Dịch giả: Vũ Cận
Chương XXII
Công xã Chicago

    
àm nhân viên khiêu khích, không những chúng tôi được tha hồ đi đây đi đó, mà còn được tha hồ tiếp xúc với giai cấp vô sản và các đồng chí cách mạng của chúng tôi ở cả hai phe, ngoài mặt thì phục vụ cho cái Gót sắt nhưng bên trong thì đem hết sức lực ra làm việc cho sự nghiệp.
Chúng tôi có nhiều người trong các cơ quan mật vụ của giai cấp thiểu số thống trị và mặc dầu các cơ quan mật vụ đã bị khuấy lộn và chỉnh đốn nhiều lần: chúng không lúc nào nhổ cỏ được tất cả chúng tôi. Ernest đã góp phần lớn lao vào kế hoạch cuộc Khởi nghĩa thứ nhất, ngày khởi nghĩa dự định vào khoảng đầu mùa xuân 1918.
Cuối năm 1917, chúng tôi chưa chuẩn bị xong, còn nhiều việc phải làm, và nếu khởi nghĩa hấp tấp thì nhất định thất bại. Cố nhiên mưu đồ của chúng tôi hết sức phức tạp, và bất cứ một việc gì nổ ra non chắc chắn cũng đều làm hỏng kế hoạch chung. Cái Gót sắt cũng nhìn trước thấy như vậy và đã vạch kế hoạch thích hợp.
Chúng tôi dự định đánh vào hệ thần kinh của giai cấp thiểu số thống trị trước. Bọn này đã rút kinh nghiệm cuộc tổng bãi công và đã đề phòng nhân viên điện báo làm phản bằng cách thiết lập những đài vô tuyến điện do những đội quân đánh thuê kiểm soát. Về phía chúng tôi, chúng tôi đã có cách đối phó. Khi có hiệu lệnh truyền ra, lập tức những nơi trú ẩn trên khắp đất nước, từ những thành phố, những thị trấn, những trại lính, các đồng chí được chỉ định từ trước phải xông vào làm nổ tung những đài vô tuyến điện: như vậy, ngay từ đòn đầu tiên, cái Gót sắt đã bị quật ngã và đã thực sự chặt thành từng mảnh rồi.
Trong khi đó, các đồng chí khác phải cho nổ tung các cầu, đánh sập những đường hầm xuyên núi và chặt vụn hệ thống đường xe lửa. Hơn thế nữa khi có hiệu lệnh, các đồng chí khác tập hợp thành đội ngũ có trách nhiệm bắt những sĩ quan của đạo quân đánh thuê và những sĩ quan cảnh sát cũng như tất cả những tên thiểu số thống trị đặc biệt xảo trá hoặc giữ những chức vụ hành chính. Nhu vậy, phe địch ở tất cả những chiến trường địa phương sẽ như rắn không đầu, và những chiến trường như thế nhất định phải mở trên khắp nước. Nhiều việc sẽ phải xảy ra cùng một lúc khi hiệu lệnh tung ra. Những người ái quốc Canada và Mexico - họ còn mạnh hơn là cái Gót sắt tưởng rất nhiều - sẽ rập theo chiến thuật của chúng tôi.
Rồi thì sẽ có những đồng chí (họ toàn là phụ nữ, vì nam giới còn ở những nơi khác) đem niêm yết những bản bố cáo in ở những nhà in bí mật của chúng tôi. Những đồng chí chúng tôi giữ những chức vụ cao cấp của cái Gót sắt sẽ phải lập tức gây hỗn loạn trong khắp mọi ngành. Trong đạo quân đánh thuê có hàng nghìn đồng chí chúng tôi. Nhiệm vụ của họ là phải cho nổ tung những kho súng đạn và phá huỷ những bộ phận tinh vi trong toàn bộ máy chiến tranh. Trong những thành phố đạo quân đánh thuê và các đẳng cấp lao động ở, cũng phải thi hành những kế hoạch phá hoại giống như thế.
Nói tóm lại, chúng tôi sẽ phải đánh một đòn bất thần, quy mô hết sức vĩ đại và đủ sức làm cho quân thù tối tăm mặt mũi. Giai cấp thiểu số thống trị bị tê liệt chưa kịp phục hồi lại thì chúng tôi đã kết liễu đời nó rồi. Đây sẽ là một thời kì khủng khiếp, sẽ còn rất nhiều tổn thất về người, nhưng không một người cách mạng nào thấy thế mà sinh do dự. Còn sao nữa, trong kế hoạch của chúng tôi có rất nhiều việc phụ thuộc vào đám dân của vực thẳm, hoàn toàn không có tổ chức. Họ sẽ được tung vào những lâu đài và những thành phố của bọn chủ. Có xá kể gì những tổn thất về người và về của, cứ để mặc cho con mãnh thú của vực thẳm gầm thét, cho bọn cảnh sát và bọn lính đánh thuê bắn giết. Thì đằng nào con mãnh thú của vực thẳm chẳng gầm thét, đằng nào bọn cảnh sát và bọn lính đánh thuê chẳng bắn giết! Điều đó chỉ có nghĩa là các mối nguy hiểm đang đe doạ chúng tôi sẽ khử lẫn nhau mà không gây tai hại gì cho chúng tôi cả. Trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ tiến hành công việc của chúng tôi một cách thuận lợi và giành lấy quyền kiểm soát bộ máy xã hội.
Kế hoạch của chúng tôi là như vậy: mỗi chi tiết vạch ra đều hết sức bí mật, và ngày khởi sự càng đến gần thì chúng tôi càng phổ biến rộng rãi cho nhiều đồng chí. Mưu cơ lan rộng là một điểm nguy hiểm cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi không bao giờ đạt đến cái điểm nguy đó cả. Qua hệ thống mật thám của nó, cái Gót sắt đã đánh hơi thấy cuộc Khởi nghĩa và đã chuẩn bị cho chúng tôi một bài học đẫm máu khác. Chúng đã chọn thành phố Chicago làm trường dạy chúng tôi và chúng tôi đã được một bài học thích đáng.
Trong tất cả các thành phố thì Chicago 1 là nơi chín muồi hơn cả. Chicago đã từng được gọi là thành phố máu và lần này nó lại sẽ được gọi bằng danh hiệu ấy. Tinh thần cách mạng ở đây rất cao trong những ngày chủ nghĩa tư bản thống trị, rất nhiều cuộc bãi công đã bị thẳng tay đàn áp, anh em công nhân không thể nào quên, cũng không thể nào tha thứ được.
Ngay bọn công nhân quý tộc trong thành phố cũng hướng về khởi nghĩa. Trong cuộc bãi công trước không biết bao nhiêu kẻ đã bị vỡ đầu. Mặc dầu điều kiện sinh hoạt đã được thay đổi và có phần thuận lợi, các đẳng cấp lao động vẫn chưa hết căm thù giai cấp chủ. Tư tưởng đó ăn lan cả sang đạo quân đánh thuê và đặc biệt có ba trung đoàn sẵn sàng chạy từng mảng sang với chúng tôi.
Chicago xưa nay vẫn là trung tâm bão táp trong cuộc xung đột giữa lao động và tư bản, là châu thành của những cuộc chiến đấu đường phố và của cái chết tàn khốc, với một tổ chức tư bản có ý thức giai cấp và một tổ chức công nhân cũng có ý thức giai cấp, nơi mà ngày xưa ngay các thầy giáo cũng họp nhau thành công đoàn và gia nhập tổng liên đoàn lao động Mỹ cùng với anh thợ đánh vữa và thợ nề. Tức là Chicago trở thành trung tâm bão táp của cuộc Khởi nghĩa thứ nhất đã nổ non kia.
Chính cái Gót sắt đã đẩy cho cuộc khởi nghĩa nổ non. Việc đó làm rất khéo. Toàn thể dân chúng kể cả những đẳng cấp lao động được ưu đãi, đều bị làm nhục một loạt. Những người phạm tội không đâu cũng bị trừng trị rất nặng. Đám dân của vực thẳm bị quật lên quật xuống, quật bật khỏi cái lãnh đạm thường ngày. Trong thực tế thì chính cái Gót sắt đang chuẩn bị cho con mãnh thú dưới vực thẳm gầm lên. Đồng thời với việc đó, trong tất cả những biện pháp rất thận trọng thi hành ở Chicago, cái Gót sắt bề ngoài tỏ ra bất cẩn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều trung đoàn quân đánh thuê bị rút đi và điều về các địa phương khác trong nước, những đơn vị còn lại thì kỉ luật hết sức lỏng lẻo.
