(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Trân Châu Cảng

    
hững phản ứng thượng đỉnh
Ngày 7 tháng 12 năm 1941 giờ TMG (giờ Ba Lê) một tin tức kinh hoàng làm chấn động hoàn cầu. Đối với cả thế giới đã chai đá vì chiến tranh này, sự loan báo một cuộc tấn công bằng không quân của Nhật vào hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng là một đại biến cố khó tin. Đấy là một biến cố có tầm mức quan trọng đến nỗi, trong tất cả mọi quốc gia, các Quốc trưởng, các Thống chế, Đại sứ, Tổng Bộ trưởng đều được báo tin ngay tức khắc. Tùy viên và thư ký hấp tấp đến gặp họ, người thì đang ăn, kẻ đang ngủ, đang chơi golf hay ở đâu đó, vì quả thật 21 giờ ngày 7 tháng 12 tại Ba Lê và Luân Đôn, là 22 giờ tại Bá Linh, 23 giờ tại Mạc Tư Khoa, 5 giờ ngày 8 tháng 12 tại Trùng Khánh và 6 giờ cùng ngày tại Đông Kinh.
Trên quần đảo Hạ Uy Di, nơi xuất phát nguồn tin, lúc đó là 3 giờ sáng Chủ nhật 7 tháng 12, tiếng bom nổ như sấm do các phi cơ Nhật ném xuống căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng như chiếc búa của người nhắc tuồng đã vén màn cho cảnh đầu tiên của vở tuồng chiến tranh trên Thái Bình Dương. Chắc chắn là một nhát búa mạnh mẽ rồi; nhưng trong tầm mức của sân khấu vĩ đại ấy.
Vài phút sau, vô số điện tín được gửi đi ào ào như tuyết băng bằng bạch văn và lập tức được tất cả các thông tấn tiếp chuyển đi nữa. Một vài điện tín chuyển các câu nói lẫn lộn khó nghe đã mang tính cách trung thực không còn chối cãi gì được, khi thì ghi câu nói từ một đài kiểm soát chỉ vào các phi cơ đang sà xuống: “Nhiều phi cơ lạ tấn công phi trường”, khi thì ghi câu nói từ một bộ chỉ huy được lặp đi lặp lại bằng giọng lo âu: “Không tập trên Trân Châu Cảng! Đây không phải là một cuộc thực tập!”.
Ngay cả trước khi các sĩ quan trực tại Ngũ Giác Đài kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, toàn thể thế giới đã biết rằng một cuộc không tập táo bạo và rộng lớn đến sửng sốt, đã được khởi động trên căn cứ Hải quân lớn lao của Mỹ tại Thái Bình Dương. Toàn thế giới... ngoại trừ tòa Bạch Ốc như xưa nay vẫn vậy, vốn dường như là nơi cuối cùng được báo tin, vì chiều cao của các bậc thang ở khắp nơi và luôn luôn như thế, đưa đến vị lãnh đạo tối cao, cũng như vì các nhân vật hữu trách sợ làm rối loạn niềm say sưa chiến thắng đang ngự trị nơi đó.
Lúc Tổng thống Roosevelt đang ăn trưa một mình với Harry Hopkins trong căn phòng hình trái xoan, bàn phiếm đến điều này điều nọ chẳng ăn nhập gì đến chiến tranh, trước 14 giờ một chút, thì Bộ trưởng Hải quân Frank Knox điện thoại đến báo cáo rằng người ta vừa trình cho ông một công điện vừa nhận được loan báo một cuộc không tập đang xảy ra tại Oahu và rằng đấy không phải là một cuộc thực tập.
