. Hơn hai trăm năm trước, cái bóng đồ sộ huy hoàng của nhà Lê sau ba trăm năm, chỉ còn là những vệt mờ trong bóng hoàng hôn. Không có một vị vua nào lại nghèo như vua Lê Hiển Tông và cũng không có một nàng công chúa nào lại nghèo như Ngọc Hân công chúa! Tất cả kho tàng đều nằm trong tay chúa Trịnh. Mà Trịnh Sâm lại yêu nàng Đặng Thị Huệ tai quái nên bao nhiêu ngọc ngà châu báu đều dồn hết vào một nhà họ Đặng. Là công chúa, nhưng Ngọc Hân còn thua cả một nữ tỳ của thị Huệ. Nàng nghèo. Vua cha lại quá già yếu và ốm đau liên miên, nên suốt ngày nàng ở bên cha. Niềm vui lặng lẽ và bé nhỏ của nàng là được học chữ, học làm thơ và đọc sách. Chỉ những lúc gần gũi với thơ phú nàng mới cảm thấy bớt tủi thân và nhờ vậy, nàng thấy mình cũng không đến nỗi quá nghèo hèn. Thế rồi, một Trịnh Sâm ngu muội và dâm đãng để lại cái ngôi chúa đẫm máu cho đứa con oặt ẹo của thị Huệ, gây nên một cuộc tàn sát kinh hoàng. Cả nhà họ Đặng và Trịnh Cán bị giết, Thế tử Trịnh Khải dược tôn lên ngôi chúa. Nhưng quyền hành lại ở trong tay bọn lính kiêu binh bạo ngược. Chúng đốt nhà quan tham tụng, giam lỏng Trịnh Khải, suốt ngày đi lùng sục cướp phá. Rồi chúng kéo tới cung thất ọp ẹp của vua Lê. Chúng xin bệ kiến, thực ra là xem ông vua già sống chết thế nào. Chúng dựng vua dậy, hỗn láo sờ nắn khắp người. Thấy Ngọc Hân run sợ đứng nép sau màn, chúng liền ỡm ờ trêu chọc: “Bệ hạ ơi, gả công chúa cho chúng tớ đi!” Nhưng trước uy danh của Nguyễn Huệ, chúng hốt hoảng, rúm ró như chuột và đây là cơ hội để dân chúng trút lên đầu chúng bao nhiêu uất hận đè nén trong lòng. Chúng bị tiêu diệt mà không cần tới một mũi tên hay ngọn giáo của quân Tây Sơn. Đổng nguyên nhung Nguyễn Huệ trên bành voi cao uy dũng và huyền hoặc như người nhà Trời, nhìn cái cổng thành đã rộng mở với cái nhìn thất vọng. Thăng Long, cái kinh thành vàng son lộng lẫy chỉ nghe nói tới trong mơ giờ đây hiện ra trước mắt tướng quân thật bé nhỏ xấu xí. Những cuộc tranh bá đồ vương, những trận hoả hoạn và mới đây là những ngày đêm cướp phá của bọn kiêu binh khiến cho kinh thành giống như một cái chợ chiều. Thật khác xa với Rạch Gầm Xoài Mút. Hai vạn quân Xiêm rằn rịt dữ dằn trên những chiến thuyền cong vút đã bị dìm chết. Trong ánh hoàng hôn rực sáng cùng với khói lửa ngút trời như trên sông Xích Bích, trong gió chiều lồng lộng của sông nước mênh mông, trong tiếng reo hò thắng trận của ba quân, tướng quân đã cười thật lớn. Đó là tiếng cười sảng khoái của mưu trí dũng lược, tiếng cười vang động đến tận sao Đẩu sao Ngưu. Thắng như thế này mới thật là thắng! Thật đã! Thật sướng! Còn bây giờ…cả ngôi chúa và ngôi vua đang chờ người chiến thắng bước lên trông lạnh lẽo cứ như một cái nhà mồ. Với tất cả khinh