(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Mac Arthur trở lại Manille

    
ế hoạch của Mac Arthur là đổ bộ lên Lujon tại vịnh Lingayen như quân Nhật đã làm năm 1941, và cũng như họ thọc sâu vào Manille càng nhanh càng tốt. Trong sự vội vã muốn giải phóng các con tin Phi Luật Tân đang chết đói dần mòn trong các trại giam, ông ấn định ngày đổ bộ là 20 tháng 12 năm 1944. Đô đốc Kinkaid lưu ý ông rằng cần phải chiếm đảo Mindoro trước để có thể chuyển vận quân của Tướng Krueger từ Leyte đến Lingayen qua nội hải Soulou dưới sự che chở của không lực đặt căn cứ trên các phi trường thuộc đảo này. Ông Tướng nghe theo và cuộc đổ bộ lên Mindoro được ấn định là ngày 15 tháng 12, trong khi ngày đổ bộ lên Lujon được dời lại cho đến đầu tháng giêng năm 1945.
Cuộc chuyển quân của Krueger từ Leyte đến Mindoro không gặp khó khăn vì Tướng Yamashita không tiên liệu được quả đấm móc này nên đã để cho tiểu đảo này gần như không được phòng thủ. Nhưng các chuyến tàu đi lại cần thiết để chuyển vận 200.000 người và một số vật liệu cồng kềnh vĩ đại đã kéo dài mất hai tuần, trong thời gian đó lực lượng thủy bộ của Đô đốc Kinkaid hàng ngày phải chịu đựng các cuộc xung phong của phi cơ Kamikaze.
Tại Lujon và tại Cébu, bằng tất cả mọi thứ mưu chước, Onishi đã tăng cường được cho các đơn vị phi cơ tự sát bất chấp các cuộc oanh tạc liên tục. Các phi công được huấn luyện kỹ hơn số đầu tiên và sự tiến quân đến gần của địch đã khích động toàn thể đơn vị bằng một cơn mưa cuồng nộ quái gở. Về phía ông, Toyoda đã thực hiện một nỗ lực tối hậu để làm chậm đà tiến của Mỹ. Hai chiếc Oyodo và Ashigara - hai tuần dương hạm chót - đã được lệnh khởi hành dưới quyền Đô đốc Kimura để làm tê liệt hải đội vận chuyển quân xâm chiếm. Đại mẫu hạm Unryu, đang còn dở dang, cũng được lệnh nhổ neo đến Phi Luật Tân bằng cách chạy dọc theo bờ biển Nam Hải qua eo biển Đài Loan. Chính bờ biển này đã hoàn toàn bị Nhật chiếm đóng từ Thượng Hải cho đến Hà Nội để đề phòng các cuộc đổ bộ của Mỹ và mọi mưu toan tiếp tế bằng đường biển cho đạo quân của Tưởng Giới Thạch. Thời gian quân Mỹ bị mất đi trong cuộc đổ bộ lên Mindoro đã làm lợi cho Nhật.
Kể từ 15 tháng 12 các đơn vị Kamikaze của Onishi tràn ngập các hải vận hạm và chiến hạm thủy bộ của Kinkaid. Năm L.S.T (Landing Ship Tank) và ba Liberty Ships bị đánh chìm và tuần dương hạm Nashville, mang hiệu kỳ của Đô đốc Strubble, bị hư hại nặng, 133 sĩ quan và thủy thủ trong đó có Tham mưu trưởng của Strubble tử trận sau tiếng nổ của Kamikaze. Mối đe dọa trở nên trầm trọng. Mac Arthur liền ra lệnh cho đệ ngũ không lực gửi gấp 92 khu trục cơ và 13 B-25 đến Mindoro. Kinkaid phân phối các tiềm thủy đỉnh chung quanh quần đảo Phi Luật Tân và tập họp đến Mindoro nhiều hải đội khinh tốc đỉnh phóng thủy lôi.
Ngày 19 tháng 12, tiềm thủy đỉnh Redfish may mắn bắt gặp đại mẫu hạm Unryu lộ liễu tại eo biển Đài Loan, và phóng thủy lôi đánh chìm nó. Mối đe dọa trầm trọng nhất đã bị gạt bỏ. Ngày 25 tháng 12, khi hai tuần dương hạm của Kimura tiến vào vùng nội hải Soulou để tấn công lực lượng của Đô đốc Strubble, chúng bị tấn công bởi một đoàn phi công đông như ong và các khinh tốc đỉnh phóng thủy lôi, đến nỗi phải quay trở lại và trở về Nhật Bản. Kinkaid đã thoát nguy và tự khen là đã chiếm Mindoro được.