Hopkins quả quyết tuyên bố rằng đấy là một sự lầm lẫn và rằng “Nhật Bản không bao giờ tấn công Honolulu”. Tổng thống đồng ý và bắt đầu lại chuyện bỏ dở, đề cập đến các nỗ lực của ông để giữ cho nước Mỹ đứng ngoài vòng chiến tranh, những nỗ lực của ông muốn theo đuổi cho đến khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt. Rồi cuộc điện đàm với Frank Knox lại trở lại trong trí ông, ông nhìn Hopkins và nói: “Người Nhật chuyên môn tìm cách châm ngòi chiến tranh một cách bất ngờ và đúng lúc họ đang thương thuyết hòa bình! Trong trường hợp ấy ít ra là tôi cũng được rảnh tay, họ đã quyết định thay tôi!”.
Đến 14 giờ 05, ông gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Cordel Hull, báo cho ông ta biết về bức công điện và yêu cầu ông ta thay mặt ông tiếp các sứ thần đặc biệt Nhật, Đô đốc Nomura và Công sứ toàn quyền Kurusu, mà ông đã hẹp tiếp vào lúc 15 giờ và đối xử lễ độ với họ mà không cần ám chỉ đến bản công điện.
Lúc 14 giờ 28, đến phiên Đô đốc Stark, Tư lệnh hành quân biển, gọi điện thoại cho Tổng thống và xác nhận rằng quả có một cuộc tấn công vào hạm đội và rằng người ta phàn nàn về nhiều tổn thất nhân mạng. Ông ta hỏi Tổng thống phải làm gì, Roosevelt trả lời rằng mọi sự sắp đặt đã có sẵn, chỉ còn chuyển đến cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân, mệnh lệnh yêu cầu thi hành các biện pháp đã tiên liệu trong trường hợp chiến tranh khai mào trên Thái Bình Dương. Một lát sau Tổng thống soạn một thông cáo cho báo chí và cho triệu tập vào lúc 15 giờ Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, Bộ trưởng Hải quân Konx, Đô đốc Stark và tướng Marshall, lần lượt là Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Lục quân.
Dường như mãi đến lúc đó Roosevelt vẫn còn rất nghi ngờ giá trị của tin tức do Konx chuyển trình và tầm quan trọng của cuộc tấn công do quân Nhật chủ xướng. Cuộc hội nghị do Tổng thống triệu tập với hai Tổng trưởng và hai vị Tư lệnh đã diễn ra trong một không khí bình tĩnh. Trong hội nghị người ta nói về sự cần thiết phải chiến thắng chế độ độc tài Hitler bằng vũ khí, điều này bắt buộc trước sau gì cũng phải tham chiến. Mỗi người đều phát biểu ý kiến rằng nếu Nhật tạo cho Mỹ một cái cớ thì lại càng tốt hơn.
Cuộc hội nghị không ngớt bị gián đoạn vì tiếng chuông điện thoại mà Tổng thống chỉ im lặng nghe, nét mặt ghi dấu một mối âu lo ngày càng lớn. Tuy nhiên để trả lời cho một trong các cuộc điện đàm ấy, người ta nghe ông đã trả lời bằng một giọng cương quyết: “Giờ đây chúng ta là kẻ đồng hội đồng thuyền. Ngày mai tôi sẽ triệu tập Quốc hội...”.
Đó là Churchill từ Luân Đôn gọi ông. Thủ tướng Anh biết tin lúc đang ăn tối tại Chequers với Đại sứ Winant và Averell Harriman. Một chiếc máy thu thanh xách tay nhỏ - quà của Harry Hopkins - để trên bàn và trong bản tin 21 giờ, giọng nói thản nhiên của xướng ngôn viên đài BBC đã làm rối loạn cuộc tiếp xúc giữa ba nhân vật. Lập tức Churchill rời khỏi bàn và bước qua căn phòng ăn để bước vào phòng các thư ký, ông yêu cầu dùng đường dây liên lạc đặc biệt với Hoa Thịnh Đốn và ông được nói chuyện lúc hội nghị đang họp.
“Thưa Tổng thống, có chuyện gì xảy ra với người Nhật thế?”
“Họ vừa tấn công chúng tôi tại Trân Châu Cảng. Giờ đây chúng ta là kẻ cùng thuyền”.
