hân vật Ngọc trong truyện là tôi – một nhà văn hạng bét. Loại nhà văn bất tài, chỉ viết được khi đã rứt ra từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ. Trong thập cẩm hồi ức, hồi ức chiến trận bao giờ cũng tươi ròng, mới nguyên. Có lẽ vì đó là phần đời thật nhất. Phần đời đặc biệt, để lại được trong cuộc đời này, mang sang được thế giới bên kia – thế giới sau sự sống của kiếp người. Đó là phần đời gian khổ đến cùng cực nhưng hạnh phúc lại tột cùng. Phần đời mang nỗi buồn tưởng như vô hạn nhưng niềm vui lại lớn đến vô chừng. Duy nhất, phần đời ấy có thể trao đi, đổi lại, xoá nhoà ranh giới sống, chết. Còn nhiều nữa, bởi vậy, hồi ức kia mãi mãi đeo đẳng vào số phận những người đi ra khỏi cuộc chiến tranh. ° ° Hoà bình đã gần được hai mươi năm. Rút cục, thời gian cũng dần trả lại cho cuộc đời những gì nó đang cất giữ. Chúng tôi đi hàng một, tiến đến ngôi mộ của người đàn bà không biết mặt. Người đàn bà giờ đây đã trở thành người thân của chúng tôi. Một ngôi mộ sơ sài. Đất đá cằn cứng. Thằng Bình phải vất vả, mới cắm được lên mộ nắm hương đang rạc đến tàn lửa cuối cùng. - Mẹ cháu nằm đây đã được mười năm. Lúc cháu lên mười. Con bé mười tuổi cộng với mười năm nằm nghỉ của mẹ nó, trở thành cô gái hai mươi tuổi. Thân hình khô quắt của con bé, bây giờ, kiệt không vắt nổi một giọt nước mắt nào nữa. Khi thằng bạn tội nghiệp của tôi – thằng Vịnh – trở về thật sự bằng xương, bằng thịt thì mẹ nó – bà mẹ hằng tin rằng con mình sẽ trở về – kì lạ, cũng không thể khóc được. Điều này còn kinh ngạc hơn. ấy là hôm thằng Phương trở về nhà trong chiếc bình sứ đựng cốt, vừa hoá ở đài hoàn vũ còn nóng. Những nén hương cháy vội vã, đỏ ngời ngời. Làn khói đặc tụ lại mang hình đám mây và sắc xanh của bầu trời. Chính lúc ấy, lảnh lót vang lên tiếng hót của con chim liếu điếu. Em gái thằng Phương, giờ đã là mẹ của hai đứa con lớn, vội quỳ thụp xuống. Không khóc mà kêu lên mừng rỡ: - Anh Phương. Đúng anh Phương! Anh Phương đã về. Tất cả lặng người đi. Đó là sự thật! ° ° Một sự thật khác. Nhân vật gã là cái cớ của câu chuyện này. Sau ngày rời khu trại của ba cô gái, cuộc đời gã đã bị loại hẳn, chỉ có thể tóm tắt trong vài dòng. Gã chui nhủi một thời gian. Nếu không có dòng địa chỉ của Lanh, hẳn mọi chuyện với gã đã kết thúc. Từ nghĩa trang làng, gã lần mò tìm về người đàn bà đã cứu gã. Gã kịp có một cuộc sống chồng vợ trong vài, bốn năm. Người đàn bà chết vì nhiễm độc da cam. Tôi không dám bình phẩm gì về đoạn đời này của gã. Thực lòng, tôi không thể biết với gã, với người đàn bà kia, cuộc sống ấy liệu có thể gọi là hạnh phúc? Gã tiếp tục sống với con gái mình. Điều này thì tôi dám quả quyết. Cái gọi là sự sống của gã kéo dài được bao nhiêu, phụ thuộc vào chính sức chịu đựng của gã. Cái đêm vô tình của đám bạn bè, đã đánh thức gã dậy, làm vợi đi chút gánh nặng của mặc cảm lỗi lầm. Gã để lại bức thư, kể hết mọi chuyện với lời hứa sẽ mang được xác bạn gã về. Điều đó đã được thực hiện. Tự tay gã phá đi ngôi mộ của mình trong nghĩa trang. Cuối cùng, gã đã được sống trở lại. Gã về ngôi nhà của mình cùng với con gái. Còn điều này, trở về cùng với bố con gã có di hài của Lanh và Phương. Phương nằm chính vào chỗ của gã. Cạnh đó là Lanh. Ai cũng vui vẻ chấp nhận hai ngôi mộ mới trong nghĩa trang liệt sĩ của làng. Cuối cùng gã đã được sống trở lại. Đúng hơn, sau hai mươi năm chưa chết, gã đã thực sự được