CHƯƠNG 1-3
Đứa trẻ bị bắt cóc

    
âu chuyện thật hết sức kỳ quặc,khó hiểu – Trung úy Đơ Ácnốt vừa nói vừa khẽ lắc đầu: - Tôi biết chắc chắn là cả cảnh sát lẫn cục tình báo Trung ương cũng không biết chuyện đó xảy ra như thế nào. Tất cả mọi người chỉ biết một điều đơn giản là: Nicôlai Rôcốp đột nhiên biến mất!
Tácdăng – một người có thời là con trai của bầy vượn, bây giờ lại mang tên Giôn Clâytơn, huân tước Grâyxtâu- ngồi nghe viên trung úy nói, nhưng chỉ cúi đầu,im lặng. Trong căn phòng của Pôn đơ Ácnốt – bạn mình, Tácdăng buồn bã nhìn mũi giầy dưới chân. Đầu chàng như nóng ran lên vì những ý nghĩ về kẻ thù nguy hiểm nhất của đời mình. Rôcốp đã bị xử tù chung thân. Tại sao hắn có thể thoát khỏi nhà tù, mà lại là nhà tù của quân đội Pháp? Khi đã thoát cũi sổ lồng rồi, con rắn độc nguy hiểm đó có từ bỏ ý định sát hại chàng không?
Potơrôva đã sinh cho chàng một đứa con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Chàng đã đưa ngay vợ con về Luân đôn để tránh mùa mưa dai dẳng và không khó ẩm ước của vùng rừng Udiri – quê hương của những chiến binh da đen tình nghĩa. Từ Luân đôn, chàng trở lại châu Phi, rồi lại xuyên qua đảo Kanat, sang Pháp để thăm ông anh Ácnốt, biết tin Rôcốp trốn khỏi nhà tù, lòng chàng nóng như lửa đốt. Chàng tính ngay tới chuyện trở về nước Anh.
-Tôi không lo cho tính mạng của mình đâu, Pôn ạ!- Cuối cùng Tácdăng cũng lên tiếng – Hắn đã mưu tính giết tôi chẳng biết bao nhiêu lần, nhưng đều thất bại. Diều mà tôi lo sợ là hắn không hề chùn tay trước tính mạng của vợ con tôi. Tôi hiểu rõ lòng dạ hắn. Tôi phải trở về với Gian, với con trai tôi và ở đó cho tới khi nào Rôcốp lại ngồi sau song sắt thì mới yên lòng.
Trong khi Tácdăng và Ácnốt đang tâm sự bên nhau thì ở ngoại ô Luân đôn, trong một ngôi nhà tăm tối, có hai gã đàn ông cũng đang thầm thì to nhỏ với nhau. Bộ dạng của hai gã chẳng có gì đáng tin. Gã thứ nhất thân hình cao lớn. Gã thứ hai thì mặt mũi nhợt nhạt, có vẽ cớm nắng râu ria lởm chởm như vừa chui ra khỏi cũi.
- Cả mày cũng phải cạo râu đi, Alecxây ạ! – Gã thứ hai vừa xoa râu vừa nói gã thứ nhất – Nếu như mày để râu người ta nhận ra mày ngay. Bây giờ chúng ta phải chia tay nhau. Chúng ta sẽ gặp nhau một giờ sau trên khoang tàu Kinxây. Hy vọng là chúng ta sẽ có hai vị khách quý cùng lên tàu. Tao cảm thấy bây giờ là thời điểm tốt nhất cho chúng ta lên đường đón khách.
- Tao muốn sau hai tiếng đồng hồ nữa sẽ đón được một “vị khách” lên đường đi Đôvơ. Còn nếu mày nghe lời tao thì khoảng đêm mai mày cũng có thể lên đường cùng với “vị khách” thứ hai. Tất nhiên điều ấy chỉ xảy ra một khi vị khác đó quay về Luân đôn đúng như tao dự đoán.
- Chúng ta sẽ được đền đáp, chẳng uổng sức đâu Alếcxây ạ! Cũng nhờ Chúa mà cái bọn Pháp ngốc nghếch ấy không lần ra được dấu vết của tao. Chính vì thế mà chúng ta đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu này. Nhưng cũng phải hết sức thận trọng khỏi hỏng hết việc. Thôi đến giờ rồi. Tạm biệt! Chúc may mắn!
Ba tiếng sau, có một nhân viên bưu điện hấp tấp bước tới nhà trung úy Ácnốt.
- Huân tước Grâyxâu có điện! – Nhân viên bưu điện mở túi da bên hông vừa nói với người hầu phòng – Mời ông nhận cho.
Người hầu phòng gật đầu, ký vào sổ nhận điện rồi đem bức thư tới cho Tácdăng, đúng lúc chàng đang chuẩn bị lên đường. Tácdăng vội mở phong bì. Những con chữ trên bức điện làm mặt chàng tái đi.
- Đọc hộ tôi đi, Pôn! Không biết tôi còn đọc nhầm không – Tácdăng nói và đưa bức điện cho Ácnốt – Điều ấy đã xảy ra rồi!
Chàng trung úy nước Pháp cầm mẩu giấy, đọc lẩm bẩm:
“Giếch đã bị bắt cóc vì một người hầu mới đã phản bội tiếp tay. Anh về nhà ngay! (Gian)”
Về tới Luân đôn Tácdăng đã thấy có một chiếc ô tô chờ minh ngay ở cửa ga. Chàng phóng xe, bất chấp đèn đỏ lẫn hiệu lệnh của cảnh sát. Tới biệt thự, chàng lao lên cầu thang. Bên cánh cửa, Gian Potơrôva đứng đón chàng với vẻ mặt tuyệt vọng. Cố gắng lắm cô mới kể được cho chồng nghe chuyện đứa con trai yêu dấu của mình bị bắt cóc. Câu chuyện hãi hùng đó xảy ra quá nhanh: Lúc đó người vú nuôi đẩy xe nôi ra khu vườn trước nhà cho Giếch được dạo chơi. Có một chiếc xe tắc xi xuất hiện ở góc phố. Chiếc xe tới đỗ gần hành lang biệt thự. Người vú nuôi không hề để ý nên chỉ nghĩ rằng có thể người lái tắc xi đang chờ khách. Ngay lúc ấy, một người hầu mới vào làm việc trong biệt thự của Grâyxtâu chạy ra nói rằng bà chủ muốn nói chuyện gì đó với vú em. Hãy để cậu Giếch trong xe nôi cho hắn trông hộ rồi vào nghe bà chủ sai bảo. Người vú nuôi nhìn Kalân( tên người hầu mới) mà chẳng hề nghi ngờ gì cả. Bà còn nhắc Kalân đừng đẩy xe ra nắng, kẻo cậu chủ chói mắt. Tới cửa, bà giật mình quay lại nhìn. Bà không hiểu vì sao gã hầu tai quái ấy cứ cắm cổ đẩy xe nôi ra thẳng chỗ chiếc tắc xi. Cùng lúc ấy, cánh cửa tắc xi bật mở. Trong xe xuất hiện gương mặt một người đàn ông trông không có vẻ tử tế cho lắm. Linh cảm thấy có chuyện chẳng làng,người vú nuôi chạy tới nơi thì Kalân cũng nhảy vào trong xe, dập của. Người đàn ông trong xe khởi động máy. Chiếc tắc xi chạy giật lùi một tí rồi nhảy chồm lên phía trước. Người vú nuôi hối hả chạy theo, thọc tay qua lỗ cửa xe, cố túm lấy chân đứa trẻ. Những người trong biệt thự chạy bổ ra đường. Họ trông thấy Kalân đang đấm vào mặt người vú nuôi và hất bà ngã ra lòng đường. Tiếng thét của bà vang động tới tai láng giềng và tất cả mọi người trong biệt thự, kể cả bà chủ. Nhưng tới khi Gian Potơrôva chạy ra, cô chỉ còn biết chứng kiến hành động dũng cảm nhưng tuyệt vọng của người vú nuôi. Cô vùng chạy đuổi theo chiếc xe tắc xi một các vô nghĩa. Mọi sự đã quá muộn!
