ió mùa hè hiu hiu lay động những cây thông khổng lồ và sông Wild-Water vỗ sóng nhịp nhàng vào những tảng đá xanh rêu. Bướm lượn dưới nắng và bốn bề tiếng ong bay vù vù như ru ngủ. Yên tĩnh quá. Thái bình quá. Và tôi ngồi đây, lo lắng, bồn chồn. Chính cái yên tĩnh làm cho tôi bồn chồn. Nó hư hư thực thực thế nào ấy. Khắp thế giới yên tĩnh, nhưng đó là cái yên tĩnh trước cơn giông tố. Tôi lắng tai nghe và tất cả các giác quan của tôi cũng căng lên chờ đón dấu hiệu của cuộc đại biến sắp nổ ra1. Phải, miễn nó đừng nổ non! Miễn nó đừng bùng ra sớm quá! Tôi bồn chồn cũng không có gì lạ. Tôi suy nghĩ, suy nghĩ liên miên, và không thể đừng suy nghĩ. Tôi vật lộn với cuộc sống đã từ lâu, đến nỗi thấy yên tĩnh là tức thở, không chịu được. Và tôi không thể không nghĩ đến trận cuồng phong chết chóc và tàn phá sắp sửa nổi lên. Trong tai tôi vang lên tiếng kêu gào của những người gục xuống, và tôi có thể nhìn thấy, cũng như tôi đã từng nhìn thấy(2) da thịt mơn mởn của con người bị dập vùi, tan tác, linh hồn con người bị giằng khỏi những tấm thân đầy kiêu hãnh và ném cho Thượng đế. Khốn khổ thay nhân loại chúng ta, muốn đạt đến mục đích của mình phải cố giết chóc, tàn phá, để đem lại cho trái đất một nền hoà bình và hạnh phúc bền vững. Vả chăng, tôi chỉ có một mình. Lúc nào không nghĩ đến những điều tất phải xảy đến thì tôi nghĩ đến những điều đã qua, những điều không còn nữa. Tôi nghĩ đến con Đại bàng của tôi trước kia vẫn dang đôi cánh không biết mỏi ra vùng vẫy giữa trời xanh để bay về phía kỳ tưởng chói lọi của tự do nhân loại. kỳ tưởng đó chính là mặt trời của anh. Tôi không thể ngồi yên để chờ đợi cái biến cố lớn lao do bản thân anh làm ra, mặc dầu anh không còn sống để nhìn thấy nó. Bao nhiêu năm anh sống làm người thì bấy nhiêu năm anh cúc cung tận tuỵ vì nó. Anh đã hiến cả đời anh cho nó. Nó là sự nghiệp của tay anh. Chính anh đã làm ra nó(3). Cho nên trong thời gian chờ đợi lo lắng này, tôi sẽ viết về chồng tôi. Có nhiều điều chỉ mình tôi có thể nói rõ về anh, một con người cao quý dù ca ngợi bao nhiêu vẫn chưa đủ. Tâm hồn anh bao la như biển cả. Và khi tình yêu của tôi đã gọt hết lòng vị kỉ thì tôi tiếc nhất là anh không còn sống để chứng kiến buổi bình minh sắp ló ra. Chúng tôi không tài nào thất bại được. Anh đã xây dựng vững chãi quá, chắc chắn quá rồi. Thảm hại thay cái Gót sắt đang dẫn trên ngực nhân loại! Chẳng bao lâu nữa, nó sẽ bị nhổ bỏ. Khi nào hiệu lệnh tung ra, lao động khắp thế giới sẽ dấy lên tầng tầng lớp lớp. Chưa bao giờ có một việc như thế trong lịch sử loài người. Sự đoàn kết của lao động đã được đảm bảo, và lần đầu tiên sẽ nổ ra một cuộc cách mạng quốc tế bao trùm cả thế giới(4). Như các bạn đã thấy, óc tôi nghĩ miên man về sự kiện sắp xảy ra. Tôi sống miệt mài với nó, sống ngày, sống đêm, sống rất lâu, đến nỗi nó luôn luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi không thể nghĩ đến chồng tôi mà không nghĩ tới nó. Chồng tôi là linh hồn của nó, làm sao trong tư tưởng tôi có thể tách rời chồng tôi với nó được? Như tôi đã nói, có nhiều điều chỉ mình tôi có thể nói rõ về anh. Ai cũng biết anh đã vì tự do mà chịu nhiều gian truân, đau khổ. Anh đã làm việc cực nhọc đến thế nào, đã đau khổ ghê gớm như thế nào, tôi biết hết. Vì tôi đã sống bên anh suốt hai mươi năm sóng gió vừa qua và tôi biết rõ lòng kiên trì, sự cố gắng không mệt mỏi và sự tận tuỵ không bờ bến của anh đối với Sự Nghiệp chung. Anh đã chết cho Sự Nghiệp, mới cách đây hai tháng. Tôi sẽ cố viết giản dị và kể ra đây Ernest Everhard đã bước vào đời tôi như thế nào – thoạt tiên, tôi gặp anh ra sao, vì duyên cớ gì tôi đã thành một phần của chính mình anh, và anh đã gây cho đời tôi những biến đổi ghê gớm như thế nào. Như vậy, các bạn có thể nhìn anh qua mắt tôi, và biết về anh cũng như bản thân tôi – biết hết, trừ những chuyện riêng của vợ chồng chúng tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1912. Anh là khách của ba tôi(5) và hôm ấy anh đến ăn cơm ở nhà tôi, tại thành phố Berkeley. Có thể nói, ngay từ lúc đầu, tôi không có cảm tình với anh. Ngoài anh ra, còn nhiều khách khứa khác. Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách chờ mọi người đến đông đủ thì anh vào, trông đến là thảm hại. Tối hôm ấy là tối họp mặt của các mục sư – ở nhà, ba tôi vẫn thường gọi thế. Ngồi giữa các nhà tu hành, Ernest nhất định là lạc lõng. Trước hết, quần áo anh không vừa người anh. Anh bận một bộ đồ may sẵn bằng vải sẫm, xộc xà xộc xệch. Trong thực tế, chẳng có thứ quần may sẵn nào mà anh mặc vừa. Tối hôm ấy, mà bao giờ cũng thế: các bắp thịt của anh hằn lên mặt vải. Vai anh u lên, và cái áo vét-tông anh bận dăn dúm cả ở giữa hai vai. Cổ anh banh ra, chắc nịch: giống hệt cổ những kẻ đi đánh nhau ăn giải(6). Tôi nghĩ bụng: Té ra nhà triết học xã hội, nguyên làm nghề bịt móng ngựa, mà ba tôi đã phát hiện được, ngài là như thế đấy. Vai u thịt bắp như thế, thật đúng quá đi rồi. Tôi liền liệt anh vào hạng dị nhân và coi anh như một lão Blind Tom(7) của giai cấp công nhân. Rồi anh lại bắt tay tôi nữa kia chứ! Anh xiết mạnh quá, chặt quá, nhất là anh nhìn tôi một cách táo tợn bằng cặp mắt đen lay láy – táo tợn quá, theo ý tôi. Các bạn cũng thừa hiểu tôi là sản phẩm của hoàn cảnh và khi ấy bản năng giai cấp của tôi rất mạnh. Giá một người đàn ông thuộc giai cấp tôi cũng táo tợn như thế thì không thể nào tha thứ được. Tôi đành cúi nhìn xuống đất. Lúc anh đi khỏi, tôi nhẹ cả người, quay lại nhìn đức Giám mục Morehouse. Đức Giám mục là một người tôi rất mến, một người đứng tuổi, hiền hoà, nghiêm chỉnh, tướng mạo và từ tâm hệt như đức Chúa. Chẳng những thế, Người còn là một nhà học giả. Nhưng cái táo tợn mà tôi tưởng là tự phụ đó lại là đầu mối cho tôi tìm hiểu bản chất của Ernest Everhard. Anh giản dị, ngay thẳng, chẳng biết sợ cái gì và không thích mất thì giờ vào việc xã giao. kiểu cách. Mãi về sau, anh giải thích: “Em rất hợp ý anh, làm sao anh lại không nhìn thẳng vào người mà anh ưa thích?” Tôi đã bảo, anh chẳng sợ một cái gì. Anh là người bản chất quý phái, mặc dầu anh đứng trong phe thù địch của bọn quý phái. Anh là một siêu nhân, một “Con vật tóc vàng” như Nietzsche(8) đã miêu tả, và cộng thêm vào đó, anh mang những tư tưởng dân chủ cháy rực trong người. Vì mải tiếp những người khác, và cũng vì sẵn có ấn tượng xấu, tôi quên khuấy mất nhà triết học của giai cấp công nhân, mặc dầu tôi có chú ý đến anh một hai lần trong bữa ăn – đặc biệt là lúc anh long lanh đôi mắt nghe các vị mục sư nói chuyện. Tôi nghĩ bụng: anh là người vui tính và tôi hầu như tha thứ cho cách ăn mặc của anh. Nhưng thời gian cứ đi, bữa ăn cứ tiếp tục, anh vẫn không buồn nói nửa lời. Trong khi ấy, các vị mục sư bàn luận miên man về giai cấp công nhân, về quan hệ của nó với Nhà thờ. Nhà thờ đã làm gì và đang làm gì cho nó. Tôi nhận thấy Ernest không nói làm cho ba tôi không bằng lòng. Nhân một lúc im lặng, ba tôi yêu cầu anh phát biểu, nhưng Ernest nhún vai: “Tôi chẳng có điều gì muốn nói cả” và lại ngồi ăn hạnh đào muối. Nhưng ba tôi không chịu. Một lúc sau ba tôi bảo: - Chúng ta có một người giai cấp công nhân ở đây. Tôi tin chắc người đó có thể trình bày các việc theo một quan điểm mới, vừa hay lại vừa bổ ích. Tôi muốn nói ông Everhard. Những người khác tỏ vẻ thích thú một cách lịch sự và giục Ernest tuyên bố những quan điểm của mình. Thái độ của họ hết sức khoan dung, hoà nhã: đúng là thái độ của những kẻ đỡ đầu. Tôi thấy Ernest cũng nhận ra điều ấy và anh lấy thế làm khoái lắm. Anh chậm rãi nhìn bốn xung quanh và mắt anh sáng lên một cách ranh mãnh. - Tôi quả thật không quen với những cuộc tranh luận tao nhã của Giáo hội, – anh bắt đầu được mấy lời đã ngập ngừng ngay, vẻ mặt khiêm tốn và do dự. Họ giục: “Ông cứ tiếp tục đi!” và bác sĩ Hammerfield bảo: “Chân kỳ dù ở miệng ai nói ra chúng tôi cũng đều không ngại. Miễn là nó trung thực”. - Vậy ra ngài tách rời trung thực khỏi chân kỳ ư? – Ernest cười hỏi rất nhanh. Bác sĩ Hammerfield luống cuống trả lời: - Giỏi