mạn, Nguyễn vương quày voi trở ra, truyền lệnh cho Nguyễn Hữu Chỉnh làm sống lại cái triều Lê cho dù là sống trong sợ hãi để một ngày đẹp trời vương bái kiến một cách đường bệ. Ngày trùng thất (7/7) năm Bính Ngọ (I786) trên sập ngự vua Lê thều thào phong Nguyễn Huệ làm Nguyên soái uy quốc công và vì của cải trong kho đã hết sạch nên chỉ ban thưởng cho chàng trai đất Tây Sơn người con gái yêu của mình là nàng công chúa Ngọc Hân. Phải chăng đây là sự sắp đặt diệu kỳ của đất trời, của sử lịch? Bỡi vì nếu không có một người con trai áo vải đất Tây Sơn thì hẳn nhiên trong lịch sử không ai biết đến một nàng Ngọc Hân cho dù là lá ngọc cành vàng. 2. Cái đêm hôm ấy đêm gì Bóng gương lồng bóng trà mi trập trùng Đêm đầu đời của một người sắp làm đàn bà khiến nàng hồi hộp lo sợ. Trong bao nhiêu năm làm con gái nàng chỉ biết có hai người đàn ông đã già. Một người là thầy dạy chữ và một người là vua cha. Dưới con mắt ganh ghét của Đặng Thị Huệ và dưới cái nhìn hỗn láo của bọn kiêu binh, không bao giờ nàng dám bước ra khỏi nơi cung cấm. Nếu không có những bước chân của một người làm nghiêng cả sơn hà xã tắc thì chắc nàng cũng sẽ chết già trong cô độc. Đàn ông đối với nàng xa lạ cũng như cái xứ Đàng trong. Mà cái xứ Tây Sơn thượng đạo ngay cả nhiều người Đàng trong cũng không ai biết được nó ở chốn nào. Chỉ nghe xì xào đó là cái nơi mọi rợ, khỉ ho cò gáy, đàn ông không mặc quần còn đàn bà thì không mặc yếm. Cái xứ ấy sao lại có một con người làm nghiêng trời lệch đất như thế. Một người mà từ vua quan cho đến kẻ thù đều không một ai dám ngước nhìn! Trống đã sang canh hai mà loan phòng vẫn chưa có phò mã. Những ngày dài căng thẳng làm cho nàng mệt mỏi. Nàng thiếp đi trên chiếc gối thêu. Giấc ngủ làm cho nàng đã bé nhỏ lại càng bé nhỏ hơn. Nàng thấy mình mọc cánh và lần đầu tiên bay chập choạng ra khỏi cái tổ bé xíu. Nàng trông thấy hồ Gươm nơi hoàng tổ của nàng đã trả lại bảo kiếm cho rùa vàng, trông thấy sông Nhị như một mạch máu lớn đổ vào tim. Nàng bay mãi cho đến khi va vào một vách đá ở cố đô Hoa Lư. Nàng bàng hoàng tỉnh giấc và kinh hoàng nhận ra người đàn ông của đời mình đang nằm bên cạnh từ lúc nào. Nàng úp mặt vào tay, co quắp như con sâu trong tổ. Thấy nàng tỉnh giấc, Nguyễn Huệ nắm nhẹ lấy vai nàng. Có tiếng nói như gió thoảng: “Đừng sợ”. Nhưng nàng lại càng sợ hơn. Nguyễn Huệ luồn tay ra đỡ nàng, cảm thấy tấm thân bé nhỏ của nàng run lên thật tội nghiệp. Chàng ôm lấy nàng, áp má lên tóc. Chàng nói: “sao mà sợ dữ vậy, ta đâu phải là cọp beo! Hãy nhìn cho rõ mặt ta đây nè”. Và trong màn lệ, nàng nhìn thấy khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của chàng đang rất gần, một khuôn mặt như được đúc bằng đồng của người sơn cước