CHƯƠNG 20

    
uá khứ của chúng tôi dừng tại đây.
Khi tôi nài nỉ hỏi khi nào thì chúng tôi cưới, Marianne Engel nói, “Anh phải đợi thôi.”

° ° °
Tôi quay lại bệnh viện để thực hiện thêm mấy cuộc phẫu thuật tái tạo. Cho tới lúc này, đó hầu hết là những ca phẫu thuật chỉnh hình: những nỗ lực để khiến tôi trông, thay vì hoạt động, tử tế hơn. Tôi hỏi Nan những cuộc phẫu thuật phục hồi diện mạo của tôi còn kéo dài đến bao giờ nữa, bà bảo không biết. Tôi hỏi cuối cùng trông tôi sẽ khá hơn đến mức nào, và bà trả lời chuyện đó còn tùy vào mỗi bệnh nhân.
Tôi luôn luôn cảm thấy rằng, dù Marianne Engel có quan tâm đến tôi thế nào đi nữa, những lúc tôi vắng mặt khỏi pháo đài là thời gian cô có thể làm việc mà không bị gián đoạn. Việc tôi đi taxi về nhà sau vài ngày nằm viện và thấy cô kiệt sức nằm dài trên giường, người vẫn bám đầy bụi đất cũng chẳng còn bất thường nữa, và tôi sẽ hé nhìn vào xưởng ở tầng hầm để thấy một con quái vật mới đang gian giảo giương mắt nhìn tôi. Rồi tôi sẽ kiểm tra cái bát nước uống và thức ăn tôi đã để dành cho Bougatsa trước khi rời nhà và chúng luôn luôn sạch trơn; tôi ngờ rằng nó đã nuốt hết tất cả mọi thứ ngay cái giây phút tôi bước chân ra khỏi cửa rồi, nhưng tôi chẳng thể làm được gì hơn. Nói chung thì, những chuyến đi khám bệnh cũng có cái lợi, vì việc cô tạc tượng trong thời gian tôi đi vắng có nghĩa là chúng tôi sẽ có nhiều gian cho nhau hơn khi tôi quay về.
Nhưng vẫn có những lúc cô phải tạc tượng còn tôi thì không vào viện, và tôi đã dần biết tự chăm sóc bản thân - và cô hơn. Dù cô cố ngơi tay để tắm cho tôi, tôi có thể thấy rõ là cô rất khó chịu: cô đục đẽo bức tượng sâu bao nhiêu, cô cọ người tôi mạnh bấy nhiêu. Khi xong việc, cô sẽ lại quay về tầng hầm và tôi sẽ mang thức ăn đến cho cô. “Cô biết đấy, cô sẽ có thể tạc tốt hơn - và nhanh hơn - nếu thỉnh thoảng cô chịu ăn chút gì đó.”
“Không phải chỉ có mỗi chuyện giải thoát gargoyle đâu. Tôi còn phải trui rèn tinh thần của mình nữa.”
“Thế nghĩa là sao?”
“Thế giới trần tục ru ngủ cơ thể bằng đồ ăn và vật chất tiện nghi,” cô nói. “Chúng làm cơ thể thỏa mãn nhưng lại là kẻ thù của tinh thần. Kiêng khem là cái cương giúp tinh thần có cơ hội thắng thế trong cuộc tranh đấu không có điểm dừng với cơ thể.”
Lại một cuộc tranh luận mà logic chỉ là kẻ lạ mặt; vì thế, đó lại là một cuộc tranh luận khác mà tôi chắc chắn sẽ thua. Thế là tôi đổ gạt tàn thuốc lá của cô, rót đầy chai nước, và để lại một đĩa hoa quả bổ sẵn mà tôi biết sẽ vẫn nằm chỏng chơ khi tôi xuống lần tới.