Giai đoạn tiếp theo tiến về Lingayen lại là một việc hoàn toàn khác. Đảo Lujon to lớn được phòng thủ bởi chừng 60.000 quân của Tướng Yamashita, số quân này được tăng cường mau lẹ bởi 10.000 Thủy quân lục chiến của Đô đốc Ywabachi, Tư lệnh căn cứ Manille. Onishi và Fukudomé chỉ huy những gì còn lại của đệ I và đệ II không lực, gần như gồm toàn Kamikaze. Toàn diện đạo quân chiếm đóng Lujon đều được vũ trang cùng mình và quyết định đánh đến chết không có ý tưởng rút lui.
Lực lượng hải quân che chở của Mỹ, với sức mạnh 6 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm, 12 mẫu hạm hộ tống và chừng 40 khu trục hạm, nhổ neo rời Leyte ngày 3 tháng giêng năm 1945 đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Oldendorf, tiến vào nội hải Soulou qua eo biển Surigao dưới sự che chở của một chiếc dù khu trục cơ hùng mạnh. Trong ngày đầu tiên, các phi cơ của Mỹ thành công trong việc làm tê liệt không cho Kamikaze cất cánh bằng cách oanh tạc các phi trường của chúng. Nhưng kể từ ngày 4 tháng giêng, Onishi tuôn vào hạm đội xâm chiếm một cuộc thao diễn liên tục. Một mẫu hạm hộ tống bị đánh chìm, một chiếc khác bị hư hại nặng cũng như hai tuần dương hạm và một khu trục hạm. Lực lượng hải quân che chở không vì thế mà từ bỏ tiếp tục hải trình đến vịnh Lingayen để oanh tạc hệ thống phòng thủ của Nhật. Cuộc oanh tạc và hải pháo này được dự liệu trong ba ngày trước khi lực lượng chuyển vận thủy bộ chuyển quân đến. Đó là ba ngày hỏa ngục. Trưa ngày 6 tháng giêng, một trong các chiến hạm đầu tiên, chiếc thiết giáp hạm New Mexico khai hỏa đồng loạt 12 khẩu đại pháo 355 ly nhắm vào hệ thống công sự phòng thủ của Nhật. Đứng trên cánh trái của đài chỉ huy, viên hạm trưởng quan sát cuộc tác xạ bằng ống dòm. Bên cạnh ông có trung tướng Herbert Lumsden, sĩ quan liên lạc đặc biệt của riêng Churchill cạnh Tướng Mac Arthur và phóng viên của tạp chí “Time”. Đột nhiên một tiếng la vang lên từ spardeck (chiếc cầu trên boong tàu) và súng cao xạ bắt đầu khạc đạn điên cuồng. Các sĩ quan quay lại và bị chói mắt vì một ngọn lửa đỏ rực soi sáng những cuộn khói bốc ra từ các nòng súng sau khi viên đạn thoát ra. Trước khi họ kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một tiếng bùng lên vang dội làm bay tung cánh trái của đài chỉ huy và tất cả những người đứng trên đó. Chiến hạm đột ngột chậm lại và tách ra khỏi trục tiến quân. Một Kamikaze vừa đâm xuống tan nát với một sự chính xác quái lại ngay trên đài chỉ huy. Hoàn toàn bất ngờ, vì chiếc phi cơ này vừa bị trông thấy trong đám mây khói bay chữ chi cầu may với một cánh đã bị lửa thiêu rụi ba phần tư. Chiếc thiết giáp hạm dập tắt được ngọn lửa nhưng 30 người - trong đó có hạm trưởng và khách của ông - đã bị giết và có 87 người bị thương.
Vài phút sau, đến lượt khu trục hạm Walk bị bốn Kamikaze tấn công. Hai chiếc đầu hụt con mồi, nhưng chiếc thứ ba đâm bể tan trên cầu tàu gây ra một vụ cháy xăng tại đấy. Hạm trưởng và nhiều thủy thủ, biến thành những cây đuốc sống, đã chết vì vết cháy. Hai khu trục hạm khác bị hư hỏng cũng bằng cách đó và một tàu rà mìn bị đánh chìm. Mặt biển Lingayen phô bày một quang cảnh trước nay chưa từng có. Bầu trời hoàn toàn lặng gió. Khói súng cao xạ liên tục rất lâu tan. Bên trên, bầu trời phủ đầy những đốm trắng sau các tiếng nổ của đạn phòng không. Bên dưới, mặt biển dâng lên vì những chùm đạn đạo và nhiều đám khói dày đặc kéo lê sau các chiến hạm bị bốc cháy. Đôi lúc, một chiếc nấm đen khổng lồ bốc lên cao, chen lẫn những vạch lửa đỏ rực: một Kamikaze vừa đâm xuống nước.