Cho đến lúc này, khi ngồi bên Tácdăng, Potơrôva vẫn không biết người lái xe tắc xi đó là ai. Chỉ tới lúc Tácdăng thông báo cho cô biết rằng Rôcốp đã trốn tù, cô mới vỡ lẽ mọi chuyện.
Hai vợ chồng trẻ đang bàn tính chuyện tìm kiếm đứa trẻ thì trong phòng thư viện gia đình có tiếng chuông điện thoại. Tácdăng chạy vào, nhanh tay nhấc ống nghe.
- Huân tước Grâyxtâu đấy phải không? – Một giọng đàn ông vang lên trong tai nghe.
- Vâng đúng tôi! – Tácdăng hấp tấp trả lời.
- Con trai ngài đã bị bắt cóc – Giọng đàn ông lạ trong ống nghe tiếp tục vang lên – Tôi có thể giúp ngài tìm thấy. Bởi vì tôi biết rõ những ai bắt nó. Tôi sẽ giúp ngài, nhưng chỉ với một điều kiện: Ngài không được tố cao tôi vì tội đồng lõa với chúng. Ngài nghĩ sao?
- Hãy đưa tôi đến chỗ con trai tôi – Tácdăng trả lời – Còn về phần ngài ngài đừng sợ gì cả.
- Được rồi- Người đàn ông đồng ý – Nhưng ngài phải đi một mình. Tôi cũng chỉ còn biết nhắm mắt mà tin vào ngài. Nhưng tôi không muốn ngai và một người nào khác biết tôi là ai
- Tôi có thể gặp ông ở đâu, vào lúc nào?- Tácdăng thúc dục.
Người đàn ông bên kia đầu dây có vẻ lưỡng lự rồi thì thào nói ra họ tên mình cùng địa chỉ của ngội nhà ở khu chung cư bên bờ sông Đôvơ. Khu đó lâu nay vẫn được coi là vương quốc của những người thủy thủ.
- Ngài hãy đến gặp tôi! – Người đàn ông bí ẩn tiếp tục nói – khoảng lúc 10h đêm. Đừng đến sớm, vô ích. Hiện tại con trai ngài vẫn khỏe mạnh, an toàn. Tôi biết rõ ngài nên tôi sẽ theo dõi ngài từng bước đấy. Nếu như có một người nào đấy họ tống ngài hoặc nếu tôi trông thấy đi gần ngài là một người nào đó có vẻ như một cảnh sát, một thám tử tư, tôi sẽ không ra gặp ngài. Mà như vậy thì hy vọng cuối cùng về chuyện tìm con của ngài cũng mất.
Tácdăng kể lại cho vợ mình nghe nội dung cuộc đối thoại. Gian Potơrôva đòi Tácdăng đưa mình theo để cùng tìm con nhưng Tácdăng kiên quyết từ chối. Nếu chàng không đi một mình, người đàn ông bí ẩn đó sẽ không lộ diện. Một lúc sau vợ chồng chàng chia tay nhau. Chàng sửa soạn lên đường đi Đôvơ. Gian Potơrôva về phòng ngồi bên điện thoại chờ tin tức. Hai người quay lưng đi hai hướng. Thật tội nghiệp cho đôi vợ chồng trẻ! Họ sẽ còn gặp bao nhiêu chuyện dữ.
Tác dăng vừa đi khỏi, Potơrôva đã quay ra thư viện đi đi lại lại, bứt rứt như một tù nhân trong phòng giam. Trái tim người mẹ trong cô cứ mỗi lúc một thắt lại đau đớn. Chỉ một tiếng động lạ bên ngoài cũng gợi lên trí tưởng tượng nhạy cảm của cô đủ mọi hy vọng lẫn những thảm họa. Cô đã trấn tĩnh với ý nghĩ rằng: Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp, bởi vì Tácdăng đã thực hiện đúng lời hứa với người đàn ông bí ẩn. Lý trí mách bảo cô như vậy nhưng lòng cô không yên. Càng nghĩ về giọt máu đầu lòng của mình, cô càng có cảm giác rằng, tất cả những chuyện trao đổi qua điện thoại chỉ là một thủ đoạn quanh co, kéo dài thời gian hoặc đánh lạc hướng tìm kiếm của vợ chồng cô. Bọn tội phạm sẽ có đủ thời gian và cơ hội nâng giá tống tiền. Biết đâu đứa con trai của cô sẽ bị chúng đưa ra khỏi nước Anh. Mà thủ phạm trong chuyện này có lẽ không còn ai ngoài Rô cốp. Khuôn mặt gian trá của gã đàn ông đó cứ ám ảnh cô, khiến cô thỉnh thoảng lại đứng sững sờ, thân thể co cứng như bị điện giật. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Tiếc tích tắc của nó vang động một góc phòng thư viện. Có lẽ đã muôn rồi. Cô không thể kịp chuyến tàu chở Tác dăng đi Đôvơ. Nhưng cô có thể đi chuyến tàu sau. Cô có thể đến bến cảng trước khi hai người đàn ông gặp nhau. Suy tính như vậy, cô quyết đinh gọi lái xe và người hầu phòng. Một lát sau chiếc xe của cô đã hòa vào mạch đường đông đúc của thành phố, hướng tới ga tàu hỏa.

*

Khoảng mười giờ kém, Tácdăng đã bước vào một nhà mù mịt khói thuốc lá trên bến cảng Đôvơ. Ngay lập tức, bên cánh cửa ra vào có một người đàn ông bước tới chỗ Tácdăng. Tácdăng quay ra, bám theo gót chân người đàn ông đi vào một ngách phố tối tăm. Ánh đường đèn mờ nhạt chỉ đủ sức phơi lộ một góc hè. Gã đàn ông dẫn Tácdăng xuyên qua bóng tối, tiến đến một góc cảng xếp đầy những hòm gỗ và thùng tô nô. Đột nhiên gã đàn ông dừng chân.
- Thằng bé của tôi đang ở đâu? - Chàng huân tước trẻ tuổi Grayxtau lên tiếng hỏi.
- ĐAng ở trên chiếc tàu kia. Chính chiếc tàu có nhiều ánh đèn mà ngài thấy đấy - Câu trả lời vang lên.
Tácdăng cố gắng nhận dạng người đàn ông đang giúp đỡ chàng. Vì gã đàn ông đeo mạng che mặt, Tácdăng không hề biết rằng chàng đã đụng độ với gã một đôi lần rồi. Chẳng phải ai xa lạ. Gã chính là Alếcxây Paplôvích. Khổ một nỗi là chàng không nhận ra gã.