Sự cuồng nhiệt của Marianne Engel luôn luôn tàn dần rồi lụi hẳn vài ngày sau. Cô sẽ xin lỗi cho quãng thời gian không ở bên tôi, nhưng tôi biết là mình cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, một cách thực tâm, vì nhiều nhất mỗi tháng cô thường cũng chỉ có một - hai đợt làm việc như thế này. Nó thanh toán cho đủ mọi thứ, bao gồm cả các hóa đơn của tôi nữa, và tất cả thời gian còn lại của cô là dành cho tôi: bất cứ ai có một người vợ phải làm việc công sở từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều cũng sẽ bảo tôi im cái miệng hay lèo nhèo đi.
Thêm vào đó, mỗi đợt làm việc của cô còn là cơ hội tuyệt vời để tôi gọi cho bạn bè cũ và sắp xếp mua thêm morphine bằng thẻ tín dụng của tôi.
Mọi người trong siêu thị cố không nhìn chúng tôi, nhưng không thể. Marianne Engel vẫy tay chào một bà lão mồm há hốc chạy vội đi như vừa bị bắt quả tang làm điều gì đó thiếu đạo đức lắm, nhưng vẫn không thể không cố ngoái đầu lại tới hai lần.
Về mặt lý trí tôi có thể thông cảm với những biểu hiện thái quá dành cho tôi, nhưng về mặt tình cảm thì tôi lại ghét điều đó vô cùng. Tôi chẳng còn là một kẻ mờ nhạt, vì tôi giờ đã trở nên nổi bật theo đúng nghĩa đen của từ này rồi. Việc mặt tôi bị giấu sau lớp mặt nạ thủy tinh dẻo và những bộ quần áo tạo áp suất chỉ làm tôi, theo một cách nào đó, càng thêm “hấp dẫn” mà thôi. Như trong bất cứ bộ phim kinh dị chất lượng nào, điều bạn phải tưởng tượng luôn luôn đáng sợ hơn những gì bạn thực sự thấy.
Tôi nghe thấy tiếng một bà mẹ ở lối đi số tám bảo con mình đừng nhìn. Cậu bé, năm hay sáu gì đấy, nấp cái thân thể bé nhỏ của mình vào chân mẹ cho an toàn nhưng mắt vẫn không rời khỏi tôi. Người mẹ nói, “Tôi xin lỗi. Nó, ừm, tò mò và, à, rất thân thiện…”
“Chị không nên xin lỗi vì việc đó! Thân thiện mấy cũng không thừa mà!” Marianne Engel cúi xuống để nhìn thẳng vào mắt cậu bé. “Cháu dễ thương quá. Cháu tên gì vậy?”
“Billy.”
“Có phải đó là tên gọi tắt của William không?”
“Vâng.”
“Đó là một cái tên rất hay.” Marianne Engel hất đầu về hướng tôi đứng. “William, cháu có nghĩ bạn cô trông đáng sợ không?”
“Một chút,” Billy thì thầm.
“Chú ấy thực sự không tệ đến thế đâu, một khi cháu làm thân với chú ấy.”
Tôi không biết Marianne Engel đang làm cho ai cảm thấy bất tiện - Billy, mẹ của Billy, hay là tôi - thế là tôi nói rằng chúng tôi cần phải đi tiếp. Tôi đã quên mất ảnh hưởng của giọng nói như cóc kêu của tôi với những người mới nghe lần đầu. Sau khi Billy giật lùi lại phía sau, cậu bé hỏi với giọng pha lẫn tò mò và sợ sệt. “Có chuyện gì với chú vậy ạ?”
Người mẹ mắng cậu bé, giải thích với cậu ta rằng câu hỏi đó không lịch sự một chút nào. Tôi phẩy tay cho qua, nhưng Marianne Engel lại hỏi xem chị ta có tò mò chút nào về chuyện đấy không. Mẹ Billy lúng búng trong miệng trước khi nhả ra hai từ “Ờ, có…”
“Dĩ nhiên là có rồi. Nhìn cậu bé đi! William chỉ hỏi một câu mà tất cả mọi người ở đây đang nghĩ trong đầu mà thôi.” Marianne Engel xoa đầu cậu bé, để nó biết rằng mọi người không hề chỉ trích nó.