và hai con mắt mà ai cũng bảo có thần bỗng trở nên dịu êm đến không ngờ. Nàng đưa tay gạt nước mắt, nói lí nhí: “xin cho thần thiếp được làm lễ bái kiến đại vương”. Chàng cười, một cái cười hào sảng thích chí như năm nào trên sông nước Rạch Gầm. Và chàng nhủ thầm, đây mới thực là cái chiến công lớn nhất của đời mình. Chàng nói: “thôi đừng bày vẽ. Nàng đã hết sợ rồi phải không? Thú thật ta cũng rất sợ. Nàng không tin ư? Làm sao không sợ, khi một kẻ núi rừng võ biền thô lậu như ta lại được cái may hiếm có trong đời, là được làm chồng một nàng thiên kim quốc sắc như nàng. Ta có thể mơ chiếm hết thành này đến lũy nọ và ta đã làm được, nhưng chưa bao giờ ta dám mơ có được nàng. Chẳng những là công chúa mà nàng còn là một nữ sĩ. Ta nghe nói nàng vừa hay chữ lại hay thơ. Mai đây chắc ta phải nhờ cậy đến nàng rất nhiều”. Chưa bao giờ nàng nghe được những lời ruột rà xúc động đến tận tâm can như thế. Một người như con chim bằng với đôi cánh dài muôn trượng, chỉ một cái vỗ cánh là bay tít lên ngàn mây, như con cá tràng kình bơi từ biển nam lên biển bắc chỉ trong chớp mắt. Một người vĩ đại dường ấy đã có lúc sợ nàng vì nàng hay chữ hay thơ! Thật khó tin nếu không phải là được nghe từ miệng của chàng. Đột nhiên nàng thấy Nguyễn Huệ thân thuộc với nàng như từ lâu lắm. Sự bộc bạch một cách vừa thân ái vừa nghiêm trang khiến nàng sững sờ. Nàng có cảm tưởng là chàng đã biết nàng ngay từ khi chàng hãy còn chưa bước chân ra khỏi núi rừng Tây Sơn. Và thật đê mê cho trái tim kiêu hãnh của một nàng công chúa, khi nàng có cảm giác là chàng đã vượt qua bao nhiêu núi đèo, đạp đổ bao nhiêu thành luỹ, xông pha trước hòn tên mũi đạn… với những cuộc chinh phạt lở đất long trời cũng chỉ vì nàng! Nhất kiếm tung hoành chỉ vị khanh! Thật kỳ diệu làm sao, mà cũng đáng yêu làm sao! Uống xong chén rượu giao bôi thì vừa trống điểm canh ba. Nhưng tướng quân vẫn chưa chịu đi ngủ. Chàng tựa lưng vào vách kéo sát nàng vào lòng. Chàng vừa xoa nhẹ lên vai nàng vừa nói tỉ tê, như thể hơn 30 năm chàng chưa hề tâm sự với ai. “Sao đêm nay ta bỗng nhớ đến núi rừng Tây Sơn quá đỗi. Nàng có buồn không khi nghe ta nói những chuyện xa xưa? không à? Vậy thì được. Ta sinh ra giữa một vùng rừng núi heo hút. Ngoài tiếng suối chảy sau nhà, đêm đêm ta thường nghe tiếng voi gầm cọp hú. Ta biết đánh võ trước khi biết cầm ngọn bút lông chấm vào nghiên mực. Ta thường nghe các thầy dạy võ kể chuyện vào núi đánh nhau với cọp. Trong những cuộc tỉ thí một mất một còn, họ rèn luyện được tính nhanh nhẹn và lòng quả cảm. Chính vì thế mà anh trai ta đã dám chui vào cũi để thuộc hạ đem nộp cho tuần phủ thành Qui Nhơn. Nửa đêm anh tháo cũi, mở cửa thành cho ta và em trai ta vào chiếm. Lúc ấy ta