ashington D.C. 1991 Ly dị với Nguyệt xong Hoàn thấy nhẹ hẳn người. Không còn những nét mặt giận hờn, những cãi vã dai dẳng, những câu chì chiết làm làm đời sống trở nên nặng nề. Hoàn ra khỏi nhà với một valise quần áo, và bằng lòng để Nguyệt nuôi dạy các con. Các dãy chung cư đang cho mướn cũng được bán hết, tài sản chia đôi, đủ cho Nguyệt, và cho Hoàn, sống suốt cuộc đời còn lại một cách thoải mái, không phải lo nghĩ về sinh kế. Hoàn cũng không phải trợ cấp cho các con vì Hoàn giao luôn căn nhà đồ sộ đã trả hết mortgage ở vùng McLean cho Nguyệt, như một điều kiện trong hợp đồng chia tay. Hoàn dọn vào căn aparment nhỏ nhưng khang trang ở vùng Fairfax. Thực ra ngoài valise quần áo Hoàn còn giữ được chiếc BMW và chiếc du thuyền nhỏ cho riêng mình, chiếc du thuyền là đầu mối cho sự tan vỡ của hai vợ chồng vì Nguyệt ghét con tàu bé nhỏ tù túng và Nguyệt nghi ngờ là Hoàn đã dùng đó làm phương tiện cho những mối tình lăng nhăng. Mối nghi ngờ của Nguyệt chỉ đúng một phần, Hoàn quả có dùng chiếc du thuyền đó tiếp đãi bạn bè, đưa nhau ra biển câu cá, ca hát, và uống cho say để quên đời, tuy nhiên mặc dù có nhiều người đàn bà đã bước chân xuống con tàu đó nhưng chưa một ai được Hoàn coi như người tình của mình. Nếp sống mới khiến Hoàn hụt hẫng nên Hoàn thường lang thang đây đó nhiều hơn là ở nhà. Nhiều đêm Hoàn ngủ luôn tại du thuyền, chỉ thỉnh thoảng mới trở về căn apartment nhận thư từ, trả lời điện thoại cho bạn bè và người quen. Sáng chủ nhật hôm đó Hoàn đang ngồi uống cà phê, ngắm ánh mặt trời long lanh trên sông ở sân sau tàu thì Tùng dẫn người đàn bà còn rất trẻ đó tới thăm. Tùng nhỏ con và là bạn rất thân nên Hoàn thường gọi Tùng là “Tùng Muỗi”. Tùng cũng như Hoàn, đã ly dị vợ, và đang dạy học tại Georgetown University. Hôm qua Tùng điện thoại cho Hoàn, muốn Hoàn chở Tùng và một người bạn ra biển chơi. Toàn khoe là Hân, cô bạn mới quen đang làm việc tại toà Đại Sứ Pháp, rất dễ thương và thông thái hơn bất cứ người con gái nào mà Tùng đã từng quen. Hoàn gật đầu chào khi thấy hai người bước xuống tàu, Tùng ba hoa: Giới thiệu với Hân đây là ông chủ tàu nhà giàu, độc thân vui tính. Còn đây là cô Hân, vừa là bạn và vừa là học trò của “moi” tại university. Hoàn cười: Hân hạnh biết chị. Nghe anh Tùng nói là chị làm việc tại toà Đại Sứ Pháp? Hân lịch thiệp đưa tay bắt tay Hoàn: Vâng, Hân làm việc tại toà Đại Sứ, và cũng mới đến xứ này nên ghi danh học thêm về lịch sử và chính trị nuớc Mỹ tại đại học của anh Tùng. Chị và anh Tùng cứ tự nhiên đi quanh tàu cho biết. Tôi sẽ khởi động máy và tách bến liền bây giờ. Hân gật đầu cám ơn Hoàn và theo Tùng tung tăng khắp nơi. Hoàn nhanh nhẹn chuẩn