au ngày Quốc Gia tiếp thu, cha làm giấy ”Đã Đến Hầu ” thay thế cho giấy khai sinh của Hoàng như sau: Họ và Tên: Trần Hoàng. Nam hay Nữ: Nam. Tên Cha: Trần Kh. Tên Mẹ: Nguyễn Thị Kh. Nơi sinh: Quảng Nam. Đó coi như là lý lịch sơ khởi cho anh bước vào đời. Anh không xác nhận được trí nhớ anh bắt đầu ghi lại ở tuổi nào, có thể sớm hơn ngày Quốc gia tiếp thu, hình như từ ngày anh còn nhỏ lắm, lúc còn ở truồng dổng dổng chạy chơi trong nhà, ngoài vườn hay đến mấy nhà hàng xóm. Con nít quê anh từ một tuổi đến mười tuổi ở truồng là chuyện thường tình, đến cả người lớn như cha anh, các chú các bác làng trên xóm dưới đi tắm lá cứ ra giếng cởi áo quần ra, múc nước xối ào ào, còn kỳ cọ lâu lắc, dù có các bà các cô đang làm việc giặt giủ gần đó, cũng tỉnh bơ chứ có sao đâu, đó là một thói quen từ xưa để lại. Hình như từ ngày anh bắt đầu đi học vở lòng me mới cho anh bận quần áo đàng hoàng, nhưng đi học xong về anh lại cởi quần áo ra, đánh đáo, u mọi, bịt mắt bắt dê, con nít như anh đứa nào cũng ở truồng dổng dổng như nhau vậy, có gì đâu mà mắc cở, thẹn thùng. Cha mẹ vẫn gọi anh là thằng cu em, cu em có nghĩa là em cu anh, ”cu anh” là anh Giảng. Lúc còn nhỏ lắm, anh nhớ được người cha hay mặc bộ đồ bà ba trắng, tay xách cặp táp, đầu đội mủ phớt, hay đi về nhà bất thường, sao hồi nhỏ anh ít để ý đến cha quá vậy, cha đi nửa tháng hay một tháng mới trở về với vẻ bí mật, nhưng đến ngày Quốc gia tiếp thu là anh được ở gần cha, cha không đi nữa. Sau nầy cha kể lại, cha đi theo kháng chiến, nhưng rồi cha nhận ra rằng kháng chiến là Việt Minh, Việt Minh là Cộng Sản, là không tốt, nên cha trở về làm việc cho Quốc Gia, cha đã tham gia Hội Đồng hương chính xã Kỳ Thuỷ và lập trường Tiểu Học đầu tiên cho xã. Đó là những ngày thơ ấu của anh lớn dần lên với nơi thôn dã ấy suốt quãng đời niên thiếu, một quảng đời vui buồn lẫn lộn nhưng chắc chắn đã làm hành trang sâu nặng cho anh sau nầy. Me kể: ”Mẹ là cô hai Phục, Nguyễn Thị Phục, người thôn An Thành, cách nhà cha chừng ba cây số. Mẹ là cô thôn nữ quê mùa, ông ngoại có một thời làm lý trưởng nhưng thời đó đã qua đi rất xa. Ngôi nhà ngói đỏ ba gian hai chái giữa khu vườn rộng trồng sum suê nào ổi, nào lê, nào hoa bông giấy, bông bụp, khiến căn nhà trở nên sang trọng và nên thơ. Gái nhà quê cô nào chẳng phải làm việc đồng áng, cô hai Phục biết chăn bò, hốt phân, cắt lá, làm cỏ ruộng, cấy gặt, đủ cả từ ngày tấm bé, mẹ chưa được ôm tập vợ đi học như con trẻ bây giờ, nên mẹ thèm chữ lắm, mà hồi đó trường lớp đâu có, nên mẹ chỉ được học sau nầy (để mẹ viết được bức thư gởi anh trong trại cải tạo, nét chữ như cua bò, như gà quào, anh nhận được bức thư của mẹ đầu tiên trong tù và anh khóc ngất) Mười sáu tuổi cô hai Phục vẫn còn để tóc ”bum bê” tóc bum bê là tóc của con nít, còn thiếu nữ thì đã biết ”kẹp đầu phồng” rồi, kẹp đầu phồng là đã ảnh hưởng văn minh thành thị, người nhà quê không thích nên có câu vè ”Tóc bum bê chê chồng, kẹp đầu phồng chồng chê”. Đời mẹ không có giai đọan giai đoạn