đến đâu cũng phải có lúc nhầm, ông bạn trẻ ạ. Người giỏi nhất trong chúng ta cũng phải có lúc nhầm. Ernest bỗng thay đổi hẳn. Anh đã thành một người khác. - Vâng, được, – anh đáp. – Và tôi xin phép bắt đầu bằng câu này: là các ngài nhầm tuốt. Các ngài không biết gì về giai cấp công nhân, không biết một tí gì hết. Khoa xã hội học của các ngài sai bét và vô giá trị, cũng như phương pháp suy luận của các ngài. Những lời anh nói chính lại không nặng bằng cách anh nói. Tôi giật cả mình trước hết vì giọng nói của anh. Nó cũng táo tợn không khác gì hai con mắt anh. Nó là một tiếng kèn chiến đấu và nó làm cho toàn thân tôi rung lên. Bàn tiệc xao động. Cái không khí đều đều buồn tẻ bị phá vỡ. - Ông bạn trẻ tuổi! Phương pháp suy luận của chúng tôi có chỗ nào sai lầm và vô giá trị ghê gớm đến thế kia, thưa ông? – Bác sĩ Hammerfield hỏi, vẻ khó chịu thoáng hiện ra giọng nói và cách phát biểu của ông. - Các ngài là những nhà siêu hình học. Các ngài có thể dùng siêu hình học để chứng minh bất cứ một cái gì, và xong thì mỗi nhà siêu hình học lại có thể tuỳ thích chứng minh rằng các nhà siêu hình học khác là sai. Các ngài là những kẻ vô chính phủ trong lĩnh vực tư tưởng. Các ngài là những nhà chế tạo ra vũ trụ. Điên rồ ơi là điên rồ! Mỗi ngài sống trong một vũ trụ riêng, do trí tưởng tượng riêng và những sở thích riêng của mình tạo nên. Các ngài không biết gì về cái thế giới thực các ngài đang sống, và tư tưởng điên loạn của các ngài hoàn toàn không có chỗ đứng trong thực tại. “Các ngài có biết khi tôi ngồi vào bàn tiệc và nghe các ngài nói huyên thuyên, tôi nhớ đến cái gì không? Các ngài làm tôi nhớ đến bọn triết gia kinh viện thời trung cổ, họ tranh luận một cách trang trọng và thông thái về vấn đề rất hấp dẫn này: bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu mũi kim. Vâng, thưa các ngài, các ngài sống rất xa đời sống trí tuệ của thế kỷ thứ hai mươi, xa không kém gì một tay phù thủy người da đỏ đọc thần chú trong rừng hoang cách đây một vạn năm”. Ernest nói ra tuồng giận dữ lắm: mặt anh đỏ bừng, mắt anh sáng quắc, cằm anh và hàm anh đầy vẻ hiếu chiến. Nhưng đó cũng chỉ là một cách nói năng của anh thôi. Nó luôn luôn khích động người khác. Cách tấn công bằng búa tạ của anh làm họ luống cuống. Mà họ đang luống cuống thật. Đức Giám mục Morehouse cúi về phía trước ngực chăm chú. Bác sĩ Hammerfield phẫn nộ đỏ mặt lên. Những người khác cũng đều cáu đến cực độ, và một vài người mỉm cười làm ra bộ không thèm chấp. Riêng tôi, tôi thấy cảnh tượng ấy thật là thú vị. Tôi nhìn ba tôi, chỉ sợ ba tôi phá lên cười vì trái bom người mà ba tôi đã ném vào giữa chúng tôi. - Ông dùng những lời lẽ hơi mơ hồ, – bác sĩ Hammerfield ngắt lời. – Ông gọi chúng tôi là những nhà siêu hình học, như vậy là ông muốn nói gì? - Tôi gọi các ngài là những nhà siêu hình học bởi vì các ngài lập luận một cách siêu hình. – Ernest tiếp. – Phương pháp lập luận của các ngài đối lập với phương pháp khoa học. Những kết luận của các ngài không có giá trị gì hết. Các ngài có thể chứng minh đủ mọi thứ nhưng đồng thời chẳng chứng minh cái gì cả, và giữa các ngài không có lấy hai người đồng ý với nhau về bất cứ một điều gì. Mời ngài chui vào một cõi ý thức riêng của mình để giải thích bản thân mình và vũ trụ. Các ngài định lấy ý thức để cắt nghĩa ý thức, có khác nào túm lấy tóc mình để nhấc bổng mình lên! - Tôi không hiểu, – đức Giám mục Morehouse nói. – Theo tôi, hình như tất cả những điều thuộc về tinh thần đều là siêu hình thì phải. Toán học chính là ngành khoa học chính xác nhất và có nhiều sức thuyết phục nhất, cũng là thuần tuý siêu hình. Bất cứ một quá trình suy tưởng nào của một nhà khoa học cũng đều là siêu hình. Chắc chắn ông đồng ý với tôi? - Đúng như ngài nói, ngài không hiểu thật, – Ernest đáp. Nhà siêu hình học lập luận một cách suy diễn, và đi từ chủ quan mình đi ra. Nhà khoa học lập luận theo lối quy nạp và dựa vào những sự việc do thực tế chứng nghiệm. Nhà siêu hình học giải thích vũ trụ bằng