bị cho tàu tách bến, hướng mũi ra biển. Mùa hè nắng vàng rực rỡ, từ trong phòng lái Hoàn nhìn thấy Tùng và Hân đứng sau phiá lái tàu chuyện trò, mái tóc Hân bồng bềnh trong gió nhẹ, mắt Hân ngước nhìn mây trắng bay, và thỉnh thoảng cười rất vui trong lúc chuyện trò. Hoàn thò đầu ra khỏi phòng lái hét lớn: Có beer và nước uống trong tủ lạnh. Hai bạn cứ tự nhiện, chùng hơn tiếng nữa mình sẽ ghé vào chỗ nào đó ăn trưa. Tùng vẫy tay ra hiệu như đã hiểu. Hoàn lặng lẽ giữ cho con tàu chạy chầm chậm dọc bờ sông Potomac, mắt lơ đãng nhìn những bóng cây thấp thoáng trên đất liền, nghĩ ngợi vẩn vơ. Cũng hơn một năm rồi từ ngày chia tay, Hoàn chưa bao giờ gặp lại Nguyệt, nhưng qua bạn bè Hoàn vẫn nghe tin vợ cũ. Nguyệt bây giờ vui hơn, và đã có người đàn ông mới trong đời, một người đàn em cũ của Hoàn. Thôi thế cũng xong, khi nghe tin Hoàn thấy chợt buồn, nhưng chỉ một phút giây thoáng qua rồi thôi vì Hoàn biết là hai người không thể nào trở lại với nhau. Có tiếng cãi cọ từ sân sau. Hoàn quay mặt nhìn xuống, thấy cả Tùng và Hân đều vung tay khỏi đầu, dáng điệu giận dữ. Hoàn ngạc nhiện khi thấy Hân dậm chân, quay ngoắt người bước lên cầu thang vào phòng lái. Hoàn e dè: Có chuyện gì vậy chị Hân? Hân nhún vai: Không ngờ ông Tùng lại tệ đến như vậy! … Anh biết không, ông ấy ca tụng đảng dân chủ, cái đảng chỉ biết tăng thuế và bợ đỡ dân nghèo. Hoàn bật cười: Thì ra hai người nói chuyện chính trị. Thảo nào! Còn nữa, ông ấy khoe là đã gặp tùy viên văn hoá của toà Đại Sứ Cộng Sản tại đây, và sẽ về nước hợp tác với chính quyền bên đó. Hân không thể nào chịu được mấy kẻ phản bội. Anh biết là Tùng ngày xưa đi du học bằng học bổng của chính phủ VNCH, phải không? Hoàn trầm ngâm: Tôi biết, nhưng mỗi người mỗi chí hướng, là bạn bè thân nên tôi không tiện phê bình. Những người tỵ nạn như chúng mình phải có thái độ chứ. Hân dời VN năm nào? Boat people năm 1980 đó anh! Lúc đó Hân đã đủ lớn để biết thế nào là ghê tởm và căm hờn. Hoàn thở dài: Bạn bè tôi vượt biên cũng nhiều, và có vài người bỏ mình trên biển. Nhớ tới họ lúc nào cũng thấy bùi ngùi, xót xa. Nghe anh Tùng nói, anh là cựu sỹ quan Hải Quân, qua đây từ năm1975. Vâng. Năm đó tan hàng, dắt díu nhau sang đây, thoáng một cái đã hơn 15 năm mà tưởng như mới hôm nào. Vẫn còn nhớ những ngày bồng bềnh sông nước, cùng bạn bè xuôi ngược suốt chiều dài bờ biển Việt Nam. Hân nghĩ là anh còn rất yêu biển. Hân thì Hân sợ lắm. Chuyến vượt biên thật hãi hùng, may mà Hân được tàu Pháp vớt sau một tuần lênh đênh, và nhờ đó cả gia đình Hân hiện giờ định cư bên đó. Còn Hân sao lại trôi giạt sang đây? Hân đưa tay vuốt làn tóc bị gió thổi che lấp khuôn mặt thanh tú, gượng