Churchill đã nhắc lại cuộc đàm thoại này trong tập Hồi ký của ông và thêm vào lời bình phẩm này:
“Lúc đó chúng tôi trở lại phòng ăn và cố tập trung ý tưởng để suy nghĩ về biến cố quốc tế ấy vốn bất ngờ đến nỗi đã làm hụt hơi ngay cả những kẻ trong cuộc”.
Lúc cơn lốc tin tức ấy được chuyển đến dinh Tể tướng tại Bá Linh là 22 giờ, nơi đây đặc biệt lại có mặt Adolf Hitler, vừa từ Tổng hành dinh của ông tại Đông Phổ trở về hôm trước. Vừa nghe tin đài phát thanh, ông chạy như gió vào phòng hành quân nơi Tướng Jodl và Thống chế Keitel làm việc. Cả hai người giật nẩy mình khi biết tin cuộc tấn công của Nhật. Fuhrer tức giận điên cuồng và đánh giá sự khởi xuống cuộc chiến mà ông không hề được biết trước này là “Sự không đứng đắn không tha thứ được” và là “chiến lược sai lầm”. Ông cũng không quên ra lệnh cho Hải quân từ ngày mai phải tấn công bất cứ chiến hạm nào của Mỹ bị bắt gặp “trong bất cứ khu vực nào”. Vậy thì chiến tranh giữa Đức và Mỹ đã được âm thầm tuyên bố.
Tại Điện Cẩm Linh, Stalin nhận được tin mà không tỏ ra ngạc nhiên chút nào và lại còn với cả một sự hài lòng ra mặt. Trong thực tế, chính ông ta cũng nổi cơn thịnh nộ, nhưng lần này lại thịnh nộ với chính mình. Ông ta đã được báo tin tám ngày trước về bản chất, ngày tháng của cuộc tấn công nhờ màng lưới gián điệp của ông tại Nhật, nhưng ông ta đã không để ý đến nguồn tin ấy. Sự coi thường này lại càng khó giải thích khi mà nguồn tin lại xuất phát từ điệp viên Sorge, người mà tất cả các tay nhà nghề ngày nay đều nhất trí thừa nhận là điệp viên tài ba nhất trong Đệ nhị Thế chiến và có lẽ là vô tiền khoáng hậu.
Sorge là người Đức. Trong suốt cuộc Đệ nhất Thế chiến, ông chiến đấu trong hàng ngũ của đạo binh vùng Kaiser. Giải ngũ về nhà năm 1918, ông tiếp xúc với các phân tử cực tả trong đó có nhiều người là bạn thân của gia đình. Ngày trước tổ phụ ông là thư ký của Karl Marx. Đổi chính kiến theo cộng sản, ông bí mật qua Mạc Tư Khoa và trải qua một cuộc huấn luyện đặc biệt trong các cơ sở gián điệp tại đấy. Được người Nga phái qua hoạt động tại Viễn Đông, ông đã sống dưới nhiều “vỏ” khác nhau, trước hết tại Thượng Hải, sau đó tại Đông Kinh, tại đây tư cách công dân Đức đã giúp ông trở thành thông tin viên chính thức của tờ “Franfkurter Zeitung”. Ông kết thân được với Đại sứ Đức tại Nhật và được ông này coi là một cộng sự viên quí giá và đáng tin cậy đến mức thường gọi ông đến để thảo các công điện! Phía người Nhật, Sorge đã tạo nên được nhiều môn đệ, trong số đó có một người chiếm giữ địa vị rất cao. Hozumi Ozaki, người sau đó trở thành một trong những Bộ trưởng quan trọng của nội các Tojo, và cung cấp cho ông những tin tức quan trọng hàng đầu.