bản thân mình, nhà khoa học giải thích bản thân mình bằng vũ trụ. - Nhờ ơn Chúa, chúng tôi không phải là nhà khoa học, – bác sĩ Hammerfield lẩm bẩm ra vẻ đắc chí. - Thế các ngài là gì? – Ernest hỏi. - Nhà triết học. - Thế là các ngài chui vào bẫy của tôi rồi, – Ernest cả cười. – Các ngài đã rời bỏ trái đất thực tại và vững chắc, và đã dùng danh từ làm máy bay để bay lên tận mây xanh. Xin các ngài hãy trở lại mặt đất và nói cho tôi nghe, theo các ngài hiểu: triết học nghĩa là thế nào? - Triết học là… (bác sĩ Hammerfield ngừng lại: đằng hắng) một cái gì rất khó định nghĩa, chỉ những đầu óc và tư chất triết học mới hiểu nổi thôi. Nhà khoa học thiển cận chỉ chúi mũi vào những ống thí nghiệm không hiểu được triết học. Ernest thản nhiên trước sự tấn công. Anh vẫn hay quay mũi nhọn của kẻ địch chĩa trả lại vào kẻ địch. Anh liền thi hành chiến thuật của anh, với một vẻ mặt và một giọng nói thân ái, hoà nhã. - Vậy thì hẳn ngài sẽ hiểu cái định nghĩa về triết học mà tôi sắp nói đây. Nhưng trước khi nói, tôi thách ngài tìm ra chỗ tôi sai, nếu không xin ngài hãy cứ dựa cột mà nghe đúng như một nhà siêu hình học. Triết học chẳng qua là một khoa học bao trùm lên trên tất cả các khoa học. Nó cũng theo một phương pháp suy luận như bất cứ một khoa học riêng biệt nào. Cũng dùng phương pháp suy luận đó, tức là phương pháp quy nạp, triết học đúc tất cả những khoa học riêng biệt thành một khoa học lớn. Như Spencer đã nói, những luận cứ của bất cứ một khoa học riêng biệt nào cũng là những tri thức đúc kết có tính chất bộ phận. Triết học tổng hợp những tri thức do tất cả các khoa học đem lại. Triết học là khoa học của khoa học, là khoa học chủ đạo, gọi như thế cũng được. Ngài thấy định nghĩa của tôi thế nào? - Rất hay, rất có giá trị, – bác sĩ Hammerfield lẩm bẩm một cách ngượng nghịu. Nhưng Ernest không tha. Anh cảnh cáo: - Xin ngài nhớ cho rằng định nghĩa của tôi hết sức tai hại cho siêu hình học. Nếu ngài không vạch được một sơ hở nào trong định nghĩa của tôi thì sau này ngài không thể đưa ra những lập luận siêu hình với tôi được đâu. Ngài sẽ phải tìm chỗ sơ hở đó suốt đời và im lặng một cách siêu hình cho đến khi tìm ra thì thôi. Ernest chờ. Gian phòng im phăng phắc. Bác sĩ Hammerfield điếng người đi. Ông bối rối quá. Trận tấn công bằng búa tạ của Ernest làm cho ông mất hết tinh thần. Ông không quen tranh luận mộc mạc, thẳng thừng như thế. Ông nhìn quanh bàn để cầu cứu nhưng không ai trả lời hộ ông. Tôi bắt gặp ba tôi lấy khăn ăn che miệng cười. - Còn một cách khác nữa để đánh đổ các nhà siêu hình học, – Ernest nói, khi bác sĩ Hammerfield đã hoàn toàn đuối lý. – Hãy xét họ bằng việc làm. Họ đã làm gì cho nhân loại, ngoài việc thêu dệt ra những ảo ảnh lông bông và lẫn lộn cái bóng mình là thần thánh? Tôi công nhận là họ có thêm thắt được một vài trò vui cho nhân loại: nhưng thử hỏi họ đã làm được điều gì lợi ích thiết thực cho loài người? Họ triết kỳ – Tôi xin lỗi đã dùng sai danh từ này – rằng trái tim là nơi phát ra những xúc cảm trong khi các nhà khoa học tìm ra những kết luận về sự tuần hoàn. Họ la lối lên rằng đói kém và dịch tễ là do trời gây ra, trong khi các nhà khoa học xây kho dự trữ lương thực và làm hệ thống thoát nước cho các thành phố. Họ nặn ra thần thánh theo hình thù của họ và bằng những ý muốn riêng của họ, trong khi các nhà khoa học kiến thiết đường xá, cầu cống. Họ tả trái đất là trung tâm vũ trụ, trong khi các nhà khoa học khám phá ra châu Mỹ và quan sát không gian để tìm ra những tinh tú và những quy luật về các tinh tú. Nói tóm tắt một câu thì các nhà siêu hình học không làm gì, không làm được một tí gì cho nhân loại. Họ đã phải lùi dần từng bước trước những tiến bộ của khoa học. Nhưng hễ khoa học tìm ra được điều gì mới mẻ làm cho cách giải thích chủ quan của họ về sự vật bị lật đổ thì lập tức họ lại lập ra những thuyết chủ quan khác bao gồm cả những cách giải thích những điều mới mẻ nhất khoa học đã tìm ra. Và chắc hẳn họ còn làm như thế không biết