ó một lần tôi nhận được một cái comment của một chị bạn đọc giả trên mạng.Trong đó chị có hỏi tôi một câu rằng: ''... Chẳng biết Tác giả còn trong nước or..đã hải ngoại rồi? Nếu..đã xa quê hương? Nhưng bài viết thấy còn rất là..hương quê?''(Trích nguyên văn ). Tôi rất thích câu hỏi này của chị và câu hỏi ấy khiến tôi nhớ là hình như tôi chưa bao giờ viết về quê hương tôi thì phải.Dù sự thực khi viết về những hồi ức bao giờ tôi cũng thấy thích hơn và viết nhanh hơn những thể loại khác.Vậy mà ngồi đắn đo bao bận tôi vẩn không biết viết làm sao.Diển tả thế nào cho hết những cảm giác trong lòng mình về hai từ Quê hương nghe rất đổi thân thuộc, gần gũi ấy.Cũng như cái hương quê mà bất cứ ai cũng có trong trái tim của mình. Tôi sinh ra tại một vùng quê thuộc đồng bằng châu thổ sông Cửu Long ở miền Tây Việt Nam gần Bắc Mỹ Thuận.Tôi đã sống nơi đó cho tới khi qua tuổi mười một mới phải xa lìa.Đó là những năm tháng chất đầy kỷ niệm êm đềm ngọt ngào, nhiều niềm vui hơn nổi buồn.Mặc dù thời điểm cuộc sống lúc đó của gia đình tôi cũng rất vất vả, thăng trầm như bao gia đình thuần nông bình dị của cái xứ sở mang hình chữ S.Nơi cho tôi thắm thía hơn cái câu thơ:''Quê hương là gì hở mẹ.Ai đi xa cũng nhớ nhiều'' của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Quê tôi là một thị trấn nhỏ nằm riêng biệt so với quốc lộ lớn bằng một ngã rẽ của đoạn đường chừng 4km.Hai bên đường lộ nhựa là những cánh đồng lúa xanh rì đặc trưng như những vùng đất Nam Bộ khác.Địa thế kề bên dòng sông quanh năm được bù đắp bởi phù sa đem tới cho xóm làng tôi những đồng ruộng phì nhiêu.Vườn trái cây trĩu qủa có tiếng về những loại trái cây ngon trong một bài hát được nhiều người biết đến. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng lúc nào cũng có nhiều cơn gió mát mẽ thổi vi vu cùng khung cảnh dân dã với bao loại hoa dại xinh tươi.Mùa nước nổi quê tôi cũng bị ngập lụt nhưng vì gần sông nên nước lên và xuống rất nhanh không như những vùng trũng bị ngập úng.Những ngày sau nước lũ ao hồ,cơ man là tôm cá.Bọn trẻ con của tôi ngày trước vui lắm ngày hè đi hái trái cây mọc hoang, rong chơi với cánh diều.Khi thì lại bắt con cua, câu con cá vừa thoả cái tính vui chơi vừa giúp mẹ có thêm món ăn dân dã vào buổi cơm chiều. Tôi sống ở xứ lạ gần bằng gấp đôi cái thời gian sống ở quê.Nơi đây nổi tiếng trên thế giới về môi trường cũng như những ưu đãi phúc lợi hay an ninh tốt.Tôi thuộc nhóm những cô gái năng động nếu xét về tính cách cũng như công việc hiện tại tôi đang làm.Tôi cũng đi khá nhiều nơi người ta cho là đẹp.Ăn nhiều món ngon của cung đình hoàng gia nhưng sao tôi vẩn không thấy ở đâu sánh cái vùng quê yên ả ngày xưa. Tôi nhớ mãi cái hương vị cơm chiều được nấu bằng củi dừa trong cái chái bếp nhỏ nhắn đầy khói của bà Ngoại.Tôi nhớ tô canh rau tập tành nấu cua đồng ngọt lịm,,cá rô kho khô trong cái chảo đất cũ sứt mẽ cay nồng ớt hiểm.Cái mùi vị mà tôi không thể tìm được ở những căn bếp hiện đại sáng loáng.Những món ăn được nêm bằng tình cảm gia đình ấy không bao giờ có thể quên. Tôi nhớ những cái tên của đám bạn mình thời thơ ấu.Những cái tên cũng ngây thơ như chúng tôi ngày đấy tự đặt cho nhau như:Tí chuột,Ba râu,Lượm còi, Diễm rớt, Cúc nhủi....Giống như tôi có cái tên trong khai sinh cũng rất ư dể nghe nhưng bạn bè vẩn gọi là Hai Ký bởi ngày xưa mẹ sinh tôi thiếu tháng chỉ nhỉnh hơn 2kg một chút.Lúc mới lớn tôi khóc lóc khi được gọi cái tên mà tôi cho là xấu xí ấy.Mẹ tôi phải an ủi và giải thích với tôi rằng tên xấu dể nuôi bởi tôi èo uột từ nhỏ.