cười: Đi trốn đó anh. Tình yêu không trọn vẹn, Hân buồn nên xin việc làm ngoài nước Pháp. Hoàn cười buồn: “Cùng một lứa bên trời lận đận.” Hân cũng cười: Chuyện lâu rồi anh. Hân cũng đã quên. Hân về Pháp thăm nhà thường không? Mỗi năm một lần là nhiều. Đã nói là đi trốn mà. Còn anh, anh qua Pháp chơi bao giờ chưa? Chưa bao giờ. Sao vậy? Nước Pháp có nhiều nơi đáng cho mình thăm viếng lắm anh. Nhưng tôi không biết nói tiếng Pháp nên sợ … lạc đường. Hân bật cười khúc khích: Anh cần Hân làm thông ngôn không? Hoàn gật đầu: Deal! Bao giờ Hân về Pháp cho tôi đi theo. Nhớ nhé. Dạ nhớ. Bố mẹ Hân hiện sống ở Nice. Anh qua chơi, gia đình Hân sẽ rất vui. Xin hứa. Một ngày nào đó tôi sẽ theo Tùng qua Pháp thăm gia đình Hân. Hân bực tức: Quên Tùng đi. Hân không gặp Tùng nữa đâu, và sẽ bỏ luôn lớp của ông ấy, không học nữa. Bực quá rồi. Hoàn an ủi: Đừng buồn Hân ạ. Đường mình, mình đi. Nếu không ai cản đường thì mặc họ. Hân vẫn vùng vằng: Hân không thích mấy anh thân Cộng. Chút nữa anh Hoàn … anh đưa Hân về nhé. Hân không muốn đi với Tùng nữa. Hoàn thở dài: Như vậy có tiện không? Sợ là Tùng sẽ rất buồn. Có gì mà không tiện. Hân và anh Tùng cũng mới biết nhau đây thôi. Hoàn chỉ cười không trả lời, biết là khó lòng làm Hân thay đổi ý kiến, và cuộc du ngoạn đã trở nên gượng gạo, nên quay mũi tàu trở về bến cũ. Tùng hình như cũng còn rất bực bội, chỉ đứng chống nạnh nhìn Hân và Hoàn khi tàu cập cầu xong, không nói với hai người một tiếng nào. Hoàn nhỏ nhẹ: Tùng, ông về trước đi. Từ ngày quen Hoàn, và được Hoàn dẫn đi uống cà phê Starbucks, Hân đã hầu như nghiện cái không khí đặc thù của những quán cà phê này. Cái phin cà phê mang từ bên Pháp sang bị Hân bỏ quên trong tủ. Mỗi lần cảm thấy thèm cà phê Hân đi bộ ra đầu phố, ngồi rất lâu trong cái quán thân quen, với cuốn truyện hoặc mang theo lap-top, lướt nhanh các diễn đàn tiếng Việt, đọc những bài có liên quan tới sinh hoạt văn hoá hoặc tin tức quê nhà. Những lúc như vậy Hân thường nhớ tới Hoàn, và vài lần điện thoại cho Hoàn ra “ngồi đồng” với mình. Hoàn thường tới với nụ cười ấm áp, ngồi nhấm nháp ly latte, kể chuyện ngày tháng cũ cho Hân nghe. Có những lúc hai người yên lặng rất lâu, nhưng Hân không thấy ngượng ngùng, trái lại cả Hân lẫn Hoàn đều cảm thấy rất gần gũi như thể là hai người đang nghĩ đến một điều gì rất thân quen. Khu Georgetown là nơi hai người hay lui tới. Những tiệm ăn Pháp im vắng là nơi hai người uống với nhau những ly rượu vang ấm nồng, nhất là những lúc trời lạnh, hay tuyết bắt đầu rơi. Hoàn thường đưa Hân về tận cửa apartment của Hân nhưng chưa một lần bước chân vào dù quen nhau đã gần một năm. Hai người giã từ nhau