đến bao giờ. Thưa các ngài, nhà siêu hình học là một tay phù thủy. Giữa các ngài với người Eskimo nặn ra một đấng Thượng để mặc lông thú và ăn mỡ cá voi, nếu có cách nhau thì cũng chỉ cách nhau mấy nghìn năm xét nghiệm các sự kiện mà thôi. Thế mà tư tưởng của Aristotle vẫn chế ngự châu Âu suốt mười hai thế kỷ đấy, – bác sĩ Ballingford phát biểu trịnh trọng. – Và Aristotle là một nhà siêu hình học. Bác sĩ Ballingford nhìn quanh bàn. Nhiều người gật đầu hoặc mỉm cười hưởng ứng. - Ngài nêu cái đó làm ví dụ thì thật dở hết chỗ nói, – Ernest đáp. – Ngài vừa viện ra một thời kỳ hết sức đen tối trong lịch sử nhân loại. Trong thực tế chúng ta gọi thời đó là Thời đại ngu dân. Một thời kỳ mà khoa học bị siêu hình học cưỡng hiếp, vật lý học trở thành khoa tìm đá điểm kim, hoá học trở thành khoa luyện kim đan và thiên văn học trở thành chiêm tinh học. Đáng buồn thay, sự thống trị của tư tưởng Aristotle! Bác sĩ Ballingford bực lắm, nhưng ông lại tươi cười ngay. Ông bảo: - Ngay cho chúng ta thừa nhận bức tranh khủng khiếp ông vừa vẽ đi nữa, ông cũng đã phải thú thật rằng siêu hình học rất có hiệu quả, vì nó đã dắt loài người ra khỏi thời kỳ tối tăm đó để bước vào ánh sáng của những thế kỉ sau. - Sao? – Bác sĩ Hammerfield kêu lên. – Chẳng phải tư tưởng con người đã đưa đến những cuộc du hành thám hiểm là gì? - Chao ôi, thưa quý ngài, – Ernest mỉm cười, – tôi tưởng ngài chịu thua rồi cơ đấy. Ngài vẫn chưa tìm ra một chỗ sơ hở nào trong định nghĩa của tôi về triết học. Ngài vẫn đang đứng trên mây xanh. Nhưng đó là tập quán của nhà siêu hình học, và tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho ngài. Không, tôi nhắc lại, siêu hình học không có liên quan gì đến cái đó hết. Bánh mì và bơ, lụa và đồ trang sức, đô-la, tiền bạc và thêm vào đó, sự phong toả những đường bộ để thông thương với Ấn Độ là những điều đã gây ra những cuộc du hành thám hiểm. Sau khi Constantinople thất thủ năm 1453, người Thổ Nhĩ Kỳ phong toả những đường đi của những thương đoàn sang Ấn Độ. Các thương nhân ở châu Âu tìm một con đường khác. Đó là nguyên uỷ của những cuộc du hành thám hiểm. Columbus giong buồm đi tìm một con đường mới để sang Ấn Độ. Sử sách chép rành rành như thế. Tiếp theo đó, ngưòi ta học được nhiều điều mới về thiên nhiên, người ta biết trái đất to bao nhiêu, hình thù thế nào, và thế là thuyết của Ptolemy đi đời. Bác sĩ Hammerfield ữ hừ. - Ngài không đồng ý với tôi? – Ernest hỏi. – Vậy thì tôi sai ở chỗ nào? - Tôi chỉ có thể xác định lập trường của tôi là như thế thôi, – bác sĩ Hammerfield trả lời sẵng. – Vấn đề đó dài quá, không thể đi sâu bây giờ được. - Đối với nhà khoa học thì chẳng có chuyện gì là dài quá cả. – Ernest nói nhẹ nhàng. – Chính vì thế mà nhà khoa học đạt được tới đích. Chính vì thế mà người ta tìm ra châu Mỹ. Tôi sẽ không tả lại tất cả buổi tối hôm đó, mặc dầu tôi thích nhớ lại từng lúc, từng chi tiết, nhớ lại những giờ phút đầu tiên tôi bắt đầu quen Ernest Everhard. Cuộc tranh luận rất sôi nổi, và các vị mục sư đều đỏ mày say mặt, nhất là lúc Ernest gọi họ là những triết gia lãng mạn, những người chiếu ảo đăng và những thứ tương tự. Và anh luôn luôn chặn họ lại để lôi họ về với thực tế. Mỗi lần giáng xong một đòn quyết định, anh lại tuyên bố một cách đắc thắng: “Thực tế là như thế, thưa ngài, một thực tế không ai cãi được”. Người anh tua tủa những thực tế. Anh dùng thực tế để quèo họ ngã, anh mai phục họ bằng thực tế, anh lấy thực tế đánh tới tấp vào họ như những trận mưa bom. - Chắc hẳn ông vẫn đi lễ ở đền thờ Thực tế, – bác sĩ Hammerfield nói mỉa. - Ngoài thực tế ra thì không có đấng Thượng đế nào hết, và ông Everhard là một vị giáo chủ đi tiên báo Thực tế, – bác sĩ Ballingford nói kiểu cách dài dòng. Ernest mỉm cười đồng ý. - Tôi cũng như người Texas ấy, – anh nói. Và do mọi người yêu cầu, anh cắt nghĩa: – Các ngài đều đã thấy, người ở Missouri thường bảo: “Phải giơ cái đó cho tôi xem”. Nhưng người ở Texas, họ bảo: “Phải đưa tận tay cho tôi xem”. Điều đó