và tất cả những người một thời xa xưa đã "mài đũng quần" ở Nha Trang
 
hông còn nhớ rõ nguyên cớ nào tôi đến Lê Qúy Đôn, ngôi trường bán công này cũng không xa nhà tôi lắm vì chỉ cần đứng trước mái hiên nhà trong ánh nắng chói chang của "miền quê hương cát trắng" là tôi đã nhìn được mé hông trường qua bãi phế thải quân xa, nơi tôi từng tập lái chiếc xe jeep nhà binh của cậu (ba) tôi - chỉ huy trưởng quân xa sư đoàn 5 BB, lúc này đã được dọn dẹp đó đây lưa thưa những cây hoa - một loại sâm cát - chỉ mọc ở những vùng cát Nha Trang, vùng đất này sau đó là trường Nữ Trung học Võ Tánh.
Ngôi trường bán công Lê Qúy Đôn nằm trải dài với mái lợp fribo xi măng thật giản dị nhưng sạch sẽ, lưa thưa mấy gốc bàng mới lớn chỉ vừa vượt khỏi bức tường xây mặt tiền. Năm này là năm Đệ Tứ, một năm quan trọng với kết quả cho cuối năm là tấm bằng Trung-Hoc Đệ Nhất cấp nhưng cũng là năm tôi có đầy ắp những kỷ niệm.
Cũng có thể Cậu tôi đã ghi tên tôi hơi trễ nên tôi đã bị "thả dù" vào ngay lớp Đệ Tứ 4 cùng với khoảng một chục "vị đực rựa khác"’ trong khoảng gần ba chục vị "nữ nhi" áo trắng. Ngoài chuyện chúng tôi là "thiểu số", còn một đặc điểm khác: bọn con trai "bị" ngồi ngay tại những băng ghế đầu tiên của hai dãy ghế nằm chính giữa lớp học, điều này có lẽ cũng nằm trong " kế hoạch an ninh " của văn phòng quản trị nhà trường và các thầy cũng dễ dàng theo dõi hoạt động của bọn con trai nhằm bài trừ nạn nghịch ngợm và lười biếng vẫn thường xẩy ra đối với những thành phần thích ngồi những hàng ghế chót của một lớp học.
Tôi còn nhớ rất rõ, cho dù năm tháng cũng đã chồng chất thật nhiều, ngày đầu tiên tựu trường bọn con trai chúng tôi riu ríu như một bầy gà sợ cáo, cáo ở đây là chư vị nữ nhi đại đa số, cũng rất có thể nhờ thế " tình đồng đội " của bọn con trai chúng tôi rất khắn khít, cũng may tôi ngồi ngay bàn đầu tiên nên "gáy" tôi ít lạnh như các anh Thái Quang Hoàn hoặc anh Trần Văn Giầu hay anh Điểm tuy thế sự hồi hộp cũng vẫn ít nhiều trong tôi.
Ngồi cùng bàn với tôi là Hoà đẹp trai nhỏ nhẹ nhà có một cửa hàng ở đường Độc Lập, Khang thấp bé hay nói chuyện con một người chủ tiệm giầy gần bệnh viện của bác sĩ Đào Huy Kình, Quang thì đi hơi hai hàng với chiếc cập táp da cũ lúc nào cũng dầy cộm và là tác giả công trình trộn hồ, tự thiết kế và xây ngôi nhà gia đình anh ở do chính cha anh " đôn thúc tập luyện " (cũng chính vì việc đôn thúc tập luyện này mà Quang đã phải đến xin "tỵ nạn chính trị" với Mợ (Mẹ) tôi và ở với tôi một thời gian, thời gian thật êm đềm với mỗi buổi chiều hai đứa chúng tôi đạp xe đến nhà một người bạn gái của chúng tôi ở gần rạp ciné Tân Quang (nếu tôi không nhớ lầm tên) để được cô bạn cho vào nhà ngồi nói chuyện bâng quơ cho đến tối mịt mới quay về nhà trong bóng đèn chập choạng dưới bóng những cây bàng và một mùi hương nào đó cho đến nay tôi vẫn luôn nghĩ là hương dạ lan (có thể tôi đã nghĩ lầm nhưng cũng không là điều quan trọng vì mùi hương vẫn bám theo tôi cho tới ngày nay).