“Nó mới đi nhà trẻ thôi,” người mẹ nói.
“Tôi bị bỏng trong một vụ cháy.” Tôi chỉ muốn cuộc nói chuyện kết thúc cho nhanh để chúng tôi đi tiếp, nhưng Billy lại hỏi thêm câu nữa: “Thế có đau không ạ?”
“Có.” Tôi cố kìm nén ham muốn tự nhiên là cảnh báo cậu bé đừng có dại mà nghịch diêm. “Chú đã nằm viện một thời gian dài.”
“Oài,” Billy nói, “chắc chú rất vui khi không phải ở đó nữa.”
Bà mẹ kéo tay con mạnh đến nỗi cậu bé không thể lờ mẹ mình được nữa. “Chúng tôi thực sự phải đi rồi.” Chị ta không hề nhìn lại, nhưng Billy quay lại vẫy tay với chúng tôi trong lúc mẹ nó kéo nó xuống lối đi.
Khi chúng tôi rời siêu thị, Marianne Engel dốc toàn bộ số tiền thừa của cô vào tay những người ăn xin dật dờ gần đó. Suốt dọc đường cô toàn nói về những bức tượng dang dở trong xưởng của mình vì, hiển nhiên rồi, Ba Vị Chủ Nhân của cô gần đây lại mới thông báo rằng cô cần phải hoàn thành chúng.
Tôi đang đi rất bình thường cho tới khi chúng tôi ra được chỗ ô tô, nhưng trong khi lên xe, tôi đã quệt mạnh cả một mảng lớn da bỏng vào cửa hành khách. Cơ thể tôi ngay lập tức phản ứng với sai lầm bằng việc truyền những cơn co giật đau điếng người từ bó dây thần kinh này đến bó dây thần kinh khác, và con rắn cái trong xương sống bắt đầu đớp lấy phần sau xương sọ của tôi như thể nó là một con chuột đồng chỉ chực bị nuốt chửng. MẸ KIẾP! MẸ KIẾP! MẸ KIẾP! Tay tôi bắt đầu run lẩy bẩy vì đói morphine khẩn cấp và tôi khẩn khoản xin Marianne Engel tiêm cho tôi một liều càng nhanh càng tốt. Cô lấy dụng cụ ra khỏi hộp đồ nghề của tôi (tôi không bao giờ rời nhà mà thiếu nó cả) và đâm kim tiêm vào người tôi.
Morphine như một kẻ quá khích đang trên đường thực hiện nhiệm vụ; nó len vào mọi ngóc ngách trong cơ thể để chuyển hóa, mang đến những giấc mơ tẩm sữa-và-mật ong chậm chạp chảy qua mạch máu bạn. Con rắn trở nên lờ đờ trong dòng sữa ngọt và từ từ rơi vào trạng thái bất động, nhưng tôi biết mụ ta sẽ trở lại. Con rắn đó luôn luôn trở lại.
Lần cuối cùng máu tôi sạch trong, không nhiễm trùng là khi nào nhỉ? Hồi tôi ngoài hai mươi chăng, tôi nghĩ thế.
Marianne Engel suốt mấy ngày liền cứ đi đi lại lại trong nhà với cốc cà phê và điếu thuốc lá, xỉ vả bản thân vì đã không thể tẩy trần cái dụng cụ là cơ thể cô và nhận được những sự chỉ dẫn mới. Cuối cùng cô cũng chấp nhận rằng đã đến lúc cô phải hoàn thành những bức tượng dang dở đang chật cứng trong xưởng của mình. “Không thể bỏ mãi được, tôi nghĩ vậy. Những Chủ Nhân đã nói thế.”
