“Chúng tôi mong muốn một cuộc điều tra về cái chết của ông”, thằng Quân tắt ti vi sau khi nghe thời sự canh bảy giờ tối nói về một người lãnh đạo sa cơ nào đó vừa mới bị bắn chết. Nó uể oải nằm sõng xoài trên ghế, mắt lim dim mường tượng một cảm giác – thứ cảm giác xa xăm, khó hiểu, như một thứ dung dịch nặng mùi pha bởi một ít nước ghê lạnh, một ít nước thất vọng và phần nhiều là thứ keo hôi hám của thực tế. Bà Nhị, mẹ thằng Quân ít xem ti vi, bà không hay để ý tới các vấn đề chính sự, nghe thì cũng nghe, nhưng nghe xong bỏ đó, có vào được tai trái thì cũng ra đằng tai phải. Vừa đảo nhanh đôi đũa hâm lại chảo thịt kho trên bếp, mắt vẫn dán vào những miếng thịt kho keo vàng suộm, nóng hổi, bà khẽ nói với thằng Quân:
“Tối nay con có ra đường thì cẩn thận, coi trước ngó sau đó. Con chó Phi của bác tám Bắc tự nhiên phát dại. Nó cắn chết ba bốn con gà của bà hai rồi. Mấy chú dí mấy bữa rồi mà chưa đập được.”
Ngừng đũa độ dăm bảy giây, bà Nhị thở dài thườn thượt rồi bảo tiếp:
“Uổng con chó thật. Nó khôn lắm. Nhớ hồi con bé Mĩ đi chơi rồi trượt chân té xuống mương. Con nhỏ không biết bơi, cứ ngụp lặn bấu víu lung tung rồi đuối sức dần. Cũng may có con Phi đi theo, nó sủa toáng lên như bị kiến căn dái, mấy chú đang nhậu ở quán cầy tơ bà ba nghe nên con Mĩ được cứu. Ai ngờ lại dại mất”
Bà Nhị lắc đầu tặc lưỡi dăm ba cái rồi lại lúi húi chiên chiên xào xào. Nãy giờ thằng Quân vẫn thờ thẫn, chìm nghỉm trong cái thế giới suy tư của riêng nó, nơi mà trí tưởng tượng đa phần được dùng để sáng tạo ra những bi kịch hãi hùng nhất. Trong câu nói của bà Nhị thằng Quân chỉ nghe được mỗi chữ ‘Phi’. Đầy đủ hơn là ‘con chó Phi’. Từ nhỏ thằng Quân đã không thích chó, nhưng cũng không ghét, nó thấy chó thì né xa, vì đã từng bị chó cắn phải tiêm phòng mấy lần rồi. Nó chẳng để ý tới câu chuyện bà Nhị kể, phần vì con Phi đối với thằng Quân cũng như mấy con chó khác, mà chó dại ở vùng quê của nó thì đầy, năm nào cũng dại vài ba con, và cũng ngần ấy số chó bị đập chết mỗi năm; thường thì nghe tin có chó dại trai tráng trong xóm hay vác gậy đi giết, cái giống đó thì giết sớm chừng nào hay chừng đó, để sổng thì con nít người lớn gì đều ngại ra đường, phần nữa là vì tối nay thằng Quân không có việc gì phải ra khỏi nhà nên nó chẳng lo.
Ăn cơm xong thì đã hơn tám giờ tối, thằng Quân lúc này đã tươi tỉnh hơn ban nãy. Nó không phải là người ít nói, lại là đứa nói nhiều nữa là đằng khác. Tuy vậy nhưng thằng này bị một cái tật là hay nghĩ mông lung. Cứ chăm chú nghĩ ngợi thứ gì thì gần như nó quên cả trời đất, như lúc nãy tiếng mẹ nó nói mà nó nghe nhưng tiếng xì xồ xì xà của mấy ông ngoại quốc, nó chẳng hiểu gì cả, mặc dù nó học tiếng anh khá tốt, nếu không muốn nói là giỏi trong cái lớp “trường huyện” của nó.