mới có 17 tuổi. Từ đó, ta hết ngồi trên lưng ngựa, lại ngồi trên bành voi. 17 năm qua, ta chưa có lúc nào được ngơi nghỉ. Ba ngàn chữ học được của thầy giáo Hiến cứ mỗi ngày một rơi rụng dần. Cái thua kém lớn nhất của đời ta chính là không được học tới nơi tới chốn. Ta coi thường tài võ nghệ của các tướng lĩnh Bắc hà, nhưng ta rất quý trọng các bậc hiền sĩ. Họ là những người thầy của ta. Mai đây có dịp ta sẽ bái họ làm sư phụ. Nàng cũng sẽ là thầy của ta”. Nàng vội tuột xuống chân giường sụp lạy: “Xin Đại vương chớ nói những lời như thế khiến thần thiếp muôn phần sợ hãi”. Chàng ân cần đỡ nàng ngồi dậy, âu yếm: “không, ta nói thật đấy. Ta rất ngưỡng vọng những người biết làm thơ phú. Nhất là người ấy lại là con gái. Chẳng những đẹp hơn lên mà còn có một sức mạnh nào đó rất huyền bí khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Như nàng đây, có khác gì sao Mai trên trời”. Không thể nào tin được trong con người lẫm liệt như chàng lại còn có một người tinh tế đến thế. Chàng đã nâng nàng lên đến tận chín tầng trời. Ở đó, chàng không còn là kẻ võ biền thô lậu mà là một tao nhân rất mực dịu dàng. Chàng yêu nàng, yêu hết một lần cái trong trắng non tơ, rồi lại yêu nhiều lần cái ngất ngây của dịu mật. Chàng như tan ra ào ạt phủ kín nàng. Và nàng cũng vậy, cả hai cùng ngập lụt trong nhau. Sau đám cưới là đám tang. Vua Lê Hiển Tông yên lòng nhắm mắt sau khi biết được con gái yêu đã có được một người chồng kỳ vĩ. Nhưng Lê Chiêu Thống thì không. Dưới sự lộng hành của Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm, vị vua cuối cùng của nhà Lê cứ như ngồi trên lửa. Khi nửa đêm Nguyễn Huệ một mình một ngựa từ Phú Xuân ra giết Nhậm thì Lê Chiêu Thống thấy cái chết đã gần kề nên vội vàng đào thoát sang Tàu. Những việc ấy diễn ra chỉ trong có 3 năm. Và cũng chỉ trong 3 năm, cái tài dùng người của Nguyễn Huệ đã khiến cho lịch sử lúc đó giống như một con ngựa chứng đã bị ngọn roi thần của Bắc Bình vương khuất phục. Ai dám bảo một con người không làm nên lịch sử nhất là con người đó lại là người của nhà trời như Nguyễn Huệ. Cũng có kẻ bảo Nguyễn Huệ tàn nhẫn, dẫu gì thì Chỉnh và Nhậm cũng đã giúp một tay vào cơ nghiệp của Tây Sơn. Nhưng trong cái buổi trời đất nổi cơn gió bụi, ai cũng muốn xưng bá đồ vương thì chỉ chậm một chút, cạn nghĩ một chút, dùng dắng một chút là tự mình dại dột để cho gió cuốn đi! Người anh hùng cái thế là người biết nắm lấy cơn gió bụi ấy, không để nó tung hoành dữ dội mà bắt nó phải ngoan ngoãn vâng theo ý mình, cho đến khi nó nhẹ nhàng thổi mát trên khắp cánh đồng xanh. Đó là việc của chàng. Còn việc của nàng là đã sinh cho chàng hai người con, một trai hùng vĩ như núi rừng Tây Sơn và một gái đẹp như tình yêu