc đó cũng có thể gây nhiều phiền hà; vì vậy Uyêcxuyt phải xích con sói hiền lành lại càng nhiều càng tốt. Về phương diện chính tả, cái bảng viết về vàng, không ai đọc được nữa, vả lại cũng hơi khó hiểu, chỉ là một mớ chữ nguệch ngoạc mặt ngoài, không thể tố cáo được ông. Ngay cả sau thời Giắc đệ Nhị và dưới triều đại "tôn kính" của Ghi-ôm và Mari, những thành phố nhỏ của các lãnh địa nước Anh vẫn thấy chiếc xe của ông lang thang thanh thản, ông chu du khắp nước Anh, bán các thứ bùa yêu thuốc lọ, cùng với con sói làm những trò giả dối buồn cười của thầy thuốc rong, và dễ dàng lọt khỏi lưới cảnh sát thời bấy giờ chăng khắp nước Anh để thanh trừng những bọn người du cư, đặc biệt để bắt bọn "Comprasicôx" lúc chúng đi qua. Như vậy cũng đúng thôi. Uyêcxuyt không thuộc bọn nào cả. Uyêcxuyt sống với Uyêcxuyt; thui thủi mình tâm sự với mình, thêm một con sói thỉnh thoảng thò mõm vào một cách dễ thương. Ước vọng của Uyêcxuyt là được làm người dân Caribê; không được như nguyện ông thành người cô độc. Người cô độc là một kẻ man di thu nhỏ, được văn minh chấp nhận. Con người càng lang thang càng cô độc. Do đó mà ông phải xê dịch thường xuyên. Đối với ông dường như mỗi lần dừng chân ở một nơi nào là một lần tập cho mình thuần tính. Ông dùng năm tháng đời ông để đi cho hết quãng đường của ông. Nhìn thấy thành phố ông càng thêm ưa thích các lùm cây, các bụi rậm gai góc và hang lỗ trong núi. Nhà riêng của ông là rừng rú. Ông không cảm thấy quá lạc lõng giữa tiếng ồn ào của những nơi công cộng, vì nó gần giống tiếng xào xạc của cỏ cây. Trong chừng mực nào đó, quần chúng làm cho lòng ham thích cảnh sa mạc của người ta được thoả mãn. Trong chiếc lều này, điều làm ông khó chịu là cái cửa to và mấy cái cửa sổ, và nó giống một ngôi nhà. Giá có thể đặt dược một hang đá lên bốn bánh xe và đi chu du trong một cái động, thì ông mới đạt được lý tưởng của ông. Ông không mỉm cười, điểm đó chúng tôi đã nói rồi, nhưng ông lại cười; thỉnh thoảng, đôi khi cười luôn nữa, một tiếng cười chua chát. Trong cười nụ, có ngụ ý bằng lòng, còn cười to thường là một sự phản kháng. Vấn đề quan trọng của ông là căm hờn loài người. Trong mối căm hờn này ông không bao giờ khoan nhượng. Sau khi rút ra kết luận đời người là một điều xấu xa ghê tởm, sau khi xét thấy các thiên tai luôn luôn chồng chất lên nhau, vua chúa đè lên nhân dân, chiến tranh đè lên vua chúa, dịch bệnh đè lên chiến tranh, nạn đói đè lên dịch bệnh, ngu muội đè lên tất cả, sau khi nhận thấy chỉ riêng việc tồn tại cũng đã làm một phần nào của trừng phạt, sau khi công nhận chết là một sự giải thoát, bao giờ người ta đưa đến cho ông một con bệnh là ông lo chữa chạy cho ngay. Ông có những thứ rượu bổ và thuốc uống để kéo dài tuổi thọ cho các cụ già. Ông chữa hộ những người què lê đứng thẳng lại và bốp vào mặt họ câu nói chua chát này: - Thế là cậu đứng được rồi nhé. Mong cho cậu có thể bước mất trong cái bể khổ! Thấy một người nghèo sắp chết đói, ông vừa cho y tất cả số tiền trong túi vừa lầu bầu: Đồ khốn kiếp, cố mà sống! Cố mà ăn! Cố mà kéo thật lâu cuộc sống! Không phải tao rút ngắn kiếp tù đày của mày đâu nhé! Nói xong, ông xoa tay và nói: - Mình đem lại cho người đời tất cả tai họa mà mình có thể đem lại. Khách qua đường có thể, qua cái lỗ cửa áp mái phía sau, đọc được trên trần lều cái bảng hiệu dưới đây, viết ở phía trong, nhưng đứng ngoài có thể nhìn thấy bằng than và chữ to: UYÊCXUYT TRIẾT GIA. 2. BỌN COMPRASICÔX I. Giờ này có ai biết đến từ ngữ comprasicôx, và có ai biết được nghĩa của từ ngữ đó? Bọn Comprasicôx hay Comprapêcơnôx, là một thứ hội kín, nay đây mai đó, ghê tởm và lạ lùng, nổi tiếng ở thế kỷ mười bảy, bị quên lãng ở thế kỷ mười tám, và ngày nay không được ai biết đến. Bọn Comprasicôx, cũng như "thuốc độc", là một chi tiết cũ xưa đặc biệt của xã hội. Chúng góp phần làm nên mặt xấu xa ngày xưa của con người. Trước con mắt vĩ đại của lịch sử, quen nhìn khái quát, bọn Comprasicôx liên quan đến sự kiện to lớn là chế độ nô lệ. Giôdep bị anh em bán là một chương trong câu chuyện truyền tụng về chúng. Bọn Comprasicôx còn để lại dấu vết trong những pháp chế hình sự của nước Anh và nước Tây Ban Nha. Đây đó, trong cái đống luật pháp tối tăm rối mù của nước Anh, còn thấy được áp lực của sự kiện quái gở này, như khi người ta tìm thấy dấu chân một con người man rợ trong