“Khỉ, thằng Văn Quyết bóng gần khung thành vậy mà sút dội xà ngang. Gà quá, thua anh mầy nhiều”, trong khi nó đang nổ với thằng em nó về trận đá bóng tối qua thì mẹ nó bắt điện thoại. Xong thì bà cất tiếng gọi:
- Quân ới
- Dạ
- Con đi ra nhà bác tám lấy dùm mẹ canh nước mắm đi. Bác mới gọi mẹ nói có nước mắm ngon, phần riêng cho nhà mình hai lít.
- Dạ, để con đi.
Thằng Quân ngoan ngoãn làm theo lời mẹ, nhưng chợt nó hỏi giật ngược:
- Sang nhà ai hả mẹ?
- Nhà bác tám
Trời, bác tám – chó dại. Nó nhanh chóng liên kết thông tin đứt quãng nó nghe được nãy giờ lại. Rồi nó tái mặt. Nó thấy sợ. Đấy là phản ứng bình thương thôi. Giống chó vốn trung thành, dù có bị dại đi chăng nữa thì nhà nó ở đâu nó vẫn nhớ và hay lãng vãng gần nhà. Chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng mà. Con chó dại bị đuổi giết ráo riết thì hay chạy về nhà để trốn. Cũng vì thế mà chó dại hay bị đập chết gần nhà nó, nơi nó nghĩ sẽ là an toàn nhất. Giờ thì thằng Quân phải sang đúng cái nhà có chó dại. Rồi thì nó sợ thật, lẽ lưỡi lắc đầu tính bảo với mẹ là để bữa khác, hay chí ít là phải để sáng hôm sau cho an toàn. Ừ thì nếu nó chịu nói ra vậy thì chắc bà Nhị cũng đồng ý, nhưng đằng này nó lại không nói. Lúc đó thằng Quân chẳng biết vì tính tò mò hay sự can đảm giúp nó một mình tối thui vác xác sang nơi mà nó biết có thể con chó dại đang lẩn uất đâu đó, nhưng về sau thì thằng Quân đã biết lí do thật sự, đó chính là “Định mệnh” – thứ khéo léo sắp xếp con người ta, hoặc là vào những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, hoặc là ngược lại, đau thương nhất, mà cũng chẳng đau thương gì, nhưng cứ bấu víu vào tâm hồn người ta cả đời, cả kiếp, và có thể còn làm thay đổi bản tính con người ta nữa. Nhưng thực sự mấy suy nghĩ này lúc ấy nằm ngoài tầm nhận thức của thằng Quân, bấy giờ nó chỉ loanh quanh trong nhà kiếm một cây trúc thật chắc. Vì nó từng nghe bà nó kể khi đánh chó dại phải đánh bằng cây trúc, hoặc một giống cây thân đốt nào đó, để khi con chó cắn vào cái cây, nọc độc nó không ‘truyền ngược’ lên tay mình. Ngày thường thì thằng Quân chẳng tin và cũng chẳng quan tâm lắm tới “phát minh” đó lắm, nhưng bữa nay nó phải đi một mình, thôi thì cẩn tắc vô áy náy vậy.
Cầm cứng cây trúc trong tay, thằng Quân bắt đầu rảo bước; nó đi vừa đủ chậm để có thể quan sát, lâu lâu lại ngoái về phía sau hoặc ngoái qua ngoái lại, lại vừa đủ nhanh để có thể đến nhà bác tám trong khoảng thời gian ngắn nhất. Chín giờ đêm, ánh đèn đã ít lại bắt đầu tắt dần, như những người chiến sĩ rệu rã nằm oặt ra sau những giờ chiến đấu khốc liệt. Tiếng dế kêu rít rít giờ là bạn đồng hành duy nhất của thằng Quân lúc này, bên cạnh chàng vệ sĩ trúc của nó. Nhưng hai thứ ấy chẳng thể nào giúp cho hành trình của nó vì thế mà ngắn lại.