Không lâu la gì, mà chỉ mấy tuần sau, kế hoạch đó được đem thi hành. Anh em Cách mạng chúng tôi nghe thấy người ta xì xào về tình hình công việc, nhưng không nắm được gì rõ rệt để hiểu rõ tình hình đó như thế nào. Thật ra chúng tôi cứ tưởng đây là một tinh thần khởi nghĩa tự phát, nó đòi hỏi chúng tôi phải kìm lại một cách thận trọng, chứ không ngờ rằng cái Gót sắt đã cố tình chuẩn bị từ trước, chuẩn bị hết sức bí mật, trong một phạm vi rất nhỏ hẹp, đến nỗi chúng tôi không nghe phong thanh thấy một điều gì cả. Âm mưu đối phó của nó quả là một kì công và đã được thực hiện một cách thần tình.
Tôi đang ở New York thì nhận được lệnh phải tức tốc về Chicago. Kẻ ra lệnh cho tôi là một tên thuộc giai cấp thiểu số thống trị. Tôi có thể quyết đoán như vậy qua cách nói năng của y. Mặc dù tôi không biết tên, cũng không trông thấy mặt. Những chỉ thị của y rất rõ ràng, tôi không sao nhầm được. Qua các hàng chữ, tôi đoán được ra rằng mưu cơ của chúng tôi đã bị bại lộ và bị phá. Quả bộc phá đã sẵn sàng chỉ còn chờ nổ và ngàn vạn tay sai của cái Gót sắt trong đó có tôi, hoặc sẽ ở ngay tại chỗ, hoặc sẽ được phái đến tận nơi để châm ngòi lửa. Tôi tự hào vì mình đã giữ được bình tĩnh trước con mắt sắc sảo của tên thiểu số thống trị, nhưng trống ngực tôi đổ liên hồi. Tôi những muốn thét lên và đưa hai tay ra bóp cổ y trước khi y truyền xong những mệnh lệnh lạnh như tiền ấy.
Y vừa đi khỏi, tôi liền tính ngay thì giờ. May ra tôi cũng còn có thể dành một chút thì giờ để gặp một đồng chỉ lãnh đạo phong trào địa phương trước khi lên xe lửa. Tôi vừa đề phòng mật thám theo dõi, vừa hộc tốc đi vào bệnh viện cấp cứu. Thật là may mắn, tôi được ngay phép gặp đồng chí Galvin, bác sĩ trưởng. Tôi thở hổn hển, định đưa tin cho đồng chí đó biết, nhưng đồng chí ngắt lời tôi ngay:
- Tôi biết rồi, - đồng chí bình tĩnh nói, mặc dầu cặp mắt Ireland của đồng chí long lên dữ tợn. - Tôi biết chị đến đây làm gì rồi. Tôi đã nhận được chỉ thị cách đây mười lăm phút và đã truyền đạt chỉ thị đó đi các nơi rồi. Chúng ta sẽ nằm yên không hành động. Chicago sẽ bị hi sinh, nhưng chỉ có Chicago thôi. - Anh thử liên lạc với Chicago chưa? - Tôi hỏi. Đồng chí lắc đầu: - Không thể liên lạc bằng điện báo được nữa. Chicago đã bị vít hết những đường vào. Nó sắp thành địa ngục đến nơi rồi. Đồng chí ngừng lại một lát, và tôi thấy bàn tay trắng trẻo của đồng chí nắm chặt lại. Rồi đồng chí bật ra nói: - Trời ạ! Tôi muốn đến đấy quá! - Tuy vậy, vẫn còn có cơ chặn nó lại, - tôi bảo. - Nếu xe lửa không gặp điều gì bất trắc và nếu tôi đến kịp. Hoặc nếu một đồng chí nào khác trong cơ quan mật vụ biết rõ sự thật và đến được đó kịp thời. - Lần này thì ngay các đồng chí đã chui vào được tổ chức của chúng cũng bị một đòn bất thần, - đồng chí nói. Tôi gật đầu lặng lẽ.
- Chúng nó giữ rất bí mật, - tôi đáp. - Cho đến hôm nay, chỉ có bọn trùm biết với nhau thôi. Chúng tôi chưa chui vào được tận đó cho nên đành chịu mù tịt về tình hình. Giá có Ernest ở đây nhỉ. Có lẽ anh đang ở Chicago, và nếu thế thì mọi việc sẽ đều tốt. Bác sĩ Galvin lắc đầu.