Để rồi ngày hôm nay chỉ khi về quê ở cùng người thân yêu thương tôi mới được nghe lại cái tên ấy.Khi ra đường ai gọi bằng cái tên ấy tôi biết ngay họ là bạn ngày thơ ấu của mình rồi sau đó nghe lòng có một niềm vui nhẹ nhẹ tan chảy. Ngày hè bọn con trai bận rộn với những trò đá banh, làm ná bắn chim.Con gái thì chơi nhà chòi, làm đám cưới cho đứa nào đó trong bọn.Một lần chúng tôi làm đám cưới cho Tí chuột và Lượm còi.Nhưng giữa chừng khi đang bắt chước người lớn chuẩn bị đi đón dâu thì cô dâu và chú rể oánh nhau tơi bời khiến cả bọn lôi hai đứa ra.Cái lý do oánh nhau đơn giản là giành nhau mấy con cá lia thia mới vớt ngoài ruộng khi nảy.Để rồi chỉ vài phút sau đó cô dâu - chú rể quẹt nước mắt cười hớn hở.Trong khi lủ tụi tui gân cổ hát bài đồng dao: ''Cô dâu, chú rể làm bể bình bông.Đổ thừa con nít bị đòn nát đít.....'' Chơi chán thì chúng tôi kéo nhau đi hái những trái cây mọc tự nhiên trên những cánh đồng lúa. Có đứa nào thèm ăn chi đâu chỉ là thỏa cái tính phá phách leo trèo.Trong đám bạn ngày đó tôi nhớ nhất là Cúc nhủi bởi Cúc trèo cây giỏi nhất trong đám, thoăn thoắt trên những cành lá như một chú sóc đuôi cong.Cả bọn tôi thì nhốn nháo đưa vạt áo ra hứng những trái mận hay ổi ruột đỏ chín thơm lừng do Cúc hái được quẳng xuống.Rồi những lúc đi hái trái Trâm, trái Sắn vốc từng nắm bỏ vào miệng rồi sau đó khoe với nhau hàm răng tím đẩm.Những nụ cười tươi như được nhuộm màu trở nên lung linh ghi sâu vào tâm hồn thành kỷ niệm. Khi cơn mưa rào ngày hạ vừa tạnh không riêng gì đám con nít chúng tôi,cả xóm xách thùng ra ruộng bắt cua.Những chú cua mới vừa bị cơn mưa rào làm cho ngập hang bò lang thang khắp nơi.Chỉ cần bỏ một chút thời gian thì hôm đó nhà sẽ có món cua trong mâm cơm.Những ông chú, bác thì đi bắt ếch, soi gà nước vào những buổi tốt ngay đêm ấy.Buổi trưa nắng bọn tôi rong ruổi với cái cần câu trong tay, mà thời xưa sao cá nhiều thế không biết.Những con cá lóc mập ú,cá rô non mướt, cá bóng dừa đen mượt.Chúng tôi ngày đó đứa nào cũng đen nhẻm, gầy nhom vì ham chạy chơi hơn ăn tóc cháy vàng khè đầy mùi nắng.Vậy mà vẩn mạnh khoẻ chả mấy khi bệnh vặt trong cái mưa dầm nắng dãi ấy. Giữa hạ thì đi hái nắm mối, cái loại nắm bé bé, xinh xinh màu trăng trắng pha nâu trên chóp,ngọt như thịt gà.Loại nắm gắn liền với truyền thuyết không phải ai cũng có thể thấy để hái chúng.Chỉ những người nhẹ bóng vía mới nhìn ra.Còn như ngược lại đôi khi dẩm lên chúng mà không hề hay biết.Khi hái không được đào cả gốc và nhớ chổ để năm sau còn tới mà hái tiếp khi chúng mọc lại. Nhưng con bé bướng bỉnh tham ăn như tôi ngày đó rất mê ăn cái gốc dòn dòn ấy.Nên tôi cứ đào cả gốc mang về và không biết bao lần bị mẹ tôi la rầy về cái tội lì lợm.Tới giờ vẩn còn nghe thèm thuồng lắm cái