được ”kẹp đầu phồng”. Mười sáu tuổi, một buổi trưa nắng chói chan, mẹ mới cho bò đi ăn về còn đang nóng rang người thì thằng Lê, đứa em trai, lẩm chẩm đi đến bên mẹ, nói tiếng được tiếng mất,”Chị hai hái ổi cho em” dù đang mệt nhưng nghe đứa em nói thế, mẹ liền te te chay ra cây ổi và vịn theo cành leo lên, ổi mùa nầy trái ra nhiều quá, ổi xiêm trái nhỏ, hột nhiều nhưng ăn ngọt và thơm, mẹ hái thật nhiều không có chỗ đựng nên mẹ cởi áo ngoài ra và bỏ tất cả ổi hái được vào áo rồi túm lại, mẹ nhãy xuống đất đánh phịch và ôm gói ổi chạy vào nhà. Ông ngoại đang tiếp khách ở nhà trên mà mẹ về không để ý, đến khi ông ngoại từ nhà trên kêu vọng xuống ”Con hai đâu, rót cho cha bình nước chè” mẹ dạ một tiếng to rồi chạy u xuống bếp lo thổi lửa đun nước. Mẹ bưng bình nước lên đến nhà ngang thì mẹ đứng lại, hai người khách nào lạ hoắc mà mẹ chưa thấy bao giờ, một già một trẻ, người già bận áo dài đen, đội khăn đóng, còn người trẻ trông còn thiếu niên, bận bộ bà ba trắng, mặt trông ngơ ngác, tự nhiên một nỗi e thẹn đến với mẹ bất chợt, mẹ dừng lại luống cuống áp tai vào sát cửa để nghe ông ngoại nói chuyện. Ông ngoại và khách nói chuyện thật là tương đắc, có lúc mỗi câu nói có chêm vào một câu chữ nho mẹ nghe mà không hiểu nổi, hình như mẹ đã đứng lâu quá hay sao mà ông ngoại phải dục, ”con hai đâu, sao nấu nước lâu quá vậy con”. Lúc đó mẹ mới lên tiếng ”Dạ có đây”. Mẹ bưng ấm nước lên mà tay run quá, tim mẹ đập thình thịch, mẹ cúi đầu chào người khách mà không giám ngó mặt người con trai, xong mẹ vội vàng bước xuống nhà dưới mà chân bước như muốn khuyụ xuống, tiếng ông ngoại trên nhà vẫn oang oang” Con gái đầu tui đó, năm nay mười sáu tuổi, tuổi dậu”. Sau khi tiển người khách ra về, trong bửa cơm trưa, ông ngoại nói với bà ngoại, ”Hồi nãy có ông Dịp ở xóm An Phú tới chơi, dẫn theo thằng con trai, có ý coi mắt con hai nhà mình đó”. Mẹ ngồi nghe mà tự nhiên máu dồn lên mặt khiến mặt mẹ đỏ au, may mà trời nắng gắt mặt ai cũng hừng hừng nên không ai chú ý đến mẹ, con út Kim nói ”Chị hai sắp lấy chồng rồi hở chị hai” mẹ mắc cở quá phát vào đít nó một phát đau điếng, ”mi nói bậy tau đánh tét đít bây giờ ” nhưng lòng mẹ thì nghe sao ”dị òm rứa thê”. Tháng sau có người mai mối đến để dò ý ông ngoại, ông ngoại lại đem việc nầy ra bàn với bà ngoại, cuối cùng thì ông bà ngoại bằng lòng vì nghĩ rằng ”thằng Khái con ông Dịp là một học sinh xuất sắc ở xã nầy, nó đã đậu được bằng sơ học yếu lược”, ông bà chỉ báo cho mẹ hay thôi chứ không cho mẹ có ý kiến gì, mẹ không buồn vì cứ nghĩ ” áo mặc sao qua khỏi đầu”. Mẹ là một người đàn bà chân quê, hiền như cục đất, đúng năm mẹ mười sáu tuổi bước qua mười bảy tuổi, mẹ còn bận quần xà lỏn trèo hái ổi ở vườn nhà ông ngoại, là mẹ đi lấy chồng, bỏ lại đàn bò ngơ ngác không ai rút rơm cho ăn mỗi chiều, bỏ lại đàn gà mổi sáng mẹ chiu chiu mấy tiếng thì chúng đang kiếm ăn ở đâu cũng chaỵ về, bỏ lại đàn heo mới lớn lên kêu inh oỉ ở chuồng vì bị đói, bỏ lại những bờ ruộng ven cánh đồng đập Trà Thai, bỏ lại đàn em ba đứa còn leo nheo lóc nhóc, bỏ lại ông bà ngoại già để về với cha, đúng như câu hát ”yêu em từ thuở mẹ về là về với cha”. Đám cưới cha mẹ đi bộ từ nhà nội sang nhà ngoại rồi từ nhà ngoại rước dâu về nhà nội, trên con đường làng ướt sương, cha bận áo dài trắng, bịt khăn đóng đen, mang dép, cha còn là học trò mà nhà thì đơn chiếc, cha là con một, nên ông nội biểu cha phải cưới vợ để nội mau có cháu mà bồng, cha vâng lời, bên đàng trai mặc toàn áo dài khăn đóng, đi dù đen, đường từ nhà nội sang đến nhà ngoại phải qua khu Đồng Cát, rồi qua gò Ông Đốc, qua xóm An Thành rồi đi dọc theo con đường bờ ruộng ngoằn ngoèo mới đến nhà ngoại, làm lễ gia tiên ở tự đường họ Nguyễn, rồi cha rước mẹ về. Cô dâu 16 tuổi sống ở nhà quê có biết gì chuyện vợ chồng, nên đêm tân hôn sợ quá khóc với bà nội và xin qua nhà bà cô ruột ở gần đó ngủ qua đêm, cha cũng còn quá trẻ và hiền lành nên coi chuyện đó không có gì quan trọng, có lẽ từ cái đêm tân hôn của sự lo sợ đó nên mãi mười ba năm sau, cha mẹ mới có đứa con gái đầu lòng là chị hai Khiêm (vì vậy mẹ được gọi theo tên con là bà Khiêm và sau nầy làm căn cước cứ tên Khiêm mà ghi ) Mẹ kể: ”Cha mẹ lấy nhau hơn mười năm rồi mà không có con, ai cũng bảo là chắc cha mẹ không có con với nhau được, ông bà nội muốn cưới vợ nhỏ cho cha mà cha phản đối, cha nói: ”Con cái là cái số, lúc nào có là có thôi chứ muốn cũng không được” nhưng mẹ thì buồn lắm, mẹ muốn ông bà nội vui kể cả cha nữa vì mẹ thương cha nên mẹ muốn hy sinh hạnh phúc riêng mình, ban đêm mẹ ngỏ ý với cha chuyện muốn cưới vợ nhỏ cho cha, cha cự lại, cha không muốn, cha nói nhiều lắm và lời cuối là ”qua thương em” nên mẹ phải im. Cha kể: ”Có một thời gian cha đi dạy học ở ”trên nguồn”, nguồn là miền núi như những vùng Tiên Phước, Trà My, cha đã học chữ nho với ông nội và học quốc ngữ và chữ Tây nữa nên cha đi làm thầy dạy học, thuở đó những vùng nầy chưa có trường học, nhất là các xã vùng núi nên các nhà giàu muốn cho con mình được ”mớ chữ” để mở mắt với đời thì thường phải rước những ông thầy từ vùng đồng bằng lên ở tại nhà, để dạy học cho con mình, cha được mời đi dạy như thế những mấy năm, ở luôn lại nhà gia chủ, gia chủ phải đài thọ cơm nước, rượu trà, chứ không có lương, thường thì một số đông gia đình có con chung lại lo cho thầy, chung lại để nuôi thầy, đến những dịp mùng năm ngày tết cha mới về thăm nhà, những dịp nầy cha được các gia chủ ”tết” rất nhiều, thường thì các thổ sản như gạo, nếp, quế, mật ong, chè và thêm một số tiền, những của được ”tết” nầy cha coi như là tiền lương đem về cho mẹ. Có một lần, có cô con gái một ông địa chủ ở trong vùng biết cha có vợ rồi không có con nên vẫn ưng, mẹ nghe tin muốn đi nói làm vợ nhỏ cho cha nhưng cha từ chối, sau lần đó cha không dạy học nữa, về ở luôn với me vài năm sau thì mẹ có mang chị hai. Cái nghiệp của cha là làm hội đồng xã, khi quốc gia mới tiếp thu cha ở trong các thân hào nhân sĩ trong xã, cha được bầu vào ban hội đồng và cái nghiệp hội