sống! ° ° Thú thực, tôi cứ bị ám ảnh mãi về tiếng hót của con chim liếu điếu. Dạo ở chiến trường, đọc thư em gái thằng Phương gửi vào, dù cảm động thực sự, nhưng tôi không tin lắm. Làm sao một con chim chết lại có thể hót được. Nhưng đến hôm đưa thằng Phương về nhà, lúc tiếng hót lảnh lót cất lên, tôi hoang mang thực sự. Lúc ấy tôi chạy vụt ra ngoài cửa. Không có gì cả, vòm cây cơm nguội âm u. Tôi căng mắt nhìn. Có chim. Nhưng chỉ là những chú chim sâu bé nhỏ. Không thấy bóng dáng con chim cất ra tiếng hót kì lạ kia. Hình như tiếng hót cất từ vòm lá. Không phải, cao hơn cơ, chẳng nhẽ tiếng hót từ bầu trời giọt xuống. Tôi quay vào nhà. Tiếng hót vẫn lảnh lót. Tôi nhìn vào chân dung thằng Phương. Nhìn thật sâu vào mắt nó. Thời gian đã bào mòn nước ảnh nhưng cặp mắt trầm tĩnh của nó vẫn thế. - Phương ơi… Cạnh tôi thằng Bình đang thầm thì gọi. Mắt thằng Bình hoe hoe đỏ. Rõ ràng tiếng hót kia là có thật. Bạn tôi đã trở về. Dù vậy tôi vẫn không thôi ám ảnh. Đến nỗi, một hôm tôi quyết định mua một con ở hàng chim cảnh. Luôn cả chiếc lồng đan bằng cật tre ngâm, đen nhức. Người bán bảo: - Trước nó có đôi, một con mới chết! Trước khi xách lồng chim về, tôi hỏi: - Liệu nó có hót không đấy? Người kia cười. - Không hót không phải là chim liếu điếu. Xin trả lại tiền. Tôi mang lồng chim về nhà. Con gái tôi thích lắm. Nó lấy cái que, gại gại vào mình con chim: - Hót đi, hót đi chim. Còn vợ tôi, một bác sĩ, người không bao giờ yêu thích một lòai vật nào, đi vòng quanh lồng chim săm soi: - Anh mang về của nợ gì thế này? Có phải chim liếu điếu? - Chim liếu điếu! - Thôi chết. Anh không biết à. Đây là giống chim mang vi rút gây căn bệnh viêm não. Đang mùa dịch, chết thật! Tên khoa học của nó là… Vợ tôi tuôn ra một tràng dài. Kết thúc là sự không chấp nhận cái con chim nguy hiểm kia. Tôi xách lồng chim ra bờ ao. Tôi quyết định thả nó. Tôi mở cửa lồng. Con chim ngước mỏ chờ đợi. Nó không nhận thấy khoảng trống tự do kia. Buộc lòng, tôi phải lôi nó ra. Nó có vẻ ngơ ngác không hiểu. Nó đập đập cánh, không bay. Có thể nó đã già quá. Hoặc giả, nó bị nhốt lâu, quên mất giống dòng mình là lòai bay được. Chưa kịp tìm hiểu thì con mèo đen nhà hàng xóm đã lướt qua nhanh như lốc. Thành thử, con liếu điếu chưa kịp hót đã gặp nạn! Lỗi chính ở những vi rút gây bệnh viêm não. Tôi buồn mất mấy ngày vì chuyện con chim. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm ra bờ ao ngong ngóng. Không hề có tiếng hót nào vẳng đến. Bởi thế, nỗi ám ảnh vẫn khôn nguôi. Rồi đây, có ai đó, khi đọc cuốn sách này, sẽ phàn nàn về cái thế giới được dựng ra cho các vong hồn trong truyện. Có cái thế giới ấy không? Hiển nhiên sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời. Cũng như tiếng hót của con chim liếu điếu cất lên đúng vào lúc bạn tôi trở về. Không cần thiết phải khẳng định có thật hay không có thật tiếng hót ấy. Thế giới tâm linh mãi còn bí ẩn. Có điều này không bí ẩn chút nào. Phương, bạn tôi sau hai mươi năm bặt tin đã trở về. Lần chết này là thật sự. ° ° Tự nhiên tôi nghĩ đến C trưởng An. Lần mới đây nhất tôi gặp anh trong hoàn cảnh bất ngờ: ở một bệnh viện. Anh bị thương khá nặng. Mảnh lựu đạn găm khắp người. Tôi không giấu nổi ngạc nhiên. Trước đây anh đang là phó ban điều hành một liên doanh lớn. Anh cười. Mặt nhăn nhó vì đau: - Đù mẹ. Qua thôi rồi. Nghỉ cho khoẻ. Chuyện khó tin. An từng chuyển nhiều cơ quan. Sau cùng là giám đốc một cơ sở sản xuất hàng dân dụng. Chính là liên doanh kia. Một hãng nước ngoài đầu tư vào cơ sở của anh. Công việc đang thuận lợi thì anh gây ra một vụ động trời. Đến vụ này, người ta không để anh yên nữa. An bị kỉ luật cách tuột mọi thứ. Anh chấp nhận với một nguyện vọng: được công tác ở rừng, việc gì cũng được. Tất nhiên đó là một yêu cầu quá dễ dàng. Nguyên do án kỉ luật kia cũng rất đơn giản. Liên doanh có rất nhiều chuyên gia nước ngoài. Đã xì xào nhiều. Giải quyết cũng lắm. Nhưng lần ấy, đang đi kiểm tra công việc, chợt An bắt gặp chuyên gia tát ngã sấp một nữ công nhân. Chưa hết, hắn còn bắt chị đứng dậy xin lỗi. An nuốt giận. ở cương vị của anh, sự điềm đạm, bình tĩnh là cần thiết. Sự việc sẽ được giải quyết ổn thoả theo một cách khác tế nhị, nếu như An không nhận ra người bị tát chính là một chiến sĩ nữ của miền Đông năm xưa. - Đù mẹ… Thấy An gầm lên một tiếng, nhào đến. Không ai kịp can. Cũng không ai can được. Người hắn kia dập như một quả dưa bở chín nứt, An mới dừng tay. Lúc bị cật vấn, An chỉ nói một câu: - Cô ấy từng là chiến sĩ. Trở về rừng, An công tác ở một đội kiểm lâm. Và lần này, bọn phá rừng đã cho anh nếm đòn chiến trận. An lãnh đủ cả một trái mỏ vịt da láng. Đến hôm nay, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi khi chia tay với anh. Giọng An rất buồn: - Chắc qua tiêu mất. Chết thế này thật uổng. Giá ngày ấy nằm lại ở rừng… Đù mẹ. Tôi ngờ rằng, con người An sinh ra, chỉ để dành cho chiến trận. ° ° Hoà bình đã gần được hai mươi năm. Với chúng tôi, chiến tranh chỉ còn là hồi ức. Phần hồi ức đẫm đặc nhất trong thập cẩm hồi ức. Miền hồi ức ấy, lưu giữ tuổi trẻ của chúng tôi. Mỗi người lính đi ra khỏi cuộc chiến tranh lớn, đều để lại cuộc chiến tranh của riêng mình. Có người là một phần cuộc đời. Có người là cả cuộc đời. Có người mãi mãi không đi ra nổi. Hành trang của hồi ức chiến tranh, chỉ là những âm hưởng vang vọng, dội vào cuộc đời những người từng đi qua nó. Với người này, đó là tất cả những gì quý giá nhất. Với người kia, đó là một gánh nặng tủi nhục, muốn rũ bỏ, không được. Muốn chạy trốn, càng khó. Hồi ức chiến tranh, một nỗi buồn mang mang song hành với niềm vui bất tận. Có người sống vì nó. Có người đánh đổi nó. Có người nhấm nháp nó. Tựu trung, tất cả, dù muốn hay không thì cuối cùng đều không thể chối bỏ phần đời thực của mình. Mười một thằng lính A trinh sát – mười một cuộc chiến tranh riêng đã đi trọn đích. Những người chết thanh thản để thịt xương mình tan trong đất đai Tổ quốc. Những người chưa chết đã tìm được bờ bến của mình. Người đến hẳn được cõi chết, kẻ được trở lại làm người. Và cuối cùng những người sống. Vẫn biết cuộc đời còn dài lắm nhưng họ đã có quyền mỉm cười khi quay lại, nhìn về phía sau. Nghĩ về họ, không hiểu sao tôi cứ thấy hiện ra một biển đêm ngút ngàn. Không nhìn thấy gì trong màn đen ấy, bởi vậy biển đêm kia hiền lành hết mực. Chợt những đốm đỏ bừng lên, bừng lên. Những tàn đen vương xuống, vương xuống. Thoảng một mùi hương nồng nàn. Tôi nhìn vào những đốm đỏ tọc ngời đang đốt sáng màn đêm. Những đốm đỏ. Không biết, đó có phải là con mắt của những linh hồn không bao giờ chết? Mùi hương nồng nàn lan toả. Quen thuộc quá. Tôi vừa nhận ra, đó là hương tóc của người đàn bà năm nào. Không thể nhầm! Hương tóc – một góc cuộc chiến tranh của tôi. Đại Lải tháng 6 – 1994 Mai Động tháng 9 – 1994