- Tin cuối cùng tôi được biết là anh đã bị điều động đi Boston hoặc New Haven. Làm công tác mật vụ cho địch, tất anh bị trở ngại nhiều, nhưng như vậy vẫn còn hơn nằm hầm bí mật. Lúc tôi sắp ra đi, đồng chí Galvin nắm chặt lấy tay tôi. Và đây là những lời chia tay của đồng chí: - Chị đừng để nhụt nhuệ khí nhé! Cuộc Khởi nghĩa thứ nhất dù có thất bại cũng không sao, sẽ có cuộc Khởi nghĩa thứ hai, và lúc đó thì chúng mình sẽ khôn ngoan hơn. Tạm biệt chị và chúc chị gặp nhiều may mắn. Chẳng biết rồi tôi có được gặp chị nữa không. Tình hình ở đây sắp đến bước khủng khiếp, nhưng nếu được đến đấy mà có phải tổn thọ mất mười năm, tôi cũng vui lòng.
Đoàn tàu "Thế kỉ hai mươi" 2 rời New York vào sáu giờ chiều, và theo dự định thì sẽ đến Chicago vào bảy giờ sáng ngày hôm sau, nhưng đêm hôm đó nó bị chậm. Chúng tôi chạy sau một đoàn tàu khác. Trong số hành khách ngồi trong toa Pullman cùng với tôi có đồng chí Hartman, cũng làm việc trong cơ quan mật vụ của cái Gót sắt như tôi. Chính đồng chí cho tôi biết về đoàn tàu chạy trước chúng tôi. Đoàn tàu đó giống hệt đoàn tàu của chúng tôi, nhưng không có hành khách. Như vậy cốt để nhỡ có mìn chờ phá đoàn tàu "Thế kỉ hai mươi" thì nó sẽ chịu tai nạn thay. Cũng vì vậy mà trên tàu chúng tôi ngồi có rất ít người, và trong toa tôi chỉ có mười ba người. - Chắc là chuyến tàu này có một số tai to mặt lớn đi. - Hartman kết luận. - Tôi thấy có một toa xe riêng ở đằng sau.
Khi tàu chúng tôi đổi đầu máy lần thứ nhất thì trời đã tối. Tôi đi đi lại lại trên sân ga để thở một ít khí trời trong mát và để nhìn được cái gì thì nhìn. Qua cửa sổ toa, tôi thoáng thấy ba người mà tôi nhận ra ngay. Hartman nói đúng. Một người là tướng Altendorff, hai người kia là Mason và Vanderbold, hai bộ não chỉ huy bộ phận tối cơ mật trong cơ quan mật vụ của cái Gót sắt. Đêm hôm đó trời sáng trăng và rất yên tĩnh nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Năm giờ sáng tôi trở dậy thay quần áo. Tôi hỏi chị phục vụ ở phòng trang điểm xem tàu chậm bao lâu. Chị trả lời chậm hai giờ. Chị là một người lai da đen. Tôi thấy mặt chị hốc hác và cặp mắt quầng thâm của chị mở rất to lộ một vẻ lo âu sợ hãi. - Chị làm sao thế? - Tôi hỏi. - Thưa bà, không ạ, - chị đáp. - Có lẽ tại cháu ít ngủ đấy thôi. Tôi nhìn sát vào chị và thử làm hiệu. Chị đáp lại khiến cho tôi vững dạ.
- Ở Chicago sắp xảy ra chuyện gì ghê gớm lắm. Có đoàn tàu giả chạy trước chúng ta. Đoàn tàu đó và đoàn tàu chở lính làm cho chúng ta bị chậm. - Tàu chở lính à? - Tôi hỏi. Chị gật đầu: - Đường đầy những tàu lính. Chúng ta vượt những đoàn tàu như thế suốt đêm. Toàn là tàu đi Chicago cả. Mà chở lính bằng đường tốc hành như thế tức là có chuyện to đấy. - Rồi chị nói tiếp: - Người yêu của tôi hiện ở Chicago. Anh ấy là người của chúng ta. Anh ấy ở trong đạo quân đánh thuê. Tôi lo cho anh ấy quá. Tội nghiệp chị ta. Người yêu của chị ta đi lính ở một trong ba trung đoàn làm phản.