Cũng tại Đệ Tứ 4 Lê Qúy Đôn mà tôi đã thật sự biết làm thơ, những bài thơ non dại, với âm vận phải thật đúng theo lời dạy bảo của Thầy Việt Văn, môn học tôi ưa chuộng nhất và ông Thầy cũng là người mà tôi nhớ rõ rệt nhất: VÕ HỒNG. Tôi cũng không nhớ nổi môn Việt Văn tôi có được điểm cao hay không chỉ nhớ đại khái môn đó điểm cuả tôi trội hơn hẳn các môn khác đặc biệt là môn Toán của thầy Hồng Khắc Thanh với những con số, những công thức, những hình thể… bắt buộc tôi không thể mơ mộng cũng giống như những bài Vạn Vật của thầy Từ Bộ Chiêm hay Lý Hoá của thầy Nguyễn An hoặc những bài Pháp Văn của thầy Lê Văn Quang với những chia 8000 động từ rắc rối học hoài mà vẫn cứ...quên tuy nhiên những bài tiếng Pháp của thầy Quang cùng chiếc xe Peugeot 203 của thầy cũng đã làm tôi mơ ước đến một chân trời nơi có cô Brigitte Bardot và Tháp Effeil của Thủ Đô Ánh Sáng.
Yêu Văn, Thơ và tôi được thầy Võ Hồng giao cho làm tờ Bích Báo để thỉnh thoảng được đến nhà thầy ; nghe thầy chỉ bảo về Thơ dưới dàn hoa, hình như là hoa thiên lý
( về sau này tôi mới biết được rằng chính dưới dàn hoa này thầy tôi đã viết "HOA BƯƠM BƯỚM" mà tôi được đọc ở Sài gòn và cũng được "khoe" với bạn bè "THẦY CỦA TÔI" ).
Học Thầy Hồng tôi đã mê Kiều, đã yêu Nguyễn Khuyến, đã thương Cao Bá Quát và ước mơ: Bình Dương Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn/ Mục Dã minh điền hữu Võ Thang...
Được thầy giao làm tờ Bích Báo, hí hửng ôm tờ giấy trắng thật lớn và hộp mầu về nhà… để cặm cụi cùng với những cô bạn vẽ vẽ, tẩy tẩy dưới sự ‘’ kiểm duyệt cuả cô Anh hơi hơi khó tính, nằm dài dưới đất chép bài vở, dĩ nhiên trong đó có những bài thơ của tôi hay tới nỗi chính tôi cũng...không còn nhớ được hơn 2 câu!.
Hình ảnh không quên của những buổi chiều tan học, trên đường từ trường về nhà tôi, một đàn trai gái đạp xe cạnh nhau bàn luận bài vở, những tà áo trắng của các cô bạn nhẹ tung theo gió chiều rượi mát trong cơn nóng của một ngày còn lại, thoáng chốc đã đến nhà tôi, cả bọn xếp xe dưới hàng hiên, tíu tít như một bầy chim vào tiếp tục bàn chuyện "công tác bích báo" để sau đó lại một màn
"Đưa người ta không đưa sang sông
Mà sao có tiếng sóng trong lòng …."
°
Không!. Ngày đó trong lòng tôi chưa có tiếng sóng mà chỉ thoáng nhẹ:
" Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
Lá (v) bàng trước gió sẽ đưa vèo…."
(xin cụ Nguyễn Khuyến trăm ngàn lần tha tội vì tôi đã sửa chữ của cụ )
Ra hiên thay nhau lấy xe và tôi tiễn chân mấy cậu bạn trai nhà ở đường Độc Lập và những người bạn gái ở gần trường tiểu học gần Bưu Điện … sau đó ghé nhà chị Nam, chị bạn học lớn tuổi nhất, tiếp tục bàn chuyện tôi... làm Thơ.
Cũng không hiểu vì sao, sau bao nhiêu sóng gió, dằn vặt của cuộc đời, hình ảnh chị Nam vẫn thật tròn vẹn trong tôi, tròn vẹn trong nhiều giấc ngủ để giật mình…thức dậy…rồi… trằn trọc. Chị Nam ngày đó chắc là tuổi chị lớn hơn tuổi tôi, chị không đẹp nhưng sự nhẹ nhàng với giọng nói của người Huế, sự dịu dàng trong cử chỉ của chị, tất cả không những đã không thể làm tôi quên mà trái lại làm cho tôi ‘’ tiếc nuối ‘’, tiếc nuối vì đã chưa nói được một đôi điều … ‘’ muốn được nói ’’ …
Hoàng hôn xuống,qua khung cửa phòng khách nhà chị Nam, mặt biển đỏ ửng với mặt trời nằm một nửa chênh vênh… để tôi …
Từ giã hoàng hôn …trong mắt…chị Nam…
Tôi "chưa biết " đi tìm những phố không đèn °°
vì:
"Gió mùa Thu" cũng không có mà tôi thì chưa hiểu được thấu đáo 4 chữ "chớm bao dư vị"
mà chỉ sôn sao đôi chút
Của chút hương thầm kia…đã quen.°°
Đạp xe, trên con đường dọc theo bờ biển ngang viện Pasteur, ngang qua Công Chánh… xuống khu nhà ông Đại Tá An Ninh Quân Đội Đỗ Mậu, nhà Bác Sĩ Phạm văn Trí có cô Châu học chung lớp mà Hoà hơi hơi ‘’để ý ‘’, dưới những cây keo…tôi trở về nhà trong trí não đầy những giấc mơ về mình, về bạn.