một khu rừng. Comprasicôx, cũng như Comprapêcơnôx, là một từ kép của Tây Ban Nha, có nghĩa là "bọn mua trẻ con". Bọn Comprasicôx làm nghề buôn trẻ con. Chúng mua trẻ con và bán trẻ con. Chúng không bao giờ bắt cóc trẻ con cả, ăn trộm trẻ con thuộc một nghề khác. Và với lũ trẻ con đó, chúng làm gì? Làm thành quái vật. Tại sao lại làm thành quái vật? Để cười. Dân chúng cần phải cười; vua chúa cũng cần được cười. Đầu đường xó chợ cần có người làm trò; cung điện Luvrơ[19] cần có thằng hề. Thằng thì tên là Tuyêcluy- panh, thằng thì tên là Tơribulê. Những cố gắng của con người để tạo ra niềm vui đôi khi đáng để cho triết gia lưu ý. Trong mấy trang mở đầu này, chúng tôi phác hoạ gì đây? Một chương của cuốn sách hãi hùng nhất, cuốn sách mà người ta có thể đặt là: Sự bóc lột những người bất hạnh bởi bọn sung sướng. II. Từ xưa, ý đồ biến trẻ con thành một thứ đồ chơi của người lớn đã từng có (và điều đó ngày nay cũng vẫn còn). Vào những thời kỳ thơ ngây và độc ác, điều đó làm nảy sinh ra một nghề đặc biệt. Thế kỷ mười bảy, thế kỷ vĩ đại là một trong những thời kỳ ấy. Một thế kỷ rất giống thời kỳ Byzănggrơ xa xưa; vừa thơ ngây đồi bại vừa độc ác tinh vi, một di sản kỳ lạ của văn minh. Một con hổ làm bộ khó tính. Bà Đơ Xêvinhê[20] õng ẹo trước dàn thiêu và xa hình[21]. Thế kỷ này bóc lột trẻ con rất thậm tệ; các nhà viết sử, nịnh thần của thế kỷ đó, đã che dấu vết thương, nhưng họ đã cho thấy phương thuốc, Vanhxăng đơ Pôn[22]. Muốn cho thứ người-đồ-chơi đạt hiệu quả, phải nắm được con người thật sớm. Thằng lùn phải bắt đầu từ khi còn bé. Người ta lấy tuổi thơ ra làm trò chơi. Nhưng một đứa trẻ thẳng thớm thì không thú lắm. Một thằng gù, nhộn hơn. Từ đó nảy sinh ra một nghệ thuật. Sẵn có những tay chăn nuôi. Người ta bắt một con người, làm thành một cái mõm. Người ta ép sự phát triển; người ta nhào nặn diện mạo. Phương pháp sản xuất nhân tạo làm ra những kiểu biến thái này có quy tắc của nó. Đây là cả một khoa học. Thử tưởng tượng một khoa chỉnh hình ngược hướng mà xem. Nơi mà Chúa cho nhìn thẳng, nghệ thuật đó làm thành lác mắt. Nơi được Chúa sắp xếp hài hòa, người ta lại cho dị dạng. Nơi Chúa đã hoàn thiện, người ta lại không khôi phục phác thảo. Và trước con mắt những kẻ sành sỏi, chính phác thảo mới thật hoàn hảo. Đối với súc vật cũng có những chuyện bổ khuyết; người ta sáng tạo ra những con ngựa lang; Tuyren đã từng cưỡi một con ngựa lang. Ngày nay người ta chẳng sơn lam sơn lục những con chó đó sao? Thiên nhiên là bản phác hoạ của chúng ta. Con người luôn luôn thích thêm một chút gì đó vào Chúa. Con người thường sửa sang lại công trình tạo hóa, đôi khi có tốt hơn, đôi khi lại xấu di. Thằng hề trong triều đình chẳng phải gì khác là một trò thử kéo con người trở lại con khỉ. Tản bộ đằng sau. Kiệt tác giật lùi. Đồng thời người ta cố biến khỉ thành người. Bacbê, nữ công tước Clêvơlan và nữ bá tước Xaohamtơn, có một tên thị đồng là một con khỉ con Nam Mỹ. Tại tư thất Frăngxoađơ Xutơn nữ nam tước Đulây, nữ nguyên lão thứ tám trên hàng ghế nam tước, tên bưng trà mời khách là một giống vượn Phi Châu mặc áo gấm thêu kim tuyến mà Đulây phu nhân gọi là "tên mọi đen của tôi". Catêrin Xitli, nữ bá tước Đorsextơ, đi họp nghị viện trong một chiếc xe song mã có chạm gia huy, sau xe có ba con khỉ Phi Châu mặc đại chế phục đứng nghếch mõm lên trời. Một nữ công tước Mêđina-Xêli, mà hồng y giáo chủ Pôluyx được trông thấy khi ngủ dậy, sai một con đười ươi lồng bít tất vào chân cho mình. Những chú khỉ được phong cấp ấy dùng làm đối trọng với những con người bị ngược đãi và bị biến thành súc vật. Cái trò đảo lộn giữa người và vật này do các ông to bà lớn muốn, rất rõ nét ở thằng lùn và con chó. Thằng lùn không bao giờ rời con chó, con chó luôn luôn lớn hơn hắn ta. Con chó cùng thuộc một bộ với thằng lùn. Cứ như hai cái cổ dề liền nhau. Sự chồng đặt này ta thường thấy trong rất nhiều vật kỷ niệm gia đình, nhất là bức chân dung Jetrê Hâtxân, thằng lùn của Hăngriet nước Pháp, con gái Hăngri đệ Tứ, vợ của Saclơ đệ Nhất. Từ chỗ hạ thấp con người dẫn đến chỗ làm biến dạng con người. Người ta bổ sung việc cắt bỏ hình thái bằng cách thay đổi bộ mặt. Một số nhà giải phẫu sống thời ấy đã đạt dược kết quả mĩ mãn trong việc xoá bỏ hình tượng Chúa trên mặt con người. Bác sĩ Conquext, thành viên của đoàn thể Amen-Xtrit, và thanh tra tuyên