- Hiện giờ thằng bé không có ai canh giữ - Kẻ dẫn đường tiếp tục nói - Bọn bắt cóc đinh ninh là chúng không bị ai phát giác. Chúng đã uống rượu ăn mừng. Trên con tàu Kinxây lúc này tất cả mọi linh hồn đều chìm trong mem rượu. Đột nhập lên tàu lúc này chẳng khó khăn gì. Có thể lấy lại đứa trẻ dễ dàng như nhặt một con búp bê.
- Thế thì được rồi, tiến hành ngay! - Tácdăng gập đầu đồng tình và thúc dục.
Gã đàn ông dẫn Tácdăng tới một chiếc thuyền con buộc bên kè chắn sóng. Cả hai lên thuyền. Gã đàn ông đẩy con thuyền rời kè, tiến thẳng ra tàu Kinxây. Tácdăng không hề biết rằng từ ống khói con tàu bốc ra một luồng khói nhỏ. Trong đầu chàng lúc này chỉ quấn quýt một ý nghĩ duy nhất: Chỉ vài phút nữa, đứa con trai nhỏ sẽ nằm trong cánh tay chàng. Khi hai người áp thuyền chạm hông con tàu, ở đó đã có sẵn một chiếc thang bện bằng dây thừng đung đưa trong gió. Cả hai bám vào thang leo lên cao. Vừa bước lên boong tàu, gã đàn ông liền chỉ vào một cánh cửa dẫn xuống hầm tàu.
- Con của ngài đang ở dưới đó- Gã đàn ông nói- Tốt nhất là ngài xuống tìm một mình. Nếu đứa trẻ nhận ra hơi bố, nó sẽ không kêu khóc. Còn nếu tôi đi cùng, thấy người lạ, nó sẽ không nín đâu. Tôi sẽ ở đây canh gác cho ngài.
Chỉ vì nghĩ đến đứa con, Tácdăng không phát hiện ra những điều khả nghi trên tàu. Boong tàu vắng ngắt, không một bóng người, nhưng ống khói lại đang làm việc, chứng tỏ tàu chuẩn bị xuất phát. Với một ý nghĩ duy nhất về đứa con, Tácdăng bước qua cửa, chàng bỗng nghe một tiếng động mạnh trên đầu mình. Chàng giật mình hiểu ngay rằng mình đã mắc bẫy, không nhưng không cứu được con, chàng còn bị rơi vào tay kẻ thù.
Chàng dùng sức mạnh đẩy nắp hầm tàu nhưng mọi cố gắng của chàng hoàn toàn vô nghĩa. Nắp hầm đã bị nhốt chặt. Chàng bật diêm soi để quan sát xung quanh và nhận ra mình đang đứng trong một căn phòng khá hẹp. Căn phòng chỉ được ngăn ra một phần của khoảng không chứa hàng hóa. Lối thoát duy nhất ra khỏi căn phòng chính là nắp hầm mà chàng vừa tụt xuống và bị khóa chặt phía ngoài. Rõ ràng là căn buồng này đã được chuẩn bị sẵn dành riêng cho chàng. Trong phòng không một bóng người và cũng chẳng có gì đáng để mắt.
Sau hơn hai mươi năm sống lang thang trong rừng, không bạn bè đồng loại, Tácdăng đã quen với sự cô độc cùng bao tai họa mà thú rừng già thường gặp. Chính vì vậy mà lần này chàng vẫn thản nhiên khi sập bẫy. Chàng bình tĩnh và kiên nhẫn chờ những biến cố nối tiếp rơi xuống đầu mình.
Chàng lại bật diêm quan sát kỹ lưỡng căn buồng giam. Chàng sờ bốn bức tường và đo khoảng cách từ sàn tới trần buồng. Đột nhiên chàng cảm thấy con tàu rùng mình. Tiếng máy nỏ vang động làm rung cả đinh ốc lỏng. Con tàu từ từ xuất phát. Nó sẽ chở chàng đi đâu? Cái gì đang chờ chàng phía trước?
Chính vào lúc chàng đang băn khoăn tự hỏi, thì trên boong tàu vang lên một tiếng thết. Rõ ràng là tiếng người thét hoảng hốt và kinh ngạc vang trên boong, lọt xuống hầm tàu. Dường như có một chuyện không lành xảy ra!

Kẻ lưu đầy biệt xứ
Vào lúc Tácdăng cùng người dẫn đường lẩn vào bóng tối của bến cảng, có một người đàn bà trẻ, đeo mạng che mặt hối hả chạy xuyên qua ngách phố, tiến vào một quán ăn. Đó là quán ăn mà Tácdăng và người dẫn đường đã gặp nhau trước đó. Người đàn bà trẻ dừng bên cửa, quan sát bốn phía. Hình như cô ta đang xem xét để xác định mình đã đến đúng chỗ cần tìm hay không. Do dự một lát, cô tiến thẳng tới chỗ nhốt gà vịt của nhà hàng. Mấy thủy thủ say rượu và những kẻ sống lang thang bến cảng đang ăn uống chợt dừng tay dĩa, giương mắt nhìn lên. Hình như chưa bao giờ chúng lại gặp trong quán ăn một cơ thể đàn bà hoàn hảo đến thế.
Gian Potơrôva bước tới bên một người đàn bà hầu bàn. Người đàn bà hầu bàn nhìn cô với cặp mắt vừa ngạc nhiên vừa ghen tị.
- Xin lỗi vì làm phiền chị! Chị có trông thấy ở đây có một người đàn ông trẻ tuổi, cao lớn, ăn mặc lịch sự? – Potơrôva hỏi – Anh ta đến đây rồi đi theo một người đàn ông chờ sẳn, ra khỏi quán?
Người hầu bàn gật đầu xác nhận rằng có trông thấy hai người đàn ông đó. Nhưng họ kéo nhau đi đâu thì bà không biết. Lúc bấy giờ có một thủy thủ tò mò lắng nghe câu chuyện liền lên tiếng, nói cho Potơrôva biết rằng, trước khi anh vào nhà hàng này, anh có trông thấy hai người đàn ông như thế đi ra bến cảng.
- Vậy thì anh làm ơn chỉ cho tôi biết họ đi đường nào! – Potơrôva vội vã yêu cầu rồi ấn vào tay người thủy thủ mấy tờ giấy bạc.
Người thủy thủ vui vẻ dẫn Potơrôva ra khỏi quán hướng tới bến cảng. Tới nơi, hai người trông thấy có chiếc thuyền con đang bơi ra con tàu gần nhất.
- Chính họ đấy – Người thủy thủ thì thào.
- Tôi sẽ biến anh 10 bảng, nếu anh kiếm được thuyền chở tôi bám theo họ
- Vậy thì chúng ta phải thật nhanh chân. Phải lên được tàu Kinxây trước khi nó nhổ neo. Lò hơi hầm máy đã đốt ba tiếng đồng hồ rồi. Tàu chỉ chờ một hành khách nữa là khởi hành. Cách đây một tiếng, bạn của tôi trên tàu bảo thế.
Người thủy thủ giơ tay bế bổng Potơrôva lên rồi thả xuống mép bê tông. Dưới chân Potơrôva đã có sẵn chiếc thuyền con bị xích. Người thủy thủ giúp cô ngồi cho thăng bằng rồi tháo xích, chèo thuyền rời bến.
Khi thuyền chạm hông con tàu Kinxây, người thủy thủ lại ngập ngừng ngỏ ý được thưởng công. Không cần đếm, Potơrôva móc túi đưa cả một nắm tiền. Rõ ràng là người đàn ông này đã được đền công khá hậu. Anh ta sốt sắng giúp Potơrôva leo lên thang dây rồi áp sát tàu chờ xem vị khách hào phóng có ý định quay trở lại không.