của họ. 3. Hỏa tốc! Hỏa tốc! Ngựa trạm chạy mướt mồ hôi! Hỏa tốc! Hỏa tốc! Giặc Tàu vào biên ải! Bắc Bình vương Nguyễn Huệ được tin dữ lúc đang ngồi xem Ngọc Hân viết bài thơ tứ tuyệt mừng con trai đầy tuổi. Vương không hề biểu lộ chút gì trên nét mặt. Vẫn bình thản, vẫn tươi cười chơi với con, cứ như cái chuyện quốc gia đại sự ấy là của ai chứ không phải của vương. Chỉ có Ngọc Hân thảng thốt đánh rơi cây bút và thiếu chút nữa làm đổ nghiên mực. Nàng vội bồng lấy con ghì chặt vào lòng. Một cái nhói đau như kiếm thúc vào ngực vì rằng dù những năm tháng u ám trước khi theo chồng, Thăng Long với vàng son một thuở lúc nào cũng ở giữa trái tim. Nàng không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt cứ lặng lẽ nhỏ xuống mặt con đến nỗi vương phải buột miệng, giọng to và rền như giữa chốn ba quân: “Nó vào dễ nhưng ra không dễ đâu. Vào để mà chết thì việc gì phải sợ!” Ra khỏi hậu cung, vương liền đến gặp các tướng sĩ đang nôn nóng đứng chờ ở trước đại sảnh. Như một con tuấn mã sắp tung vó, bờm dựng ngược, mắt sáng ngời, tướng quân lẫm liệt như một vị thần, nói: “ta đã biết trước, thế nào nó cũng sang đây. Vậy thì đánh. Đã đánh là phải thắng. Ai muốn đánh thì theo ta đánh. Ai không muốn đánh cũng phải theo! Để coi ta đánh!” Giản dị như thế, con người áo vải ở đất Tây Sơn chỉ nói có mấy câu ngắn gọn, mộc mạc. Nhưng mỗi một lời vang lên sang sảng như tiếng sắt tiếng đồng của binh khí chạm nhau. Trong lịch sử cổ kim chưa có một vị tướng nào lại hiệu triệu quân sĩ bằng những lời lạ lùng như thế. Nó vừa mở vừa buộc, vừa dễ lại vừa khó, nói như chơi mà không phải chơi, nói không ra lệnh mà thực ra là ra lệnh. Đố ai dám không đi theo. Mà đã theo đố ai dám đứng coi! Đúng đêm trừ tịch hoàng đế Quang Trung xuất quân. Và trưa mồng năm ngài đã tiến vào thành Thăng Long. Cái áo bào đỏ tựa ráng pha của ngài giờ đen kịt vì thuốc súng. Cả khuôn mặt ngài cũng đen sẩm vì mồ hôi và khói bụi. Nhưng đôi mắt rực sáng hơn bao giờ, vì Thăng Long giành được từ tay giặc, giờ mới thực sự là của ngài. Sao mà nhanh quá vậy, sao dễ quá vậy, nàng thảng thốt muốn kêu lên, cứ như mọi việc đã được chàng định sẵn. Chỉ một mình chàng. Không tự người. Cũng không tự Trời! Đúng như chàng đã nói, vào để mà chết thì việc gì phải sợ. Từ Phú Xuận nghe tin báo tiệp, lòng nàng như cả một vườn đào đang nở rộ. 4. Non sông đã sạch bóng quân thù. Giờ phải làm sao cho đất nước giàu mạnh. Cái công cuộc đại định này xem ra một mình hoàng đế không định được. Ngài tự biết chỉ giỏi việc kiếm cung. Các hiền sĩ đất Bắc hà không hiếm. Nhưng nước thanh bình ba trăm năm cũ, cái hào quang lộng lẫy thuở nào của nhà Lê vẫn còn sóng sánh ít nhiều trong lòng họ, nên vẫn có rất ít người chịu