Hartman và tôi ngồi ăn với nhau trong toa ăn. Tôi phải cố mà ăn. Mây kéo ùn ùn trên bầu trời và đoàn tàu lao đi như một tia sét khủng khiếp, xé rách cái màn tang xám của thời gian. Hartman nhìn tình hình bằng con mắt tuyệt vọng.
- Chúng ta làm gì được bây giờ? - Anh hỏi tôi đến lần thứ hai mươi, và nhún vai tỏ ý không còn biết xoay xở ra sao nữa. Rồi anh chỉ ra ngoài cửa sổ:
- Chị nhìn xem, chúng nó sẵn sàng cả rồi. Chị cứ tin chắc rằng chúng nó nhan nhản như thế này ở khắp các ngả đường ngoài thành phố hai ba chục dặm.
Anh đang nói về những đoàn tàu chở lính đậu ở những đoạn đường tránh. Lính tráng đang nấu bữa ăn sáng. Họ nhóm lửa trên mặt đất bên cạnh những đoạn đường tránh và tò mò nhìn đoàn tàu của chúng tôi lao đi vun vút qua chỗ họ, không giảm tốc độ.
Lúc chúng tôi vào Chicago, mọi thứ đều yên tĩnh. Rõ ràng là chưa có việc gì xảy ra. Ở ngoại ô báo buổi sáng đem lên tận trên tàu. Trên báo chẳng có gì, ấy thế nhưng những ai quen luận nghĩa giữa các hàng chữ vẫn thấy rất nhiều thứ mà những độc giả thường không thấy. Mỗi cột báo đều lộ rõ vết tay mĩ miều của cái Gót sắt. Cố nhiên, người ta nói rất lờ mờ. Người ta định tâm từ trước là để cho độc giả tự mình tìm hiểu lấy những lời úp úp mở mở đó. Thật là khéo. Về mặt hư cấu thì báo chí ngày 27 tháng 10 đúng là những kiệt tác.
Tin tức địa phương thiếu hẳn, cứ riêng việc này cũng đã là một đòn rất cao tay. Nó phủ lên Chicago một bức màn bí ẩn và khiến cho người đọc bình thường tưởng rằng tập đoàn thiểu số thống trị không dám đưa tin địa phương. Có nhiều chỗ nói úp mở - cố nhiên là bịa về tình trạng bất phục tùng xảy ra trên khắp nước, cải trang một cách sống sượng dưới những lời lẽ bóng bẩy đầy vẻ tự mãn về những biện pháp trừng trị cần phải đem thi hành. Có những tin về việc nhiều đài vô tuyến điện bị phá hoại bằng thuốc nổ và về những giải thưởng dành cho ai khám phá ra thủ phạm. Cố nhiên, chẳng có đài vô tuyến điện nào bị phá cả. Báo còn nói đến nhiều hành vi bạo động tương tự, rất ăn khớp với kế hoạch của những người cách mạng. Như vậy để gây cho các đồng chí ở Chicago một ấn tượng rằng cuộc tổng khởi nghĩa đã bắt đầu, mặc dầu có nhiều thất bại cục bộ. Những người không biết rõ tin tức không tài nào thoát được cái cảm giác lơ mơ nhưng chắc chắn rằng khắp nước đã chín muồi để khởi nghĩa và khởi nghĩa đã bắt đầu bùng nổ.
Có tin rằng cuộc làm phản của những đội quân đánh thuê ở bang California nghiêm trọng đến nỗi sáu trung đoàn đã bị giải tán và bị phá tan, quan quân cùng với gia đình họ đã bị trục xuất khỏi những thành phố riêng và lùa về những khu lao động. Những đội quân đánh thuê ở California thực ra lại là những đội quân trung thành với chủ nhất. Nhưng Chicago đã bị cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài, làm sao mà biết được? Rồi lại có một bức điện bị cắt đứt làm nhiều đoạn đưa tin về cuộc nổi dậy của đám dân cùng khổ ở thành phố New York, có những đẳng cấp lao động tham gia, kết thúc bằng một lời khẳng định rằng quân đội đã làm chủ được tình hình. Bọn thống trị cố ý làm cho người ta hiểu rằng lời khẳng định này là bịp bợm.