Khi tạc những bức tượng này, cô không bị ám bởi những nguồn năng lượng ma quỷ như khi tạc một bức tượng từ đầu. Cô sẽ đi lên cầu thang để giúp tôi tập luyện hoặc đi dạo với Bougatsa. Khi cô tắm cho tôi vào buổi sáng, tôi cũng không cảm thấy mình là kẻ quấy rầy công việc chính của cô. Sự khác biệt, cô giải thích, không đến từ bản thân cô mà là từ những bức tượng kinh dị. Đã bị ngừng tạc một lần rồi, chúng giờ cũng hiểu rằng chúng có nhiều thời gian hơn chúng vẫn tưởng. “Chúng đã hiểu được dù tôi làm gì với chúng, chúng cũng vẫn sẽ là đá thôi. Chúng biết mình không cần phải gào thét với tôi để có được cái mình muốn.”
Vài tuần sau, cô đã hoàn chỉnh được một vài tác phẩm còn dang dở của mình. Đầu con chim, trước đây được đặt chễm chệ trên một đôi vai người mà phần dưới vẫn chưa hề được động chạm đến, giờ đã được cho thêm cái thân người và hai chân sau của con dê. Con quái vật biển cố vùng vẫy khỏi đại dương đá granite đã có phần thân còn lại và những ngọn sóng bạc đầu. Xe tải thi nhau mang chúng đến triển lãm của Jack để bán, vì thuốc lá và quần áo tạo áp suất không thể tự trả tiền cho mình được.
Khá bất ngờ khi sau vài tuần, Marianne Engel đề nghị tôi theo cô vào xưởng, khu vực trong nhà rõ ràng rất riêng tư của cô. Cô đi loanh quanh một lúc, không nói gì cả, không nhìn tôi, cố hết sức để ra vẻ bình thường. Điều này thực sự đối lập với những lúc tôi thấy cô chìm đắm vào công việc. Cô lấy một cái chổi và quét vài cục đá nhỏ vào trong góc nhà, rồi lúng búng, “Tôi mong anh sẽ không tức giận.”
Cô đi tới một khối đá được phủ vải trắng. Tôi đã không để mắt đến nó; giữa đống tượng kỳ cục của cô, giấu một tác phẩm nghệ thuật cho tới khi nó được hoàn thành cũng là việc bình thường. Tôi có thể thấy một vật giống như người ẩn dưới lớp vải, nó làm tôi nghĩ đến hình ảnh một đứa trẻ hóa trang thành ma trong lễ hội Halloween. Khi cô giật mảnh vải che ra, cô nói, “Tôi đang tạc tượng anh.”
Một bức tượng về tôi mới hoàn thành một nửa. Không, không phải một nửa - chính xác hơn, đó chỉ là những đường nét cơ thể tôi mà thôi. Chưa có chi tiết nào được đục đẽo cả, nhưng cũng không thể không mơ hồ nhận ra dáng hình tôi: hai vai khom xuống y như người thật; cột sống cong vẹo hình con rắn, cái đầu nhìn rất chuẩn, trong sự sai khác về tỷ lệ với những phần còn lại của cơ thể. Giống như soi gương vào buổi sáng, trước khi tỉnh táo mở mắt vậy. Tôi lắp bắp nói tôi không hề tức giận khi cô tạc tượng tôi, nhưng cảm thấy khá bối rối. Tại sao?
“Chúa đang truyền đạt ý chỉ của mình qua tôi,” cô nghiêm túc nói, rồi bật cười để tôi biết rằng cô đang đùa. Tôi cũng cười theo, nhưng có vẻ không thuyết phục cho lắm.
“Tôi muốn anh ngồi làm mẫu cho tôi, nhưng hãy nghĩ kỹ trước khi chấp nhận,” cô nói, chỉ vào những gargoyle chưa hoàn thành nằm ngổn ngang quanh mình. “Tôi không muốn anh phải chịu chung số phận với những cái này.”
Tôi gật đầu - để nói rằng tôi sẽ suy nghĩ về chuyện đó, chứ không phải tôi đã đồng ý - và chúng tôi lại đi lên cầu thang. Tôi cố tập trung bước với dáng chuẩn, nhưng khi tôi ngoái nhìn bức tượng đá trong góc nhà, tôi không thể không nghĩ rằng mình thực sự cần phải chỉnh tư thế thật tử tế.