Thiết giáp hạm California, tuần dương hạm nhẹ Columbia, tuần dương hạm của Úc Australia - mà đây là lần thứ hai bị đánh trúng - lần lượt bị Kamikaze đâm tan nát trên sàn tày hay trên đài chỉ huy. Đến 17 giờ 30, sau một lúc yên tĩnh, tuần dương hạm nặng Louisville phủ đầy khói. Một Kamikaze đâm xuống sàn trước mũi, ngang với đài chỉ huy, Đề đốc Chandler, Tư lệnh hải đội, bị thảm xăng bừng lửa phủ ập lên cầu tàu đốt cháy. Ngọn lửa thoát ra từ kẽ hở do trái bom nổ xoi thủng. Chiến hạm, tạm thời bị hư hỏng, rút lui khỏi vòng chiến.
Tình thế rất nghiêm trọng. Chưa bao giờ kể từ các trận đánh hỗn loạn tại Guadalcanal, hạm đội Mỹ lại bị những tổn thất đến thế. Oldendorf lại càng lo lắng hơn khi mà hai lực lượng chuyển vận thủy bộ, các mẫu hạm hộ tống và chiếc tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và ban tham mưu của ông đã nhổ neo lên đường. Nhưng bóng đêm đổ xuống mà không có báo động mới nào và khi nhận được các báo cáo yên tâm do các hạm trưởng các chiến hạm bị hư hại gửi ông quyết đến, định chờ đến sáng để xem có nên từ bỏ cuộc hành quân hay không.
Ngày 8 tháng giêng năm 1945 ít sôi động hơn. Vài tàu rà mìn bị đánh trúng và tự nhiên là bị tan nát bay tung từng mảnh, và tuần dương hạm Australia, rõ rệt là gặp rủi ro, lần lượt tiếp nhận chiếc phi cơ Kamikaze thứ ba rồi thứ tư. Nhưng chiếc chiến hạm mạnh mẽ của Úc sống thật dai, và khi đã thoát khỏi nguy hiểm, viên hạm trưởng chắc sẽ không ít kiêu hãnh vì kỷ lục lạ lùng này.
Trong thời gian đó, lực lượng xâm chiếm chạy dọc theo bờ biển tây Lujon, tiến đều mà không hề bị một cuộc tấn công nào cả, bởi vì Onishi được biết tin có một Lực lượng đặc nhiệm gồm nhiều mẫu hạm đang bọc vòng phía bắc Phi Luật Tân, nên đã để dành phi cơ Kamikaze cho con mồi quan trọng ấy. Thật vậy, Đô đốc Halsey đã quyết định che chở cho cuộc đổ bộ của Mac Arthur bằng cách oanh tạc tất cả các phi trường tại Đài Loan và dọc theo bờ biển Nam Hải.
Trước khi đến cùng biển Lingayen hai lực lượng chuyển vận thủy bộ của Đô đốc Kinkaid với các mẫu hạm hộ tống và các tuần dương hạm che chở cho chúng cũng bị một vài Kamikaze tấn công. Mẫu hạm Kinkum Bay và tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và Bộ tham mưu của ông đều bị tấn công nhưng không bị chìm.
Ngày 9 tháng giêng khi cuộc đổ bộ bắt đầu, tuần dương hạm Columbia bị chiếc Kamikaze thứ hai, nó thoát ra được mà không bị thiệt hại gì nhiều nhưng đã thêm 92 người tử trận vào một danh sách đã quá dài. Dầu cho hung tàn và gây mệt lử đến mấy, các mũi chích của bầy ong vò vẽ ấy cũng không thể nào làm chậm được nhịp đổ bộ lý do là vì cuộc chống cự trên bãi biển quá yếu. Mặc dầu có sự can thiệp quá chậm của nhiều khinh tốc đỉnh chứa đầy chất nổ bắt chước kiểu tàu M.A.S. của Ý, ban đêm lao vào các chiến hạm đổ quân, nhưng các hải vận hạm chở quân và chiến cụ đã có thể chuyển lên bờ tất cả binh sĩ và vật liệu rồi nhổ neo trước khi bình minh ngày 10 tháng giêng ló dạng. Mẫu hạm hộ tống Salamaua suýt bị một Kamikaze đánh chìm, đã kết thúc vận đen của những ngày khủng khiếp ấy.
