Hoa Kính 1
Vào đề

    
ăm Thiệu Hưng thứ mười lăm đời vua Cao Tông. Thành Lâm An.
“Mẹ, xem này! Chậu hoa biết nhảy! Đẹp quá!”
Đó là một năm thanh bình an khang.
Trên ngõ Thiên Thủy trong thành Lâm An, người đi đường lục lục tục tục cất bước, tiếng rao hàng của những người buôn bán lặt vặt vang lên không ngớt. Đột nhiên, một giọng trẻ con trong vắt vang lên, đượm vẻ kinh ngạc đến cùng cực.
Một mỹ phụ nghiêm trang bị một cậu bé chừng tám, chín tuổi kéo quay lại xem một khung cửa nhỏ: cánh cửa khép hờ, trên bậc thềm đặt mấy chậu hoa đang tắm mình trong ánh dương quang.
Hiển nhiên đó là một hiệu bán hoa, vốn đầy rẫy ở kinh thành. Hiện nay tuy giang sơn tàn phá nhưng chỉ cần đặt chân sang Giang Nam, trong những nhà vương công quý tộc đều chiếu theo phong phạm xa hoa của tiên triều: Dùng nhiều cây cối tạo cảnh trí cho khu vườn, bao nhiêu loại hoa thơm cỏ lạ đều thu gom về. Thậm chí học theo cách xây Hoa Thạch cương của Huy Tông hoàng đế trước kia, phàm loại hoa cỏ nào lạ một chút trong thiên hạ liền gom hết về Biện Kinh.
Gió ấm đu đưa say du khách
Sao bảo Hàng Châu cũng Biện Châu (1)
Trong trào lưu như vậy, ơn trời mưa móc, thành Lâm An dưới thời Cao Tông hoàng đế xuất hiện rất nhiều hiệu bán hoa, những nơi nổi danh về chăm sóc hoa như Tằng gia hay chế tác chậu cảnh như Hạ gia càng được vua yêu, mọi loại hoa trồng ra đều được cung cấp cho đại nội thưởng ngoạn. Trước đây, Huy Tông hoàng đế từng ban cho Tằng gia một tấm biển, trên đề ba đại tự “Đoạt thiên công”.
Vì thế mà những người trồng hoa, làm vườn hèn mọn đột nhiên trở thành nghề thời thượng. Khắp hang cùng ngõ hẻm trong phủ Lâm An, các cửa hàng hoa mọc lên như nấm sau mưa.
Ngõ Thiên Thủy không phải là đường chính của thành Lâm An, người qua lại không nhiều. Những cửa hàng hoa mở ở đây hiển nhiên sinh ý không thịnh, hình như cũng không có loại hoa, cây cảnh nào đặc biệt để trưng bên ngoài, chỉ có mấy chậu hoa bình thường bày trên bậc thềm, khách đi qua đi lại hầu như không để ý tới.
Nếu không phải con trai kêu ầm lên, chắc mỹ phụ cũng không chú ý đến hiện tượng kì quái đó: một chậu hoa trên bậc thềm trồng mấy cây hoa màu vàng nhạt không gió mà lay động, liên tục nghiêng qua nghiêng lại theo con đường, động tác cực kỳ bắt mắt.
“Ồ, hay quá - mẹ, con muốn, con muốn!” Hiển nhiên bình thường cậu bé được mẹ chiều sinh hư, giờ bắt đầu vòi vĩnh, “mua cho con đi!”
Ánh mắt của thiếu phụ mỹ lệ đượm vẻ âu sầu không tương xứng với tuổi tác, phảng phất như đã trải qua nhiều dâu bể. Nàng chiều lòng con trai, cất bước tiến về phía cửa hàng hoa nhỏ xíu.
Đến trước bậc thềm, nàng nhấc chân, ngẩng đầu nhìn, sắc mặt đột nhiên tái nhợt: “Hoa Kính.”
Trên tấm biển đã hơi sứt sở có viết hai chữ tiểu triện đỏ rực.