Động cơ con tàu nổ đều đặn như nhịp thở. Cuộn dây cáp nepo tàu rít lên ken két. Dấu hiệu đó chứng tỏ là tàu Kinxây chuẩn bị rời bến. Bỗng chốc con tàu rùng mạnh rồi từ từ chuyển động.
Người thủy thủ quay mũi thuyền, chuẩn bị chèo trở lại bến cảng. Bổng anh ta nghe thấy trên boong tàu vang lên tiếng thét của người phụ nữ.
“Cô ta gặp rủi ro rồi”- Người thủy thủ lẩm bẩm nói một mình.

*

Khi Potơrôva leo thang dây lên cao, cô nhận ra rằng boong tàu lúc này vắng ngắt, không một bóng người. Cô quyết định phải tìm thật kỹ cho ra dấu vết của đứa con trai. Không hề do dự, cô tiến thẳng tớ căn buồng nổi trên mặt boong tàu. Chiếc cầu thang ngắn dẫn cô tới buồng thuyền trưởng. Ngay cạnh đó là phòng ngủ của các sỹ quan. Vì tìm kiếm quá hấp tấp, cô không biết rằng một tấm cánh cửa ngay trước mặt cô đã đóng lại rất nhanh. Ở phòng nào cô cũng dừng lại tìm kiếm và nghe ngóng. Bốn bề yên tĩnh, không một tiếng động nhỏ. Cô chỉ nghe thấy tiếng động duy nhất là tiếng tim đập dồn dập trong lồng ngực, dường như làm rung động cả con tàu.
Cô vẫn tiếp tục mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác. Tất cả đều trống vắng như một con tàu bị bỏ rơi. Thực ra lúc này hệ thống chân vịt của con tàu đã chuyển động. Nhưng Potơrôva vẫn không hề hay biết. Cuối cùng Potơrôva bước tới tấm cánh cửa phía bên phải. Cô vừa đẩy cánh cửa thì bị một cánh tay khỏe mạnh rám nắng của một người đàn ông chụp lấy, lôi tuột cô vào một căn buồng hôi hám và chật chội.Cô ngẩng đầu nhìn lên. Đó là một người đàn ông khuôn mặt u tối, râu ria xồm xoàm. Vừa nhận ra khuôn mặt ấy, Potơrôva thét lên, kinh ngạc và lùi lại mấy bước
- Nicôlai Rôcốp! ông Tơran! – Potơrôva kêu lên.
- Vâng đúng thế! Người ngưỡng mộ rất trung thành của cô đây! - Rôcốp nhăn nhở trả lời và khẽ cúi đầu.
- Con trai tôi đâu? – Potơrôva hỏi ngay, không thèm để ý tới thái độ châm chọc của Rôcốp – Trả con cho tôi! Ông thật tàn nhẫn! Chẳng nhẽ ông không biết thương xót là gì hay sao? Hãy nói cho tôi biết là nó có ở đâu? Có phải ở đây không? Thôi, tôi xin ông! Nếu ông còn có một trái tim, hãy trả nó cho tôi!
- Nếu như cô chiều theo ý tôi, đứa trẻ sẽ không bị hại - Rôcốp trả lời - Cô nhớ rằng nơi đây cô là một nàng tiên giáng trần. Cô đã tự nguyện tới đây thì cô phải chịu mọi hậu quả. Chính tôi cũng không ngờ rằng… Rôcốp ngập ngừng rồi nói tiếp, như nói cho chính mình nghe – rằng tôi lại gặp hạnh phúc bất ngờ thế này.
Rôcốp bước ra boong tàu rồi khóa cửa nhốt Potơrôva bên trong.
Một vài ngày sau đó, Potơrôva không nhìn thấy Rôcốp. Cô hơi ngạc nhiên vì không biết rằng Rôcốp là một gã đàn ông khốn nạn nhưng lại là một người không quen sóng biển. Ngay từ khi con tàu khởi hành, biển nổi sóng không lúc nào yên. Bị say sóng, Rôcốp không đủ can đảm rời khỏi giường nằm của mình.
Suốt mấy ngày ấy, người duy nhất đến phòng cô là một người Thủy Điển ít nói. Đó là đầu bếp của tàu Kinxây, thỉnh thoảng mang thức ăn đến cho cô. Anh ta tên là Sven Andecxen. Anh ta rất tự hào vì trong họ của mình có những hai chữ E. Mà có lẽ đó là niềm tự hào duy nhất của anh ta. Mặc dù thân thể gân guốc cao lớn, có bộ ria vàng rất rậm nhưng nước da anh ta không được khỏe, còn móng tay thì để quá dài. Mỗi lần mang thức ăn đến, ngón tay cái của anh ta cứ thọc sâu vào miếng thịt hầm, làm cho Potơrôva ghê miệng, không muốn ăn, dù là một mẩu. Cặp mắt ti hí, màu xanh sẫm của anh ta nhìn mọi vâtj lẫn con người một cách lơ đễnh như một người mất hồn. Cách cư xử của anh ta có vẻ nhút nhát một cách kỳ quặc, mặc dù lúc nào anh ta cũng đeo một con dao làm bếp rất dài bên tấm tạp dề. Với Potơrôva anh ta tỏ ra lãnh đạm, ngay cả khi cô niềm nở bắt chuyển và cảm ơn rất tử tế vì thức anh anh ta mang tới.
Tất nhiên trong suốt những ngày bị giam cầm một cách vô nghĩa đó, lúc nào Potơrôva cũng chỉ có một ý nghĩ duy nhất về Tácdăng và thằng bé Giếch đáng thương của mình. Cô tin rằng, thằng bé vẫn còn sống và thế nào nó cũng đang bị dấu trên con tàu này. Còn chuyện Tácdăng còn sống hay không thì cô không dám chắc. Bởi vì cô biết rằng gã đàn ông người Nga ấy căm thù vợ chồng cô, lừa cho Tácdăng lên tàu chỉ vì muốn trả thù món nợ ngày trước: Vợ chồng cô đã làm hỏng kế hoạch đen tối của hắn, khiến hắn phải vào tù và lãnh án chung thân.
Trong khi đó Tácdăng vẫn đang nằm trên sàn gỗ của phòng giam. Chàng không biết rằng chỉ cách vài mét ở trên trần, Potơrôva yêu quý của chàng cũng đang nằm trong buồng giam.
Người đầu bếp Sven Andecxen cũng mang thức ăn hàng ngày vào cho Tácdăng. Tácdăng đã nhiều lần chủ động gợi chuyện với anh ta nhưng đều thất vọng, Tácdăng hy vọng qua người đầu bếp này, có thể biết thằng Giếch của mình có nằm trên tày Kinxây hay không. Nhưng đáp lại mọi câu hỏi của Tácdăng, anh chàng Thụy Điển này chỉ lẩm bẩm một câu tiếng Anh rất tồi về ngữ pháp: “Tôi nghĩ gió mạnh sớm nổi gió”.
Đối với hai tù nhân trên tàu, mấy tuần lễ trôi qua dài như hàng thế kỷ. Họ không còn biết con tàu đang chở mình đi đâu. Có một lần con tàu dừng lại, cập bến ở nơi nào đó để lấy nhiên liệu rồi lại lên đường. Cuộc hành trình của con tàu dường như là vô mục đích.