chứng tỏ họ không phải là những nhà siêu hình học. Một lần khác, Ernest vừa nói các nhà siêu hình học không thể đứng vững được trước sự chứng nghiệm của chân lý, bác sĩ Hammerfield liền hỏi: - Chứng nghiệm của chân lý là thế nào, hả ông bạn trẻ? Xin ông làm ơn giải thích cho tôi nghe, từ bao nhiêu lâu nay, những khối óc khôn ngoan hơn khối óc của ông, họ vẫn loay hoay vì cái gì? - Được thôi. – Ernest đáp. Sự đĩnh đạc của anh làm cho họ đâm khùng. – Những khối óc khôn ngoan đã từng băn khoăn khốn khổ mà không tìm ra chân lý, vì họ đi tìm chân lý ở trên trời. Giá họ cứ ở dưới đất mà tìm thì đã tìm thấy một cách khá dễ dàng. Phải, đáng lẽ họ cũng đã thấy rằng bản thân họ đang chứng nghiệm chân lý bằng mỗi hành động thực tế và mỗi ý nghĩ trong đời sống hàng ngày của họ. - Chứng nghiệm, chứng nghiệm… – Bác sĩ Hammerfield day lại, ra vẻ bực bội lắm. – Ông không cần phải giáo đầu lôi thôi. Chứng nghiệm của chân lý… từ bao nhiêu lâu nay chúng tôi vẫn tìm kiếm cái đó. Ông hãy đưa cái đó cho chúng tôi. Ông hãy đưa ngay, để chúng tôi cũng thành Thượng đế với. Trong lời ông nói và cách ông nói, có một thứ hoài nghi vô lễ và đầy vẻ giễu cợt mà hầu hết mọi người đều tán thưởng ngầm, mặc dầu đức Giám mục Morehouse tỏ vẻ phiền lòng. - Bác sĩ Jordan(9) đã nói rất rõ về điều ấy – Ernest đáp. – Cách chứng nghiệm chân lý của ông là: “Chân lý đó có vận dụng được không? Anh có chịu phó thác đời anh cho nó không?” - Ủa! – Bác sĩ Hammerfield cười nhạo. – Thế ông không đếm xỉa gì đến đức cha Berkeley(10) à? Đã có ai trả lời được Người đâu? - À Berkeley, nhà siêu hình học số một. – Ernest cả cười. – Nhưng ví dụ của ngài nêu ra vụng quá. Ta có thể lấy ngay bản thân Berkeley để dẫn chứng rằng siêu hình học của ông ta không vận dụng được. Bác sĩ Hammerfield liền nổi lôi đình, y như bắt được quả tang Ernest ăn cắp hay nói dối. - Ông bạn trẻ, – bác sĩ nói oang oang như lệnh vỡ, – lời ông vừa nói rất phù hợp với tất cả những ý kiến ông đã phát biểu tối hôm nay. Đấy là một lời quyết đoán tầm bậy, vô căn cứ. - Vâng, tôi xin chịu thua. – Ernest nói ra vẻ như hàng phục. – Có điều tôi vẫn chưa rõ tôi thua vì cái gì. Xin bác sĩ hãy lấy cái nó làm cho tôi thua để vào tận tay tôi xem. - Được lắm, được lắm, – bác sĩ Hammerfield ấp úng. – Ông biết làm sao được. Ai bảo ông là đức giám mục Berkeley đã dẫn chứng rằng những thuyết siêu hình học của Người là sai? Ông lấy gì làm bằng? Ông bạn trẻ, học thuyết của Người từ lâu vẫn vận dụng được. - Theo tôi, bằng chứng thuyết siêu hình học của Berkeley không vận dụng được là… – Ernest bình tĩnh ngừng lại một lúc, – là ông ta có một cố tật: ông ta ra vào vẫn thường đi qua cửa chứ không đi qua tường; là ông ta phó thác sinh mệnh của ông ta cho bánh mì, bơ và thịt bò rán; là ông ta cạo râu bằng một con dao cạo nó hoạt động không được hẳn hoi. - Nhưng đó là những điều thuộc về cõi thực tế, – bác sĩ Hammerfield la lên. – Siêu hình học thuộc về tinh thần. - Thế ra siêu hình học nó vận dụng trong tinh thần người ta à? – Ernest khẽ hỏi. Ông kia gật đầu. - Và trong cõi tinh thần, có vô số thần linh biết đứng trên đầu mũi kim để nhảy múa, – Ernest trầm ngâm nói tiếp. – Trong cõi tinh thần có một số đấng Thượng đế mặc lông thú và ăn mỡ cá voi; trong cõi tinh thần, không có một bằng chứng nào trái ngược với những điều đó. Thưa bác sĩ, tôi đồ chừng ngài cũng sống trong cõi tinh thần thì phải. Bác sĩ trả lời: - Tinh thần của tôi, chính là vương quốc của tôi. - Nói một cách khác, nghĩa là ngài sống trên mây chứ gì? Nhưng tôi tin chắc ngài vẫn trở lại hạ giới những khi ngài xơi cơm hoặc những khi xảy ra động đất. Xin bác sĩ nói cho tôi nghe, hay là lúc động đất, ngài không sợ thân thể – phi – thể – chất của ngài bị một viên gạch phi – vật – chất nào bắn phải chăng? Tức thì, như một cái máy bác sĩ Hammerfield đưa tay sờ lên đầu. Ông có một cái sẹo lẩn dưới mái tóc. Tình cờ Everhard đưa ra một ví dụ rất đúng lúc. Trong trận động đất lớn(11) bác sĩ Hammerfield suýt bị một cái