thệ các cửa hàng hoá chất Luânđôn, có viết một cuốn sách bằng tiếng La-tinh về khoa giải phẫu trái ngược này, và ông còn hướng dẫn cả phương pháp nữa. Theo lời Juytuyt đơ Caric Fecgux, người phát minh ra khoa phẫu thuật này là một tu sĩ tên là Evơnmo, từ ngữ xứ Iêc-lăng có nghĩa là Sông Lớn. Thằng lùn của tuyến hầu, Peckêô, người có con búp bê hay con ma-từ một cái hộp giật mình[23] trong hầm rượu Haiđenbec nhô ra, là một kiểu mẫu đặc sắc của khoa học đó, vốn rất đa dạng trong các hình thức áp dụng. Việc này tạo thành những con người mà quy luật tồn tại giản đơn một cách quái gở: được phép sống đau khổ, được lệnh làm trò giải trí. III. Việc chế tạo ra những quái vật này được thực hành trên một qui mô rộng lớn và chia ra nhiều loại khác nhau. Có thứ quái vật cần cho quốc vương; có thứ quái vật cần cho giáo hoàng. Bên này để canh gác vợ, bên kia để cầu nguyện Chúa. Đây là một loại riêng biệt không thể truyền giống được. Những kẻ gần như người này được việc cho khoái lạc và cho tôn giáo. Hậu cung cũng như nhà nguyện Xicxtin[24] đều tiêu thụ cùng một giống quái vật ở đây dữ tợn, ở kia dịu dàng. Thời ấy người ta biết sản xuất ra những thứ mà ngày nay không sản xuất nữa, họ có những tài năng mà ta thiếu hẳn, và không phải không có lý khi những bậc hiền minh kêu gào về sự suy đồi. Ngày nay người ta không biết tạc thẳng vào da thịt con người; nguyên do vì nghệ thuật cực hình không còn; về khoa này xưa kia con người vốn là bậc kỳ tài, ngày nay không được thế nữa. Người ta đã đơn giản hoá nghệ thuật này đến mức sắp tới đây có lẽ nó sẽ mất hẳn. Khi cắt tay chân của người sống, khi mổ bụng họ, khi moi ruột ra, người ta trực tiếp nắm được hiện tượng, và có những phát hiện; vì phải từ bỏ những việc đó nên chúng ta mất hết những bước tiến mà đao phủ giúp cho khoa giải phẫu. Khoa giải phẫu sinh thể này của người xưa không tự hạn chế trong việc hiến cho quảng trường những mẫu người hiếm có, cho cung đình những thằng hề, vốn là những thứ phụ gia của bọn nịnh thần, cho các quốc vương và các giáo hoàng những tên quan hoạn. Nó có rất nhiều biến thể. Một trong những kỳ tích này là làm được một con gà trống cho vua nước Anh. Ngày xưa, trong cung vua nước Anh theo tục lệ phải có một thứ người-đêm, gáy hệt như gà. Anh tuần canh này, đứng khi mọi người ngủ, cứ phải lò dò trong cung điện, và từng giờ từng giờ lại cất tiếng gáy như gà, cần bao nhiêu lần thì gáy đi gáy lại bấy nhiêu lượt, thay cho chuông. Con người này, được phong chức gà trống, nhờ thuở nhỏ đã qua một ca mổ họng, nằm trong nghệ thuật được bác sĩ Conquex miêu tả. Dưới triều Saclơ đệ Nhị, vì hậu quả mổ họng luôn luôn sinh ra dãi dớt khiến cho nữ công tước Porxmơt ghê tởm, người ta vẫn bảo tồn chức trách để khỏi làm giảm sút uy - quang của mũ miện, nhưng người ta bắt một người không bị cắt mổ gáy thay cho gà. Thông thường người ta chọn một cựu sĩ quan để giữ cái chức vụ danh giá này. Dưới triều vua Giắc đệ Nhị, viên công chức này tên là Uynliam Xanh xơn Gà-trống, và hàng năm với tiếng gáy của mình, y nhận được chín livrơ hai si linh sáu xu[25]. Hồi ký của Catêrin đệ Nhị kể lại, cách đây gần một trăm năm, ở Pêtecxbua[26], khi sa hoàng hoặc sa hậu không vừa ý một vương hầu Nga nào, liền bắt vị vương hầu đó ngồi xổm trong đại tiền sảnh của cung điện, và cứ ngồi ở tư thế đó một số ngày nhất định, theo lệnh phải meo meo như mèo, hoặc túc túc như gà mái và mổ thức ăn dưới đất. Những kiểu cách đó đã qua rồi; tuy nhiên vẫn ít hơn người ta tưởng. Ngày nay bọn nịnh thần vẫn túc túc để làm đẹp lòng bề trên, có thay âm đổi giọng đôi chút. Không ít kẻ nhặt những thứ mình ăn ở đất, chúng tôi không nói ở trong bùn. Rất may mắn là vua chúa không thể nhầm lẫn. Nhờ vậy những mâu thuẫn của các ngài không bao giờ khiến phải bối rối. Cứ tán thành mãi, người ta yên trí là lúc nào mình cũng đúng cả, điều đó dễ chịu thật. Luy XIV không thể nào ưa một vương hầu làm gà tây. Hình như Luy Đại Đế thấy việc tôn cao phẩm giá nhà vua và hoàng hậu ở nước Anh và nước Nga không hợp với vòng vương miện của Thánh Luy[27]. Người ta được biết nhà vua rất bất bình khi Lệnh bà Hăngriet một đêm nọ, quên mất tư thế của mình, đến nỗi nằm mê thấy một con gà mái, quả thật là một chuyện không hợp với tư cách một con người trong lầu son gác tía. Đã là cành vàng lá ngọc thì không được nằm mê thấy điều