loại nắm tự nhiên không thể trồng được.Nấm mối được làm nhân đổ bánh xèo vào tết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm.Xào với bụi môn ngọt mọc tự nhiên cạnh bờ ao sau nhà, hay bỏ vào nồi mắm kho.Những bà mẹ, cô chị khéo tay biến chúng thành những món ăn đầy nét riêng của gia đình mình. Khi rãnh tay với ruộng lúa thì xoay qua đám vườn trái cây.Làm cỏ vườn, chiết cành, móc bùn non lên đấp gốc.Tới mùa thì lo thu hoạch để chúng chín mùi lại rơi rụng thất thoát do chủ hái không kịp.Thế là lại ra đời một dạng làm công với cái tên gọi ''vần công ''.Tức là hôm nay một người nào đó qua phụ gia đình mình gặt lúa hay hái trái cây phụ một ngày.Thì sau đó khi họ thu hoạch mình cũng sang phụ lại một ngày. Ngẫm mà thương cái tình bà con,lối xóm.Ngay trong công việc cũng thấm đầy tình nghĩa giúp đở, đùm bọc nhau không hề nghe mùi tiền bạc hay cân đo vụ lợi.Những buổi tối cả xóm quay quần bên một cái tivi coi chung những vở cải lương.Rồi những người đàn bà sụt sùi khóc theo những nhân vật diển ra trên ấy.Thương nàng Cúc Hoa hiền dịu ghét ả Tào Thị độc ác. Hôm sau vẩn ram ran bàn luận ai ca hay, ai lên vọng cổ ngọt.Ngày đó tivi không phải ai cũng có, cả xóm tôi chỉ có một cái thôi,mà dân xứ tôi gọi truyền hình chứ không gọi tivi. Thời gian trôi tôi phải đi xa nhà dù tôi có cái may mắn là cũng được về thường xuyên so với nhiều người khác.Mỗi lần về tôi luôn thấy quê mình đổi khác dù khoảng cách những lần về không xa. Đầu tiên là những cơn ''sốt đất '' mặt tiền gần đường.Sau ''cơn sốt'' ấy nhiều nhà ít đi vài công ruộng hay miếng vười trái cây. Nhưng bù lại những căn nhà mới mọc lên nhiều hơn.Những màu sắc đối chọi nhau những bức tranh của một đứa bé mới tập vẽ.Cũng như kiểu nhà chênh lệch do ai muốn cất trồi ra hay thụt vào theo ý mình thích. Rồi những chiếc xe máy tăng với tốc độ chóng mặt.Thiết bị điện tử gia dụng nhà ai cũng có ít nhiều. Karaoke hát inh ỏi hay một bài nhạc trẻ xập xình léo nhéo về ca từ được phát ra từ cái loa công suất thay cho những câu hò mượt mà cất lên từ phía mé sông như xưa.Người ta cũng không còn cần làm ''vần công '' như trước vì bây giờ có máy móc làm phụ rồi thuốc men hỗ trợ.Cần gì người ta cứ thuê mướn hẳn hòi quy ra tính bằng tiền hết. Trái cây bây giờ trái cũng lớn và mượt mà hơn ngày trước nhờ những loại thuốc tăng trưởng.Mà hình như chính người trồng lại e ngại ăn chính thứ trái cây của mình trồng ra.Nhà nào cũng phải chừa riêng vài gốc nơi cuối vườn không có xịt thuốc để dành cho gia đình mình ăn.Con sông nơi tôi ở thì nước nữa đục nữa xanh vì ô nhiễm hóa chất.Chẳng ai dám dùng nước sông nữa, tôm cá cũng theo đó dần dần hiếm hoi. Đồng ruộng thì vẩn còn nhiều, lúa năng suất cao hơn xưa.Nhưng đi ruộng bây giờ khó mà thấy những cánh chim chóc đặc trưng cho vùng sông nước như trước. Những cánh diều càng hiếm hoi.Hình như trẻ con bây giờ thích chơi những trò chơi khác hấp dẩn hiện đại thực tế.Chúng mê những bộ phim ở nhà hoặc game online ở những quán dịch vụ mát lạnh hơn là chạy ngoài đồng ruộng thả diều hay bắt cua.Mà cua cũng có còn đâu để tới chúng bắt.Cua đồng bây giờ là đặc sản mà chỉ có thể tìm ăn trong những