Trong khoảng thời gian đó, Onishi sử dụng tất cả phi cơ có trong tay để tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey và gây cho ông ta những tổn thất nặng nề: 201 phi cơ, 167 phi công, hai mẫu hạm bị hư - chiếc Langley và chiếc Tincoderoga - và một khu trục hạm biến thành cái xác tàu. Nhưng vì tất cả tài nguyên đã cạn, ông quyết định gửi đến Đài Loan, đặt dưới quyền của Fukudomé, 47 phi cơ tốt nhất còn lại. Chính ông, ở lại tại chỗ với 10 phi cơ cũ kỹ chỉ có thể cất cánh được với chừng 30 phi công không thể nào di tản được. Cũng như hạm trưởng một chiến hạm không muốn bỏ tàu, Onishi nghĩ rằng bổn phận của ông là ở lại với những người “hèn mọn” tại các phi trường thuộc Phi Luật Tân, những người trong hơn ba tháng liền đã đảm trách một công việc làm bạc bẽo, việc làm của các cơ khí viên đằng sau bối cảnh của thiên anh hùng ca Kamikaze. Sau khi thiết lập ban chỉ huy trong núi, với một nhiệt tâm bất khuất, ông điều động tổ chức cuộc bố phòng theo chiều sâu tại phi trường Clark với nhân viên của không lực thuộc hải quân được vũ trang bằng đại liên, súng cá nhân và lựu đạn.
Khi công việc đang tiến hành tốt đẹp thì ông nhận được một công điện của Đô đốc Salomon nay là Tư lệnh hải quân tại Manille, báo tin là ông phải cấp tốc trở về Nhật do lệnh của Tổng hành dinh Thiên hoàng. Phản ứng đầu tiên của Onishi là từ chối thi hành mệnh lệnh này. Phải có sự khẩn nài tha thiết của viên Tham mưu trưởng của ông, đại tá Inoguchi, ông mới bằng lòng rời thuộc viên của mình. Kondo không để cho ông phải đòi hỏi giải thích nguyên nhân: “Tổng hành dinh Thiên hoàng đã chỉ định ông làm Tư lệnh tất cả những gì còn lại của không lực thuộc hải quân tại Nhật Bản. Fukudomé sẽ gửi cho ông một phi cơ từ Đài Loan. Ông sẽ đi ngay khi phi cơ đáp xuống Clark.
Onishi nhượng bộ Kondo nói tiếp: “Inoguchi phải tập họp các phi công ưu tú nhất và các cơ khí viên còn sống sót của Đệ I không lực. Nhiều phi cơ khác cũng sẽ đến kiếm họ”.
Vài giờ sau, Onishi và Inoguchi vẫy chào tất cả thuộc viên giữa các pháo đài và hang động mà họ vừa thiết lập. Sự thử thách còn đau đớn hơn nữa vì sự ra đi của những người được tuyển lựa này có thể tạo cho người ở lại một cảm nghĩ đào nhiệm. Hôm sau Onishi rời phi trường Clark. Khi đến Đài Loan, phi cơ của ông thoát khỏi một phi đoàn khu trục Mỹ trong gang tấc. Lúc Fukudomé đến đón ông tại phi trường và chúc mừng sự may mắn mà ông vừa trải qua, ông buồn bã gật đầu. Trăm lần ông thích cái chết hơn là cái thử thách đang chờ ông.
Trong khi binh sĩ của Yamashita tổ chức kháng cự trong các dãy núi xanh om, trên đảo Lujon, đệ lục lộ quân của Tướng Mac Arthur đồn trú chung quanh Lingayen với sự chậm chạp huy hoàng vẫn thường chi phối các cuộc điều động các đại đơn vị. Cuộc kháng cự từng đợt của địch không đáng kể nhưng khung cảnh thiên nhiên của chiến trường và các sự phá hoại của quân Nhật đủ làm tê liệt đà tiến của chiến xa và thiết giáp. Mac Arthur dậm chân nóng nảy. Ông được báo tin rằng gần 3.000 người Phi Luật Tân và vài trăm người Mỹ bị nhốt trong các trại giam ở Manille đang chết đói dần mòn. Thấy rằng không thể nào sửa đổi lệnh di chuyển các Sư đoàn bộ binh nặng nề được, ông cho gọi từ Leyte đến Sư đoàn 1 khu trục hạm binh thân yêu của ông, Sư đoàn mà ông sử dụng để đánh chiếm bất thần quần đảo Amiranté. Khi Tướng Oscar Griswold, Tư lệnh Sư đoàn, đến Lingayen, Mac Arthur nói với ông: “Hãy thọc sâu vào Manille! Bọc vòng bọn lùn, đẩy dồn bọn lùn lại, nhưng hãy thọc sâu vào Manille và giải phóng các con tin!”.