thấp hèn chứ. Bôtxuyê[28], người ta còn nhớ, cũng chia sẻ sự phẫn nộ của Luy XIV. IV. Như vậy là việc buôn bán trẻ con ở thế kỷ thứ mười bảy được bổ sung bằng một nghề nữa, chúng tôi vừa giải thích xong. Bọn comprasicôx mua bán thứ hàng đó và thực hành cái nghề này. Chúng mua trẻ con, gia công một tý vào thứ nguyên vật liệu đó và sau đem bán lại. Người bán thuộc đủ mọi tầng lớp, từ ông bố nghèo đói muốn trút bỏ gia đình mình, cho đến tên chủ lợi dụng chuồng ngựa người nô lệ của hắn. Bán người là một chuyện đơn giản. Ngày nay người ta còn đánh nhau để duy trì cái quyền đó. Ta còn nhớ, cách đây non một thế kỷ, cử tri Đơ Hetxơ bán gia nhân của y cho vua nước Anh, lúc ấy nhà vua đang cần người đi bắn giết ở bên Mỹ. Người ta đến nhà cử tri Đơ Hetxơ như đến cửa hàng mua thịt. Cử tri Đơ Hetxơ có thịt để nạp đại bác. Tay hoàng thân này treo gia nhân trong cửa hiệu của y. Xin cứ mặc cả, hàng bày bán đấy. Dưới thời Jêfrê, sau câu chuyện bi đát Monmaothơ có rất nhiều lãnh chúa và nhà quyền quý bị mất đầu và phanh thây; những kẻ bị cực hình này để lại vợ và con gái, góa bụa, côi cút, lớp này được Giắc đệ Nhị đem cho hoàng hậu vợ của nhà vua. Hoàng hậu bán các phu nhân này cho Ghiôm Pen. Hẳn là nhà vua được món hoa hồng và bao nhiêu phần trăm đấy. Điều dáng ngạc nhiên là không phải Giắc đệ Nhị bán những phụ nữ đó đâu, mà tại Ghiôm Pen mua họ. Việc mua bán của Pen có thể tha thứ, hoặc giải thích được vì Pen có một bãi sa mạc phải gieo giống người nên cần có đàn bà. Đàn bà chỉ là công cụ của hắn. Các phu nhân này thành món hàng béo bở của lệnh bà Hoàng hậu. Ai trẻ đẹp bán được giá cao. Người ta khó chịu như bị một cảm giác nhục nhã phức tạp, khi nghĩ rằng Pen hẳn vớ được một số nữ công tước già với giá rất rẻ. Bọn Comprasicox cũng được gọi là bọn Sâylax, từ ngữ Ấn-độ có nghĩa là kẻ lùng tìm trẻ con. Trong thời gian rất lâu, bọn Comprasicôx chỉ trốn tránh lấy lệ. Trong trật tự xã hội đôi khi có một chỗ tranh tối tranh sáng dung túng cho những ngành nghề đốn mạt, nhờ thế mà chúng vẫn còn tồn tại. Ta đã thấy ngày nay ở Tây Ban Nha có một hội kín kiểu đó, do tay buôn xì-gà Ramông Xenles điều khiển, sống dai dẳng từ năm 1834 đến năm 1806, và suốt ba mươi năm kìm kẹp ba tỉnh Vălăng, Alicăng và Muyêcxi trong tình trạng kinh hoàng. Dưới triều đại các vua Xtiua, bọn Comprasicôx không hề bị thất sủng. Lúc cần, lợi ích quốc gia vẫn sử dụng bàn tay chúng. Đối với Giắc đệ Nhị, chúng hầu như là một instrumentum regni[29]. Đấy là thời kỳ người ta diệt bớt những gia đình phức tạp và chống đối, cắt đứt những quan hệ cha con, gạt bỏ đột ngột những người thừa tự. Đôi khi người ta tước đoạt chi họ này để làm lợi cho cái họ khác. Bọn comprasicôx có một cái tài làm thay đổi diện mạo; tài này tiến dần chúng với giới chính trị. Thay đổi diện mạo hay hơn là giết chết. Tất nhiên đã có thứ mặt nạ sắt, nhưng phương pháp ấy thô bỉ quá. Không thể để cho châu Âu có những bộ mặt sắt, trong khi bọn múa rối dị dạng đi đầy đường phố, chẳng có vẻ gì là vô lý cả; với lại một mặt nạ sắt còn có thể giật bỏ được, chứ bộ mặt thịt thì không. Mãi mãi tự che mặt bằng chính bộ mặt của anh, còn gì tài tình hơn. Bọn comprasicôx nhào nặn con người như người Trung Quốc uốn tỉa cây cảnh. Chúng có bí truyền của chúng, điều đó chúng tôi đã nói rồi. Chúng có nhiều thủ thuật. Một thứ nghệ thuật đã mai một. Từ bàn tay chúng thoát ra một vật còi cọc kỳ quái. Thật buồn cười và sâu sắc. Chúng biến đổi một em bé, tài tình đến nỗi bố cũng không nhận ra được con. Và có gì đánh lừa được cả mắt người bố, như Raxin[30] nói với một lỗi tiếng Pháp. Đôi khi chúng vẫn để thẳng nguyên cột sống, nhưng chúng làm lại bộ mặt. Chúng đánh dấu một em bé như ta đánh dấu một chiếc khăn tay. Những sản phẩm dành cho bọn múa rối có những khớp xương quặt quẹo rất thần tình. Cứ tưởng như chúng bị rút mất xương. Thành những tài tử uốn dẻo. Không những bọn comprasicôx lấy mất bộ mặt đứa trẻ, mà còn lấy cả trí nhớ của nó. Ít ra chúng đã lấy mất cái chúng có thể lấy được. Đứa bé không hề ý thức được việc cắt xẻo nó đã chịu đựng. Trò giải phẫu rùng rợn đó in dấu vết trên mặt, không in dấu trong tâm trí. Giỏi lắm, nó chỉ có thể nhớ là một hôm nó bị người ta tóm được rồi ngủ thiếp đi, sau đó đã chữa được khỏi. Chữa khỏi cái gì? Nó đâu có rõ. Những chuyện nung đất bằng diêm sinh, cắt xẻ bằng dao kéo, nó