Đường từ nhà thằng Quân tới nhà bác tám Bắc không xa lắm, và cũng giống như mấy con đường quê khác, đầy những bụi tre, rặng dừa ken lẫn với vài nấm mồ, vô danh có, có tên có, nơi mà mỗi tối không có trăng phát ra tiếng kẽo kẹt làm cho người ta phải rợn tóc gáy. Con đường ấy thằng Quân đã đi chơi hàng trăm hàng nghìn lần, là không gian thoải mái cho lũ con nít trong xóm vào những buổi chiều mát trời, nhưng tuyệt nhiên không phải là một đêm tối trăng nào cả. Bữa nay là mùng mười âm lịch, cái ngày mà dường như ông trăng biến mất hoàn toàn khỏi thế gian, nhường chỗ cho bầu trời u ám với đầy mây mù. Lác đác hai bên đường vài ánh điện heo hắt, như cố vắt chút sức lực cuối cùng để làm sao xé toạc cái màn đêm dày đặc. Nhưng đấy chẳng qua là hình ảnh điển hình cho vùng nông thôn vào ban đêm thôi, cũng điện, cũng đèn, nhưng quá ít để có thể thắp sáng không gian như ở thành phố, chẳng có gì lạ lẫm đối với thằng Quân và cũng chẳng thể làm nó sợ nếu như trong đầu nó không có hình ảnh của con chó dại, vật cản lớn nhất trên đường ‘thực hiện nghĩa vụ’ của nó.
Đi độ nửa đường thì thằng Quân ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, giống mùi xú uế hay là mùi xác động vật gì đó. Và tí nữa nó đã ngất xỉu khi thấy xác một con gà không đầu nằm bên vệ đường. Ánh đèn mập mờ nhưng cũng đủ sức giúp nó nhìn thấy lũ côn trùng bao kín cái xác gà, như cố hút cho cạn cái thành phần hữu cơ bổ béo kia. Thằng Quân sực tỉnh nhớ đến lời của mẹ nó. Vậy là con Phi không ở xa đây, rõ ràng cái xác gà này là ‘sản phẩm’ của nó. Tim thằng Quân đập loạn, mắt dáo dát quét một vòng tròn xung quanh, tay nắm chặt cây trúc chực chờ một cuộc tấn công. Và nó cũng chẳng phải đợi lâu.
Con chó nhát trông thấy người cũng thủ thế, phản ứng ngày thường của nó là cong đuôi lên, vừa sủa lớn vừa chực bỏ chạy; nhưng bữa nay nó dại, tai nó rũ xuống, lông nó dựng ngược, cái đuôi không cong lên mà cụp xuống, và đặc biệt là cái đầu, nơi trang bị đầy đủ vũ khí đủ sức giết gà, giết chó và cả giết người của nó. Cái đầu nó cuối thấp, cái lưỡi lè sang hẳn một bên, cặp răng trắng nhớn nghiến chặt như ép từng tiếng gừ gừ len qua kẽ răng. Nhìn chung, mọi thứ của con Phi đều vệu xuống, thể hiện nó đã mệt mỏi sau khi bị đói và cơn dại hành hạ, trừ đôi mắt. Trong đêm tối, cặp mắt chó sáng hoắc, nhưng không giống mấy cặp mắt chó thông thường, nó sáng và đỏ, màu đỏ nhầy nhụa, vừa man dại vừa mệt mỏi, phóng tia nhìn ác thú vào mặt thằng Quân, làm cho chân tay nó bủn rủn ra dù trước đó đã ra chân thủ thế. Thằng Quân đủ lớn để biết khi gặp chó phải làm gì, cẩu kị thổ, chỉ việc ngồi xuống lây tay chà chà xuống đất là con chó chẳng dám lại gần, nhưng trong đời thằng Quân chưa lần nào chạm trán với chó dại và nó hiểu mọi quy luật trước giờ đều áp dụng thành công có thể, mà không, chắc chắn sẽ thất bại lần này. Cái sợ hãi làm thằng Quân rối trí, nó sụp xuống như một phản xạ vô điều kiện, môi mấp máy muốn hét lên kêu cứu nhưng có cảm giác lưỡi bị cứng đờ.
