rời mới rợn sáng mà bến xe Miền Tây đã người xe chộn rộn. Người đàn bà lam lũ chừng ngoài năm mươi chăm chút gói ổ bánh mì thịt bỏ vào xách tay cô gái đứng cạnh bà. - Rứa là cháu không muốn O đi theo phải không? Người đàn bà tươi cười... Ời mà mi đi tìm trai, mụ O già ni đi theo làm chi cho mất duyên. Cô gái vuốt tóc, cười bẽn lẽn quay nhìn về phía người thanh niên cao gầy trong áo bộ đội bạc màu vừa len ra khỏi đám đông đang giành lấn nhau trước ki-ốt bán vé xe. - Có vé cho chị Nữ rồi. Người em họ trao cho Nữ tấm vé xe đi Cà Mau rồi nhìn mẹ. - Còn có tiền cho hai má con mình mua vé xe về Bình Dương nữa. Sắp hàng sớm vậy mà mém chút nữa là hết. Tụi nó thuồn ra ngoài bán theo giá chợ đen cả nửa số ghế trên xe. Sợ bể mánh với đồng chí thương binh bộ đội này nên tụi nó bán cho con hai vé. Con bán lại một tấm kiếm lời. Người đàn bà lắc đầu cười nhìn con trai. - Khỏi cần anh Hai à! Má con mình bửa nay giàu rồi. Chị Nữ mới cho má tiền, lao động cả năm cũng không bằng. - Cháu cũng nghèo xơ nghèo xác. Tiền là của chị Nhi gởi về biếu bà con mỗi người một ít. Cháu chỉ chuyển tới tay O thôi. Ba người đi về phía chiếc xe đò dài cũ kỷ đậu cuối bến. Người thanh niên giành xách hành lí từ tay chị, chen lấn mở đường cho tới lúc Nữ ngồi vào được chổ ghế sát cửa sổ sau lưng tài xế. Anh đặt chiếc xách tay lên chân Nữ, nhỏ giọng dặn dò. - Vật bất li thân nghe chị. Ở đây chớ không phải Hội An đâu nha! Chuyến xe đò tài nhứt đi Minh Hải rời xa cảng Miền Tây lúc đèn đường còn sáng. Nữ thò đầu ngoái nhìn hai má con O Đà đứng vẫy tay giữa đám người nhốn nháo. Mấy ngày thăm gia đình O Đà ở vùng kinh tế mới trên Sông Bé giúp Nữ hiểu thêm cuộc sống vất vả nhọc nhằn của ba mẹ con O. Thương O chi lạ! Hàng cây bên đường loáng thoáng chúi ngược về sau, nối vào hun hút xa dài con đường đất vương bụi đỏ nằm im lìm vắt qua vùng kinh tế mới đìu hiu. Bóng ba mẹ con O Đà lam lũ lạc loài trong xao xác cánh rừng lồ ô thăm thẳm bạt ngàn. Chiếc xe đò gầm gừ lăn bánh ra khỏi thành phố. Xe lúc chạy lúc dừng giành mối bên đường. Khách mới đa số là những người buôn hàng chui ngồi chật như nêm trên những chiếc đòn đặt chen giửa hai hàng ghế. Tiếng người chen lấn, thúng mủng bao bì cất giấu va chạm gây nên sự hổn độn trong lòng xe nhốn nháo. Nữ nhìn cảnh chộn rộn tất tả quanh mình, cảm thông với anh lơ xe mồ hôi mồ kê đang mãi tất bật dàn xếp tiếng lời tranh tụng, đôi co của cánh bạn hàng đứng ngồi lổm nhổm. Trong tiếng rì rì của cổ máy xe già nua cần mẫn phục tòng, người tài xế luống tuổi ngồi bình thản sau tay lái đọc báo. Đám con buôn yên tâm ngồi xuống bên nhau, nói chào dòn dã sau khi hàng hóa được an toàn cất giấu. Nàng chợt thấy ra nét phô hiện tuyệt vời về sức cuốn hút mãnh liệt mà êm đềm của cuộc sống thôi thúc chẳng chịu ngừng nghỉ. Một lần ra đi. Một chuyến lên đường. Nữ bình tâm nghĩ tới đường xa đang ngắn lại lúc xe qua loáng thoáng những địa danh xa lạ Bến Lức, Gò Đen… Chiếc xe đò thắng gấp đưa Nữ trở về với thực tại. Chợ Cai Lậy đông đúc người mua kẻ bán tấp nập dưới nắng mai. Vét được nhóm đông bạn hàng, chiếc xe đò yên lòng rồ máy phóng nhanh. - Gần tới Bắc Mỹ Thuận rồi nha bà con! Tiếng người lơ xe oang oang khiến sự hiếu kì trổi lên trong lòng Nữ cùng với nỗi vui kì lạ. Tiền giang. Hậu giang. Lục Tỉnh. Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở. Ở trong cây trong lá ở bên sông. Giòng nước chậm chần chờ con sóng chở. Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng (Bùi Giáng)… Gần như cùng lúc với khung trời lộ sáng chói chang con sông hiện ra đột ngột, lớn lao mê hoặc như một lừng lửng chiêm bao. Nữ chăm bẩm nhìn rồi bềnh bồng trôi vào thiên nhiên đang quẩy mình trên sóng cơ man. Chiếc phà già nua tròng trành chậm chạp qua sông. Nước tung tóe hai bên thành phà. Gió thổi phần phật qua xe, qua người, qua tiếng ca sầu nhão của người hát dạo. Thành phố buồn nhớ không em… Lúc tiếng ca ngưng bặt gió càng ruồng rật hơn làm chìm lỉm lời van xin độ nhật của người hát. Rồi giọng ca lại mỏi mệt rướn lên. Anh Quốc ơi… từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi. Âm hơi khàn khàn lớn dần vừa lúc đôi hốc mắt quầng sâu trên khuôn mặt nhăn rám phong trần sần sùi vết sẹo chợt buồn bã hiện ra trước mắt Nữ. Bộ trây-di cũ trên thân thể gầy còm đã rách vá te tua nhưng vẫn còn phảng phất hình ảnh của người lính trận một thời. Chiếc lon gi-gô cáu bẩn cột dây kẻm treo vòng qua cổ tòn teng trước ngực. Trên tay người lính ngụy miền Nam là chiếc đàn guitar cũ kỹ. Qua khung cửa xe Nữ xúc động nhìn ngón tay run trên dây phím chùng. Nàng lắng nghe tiếng hát tàn hơi nhắc lại một thời lửa binh mà anh đã có lần góp máu. Nữ bỏ tiền vào chiếc lon gô. Ngón tay nàng thảng thốt vỗ về lên tay anh trên phím đàn. Đôi mắt mù lòa xám đục màu mây chớp khẻ lúc người lính hát rong cúi đầu thầm lặng cảm ơn. Cô gái buôn hàng chuyến ngồi kế Nữ cũng chồm ra cho tiền. - Hết bài Anh Quốc ơi, chú hát bài “Người ở lại Charlie” nha chú! Cô gái nhìn Nữ mỉm cười. - Qua lại bến Bắc được nghe nhạc vàng cũng đở. Nghe riết Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây với Vàm Cỏ Đông Vàm Cỏ Tây chán quá… Cái gì mà quê hương anh cũng có một dòng sông. Lãng nhách… quê nào mà hổng có sông!? Nữ bật cười về ý nghĩ ngồ ngộ của cô gái. Người tài xế quay lại nói lớn. - Cũng nhờ chính sách “Đổi mới ti di” (tư duy) của Chú Mười Cúc đó nha! Nhờ ổng “cởi trói văn nghệ” đám bây mới được lính Ngụy hát nhạc vàng cho mà nghe. Cánh bạn hàng cười rộn lên sau câu đùa của người tài xế già. Nữ vui lây, thầm nghĩ về sự bộc trực cởi mở của người miền Nam. Phà cập bến, mọi người nhốn nháo vào chổ ngồi lúc xe nổ máy rục rịch chờ lên bờ. Nữ ngoái nhìn người lính cũ. Anh hát mà đầu ngẩng cao nghe ngóng vang vọng nào đó hình như ở tuốt bên trên âm thanh náo động quanh mình. Vùng thị giác trắng đục sương mờ có lẽ từ lâu lắm đã trở thành chốn ẩn cư của những hình ảnh cuối cùng, từ đó toát ra tiếng đạn bay, lời bi thương trăn trối của bạn bè đồng đội vẫn thường trở về với anh trong từng cơn mộng dữ. Anh đứng đó an nhiên giữa cảnh hỗn độn rời xa lui tới vây quanh, ráng hơi tàn mà ca khúc hát của ngày chinh chiến cũ. Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý. Một lần dậy cánh bay. Người để cho người nước mắt trên tay… Xe qua Cần Thơ, Bạc Liêu, rồi nhọc nhằn chạy hết buổi chiều qua đoạn đường tróc lở, gập ghềnh về tới Cà Mau lúc trời đã chạng vạng tối. Nữ tìm tới phòng trọ quốc doanh độc nhất giữa khúc phố nhỏ tiêu điều. Nàng lơ đãng nhìn lên vách tường còn mờ mờ hàng chữ “Khách sạn Bồng Lai’ sau lớp vôi quét mỏng vụng về trong lúc người thanh niên ngồi sau quầy chăm chú săm soi tấm thẻ chứng minh nhân dân và giấy đi đường dưới ánh đèn dầu. Người thanh niên trả giấy tờ lại cho Nữ, bắt gặp ánh mắt nàng đang chăm chú nhìn bóng đèn điện treo sà từ trần nhà xuống lơ lửng trên đầu anh ta. - Tối nay không có điện. Chị may đó! Nếu gặp ngày các đồng chí cán bộ huyện về họp thì khỏi hòng có phòng trống nào. Thì ra chốn bồng lai cũng có lúc đèn dầu tranh tối tranh sáng và không có cán bộ choán phòng. Nữ cười cợt với ý nghĩ mình. - Mẹ tui không sai chút nào. Bà luôn nói tui là người may mắn. - Chị đi thăm ai ở Thới Bình? Tới nơi đừng có quên khai báo với công an khu vực. Nữ cẩn thận cất hết tiền nong và giấy tờ vào người rồi bước ra khỏi phòng trọ về phía bờ sông. Trên bến nhiều gánh hàng ăn, ghế con quây quần dưới ánh đèn dầu của những quán cóc lộ thiên. Thực khách đa số là đàn ông, thanh niên cười nói ồn ào bên bia hơi, rượu đế lỏng chỏng mấy dĩa đồ nhậu. Nữ nhìn ra sông rộng. Trong bóng tối nhá nhem lắt lay ánh đèn từ bầy xuồng ghe đậu ngổn ngang như những căn nhà nổi bồng bềnh, thấp thoáng bóng người quây quần bên bửa cơm muộn cuối ngày. Nữ lựa gánh hàng vắng khách cuối bãi sông. - Ăn cháo hột vịt muối đi cô Hai. Nữ ngồi xuống chiếc ghế thấp, hỏi thăm tên dòng sông trước mặt. - Sông Gành Hào đó cô Hai. Chắc cô Hai ở ngoài ngoải vô thăm bà con. Người đàn bà vui vẽ tiếp lời… Phải là mấy năm trước, có chết tui cũng đoán cô tới Cà Mau để chờ vượt biên. Giờ thì đã mãn mùa rồi. - Đâu có sao! Mãn mùa nhưng mình ráng đi chuyến tàu chót cũng được vậy. Nữ cười… Giởn với thím vậy thôi chớ cháu đi thăm bà con ở Thới Bình. Cháu chưa hề xuống tới đây bao giờ. Chỉ được nhắn là đi đò sớm từ Cà Mau tới chợ Thới Bình thì sẽ có người nhà ra đón. Người đàn bà bán cháo cười rơn chỉ về phía bến đò nhấp nhô dãy xuồng máy thân dài thượt cột sát vào nhau. - Tưởng gì. Nó đó kìa. Sáng ra cô Hai cứ xuống bến, hỏi thăm chiếc vỏ lãi nào đi Thới Bình thì xuống ngồi. Từ đây vô tới trỏng chỉ mười mấy cây số. Chợ nổi Thới Bình ngay tại ngã ba sông Trẹm-Chắc Băng, khi nào cô Hai thấy ghe xuồng người mua kẻ bán hà rầm là nó đó. Nữ ngại ngần nhìn về phía phòng trọ tối om, nàng gọi thêm tô cháo. Họ chuyện trò, hỏi han thân mật như đã biết nhau từ trước. Nữ muốn làm quen với vùng đất đã giữ Tuân biền biệt từ mấy năm qua. Người đàn bà sống đời thương hồ trên dòng sông nối hai vùng chợ nổi hé mở vùng sông nước u minh mà Nữ chỉ mường tượng thoáng qua từ bộ tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” đọc lén những ngày mới lớn. Câu chuyện khéo kể về chợ nổi Cà Mau, Thới Bình khiến Nữ càng khích động vẽ ra trong trí tưởng cảnh thuyền bè to nhỏ chở nặng rau trái thấp thoáng trong sương mù lãng đãng trên sông sớm. Xuồng ghe cặp sát vào nhau, hàng hóa mua bán đổi trao bình dị, chân thành trên mặt nước dập dềnh như sự pha trộn dung dị mà lãng mạng của con người với gió trăng sông nước. Những mui ghe có chậu hoa và tiếng đàn bầu buồn loang khúc Dạ cổ hoài lang trên sông dài hay câu vọng cổ xuống xề sầu lắng thuyền “tình anh bán chiếu” cắm sào bên bờ kinh Ngã Bảy ngóng chờ bóng dáng người xưa. Cuộc sống thương hồ bồng bềnh vương vấn quá và từ đâu đó trong tiềm thức luôn là nỗi vọng nhớ về một vùng châu thổ xa vời. Tiếng người bán mua nói cười trộn lẫn với tiếng máy ghe tàu từ dưới sông vọng lên khiến Nữ tỉnh giấc ngủ say sau ngày dài xe phà chật chội. Nàng vội vàng sửa soạn rồi bước ra quầy trả phòng. Người thanh niên trao lại cho Nữ tấm giấy đi đường sau khi đóng dấu đỏ chứng thực vào phía sau. Anh chỉ tay về phía bến sông. - Vỏ lãi đi Thới Bình chạy hà rầm nhiều chuyến mỗi ngày, chị đừng lo trễ. Từ Cà Mau vô trỏng vỏ lãi chạy chỉ hơn tiếng đồng hồ. Người nhà có ra chợ Thới Bình đón chị sớm cũng phải chờ tới gần trưa mới có ghe về. Khoảng sông Gành Hào lặng lẽ đêm qua giờ quẩy nước long lanh dưới ánh mặt trời vừa lên từ phía bên kia sông. Ghe xuồng chen chúc bán mua, chèo chống rập rờn kín cả một vùng sông rộng. Nữ tìm mua bánh trái đi đường rồi chọn gánh hàng quán gần bến sông ngồi ăn sáng chờ đò. Nữ nhìn mãi cảnh sinh hoạt lạ mắt của chợ nổi, của người và thuyền quần tụ, tỏa ra, dạt trôi êm đềm theo sóng nước mà lòng nôn nao với cảm giác quây quần, đổi trao đằm thắm chẳng ngơi. Chiếc tàu đò len lách qua chợ nổi bắt đầu cho chuyến chở khách vô Thới Bình. Cảm giác e dè lúc Nữ vừa bước xuống đò tan biến lúc nào không hay trong cảnh rộn rịp người mua kẻ bán và màu sắc rực rở tươi tắn của bầy xuồng ghe rau trái nhấp nhô theo sóng nước. Nữ níu tay cô gái bán trái cây, kéo xuồng cô lại gần để nhận rổ mận vừa mua. Tiếng mạn đò chạm nhau, lòng bàn tay chai tần tảo, khuôn mặt rám nắng, ánh mắt cười sâu dưới chiếc khăn rằng quấn đầu, tiếng nói cười, sông nước…tất cả quyện lại thành nỗi vui nao nao dịu dàng. Chiếc vỏ lãi tăng tốc độ xé nước thả sóng, thả hàng cây dọc bờ sông trôi vụt về sau. Nữ nhắm mắt thả hồn, thả hết thời gian xa cách chìm trôi theo dòng nước. Nàng bâng khuâng nhớ về kỉ niệm xưa và giấc mộng đầu vẫn mãi sâu kín trong lòng. Nữ mường tượng lần cùng chị Nhi trên giang đỉnh anh Dõng từ Hội An dọc sông Thu Bồn ra Cửa Đại thăm nơi anh đồn trú. Cồn cát trắng dể thương bên kia đầm sông nào ngờ là nơi sau này gia đình nương náu, nơi vùi chôn mẹ cha mất sớm sau vận cuộc điêu linh. Nơi Nữ một mình trong căn nhà trống vắng đìu hiu, đơn chiếc trưởng thành. Những sớm mai bơ phờ chân cát đồi dương, đêm gặp gỡ anh Tuân tình cờ số mệnh và cơn mộng du rạo rực trao thân. Một lần rồi mãi mãi hoài mong. Nữ bàng hoàng tỉnh giấc mơ ngày. Chừng như có tiếng gọi trở về từ đồi cát hoang liêu thổi lộng gió mùa. Phan Thái Yên