Rồi những ngày cuối năm, tổ chức Tết trong lớp với tài làm bánh của các cô bạn gái, đặc biệt món bánh còng của cô Năng, người con gái thứ 2 tôi hơi biết " để ý" ở Nha Trang và một buổi tối giao thừa đến nhà cô cùng với Quang mà chỉ một chút xíu nữa tôi đã "quên đường về" như bài hát "Anh đến thăm em một chiều mưa" cũng may, hôm đó, trời đã không mưa và hai đứa tôi vẫn còn nhớ đường về nhà thật đúng trước lúc Mợ tôi sửa soạn... cúng Giao Thừa.
Ngày Tết với tiếng sáo của một nghệ sĩ thứ thật mà tôi không nhớ tên từ thủ đô Sài gòn ra chơi cùng những bài hát quan họ, những câu hát quyện theo tiếng sáo của người nghệ sĩ trẻ đẹp trai đó văng vẳng trong tôi, chợt ẩn chợt hiện, cũng đi theo tôi từ ngày đó.
Những lần bỏ quên chiếc mũ hay chiếc xe đạp trong sân trường để ông gác dan cất hộ ngày hôm sau đi học mới lấy đạp về nhà.
Ôi những ngày thanh bình hiền hòa xa xưa!
Cũng với Lê Qúy Đôn tôi đã biết Ba Hồ bằng 2 câu Thơ vui của Thầy Võ Hồng:
Ba Hồ cái cảnh con con
Cái anh chết đuối vẫn còn ngồi đây
Thầy Hồng làm 2 câu Thơ đùa đó tặng cho một anh bạn cùng lớp nho nhỏ rất dễ thương,đi chiếc xe đạp đàn ông cao nhòng làm anh phải cố kéo dài chân ra mỗi khi đạp xe, từ quê hình như ở Tuy Hoà vào học, nhân dịp đi cắm trại tại Ba Hồ xuống tắm xuýt là bị chết đuối.
Rồi những dịp lên nhà anh Giầu trên đường đi Thành để được uống nước dừa mới hái trên cây xuống… Cuối năm thi Trung Học, tôi lại bỏ Lê Qúy Đôn, bỏ thầy Võ Hồng, bỏ tờ Bích Báo, bỏ Quang, Khang, Hoà, chị Nam, Năng…bỏ nhà thờ Núi nơi tôi thường lên nằm trong những bụi dương mát rượi học bài thi hay thả hồn mơ mộng làm Thơ, bỏ những hàng cây Bàng, cây Phượng, bỏ đường Nguyễn Tri Phương…để lên xe lửa vào Sài gòn với giấc mơ trở thành một nhà Văn, nhà Thơ.
Rồi giấc mơ Thi Sĩ, Văn Sĩ cũng không thành, theo vận mệnh đất nước, tôi chỉ được thoáng về lại Nha Trang 2 lần: Một lần trong run sợ bị mật vụ truy bắt từ SàiGòn chạy ra Nha Trang trước ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nhưng cũng tại Nha Trang tôi đã được Quang, Hòa, Khang bao che, đấy tình bạn cũa những người học trò Nha Trang mà tôi khó thể có đưọc ở những người khác ; Lần thứ 2 khi đi dạy học, từ Pleiku xuống để lại được chen chúc thả bộ đi lên đi xuống trên hè phố Độc Lập và cũng để ‘’ thoáng thấy em ‘’ đã có người con trai khác diù bước.
Như bài hát ngày nào của một Minh Kỳ đã viết về Nha Trang:
« Nha Trang là miền quê hương cát trắng, ai qua không quên để lại, một vài luyến tiếc xa xôi…. »
Vâng!. Tôi đã để lại…để lại không chỉ "một vài luyến tiếc xa xôi" mà một thời thật đẹp, thật thơ ngây, thật mơ mộng, thật khờ dại, thật vội vã để rồi chỉ còn lại tiếc nhớ…
Vâng!. Nha Trang vẫn « Bao năm du khách hằng chờ, một ngày ghé đến Nha Trang….... "
Vâng!. Tôi cũng xin… « Ai ơi người về cho tôi nhắn với, Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến thương. »
Thác Bà có còn như ngày xưa? Đá Chồng có còn thanh vắng? và Cầu Đá có còn thấp thoáng hình ảnh người bạn gái hoa khôi Lê Qúy Đôn ngày cũ? Rồi mái trường xưa? Rồi những người Thầy cũ?
« Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ » °°°°
°
Tôi sẽ trở về Nha Trang, Nha Trang không có mưa bụi bay mà chỉ những hạt cát mỏng manh … nhưng đã quá đủ để làm nước mắt tôi phải chảy.
Pháp-13-4-2004

Xem Tiếp: ----