Một hôm Rôcốp đến gặp Potơrôva. Trông hắn tái xám, đôi mắt thâm quầng. Hắn đến chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Hăn hứa rằng nếu Potơrôva đưa cho hắn một khoản tiền lớn, hắn sẽ đảm bảo cho cô trở về nước Anh một cách an toàn.
- Nếu ông thả tôi và chồng con tôi xuống một hải cảng nào đó – Potơrôva trả lời – Tôi sẽ trả ông gấp đôi số tiền mà ông đòi. Tôi sẽ trả bằng vàng quy đổi. Còn từ nay cho tới khi chúng tôi được thả lên bến cảng, ông đừng hy vọng ở tôi dù một đồng xu mẻ.
- Nếu cô không đưa trước cho tôi một tấm séc chuyển tiền thì vợ chồng cô không bao giờ thò chân xuống đất liền, ngay cả dất không người ở.
- Tôi không tin ông! – Potơrôva kêu lên – Ai đảm bảo cho tôi là ông cầm tiền rồi sẽ thực hiện đúng lời hứa. Tôi biết là ông hứa mà không muốn làm chút nào.
- Tôi tin là cô sẽ phải làm tất cả những gì tôi muốn – Rôcốp vừa nói vừa sửa soạn bước ra khỏi cửa – Nên nhớ là con trai cô đang nằm trong tay tôi. Tới lúc cô nghe thấy đứa con kêu thết lên vì bị hành hạ liệu cô có chịu đựng được không? Chính vì cô mà đứa bé bị đánh đập.
- Ông sẽ không làm điều ấy! Bà mẹ trẻ thét lên phẫn uất – Ông không thể làm! – Ông không phải là người man rợ đến như thế!
- Đúng, tôi không thế. Chỉ có cô mới là người man rợ! Rôcốp quay lại, trả lời lạnh lùng – Cô là người rất tàn nhẫn. Vì cô sẵn sàng để con mình đau đớn chỉ vì tiếc một khoản tiền.
Cuối cùng Potơrôva phải đầu hàng. Cô cầm bút ký vào tấm séc chuyển tiền rồi đưa cho Rôcốp. Rôcốp nhìn tấm séc nhếch mép nở nụ cười chiến thắng.

*

Ngày hôm sau hầm nhốt Tácdăng tự nhiên bật nắp. Nhìn lên cao, Tácdăng nhận ra khuôn mặt Alecxây Paplôvích.
- Ông ra đi!- Alecxây Paplôvích ra lệnh – Nhưng ông nên nhớ là chỉ cần ông có một cử chỉ khả nghi, ngay lập tức sẽ bị bắn chết.
Tácdăng nhẹ nhàng leo lên boong tàu. Xung quanh Tácdăng đã có mấy thủy thủ nhăm nhăm tay súng, canh chừng. Paplôvích đứng ngay trước mặt chàng. Chàng nhìn ra xung quanh không tìm thấy vết tích nào của Rôcốp. Tuy vậy chàng biết chắc chắn rằng gã người Nga ấy đang ở trên tàu.
- Huân tước Grâyxtâu! – Paplôvích nói với Tácdăng – Vì ông lúc nào cũng can thiệp một cách thô bạo vào mọi chuyện của bạn tôi – Nicôlai Rôcốp, ông đã tự chuốc lấy tai họa và đưa cả nhà rơi vào sự bất hạnh. Tự ông gây ra tất cả. Ông cũng nên biết rằng chi phí cho chuyến tàu Kinxây này không phải là ít tiền đâu. Vì ông nên mới sinh ra chuyến đi biển này. Ông sẽ phải trả mọi phí tổn như là gánh hậu quả về hành động của mình. Tự do của ông và cả mạng sống của ông phụ thuộc vào đó.
- Ông đang nói tới thứ tiền nào đấy? – Tácdăng hỏi – Mà có gì đảm bảo là ông sẽ giữ lời hứa? Tôi chẳng tin được lý do để đặt niềm tin cậy vào những kẻ khốn nạn như ông và thằng Rôcốp bạn ông.
- Đây không phải là lúc ông xúc phạm bọn tôi đâu – Gã người Nga cười một cách cay độc –Ông không còn cách nào khác là phải tin lời tôi nói. Chính ông cũng biết rõ là: Chúng tôi có thể thủ tiêu ông bất cứ lúc nào, nếu như ông không viết cho chúng tôi một tấm séc chuyển tiền mà tôi yêu cầu. Chắc ông không quá ngây thơ, tới mức để cho những xạ thủ này phải xiết cò súng. Họ chưa ra tay vì chúng tôi có nhiều cách trừng phạt ông. Chưa cần cho một viên đạn vào sọ.
- Hãy trả lời tôi một câu hỏi thôi! – Tácdăng nói – Con trai tôi đang ở đây phải không?
- Không, - Paplôvích trả lời – Nó vẫn còn sống nhưng đang ở một nơi khác. Nếu như chúng tôi phải giết ông thì cũng chẳng để nó sống làm gì cho bận tay. Không cần nói nhiều thì ông cũng biết rồi. Ông chỉ có thể bảo vệ sinh mạng con trai mình bằng cách duy nhất là tự giữ lấy mạng của mình. Mà điều đó thì rất đơn giản. Chỉ cần chữ ký của ông vào tấm séc.
- Thôi được rồi – Tácdăng gật đầu. Chàng biết rằng hai gã người Nga này không chỉ dọa dẫm. Chúng sẵn sàng hành động nếu như chàng từ chối yêu cầu của chúng.
Chàng rút cuốn séc chuyển tiền và chiếc bút trên túi ngực.
- Ông đòi bao nhiêu? – Tácdăng hỏi.
Paplôvích nói ra một khoản tiền lớn tới mức Tácdăng phải bật cười. Lòng tham của kẻ vô lại này thật vô đáy. Tácdăng do dự, định thương lượng nhưng Paplôvích khăng khăng không chịu giảm một đồng. Cuối cùng Tácdăng phải ký chuyển một lượng tiền mà thực tế là vượt quá số tiền có trong tài khoản của chàng ở nhà băng. Vì vậy tấm séc mà chàng đưa cho Paplôvích thực tế chẳng có giá trị gì, chỉ là một tờ giấy vô nghĩa. Trong khi đưa tấm séc cho Paplôvích, Tácdăng liếc nhìn ra ngoài boong tàu. Chàng nhận ra rằng con tàu chỉ cách đất liền khoảng vài trăm mét. Thấp thoáng ven bờ đã hiện ra những bóng cây xanh sẫm của kiểu rừng nhiệt đới.
Paplôvích chỉ tay về hướng đất liền, tuyên bố:
- Bây giờ ông sẽ được thả lên bờ và được tự do.
Tácdăng như không còn tin vào mắt mình nữa.Chẳng lẽ chính đây là Phi Châu? Liệu chàng có thể tìm được ở đây một vết chân người?
- Ông cởi quần áo ra! – Paplôvích ra lệnh cho Tácdăng - Ở đây ông sẽ không cần đến chúng.
Đứng giữa những họng súng, Tácdăng buộc phải nghe lời. Xong việc, Tácdăng lặng lẽ bước xuống chiếc thuyền con. Bọn thủy thủ áp tải chàng vào bờ rồi quay ngay trở lại. Con tàu Kinxây từ từ quay mũi hướng ra khơi xa.