chẳng nhớ gì hết. Bọn compra- sicôx, trong thời gian mổ, làm cho em bé bị mổ xẻ ngủ thiếp đi bằng một thứ bột gây mê có tiếng là bột thần làm mất đau đớn. Thứ bột đó ở Trung Quốc thời nào cũng có và đến nay vẫn còn được dùng. Trước chúng ta, ngành in, khoa phóng pháo, ngành chế tạo khí cầu, thuốc mê. Có điều, sáng kiến ở Châu âu lập tức có sức sống, sức phát triển, và trở thành phi thường kỳ diệu, thì ở Trung Quốc vẫn là bào thai, vẫn còn tồn tại trong trạng thái chết. Trung Quốc là một cái bình ngâm phôi nhi. Nhân nói về Trung Quốc, chúng ta hãy nán lại ở đây một lúc nữa vì một chi tiết. Ở Trung Quốc, thời nào người ta cũng nghiên cứu về nghệ thuật và ngành nghề sau đây: đó là nghệ nhào nặn người sống. Người ta bắt một em bé hai ba tuổi, bỏ em vào một cái lọ sứ ít nhiều kỳ quặc, không nắp, không đáy, để cho đầu và chân có chỗ thò ra. Ban ngày người ta để lọ đứng, ban đêm người ta để lọ nằm cho em bé được ngủ. Cứ như thế em bé to dần mà không lớn, dùng khối thịt bị dồn ép và mớ xương quặt quẹo của mình lấp đầy những chỗ lồi lõm của cái lọ. Sự phát triển trong chai này kéo dài nhiều năm. Đến một lúc nào đấy, không sao cứu vãn nổi. Khi xét thấy đã ăn khuôn và quái vật đã thành hình, người ta đập vỡ cái lọ, em bé thoát ra, thế là có được một con người hình một cái hũ. Thật tiện lợi; người ta có thể đặt mua thằng lùn của mình với hình dạng mình muốn. V. Vua Giắc Đệ Nhị dung túng bọn comprasicôx. Vì một lẽ chính đáng, là ông ta sử dụng chúng. Điều đó ít ra đã xảy đến với ông ta nhiều lần. Không phải lúc nào người ta cũng chê cái mà người ta ghét bỏ. Cái nghề hạ tầng này, đôi khi lại là phương tiện tuyệt diệu cho cái nghề thượng đẳng mà người ta gọi là chính trị, đã bị cố tình kìm hãm trong tình trạng khốn khổ, nhưng không bị truy nã. Không có một sự giám sát nào cả, nhưng phần nào có để ý. Như vậy có thể hữu ích. Pháp luật nhắm con mắt này, nhà vua mở con mắt kia. Đôi khi nhà vua còn dám thú nhận sự đồng loã của mình nữa. Đó là những chuyện to gan của chế độ khủng bố quân chủ. Kẻ bị biến diện còn bị đóng dấu ấn hoa huệ[31] người ta cắt bỏ dấu ấn của Chúa, và đóng dấu ấn nhà vua vào. Trong nhà Giacôp Axlây, hiệp sĩ và tòng nam tước, lãnh chúa Mentơn, cảnh sát trưởng lãnh địa Norfon, có một đứa bé, trên trán nó người bán đã dùng sắt để in một dấu hoá huệ. Trong một số trường hợp, vì những lý do này nọ, nếu muốn chứng minh nguồn gốc không chối cãi được về hoàn cảnh mới của một đứa bé, người ta thường dùng phương pháp đó. Nước Anh đã luôn luôn dành cho ta cái hân hạnh sử dụng hoa huệ trong những việc riêng. Bọn comprasicôx, với nét khác biệt phân chia một nghề sinh nhai với một cuồng tín, tương tự như những bọn bóp cổ người Ấn Độ; chúng sống với nhau thành đoàn, hơi giống bọn hề, như chỉ để cho có cớ. Việc đi lại của chúng nhờ đó được dễ đàng hơn. Chúng cắm lều chỗ này chỗ nọ, nhưng trầm ngâm mộ đạo, không giống các dân du cư khác về một điểm nào cả, và không bao giờ ăn trộm. Một thời gian rất lâu, nhân dân vẫn lầm lẫn chúng với người Morơ Tây Ban Nha và người Morơ Trung Quốc. Người Morơ Tây Ban Nha là bọn làm bạc giả, người Morơ Trung Quốc là bọn ăn cắp. Cánh bom- prasicôx không bao giờ như vậy. Chúng là những con người lương thiện. Ai muốn nghĩ sao tuỳ ý, đôi khi chúng chu đáo một cách rất thành thật. Chúng đẩy cửa, bước vào, mặc cả mua một em bé, rồi trả tiền và bế em bé đi. Chuyện đó tiến hành rất đúng đắn. Chúng thuộc đủ mọi nước. Dưới cái tên Comprasicôx đó, người Anh, người Pháp, người Caxti[32], người Đức, người Ý, song thân thiện bên nhau. Cùng một tư tưởng, cùng một mê tín, cùng khai thác chung một nghề, đó là nguyên do của những sự hợp nhất đó. Trong mối tình huynh đệ côn đồ đó, bọn lơvăng đại diện cho phương Đông, bọn pônăngte[33] đại diện cho phương Tây. Vô khối người Baxcơ và người Iêclăng hiểu nhau, họ nói bằng thứ tiếng lóng cổ xưa của người Cactagiơ[34]; thêm vào đó những quan hệ mật thiết giữa xứ Iêclăng chính thống với xứ Tây Ban Nha chính thống. Quan hệ thế nào mà cuối cùng hai xứ cho treo cổ tại Luânđôn một ông gần như là vua Iêclăng, huân tước Đơbrang người xứ Galơ, nhờ đó mà có lãnh địa Lêtơrim. Bọn comprasicôx là một thứ phường hội chứ không phải một bộ lạc, như một thứ cặn bã hơn một phường hội. Đây là toàn bộ tầng lớp đói rách của trần gian lấy tội ác làm nghề sinh sống. Đây