Bọn thiểu số thống trị không phải chỉ đưa những tin thất thiệt lên báo, chúng còn sử dụng trăm nghìn phương tiện khác. Có những điều sau này chúng tôi mới biết. Chẳng hạn như đêm hôm đó thỉnh thoảng chúng lại đánh đi những bức điện mật với dụng ý để lọt đến tai anh em cách mạng. Lúc đoàn tàu chạy vào ga chính, Hartman bỏ tờ báo đang đọc xuống, nhận xét:
- Tôi nghĩ rằng cái Gót sắt không cần chúng mình làm việc cho nó nữa. Nó phái chúng mình đến đây thật phí thời giờ. Nhìn cũng thấy kế hoạch của nó thu được nhiều kết quả hơn là nó tưởng tượng. Cảnh chết chóc đau thương sắp xảy ra đến nơi rồi. Lúc chúng tôi xuống toa, anh quay lại nhìn đoàn tàu, khẽ bảo: - Chúng nó đã cho cắt toa xe riêng lúc người ta đem báo lên tàu rồi, tôi chắc thế.
Hartman thỉu hẳn đi, trông thật tuyệt vọng. Tôi cố làm cho anh vui lên, nhưng anh không buồn nghe. Lúc đi qua nhà ga, anh hạ thấp giọng nói rất nhanh, mới đầu tôi nghe không hiểu anh nói gì.
- Tôi vẫn chưa chắc lắm đâu, - anh bảo. - Cho nên tôi cũng chưa nói với ai cả. Tôi cố tìm hiểu từ mấy tuần nay rồi, nhưng vẫn không dám chắc. Chị nên cảnh giác với Knowlton. Tôi nghi hắn đấy. Hắn biết rõ đến hai chục hầm bí mật của chúng ta, mà tôi thì tôi ngờ rằng hắn đã làm phản. Tôi cũng chỉ cảm thấy như thế thôi. Chứ không có chứng cớ gì khác. Ít lâu nay tôi nhận xét thấy hắn có phần thay đổi. Hắn mà chưa bán chúng ta thì cũng chỉ nay mai là hắn bán thôi. Tôi dám chắc như thế. Tôi không muốn hé cho ai biết là tôi nghi hắn, nhưng chắc tôi sẽ không sống sót để đi khỏi thành Chicago này được. Chị cần để mắt đến Knowlton. Chị phải giương một cái bẫy. Chị phải khám phá cho ra. Tôi không biết gì hơn đâu. Đây cũng là do cảm tính thôi, và cho đến lúc này tôi vẫn chưa lần ra đầu mối. Lúc đó, chúng tôi vừa đi xuống vỉa hè. - Chị nhớ đấy, - Hartman khẩn khoản. - Chị phải để mắt đến Knowlton.
Hartman nói đúng. Chưa đầy một tháng sau, Knowlton đã phải đền tội. Y bị các đồng chí ở Milwaukee chiểu theo luật lệ của chúng tôi đem xử tử.
Trong các phố, mọi vật đều yên tĩnh - quá là yên tĩnh. Chicago nằm đó như thường ngày. Ngay đến xe ngựa cũng không có. Xe điện trên mặt đường và xe điện trên cầu cạn đều không chạy. Chỉ thỉnh thoảng trên vỉa hè mới có một vài người bộ hành, nhưng không phải là họ đi phất phơ. Họ bước đi hối hả với một mục đích rõ rệt, nhưng trong những cử động của họ vẫn có một vẻ ngập ngừng kì dị, hình như họ sợ những toà nhà đồ sộ sụp xuống đầu họ, hoặc những vỉa hè thụt xuống dưới chân họ hay nổ tung lên trời. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ con đi dạo lung tung, và trong mắt chúng lộ ra một vẻ sốt ruột chờ xảy ra những việc kì lạ hay hồi hộp.
Từ đâu đó, ở tít phía Nam, một tiếng nổ vang đến tận tai chúng tôi. Chỉ có thế. Rồi lại yên tĩnh, mặc dầu bọn trẻ sửng sốt lắng tai nghe như những con hoẵng nhỏ. Cửa giả các nhà đều kín mít và các cửa hàng đều đóng chặt. Nhưng người ta vẫn thấy nhiều cảnh sát và lính gác, và chốc chốc lại có đội tuần tra của đạo quân đánh thuê phóng ô-tô đi qua. Hartman và tôi đồng ý với nhau rằng không cần phải đến trình diện bọn chỉ huy cơ quan mật vụ địa phương. Chúng tôi biết, trước tình hình rối ren sắp xảy ra, chúng sẽ không khiển trách chúng tôi. Thành thử tôi đi thẳng tới khu lao động lớn ở phía Nam thành phố, những mong bắt được liên lạc với một vài đồng chí. Đã muộn quá rồi! Chúng tôi biết thế. Nhưng chúng tôi không thể đứng im không làm gì cả giữa những đường phố yên lặng kinh người này. Ernest ở đâu? Tôi tự hỏi. Ở những khu phố dành riêng cho bọn công nhân quý tộc và bọn lính đánh thuê, liệu đang xảy ra những việc gì? Ở pháo đài nữa? Như để trả lời cho câu hỏi, những tiếng gào thét từ xa vang vọng lại, điểm theo hết tiếng nổ này đến tiếng nổ khác. - Trong pháo đài đây! - Hartman nói. - Lạy trời phù hộ cho ba trung đoàn.
