ăm 1858 thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sau gần 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1884 Triều đình nhà Nguyễn đã phải ký hiệp ước (Patơnốt) bán nước, công nhận sự đô hộ của Thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam Khi thực dân Pháp thiết lập được ách thống trị trên đất nước ta, chúng thi hành chính sách cai trị áp bức bóc lột đối với nhân dân ta nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng Về chính trị: Thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, chúng sử dụng bộ máy hành chính phong kiến và giữ các tục lệ làng xã để áp bức bóc lột nhân dân buộc người nông dân phải thực hiện nghĩa vụ sưu thuế nặng nề với nhà nước thực dân Về kinh tế: Thực dân Pháp đặt ra hàng trăm thứ thuế như thuế đinh (thân), thuế điền thổ và hàng năm lại tăng thêm …(năm 1897 mỗi suất đinh một năm phải nộp 2,5 đ đến năm 1908 đã tăng lên 4,8 đ bằng 16 lần so với thời Nguyễn…) Bọn địa chủ phong kiến dựa vào thế lực của thực dân Pháp đã phát canh thu tô cho vay nặng lãi để bóc lột nông dân. Khi người nông dân túng quẫn chúng đã mua rẻ ruộng đất làm cho người nông dân không còn ruộng để canh tác phải làm thuê cho chúng khiến người nông dân phải bần cùng hoá. Ngoài thuế, người nông dân còn phải chịu nỗi khổ cực vì các hủ tục và các tệ nạn xã hội như ngôi thứ, ma chay, cưới xin, nghiện hút, cờ bạc … Do nền kinh tế nông nghiệp làm một vụ lại bấp bênh, năng suất thấp cộng với sưu cao thuế nặng nên đời sống đa phần người dân Hà Vỹ (cũng như các làng khác quanh vùng ) vô cùng cực khổ đói nghèo. Đại bộ phận các gia đình trong thôn có đời sống rất thấp, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà gianh vách đất, cả ngõ Đương ở Giao Tác chỉ có bốn gia đình có nhà ngói sân gạch, ngõ Ba giầu có hơn nên số nhà ngói sân gạch nhiều hơn, gia đình nào gọi là giầu cũng chỉ có vài ba cái nhà ngói, mấy mẫu ruộng, có trâu cày, thóc vài tấn thừa ăn... tiện nghi sinh hoạt cũng chẳng có gì đáng giá, cả làng cũng chỉ có hai cái nhà gác hai tầng lợp ngói bình thường, đường làng ngõ xóm chật hẹp, phần lớn là đường đất, vào mùa mưa lầy lội bẩn thỉu đi lại khó khăn Đời sống dân ta càng khổ hơn từ khi phát xít Nhật nhẩy vào xâm chiếm Đông Dương (T9-1940). Khi vào Hà Nội, ở nông thôn chúng bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, thầu dầu để cung ứng cho chiến tranh, chúng vơ vét thóc lúa để nuôi quân lính, thế là dân ta lại phải chịu sự áp bức bóc lột của đế quốc Nhật vì phải chịu "một cổ ba tròng" nên dân ta lại càng vô cùng điêu đứng. Đã thế lại còn phải chịu thiên tai lũ lụt như năm 1943, 1945 vỡ sông làm cho bao nhiêu người chết đói và chết bệnh. Sau trận lụt sông năm 1945 ở Hà Vỹ rất nhiều gia đình cực khổ, cơm chẳng có mà ăn mọi người phải ăn cháo hoặc độn ngô khoai sắn, có gia đình phải đào cả củ rợ, củ chuối để ăn … quần áo rách rưới vá chằng vá đụp, anh chị mặc chặt, em phải lấy dùng, trời rét chăn không có phải đắp bằng chiếu hoặc mền bông cũ, khố tải hay bằng các quần áo đụp nên rất bẩn thỉu sinh ra ghẻ lở bệnh tật và có nhiều chấy rận … Đời sống vật chất thiếu thốn kéo theo đời sống tinh thần cũng nghèo nàn lạc hậu, 90% người dân không biết chữ chỉ có một số con em gia đình khá giả mới có điều kiện đi học chữ Nho, mãi đến những năm 30 của thế kỷ XX ở đình làng mới mở lớp dậy chữ Quốc ngữ. Tình trạng vệ sinh ở làng xóm cũng rất tồi tàn lạc hậu, mỗi thôn chỉ có một cái giếng xây gạch để lấy nước ăn, mọi việc tắm rửa giặt rũ đều dùng nước ao, nước ngòi. Người ốm không có thuốc điều trị chỉ chữa bằng các loại thuốc Nam thuốc Bắc hoặc các loại thuốc lá dân gian do các ông Lang bắt mạch bốc thuốc chữa cho. Phụ nữ mang thai không được ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, phải kiêng khem vô lý, khi sinh đẻ lại do các bà đỡ dùng liềm cắt rốn (nhau) mất vệ sinh, nên đứa trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng hay ươn sài khó nuôi, tình trạng "hữu sinh vô dưỡng” - có đẻ mà không nuôi- thường diễn ra phổ biến Ngoài ra tệ mê tín dị đoan với việc lập điện thờ lên đồng, bói toán, đội bát hương ở thôn nào cũng có. Do dân trí thấp nên nhiều người bị chết oan, tuổi thọ bình quân dân làng không quá 45. 