là dân tộc aclơcanh[35] gồm tất cả các thứ áo manh quần vá. Nhận một con người vào hội tức là vá thêm một mảnh vụn. Lang thang là quy luật tồn tại của bọn comprasicôx. Xuất hiện đó rồi biến mất đó. Cái gì chỉ được tha thứ thì không bao giờ bám rễ. Ngay cả trong những vương quốc xem chúng là kẻ cung cấp hàng cho triều đình, và khi cần là trợ thủ của vương quyền, đôi lúc chúng cũng thình lình bị ngược dãi. Vua chúa sử dụng nghệ thuật nhưng đày đoạ nghệ nhân. Những chuyện phi lý đó sẵn có trong tính khí bất thường của nhà vua. Vì đó là ý thích của chúng ta. Hòn đá hay lăn và nghề nghiệp lén lút không bao giờ có rêu bám. Bọn comprasicôx đều nghèo khổ. Lẽ ra chúng có thể nói như mụ phù thuỷ gầy gò rách rưới nhìn thấy dàn thiêu bốc lửa; - Lợi bất cập hại! - Có lẽ, chắc hẳn nữa là khác, những thủ lĩnh của chúng, vẫn không được ai biết đến, những bọn chủ thầu cỡ bự trong nghề buôn trẻ con, cũng giàu có. Điểm này, sau hai thế kỷ, cũng khó làm sáng tỏ lắm. Như chúng tôi đã nói, đây là một thứ hội kín. Nó có luật lệ, lời thề, thể thức của nó. Hầu như nó có cả yêu thuật. Ngày nay ai muốn biết nhiều chuyện đó của bọn Comprasicôx, xin mời sang Bixcay và Galix. Vì có rất nhiều người Baxcơ trong số, nên truyền thuyết của chúng xuất xứ từ những rặng núi đó. Hiện nay người vẫn bảo là có bọn comprasicôx ở Oiaczun, ở Uyêcbitondô, ở Lêzê, ở Axtigara. Ở nước đó, Aguarđate, nino, que voy a llamaz al comprachicos[36] là câu các bà mẹ thường doạ con cái. Bọn comprasicôx, cũng như bọn xư-gan và bọn gipxi, hẹn nhau chỗ tụ tập. Thỉnh thoảng bọn thủ lĩnh trao đổi hội đàm. Vào thế kỷ mười bảy chúng có bốn nơi chính để gặp nhau. Một ở Tây Ban Nha, đèo Pancorbe; một ở Đức, khu rừng thưa có tên gọi là Người-đàn-bà-bất-chính, gần Điêkiêc, nơi có hai bức tượng nổi bí hiểm tượng trưng một phụ nữ chỉ có đầu và một người đàn ông không đầu; một ở Pháp, ngôi mộ cổ có bức tượng khổng lồ Cái Chuỳ-Hứa hẹn, trong khu rừng thiêng Borvê Tômôna, cạnh Buôcbon-lê-Banh; một ở Anh, sau bức tường vườn của Uyliam Salenơ, dũng sỹ tuỳ tùng của Gixbrao ở Clevơlan Yooc, giữa hai tháp vuông và cái đầu hồi lớn có một cửa hình cung nhọn. VI. Ở Anh những luật lệ chống bọn du đãng bao giờ cũng rất khắc nghiệt. Trong pháp chế gô-tích của mình, nước Anh dường như dựa theo nguyên tắc: Homo errans fera errante peer[37]. Một trong những luật lệ đặc biệt của nước Anh xem người vô gia cư "nguy hiểm hơn rồng, rắn độc, mèo rừng và rắn ma" (atrocior aspide, dracone, lynce et basilico). Nước Anh từ lâu lo ngại về bọn jixpi mà họ muốn giũ sạch, cũng như lo ngại về chó sói mà họ đã quét hết. Về điểm này, người Anh khác người Iêclăng chỉ biết cầu thánh ban sức khoẻ cho sói và gọi sói là "kẻ đỡ đầu". Tuy vậy pháp luật nước Anh, như ta vừa thấy, đã tha cho loại sói được thuần dưỡng nuôi trong nhà và đã trở thành chó nhà: cũng dung thứ cho kẻ du đãng thực thụ đã trở thành công dân. Người ta không quấy rầy anh hề xiếc, anh cắt tóc rong, nhà vật lý, người phu khuân, nhà bác học ngoài trời, bởi vì họ đã có một nghề sinh sống. Ngoài điểm đó ra, và chỉ trừ những biệt lệ đó thôi, tính chất tự do trong con người lang thang vẫn khiến cho luật pháp phải lo sợ. Một kẻ qua đường có thể là một kẻ thù. Ngày xưa, cái việc hiện đại, gọi là đi nhởn nhơ, chưa được ai biết; người ta chỉ biết có cái việc cổ xưa là rình mò. "Bộ mặt khả nghi" thứ mà mọi người đều hiểu và không ai có thể định nghĩa, đủ để cho xã hội tóm cổ một con người. Mày ở đâu? Mày làm gì? Và nếu hắn không trả lời được, thì có nhiều hình phạt nặng nề chờ đợi hắn. Sắt và lửa đều được ghi trong pháp luật. Luật pháp thực hành việc đốt cháy da thịt của kẻ lang thang. Dó đó, trên toàn bộ đất nước Anh, có một "đạo luật tình nghi" thực sự, áp dụng cho bọn lang thang lúc nào cũng có thể trở thành kẻ bất lương, cứ nói thẳng là thế, và đặc biệt áp dụng cho bọn Jipxi mà việc trục xuất đã được so sánh sai với việc trục xuất người Do thái, người Morơ ở Tây Ban Nha và người theo đạo cải lương ở Pháp. Còn chúng tôi, chúng tôi không bao giờ lầm lẫn một việc săn lùng với một việc khủng bố. Cần nhấn mạnh, bọn comprasicôx không có gì giống bọn Jipxi cả. Bọn Jipxi là một nước, bọn comprasicôx là một hợp thể của tất cả các nước; một cặn bã, như chúng tôi đã nói; cái chậu ghê tởm chứa đựng mọi thứ nước bẩn. Bọn comprasicôx không có một thổ ngữ riêng như bọn Jipxi; tiếng lóng của chúng là một thứ thổ ngữ hỗn tạp; tất cả mọi thứ ngôn ngữ trộn lẫn thành ngôn ngữ của chúng; chúng dùng một thứ tiếng hổ lốn. Cũng như bọn Jipxi, cuối dùng chúng thành một dân tộc len lỏi giữa các dân tộc, nhưng mối liên hệ chung của chúng là hội kín chứ không phải chủng tộc. Qua tất cả các thời kỳ lịch sử, người ta có thể nhận thấy trong cái biển cả gọi là nhân loại này có những giòng suối người độc hại chảy riêng rẽ như thế, phần nào gây ô nhiễm xung quanh chúng. Bọn Jipxi là một gia đình, bọn comprasicôx là một thứ hội tam điểm, tam điểm[38] mà không có một mục đích cao cả, tam điểm mà lại có một nghề sống ghê tởm. Điểm khác cuối cùng là tôn giáo. Bọn Jipxi vốn vô đạo, bọn comprasicôx là tín đồ cơ đốc giáo; và còn ngoan đạo nữa; xứng đáng với một hội kín, mặc dầu pha tạp bằng mọi dân tộc, đã nẩy sinh ở Tây Ban Nha, nơi rất sùng đạo. Bọn chúng không chỉ ngoan đạo; chúng còn theo phái chính thống; và hơn cả chính thống, chúng phục tùng giáo hội La-mã; đa nghi trong tín ngưỡng và thuần tuý đến mức, từ chối không kết bạn với đám du cơ Hungari khu Pext[39] dưới quyền chỉ huy và lãnh dắt của một cụ già cầm quyền trượng núm bạc trên có con đại bàng hai đầu của nước Áo. Đúng, đám dân Hung này là bọn ly giáo đến mức tổ chức lễ Đức Bà lên trời vào ngày 27 tháng tám[40], thật là tồi tệ. Ở nước Anh, giống họ Xtiua còn trị vì ngày nào thì hội kín comprasicôx còn gần như được che chở, chúng tôi đã nói sơ qua lý do. Giắc đệ Nhị, một người mộ đạo, thường khủng bố dân Do thái và tầm nã bọn Jipxi, lại là một vị hiền vương đối với bọn comprasicôx. Ta đã thấy vì sao rồi. Chính comprasicôx mua cái khoản nhân liệu mà nhà vua lại là người buôn. Chúng có biệt tài trong việc thủ tiêu. Lợi ích nhà nước thỉnh thoảng lại muốn có những việc thủ tiêu. Một người thừa kế này trở ngại, tuổi còn thơ mà được chúng mó đến nhào nặn tất mất hẳn hình dạng. Nhờ thế những việc tịch thu được dễ dàng. Việc thuyên chuyển lãnh địa cho những người được sủng ái do đó trở thành đơn giản. Bọn comprasicôx lại rất kín đáo và rất ít nói, chúng giao ước im lặng và biết giữ lời hứa, điều rất cần thiết đối với những chuyện quốc gia. Hầu như không có trường hợp nào mà chúng phản bội những điều bí mật của vua. Đó là quyền lợi của chúng, đúng thế. Và nếu vua mất lòng tin thì chúng gặp đại họa ngay. Vì vậy về phương diện chính trị, chúng là một phương tiện. Ngoài ra, bọn nghệ sĩ này còn cung cấp ca sĩ cho giáo hoàng. Bọn comprasicôx được việc khi cần hát bài thánh thi Alêgri. Chúng đặc biệt trung thành với Mari. Tất cả những việc đó thích hợp với khuynh hướng phục tùng giáo hội La-mã của triều đại Xtiua. Vua Giăc đệ Nhị không thể thù nghịch với những con người mộ đạo, sùng bái Đức Bà Đồng trinh đến mức sáng tạo ra những hoạn quan. Năm 1688 ở nước Anh có sự thay đổi triều đại. Dòng họ Orengiơ thay thế giòng họ Xtiua. Ghiôm đệ Tam thay thế Giăc đệ Nhị. Giăc đệ Nhị chết ở chỗ đi đày, tại đây ông ta làm phép mầu trên mộ mình, và thánh tích của ông chữa cho giám mục Ôtun khỏi bệnh trĩ, phần thưởng xứng đáng với đức tin của vị vua này. Ghiôm không có những ý nghĩ và việc làm như Giăc nên tỏ ra nghiêm khắc với bọn comprasicôx. Ông rất cương quyết trong việc tiêu diệt lũ sâu bọ kia. Một pháp lệnh thời kỳ đầu của Ghiôm và Mari đánh rất mạnh vào hội kín của bọn mua trẻ con. Quả là một chuỳ giáng vào đầu bọn comprasicôx, từ đó bị nghiền nát. Theo các điều khoản của pháp lệnh trên, những kẻ thuộc hội kín đó, một khi bị bắt và xác nhận, phải chịu hình phạt đóng dấu sắt đỏ trên vai có chữ R, tức thief nghĩa là ăn trộm và trên bàn tay phải một chữ M, tức manslay nghĩa là giết người. Bọn thủ lĩnh "được gọi là giàu có, mặc dầu bề ngoài là ăn mày" sẽ bị hình phạt collistrigium tức đài bêu tội nhân, trán bị đóng một chữ P[41], thêm tài sản bị tịch thu và cây cối trong rừng bị đào trốc hết. Kẻ nào không chịu tố giác bọn comprasicôx sẽ bị "phạt tịch thu và tù chung thân" như đối với tội mis- prision[42]. Còn phụ nữ bắt được ở trong bọn này phải chịu hình phạt cucking stool[43] một loại ghế bập bênh mà tên gọi, gồm từ ngữ Pháp coquine[44] và từ ngữ Đức stuhl, có nghĩa là "nghề ". Luật pháp nước Anh vốn sống dai một cách kỳ quặc, nên hình phạt này vẫn tồn tại trong pháp chế nước Anh đối với mấy "bà hay đánh nhau". Người ta treo loại