đồng xã đeo đẳng theo cha suốt mấy chục năm trời, đến ngày cha mất cha vẫn còn chân trong ban Hội Đồng. Hồi nhỏ, buổi tối ngủ anh thường ngủ chung với cha và anh Giảng ở trên bộ ván ngựa gỗ mít kê giữa nhà, cha thường xoa lưng anh và nói nựng: ”Chó con của cha, thằng cu em đâu rồi, hôm nay cu em học bài được mấy điểm?” rồi cha dạy cho anh thuộc lòng bài trong sách Tam Tự kinh: Gia là Nhà, Quốc là Nước, tiền là trước, hậu là sau… Anh miên man nghe cha đọc và đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Mẹ là người đàn bà xuất giá tòng phu, lấy chồng, theo chồng và coi nhà chồng như gia đình mình và cái ”giang san nhà chồng” đó trong suốt sáu mươi sáu năm mẹ đã gánh vác hết cho cha, từ việc mồ mả, cúng tế ông bà tổ tiên, đến việc đối xử phải không trong họ hàng đều một tay mẹ quán xuyến, hồi cha làm hội đồng, nhà vẫn thường xuyên có khách, khách xã, khách quận hay khách trung ương, mẹ biết vậy nên mẹ thường đặt mua mắm và cá khô của ”nậu biển” đem lên bán, thường thì cá khô hố, cá khô cơm…cứ mỗi lần cha dẫn khách về thì mẹ chỉ nháy mắt hỏi cha mấy người, khoảng độ một tìếng đồng hồ sau là có ngay một mâm cơm đãi khách tươm tất, suốt đời anh chưa hề thấy mẹ phiền hà cha một lần nào. oOo Chỉ có Me và chị hai đi thăm anh trong trại cải tao Xuân Phước, lúc đó mẹ đã 75 tuổi rồi, trong trại anh vẫn thao thức nhớ me khôn cùng, anh nhớ mẹ hằng đêm và lo sức khoẻ cho mẹ hằng đêm, anh sợ mẹ ở ngoài chết quá mà anh không có ở nhà, nhưng may mẹ vẫn khoẻ mạnh dù có già hơn và ốm hơn. Anh biết dưới chế độ CS thì anh là kẻ ở ”tù trong” còn mẹ thì ở ”tù ngoài” thôi, anh với mẹ cùng đói khát cả nhưng mẹ đã nhường miếng cơm củ khoai cho anh, quà mẹ đem cho anh toàn là thổ san như khoai chà, khoai chín, cám rang, bánh dầu (bánh dầu là bánh đậu phụng đã ép lấy dầu ra, thường được dùng để làm phân bón hoa màu mà lúc đói quá ăn cũng ngon). Mẹ lọm khọm ngồi ở bên kia bàn khu tiếp tân, anh bước ra khu thăm nuôi nhìn thấy mẹ là nước mắt anh chảy ra, kể cả chị hai nữa, mẹ và chi hai đều ốm nhom như con cá hố, cả hai nhìn anh cùng khóc, nhưng khi người cán bộ lên lớp, ”Đừng có khóc lóc gì cả, Cách mạng khoan hồng cho gia đình đến thăm là nhân đạo quá rồi, anh hãy đứng lên được khoan hồng về đoàn tụ với gia đình đi” Anh phải nuốt nước mắt cho chạy ngược vào trong để đứng lên lí nhí nói mấy lời. Ba mươi phút sau, hết giờ thăm nuôi mẹ cùng chị hai ra về, lúc chia tay mẹ khóc thật tình nhưng anh không khóc được, anh vác bao quà trên vai lửng thửng đi vào trong trại, lúc đó nước mắt anh mới lại trào ra. Anh hứa với lòng: ”Ngày ra tù sẽ về sống với mẹ để lo cho mẹ được chút nào hay chút đó, sống với mẹ và phụng dưỡng mẹ” nhưng khi cầm giấy ra trại trong tay, đứng trên ga La Hai một buỗi tối tháng năm, anh trở nên do dự, anh không biết nên đi vào trong Nam với vợ con hay đi trở ra Trung về với mẹ, anh nghĩ đến Nana, Tiểu Muội, Ô Mai, những đứa con gái của anh thất lạc nơi nào trong suốt gần bảy năm anh đi tù không biết tin tức, mấy