2. HÀ VỸ TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc, tiêu biểu là các phong trào Đông du, Đông kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội đặc biệt là Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) đã có ảnh hưởng rất lớn đến các làng xã của huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh trong đó có Hà Vỹ Khoảng tháng 5 năm 1928 do tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ông Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng bí thư của Đảng) đang học ở trường Bưởi Hà Nội (khi đó mới có 17 tuổi) phải bỏ học, ông Cừ đã về Giao Tác dậy học (chừng vài tháng) để lẩn tránh bọn mật thám truy tìm. Ở đây ông đã được gia đình cụ PhóTổng giúp đỡ che chở. Do có công giúp đỡ ông Cừ, nên gia đình cụ Phó Tổng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Sau khi ông Cừ đi "vô sản hoá" ở Hòn Gai nên điều kiện trở về để bắt nối liên lạc với các cán bộ cách mạng của Hà Vỹ bị gián đoạn. Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng đã thống nhất các tổ chức cách mạng ở Việt Nam. Từ đó cách mạng Việt nam đã có một Đảng Mác xít thống nhất lãnh đạo. Hà Vỹ vốn là một làng quê có nhiều thanh niên đi làm thợ khắp nơi lại rất gần Đình Bảng và chùa Dận (nơi có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng về ở và hoạt động) nên những tư tưởng cách mạng và những sách báo tài liệu tin tức thời sự trong nước cũng được lan truyền về Hà Vỹ kịp thời. Một số thanh niên tiến bộ trong làng nhờ đọc các báo Cờ giải phóng của Đảng đã tiếp thu được ánh sáng cách mạng chỉ chờ thời cơ có người về giác ngộ là sẫn sàng tham gia phong trào Việt Minh Từ cuối năm 1942 phong trào cách mạng ở vùng Từ Sơn, Tiên Du sau một thời gian bị địch khủng bố bắt đầu hồi phục, nhiều cơ sở cách mạng được gây dựng lại. Đầu tháng 3 năm 1943 ông Nguyễn Trọng Tỉnh người Đình Bảng là cán bộ hoạt động cách mạng (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) đã về Hà Vỹ phát triển phong trào và đã thành lập tiểu tổ Việt Minh đầu tiên ở Giao Tác gồm hai thành viên là Đỗ Nguyên Tỷu (tức Hoàng Viết Phục - Tỷu theo tên lý lịch), Đỗ Văn Đỉnh (tức Khôi) và sau phát triển thêm một số thanh niên giác ngộ như Đỗ Văn Thiền (tức Thành), Phạm Văn Uyển (tức Công), ghép tên của bốn người là “ Khôi Phục Thành Công” sau có thêm Đỗ Văn Thể (tức Khoa), Đỗ Nguyên Sướng (tức Hải), Đỗ Văn Hữu (tức Sơn) và Lê Văn Soang v.v. Từ Giao Tác các thành viên đã tuyên truyền sang Đại Vỹ và đã kết nạp thêm được Dương Văn Phách, Lê Liêm, Nguyễn Văn Tám (Thiều) và Nguyễn Văn Thiết tham gia phong trào Việt Minh. Đến cuối năm 1943, Hà Vỹ đã có 15 hội viên Cứu quốc. Trên cơ sở các tổ Việt Minh của hai thôn, Uỷ ban Việt Minh xã Hà Vỹ được thành lập do Đỗ Nguyên Tỷu làm Chủ nhiệm. Hoạt động của các tổ Việt Minh lúc đó là rải truyền đơn, dán áp phích ở các chợ, các nơi công cộng, đọc sách báo tài liệu cách mạng để biết được đường lối chủ trương của Đảng mà tuyên truyền quần chúng hiểu được kẻ thù của cách mạng mà tham gia và ủng hộ Việt Minh … Từ đầu năm 1944 phong trào Việt Minh ở Hà Vỹ phát triển khá mạnh và đều khắp, thu hút được nhiều quần chúng tiến bộ tham gia. Ngày 15 tháng 