Sư đoàn 1 đổ bộ ngày 27 tháng giêng, và không có sự yểm trợ nào ngoài hai không đoàn Thủy quân lục chiến, nó dấn mình vào con đường lồi lõm ngay hôm sau, bắc cầu qua những con sông nước lớn, vượt qua các đầm lầy. Coi thường các khẩu đại bác từ trên đồi cao bắn xuống, băng qua ruộng lúa để bọc vòng các ngã tư đường do quân Nhật chiếm giữ, trong ba ngày Sư đoàn tiến xa 80 cây số. Ngày 3 tháng 2 năm 1945 lúc 18h 30, các chiến xa nhẹ của thiếu tướng Chase tiến vào Manille sau khi đẩy dồn các tiền đồn của quân trú phòng. Thiếu tướng thọc sâu bất định vào các con đường tối om và vắng ngắt của thành phố to lớn ấy, nhờ các hướng đạo viên và các chiến sĩ trong các chiến khu thu lượm dọc đường hướng dẫn. Chiến xa vượt qua con sông Pasig chảy ngang qua Manille trên chiếc cầu duy nhất còn lại nguyên vẹn và đột nhập vào Tổng hành dinh đặt tại viện đại học San Thomaco, nơi các con tin bị nhốt. Bất ngờ vì cuộc tấn công sấm sét này, quân trú phòng trong viện đại học rút lui về nhiều dãy nhà khác nhau và hỏa lực của họ càn quét các con đường kế cận. Chase ra lệnh bao vây khám nhà và gửi các đại biển đến gặp viên Đại tá Nhật, mà sau cuộc thảo luận kéo dài, bằng lòng phóng thích các con tin với điều kiện để cho ông thoát ra khỏi vòng vây cùng với binh sĩ mang theo vũ khí nhẹ. Thỏa hiệp này được tôn trọng triệt để và đến bình minh hôm sau, 2.700 người Phi Luật Tân, 300 người Mỹ xanh xao ốm yếu và gần chết đói bước ra khỏi nhà giam, nơi họ bị nhốt suốt trong ba năm chết chóc.
Cuộc ngưng bắn này chỉ là tạm thời. Trước khi bộ binh của đệ lục lộ quân đến, 20.000 quân Nhật có mặt trong thành phố Manille đã có thì giờ đào hào đắp lũy. Nhiều trận đánh trên đường phố cũng khốc liệt như tại Stalingrad diễn ra trong hai tuần ngay giữa các đống đổ nát, giữa nhiều bức tường đổ sụp lẫn lộn với thép gai và trong một mùi hôi thối không chịu nổi của các xác chết bị ánh mặt trời nhiệt đới hấp nóng. Ngày 3 tháng 3 năm 1945, khi pháo đài cuối cùng của Nhật bị triệt hạ bằng lựu đạn và súng phun lửa, thành phố chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Khách sạn Manille Hotel là một trong các cao ốc còn đứng vững và Mac Arthur còn có thể leo lên để thăm lại căn nhà xa hoa trong cảnh điêu tàn của ông. Ông tìm thấy lại ở đây chiếc đàn dương cầm vỡ nát, vài cuốn sách và các tài liệu bị cháy đến ba phần tư nằm sóng sượt trên những mảnh vụn của thư viện riêng. Người ta đã đánh nhau tại đó mấy hôm trước, từ tầng lầu này đến tầng lầu khác.
Tại Corregidor, sau khi được giải phóng nhờ một Tiểu đoàn dù, ông vui sướng thấy lại được chiếc xe hơi Rolls xưa cũ được đánh bóng loáng và còn chạy được. Ông cho thượng quốc kỳ “sao và sọc” lên cột cờ của đồn binh trong khi cả một Trung đoàn hát bản quốc ca. Sau vài phút nghi lễ tiếp đón, ông quay lại phía các binh sĩ tháp tùng và nói với họ: “Tạ ơn Chúa! Này các ông, chúng ta đến nơi rồi đấy!... Đoạn đường đã quá dài!...”
Không một người nào nghe ông lại có thể tưởng tượng được rằng công cuộc giải phóng toàn thể Phi Luật Tân sẽ còn đòi hỏi thêm năm tháng chiến đấu gay go nữa.