Đến ngã tư, chúng tôi nhìn thấy một cột khói lù lù ở về phía các kho lương thực. Đến ngã tư sau, lại có nhiều cột khói tương tự bốc lên trời ở về phía Tây thành phố. Bên trên khu bọn lính đánh thuê ở, chúng tôi thấy một quả khinh khí cầu quân sự từ dưới đất dòng dây lên. Chúng tôi vừa nhìn thì quả khinh khí cầu nổ tung và cháy bùng bùng rơi xuống đất. Không có một manh mối gì về tấm bi kịch trên không trung đó cả. Chúng tôi không tài nào xác định được quả khinh khí cầu đó là do các đồng chí của chúng tôi thả hay do địch thả. Một tiếng ầm ầm vang lên bên tai chúng tôi giống như một cái nồi hơi khổng lồ để ở tít đằng xa đang réo. Hartman bảo đó là tiếng đại liên và tiểu liên.
Chúng tôi lại bước đi trong cảnh yên tĩnh. Ở chỗ chúng tôi không xảy ra việc gì cả. Cảnh sát và những ô-tô lính tuần tra đi qua, rồi thì có sáu xe vòi rồng, chắc là từ ở một đám cháy nào về. Một viên sĩ quan ngồi trong ô-tô gọi hỏi đám lính cứu hoả, và chúng tôi nghe thấy một người thét lên trả lời: "Không có nước! Chúng nó phá tung những ống dẫn chính rồi!"
- Chúng mình phá vỡ bể chứa nước rồi, - Hartman xúc động kêu lên. - Trong một cuộc bạo động non và cô lập như thế này mà ta làm được như vậy thì khi cả nước phối hợp trong những điều kiện chín muồi, phỏng có gì mà chúng ta không làm được?
Chiếc ô-tô chở viên sĩ quan lại phóng vụt đi. Bỗng có liếng nổ đinh tai. Chiếc ô-tô cùng với tất cả những người ngồi bên trong bắn tung lên trời, giữa một đám khói mù mịt rồi rơi xuống thành một đống sắt vụn và xác chết. Hartman mừng quýnh lên: - Tuyệt! Tuyệt! - Anh lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại trong mồm. - Hôm nay giai cấp vô sản được một bài học mà cũng cho một bài học.
Cảnh sát đổ xô lại chỗ xảy ra tai nạn. Rồi một chiếc ô-tô tuần tra khác cũng dừng lại. Tôi cuống lên. Mọi việc xảy đến một cách quá ư bất ngờ: khiến cho tôi rụng rời cả người. Nó xảy đến như thế nào? Tôi không biết nữa, nhưng rõ ràng là tôi đang nhìn thẳng vào nó. Tôi cuống lên đến nỗi gần như không nhận ra rằng chúng tôi đã bị cảnh sát bắt. Tôi chợt trông thấy một tên lính cảnh sát sắp sửa bắt Hartman. Hartman bình tĩnh nói mật hiệu. Tôi thấy cái súng lục đang giơ lên bỗng ngập ngừng rồi chúc xuống, và nghe thấy tên cảnh sát càu nhàu một cách khinh bỉ. Y cáu tiết chửi tất cả cơ quan mật vụ. Y khẳng định rằng cơ quan mật vụ chỉ làm cho vướng chân cảnh sát, còn Hartman thì đối đáp lại với một vẻ kiêu hãnh mà các nhân viên mật vụ vẫn thường có, giải thích cho y nghe bên phía cảnh sát vụng về thô lỗ như thế nào.