Con Phi không để ý, hay chính xác nó không biết, không hiểu, không nhận thức được thứ gì đang ở trước mặt nó. Nó đang chịu sự sai khiến của thứ vi khuẩn khủng khiếp kia. Nó cũng muốn chạy, nhưng bốn cái chân không thắng nỗi sự điều khiển quái gở. Thế là nó lao tới. Nhưng cái thân thể vặt vẹo của mấy ngày lưu lạc đói khác của nó không trụ được. Sải được ba bước thì nó té, đối với loài chó khi chân trước và chân sau không đồng nhịp thì rất dễ té chỏng vó.
Thằng Quân hét lên một tiếng thất thanh, nó vãi ra cả quần. Nhưng con Phi té chưa kịp đứng dậy, và thằng Quân chợt hiểu ra đây là cơ hội duy nhất. Và nó bỏ chạy, nó quăng cả cây trúc nó cầm theo để phòng ngừa để chạy. Và con Phi, lúc này đây đã đứng vững, được tiếp sức bởi bản năng săn mồi của tổ tiên truyền lại cộng với ma lực của thứ vi khuẩn đang xâm chiếm thân thể nó, nó vùng rượt theo thằng Quân. Có một câu chuyện như thế này: ông chủ nói với con chó săn “Tại sao mầy lại chạy chậm hơn con thỏ thế”, con chó săn đáp “Tôi chạy vì một bữa ăn, còn nó chạy vì tính mạng của nó”. Và giờ thật sự thằng Quân đang như một con thỏ non, yếu ớt đang vùng vẫy chạy vì chính tính mạng của nó. Nó chạy như điên, không ngoảnh đầu lại bởi vì nó đủ sức biết một giây chậm trễ sẽ để lại hậu quả như thế nào, với hai hàm răng sắc nhọn tẩm đầy nọc độc kia.
Nhưng thằng Quân chỉ có hai chân. Nó lại không bị dại. Còn kẻ đang đuổi theo nó kia có tới bốn chân, và đang hăng sức hủy diệt. Khoảng cách lúc đầu là 40 sải chân, rồi thì 30 mươi sải, rồi còn mười sải, và khi giữa nó và con Phi khoảng cách chỉ còn là một cú vồ thì thằng Quân ngã. Nó ngã và tay quờ quạng bất kể vật gì nó bắt được ném về phía con vật hung hãn kia. Rồi khi biết không còn hi vọng nào nữa thì nó khóc, mắt nó nhắm nghiền và nhòe đi, một cách vô thức, và nó lại tiếp tục vãi ra quần.
“Ẳng ẳng” thằng Quân chợt mở mắt khi nghe tiếng kêu. Sau đó là một tràng cười hô hố cộng với từng tiếng “chết này, chết này” vang lên dồn dập. Thì ra trong lúc hoảng loạng thằng Quân đã chạy thẳng sang nhà bác tám đúng lúc bác mới bước chân ra khỏi nhà. Định thần lại nó thấy bác tám đang quất từng gậy từng gậy vào người con Phi. Tiếng bình bịch xen vào tiếng rên ư ử của con chó. Nó quá yếu lại trúng đòn bất ngờ nên không còn sức để phản công nữa. Nó hoàn toàn bất lực, ánh mắt man dại đã đờ đi rất nhiều, không còn quắc lên một luồng sát khí như lúc nãy nữa. Thay vào đó là sự van nài thảm thiết. Không, con Phi hoàn toàn không van nài, nó đang co người đón những lượt đòn chí mạng từ tay người chủ của nó, kẻ mà nó đã tin tưởng, tôn thờ như một vị thần suốt cả một kiếp làm chó của nó. Nó đòn nhận gậy đầu tiên bằng sự thần thờ như không tin vào chính mình, rồi thì nó ngộ ra nó không phải là thứ gì quan trọng, hư là vứt. Và lúc đó nó đón nhận đòn chí tử vào đầu, kết thúc một kiếp làm chó của nó.
Ôi, Phi ơi là Phi
Kiếp chó của mi kết thúc như vậy đó
Đầy tủi nhục
Mà có phải tại mi đâu
Phi ơi là Phi!

Xem Tiếp: ----