Bàn tay thiếu phụ mặc hoa phục trang nghiêm đột nhiên run rẩy, cơ hồ không giữ nổi hài tử, liên tục thoái lùi mấy bước, mặc kệ con trai kêu khóc, mặc kệ việc nàng vừa đá đổ một chậu hoa, loạng choạng lùi lại rảo bước đi thật nhanh.
“Trương phu nhân.” Hình như tiếng chậu hoa vỡ đã kinh động chủ nhân cửa hiệu, cánh cửa vô thanh vô tức mở ra, một giọng nói thầm thĩ cất lên phía sau lưng.
Sắc mặt thiếu phụ trắng nhợt đến mức gần như trong suốt, toàn thân cứng lại bất động.
Phía sau cánh cửa là một vùng tối tăm, một thiếu nữ mỹ lệ vận bạch y đứng trong tối nhìn theo thiếu phụ ôm con, cất tiếng u oán: “Trương phu nhân…phu nhân vừa đá vỡ chậu hoa của muội.”
Mỹ phụ được gọi là Trương phu nhân chầm chậm quay đầu lại, tựa hồ dùng hết dũng khí mới dám nhìn thiếu nữ đứng sau cánh cửa một lần, sắc mặt lại trắng thêm vài phần, ánh mắt sáng rực cụp xuống, lẩm bẩm: “Bạch cô nương…”
Trong phòng bày bạt ngàn hoa cỏ, có chậu nhỏ cỡ nắm tay, có chậu vươn cao đến tận xà nhà. Hoa và cây quá nhiều nên tuy mở cửa sổ nhưng ánh sáng trong phòng vẫn hơi mờ mờ. Vòng qua tấm bình phong bò đầy hoa mạn đà linh là một khung cửa nhỏ, hình như thông ra sân.
Mọi thứ vẫn như mười năm trước.
Trong phòng thoang thoảng mùi hương kì dị, không biết từ chậu hoa nào tỏa ra, nhưng mùi thơm nồng đượm vẫn như mười năm trước, khiến người ta như đang trong mộng ảo. Căn phòng liền yên lặng cực độ, chỉ có thần sắc Trương phu nhân tỏ ra vô cùng khẩn trương.
“Mời ngồi.” Bạch y thiếu nữ dẫn Trương phu nhân vào phòng, phủi mấy lá hoa lan rơi trên bàn, mỉm cười hỏi, “phu nhân uống trà gì? Tiểu muội vừa mới phơi được một ít bích mai khôi thượng phẩm.”
“Không dám phiền Bạch cô nương.” Trương phu nhân lại lấy dũng khí ngước nhìn thiếu nữ áo trắng mỹ lệ, chợt cảm giác lạnh buốt từ trong lòng trỗi dậy. Vẫn toàn thân phủ một lớp bạch y, thân hình gầy gò, mái tóc dài đen như mực, gương mặt mảnh mai nhợt nhạt, đôi tròng mắt đen sâu thăm thẳm, khóe mắt trái có một nốt ruồi mỹ nhân màu đỏ tươi, hệt như một giọt lệ chực nhỏ xuống.
Quả nhiên không có gì thay đổi! Mười năm rồi… Từ dạo gặp nữ hài này ở Tuyền Châu phủ cũng đã mười năm, mà nữ hài tên Bạch Loa vẫn không mảy may biến đổi, dáng vẻ vẫn như thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi.
Trương phu nhân run lập cập, theo ý thức ôm chặt hài tử - cậu bé hình như đi tung tăng ngoài phố này giờ đã mệt, không biết từ lúc nào nhắm mắt ngủ say sưa trong lòng mẫu thân.
“Trương phu nhân hình như sống rất vui vẻ.” Trà đã pha xong, cánh hoa xanh biếc từ từ nở rộng trong làn nước nóng, mỹ lệ vô cùng. Bạch Loa mỉm cười, hỏi thăm.
“Cũng nhờ phúc của cô nương.” Trương phu nhân khẽ khàng đáp, ngừng một chút, giọng hơi run run, “thiếp thân đã tái giá, chồng thiếp thân họ Thôi.”