đứa con anh con nhỏ dại quá và Kim thì yếu đuối không biết nuôi nổi các con không? Dù đã bốn năm Kim không liên lạc với anh làm anh nhớ Kim và mấy đứa con quá, trong trại suốt mấy năm anh nằm mơ thấy các con đang leo nheo lóc nhóc ở nhà, nhớ mùi nước tiểu của con, mùi mồ hôi, tiếng khóc, nụ cười, miếng ăn giấc ngủ của con, bây giờ ra sao? Cuối cùng anh nhãy lên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam. Anh chun vào môt chỗ kín nhất nằm xuống như một người bất chánh, anh không đủ tiền để mua vé nên phải lén lút như một con chó hoang, ẩn núp trong bóng tối để những kiểm soát viên trên tàu không thấy, để khỏi bị đuổi xuống ở một ga nào đó. Anh không trở về với Mẹ, Mẹ tha lổi cho con. Nghe Mẹ. Anh xách về cái bao cát gần rách, cái bao cát của những hầm hố Mỹ còn sót lại, những cái bao cát đó đã giúp đỡ biết bao nhiêu người cải tạo trong lúc cùng khốn, dùng bao cát để làm vải để may áo quần bận thay thế những quần áo mang theo bị rách bươm, làm túi xách để mang ra ngoài nơi lao động, kiếm được củ khoai, mớ rau thì bỏ vào đó mang về, nay anh bỏ trong bao cát hai bộ áo quần tù cải tạo, một bộ đã rách hàng trăm lỗ, anh nghĩ anh sẽ giử gìn bộ đồ rách đó suốt đời, để nó nhắc nhở anh anh rằng có một thời gian anh đã cùng khổ như vậy, nhưng anh không giữ nó được, anh về bỏ hai bộ đồ tù trong rương, Kim đã lấy quăng đâu mất, Kim nói giọng hằn học, ”Vứt đi chứ để dơ nhà”. Anh cứ nghĩ gặp lại Kim trong ngày trở về thật là hạnh phúc, anh vẫn mộng tưởng cuộc tình anh như những cuộc tình lãng mạn nhất, Kim nghe tin anh về sẽ vứt bỏ tất cả hàng hoá đang bán ngoài chợ, sẽ bương chạy về nhà dù trời tháng năm có những cơn mưa dông tầm tả, nàng sẽ phóng vào nhà và ôm chầm lấy anh và khóc, bảy năm, ơi bảy năm xa cách của vợ chồng, anh vào sĩ quan Đà lạt hai năm, ra trường đánh giặc năm năm là đến ngày tan hàng, anh đi tù cũng đúng bảy năm, bảy năm với mấy ngàn đêm em nằm ngủ một mình, nằm ngủ một mình lạnh lẽo quá chừng phải không em? bây giờ anh về ta sẽ hôn nhau ngấu nghiến, sẽ cắn nát nhau cho thịt xương máu huyết tan hòa trong nhau, sẽ bấu chặc lấy nhau không cách rời nhau nữa, nghe em, nghe em. Nhưng Kim không chạy về hấp tấp, mà đến tối khi dọn hàng xong nàng mới về, đôi mắt nhìn sao lạ hoắc, đôi mắt lạnh, đôi mắt ngày xưa em đâu có thế, đôi mắt ngày xưa em ướt rượt nhìn anh đắm đuối, đôi mắt níu đời anh dừng lại với em, dừng lại, anh đã dừng lại rồi, bây giờ qua chuyến thăng trầm sao em lại lơ đi. Buổi tối, khi các con bắt đầu đi ngủ, anh mới thấy lạng quạng trong sự ứng xử, anh sẽ ngủ ở đâu? nhưng Kim đã giải quyết cho anh khỏi lúng túng, Kim nói: - ”Anh ngủ trên divan nghe, anh phải tắm rửa tẩy trần một thời gian, mấy người đi cải tạo về mang về rất nhiều bệnh tật và dơ nhớp lắm.” Anh nghe lặng người đi, Kim bồi thêm: - ”Anh về thật gây nhiều khó xử cho tôi, có anh, những người đàn ông tôi quen sẽ không giúp đỡ tôi nữa.” Tối đó, tối đầu tiên của ngày trở về từ trại tập trung anh không ngủ được. Trần Yên