Jack đâm sầm qua cửa chính, lặc lè dưới sức nặng của một thứ um tùm lá, bà ném thẳng nó vào một góc trong phòng khách. “Lần cuối cùng đến đây, tôi thấy mấy người chẳng có cây cối gì cả. Chẳng có cái gì là sinh vật sống ở đây à?” Jack nhìn tôi, rồi nói thêm, “Lạy Chúa, anh trông vẫn chưa khá lên được chút nào à?” Bà hướng ngay sự quan tâm của mình về phía Marianne Engel, vốn đang vui thích nhìn cảnh bà đi vào. “Cô nữa, tôi đã tìm được vài mối lẻ muốn mua các tác phẩm độc đáo rồi. Họ chẳng thật sự thích tác phẩm nào bày ngoài cửa hàng cả, vì thế họ muốn biết liệu cô có đang sáng tác cái gì đó mới không. Tôi nói với họ là cô luôn luôn tạo ra những thứ mới mẻ.”
“Nhà tử tế chứ?” cô hỏi.
“Phải, họ đều là những gia đình tử tế. Tôi luôn luôn tìm những nhà tử tế, và lũ quái vật nhỏ của cô sẽ được chăm sóc rất cẩn thận. Dù chúng chỉ là mấy cục đá vớ vẩn. Cô biết thừa chứ nhỉ, có phải vậy không? Ồ, và đại học Princeton đang có mấy chỗ cần sửa chữa.”
Marianne Engel lắc đầu. “Giờ tôi không có hứng thú đi ngay.”
“Phải rồi. Bận rộn chăm sóc Khoai Tây Chiên quá mà,” Jack nói. “Chúa ơi. Marianne, đó là một khoản lớn và cô đang để nó tuột khỏi tay đấy. Khi nghệ thuật gặp từ thiện, nó đã bị định sẵn là sẽ trở thành thứ không ra gì mà.”
Marianne Engel ôm Jack thật chặt, nói vài lời bào chữa cho tôi, nhưng chủ yếu cô chỉ cười khúc khích trước cơn thịnh nộ của Jack. Điều này chỉ làm Jack thêm tức giận. “Nhớ lúc cô mang Bougatsa về chứ?” bà nói. “Nó cũng chỉ là một kẻ đầu đường xó chợ thôi.”
Trong cái kiếp trước được cho là của chúng tôi ấy, tôi đã tạc tặng Marianne Engel một bức tượng thiên thần - nó hiện vẫn đang ở trên giá sách của cô - trong khi ở kiếp này cô đã tạc tặng tôi một bức tượng quỷ. Sự tương xứng có vẻ khá giống với sự đảo lộn trong công việc của chúng tôi: thời đó, cô là người làm việc với sách vở còn tôi làm việc với đất đá.
Lời nhận xét đó có vẻ khá hàn lâm, tôi nghĩ thế, nhưng phản ứng của tôi về chuyện cô đang tạc tượng mình thì hoàn toàn mang tính bản năng. Được một nghệ sĩ tạc tượng quả rất đáng phổng mũi, dĩ nhiên, nhưng nó cũng làm tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng hình dáng xấu xí của mình sẽ mãi mãi bị lưu lại. Lần đầu tiên, tôi hiểu được cảm giác sợ hãi của người man di, rằng những chiếc máy quay sẽ giam cầm cả linh hồn lẫn hình ảnh họ.
“Làm thế nào vậy?” tôi hỏi. “Tôi sẽ phải làm gì?”
“Anh sẽ không phải làm gì cả,” cô trả lời. “Anh sẽ chỉ phải ngồi ở đó thôi.”