ống khói đổ xuống đè chết. Mọi người cười rộ lên. - Sao? – Ernest hỏi, khi tiếng cười đã ngơi. – Xin ngài chứng minh ngược lại cho. Trong lúc cả phòng im lặng. anh hỏi day lại: “Sao?” Và anh nói thêm: “Lập luận của ngài cũng khá đấy, nhưng chỉ khá vừa thôi!” Tạm thời bác sĩ Hammerfield chịu thua, nhưng cuộc đấu tranh vẫn diễn ra kịch liệt theo hướng khác. Ernest thách các vị mục sư từng điểm một. Khi họ khẳng định rằng họ hiểu biết giai cấp công nhân, anh nói cho họ nghe những sự thật căn bản về giai cấp công nhân mà họ không biết và thách họ cãi. Anh luôn luôn đem thực tế ra nói với họ. Anh chặn đường không cho họ bay lên mây và kéo họ trở về mặt đất vững chãi này cùng với cái thực tế của nó. Cảnh tượng hôm ấy tôi nhớ như in trong óc. Lúc này tôi có thể thấy anh đang nói. Giọng nói của anh hùng dũng như tiếng kèn trận. Anh lấy thực tế quất tới tấp vào mặt họ, mỗi sự việc thực tế là một đường roi xé thịt quân thù. Anh đập thẳng tay không thương xót. Anh không tha họ, cũng không yêu cầu họ tha mình(12). Tôi không thể nào quên được trận đòn cuối cùng anh tặng họ buổi tối hôm ấy. - Tối hôm nay, các ngài đã nhiều lần thừa nhận bằng những lời tự thú trực tiếp hoặc bằng những lời tuyên bố dốt nát rằng các ngài không hiểu gì về giai cấp công nhân. Tôi cũng không trách các ngài làm gì. Các ngài hiểu giai cấp công nhân làm sao được? Các ngài có sống cùng một nơi với giai cấp công nhân đâu! Các ngài đánh bọn với giai cấp tư bản ở nơi khác kia mà. Chứ sao? Chính giai cấp tư bản trả lương các ngài, chính nó nuôi nấng các ngài, chính nó khoác lên lưng các ngài những tấm áo mà các ngài đang mặc đây. Để đền đáp lại các ngài thuyết cho chủ các ngài nghe các thuyết siêu hình học thuộc những nhãn hiệu đặc biệt họ có thể tiếp thu được. Những nhãn hiệu đặc biệt dễ tiếp thu đó, họ tiếp thu ngay, bởi vì nó không đe doạ cái trật tự xã hội đã được thiết lập. Đến đây, cả bàn xôn xao không đồng ý. - Không, tôi không nghi ngờ lòng thành thực của các ngài đâu! – Ernest tiếp. – Các ngài quả có thành thực. Miệng các ngài nói thế nào thì lòng các ngài tin như thế. Dưới mắt giai cấp tư bản sức mạnh và giá trị của các ngài là ở chỗ đó. Nhưng nếu các ngài lại tin vào những điều nó đe doạ cái trật tự xã hội này thì chủ các ngài sẽ không dùng những lời thuyết giáo của các ngài đâu. Họ sẽ sa thải các ngài. Thỉnh thoảng vẫn có một vị trong giới các ngài bị sa thải(13) như vậy. Tôi nói có đúng không? Lần này thì không có ý kiến ngược lại. Mọi người đều chịu và ngồi câm như thóc, trừ bác sĩ Hammerfield. Ông bảo: - Họ bị mời về chính là vì óc họ nghĩ tầm bậy đấy chứ? - Nói khác đi, tức là tư tưởng của họ không thể dung được chứ gì? – Ernest trả lời, rồi nói tiếp: – cho nên tôi nói thật, các ngài cứ tiếp tục giảng đạo và kiếm tiền đi, nhưng xin các ngài hãy vì từ tâm mà hãy để mặc giai cấp công nhân đấy. Các ngài đứng về phe thù địch. Các ngài có gì giống giai cấp công nhân đâu! Tay các ngài nõn nà vì đã có người khác lao động cho các ngài. Bụng các ngài tròn căng vì nó chứa đầy những thức ăn (Đến đây, bác sĩ Ballingford giật mình và mọi người đưa mắt nhìn thân hình quá đẫy đà của ông. Người ta bảo đã từ mấy năm, mắt ông không nhìn thấy chân ông). Và óc các ngài chứa đầy những học thuyết nó chống đỡ cái trật tự xã hội đã được thiết lập. Các ngài là một bọn lýnh đánh thuê (một bọn lýnh đánh thuê thành thực, tôi công nhận điều đó), không khác gì với đội Vệ binh Thuỵ Sĩ đời xưa(14); các ngài hãy ở thực bụng với những kẻ nuôi nấng các ngài, thuê mướn các ngài; các ngài hãy bảo về quyền lợi cho bọn chủ các ngài; nhưng các ngài đừng xuống với giai cấp công nhân để mong làm những kẻ đưa đường giả dối. Các ngài mà đứng cả ở hai phe một lúc thì các ngài không thể nào lương thiện được đâu. Giai cấp công nhân xưa nay không cần đến các ngài. Các ngài nên tin ở lời tôi nói, giai cấp công nhân sau này vẫn sẽ không cần đến các ngài. Vả lại, không có các ngài thì giai cấp công nhân còn dễ giải quyết công việc của họ hơn là có các ngài. Chú thích: 1- Cuộc khởi nghĩa thứ hai, một phần lớn là công lao của Ernest Everhard, mặc dù anh có cộng tác với những lãnh tụ phong trào ở châu Âu (điều này cũng là dĩ nhiên). Việc anh bị bắt và bị hành hình bí mật là một biến cố quan trọng trong mùa xuân năm 1912. Nhưng anh đã chuẩn bị hết sức kỹ càng cho cuộc khởi nghĩa, cho nên các đồng chí của anh đã thực hiện kế hoạch của anh một cách nhanh chóng và không gặp nhiều lúng túng. Sau khi anh bị xử tử, người vợ anh về sống ở Wake Robin Lodge, một căn nhà nhỏ trên núi Sonoma ở California. 2- Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những lời nhắc nhở đến công xã Chicago. 3- Không dám thất lễ với Avis Everhard (vợ của Ernest Everhard – ND), nhưng cần phải nói rõ rằng Ernest Everhard chỉ là một người trong số nhiều lãnh tụ lỗi lạc của phong trào đã vạch ra kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa Thứ hai. Ngày nay, nhìn lại mấy thế kỷ qua, ta có thể nói chắc chắn rằng Ernest còn sống cuộc khởi nghĩa Thứ hai kết cục cũng sẽ không kém phần tai hại. 4- Cuộc khởi nghĩa nghĩa Thứ hai đúng là một cuộc khởi nghĩa quốc tế. Đó là một kế hoạch khổng lồ, một người dù thiên tài đến đâu thì cũng không vạch ra một mình được. Lao động ở các nước theo chế độ thiểu số thống trị nhất tề đứng dậy theo hiệu lệnh chung. Đức, Ý, Pháp và tất cả châu Úc lúc đó đã là những nước của lao động, những nước xã hội chủ nghĩa. Họ đều sẵn sàng giúp đỡ một cách dũng cảm. Chính vì thế nên khi cuộc khởi nghĩa Thứ hai bị đè bẹp, chính họ cũng bị những nước theo chế độ thiểu số thống trị trên thế giới liên kết với nhau đè bẹp và những chính phủ theo chủ nghĩa xã hội của họ bị thay thế bằng những chính phủ của bọn thiểu số thống trị. 5- John Cunningham, thân sinh ra Avis Everhard, làm giáo sư ở trường Đại học quốc lập Berkeley thuộc bang California. Ông dạy về vật lý học, ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu độc đáo và còn là một nhà bác học rất nổi tiếng. Cống hiện lớn lao nhất của ông cho khoa học là những công trình nghiên cứu về điện tử và tác phẩm vĩ đại “Sự đồng nhất của vật chất và năng lượng”, trong đó ông đã xác định rằng đơn vị cuối cùng của vật chất và đơn vị cuối cùng của năng lượng là đồng nhất. Thuyết của ông không ai bác được và có một giá trị vĩnh cửu. Trước đó, Oliver Lodge và những nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực phóng xạ đã đưa ra ý kiến này nhưng họ không chứng minh được. 6- Thời đó, người ta thường hay đánh nhau để kiếm giải. Họ đấu quyền với nhau. Kẻ nào đánh ngất hoặc chết đối thủ thì kẻ đó được tiền thưởng. 7- Câu này hơi tối nghĩa, nói về một nhạc sĩ mù người da đen, rất được hoan nghênh trên thế giới vào nửa sau của thế kỉ 19. 8- Friederich Nietzsche, một triết gia điên hồi thế kỷ 19. Trong nhận thức của ông ta có loé ra nhiều tia chân lý. Nhưng trước khi chết, ông ta chỉ đi mon men bên ngoài cái vòng vĩ đại của tư tưởng nhân loại, và đã rơi vào tình trạng điên rồ 9- Nhà giáo dục nổi tiếng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông là chủ tịch trường Đại học Stanford, do các tư nhân quyên góp lập nên. 10- Một nhà nhất nguyên luận duy tâm. Ông đã phủ nhận sự tồn tại của vật chất và đã làm cho các triết gia cùng thời bối rối rất lâu. Cuối cùng khi những luận cứ thực nghiệm mới của khoa học được khái quát hoá thành triết học, lập luận khôn khéo của ông ta đã bị đánh đổ. 11- Trận động đất lớn năm 1906 tàn phá San Francisco. 12- Hình ảnh này nổi bật lên trên những tập quán của thời đại. Giữa những người đánh nhau cho đến chết, với một sự hung hãn thú vật, khi người bị đánh thua đã hạ vũ khí thì tuỳ kẻ thắng trận giết hay tha 13- Thời đó có nhiều vị mục sư bị sa thải vì truyền bá những học thuyết không được giáo hội chấp nhận. Đặc biệt họ bị sa thải khi những lời thuyết giáo của họ nhuốm màu chủ nghĩa xã hội. 14- Đội vệ binh ngoại quốc canh giữ cung điện cho cung vua Louis XVI, một tên vua Pháp đã bị nhân dân Pháp chặt đầu