Trong lúc ngồi trong chiếc thuyền con, Tácdăng được một thủy thủ trao cho một mảnh giấy. Sau khi đặt chân lên đất liền, chàng vẫn chưa kịp xem mảnh giấy đó viết gì. Trong lúc nhìn theo con tàu Kinxây ra khơi, chàng phát hiện có ai đó đứng trên lan can boong tàu vẫy tay gọi chàng. Đó là một người đàn ông râu đen lởm chởm. Rõ ràng là hắn đang ôm trong tay một đứa trẻ. Tácdăng chạy xổ lên phía trước. Chàng muốn nhảy xuống biển, bơi đuổi theo con tàu. Nhưng biết việc làm đó là hoàn toàn vô nghĩa, chàng đành đứng lại, giương đôi mắt đờ đãn nhìn theo con tàu Kinxây mỗi lúc một teo lại phái chân trời.
Trên những lùm cây xung quang có một đàn vượn đang đuổi nhau chí chóe. Từ đâu đó rất sâu trong lòng rừng sâu vang lên tiếng kêu thống thiết của một con hoẵng lạc đàn.
Nhưng Giôn Clâytơn, huân tước Grâyxtâu trẻ tuổi của chúng ta thì chẳng nghe thấy gì hết cả. Chàng như đã hóa mù, hóa điếc, đứng im phắc như pho tượng đá.
“Dù sao thì cuộc đời vẫn chưa mất hết – Tácdăng nghĩ – mình vẫn còn Gian ở Luân đôn. Ơn chúa trời, nàng không bị kẻ thù nhòm ngó”.
Cũng ngay lúc đó, có một con thú lớn đang tiến lại gần Tácdăng. Như một con mèo rình chuột, từ lúc chiếc xuồng con bơi trở lại tàu, nó đã theo dõi Tácdăng từng bước. Tại sao chàng không hề biết? Liệu chàng có còn chiếc mũi và đôi tai tinh tường của ngày nào? Liệu chàng có còn sót lại trong người dòng máu của rừng xanh?

Luật của rừng xanh
Tácdăng thong thả mở tờ giấy mà một thủy thủ đưa cho chàng trên xuồng và bắt đầu đọc. Lá thư với những dòng chữ độc địa khơi dậy trong lòng chàng căm uất, ý định báo thù khốc liệt.
Lá thư này là nhằm nói rõ cho Ngài biết ý muốn của tôi về số phận của thằng bé con Ngài và số phận của chính bản thân Ngài.
Ngài đã chào đời như một con khỉ. Và cũng giống như một con khỉ, Ngài đã sống, đã lớn lên trong rừng sâu. Vậy thì có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài phải trở về cái quê hương chôn rau cắt rốn của Ngài. Nhưng riêng con trai của Ngài thì không thể lặp lại con đường cũ của bố nó. Theo quy luật tất yếu của sự tiến hóa, con hơn cha là nhà có phúc. Thằng bố là một con khỉ độc. Thế thì thằng con được phép làm một con người. Nó sẽ được đeo bên hông những thứ đồ trang sức bằng đồng. Có thể mũi nó cũng sẽ được sỏ một cái khong bằng sắt. Ngài hãy hình dung thằng con trai nối dõi tông đường của Ngài như vậy! Bởi vì nó sẽ trở thành một thành viên của bộ lạc ăn thịt người. Nó được phép làm người, nhưng sẽ là một người rừng chính hiệu. Tôi đã có thể giết Ngài dễ như trở bàn tay. Nhưng chỉ giết Ngài thì quá ít Ngài chẳng còn biết gì về số phận con Ngài. Nếu để Ngài sống ở một nơi nào đó, một nơi mà Ngài không thể thaots, ngài sẽ có khối thời giờ để mà suy nghĩ, tưởng tượng về thằng con bất hạnh của mình.
Gieo gió thì phải gặp bão. Chính Ngài tự chuốc tai họa vào mình. Sự trừng phạt như vậy là xứng đáng. Bởi vì đã biết bao lần Ngài cản đường tôi.
NicôlaiRôcốp.
Tái bút: Sự trừng phạt sẽ còn lớn hơn nữa khi bổ xuống đầu vợ Ngài. Điều ấy thì tôi để cho Ngài tự hình dung lấy...”
Trong lúc đang đọc những dòng chữ trên, Tácdăng nghe thấy sau lưng mình có tiếng động sột soạt. Tiếng động nghe có vẽ rất quen thuộc, khiến chàng sực tỉnh và biết ngay điều gì đang đến với mình. Toàn bộ giác quan mạnh mẽ của chàng đã hồi sinh trở lại. Trong phút chốc chàng đã biến thành Tácdăng – con của rừng già. Chàng quay phắt lại với tư thế của con mãnh thú chuẩn bị bước vào trận đấu. Bản năng sinh tồn và phản xạ tự vệ trỗi dây, khiến cả cơ thể của chàng căng lên. Chàng rùng mình một cái rồi hạ thấp người, mặt đối mặt với địch thủ, trước mặt chàng lúc này là một con vượn khổng lồ.
Đã hai năm trôi qua tính từ khi Tácdăng từ giả rừng già. Chính vì thế sức mạnh của vị chúa tể muôn loài trong người chàng có phần vơi cạn. Cuộc chiến đáu với con vượn đực đang tuổi sung sức đối với chàng đã thành một sự thử sức gian nan. Nhìn ra xung quanh chàng còn thấy có mấy con vượn khác. Những kinh nghiệm của cuộc sống bầy đàn đã cho chàng biết rằng những con vượn đó sẽ không tấn công chàng. ĐÀn vượn bao giờ cũng để cho con đầu đàn chiến đấu một mình.
Con vượn lắc đầu một cái rồi xông thẳng về phía Tácdăng. Nếu như mấy năm trước, Tácdăng cũng có thể dương trán ra ứng chiến. Nhưng đã bao ngày sống với con người, tất nhiên chàng đã biết nhiều thế đánh mà đối với loài thú là điều hoàn toàn xa lạ. Ngay tức khắc, chàng né sang bên. Con thú vừa lao qua, chàng đã giáng một cú đấm nặng tay vào bụng nó. Con vượn rống lên đau đớn, ngã khuỵu xuống đất. Nó vừa nhổm mình đứng dậy, đối thủ da trắng đã áp sát bên canh, vung tay bồi hết cú đấm này tới cú đấm khác. Chẳng còn thấy gì trong giây phút này những dấu hiệu của chàng huân tước nước Anh. Tácdăng đã trở lại là đứa con hung dữ của con vượn mẹ Kala thủa nào. Hai hàm răng trắng khỏe mạnh của chàng cắn ngập vào cổ họng địch thủ. Còn quả đấm xiết chặt của chàng thì tới tấp giáng xuống bộ mặt lông lá của con vật chẳng khác gì chiếc búa máy. Con vượn lúc này chỉ biết nhe răng, sùi bọt mép, giẫy dụa một cách bất lực. Những con vượn trong đàn đã vây quanh lại thành một vòng tròn, quan sát cuộc chiến. Có mấy con vượn to béo cất tiếng hú ầm ỹ, chạy lồng lộn, có vẽ muốn khích lệ bạn mình. Đột nhiên chúng dừng chân, giương mắt nhìn kinh ngạc khi trông thấy con vượn da trắng, không lông vòng ra phía sau, xiết chặt gáy đối phương rồi dí mạnh xuống đất. Tácdăng đang sử dụng lại lối đánh rất hiệu quả mà chàng đã dùng lần đầu trong cuộc chiến đấu với Tơ cốt ngày xưa.