Câu trả lời làm tôi nhớ tới cuộc nói chuyện giữa chúng tôi sau khi cô bắt tôi xin lỗi Sayuri, khi cô nói tôi sẽ “không phải làm gì” để chứng tỏ tình yêu của mình với cô. Tôi không hiểu cô muốn nói gì, nhưng nếu đây là những gì cô muốn nói, làm sao tôi có thể từ chối cô được? “Được thôi, tôi sẽ làm.”
“Tạc tượng từ chính cuộc sống để đổi gió cũng hay lắm,” cô nói. “Cuối cùng tôi cũng có thể đưa những đường nét vào trong đá, thay vì kéo nó ra.”
Cô bắt đầu cởi quần áo ra và tôi hỏi cô đang làm gì. Cô vẫn luôn tạc tượng trong bộ dạng này, cô nói, và cô cũng không có ý định thay đổi thói quen đó lúc này; tôi có khó chịu với việc đó không? Tôi bảo không khó chịu gì hết, nhưng tôi thực sự cũng không chắc lắm. Có gì đó trong cảnh cô ở trần đã tác động đến tôi, diễn viên phim cấp ba kiêm kẻ quyến rũ phụ nữ khét tiếng đã giải nghệ, theo một cách chính tôi cũng không thể lý giải nổi. Có gì đó rất nguyên thủy và quyến rũ trong cái vẻ trần trụi của cô…
Nhưng tôi không thể bắt cô phải làm gì trong nhà cô được. Ngay khi trút bỏ quần áo, cô tháo bộ đồ tạo áp suất ra khỏi người tôi và lướt ngón tay lên những nếp gấp trên khuôn mặt đầy vết bỏng của tôi, như thể những ngón tay của cô đang cố ghi nhớ một con đường. “Tôi yêu màu đỏ của những vết sẹo của anh. Anh có biết rằng hồi xưa những gargoyle thường được sơn màu sắc rực rỡ để làm nổi bật những đường nét của chúng không?”
Cô đi về phía một bức tượng và lướt ngón tay lên đó, đúng cái cách cô đã làm với tôi mấy phút trước. Nhìn những ngón tay cô chuyển động, tôi hình dung ra cảnh một dòng sông dịu dàng chảy qua một tảng đá trong hàng ngàn năm. Cô chỉ vào những nét chạm khắc sâu hoắm dưới mắt một con quái vật của cô. “Anh thấy cách những đường nét này được khắc để làm nổi bóng, để tạo chiều sâu chứ? Cho dù có ngước nhìn lên những gargoyle này, người dân bình thường cũng chẳng thể thấy được các chi tiết này đâu.”
“Thế sao còn làm?”
“Chúng tôi làm để Chúa thưởng thức.”
Bị đem ra làm mẫu tạc tượng khiến tôi cảm thấy mình còn trần trụi hơn cả việc đóng bất cứ bộ phim khiêu dâm nào, và tôi chỉ có thể chịu nổi lần ngồi mẫu đầu tiên vì độ ngắn của nó. Tôi chỉ có thể bỏ bộ quần áo tạo áp suất của mình ra khoảng mười lăm phút một lúc, một giới hạn mà Marianne Engel luôn tôn trọng. Việc tiến triển nhanh chậm cũng chẳng quan trọng gì; tôi tin chúng tôi sẽ phải mất hàng năm để hoàn thành bức tượng này.
Cuối mỗi đợt chạm khắc cô sẽ khoe thành quả của cô và chúng tôi sẽ nói về bất cứ những gì mình nghĩ. Một dịp nọ, cô nói bâng quơ trong khi dụi một mẩu thuốc lá, “Đừng quên là chúng ta còn một bữa tiệc Halloween sắp đến đấy nhé.”
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về vụ này, tôi nói.
“Không phải thế,” cô phản bác. “Năm ngoái ở khoa bỏng tôi đã hứa là chúng ta sẽ tham dự mà, nhớ chứ?”
“Chuyện đó xưa lắm rồi.”
“Một năm không phải là dài, nhưng tôi s!!!13648_2.htm!!! Đã xem 54583 lần.