“A, vậy ư, trí nhớ của muội kém quá…vậy phải xưng hô là Thôi phu nhân.” Bạch Loa mỉm cười ngọt ngào, nốt ruồi như giọt lệ nơi khóe mắt sa xuống, khiến khuôn mặt cơ hồ muốn khóc, “hài tử đã lớn ngần này rồi – đúng là khả ái.”
Nàng nhìn cậu bé đoạn cầm một chậu hoa nhỏ xíu, cười nói: “Ồ, Chu Vũ thảo rất hợp với hài tử này – coi như quà gặp mặt của muội cho tiểu công tử…”
Cây cỏ đó không cao, lá như lưỡi kiếm, cánh hoa màu vàng, mỗi lần nghe thấy tiếng người lại tự nhảy múa. Cây được trồng trong một cái chậu sứ nhỏ màu xanh, trên cành hoa treo một tờ giấy nhỏ.
“Không! Mang đi, mang đi …”, từ lúc vào trong nhà, mỹ phụ vẫn khẩn trương, giờ đột nhiên kêu lên kinh hãi, vung tay vận lực gạt phắt chậu hoa mà bạch y nữ tử đưa tới, rít lên chói tai, “không cần!…Xin cô nương tha cho con trai thiếp thân! Thiếp thân không cần vật này.”
“Thôi phu nhân.” Bạch Loa bình thản đưa mắt nhìn thiếu phụ chực phát tác, hiển nhiên mười năm nay thiếu phụ hoàn toàn chìm ngập trong hạnh phúc bình phàm, ánh mắt nàng lóe lên tia sáng thương cảm.
“Được, được…cô nương nói đi, chuyện mười năm trước, cô nương muốn làm thế nào? Cô nương cần bao nhiêu tiền?” Thôi phu nhân cơ hồ sụp đổ, ôm con trai thật chặt, trừng trừng nhìn thiếu nữ kỳ dị, giọng nói chuyển thành uất nghẹn, run rẩy, “xin cô nương đừng nói với tướng công tôi…xin cô nương đó.”
“Thôi phu nhân…” Bạch Loa cúi đầu, hình như đã thở dài, nhìn lá cỏ xoay xoay, nhảy múa rất sinh động, nhẹ giọng: “Phu nhân hiểu lầm rồi – muội không hề định dùng việc này uy hiếp phu nhân. Phu nhân đã trả tiền, sự tình coi như chấm dứt, không phải sao?”
“…??” Thân mình Thôi phu nhân vẫn run lên vì kích động, ngây ra không thốt thành lời, cơ hồ không dám tin vào những gì bạch y thiếu nữ nói.
“Vị tướng công trước đây của phu nhân say rượu, trượt chân té xuống lầu mà chết. Mọi người đều biết, đúng không?” Bạch Loa mỉm cười, khẽ khàng cất tiếng, đưa mắt nhìn sắc mặt mỹ phụ lại đang nhợt nhạt hẳn đi, “phu nhân không làm gì – mà chỉ làm đúng bổn phận của thê tử, muội cũng không làm gì – mà chỉ bán cho phu nhân một chậu hoa. Đúng không?”
“Đúng, đúng vậy.” Thôi phu nhân cuối cùng cũng lên tiếng, sắc mặt nàng lợt lạt, lẩm bẩm: “Ta không làm gì…không làm gì.”
“Đúng. Nên phu nhân không cần khẩn trương như thế…phu nhân không làm gì.” Bạch Loa mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai Thôi phu nhân, cảm giác kinh mạch nàng ta khẽ nhảy lên, “hà huống, mười năm nay phu nhân sống rất vui vẻ.”
Thôi phu nhân cuối cùng cũng cúi đầu, ánh mắt hơi đảo qua đảo lại, rõ ràng dần bình tĩnh lại: “Bạch cô nương…cô, cô nương thật sự sẽ không nói ra?”
“Phu nhân cứ hỏi bất cứ người khách mua hoa nào xem Bạch Loa đã bao giờ thất tín chưa?” Bạch y thiếu nữ có vẻ không vui, đáp lạnh tanh.
“Đa, đa tạ…” Thôi phu nhân thở phào, cúi đầu có vẻ hổ thẹn, ánh mắt lại ngập nét cười, “tướng công hiện giờ đối với tối rất tốt, Bạch cô nương à.”
