hập niên 70 khi xây dựng phim kiếm hiệp hoặc truyện kiếm hiệp, đại đa số tác giả đều dựa trên chữ “thù”. Nhân vật chính là một đứa bé toàn gia bị thảm sát hoặc cha mẹ bị giết, lớn lên bôn tẩu giang hồ đầy cạm bẫy, tầm sư học võ, tầm thù rửa hận hoặc nhân vật chính là một nông dân chất phác, một thư sinh nho nhã rơi vào cạm bẫy kẻ thù, vợ con bị giết chết; nhân vật chính có trách nhiệm phanh phui vụ án, vạch mặt kẻ thù và sau cùng là tiêu diệt kẻ thù để rửa hận. Mở đầu cũng là một chữ “thù” và kết thúc cũng là một chữ “thù”. Ngay cả ngày nay công thức đó vẫn còn được xem là khuôn thước cho một số tác giả khi xây dựng truyện kiếm hiệp.
 

Từ ngàn xưa, việc báo thù rửa hận đối với người Trung Quốc cực kỳ quan trọng. Có thể được xem là căn bản trên mọi căn bản. Một người có thể bỏ phí cả một cuộc đời hoặc tiêu tốn cả gia sản chỉ nhằm mục đích để trả thù.
“Huyết trái huyết hoàn” (nợ máu trả máu), “làm người có thù mà không trả thì trời tru đất diệt” hoặc “làm quân tử mười năm báo thù cũng chưa muộn”...
Đừng nói chi đến người Trung Quốc, ngay cả đến người Tây phương cũng đặt chữ “thù” lên hàng đầu đến nỗi Hitler phải viết trong quyển “Cuộc đời chiến đấu của tôi” câu: “Kẻ nào không dám thọc con dao vào tim kẻ thù thì kẻ đó không có khả năng lãnh đạo một dân tộc”.
Nhưng chữ “thù” trong truyện Kim Dung lại được xây dựng trên một căn bản khác. Đó là “không trả thù”. Vào những thập niên 70, 80 phát triển truyện dựa trên suy nghĩ mới mẻ này là một bước đột phá so với các khuôn thước cũ.
Cha mẹ Trương Vô Kỵ bị lục đại phái truy bức đến nỗi phải tự vẫn nhưng lớn lên Vô Kỵ đã không trả thù lục đại phái mà trái lại còn tìm cách hóa giải mối thù của lục đại phái và Minh giáo, tìm cách giải cứu người của lục đại phái khi bị quân Mông Cổ giam giữ ở Vạn An tự.
Dương Qua cha bị Hoàng Dung giết chết, bái sư Toàn Chân giáo thì bị Toàn Chân giáo trù dập, Hoàng Dung không chịu dạy võ công vì sợ bị Dương Qua trả thù, lại bị Quách Phù chém cụt tay nhưng đến khi Dương Qua võ nghệ tinh thâm thì vẫn không trả thù Quách Phù và Toàn Chân giáo trái lại còn giúp Toàn Chân giáo đối phó với quân Mông Cổ.
Trương Vô Kỵ với tuyệt kỹ võ công như Cửu Dương thần công, Càn Khôn Đại Nã Di, bản thân lại là đương kim Giáo chủ Minh giáo thì dư sức làm một cuộc trả thù lục đại phái hay chí ít cũng có thể tạo thành một cuộc “gió tanh mua máu” nhưng Vô Kỵ lại không làm như thế. Dương Qua sau khi học được Độc Cô cửu kiếm và Ngọc Nữ tâm kinh tuy ngang ngửa với Quách Tỉnh nhưng vẫn có thể trả thù Quách Phù và Toàn Chân giáo nhưng Dương Qua vẫn không trả thù.
Nhân vật chính trong truyện Kim Dung không báo thù rửa hận không phải vì không có khả năng hoặc tính tình nhu nhược không có ý chí báo thù mà bởi vì đơn giản là họ không muốn trả thù. Đó là ý nghĩa câu của Trương Vô Kỵ nói với Trương Tam Phong ngay khi còn là một đứa bé: “Cháu không muốn báo thù, cháu không muốn báo thù, cháu chỉ muốn cha mẹ cháu sống lại thôi....” và lớn lên Vô Kỵ cũng nói với người của lục đại phái: “Giết chết quý vị rồi cha mẹ tôi có sống lại được đâu”. Trái lại có những nhân vật vì chữ “thù” mà tạo ra biết bao nhiêu bi kịch.
Bi kịch cho chính bản thân mình và cho cả người thân của mình. Tiêu Phong vì trả thù mà gây ra cái chết của A Châu. Tiêu Viễn Sơn vì muốn trả thù mà phí mất mấy chục năm trời nằm ẩn phục trong chùa Thiếu Lâm, gây nhiều ngộ nhận cho Tiêu Phong (giết Huyền Khổ, Đàm công, Đàm bà) rốt cuộc được nhà sư già thức tỉnh, ông đã ngộ ra rằng công cuộc báo thù chỉ tạo ra một trường kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt nên cuối cùng đã xuất gia đầu Phật. Lâm Bình Chi vì muốn báo thù Dư Thương Hải đã huyết tẩy Phước Oai tiêu cục mà tìm mọi cách để được vào làm môn đồ của Hoa Sơn phái và học Tịch Tà kiếm phổ. Nhưng sau khi trả được thù thì kết cục của Lâm Bình Chi cũng rất là bi thảm. Tạ Tốn vì muốn báo thù Thành Khôn nên đã giết rất nhiều cao thủ võ lâm (nhằm làm cho Thành Khôn xuất đầu lộ diện), tạo nên nhiều oan kiếp. Sau khi giết được Thành Khôn, Tạ Tố tự phế võ công và tự nguyện để cho các môn phái bang hội nào có người thân bị chết trong tay Tạ Tốn đến trả thù. Nhưng những người này cũng không trả thù Tạ Tốn bởi vì bấy giờ Tạ Tốn chỉ là một ông già mù mất hết võ công.
Mỗi một bãi nước bọt phun vào người Tạ Tốn là một hình thức trả thù hết sức mới mẻ của Kim Dung.
Với một góc độ nhìn về chữ “thù” tương đối mới phải chăng Kim Dung muốn dẫn dắt độc giả đến gần với quan điểm từ bi hỷ xả trong tư tưởng nhà Phật: oan oan tương báo biết bao giờ mới dứt, khổ hải vô biên quay đầu là bờ.

Xem Tiếp: ----