ra phù giúp. Dù vậy, vua vẫn kiên trì như Lưu Bị tam cố thảo mao lư để mời cho bằng được La Sơn phu tử. “Thưa tiên sinh, kẻ áo vải thô lậu này không may biết rất ít chữ nghĩa của thánh hiền, xin tiên sinh hết lòng chỉ giáo”. “Kính thưa bệ hạ, thần chỉ là một ông già ở chốn thâm sơn cùng cốc chưa hề biết đến áo mũ cân đai bao giờ. Được bệ hạ vì quá yêu đã nhiều lần triệu vời, không dám không đến vì sợ mang tội khi quân, nên hôm nay thần xin đến chúc mừng bệ hạ sống lâu muôn tuổi”. “Không đâu! (cười lớn) Ta chỉ cần được sống thêm vài mươi năm nữa là đủ rồi. Mười năm đầu vỗ yên bá tính. Mười năm nữa phải lấy lại đất lưỡng Quảng. Mười năm tiếp theo làm cho Đại Việt trở thành hùng cường. Bắc, đủ sức chống giữ cái con rồng lửa Mãn Thanh. Nam, khống chế quân Xiêm la cọp beo. Tây, bắt Lào và Miên phải thần phục. Đông, dong thuyền đến tận Ma ní, Chà và. Ba mươi năm (lại cười) chứ không cần muôn năm!” “Kính thưa bệ hạ, công cuộc đại định của bệ hạ thực quá tầm nhìn và ý nghĩ hạn hẹp của hạ thần. Thần chỉ xin thưa một điều, trong ba chữ Nhân, Trí, Dũng thì với ngài trước hết là Dũng, thứ đến là Trí, sau cùng là Nhân. Trí Dũng thì ngài có thừa nhưng Nhân thì ngài chưa đủ”. “Vì sao?” “Vì Nhân là ở tự người khác chứ không phải tự ngài. Làm điều nhân là rất khó vì không phải làm cho riêng mình. Mà làm cho người khác thì biết thế nào là đủ!” “Ta nghe ra rồi, xin cảm ơn tiên sinh. Làm điều nhân tức là làm cho trăm họ. Trăm họ yên vui tức là đủ. Trăm họ oán than tức là chưa đủ, phải vậy không?” “Thưa phải”. Tiên sinh Nguyễn Thiệp đi rồi mà ngài hãy còn ngồi lại một mình ở tiểu đình. Ba chữ Nhân, Trí, Dũng của một người, thật đẹp mà cũng thực khó xiết bao! Nhất là một con người muốn trở thành hoàng đế vĩ đại. Dường như 30 năm là chưa đủ, nhưng đời người là hữu hạn, đành phải vội thôi. Trở về Phú Xuân ngài liền hội các quần thần. Ngài nói: “ta muốn cưới thêm một người vợ nữa! (cười) Mà là vợ Tàu! (lại cười). Mấy năm trước Phạm Công Trị làm giả vương đã được Càn Long yêu chiều như thế nào, các khanh cũng đã biết. Nhưng đó chỉ là ngoài mặt. Giờ ta muốn thử xem nó có thực là sợ ta đến độ phải gả công chúa cho ta hay không? Tiếp đó, đòi lại đất lưỡng Quảng. Thuận thì thôi, không thuận thì sẽ đánh!” Quần thần im phăng phắc. Trời nghiêng, đất sụt cũng chưa làm họ kinh sợ đến thế. Nhưng ý vua là ý Trời, nào ai dám cãi! Thế rồi sứ bộ mang theo vàng bạc, sừng tê và ngà voi lên đường với lời cầu hôn bất kính. Ai cũng run. Chọc giận thiên triều thế nào sấm sét cũng trút xuống trên đầu họ. Qua ải Nam Quan mà ai cũng tưởng là bước qua sông Dịch! Ai cũng cảm thấy cái lạnh của nhất khứ bất phục phản! Sứ bộ vừa lên đường cũng là lúc ngài rời Phú Xuân đi kinh lý