“Ồ, có phải là Thôi tướng công ở ngõ phía trước không?” Khóe môi Bạch Loa mỉm cười, nhưng tuy nàng cười mà gương mặt vẫn đượm vẻ bi ai – có lẽ vì nốt ruồi giống như giọt lệ đó.
Tiễn hai mẹ con đi khỏi, bạch y thiếu nữ đóng cửa thở dài, lẩm bẩm với gian phòng trống bày đầy hoa và cây cảnh: “Ôi…Tuyết nhi, ngươi xem đó, mặc cho ta không có ác ý, nàng ta vẫn sợ đến vậy.”
Lời chưa dứt, “vèo” một tiếng, một con anh vũ lông trắng từ trên bụi cây bay lên, đậu xuống bàn tay thiếu nữ đang xòe ra, há mở líu lo: “Đúng vậy, Bạch Loa cô nương nói rất đúng! Nói rất đúng!”
“Thế nên ngươi coi, không ai chịu nhớ lại những ngày tháng tội ác – nàng ta không muốn gặp ta.” Bạch Loa lại thở dài, “dù ta chỉ muốn hỏi thăm xem nàng ta hiện tại sống thế nào.”
“Nói rất đúng! Nói rất đúng!” Bạch anh vũ nghoẹo đầu, lặp lại câu nói.
“Nhưng hiện giờ nàng ta không phải rất hạnh phúc sao? Hài tử của nàng ta khả ái quá…” Thiếu nữ có phần cảm thán, tiếp tục lẩm nhẩm, “nên những gì đã làm năm xưa cũng đáng giá.”
“Nói rất đúng!” Loài chim học tiếng người chỉ biết lặp lại một câu.
“Ôi, phí công dạy ngươi bao nhiêu năm, có mấy câu cũng học không xong!” Trong lòng Bạch Loa dấy lên lửa giận.
“Gả cho người! Gả cho người! – khi nào Bạch Loa sẽ được gả cho người ta?” Con chim anh vũ quả nhiên đổi câu nói, bay vù vù trong phòng, kêu lên trong vắt. Bạch y thiếu nữ tức giận tung ra một cước, đuổi theo bắt nó.
Trên đường phố, ánh nắng thật rực rỡ, quanh mình toàn là người đi lại, ai cũng hớn hớn hở hở.
Thôi phu nhân ôm con trai đi trên phố, tay còn cầm một chậu cỏ xanh biếc.
“Mẹ! Cỏ múa kìa!” Cậu bé nằm trong vòng tay mẹ vừa tỉnh ngủ, khẽ dịu mắt kêu lên kinh ngạc, đưa tay nghịch chậu cỏ, chăm chú quan sát điệu múa, tờ giấy treo trên cây quay tít. Thôi phu nhân thấy bên trên tờ giấy có viết mấy chữ: phú quý bình an.
Nàng vẫn lo lắng, không hiểu con trai lúc ở trong Hoa Kinh gặp phải giấc mơ gì. Nhưng thấy cậu bé xòe cánh tay nhỏ xíu đùa vui, chắc đó là giấc mộng đẹp.
Phía trước là hiệu bán gấm vóc của gia đình, từ xa đã thấy tướng công và hỏa kế đang tíu tít bày một lô lụa Tương Cống mới chuyển đến. Sinh ý hôm nay xem ra rất vượng – trước mắt nàng chợt mơ hồ.
Không hiểu vì sao, tuy đã ra khỏi Hoa Kính, trong lòng nàng vẫn ngập đầy cảm kích và vương vấn – bất giác ngoái đầu nhìn về phía ngõ Thiên Thủy.
Những chuyện cũ phảng phất như mới xảy ra hôm qua.
(1): Đây nguyên là hai câu thơ trong bài Đề Lâm An để của Lâm Thăng: Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu, Tây Hồ ca vũ kỷ thời hưu, Noãn phong huân đắc du nhân túy, Trực bả Hàng Châu tác Biện Châu. Riêng hai câu cuối cùng hàm ý chê trách bọn quyền quý chỉ lo ăn chơi mà không ngó ngàng đến việc nước.