nhà hàng máy lạnh chạy rù rì ở Sài Gòn mà thôi. ̣Đám bạn trẻ thơ của tôi cũng đã lớn tứ táng ̣đứa một nơi, đứa lên Sài Gòn tìm việc với lý do chán làm ruộng ở quê vất vả bùn sình.Cúc nhủi tay bồng tay bế theo chồng bỏ cuộc chơi.Vợ chồng nghe nói dắt nhau đến miền cao nguyên nắng gió nào đó để lập nghiệp.Còn Lượm còi lớn lên thì không trở thành cô dâu của Tí chuột như thuở nhỏ.Chồng Lượm là anh bà con chú bác với Tí chuột.Trong lần tôi tình cờ đến nhà thăm bạn cũ, gặp lúc hai anh em họ tranh nhau cái mương ranh nơi mảnh đất được chia từ hương hỏa tổ tiên.Ai cũng dành phần cái mương ấy thuộc về mình đến nổi chút nữa dẩn đến xô xát.May là lối xóm can ngăn ra trong tiếng la hét thất thanh của Lượm.Tự nhiên nhìn khuôn mặt sạm nắng gió, mệt mõi vì gánh cuộc sống của cô bạn mình khiến tôi nhớ qúa cái giọt nước mắt trong veo chảy trên khuôn mặt bầu bỉnh ngây thơ ngày xưa. Tôi biết đời nhiều thay đổi thuận theo tự nhiên,cuộc sống thì phải phát triển tiến lên hiện đại chi đó.Nhưng sao lắm lúc tôi ghét cái hiện đại phát triển mà người ta gọi là ''đô thị hóa '' ấy.Cũng có thể tôi là kẻ có lối sống hoài cổ hoặc ký ức cũ gắn bó sâu đậm trong lòng khiến tôi không dung nạp được cái mới.Cũng như bây giờ tôi lại hay suy nghĩ vu vơ ngậm ngùi khi nghe lại cái câu:''Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hát mỗi ngày '' mà ngày xưa tôi yêu thích.Bây giờ có đi giáp cái xóm trái cây xứ tôi cũng không tìm ra được cây khế ngọt.Ví dầu cho có đi chăng thì trẻ con chúng cũng chẳng ăn những thứ đó.Bởi đã có vô số qùa bánh đầy màu sắc sặc sỡ được bày bán sẳn kia.Thì làm sao mà hiểu được cái háo hức ngóng chờ mùa gió mùa hạ để thả diều, ngóng chờ con cá cắn câu. Lẩm cẩm tôi lại cứ nói vui sau này không khéo một ngày nào đó tốp thế hệ sau hỏi tốp trước:'' Cô ơi hay Mẹ ơi khế ngọt nó thế nào?''.Thì không biết diển tả giải thích với chúng ra làm sao.Tựa như một lần tôi nghe thằng bé con của người chị họ - sống ở Sài Gòn - hỏi tôi một câu rằng:''Dì ơi sao con gián ở quê nó biết kêu hả dì ''.Khiến tôi tá hỏa dỡ cười dỡ mếu cố giải thích cho thằng bé sự khác biệt giữa con dế và con gián trong niềm lo lắng không khéo nó bắt con gián bỏ vào lồng nuôi như dế thì khổ. Thời gian thì đi tới sớm muộn gì rồi tất cả cũng bị phủ bụi mờ ngay cả cảm xúc của con người.Nên những kẻ tiếc nuối cái cũ như tôi đành đem ''Quê '' của mình đóng vào một cái khung và treo vào căn phòng có tên Qúa khứ.Để rồi khi tình cờ khi nghe một đoạn nhạc nào có cái nội dung gợi nhớ như giặt áo trên sông.Hay câu ca dao '' Cánh cò bay lã bay la. - Bay từ ruộng lúa bay ra cánh đồng ''.Tôi lại lôi cái khung ảnh ''Quê'' đó ra lau chùi bằng dư vị tiếc nuối. Đánh bóng bằng hoài niệm nhung nhớ như cái gì đó thuộc một phần máu thịt tồn tại hiển nhiên trong cơ thể mình. Mùa này Quê tôi chắc vào đầu Hạ, không biết trời đã có mưa rào chưa và ve sầu có còn hát vang nữa không?Mai này dù đời có ra sao có lấy đi tất cả mọi thứ nhưng xin chừa lại cho tôi nổi nhớ Quê của mình.Ngày xưa ơi...xin thỉnh thoảng hãy quay về để tôi còn có được những phút giây ngọt ngào đắm mình trong dòng sông mang tên Miền Ký Ức. Song Nhi