khắp các trấn, đốc thúc tướng sĩ coi sóc các quân ngũ. Ngài ra lệnh canh phòng nghiêm nhặt các cửa ải, đóng cừ ở các cửa sông và tuần tra suốt ngày đêm trên biển. Cả nước đang sẵn sàng cho những trận đánh lớn. Không chỉ đối địch với 30 vạn quân mà có thể là 100 vạn. Không chỉ một trận như trận Đống Đa, mà có thể là hàng trăm trận. Không chỉ tiến quân ngàn dặm mà là hằng vạn dặm. Động đến nước Tàu mênh mông là thách thức lớn nhất của đời ngài. Lúc này đang tiết trời mùa hạ. Những cơn gió Lào nóng rực thổi suốt ngày đêm. Vậy mà ngài vẫn cứ rong ruổi suốt trên lưng ngựa. Hết ra Phượng Hoàng trung đô lại vào Hải Vân quan. Sáng ở cửa Tùng, chiều đã vào đến cửa Đại. Trước đây, sau những lần đi xa về, thế nào ngài cũng đến cung của Ngọc Hân để thăm con và để được nàng dịu dàng chăm sóc. Ngài thích những món ăn do chính tay nàng nấu nướng, thích được nàng chải tóc gội đầu, thích nằm trên sập ngự cho nàng xoa bóp, thích nghe nàng khoe những trò vui của các con, nhất là thích ôm cô công chúa bé bỏng xinh xinh vào lòng… Nhưng từ khi ngài sai cả một sứ bộ sang Tàu chỉ để cầu hôn thì nàng luôn tìm cớ lánh mặt, chỉ ôm con khóc thầm. Mặc dù ngài đã hết lời phân giải với nàng rằng đó chỉ là một cách thăm dò thực hư của vua Càn Long mà thôi, nhưng nàng vẫn cứ buồn. Và vẫn cứ ngang bướng rằng thực tâm chính ngài muốn thế. Ngài là kẻ lúc nào cũng muốn cái mới, muốn đổi thay nhất là các hậu. Vì vậy, nên dù đã có chánh hậu họ Bùi, ngài vẫn muốn một Bắc cung họ Lê và giờ đây lại đòi cho được một vương hậu họ Mãn! Ngài cười bảo ta thử một phen vuốt râu hùm xem sao, dễ gì cái lão vua già ấy chịu gả con cho ta. Dù biết có thể mang tội khi quân, nhưng nàng vẫn bướng bỉnh đặt ra câu hỏi táo tợn: “Ngộ nhỡ người ta gả cho thì sao?” “Thì cưới chứ sao! Các vua đều có cả tam cung lục viện, ta chỉ có 3 người, đâu có nhiều nhõi gì!” Nàng kêu lên: “Ôi chao, làm vợ vua sao mà khổ nhục thế này!” “Thôi, ta xin nàng! Xưa nay, ta chưa hề biết sợ ai, giờ ta đành phải sợ nàng!” Sau lần đó ngài cũng buồn bực không muốn đến cung của nàng. Ngài vẫn cứ leo lên lưng ngựa lao đi trong gió cát như hồi 17, 18! Việc nước việc dân biết bao bề bộn lại còn việc nhà rít rắm mới khó chịu làm sao! Sứ bộ lên đường được hơn nửa tháng thì ngài đổ bệnh. Cũng tưởng chỉ cảm nắng cảm gió vậy thôi. Các ngự y khuyên ngài tĩnh dưỡng nhưng ngài không chịu. Suốt bốn mươi năm chưa bao giờ ngài nằm bệnh đến hai ngày. Chỉ một vài nắm lá, một vài cái rễ cây là ngài qua khỏi. Ngài là người con của núi rừng mà. Cứ sống, mà sống không được nữa thì ngã xuống chết, vậy thôi! Tật bệnh là dành cho ai kia chứ không phải cho ngài. Nhưng đến ngày thứ ba thì ngài ôm đầu kêu rên vì đau nhức không chịu được. Các