bằng những bàn tay nắm chặt, hoặc thỉnh thoảng bằng một cái hôn nhẹ trên má. Sau những đổ vỡ cả hai người đều thấy quí tình bạn hơn tình yêu, nhất là tình bạn của những người cùng có một tâm hồn yêu thích văn chương, cùng chung một triết lý về cuộc đời. Gần hai tuần rồi không thấy Hân gọi. Hoàn điện thoại tới sở vài lần nhưng đều không gặp. Điện thoại nhà lúc nào cũng như bận, hầu như đã tạm disconnected để không bị làm phiền. Hân không lái xe, hàng ngày dùng xe bus và xe điện ngầm đi làm nên chắc là không phải lang thang đi chơi xa. Hoàn ngần ngại nhưng rồi cũng tới gõ cửa apartment của Hân. Hoàn gõ nhiều lần mới nghe tiếng chân bước chậm chạp, và một lúc lâu mới thấy Hân ngần ngừ hé mở cánh cửa, cúi đầu nói nhỏ: Xin lỗi anh. Hoàn kêu lên ngạc nhiên: Hân sao vậy? Tôi vào được không. Bối rối một chút nhưng cuối cùng Hân cũng mở rộng cánh cửa: Nhà cửa bê bối, anh đừng cười nhé. Mặt Hân trắng xanh, bước những bước đi chậm chạp về phiá sofa, chìa tay mời Hoàn ngồi. Hoàn ái ngại: Hân đau hả, hay là có chuyện gì buồn? Hân cúi đầu: Hân đau hơn tuần nay. Đầu nhức như búa bổ nên phải nghỉ làm. Hân đi bác sĩ chưa? Bác sĩ nói chỉ là cảm cúm thông thường, Hân cũng đã bị như vậy nhiều lần, ít ngày là khỏi thôi, nhưng … Nhưng sao? Hân lắc đầu: Lần này không chỉ nhức đầu, mắt Hân nhìn không rõ. Đã bớt nhức đầu nhưng mắt vẫn mịt mờ. Anh ngồi lại gần Hân mới nhìn thấy rõ. Hoàn bùi ngùi xích lại gần, nắm bàn tay Hân: Hân sống một mình, mắt lại không nhìn rõ, có ai đến đây giúp đỡ Hân không? Không anh. Hân không có người thân ở đây. Bạn bè có vài người nhưng Hân ngại không dám nhờ. Có anh là thân, nhưng … Hân đừng nghĩ xa xôi. Có nhớ lần gặp nhau đầu tiên anh đã nói “chúng mình cùng một lứa bên trời lận đận”, giúp đỡ lẫn nhau một chút có sao đâu. Hân vào thay quần áo đi, anh đưa Hân tới một bác sĩ mắt mà anh quen. Hân cúi đầu: Không cần đâu anh. Hân biết rõ tại sao mắt không nhìn rõ rồi anh. Tại sao? Mắt Hân bị cataracts, không có thuốc nào chữa khỏi. Chỉ có cách giải phẫu, mà giải phẫu thì quá tốn kém. Lúc này Hân không đủ khả năng. Hoàn ngạc nhiên: Bảo hiểm sức khoẻ sẽ trả gần hết phí tổn. Hân đã liên lạc với họ chưa? Hân lắc đầu buồn bã: Hân là nhân viên phù động, ăn luơng công nhật, hợp đồng gia hạn hàng năm, không có bảo hiểm sức khoẻ, và hiện mang quốc tịch Pháp chứ không phải là công dân Mỹ nên không thể xin trợ giúp của bất cứ cơ quan nào. Hoàn thở ra: Thì ra là vậy. Nhưng Hân phải làm sao chứ không thể để mãi tình trạng này. Hân gượng cười: Chỉ còn có cách Hân bỏ xứ này, về lại Pháp với gia đình. Hoàn hốt hoảng: Đừng! Hân đừng về. Hân yên lặng cúi đầu. Hoàn xiết nhẹ bàn tay Hân: Anh sẽ lo cho Hân, nếu Hân cho phép. Hân vẫn yên lặng cúi đầu, bàn tay run lên trong tay Hoàn: Hân … em khộng biết … Hoàn nói nhanh: Việc đầu tiên là Hân dọn về ở chung với anh. Nhà anh có hai master bed rooms, Hân sẽ rất tự do, và anh có thể giúp đỡ Hân những lúc cần. Anh sẽ lo cho Hân giải phẫu mắt, và cư trú hợp pháp vĩnh viễn trên đất Mỹ. Hân cho phép anh nghe. Giọt nước mắt lăn dài từ khoé mắt, Hân lắc đầu: Em không muốn anh tốn kém lo cho em, em … Hoàn quàng tay ôm bờ vai đang run rẩy của Hân, dỗ dành: Hân đừng lo, anh sẽ có cách không tốn kém gì nhiều. Bây giờ nghe anh, vào phòng nằm nghỉ để anh vắt cho em ly nước cam. Nghe anh, chóng ngoan. Con mắt bên phải của Hân vừa được giải phẫu, còn được băng kín. Hân thoải mái nằm trên giường, nắm tay Hoàn ngồi cạnh, lòng hân hoan. Hoàn nhìn Hân đăm đăm rồi chợt mỉm cười: Em biết không, hôm đề nghị với em chuyện đó anh chỉ sợ em điên tiết mắng anh vuốt mặt không kịp. Hân bật cười hinh hích: Em không bao giờ nghĩ là anh lại đề nghị như vậy. Bất ngờ làm em không nói lên lời. Và ngượng nữa, dù anh nói là chúng mình vẫn chỉ là bạn thôi. Em biết là luật pháp có những kẽ hở, và chúng mình không cần phải cứng nhắc khi giải quyết những vấn đề khó khăn. Khi đề nghị em làm giá thú với anh để em được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của anh, và để em được thẻ xanh, cư trú hợp pháp và mai mốt trở thành công dân Mỹ, anh đã rất thật lòng muốn giúp đỡ em như một người bạn. Bạn thôi đó nghe. Hoàn tủm tỉm cười: Ừ, nhưng nếu một ngày nào em không thích ở phòng riêng nữa thì … Ê, không có chuyện đó đâu à. Hôm nọ chị Nguyệt gọi điện thoại đến, mới nghe tiếng em đã chửi em là “Đồ đĩ”, và cúp điện thoại cái liền. Giá lúc đó có anh chắc là em … giết anh luôn. Hoàn bật cười: Cái bà đó còn sân si! Bỏ rồi nhưng vẫn không tha. Anh.. anh còn yêu chị Nguyệt không? Hoàn buồn bã lắc đầu: Không. Thỉnh thoảng còn liên lạc vì chuyện hai đứa con, nhưng mỗi người đã chọn cho mình một con đường. Em đừng bao giờ quan tâm đên Nguyệt nữa. Có gặp hãy cứ coi như người lạ qua đường. Thế thôi. Bây giờ em tĩnh dưởng cho khoẻ. Mai bác sĩ mở băng anh sẽ vào đón em về. Mắt phải nhìn rõ rồi thì ít lâu sau sẽ giải phẫu tiếp mắt trái. Hân xiết nhẹ tay Hoàn: Anh! Cám ơn anh nhiều lắm. Đừng khách sáo thế. – Hoàn cười nhẹ - Chúng mình đã là người một nhà mà. Anh về nghe. Dạ, anh về. Mai nhớ vào với em. California 2011 Buổi tối trên boong du thuyền Carnival khổng lồ ngoài biển Thái Bình Dương đám đông quần áo chỉnh tề xếp hàng ngang, cúi đầu đứng yên lặng nghe Hoàn tâm sự: Trước hết, cám ơn các anh chị đã có mặt nơi đây ngày hôm nay. Anh chị biết là chúng tôi đã sống với nhau