Từ cơ thể con thú bỗng vang lên một tiếng “ rắc” giống như tiếng cành cây bị gió bẻ gẫy. Cái đầu to xù của con vượn rủ gục xuống ngực. Tiếng kêu thét, gầm gừ tắt lịm. Đàn vượn xung quanh giương tròn mắt, hết nhìn cơ thể bất động của con vượn bạn, lại nhìn sang con thú da trắng đang đứng phủi tay bên cạnh. Đàn vượn không hiểu vì sao bạn nó không đứng dậy tiếp tục tấn công kẻ thù hai chân kia. Vừa lúc đó, kẻ thù hai chân nọ bước tới, đặt chân lên cổ con vượn rồi ngửa mặt thét lên man dại – Tiếng thét chính hiệu của loài vượn sau khi chiến thắng đối thủ. Tới lúc ấy đàn vượn mới biết rằng con vượn đầu đàn của chúng đã chết.
Tiếng thét của Tácdăng sắc nhọn như mũi dao, xuyên qua từng kẽ lá. Lũ vượn con trên các lùm cây nô đùa vội vàng nép vào lưng mẹ. Chim chóc ngừng kêu. Cả một dải rừng già im ắng. Chỉ thỉnh thoảng đó đây vang lên tiếng quả khô rơi xào xạc.
Tácdăng dừng hơi, không thét nữa. Chàng lắc đầu cho mái tóc bay lên khỏi trán. Đó là một thói quen từ thời chàng còn để tóc dài ngang vai.
Quan sát một hồi kỹ lưỡng, chàng nhận ra đàn vượn bao quanh chàng rất giống bộ lạc vượn cũ của mình. Chàng nhớ rằng, theo tập quán, nếu một con vượn nào đó được thừa nhận là thủ lĩnh, nó có toàn quyền hành động, có thể tự do cắn xe đồng loại bất cứ lúc nào, tùy thích. Nếu một thành viên của bộ lạc khác đến nhập bầy mà giết chết hoặc khuất phục được thủ lĩnh đương quyền, nó sẽ nghiễm nhiên “ lên ngôi” trở thành người kế vị. Chính vì vậy nếu Tácdăng bỏ đi, sớm muộn lũ vượn đực cũng phải cắn xe nhau để lựa chọn kẻ thống trị bộ lạc.
Tácdăng còn đang băn khoăn thì một con vượn đực cao lớn tiến thắng để chỗ chàng. Con vượn này đang độ trung niên, sung sức. Những bắp cơ của nó nổi lên từng múi lớn, rùng rùng chuyển động dưới lớp lông đen, bóng mượt. Nó há mồm, gầm gừ, để lộ những chiếc răng to, trắng lớn. Tácdăng vẫn đứng im lăng, theo dõi từng cử động nhỏ của con vật. Chàng biết rằng nếu lúc này chàng tiến hoặc lùi một bước, đều có nghĩa là chấp nhận cuộc chiến đấu. Thực lòng chàng không muốn thử sức lần thứ hai. Vì vậy chàng vẫn tiếp tục đứng im, bình thản nhìn con thú đang nhe răng tiến tới.
Nhưng cái điều chàng không muốn lại cứ xảy ra. Sau phút bỡ ngỡ vì tiếng thét dữ dội của kẻ chiến thắng lạ mặt, đàn vượn lại xiết chặt vòng vây quanh chàng. Chúng có vẻ muốn chứng kiến cuộc tỉ thí và kiểm nghiệm sức mạng của ứng cử viên thủ lĩnh. Vòng vây của đàn vượn càng kích thích dòng máu nóng trong mình con vượn đực. Sự cổ vũ âm thầm của đồng loại đã thôi thúc con vượn đực vững tâm lao vào cuộc chiến. Đôi chân của nó hơi ngắn nhưng khá nhanh nhẹn. Cái đầu to xù của nó hơi cúi xuống đất nhưng gồ vai của nó vẫn cao ngang mặt Tácdăng.
Đột nhiên trong đầu Tácdăng lóe lên những âm thanh quen thuộc của thời thơ ấu. Chàng đã nhớ ra ngôn ngữ của bộ lạc vượn.
- Mày là ai? – Tácdăng hỏi con vượn đực – mày đang xúc phạm Tácdăng con trai của Kala đấy.
- Tao là Acút- Con vượn đực trả lời – Môlát chết rồi thì tao làm thủ lĩnh. Mày hãy cút đi! Nếu không tao sẽ giết mày.
- Mày đã trông thấy tao giết Môlát rất dễ dàng, nếu tao muốn làm thủ lĩnh, tao có thể giết mày như thế. Nhưng Tácdăng này không muốn làm thủ lĩnh bộ lạc. Tácdăng chỉ muốn sống bình yên trên mảnh đất này thôi. Mày và Tácdăng này hãy trở thành bạn bè! Tácdăng sẽ giúp mày và mày cũng giúp đỡ Tácdăng.
- Mày không thể giết được Acút! – Con vượn đực trả lời – Không có ai khỏe bằng Acút này. Nếu mày không giết Môlát thì Acút cũng giết nó. Bởi Acút này đã quyết định trở thành thủ lĩnh từ lâu rồi.
Thay cho câu trả lời, Tácdăng bất thần lao vào con vượn ngang bướng. Nhanh như chớp, chàng đẩy mạnh chiếc mỗm con vượn sang bên trái rồi vòng sang bên phải, áp người phía sau lưng nó. Con vượn bàng hoàng, chưa kịp ứng phó đã bị Tácdăng vòng tay qua nách, khóa chặt cổ địch thủ, giống như lần trước. Chàng không muốn giết Acút nên chỉ gì chặt cánh tay để cho nó hiểu thế nào là sức mạnh Tácdăng.
- Ka gô đa? – Tácdăng thì thào hỏi Acút. Đó là câu mà chàng đã có lần hỏi Kétchác ngày xưa. Trong ngôn ngữ của loài vượn “ Ka gô đa?” có nghĩa là “ đầu hàng chứ?”
Acút chợt nhớ tiếng thét man rợ cảu Tácdăng sau khi giết chết Môlát. Nó khẽ rùng mình. Nhưng nó vẫn thích vị trí của người cầm đầu bộ lạc. Vì vậy nó không trả lời, cố vùng vẫy để xoay chuyển tình thế. Tuy vậy vòng tay đối thủ trên cổ nó mỗi lúc một xiết mạnh, làm nó vô cùng đau đớn. Chịu đựng được vài giây, nó buộc phải bật mồm run run kêu lên:
- Ka gô đa.
Tácdăng thả lỏng cánh tay.
- Tao để cho mày sống mà làm thủ lĩnh- Tácdăng nói – Tácdăng này không thích cầm đầu bộ lạc. Nếu có kẻ nào tranh quyền thủ lĩnh của mày, Tácdăng này sẽ giúp cho mày.
Acút đứng thẳng dậy, lắc cái đầu to xù, gầm gừ nhìn từng con vượn đực đang bao quanh. Nó biết rằng rất nhiều con vượn đực khỏe mạnh như nó cũng muốn làm thủ lĩnh. Nửa phút im lặng trôi qua không một con vượn nào xông ra tuyên chiến. Ngược lại lũ vượn đực xung quanh đã khiêm tốn lùi ra một quãng. Cuối cùng Acút nhập vào đàn biến mất vào rừng sâu.