Một lúc sau thì tôi biết rõ những việc xảy ra. Một đám đông vây quanh chiếc xe bị nạn và hai người khiêng viên sĩ quan bị thương cho sang chiếc xe khác. Bỗng mọi người hốt hoảng cả lên và chạy tản đi khắp các phía, chạy thục mạng, quăng cả viên sĩ quan lại phía sau, đánh huỵch một cái. Tên cảnh sát đang đứng chửi rủa trước mặt tôi cũng bỏ chạy.
Không hiểu vì sao cả tôi và Hartman cũng chạy, chạy lấy chạy để cho thoát khỏi cái nơi ghê rợn ấy.
Thật thì lúc ấy chẳng có việc gì xảy ra cả. Những người bỏ chạy lại lục đục quay về như một lũ cừu, nhưng họ luôn luôn đưa đôi mắt hoảng sợ ngước nhìn những toà nhà đồ sộ đục đầy cửa sổ đứng sừng sững như những vách núi hai bên đường phố. Quả bom đã từ trên một cửa sổ ném xuống, nhưng biết là cửa sổ nào? Không có quả bom thứ hai, chỉ có nỗi lo sợ bị thêm một quả bom nữa thôi.
Từ đó chúng tôi nhìn các cửa sổ với một nỗi lo canh cánh trong lòng. Bất cứ khoang cửa sổ nào cũng có thể là nơi chứa thần chết. Bất cứ toà nhà nào cũng có thể là ổ mai phục. Đây là chiến tranh, chiến tranh trong một khu rừng hiện đại, một thành phố lớn. Mỗi phố là một cái khe, mỗi toà nhà là một quả núi. Chúng ta thật chưa khác những người nguyên thuỷ là bao nhiêu, mặc dầu có những ô-tô quân sự phóng như bay trong các phố.
Vừa đi quặt sang một phố khác, chúng tôi vấp phải một phụ nữ. Chị nằm sóng sượt trên mặt đường, giữa một vũng máu. Hartman cúi xuống xem. Tôi thì tôi muốn ngất đi. Tôi đã thấy nhiều người chết ngày hôm đó, nhưng tất cả cuộc tàn sát không làm cho tôi xúc động bằng cái xác vô chủ đầu tiên này, nó nằm ngay dưới chân tôi, trên mặt đường. - Chị ta bị bắn vào ngực, - Hartman bảo.
Người đàn bà ôm chặt trong tay một gói giấy in, y như ôm một đứa con. Ngay lúc chết, chị vẫn không chịu rời cái vật nó làm cho chị phải chết. Lúc Hartman lôi được cái gói ra thì đó là những bản tuyên ngôn in rất to của anh em Cách mạng. - Một đồng chí! - Tôi kêu lên.
Hartman không nói không rằng chỉ nguyền rủa cái Gót sắt rồi lại đi. Nhiều lần chúng tôi bị cảnh sát hoặc các đội tuần tra giữ lại, nhưng nhờ có mật hiệu chúng tôi vẫn đi lọt. Không có bom ném từ trên cửa sổ xuống nữa. Những người khách bộ hành cuối cùng như đã chợt biến đâu mất và các phố xá lập tức lại yên tĩnh hơn cả lúc trước. Tuy nhiên, cái chảo nước khổng lồ vẫn réo lên sùng sục ở đằng xa, những tiếng nổ ẩm ầm từ bốn phía vọng lại chỗ chúng tôi và những cột khói khủng khiếp bốc lên trời càng thêm cao ngất.
Chú thích:
 Chicago là cái địa ngục công nghiệp của thế kỉ thứ 19 thuộc công nguyên. Ngày nay chúng ta còn được nghe một giai thoại rất lạ về John Burns, một lãnh tụ lao động lớn đã một thời kì có chân trong Hội đồng tư vấn của nước Anh. Ông sang thăm nước Mỹ và đến Chicago thì có một kí giả hỏi cảm tưởng của ông về thành phố đó. Ông đáp: "Chicago là địa ngục thu nhỏ lại". Ít lâu sau ông sắp đáp tàu biển về Anh thì một kí giả khác đến hỏi ông xem ông có thay đổi cảm tưởng về Chicago không. Ông trả lời: "Có, cảm tưởng của tôi có khác. Đối với tôi bây giờ thì địa ngục là Chicago thu nhỏ lại".
 Đoàn tàu này nổi tiếng là nhanh nhất thế giới hồi đó. Nó quả là một đoàn tàu rất cừ.