hạnh phúc suốt hai mươi năm dài, nhất là hai năm vừa qua. Không một cuộc tình nào giữa hai tâm hồn đồng điệu có thể đằm thắm hơn. Hân và tôi đã đưa nhau ngao du góc biển chân trời, đặt chân tới bao nhiêu là thành phố phồn hoa của thế giới. Gia đình Hân đã tiếp nhận tôi như một đứa con ngoan, chúng tôi yêu nhau tha thiết, chỉ tiếc một điều là vì một căn bệnh từ thuở nhỏ, Hân và tôi không có được với nhau một đứa con. Ngừng lại một phút để lắng cơn xúc động, Hoàn mân mê chiếc bình kim loại ôm trước ngực: Cuộc sống tôi có nhiều thăng trầm, và tôi cũng đã trải qua nhiều cay đắng, nhưng nỗi đau này có lẽ mãi mãi không nguôi. Như các anh chị đã biết, Hân từ D.C. qua Cali thăm một người bạn thân vừa ở VN qua. Vì muốn cho hai người bạn gái có thì giờ riêng tư với nhau tôi đã không đi theo. Nửa đêm hôm ấy tôi nhận được điện thoại là Hân bị đột qụy và đang nằm trong nhà thương. Tôi hấp tốc bay qua, nhưng cũng đã quá chậm, Hân đã hôn mê. Tôi qùy bên giuờng khóc nức nở, tôi nghĩ là Hân vẫn còn nghe được những lời yêu thương tôi kể lể nhưng Hân không thể trả lời. Bác sĩ cho biết là dù có giải phẫu óc thì may ra cũng chỉ cứu được mạng sống nhưng Hân sẽ suốt đời nằm trên giường bệnh như thực vật nên tôi đã đau lòng quyết định gỡ bỏ hệ thống “life support”. Hân từ từ đi vào giấc ngủ miên viễn, tôi mất người vợ yêu, người tình đằm thắm, và cũng là người bạn đồng cảm đã chia xẻ với nhau bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn. Mọi người vẫn cúi đầu yên lặng, Hoàn gạt dòng nước mắt: Nhà tôi ngày xưa theo học đại học văn khoa Sài Gòn. Hân yêu thích văn chương, và yêu đất nước Việt Nam mình thiết tha, cứ mong một ngày nào đó chúng tôi được trở về sống tự do trên đỉnh bình yên của thành phố Đà Lạt nơi có truờng trung học Couvent Des Oiseaux, nơi Hân theo học những ngày còn thơ. Giấc mộng không thành nên hôm nay tôi mang tro tàn của Hân, thả xuống biển Thái Bình để sóng đưa Hân về đất mẹ. Các anh chị tới đây chứng giám cho giây phút này, và cầu nguyện cho hương hồn của Hân được sớm về nơi vĩnh hằng, tôi thật là xúc động, và xin cám ơn các anh chị rất nhiều. Tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật” của Luân cất lên và mọi người cùng chắp tay, cúi đầu lẩm nhẩm lời kinh. Hoàn mở nắp bình, nghiêng người ra ngoài thành tàu, thả nắm tro tàn xuống biển. Con sóng cuốn đám tro tàn ra xa, Hoàn liệng nốt chiếc bình xuống nước, giơ tay vẫn chào. Vĩnh biệt em yêu, và cám ơn em đã cho anh những ngày hạnh phúc ở trần gian. Đêm vẫn âm thầm. Trên bàu trời ngàn sao lấp lánh, chắc là có một vì sao nào đó đang dẫn đường cho linh hồn Hân về chốn thiên thai. Trần Quang Thiệu November 2011.