ngự y thất sắc không nói nên lời. Ngọc Hân quỳ bên ngài hết sức xót xa ân hận. Suốt một ngày dài vật vã, tối đến ngài chợp mắt một chút. Rồi lại mở bừng mắt vẫn còn sáng như ánh chớp. Ngài dặn dò các quan hãy tôn phù thái tử Quang Toản lên ngôi, dặn cấp tốc tin cho sứ bộ thay việc cầu hôn bằng việc báo tang. Sau cùng ngài bảo tất cả lui ra chỉ ở lại một mình Ngọc Hân. Ngài ngồi dậy trên sập ngự, ra hiệu cho nàng cùng ngồi. Cầm lấy tay nàng, ngài nói: “Ngắn ngủi quá phải không? Ta và nàng ở với nhau chưa được bảy năm. Nàng hãy còn quá trẻ. Ta rất tiếc việc lớn chưa thành. Ta sắp đi rồi đây, mong nàng đừng buồn giận ta nữa. Hãy gắng nuôi các con để nối chí ta!” Nàng chỉ biết khóc. Nàng muốn nói không bao giờ nàng dám giận ngài, lúc nào nàng cũng kính yêu ngài, nhưng nàng không nói được. Nàng hôn tay ngài, hôn mãi cho đến khi bàn tay dày dạn vì kiếm cung suốt hơn 20 năm lạnh ngắt trong tay nàng. Lúc ấy nàng mới biết ngài đã chết mà vẫn ngồi yên trên sập ngự. 5. Chỉ hơn 20 năm, người con áo vải của đất Tây Sơn rực sáng trên vòm trời lịch sử như một bắc cực quang. Rất lộng lẫy, rất huy hoàng, nhưng cũng rất chi là ngắn ngủi, mong manh! Với Ngọc Hân, cái bờ vai vĩ đại ấy không còn nữa thì ba mẹ con nàng chỉ như ngọn đèn trước gió. Khi Phú Xuân thất thủ, nàng đã cải trang thành một bà lão đem hai con vào lẫn trốn ở Ngũ Hành sơn. Nhưng tai vách mạch rừng vẫn không dấu che được tung tích. Nàng may mắn trốn thoát nhưng hai con bị bắt và bị thắt cổ như giết chết một con thỏ. Có kẻ muốn làm nhục nàng bảo Gia Long sau đó đã thương tình lấy nàng làm tì thiếp. Chồng chết, con chết mà chịu sống hèn với kẻ từng đêm đái vào sọ của chồng mình được sao? Tôi không tin như vậy. Tôi tin một ngôi sao băng chỉ đẹp khi tự cháy hết trong trời đêm. Và tôi tưởng tượng nàng lặng lẽ đi vào rừng sâu, mặc lại chiếc áo Bắc cung hoàng hậu rồi tự sát ở một nơi mà chỉ có linh hồn của Nguyễn Huệ hiển linh mới biết được. Cuộc trả thù hèn hạ và dai dẳng đến hơn 100 năm của nhà Nguyễn, khiến cơ nghiệp của Tây Sơn chỉ còn lại trên đời mỗi một cây me con giờ đã thành cổ thụ giả và vang vọng nghẹn ngào đâu đó trong lòng người một bài Ai tư vãn! Mà nay áo vải cờ đào Giúp dân dựng nước xiết bao công trình… Công nhường ấy, mà nhân nhường ấy Cõi thọ sao hẹp mấy hóa công? Kẻ hậu sinh ở đất Đồ Bàn này, nhìn lá me rơi nhiều khi tự nhủ, giá như Nguyễn Huệ sống thêm vài mươi năm nữa thì sử lịch đã không có những trang đau xé ruột. Sẽ không có Gia Long nhỏ mọn! Sẽ không có 100 năm Pháp thuộc tối tăm! Sẽ không có CS với những năm tháng dài chia cắt, hận thù! Và nhất định không phải chịu nhục vì bọn Tàu phù quấy nhiễu khắp nơi như hiện nay! Khuất Đẩu Viết lần đầu 2005 Viết lại 2012