3 năm 1944 ông Lê Đình Thiệp (thay ông Nguyễn Trọng Tỉnh) thuộc đội công tác của Trung ương Đảng được cấp trên cử về Giao Tác tổ chức lễ kết nạp (tại nhà anh Tỷu) cho ba thanh niên là Đỗ Nguyên Tỷu, Đỗ Văn Đỉnh và Đỗ Văn Thiền vào Đảng Cộng sản Đông Dương và lập ra chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Vỹ, đồng chí Đỗ Nguyên Tỷu được bầu làm Bí thư chi bộ. Ngày hôm đó đã đánh dấu một sự kiện quan trọng nên mọi người đã gọi ngày 15 tháng 3 là ngày “mốc son lịch sử”. Đến tháng 7 năm 1944, chi bộ được công nhận chính thức (cũng do ông Thiệp thay mặt Đảng tuyên bố và công nhận). Tháng 9 năm 1945 chi bộ lại kết nạp thêm anh Đỗ Văn Hữu (tức Sơn) vào Đảng và công nhận Đỗ Nguyên Sướng (tức Hải) là cảm tình của Đảng. Do đội công tác của An toàn khu Trung ương rút khỏi khu vực Từ Sơn đã không kịp giới thiệu chi bộ Hà Vỹ với Ban Cán sự huyện Từ Sơn, trong khi đó đ/c Tỷu lại đi thoát ly nên chi bộ Hà Vỹ không hoạt động rồi mất liên lạc với cấp trên, vì thế tổ chức đã không biết đến chi bộ Hà Vỹ mà giao nhiệm vụ. Điều đó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. (Ông Lê Đinh Thiệp đã nhận lỗi thiếu sót trong lời xác nhận của mình) Việc kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng là điều hết sức bí mật không thể công khai hoặc cho nhiều người biết được, chỉ có người trong cuộc mới biết, nay cả ba đ/c ấy đều đã mất nhưng năm 1965 đ/c Đỗ Nguyên Tỷu (khi đó mới có 45 tuổi) đã viết tài liệu “Tóm tắt lịch sử cán bộ Đảng Hà Vỹ” và đã được ông Lê Đình Thiệp (đang là Thứ trưởng bộ Nội vụ) trực tiếp về kết nạp xác nhận thì điều đó là hoàn toàn đáng tin cậy. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, các cơ sở Việt Minh được mở rộng sang hai thôn Đại Vỹ và Châu Phong. ở Giao Tác đã thành lập được các đoàn thể Cứu quốc (CQ) của Mặt trận Việt Minh: - Đoàn Thanh niên CQ do anh Đỗ Văn Đỉnh làm bí thư - Đội Tự vệ chiến đấu do anh Đỗ Văn Thiền làm đội trưởng - Hội Phụ nữ CQ do chị Đỗ Thị Tịnh phụ trách - Tổ Phụ lão CQ do ông Đỗ Văn Thìn làm Tổ trưởng - Đội Thiếu niên CQ do Đỗ Văn Phái (em anh Tỷu) làm đội trưởng có Lê Văn Kiên và Đỗ Nguyên Lãng tham gia (1) Những ngày tháng của năm 1944 ở Hà Vỹ có nhiều cán bộ cấp trên về hoạt động cách mạng, ngoài ông Nguyễn Trọng Tỉnh và Lê Đình Thiệp còn có một số cán bộ khác như các đ/c Thịnh, Cao, Can... Hai ông Tỉnh và Thiệp đã ở nhà cụ Điện Trung (bố ông Đỉnh), gia đình ông Tỷu, còn các đ/c khác ở nhà Cụ Thìn và bà Năm Đội. Đó là những cơ sở rất an toàn tin cậy, làm nơi hội họp đi lại ăn ở và làm việc của các cán bộ về hoạt động cách mạng ở địa phương Hà Vỹ Trong những ngày về hoạt động ở Giao Tác, các ông ấy đã được các gia đình trên che chở giúp đỡ, bảo vệ, chính vì vậy mà gia đình cụ Điện Trung và bà Đỗ Thị Tịnh (vợ ông Tỷu) ở Giao Tác mới được Nhà nước tặng bằng có công với nước. Vào cuối năm 1944 đầu 1945, tổ chức Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc lần lượt được hình thành ở các thôn Đại Vỹ và Châu Phong. Các đoàn thể này rất tích cực hoạt động như tuyên tuyền cho Việt Minh, rải truyền đơn, rán áp phích, bảo vệ và giúp đỡ cán bộ cấp trên về hoạt động, tham gia các cuộc mít tinh bí mật trong vùng do Việt Minh tổ chức v.v.. Những ngày tháng đó có nhiều người truyền cho nhau bài thơ khóc anh Hoàng Văn Thụ - một lãnh tụ của Đảng- bị thực dân Pháp bắt được do không chịu khuất phục chúng đã xử bắn anh ở Hà Nội. Bài thơ đó không rõ ai sáng tác nhưng đã gây xúc động lòng người có anh đã chép vào sổ tay để phổ biến, trong đó có những đoạn như sau: …Mắt anh đã say mầu lý tưởng, Đường anh đi không lượng gần xa, Tám năm xa nước xa nhà, Đời anh đã trải phong ba dạn dày, Cùng đồng chí ra tay chèo chống, Lái con thuyền vượt sóng trùng dương...... ...Anh Thụ ơi! Kìa xem muôn vạn, Lớp hùng binh ngạo mạn tưng bừng, Tuốt gươm thề thốt vang lừng, Gương Hoàng Văn Thụ ta cùng noi theo, Cờ khởi nghĩa bay vèo trước gió, Đoàn quân đi cây đổ núi rung, Xông pha rửa nhục non sông, Và cùng rửa hận anh hùng Việt Nam. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng đã ra chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Được gần nơi ra chỉ thị cùng với các địa phương khác, Hà Vỹ đã tiếp nhận được ngay tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Cán bộ Việt Minh đã nói chuyện và tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ kẻ thù chính của dân tộc ta lúc bấy giờ là phát xít Nhật, kêu gọi người dân không nộp thuế bán thóc cho Nhật và chính quyền tay sai. Vụ thuế năm 1945 cán bộ Việt Minh đã chỉ đạo quần chúng đấu tranh không chịu nộp thuế cho Nhật. Mọi việc thu thuế ở địa phương thực tế là do cán bộ Việt Minh điều hành. Việt Minh cùng Lý trưởng xã Hà Vỹ đã đưa 10 tấn thóc mới thu của dân giao cho “Quán Bảo anh” - là một tổ chức cứu tế của Việt Minh đặt tại chùa Quậy. Số thóc này sau được đem phân phát cho những người bị đói do trận lụt năm 1945 ở địa phương, nên đã cứu được nhiều người không bị chết đói lúc bấy giờ. Phong trào cách mạng cả xã lên cao, tháng 6 năm 1945 cán bộ Việt Minh đã tổ chức mít tinh tại đồng Tróc được quần chúng hăng hái tham gia, chính quyền phong kiến hoàn toàn rệu rã không đảm đương được các chức năng của một chính quyền cơ sở về các mặt như đời sống, bảo vệ trị an, đắp đê chống lụt… Trong tình hình đó các đoàn thể Việt Minh đã đứng ra giải quyết như một chính quyền thực thụ. Đầu tháng 8 -1945 lực lượng cách mạng đã phát triển đều khắp ở các thôn, khí thế sôi sục đánh đuổi phát xít Nhật giành lại độc lập tự do cho đất nước trong quần chúng nhân dân Hà Vỹ lên rất cao, chỉ chờ lệnh khởi nghĩa là vùng lên cướp lấy chính quyền 3. HÀ VỸ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (THÁNG 8 NĂM 1945) Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu Trung Quốc, Nhật đầu hàng phe đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoàn toàn tan rã, chớp thời cơ đó, Đảng ta đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tin đó được truyền về Hà Vỹ đã gây được không khí phấn khởi sôi động chưa từng có. Dưới sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh, đội tự vệ đã tổ chức tốt việc chống cướp giữ làng, bảo vệ tài sản cho nhân dân, giữ vững trật tự an ninh cho thôn xóm và chuẩn bị sẫn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu khi có lệnh khởi nghĩa, các tổ phụ nữ tham gia may cờ, thanh niên tham gia luyện tập quân sự, cắt khẩu hiệu v. v. Sau khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Uỷ ban nhân dân Lâm thời xã Hà Vỹ được thành lập. Uỷ ban do ông Đỗ Văn Hối (Đại Vỹ) làm Chủ tịch, ông Đỗ Văn Hưởng (Châu Phong) làm Phó Chủ tịch và ông Đỗ Văn Đỉnh – Khôi (Giao Tác) làm uỷ viên. Để điều hành công việc, mỗi thôn bầu thêm một Chủ tịch thôn (trưởng thôn). Đại Vỹ là ông Nguyễn Văn Kiên, Châu Phong là ông Phạm Văn Ngân, Giao Tác là ông Đỗ Văn Chỉnh. Uỷ ban nhân dân Lâm thời đã tiến hành tịch thu triện bạ, sổ sách giấy tờ khế ước của chính quyền phong kiến xã Hà Vỹ và tổ chức một cuộc mít tinh tại đình làng rồi tuyên bố giải tán chính quyền phong kiến tay sai ở tất cả các thôn trong xã.Từ đó chính quyền của cách mạng cơ sở đã thực sự thuộc về nhân dân lao động. Hà Vỹ đã bước sang một trang sử mới. Chú thích:
- Theo Tài liệu “Tóm tắt lịch sử cán bộ Đảng Hà Vỹ” do ông Đỗ Nguyên Tỷu viết, đã được xác nhận của ông Lê Đình Thiệp – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ ngày 18/3/1965