ghế "cucking stool" này trên một giòng sông hay một cái đầm, cho người phụ nữ ngồi lên, đoạn thả cái ghế tõm xuống nước, rồi lại kéo cái ghế lên, và cứ diễn đi diễn lại ba lần cái trò bổ nhào ấy để làm "mát tính" bà kia, như lời nhà bình luận Sembơclên. -------------- [3] Uyêcxuyt: gấu; Ômô: người. [4] Buffon: nhà động vật học nổi tiếng của nước Pháp, thếvkỷ XVIII. [5] Nêron: sinh năm 37, làm hoàng đế La-mã từ năm 55 đến năm 68, nổi tiếng về độc ác, tàn nhẫn, điên rồ. [6] Hippocrate: thầy thuốc nổi tiếng như Hoa-đà; Pindare, thi sĩ trữ tình, cả hai ông đều của Cổ hy-lạp. [7] Nguyên văn là lít: từ này vừa có ý nghĩa là lòng sông, vừa có ý nghĩa là giường ngủ [8] Xôcrát (Socrate): nhà đại hiền triết Hy-lạp sống vào thế kỷ thứ nhất trước Thiên chúa giáng sinh, chỉ lấy lời nói dạy môn đồ. [9] Lu te (Luther) 1483-1546; triết gia và giáo sĩ người Đức đã đề xướng việc cải cách Cơ đốc giáo và lập ra Tân giáo tức Đạo tin lành. [10] Bộ: đơn vị đo chiều dài, bằng 0,324m [11] Jeffreys: tế tướng Anh, nổi tiếng tàn bạo về các bản án của y. [12] Nguyên văn tortil: loại mũ có những chi tiết đứng xoã. [13] Nghĩa là: người ta chỉ cấp cho các con gái khác tuỳ theo khả năng (chú thích của Uyêcxuyt bên tể tướng) Victo Huy gô. [14] Giòng hiệp sĩ gồm có hai mươi lăm người, thành lập năm 1348. Nhân sự kiện sau: nữ bá tước Xalibiury để rơi một chiếc nịt tất (tiếng Pháp là giarơtie-Jarrelière) do đó mà có tên của dòng hiệp sĩ này, Vua Êđua III nhặt trả lại và nói: Honni soit qui mal y pense (Nhục thay kẻ có tà niệm). Câu nói này trở thành châm ngôn của giòng Giarơchie. [15] Nhà tù quốc gia của nước Anh. [16] Quan giám sát các sở nuôi chim săn của vua chúa ngày xưa [17] Nhục thay kẻ có tà niệm. Châm ngôn của giòng hiệp sĩ Giarơchie.. [18] Tiếng La tinh: Lòng can đảm cứng rắn hơn đầu cừu (máy phá thành hình đầu cừu). [19] Luvrơ (Lovvres) cung điện của vua Pháp ở Paro, xây dựng từ thế kỷ XII, đã nhiều lần bị phá, được làm thêm và sửa sang qua các triều đại cho đến thế kỷ XIX. [20] Bà Đơ Xêvinhê (De Sévignê) : nữ văn sĩ Pháp, thế kỷ XVII nổi tiếng về tài viết thư. [21] Hình phạt ngày xưa buộc tội nhân vào bánh xe rồi đánh cho gãy chân. [22] Vanhxăng đơn Pôn (Saint Vin cent de Paul 1576-1660) : giáo sĩ danh tiếng Pháp, người đã thành lập nhiều hội từ thiện như giòng nữ tu sĩ tháng Vanhxăng đơ Pôn, giòng cha thánh Loza. [23] Thứ đồ chơi có lò xo làm người xem giật mình. [24] Tiểu giáo đường của Toà thánh Vaticăng, xây dựng theo lệnh của Xiextơ IV, có những bức hoạ nổi riêng của Mikel-Ăngiơ [25] Xem bác sĩ Sembơclên. Tình trạng hiện nay của nước Anh 1688 phần một, chương XIII, trang 179 (V.Hugô). [26] Tên cũ của Lêningrát. [27] Luy Đại Đế tức Luy XIV. Thánh Luy (Saint Louis 1215-1270) tức vua Luy XI danh tiếng và hiền đức của nước Pháp. [28] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704); giáo sĩ và nhà hùng biện của nước Pháp, nổi tiếng về các bài thuyết giáo và điếu văn [29] Một phương tiện để cai trị [30] Raxill(Racine 1639 - 1699): thi hào nổi tiếng của nước Pháp chuyên viết bi kịch. [31] Một hình phạt thời xưa. Tột phạm bị đóng dấu sắt nung đỏ hình hoa huệ vào bả vai hoặc trên trán. [32] Người Tây Ban nha. [33] Ngày xưa người vùng Địa Trung Hải gọi dân phương Đông là Lơvăngtanh, và dân miền Đại Tây Dương là Pônangte [34] Caclagiơ (Carthage): thành phố ở Phi châu do người Phênixi lập ra từ năm 814 trước Thiên chúa giáng sinh trênmột bán đảo gần thành phố Tuynix (Tuynidi) bây giờ. [35] Aclơcanh: loại hề chuyên mặc kiểu quần áo may chắp loang lổ. [36] Coi chừng tao đi gọi comprasicôx. [37] Con người lang thang đáng sợ hơn dã thú lang thang. [38] (Hội tam điểm (Frane maconnerie): Một hội kín lan rộng ở nhiều nước. Hình như gốc của nó là một hội tương tế của thợ nề (macon: thợ nề) từ thế kỷ VII, dần dần nó mang tính chất chính trị, chủ trương hội cần phải coi nhau như anh em, không phân biệt dân tộc, tầng lớp xã hội. Vào hội phải tuyên thệ không tiết lộ bí mật của hội [39] Ngày xưa, thủ đô nước Hungari có hai khu vực là Buđa và Pext nay hơn nhái thành Buđapext. [40] Lễ Đức Bà lên trời lẽ ra phải là ngày 15 tháng tám. [41] P: chữ đầu của từ pilori nghĩa là đài đê bêu những người phạm tội nặng trước công chúng. [42] Tiếng Anh: tội không chịu phát giác, không làm tròn nhiệm vụ. [43] Tiếng Anh. [44] Con mụ du côn, đểu giả.