Staline đã từng có cơ hội thẩm định giá trị của các tin tức do Sorge cung cấp, bởi vì lần lượt ông đã được báo trước về việc ký kết hiến chương Antinkomintern, về cuộc tấn công của Đức vào Nga Sô và quyết định của Nhật không tấn công vào Sibérie (tất cả các tin tức này được chứng thực là hoàn toàn đúng). Thế tại sao ông lại không quan tâm một chút nào về tin tức liên quan đến Trân Châu Cảng? Bí mật... Vì là Quốc trưởng duy nhất biết được nguồn tin, ông có thể rút ra từ đó phần lợi ích lớn lao đáng kể. Rất có thể là sự khinh thường bệnh hoạn của ông đã ngăn trở ông.
Ngoài “tiết lộ Sorge”, không một điểm nào của các kế hoạch Nhật Bản bị thoát ra ngoài. Thật vậy, qui tắc bí mật, luôn luôn được tôn trọng chi li tại Nhật, đã được đẩy mạnh đến cực điểm đối với công cuộc chuẩn bị cho cuộc không tập vào Trân Châu Cảng. Ngoài các giới tối cao trong chính phủ (trong số đó có người cung cấp tin tức cho Sorge), chỉ có các Đô đốc và Tư lệnh hạm đội không hải lực thuộc Hải quân sẽ tham dự trực tiếp vào cuộc hành quân mới được biết mục tiêu là Trân Châu Cảng. Các mệnh lệnh được chuyển đi trong các cặp hồ sơ khằn kín cho tất cả các viên chức chấp hành với lời ghi chú “Bí mật tuyệt đối, chỉ được mở khi đã ở trên biển cả”. Lệnh im lặng vô tuyến đã được ban hành và được tất cả chiến hạm tuyệt đối tôn trọng. Ngoài các máy phát trên các hàng không mẫu hạm trực tiếp tham dự cuộc hành quân, nhiều máy phát tin chính xác tương tự cũng được đặt trên các đảo nhỏ ở phía Nam Thái Bình Dương để gây ảo tưởng về một hoạt động gắt gao trong vùng này qua khối lượng điện văn đánh đi. Bộ Tư lệnh tối cao Nhật còn đẩy mạnh sự cẩn trọng đến mức giao cho các hiệu thính viên phục vụ trên các hàng không mẫu hạm điều khiển các máy phát tin này, họ tạm thời được các chuyên viên khác thay thế. Do đó các cơ sở bắt tin của Mỹ nên được giải tội vì đã bị cho vào bẫy.
Trừ lệ độc nhất đối với qui tắc cứng rắn này đã được dành cho một nhà ngoại giao Nhật đã sống nhiều năm tại Hạ Uy Di. Ông “Phó lãnh sự Morimura” không ai khác hơn là một cựu sĩ quan Hải quân, bị giải ngũ vì lý do sức khoẻ, tên là Takeo Yoshikawa. Ông được nhà cầm quyền Nhật giao cho nhiệm vụ cung cấp tin tức hàng ngày về các cuộc điều động của hạm đôi tại Trân Châu Cảng. Ông đã thi hành nhiệm vụ một cách hoàn toàn và các báo cáo của ông, được chuyển từ Honolulu đến Đông Kinh bằng đường dây điện tín thương mại thông thường, đã được thích nghi hóa theo một ngôn ngữ ước định cực kỳ đơn giản đến nỗi chúng chẳng hề báo động gì cho các chuyên viên Mỹ vốn rất từng trải đối với công việc “giải mật mã” phức tạp chỉ lo tận lực mở khóa hàng đống điện văn đáng nghi. Chính bức điện tín cuối cùng của ông - bề ngoài rất hòa dịu - “Có ít hoa nở hơn bất cứ mùa nào trong năm, ngoại trừ hoa dâm bụt và hoa cúc vàng”, vào phút chót, đã khiến cho Bộ Tư lệnh tối cao quyết định chuyển cho hạm đội hàng không mẫu hạm mệnh lệnh cuối cùng - bề ngoài cũng rất hòa dịu - “Leo núi Nitaka”, có nghĩa là “Hãy khởi động cuộc tấn công!”.