Trên bờ biển chỉ còn trơ lại một mìnhTácdăng. Cho tới lúc này chàng cảm thấy đau. Hoá ra trong cuộc vật lộn với Môlát, da chàng bị cào rách mấy mảng. Tuy vậy chàng vẫn kiên nhẫn chịu đựng và có phần dửng dưng với các vết máu,chẳng khác gì một con thú rừng. Chàng nghĩ bụng: Cần phải sắm sửa vũ khí càng sớm càng tốt.Tiếng gầm của cá loài hổ báo từ rừng sâu vọng ra nhắc cho chàng nhớ rằng cuộc sống nơi đây cũng đầy đe doạ. Chảng còn cách nào khác là phải trở về với lối sống ngày xưa. Cuộc đấu tranh sinh tồn trong rừng xanh là vậy: Mày không giết tao, tao sẽ giết mày! Từ hôm nay chàng lại sẽ bị thú dữ rình mò săn đuổi. Ngai từ giờ phút này chàng phải có vũ khí phòng thân.
Ngay ven bờ biển có một vách đá màu xanh. Nhìn màu đá Tácdăng biết đó là một loại đá cứng.Loay hoay một hồi chàng đã lấy được một thanh đá mỏng, có đầu nhọn. Vừa mài vừa đập, mấy tiếng đồng hồ sau, chàng đã có con dao bằng đá - thứ công cụ của loài người nguyên thuỷ. Sau dó chàng vào rừng kiếm một cành cây rất cứng bẻ lấy một đoạn rồi vót ngọn một đầu. Chàng tìm một lỗ đá trên đỉnh núi và nhồi vào đó một ít võ cây khô, thọc mũi gậy cứng vào lỗ đá rồi xoay chiếc gậy liên tục bằng hai lòng bàn tay. Sự kiên nhẫn của chàng đã được bù đắt lại chính đáng. Chỉ một lát sau từ lỗ đá chứa vỏ cây đã bốc lên một làn khói mỏng. Vỏ cây bốc cháy. Chàng nhanh nhẹn gạt những cành củi khô lên trên. Một hồi sau ngọn lửa đã bốc lên cháy rần rật.
Từ lúc có lửa, Tácdăng miệt mài làm việc. Chàng mài dũa hoàn chỉnh con dao bằng đá. Chàng còn chế tạo các vũ khí cần thiết giống như ngày trước.Đốc dao găm, một cánh cung, một ống tên và một ngọn giáo. Sau khi có đủ các trang bị cho cuộc sống săn bắn và tự vệ. Chàng tìm một lùm cây cao ven sông làm một cái chòi rất kín đáo. Chàng dùng lá cọ lợp thành mái che và dùng cỏ khô rải làm lớp đệm.
Trời đổ bóng tối lúc nào, Tácdăng không hề biết. Chàng chợt nhận ra là bụng mình rỗng tuếch. Cơn đói bắt đầu hành hạ chàng. Trong lúc lang thang tìm kiếm vật liệu làm vũ khí, chàng đã phát hiện được đoạn sông mà lũ thú rừng thường tới uống nước.
Bằng sự khéo léo nhanh nhẹn của loài khỉ, Tácdăng chuyền qua các lùm cây hướng thẳng tới máng nước đó. Rừng sâu đã bắt đầu rậm rịch tiếng chân các loài thú ăn đêm. Tácdăng khẽ thở dài. Nếu không có nỗi lo lắng nhớ nhung vò xé trong lòng, chắc hẳn chàng sẽ cảm thấy mình là người hạnh phúc. Bởi vì sau bao ngày tháng lăn lội trong thế giới loài người, tới giờ này chàng mới trở về cuộc sống tự do của thời niên thiếu. Bằng một cú nhảy nhẹ nhàng, chàng vọt sang một cành cây cổ thụ mọc ngả xuống lối mòn mà thú rừng thường qua lại. Đôi mắt tinh tường của chàng đảo bốn xung quanh, tìm kiếm con mồi. Quả là " cầu được ước thấy", chàng vừa co chân theo tư thế của loài báo vồ mồi, đã trông thấy một con hươu thủng thẳng đi tới. Nhưng con hươu không phải đi tới một mình. Bám sát sau lưng nó, còn có một con vật khác. Hình như con hươu không hề trông thấy, cũng không đánh hơi được kẻ đang bám sau lưng mình. Từ trên cành cây, đứa con trai của rừng xanh đã trông thấy tất cả. Chàng chưa biết chắc chắn con thú sau lưng hươu là con gì, nhưng ắt hẳn là một loài thú dữ cũng đang kiếm ăn như chàng. Có thể đó là một con sư thử hoặc một con báo Sêta. Nếu con hươu không chạy nhanh tới chỗ Tácdăng, Tácdăng tất dễ bị con thú hớt tay trên, cái ý nghĩ lo sợ mất mồi vừa thoáng hiện trong đầu Tácdăng, thì ngay lúc đó con hươu giật mình phóng thẳng tới chỗ Tácdăng. Hình như con hươu đã phát hiện ra mối đe doạ rình rập sau lưng mình nên định chạy thoạt sang bên kia vũng lội. Đúng thế, sau lưng con hươu khoảng dăm chục thước lộ ra thân hình uyển chuyển của con sư tử Numa, Tácdăng đã nhận rõ mặt con sư tử. Cùng lúc ấy con hươu đã chạy tới tầm vồ của chàng.
Không do dự, Tác dăng nhảy thẳng xuống lưng hươu. Trông thấy kẻ cướp mồi, sư tử Numa vội vàng phóng tới. Tácdăng nhanh tay tóm chặt sừng hươu, nghiến răng xoắn cổ con vật gần hết một vòng. Con vật chỉ kịp kêu ré lên một tiếng ngạt hơi rồi dãy chết. Tácdăng vác con hươu còn đang dãy trên vai rồi leo lên cành cao đúng lúc sư tử Numa lao tới gốc cây. Chàng mỉm cười hài lòng, cúi đầu nhìn xuống đất. Đôi mắt màu vàng lóng lánh của sư tử Numa đang chiếu thẳng vào mặt chàng bằng thứ ánh sáng của lòng căm uất tột độ. Sau khi ngồi thật thoải mái trên cây, chàng thong thả rút dao khoét một miếng thịt thật ngon ở mông hươu, đưa lên miệng. Phía dưới đất, con sư tử vẫn lồng lộn chạy qua chạy lại, thỉnh thoảng lại với hai chân trước lên gốc cây, cào xoàng xoạc. Tiếng gầm gừ của nó mỗi lúc một nhỏ dần. Nó đã có vẻ tuyệt vọng, chán chường vì tên cướp chưa kịp nhìn rõ mặt.
Sau khi nếm đủ hai chục miếng thịt nóng ngọt ngào, Tácdăng đặt con hươu ăn dở lên một chạc cây. Chẳng thèm để ý tới con sư tử đang tức tối, lởn vởn phía dưới, Tácdăng vội vã chuyền qua các lùm cây, tìm về mái chòi của mình. Món ăn tươi bữa tối vẫn còn để lại dư vị ngon lành cho tới khi chàng sửa soạn chỗ ngã lưng.Dòng máu rừng già trong cơ thể chàng hình như bắt đầu chảy mạnh hơn. Chàng huân tước Grâyxtâu chợt nhận ra rằng, bữa thịt hươu vừa rồi ngon gấp trăm lần những bữa đại tiệc trong các vũ hội của giới quý tộc Luân đôn... Chàng kéo búi cỏ gối đầu rồi ngủ một mạch cho tới bữa trưa ngày hôm sau.